Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Tịnh Luật - Phẩm Một - Phẩm Nghĩa Chân đế

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

VĂN THÙ SƯ LỢI TỊNH LUẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MỘT

PHẨM NGHĨA CHÂN ĐẾ  

Nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật du hóa tại núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành La Duyệt Kỳ thành Vương Xá cùng với chúng Đại Tỳ Kheo gồm đủ một ngàn hai trăm năm mươi vị và ba vạn hai ngàn vị Bồ Tát.

Bấy giờ Đức Thế Tôn Giảng Kinh cho trăm ngàn vô số chúng hội và quyến thuộc vây quanh.

Khi đó, có Thiên Tử tên là Tịch Thuận Luật Âm có mặt trong chúng hội, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục chỉnh tề, quỳ gối chắp tay bạch Đức Thế Tôn: Đại Sĩ Văn Thù Sư Lợi hiện đang ở đâu, tất cả chúng và bốn bộ Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Thích, Phạm, Tứ Vương đều cùng nhau khao khát ngưỡng mộ, muốn gặp Đại Sĩ để được thưa hỏi và nghe giảng về những văn nghĩa vi diệu của Kinh, để thọ trì.

Đức Phật nói: Về phương Đông, cách đây vạn Cõi Phật, có Thế Giới tên Bảo Thị, Phật Hiệu là Bảo Anh Như Lai Vô Sở Trước, Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện đang giảng nói đạo pháp. Bồ Tát Văn Thù đang ở đó, nêu lên và trình bày những ý nghĩa chưa đầy đủ cho các Đại Sĩ, Bồ Tát.

Thiên Tử Tịch Thuận Luật Âm bạch Phật: Cúi xin Đại Thánh, dùng oai đức của Đại Thánh, rủ lòng thương xót, làm sao khiến Đại Sĩ Văn Thù Sư Lợi tự mình đến đây.

Vì sao?

Vì sự thuyết giảng Kinh Pháp của Đại Sĩ Văn Thù Sư Lợi đã mở ra được những mối kết ngại, chúng con không thể lý giải được, nó vượt lên trên hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Đại Sĩ Văn Thù Sư Lợi giảng bày pháp cao tột hơn hết, hàng phục được tất cả chúng ma và các tà kiến, mê lầm, làm cho chúng không có cách nào thuận dấy lên được.

Hàng ngoại đạo đều quy kính, những kẻ kiêu mạn ấy không còn khởi tâm tự cao tự đại. Người chưa phát tâm, đều phát tâm đạo. Người đã phát tâm đạo rồi, lập nguyện Bất thoái chuyển. Những người có duyên được độ, đều cúi đầu kính vâng. Những người nắm được ý nghĩa, không ai là không ghi nhớ, giữ gìn.

Đức Như Lai Chí Chân, Chánh Đẳng Chánh Giác cũng đều khuyến khích, ca ngợi. Nhờ những lời dạy của Bậc Thánh này mới lam cho chánh pháp được trường tồn. Ngoại trừ Đức Như Lai, chưa có bậc Tôn quý nào khác, có trí tuệ biện tài, tuyên dương giáo pháp như Bồ Tát Văn Thù.

Khi ấy, Đức Thế Tôn, thấy những lời trình bày của Thiên Tử Tịch Thuận Luật Âm, đã vì tất cả mọi loài mà phát tâm từ rộng lớn như thế, tự nhiên ở giữa hai chân mày Đức Phật phát ra ánh sáng. Ánh sáng lớn ấy chiếu khắp các Cõi Phật trong tam thiên đại thiên Thế Giới, soi tỏa suốt đến một vạn Cõi Phật, cho tới cõi Bảo thị.

Khi đó, chư Bồ Tát ở Cõi Phật này thấy vậy đến bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có sự cảm ứng gì mà hiện ra điềm lành này?

Đức Như Lai Bảo Anh bảo các Bồ Tát: Về phương Tây, cách đây hơn một vạn Cõi Phật, có Thế Giới tên là Nhẫn. Đức Phật nơi cõi ấy hiệu là Năng Nhân Như Lai, Chí Chân, Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện đang thuyết pháp, tự nhiên có ánh sáng lớn từ giữa hai chân mày của Đức Phật ấy phóng ra soi tỏa đến vạn Cõi Phật và chiếu rực rỡ khắp cõi này.

Các Bồ Tát hỏi: Bạch Thế Tôn! Vì lý do gì mà Đức Phật phóng ra ánh sáng?

Đức Phật nói: Có trăm ngàn vô số ức Bồ Tát đang hội họp ở Cõi Phật đó. Thích, Phạm, Hộ Thế, và bốn bộ chúng đều cùng ngưỡng vọng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.

Họ muốn được hầu hạ và thưa hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi về Kinh Pháp, nên đã cùng đến bạch Phật: Hãy dùng ánh sáng rực rỡ từ xa để thỉnh Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.

Đức Như Lai Bảo Anh bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Ông hãy đến cõi nước đó. Đức Như Lai Năng Nhân đang mong đợi, vô số chư vị trong chúng hội đang trông ngóng được gặp ông, đảnh lễ và lắng nghe giáo pháp để suy gẫm, thọ nhận.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Chính con cũng thấy biết ánh sáng nơi điềm lành này.

Lúc đó, Bồ Tát Văn Thù cùng với một vạn Bồ Tát đảnh lễ Đức Phật Bảo Anh, đi nhiễu theo phía bên phải ba vòng. Gống như thời gian của tráng sĩ co duỗi cánh tay, bỗng nhiên nơi Cõi Phật Bảo thị, các vị Bồ Tát ấy biến mất. Họ đứng trong hư không nơi cõi nhẫn, nhưng không hiện thân cho mọi người thấy, tuôn mưa hoa Trời khắp chúng hội, hoa phủ ngập đến đầu gối.

Trong chúng hội lúc đầu ai nấy đều ngạc nhiên trước sự kiện chưa từng có.

Họ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tại sao có ánh sáng tốt đẹp và mưa hoa Trời như thế này?

Đức Phật bảo các Tộc Tánh Tử: Đấy là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và một vạn Bồ Tát, đã vâng lời đến đây, đang ở trong hư không mưa hoa xuống để cúng dường Chư Phật và chúng hội.

Chúng hội đều thưa: Chúng con xin được thấy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và các vị Bồ Tát. Nếu chúng con được gặp gỡ, gần gũi những bậc Đại Sĩ như vậy, thật vô cùng sướng thích, vì những vị ấy rất khó được gặp gỡ.

Mọi người nói chưa dứt lời, thì Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi cùng một vạn Bồ Tát liền hiện thân, đảnh lễ dưới chân Đức Phật và đi quanh bên phải bảy vòng. Mỗi vị đều cùng dùng oai lực của thần túc biến hóa ra hoa sen lớn và tự ngồi lên hoa đó.

Thiên Tử Tịch Thuận Luật Âm bạch Phật: Cúi xin Thế Tôn ban Thánh giáo, khiến cho Bồ Tát Văn Thù sưlợi rộng giảng đạo pháp. Chúng hội chúng con, rất mong muốn được nghe những lời dạy bảo.

Đức Phật bảo Thiên Tử Tịch Thuận Luật Âm: Tùy ý các vị có thể thưa hỏi.

Thiên Tử Tịch Thuận Luật Âm thưa Đại Sĩ Văn Thù: Cõi Phật Bảo Anh có đức siêu việt đặc biệt gì, đến nỗi khiến cho Nhân Giả vui vẻ đến ở cõi đó?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Không phát trien tham dục cũng không dứt bỏ nó. Không phát triển sân giận cũng không có chỗ để dứt sạch nó. Không tạo ngu si cũng không có chỗ dứt trừ ngu si. Không tạo phiền não cũng không có chỗ hoại diệt phiền não.

Vì sao?

Vì pháp không có chỗ sinh, cũng không có chỗ chấm dứt.

Thưa Nhân Giả! Pháp mà Đức Phật kia thuyết giảng phát triển chỗ nào và trừ diệt chỗ nào?

Đáp: Pháp vốn sạch trong, vì không khởi, diệt, cho nên cũng không phát sinh và tận diệt.

Vì sao?

Vì chúng sinh nơi cõi đó thấu rõ nghĩa chân đế và cho pháp ấy là đứng đầu, không lấy duyên hợp làm đệ nhất nghĩa đế.

Thưa Nhân Giả! Sao gọi chân đế là đứng đầu?

Sao gọi duyên hợp là Đệ nhất nghĩa đế?

Đáp: Đối với nghĩa này, không phát ra, cũng không có chỗ diệt đi. Không có tướng, cũng không vô tướng, cũng chẳng phải một tướng, cũng không lìa tướng, cũng không hiện ra tướng. Tướng không thấy đó, cũng không phải là không thấy, cũng không phải là thật thấy. Tướng ấy không có đoạn tận cũng không thể đoạn tận. Tướng ấy không có chỗ đoạn tận và không thể đoạn tận. Đó là nghĩa chân đế.

Này Thiên Tử! Đó gọi là vô tâm vì tâm vốn không có. Không dạy người khác, đối với điều này không bỏ đi, không vượt qua bên bờ kia, không ở giữa dòng. Đó là nghĩa chân đế.

Này Thiên Tử! Gọi không văn tự chính là Thánh đế.

Vì sao?

Như lời Phật dạy, tất cả âm thanh đều là không thật.

Thưa Nhân Giả! Những gì Đức Như Lai đã nói, tất cả là không thật chăng?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Lời dạy của Đức Như Lai không có thành thật, không có dối trá.

Vì sao?

Vì Đức Như Lai không có hai tâm để trụ, đối với pháp hữu vi hay vô vi thì không có hai ngôn từ đó, cho nên không có thành thật, không có lừa dối.

Ý hướng của Thiên Tử như thế nào?

Sự giáo hóa của Đức Như Lai, giả sử đã nói là chân thật hay là giả dối chăng?

Thưa Nhân Giả! Không thành thật, không dối trá.

Vì sao?

Vì sự giáo hóa của Đức Như Lai không có bốn đại, nên cũng không co thành thật.

Bồ Tát Văn Thù đáp: Này Thiên Tử, đúng như thế! Tất cả các pháp đều biến hóa, vận hành tự nhiên như vậy. Sự chứng ngộ của Như Lai không có chỗ thành tựu, cũng không có chỗ để trụ. Vì thế cho nên nhưng pháp Phật đã tuyên giảng không có thành thật, không có dối trá mà quy về không hai.

Lại hỏi: Thưa Nhân Giả! Thế nào gọi là Như Lai thuyết giảng nghĩa chân đế?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Nghĩa Chân Đế không thể giảng nói.

Vì sao?

Vì nghĩa lý sâu xa của chân đế là không lời, không nói và không thể nắm bắt.

Khi giảng nói về nghĩa chân đế này có năm trăm Tỳ Kheo dứt sạch phiền não, hoàn toàn giác ngộ. Vô số ngàn người xa lìa phiền não, ở nơi các pháp và được mắt pháp trong sạch. Một vạn hai ngàn Bồ Tát chứng đắc pháp nhẫn Vô sở tùng sinh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần