Phật Thuyết Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên - Phần Hai - Phần Chánh Tông - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Cảnh, Đời Tiêu Tề
PHẬT THUYẾT KINH
VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đàm Cảnh, Đời Tiêu Tề
PHẦN HAI
PHẦN CHÁNH TÔNG
TẬP HAI
Thiên Đế vui mừng thưa rằng: Hay thay! Hay thay! Đúng thật như lời thầy nói thì con và Chư Thiên, ngày nay mới biết tài thí và pháp thí cái công đức nhân duyên tướng có sai khác.
Những người làm việc tài thí ví như một ngọn đèn soi sáng trong một nhà nhỏ. Còn việc làm pháp thí ví cũng như ánh sáng của mặt nhật soi trong bốn châu thiên hạ, ánh sáng đến đâu thì sự mờ ám tiêu hết.
Sở dĩ vì sao?
Vì cái thể của mặt nhật, tánh nó tự sáng cho nên hay chiếu vật. Hòa Thượng nay cũng lại như vậy. Vì cái bản thể tu tập nên được sáng suốt, lại đem trí tuệ sáng suốt đó trừ cái mờ tối cho chúng sanh.
Đương khi Thiên Đế nói lời ấy rồi, thì tám vạn Chư Thiên cả thảy đều đứng dậy sửa sang y phục, cung kính quỳ gối chắp tay bạch với Giã Can rằng: Xin thầy thương xót trao cho chúng con pháp thập thiện được nhiều lợi ích cho tất cả chúng sanh được lợi ích và cũng khiến cho Hòa Thượng thêm nhiều công đức.
Giả Can đáp rằng: Hay thay! Thật ngươi rất biết thời.
Liền bảo Thiên Đế rằng: Cái pháp thọ giới thì trước hết phải sám hối cho thân, khẩu, ý được thanh tịnh.
Thế nào gọi là thân nghiệp?
Nghĩa là sát, đạo, dâm.
Thế nào gọi là khẩu nghiệp?
Là vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt và ác khẩu.
Thế nào là ý nghiệp?
Là tật đố, sân nhuế và tà kiến. Ấy là mười việc cấm ngăn thân, khẩu, ý ba nghiệp đừng cho phạm các việc ác đó gọi là thập ác.
Bấy giờ, phải nhất tâm thành thật sám hối chừa bỏ mười điều ác, vì mười điều ác tiêu hết, thì thân, khẩu, ý được thanh tịnh, vì ba nghiệp được thanh tịnh cho nên, gọi là thập thiện.
Thiên Đế lại hỏi Hòa Thượng Giã Can rằng: Cái công đức thập thiện quả báo ra làm sao?
Giã Can đáp rằng: Ta từng nghe thầy ta nói, người tu pháp thập thiện, mà cái quả báo của pháp thập thiện, sẽ sanh lên Cõi Trời Lục Dục, cung điện toàn thất bảo, ngũ dục sẵn sàng, đủ trăm món đồ ăn, và mạng sống lâu không lường, cha mẹ, vợ con, dùng lục thân quyến thuộc, xinh đẹp, sạch sẽ, hoan hỷ, khoái lạc.
Giả sử như Chư Thiên tu pháp thập thiện thọ phước, cõi Trời hết nhưng cũng trở lại sanh trong Cõi Trời được phước báu gấp bội, chớ chẳng phải như cái quả báo thập thiện của người đời tu đâu.
Vì sao?
Bởi vì người đời tu pháp thập thiện là ba giới của tâm thật khó giữ gìn.
Một là giới bất sân. Trước phải phương tiện thực hành tâm từ, rồi sau mới có thể thành được giới bất sân.
Mà người đời thực hành cái tâm từ, rất khó giữ được lâu. Ví như rạch nước, vừa rạch thì vừa hiệp, giữ giới bất sân cũng lại như thế.
Hai là giới tật đố. Giới tật đố phát ra có lúc. Thế nào là phát ra có lúc. Nghĩa là thấy người kia được lợi, thấy người kia khoái lạc, thấy người kia kia đoan chánh, thấy người kia mạnh mẽ, thấy người kia thông minh, thấy người kia tu phước.
Nói tóm lại là thấy tất cả việc người hơn mình thì khi ấy cái tâm thấy hơn mình mới sanh ra tật đố.
Thế cho nên phải biết rằng: Cái tâm tật đố phát ra có lúc.
Ba là cái tâm kiêu mạn. Mà cái tâm kiêu mạn kia phát ra cũng có lúc.
Nghĩa là: Thấy người ngu si, thì cái tâm khởi ra sự kiêu mạn, và lại thấy người xấu xa, thấy người nhơ bẩn, thấy người nghèo khổ, nói tóm lại là thấy người đui, điếc, què, lết các căn không đủ, mường mán, mọi rợ, thì lúc ấy cái tâm kiêu mạn mới phát khởi ra trong khi thấy.
Thế cho nên phải biết rằng: Giới bất kiêu mạn phát ra có lúc. Bởi vậy, nên người đời giữ giới tâm rất khó. Dù cho gắng giữ, nhưng thoạt được thoạt không.
Thế nên cái quả báo pháp thập thiện của người đời tu, dù cho hưởng cái phước ở Cõi Trời, nhưng cũng không bằng cái công đức pháp thập thiện của người Trời tu, quang minh thần lực, những món ăn, uống, tướng hảo vòi vọi thứ nhất, biết túc mạng của mình cũng lại như vậy.
Bởi thế nên biết rằng: Người Trời tu pháp thập thiện thì cái quả báo hơn người đời tu.
Thiên Đế bạch rằng: Như lời của thầy nói người tu pháp thập thiện ba giới của tâm thật là khó giữ, người Trời cũng vậy những tánh tật đố, sân nhuế, kiêu mạn, tà kiến các tâm như thế chưa từng không có, thì làm sao cái phước báu hơn người đời được ư?
Giã Can đáp rằng: Người Trời tuy có, nhưng mà không phải như người đời.
Sở dĩ vì sao?
Vì người Trời phước đức khổ ít, vui nhiều, tâm phiền não cũng nhẹ, còn người đời phước mỏng, vui ít, khổ nhiều cho nên tâm phiền não rất nặng.
Thiên Đế thưa rằng: Các người Trời từ xưa đến nay ưa vui, tâm như con lộc, lại ví cũng như con viên hầu. Đời nay tu pháp thập thiện, đời sau khỏi có tánh ngu si và hay quên.
Nhưng mà trong khi phạm giới phải làm sao vậy Ngài?
Giã Can đáp rằng: Ta từng nghe thày ta nói người tu pháp thập thiện nếu rủi có phạm những nghiệp ác thì phải đến vị Hiền minh phước đức tùy theo chỗ phạm của mình mà phát lồ sám hối rồi xin thọ lại, làm người được như vậy thì không mất giới.
Sở dĩ vì sao?
Vì giới thập thiện đây ví như lúa mạ, còn phiền não như cỏ, cỏ cùng với lúa lấn hại lẫn nhau. Bây giờ nếu muốn lúa tốt thì phải nhổ sạch cỏ chỉ còn một thứ lúa, thì thâu hột được nhiều, vì lúa được nhiều thì không bao giờ bị nạn đói khát.
Khi bấy giờ, Thiên Đế và tám vạn Chư Thiên nghe những lời ấy rồi thật vui mừng không còn lo buồn vô thường phước hết, chịu cái quả báo trong ác thú.
Lại tự nghĩ rằng: Cái công đức thập thiện, tuy khỏi cái quả báo khổ, song còn phải có sanh tử chẳng khỏi vô thường.
Kìa như có vị Thiên Vương ở Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại thấy người tu phước ôm lòng tật đố, làm cho người mắc nạn quên mất đường lành, khiến tạo những nghiệp ác, nhân duyên nghiệp báo nên phải chịu cái quả khổ.
Liền bạch với Giả Can rằng: Thưa Tôn Sư, tu các công đức gì mà thường bất tử và khỏi bị Ma Vương nó cám dỗ vậy?
Giã Can đáp rằng: Ta từng nghe thầy ta nói: Người mà phát tâm bồ đề, tu nghiệp Bồ Tát thì dù cho Ma Vương Ba Tuần cũng không có thể phá hại vì tâm không mê hoặc, đời đời sanh ra được trí huệ sáng suốt, vì được trí huệ sáng suốt cho nên thường nhớ được túc mạng, vì nhớ được túc mạng nên không tạo ra những nghiệp ác.
Vì không tạo ra những nghiệp ác cho nên tâm được thanh tịnh, vì tâm được thanh tịnh nên đặng pháp nhẫn vô sanh, vì được pháp nhẫn vô sanh cho nên đối với đạo không lui sụt xa lìa đường sanh tử và sự ưu hoạn khổ não.
Thiên Đế bạch rằng: Tu đạo Bồ Tát thì nên hành pháp nào?
Giả Can đáp rằng: Ta từng nghe thầy ta nói người muốn cầu Phật Đạo thì từ nơi tâm mà phát ra, trước phải học rộng các pháp nhân duyên, rõ được nhân duyên, thì tín tâm mới bền vững.
Vì tín tâm được bền vững nên
mới có thể phát ra được cái tâm tinh tấn, vì có cái sức tinh tấn nên khỏi tạo ra tất cả nhân duyên nghiệp ác, vì tâm được thuần thiện nên không buông lung.
Vì không buông lung nên trí huệ được thành tựu, vì cái sức trí huệ được thành tựu nên thâu nhiếp được tất cả ba mươi bảy phẩm trợ đạo bồ đề.
Thiên Đế thưa rằng: Như lời thầy dạy thì ba mươi bảy phẩm nghĩa ấy rộng sâu, nếu chẳng phải là cái tâm như con lộc thì không có thể rõ được.
Vậy làm sao vào đặng đạo hạnh Bồ Tát ư?
Giả Can đáp rằng: Ta từng nghe thầy ta nói người tu đạo Bồ Tát trước phải dùng phương tiện điều phục các căn.
Sao gọi là phương tiện?
Nghĩa là: Sáu pháp Ba La Mật và pháp tứ vô lượng tâm, gọi là phương tiện diều phục các căn.
Thiên Đế bạch rằng: Thưa Ngài! Sáu pháp Ba la mật cái nghĩa kia ra làm sao!
Cúi xin Ngài nói cho.
Giả Can đáp rằng:
Thứ nhất là bố thí. Vì bố thí nên phá được cái tâm xan tham không còn tiếc nuối.
Thứ hai là trì giới, nghĩa là: Giữ các điều lành, không làm những việc ác.
Thứ ba là nhẫn nhục, nghĩa là: Gặp những việc ác mà tâm có thể nhẫn được, không ôm lòng báo thù.
Thứ tư là tinh tấn, nghĩa là: Tinh tấn hay tu hành đạo nghiệp không biếng lười.
Thứ năm là thiền định, nghĩa là: Hay thâu nhiếp tâm thần không có niệm tà.
Thứ sáu là trí huệ, nghĩa là: Tu tập trí huệ để chiếu phá vô minh phiền não tối tăm. Ấy gọi là sáu pháp Ba La Mật dùng sức phương tiện điều phục các căn.
Thế nào là bốn?
Một là từ tâm.
Hai là bi tâm.
Ba là hỷ tâm.
Bốn là xả tâm.
Đó gọi là bốn việc, cũng gọi là tứ vô lượng tâm.
Thiên Đế lại hỏi rằng: Sao gọi là từ tâm?
Giã Can đáp: Thấy người khổ ách, phải dấy tâm từ đứng ra cứu hộ, đều khiến cho họ được yên ổn.
Thế nào là bi tâm?
Nghĩa là: Thấy tất cả chúng sanh bị ái vô minh nên tạo nghiệp sanh tử chịu cái khổ trong năm đường không có thể ra khỏi, thế nên chúng ta nay chớ nên biếng lười, phải thường siêng năng tinh tấn tu tập trí huệ chóng thành Phật Đạo, khi đặng thành Phật Đạo rồi thì đem trí huệ sáng suốt chiếu phá vô minh hắc ám cho chúng sanh khiến thấy sáng suốt, khỏi cái khổ ràng buộc.
Dù chưa thành Phật nhưng ra làm tất cả nghiệp lành đều hồi hướng cho chúng sanh. Khiến cho chúng sanh được yên vui. Chúng sanh có tội thì ta phải chịu thay thế. Đó gọi là bi tâm.
Thế nào là hỷ tâm?
Như thấy người đời tu hành thiện nghiệp, cầu quả tam thừa khuyến khích giúp đỡ tùy hỷ, thấy người hưởng vui, tâm mình cũng tùy hỷ, thấy người đoan chánh, thấy người mạnh khỏe, thấy người giàu sang, thấy người trí huệ, thấy người từ tâm, thấy người hiếu thuận. Nói tóm lại, là thấy tất cả người làm việc phải rồi khuyên lơn tùy hỷ, đó gọi là hỷ tâm.
Sao gọi là xả tâm?
Phàm ra làm tất cả công đức, làm ân huệ cho người mà không trông cầu công đức, làm ân huệ cho người mà không trông cầu quả báo đời sau và đời sau nữa, đó gọi là xả tâm, thành tựu được bốn việc nên gọi là tứ vô lượng tâm.
Bởi chúng sanh vô lượng, nên bi tâm cũng vô lượng. Bởi chúng sanh vô lượng, nên hỷ tâm cũng vô lượng.
Bởi chúng sanh vô lượng, nên xả tâm cũng vô lượng. Thế nên gọi là tứ vô lượng tâm luôn với sáu pháp độ trước, cộng gọi mười pháp Ba la mật. Mười pháp Ba la mật tóm thâu tất cả đạo hạnh bồ đề.
Khi đó Trời Đế Thích nghe Giã Can nói nhân duyên công đức pháp tu thập thiện và lại nghe nghĩa thú nhân duyên của vị Bồ Tát tu đạo bồ đề thì mới hết chỗ nghi, vui mừng khấp khởi rúng động cả thân tâm, tức thời cùng với tám vạn Chư Thiên hầu hạ liền đứng dậy sửa sang cung kính chắp tay bạch với Giã Can rằng:
Thưa Tôn Sư! Ngày nay đệ tử và tám vạn Chư Thiên nhất tâm đồng thời phát tâm bồ đề, vâng làm đủ đạo hạnh Bồ Tát như lời thầy dạy. Cúi xin Hòa Thượng tùy hỷ nói cho.
Giã Can đáp rằng: Người thật đã biết thời như vậy là đúng với cái bổn tâm hy vọng của ta.
Bấy giờ, Thiên Đế bạch Giã Can rằng: Thưa Hòa Thượng! Hòa Thượng ăn uống pháp dùng thế nào?
Cúi xin dạy bảo đẻ cho chúng con sửa sang cúng dường.
Giã Can đáp rằng: Thức ăn của ta ngươi nghe không hợp.
Vì sao?
Bởi tội nghiệp nhân duyên cho nên những món ăn của ta rất là bất tịnh nhơ bẩn hình giống như súc sanh chẳng khác nào ngạ quỷ, tốt hơn là đừng hỏi đến món ăn kia.
Thiên Đế bạch rằng: Thưa Hòa Thượng! Hòa Thượng ăn uống dù tốt cũng nên nói, dù xấu cũng phải nói, để đệ tử con nay sẽ tùy theo chỗ thích hợp sửa sang cúng dường.
Giã Can đáp rằng: Ta từng ăn những phẩn của sư tử hổ lang, và ăn xương cốt, vải rách, thịt nát của người chết trong gò mả, rủi gặp cơn đói khát mà không được, có những món ăn như vậy, thì cũng ăn bùn đất, tội khổ quả báo suốt đời cho đến khi chết. Tuy đồ ăn bất tịnh mà chưa từng no đủ.
Khi ấy, vị Thiên Đế Thích cùng cả Chư Thiên nghe Giã Can nói thức ăn uống ấy, rồi buồn thương cảm cách đau lòng rơi lệ, bạch với Giã Can rằng: Đệ tử ý muốn dọn mâm cỗ để sửa sang cúng dường. Nhưng theo lời thầy nói thì chỗ sở nguyện không mãn, không biết làm sao được. Đệ tử con nay trở về Thiên Cung phải làm phương pháp gì để trả ơn nặng cho thầy.
Giã Can đáp rằng: Như quý Ngài đây, theo ta nghe pháp, khi trở về cõi Trời, lần lựa giáo hóa khai ngộ Chư Thiên chẳng luận nam nữ nhẫn đến một người khiến cho tín thọ vâng làm, thì của những trả ơn cho ta mà thôi mà cũng là trả ơn tất cả Chư Phật.
Tùy thuận giáo hóa mà tự thêm lớn phước đức Chư Thiên, huống chi là cái phước báu giáo hóa khai ngộ nhiều người thì công báu vô lượng.
Chư Thiên đứng dậy bạch với Giã Can rằng: Đệ tử chúng con từ nay trở về Thiên Cung, nhưng không biết Hòa Thượng chứng nào mới bỏ cái thân tội báo đây, để được sanh lên Cõi Trời cùng con thấy nhau?
Giã Can đáp rằng: Ta hẹn trong bảy ngày sẽ bỏ thân tội này, rồi sanh lên cõi Trời Đâu Suất. Vậy các ngươi cũng nên nguyện sanh về Cõi Trời ấy.
Là vì sao?
Bởi Cõi Trời Đâu Suất phần nhiều có các vị Bồ Tát thuyết pháp giáo hóa cho những người Trời muốn cầu Phật Đạo.
Thiên Đế thưa rằng: Như lời thầy dạy, đệ tử chúng con ở Cõi Trời Đao Lợi chừng phước hết, mạng chung đều sẽ nguyện sanh lên Cõi Trời Đâu Suất kia, con cùng thầy thấy nhau để theo hầu hạ nhờ thầy dạy bảo, đúng như thề nguyện hôm nay vậy. Chư Thiên nói xong liền dùng hương hoa ở Cõi Trời rải trên mình Giã Can rồi từ biệt lui di.
Chư Thiên đi rồi Giã Can vẫn ngồi một chỗ nhất tâm chuyên niệm pháp thập thiện, không đi kiếm ăn, đến bảy ngày mạng chung, sanh lên Cõi Trời Đâu Suất làm con vị Thiên Vương, còn nhớ được túc mạng lại đem pháp thập thiện giáo hóa Chư Thiên.
Bấy giờ, Phật bảo Đại Vương rằng: Đại Vương phải biết Giã Can hồi đó tức là thân ta bây giờ. Vị Trời Đế Thích hồi đó, tức là Xá Lợi Phất nay đây.
Giáo thọ Đại Sư Ưu Ba Đạt của Vua A Dật Đa hồi đó tức là Ngài Di Lặc ở Cõi Trời Đâu Suất bây giờ. Còn tám vạn Chư Thiên tức là tám vạn Bồ Tát ở ngôi bất thối trong cõi Ta Bà Quốc Độ này.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười - Pháp Hội Văn Thù Sư Lợi Phổ Môn - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Sư Tử Hống - Phần Hai - Mười Lực Của Như Lai
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Năm Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Bốn - Phẩm Bốn - Phẩm Xưng Dương Công đức
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Na Nhân
Phật Thuyết Công đức Của Tu Lại - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Ma Ha Ca Diếp độ Bần Mẫu