Phật Thuyết Kinh Viên Giác - Chương Năm - Chương Di Lặc
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Đà Đa La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH VIÊN GIÁC
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Đà Đa La, Đời Tống
CHƯƠNG NĂM
CHƯƠNG DI LẶC
Lúc ấy Bồ Tát Di Lặc ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy ngang chân Đức Thế Tôn, theo chiều bên phải của Ngài đi quanh Ngài ba vòng, rồi quì thẳng, chắp tay mà tác bạch: Thưa Đức Thế Tôn lòng thương cao cả!
Ngài đã khai mở một cách rộng rãi kho tàng bí mật cho các vị Bồ Tát, làm cho đại chúng này tỉnh ngộ sâu xa về luân hồi, phân biệt được sự lầm lẫn và sự chính xác.
Ngài đã ban cho những người thời kỳ cuối cùng con mắt Tuệ Giác không còn e sợ, làm cho họ phát sinh lòng tin cố định đối với Niết Bàn vĩ đại, không còn tùy theo sự luân hồi mà nổi lên kiến thức xoay đảo.
Thưa Đức Thế Tôn, nếu các vị Bồ Tát, và những người thời kỳ cuối cùng, muốn du hành trong biển cả vắng lặng vĩ đại của Đức Thế Tôn, thì họ phải hủy diệt như thế nào đối với căn bản của luân hồi?
Trong luân hồi có mấy đẳng cấp?
Tu tập Tuệ Giác Phật Đà có mấy chủng tánh?
Khi quay lại, trở vào nơi bụi bặm mệt nhọc, thì phải vận dụng mấy phương tiện hóa độ để hóa độ chúng sinh?
Xin Đức Thế Tôn đừng bỏ lòng thương cao cả cứu độ người đời mà làm cho những người tu tập, là các vị Bồ Tát và những người sau này, được con mắt Tuệ Giác trong sáng, được đài gương tâm trí chiếu tỏ, tỉnh ngộ một cách tròn đầy về sự thấy biết vô thượng của Đức Thế Tôn.
Tác bạch rồi, Bồ Tát Di Lặc gieo xuống sát đất tất cả năm bộ phận của thân thể mà kính lạy Đức Thế Tôn. Bồ Tát thỉnh cầu như vậy đến ba lần, mỗi lần thỉnh cầu xong lại làm lại từ đầu.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dạy Bồ Tát Di Lặc: Tốt lắm! Thiện nam tử! Ông có thể vì các vị Bồ Tát, và những người sau này, mà xin hỏi Như Lai về ý nghĩa sâu kín tinh tế, để làm cho các vị Bồ Tát rửa sạch con mắt Tuệ Giác, lại làm cho những người sau này diệt hẳn luân hồi và tâm ngộ thực tướng bằng Tuệ Giác không sinh. Ông hãy nghe kỹ Như Lai sẽ nói cho. Bồ Tát Di Lặc vâng lời, hoan hỷ, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.
Đức Thế Tôn dạy: Thiện nam tử! Vô thỉ đến giờ, chúng sinh vì có mọi thứ ái dục nên có luân hồi. Mọi loài chúng sinh trong mọi thứ Thế Giới, sinh bằng trứng, sinh bằng thai, sinh bằng thấp khí, sinh bằng biến hóa, tất cả toàn do dâm dục làm động lực chính mà có tính mạng. Do đó mà biết gốc rễ luân hồi là ái.
Ái được dục hỗ trợ nên làm cho sinh tử liên tục: Dục do ái, mạng do dục. Chúng sinh ái mạng nên quay lại ái dục, ái dục là nhân, ái mạng là quả. Vì đối với đối cảnh của dục mà nổi dậy sự chống đối hay sự thích ứng. Đối cảnh trái với ái thì chống đối bằng sự ghét bỏ, gây ra mọi thứ nghiệp ác, đó là lý do có địa ngục, có ngạ quỷ, có súc sinh.
Biết dục đáng chán ghét, ái sự chán ghét ba đường đi của nghiệp ác, ghét bỏ nghiệp ác mà ưa thích nghiệp lành, nên có Chư Thiên, có nhân loại.
Lại biết mọi sự ái đều đáng ghét bỏ, ghét bỏ cái ái và ưa thích cái bỏ, nghĩa là vẫn trở lại thêm cho gốc ái, nên có những thiện quả hơn lên, và vẫn là nghiệp tạo ra, nên toàn là luân hồi, không thành đường đi của các vị Thánh Giả.
Vì vậy, chúng sinh muốn thoát khỏi sinh tử luân hồi thì trước hết phải hủy diệt dục và ái. Còn Bồ Tát sinh trong luân hồi thì không phải do ái mà là do từ bi, muốn làm cho chúng sinh bỏ ái nên mượn dục để vào lại sinh tử luân hồi.
Những người thời kỳ cuối cùng bỏ được dục, trừ được ái gồm cả sự ghét bỏ và sự ưa thích của nó, hủy diệt luân hồi vĩnh viễn, bằng cách siêng cầu Viên Giác của Như Lai chứng ngộ, thì thế là đối với tâm thể trong sáng ấy họ được tỏ ngộ.
Thiện nam tử! Chúng sinh do ái dục phát triển vô minh mà hình thành năm chủng tánh khác nhau, và do hai chướng ngại mà trình bày sâu cạn.
Hai chướng ngại là gì?
Một là chướng ngại chân lý, chướng ngại cho sự thấy biết chính xác.
Hai là chướng ngại sự dụng, tiếp nối cho sự sinh tử luân hồi.
Năm chủng tánh là gì?
Nếu cả hai chướng ngại chưa được hủy diệt, thì gọi là những kẻ chưa thành Phật Đà. Nếu vĩnh viễn loại bỏ ái dục, hủy diệt chướng ngại sự dụng mà chưa hủy diệt chướng ngại chân lý, thì chỉ nhập vào Thanh Văn Duyên Giác, chưa nhập vào Bồ Tát.
Nếu muốn du nhập biển cả Viên Giác vĩ đại của Như Lai chứng ngộ nên trước đó lập chí nỗ lực hủy diệt hai chướng ngại, hai chướng ngại đã hàng phục thì nhập vào Bồ Tát ấy còn hai chướng ngại đã hủy diệt vĩnh viễn thì nhập vào Viên Giác của Như Lai, tròn đầy đại bồ đề và đại Niết Bàn.
Tất cả chúng sinh đều có khả năng chứng ngộ Viên Giác, nhưng gặp thầy bạn tốt, và tu tập theo pháp hạnh căn bản sơ khởi của họ, nên sự tu tập ấy có liền liền và có dần dần ấy nếu gặp Như Lai chỉ dẫn con đường tu tập chính xác về Tuệ Giác Vô Thượng, thì bất kể trình độ cao thấp, toàn là thành tựu quả vị Phật Đà.
Nếu người nào dẫu cũng đi tìm thầy bạn tốt, nhưng gặp phải kẻ kiến thức sai lầm, thì người ấy chưa được tỏ ngộ chính xác, như thế gọi là chủng tánh ngoại đạo, và đó là lỗi của thầy bạn sai lầm, không phải lỗi ở người ấy. Như thế đó gọi là năm chủng tánh khác nhau của chúng sinh.
Thiện nam tử! Bồ Tát chỉ lấy đại bi làm phương tiện mà vào các Thế Giới luân hồi, khai phát cho những người chưa tỏ ngộ. Đến nỗi biểu hiện thân thể đủ mọi thứ hình tướng, biểu hiện cảnh ngộ đủ mọi sự thuận nghịch, biểu hiện đồng việc với họ mà giáo hóa cho họ trở thành Phật Đà. Tất cả sự biểu hiện này toàn là sức mạnh của đại nguyện xuất từ đại bi.
Những người thời kỳ cuối cùng, nếu nổi lên tâm chí tăng thượng đối với Đại Viên Giác, thì phải phát đại nguyện trong sáng của Bồ Tát.
Nên nói như vậy: Cầu nguyện cho con nay đứng trong Viên Giác của Phật, tìm và gặp được thầy bạn tốt, không gặp phải ngoại đạo và Nhị Thừa.
Rồi y theo đại nguyện như vậy mà tu tập, thì dần dần hủy diệt hai chướng ngại. Hai chướng ngại hủy diệt hết cả thì đại nguyện tròn đầy, thế là bước lên chánh điện trong sáng của đại giải thoát, nhập vào thành trì tráng lệ của Đại Viên Giác.
Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây:
Di Lặc nên biết,
Chúng sinh không được
Giải thoát vĩ đại
Là vì ái dục
Làm cho sa vào
Sinh tử luân hồi.
Nếu diệt ái dục
Gồm cả ưa ghét
Của ái dục ấy
Là tham sân si,
Thì bất kể đến
Chủng tánh dị biệt,
Tất cả vẫn được
Tuệ Giác Phật Đà.
Muốn diệt vĩnh viễn
Hai loại chướng ngại,
Nên tìm và gặp
Vị thầy xứng đáng,
Thì sẽ có được
Tỏ ngộ chính xác,
Thuận với đại nguyện
Của các Bồ Tát,
Và rồi trú ở
Trong đại Niết Bàn.
Bồ Tát vận dụng
Đại bi đại nguyện,
Thị hiện nhập vào
Sinh tử luân hồi.
Những người tu tập
Trong thời hiện tại,
Và người tu tập
Trong thời cuối cùng,
Nếu biết nỗ lực
Hủy diệt ái kiến,
Thế là qui về
Viên Giác quảng đại.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba