Phật Thuyết Kinh Vô Cực Bảo Tam Muội - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH VÔ CỰC BẢO TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN NĂM  

Trưa hôm sau Văn Thù và Bảo Lai… cùng các Bồ Tát đến cung Vua: Bồ Tát Bảo Lai nhường Văn Thù: Nay các vị Thượng Nhân, nên vào trước.

Các Bồ Tát nói: Đối với tuệ thì không xứ, đối với ý thì không hình, đối với niệm thì không tưởng, đối với pháp thì không sở thí, sở thí thì không lìa đạo, đã đoạn pháp luân. Đối với pháp không có niệm tưởng, không có nhiều ít. Người như vậy, mới là tối tôn, sử dụng nhiều quyền biến. Đối với nhất thiết trí biết là vô tướng, đã mặc áo giáp chánh pháp, đối với tam muội không có tăng giảm. Đó là bậc Tối tôn, cho nên vào trước.

Bồ Tát Bảo Lai đáp: Nay các bậc Thượng Nhân tuổi cao đức trọng, là bậc Tối Tôn, cho nên phải vào trước.

Các Bồ Tát nói: Tuổi của chúng tôi cũng như cây khô, gốc rễ đã chết, không còn hoa lá để che mát cho thế gian nữa rồi, Nhân Giả tuy trẻ, nhưng tuệ thì sâu dày, ví như cây báu, làm lợi ích rất nhiều cho thế gian. Vì thế Nhân Giả là người tối tôn, là người tối tôn nên có thể vào trước.

Nghe các Bồ Tát nói thế, Bảo Lai vào trước, các Bồ Tát cùng vào cùng đến tòa ngồi. Phía trên các trời trổi nhạc. Vua sai Phu Nhân và các thể nữ, đốt các danh hương, dâng lên cúng dường.

Sau khi các vị Bồ Tát thọ trai xong, Vua hỏi Bồ Tát Bảo Lai: Thưa Nhân Giả! Nay con muốn thấy Chư Phật trong mười phương, vậy phải được hành pháp nào, thì mới được thấy?

Bồ Tát Bảo Lai đáp: Này Đại Vương! Muốn thấy Chư Phật thì nên thực hành chín pháp:

1. Thấy mười phương Chư Phật giống như đây, không khác.

2. Nên thấy con đường, không có đường tắc.

3. Thấy tất cả mọi người không có thoát.

4. Thấy ăn uống cũng như những gì đã thấy trong hóa.

5. Nên biết năm ấm không có thức tưởng.

6. Nên biết sáu tình quán nó như huyễn.

7. Nên biết cái mình xem xét chỉ là cái thấy sai lầm.

8. Đem pháp ban cho hết.

9. Nên biết chỗ cho và không chỗ cho.

Đó là chín. Ý bình đẳng, trống không, cái thấy không có đây, kia, chí vắng lặng, đạt được định thanh tịnh. Cái không thấy ấy, tức là thấy hết Chư Phật.

Lúc đó, Vua khen Bồ Tát Bảo Lai: Hay thay! Hay thay! Thật đúng như lời Bồ Tát nói.

Đức Phật liền nói kệ tụng:

Thường nên nguyện kiếp này

Sinh ra gặp Thế Tôn

Lãnh thọ trí tuệ lớn

Trừ sạch rễ ái dục,

Không tham, không ganh ghét

Không cho ác ý sinh

Ở trong vô số Phật

Được nghe tam muội này.

Vào trong ba ngàn cõi

Hành tam muội tối tôn

Không đối với mọi người

Chỗ có các ngọc báu,

Pháp không từ năm ấm

Cũng không lìa xứ ấy

Từ quán được thoát danh

Tất cả đều như thế.

Từ quán được hoan hỷ

Phát ý không chỗ sinh

Xứ ấy đã như thế

Là Đấng Thiên Trung Thiên.

Nếu ở trong ba cõi

Không sinh cũng không chết

Nê Hoàn và Niết Bàn

Tất cả cũng như thế.

Ý không nên nghĩ xấu

Việc làm không phi pháp

Nếu ở trong ba cõi

Giữ tâm khiến không khởi,

Tiếng vang vọng trở lại

Trong ngoài đều ứng nhau

Không khởi đều vắng lặng

Các pháp cũng như thế.

Ba ngàn các Cõi Phật

Danh tự đều như vậy

Không nghe cũng không thấy

Phi pháp chỗ cần bàn.

Tam muội không tính toán

Dùng số trì ra nhiều

Người tuệ hiểu lời này

Được vô thường xứ Phật.

Pháp thảy đều thanh tịnh

Rộng lớn không gì bằng

Thường tạo vô biên nước

Phủ khắp cả ba ngàn,

Ý nguyện Đà La Ni

Phát ý không có trước

Pháp đã là như vậy

Tất cả nên phụng hành.

Khi ta nghĩ cầu pháp

Đến nay bao nhiêu kiếp

Ý chí thường xuất gia

Với dục không chỗ cầu,

Thường theo thiện tri thức

Được dự học chánh pháp

Khi ấy trong đại hội

Được nghe tôn tam muội,

Ý chí rất vui mừng

Liền bay lên hư không

Cách đất trăm, bốn trượng

Chắp tay đứng bên Phật.

Nay có các Bồ Tát

Ghi nhận đúng như vậy

Ý càng thêm vui mừng

Được nghe các tam muội,

Liền từ một Cõi Phật

Bay đến các Đức Phật

Không lay cũng không động

Chấn động trong các cõi.

Long Vương rất vui mừng

Liền mưa vạn thứ hương

Hóa thành các ao nước

Trên đến trong ba ngàn

Hoa hương tự nhiên có

Gió nhẹ tự nhiên thổi

Trăm thứ các âm nhạc

Đều trụ nơi không trung.

Lúc đó Bồ Tát Bảo Lai, hỏi Văn Thù Sư Lợi: Các hương hoa này, từ các cõi khác đến và các âm nhạc vang trong hội, đó là nhờ oai thần của Đức Phật hay là lực của Bồ Tát?

Văn Thù đáp: Sức thần biến của Đức Phật và Bồ Tát đều không thể thấy biết, tiếng nhạc này là tiếng nhạc vô danh, pháp âm sở tại xứ là vô danh. Nếu nhạc là nhạc xứ thì sở hữu như hóa, là nhạc. Pháp không hai, là nhạc. Đối với La Hán, Bích Chi Phật đều muốn độ thoát, là nhạc.

Thấy các dị đạo, đều muốn làm cho thành Phật, là nhạc. Hóa độ không có chủ tể, là nhạc. Nhất thiết xứ không chỗ, không chỗ khởi, đối với tam muội không phiền hà, là nhạc. Nhất thiết, xứ không có danh, là nhạc. Các sở hữu đều như hóa, là nhạc. Phi âm xứ, vô sở sinh xứ, là nhạc. Pháp có chỗ cho, không có chỗ cho, là nhạc. Trong cõi Đại Thiên, vô thường xứ, là nhạc.

Khiến tất cả mọi người được và tin không nắm bắt, là nhạc. Quá khứ, vị lai, hiện tại ba nơi, tận không chỗ tận, là nhạc. Khiến trở lại như cũ không chỗ thấy, là nhạc. Thấy pháp luân tức là không chỗ thấy, là nhạc. Trong ba ngàn cõi, tất cả bình đẳng, là nhạc.

Tạng cây Chánh Pháp trong mười phương ba ngàn, là nhạc. Mười phương cõi, chỉ có danh, là nhạc. Sắc dục hợp, là nhạc. Đối với danh tự không có chủ tể, là nhạc. Không bờ bến, tất cả vắng lặng, là nhạc. Tất cả sáng hợp cùng với tối, là nhạc. Các sở hành không mất giới, là nhạc. Các sở niệm không lìa tam muội, là nhạc.

Châu báu cả hư không hóa độ vô cực, là nhạc. Các tuệ giác không có xứ sở, là nhạc. Những gì có thể, là nhạc. Người không lãnh thọ tất cả quyết, là nhạc. Trong ba cõi không bằng nhau, là nhạc. Ham thích pháp không tiếc thân mạng, là nhạc. Tất cả sáng, khiến càng sáng thêm, là nhạc.

Các sở hữu chỉ là nhận thức sai lầm, người nhận thức đúng, là nhạc. Bố thí không mong báo đáp lại, là nhạc. Ý vô cực, làm vị thuyền trưởng giỏi, là nhạc. Vườn vô biên, giải thoát vô cực, là nhạc. Ý vắng lặng, là nhạc. Vô sở định, là nhạc. Các môn tam muội không có điên đảo, là nhạc. Cũng không tiếng, cũng không nghe, là nhạc.

Các sở niệm không phải là ý chân chánh, là nhạc. Tất cả mọi người không giải thoát, là nhạc. Các sở độ cũng như huyễn, là nhạc. Mới phát ý tam muội, đều là nhạc. Chỗ của các Bồ Tát đến không có xứ sở, là nhạc. Ý của các Bồ Tát khắp mười phương, là nhạc. Không phải xanh vàng, trắng, đen, không có ngõ tắc, là nhạc.

Như vậy, này Bảo Lai! Muốn biết oai thần của Phật và Bồ Tát, tiếng nhạc của âm nhạc là như vậy.

Bồ Tát Bảo Lai nói kệ tụng:

Ý Văn Thù Sư Lợi

Tuệ tôn không có trước

Bố thí khắp ba ngàn

Trí ấy thật tối tôn.

Oai thần đã hành thí

Đều từ trong ba ngàn

Không ham muốn các nhạc

Chỉ vì không thoát thí.

Pháp nhạc là hơn hết

Đối với hóa không độ

Chỗ cho cùng pháp nhạc

Nếu không là không độ.

Pháp cùng nhạc song hành

Không có lỗi là báu

Nhạc không có chủ tể

Nếu không không xứ sở.

Thâm nhập các vi diệu

Hiểu rõ hết mọi người

Khiến họ được đại pháp

Siêng đoạn diệt gốc khổ.

Tất cả người thế gian

Đều có ý không hiểu

Dùng pháp làm giác ý

Dùng tuệ cứu tất cả.

Lúc đó, từ xa Đức Phật vì

Bồ Tát Bảo Lai mà nói kệ:

Lìa không chẳng tưởng

Tưởng này chẳng không

Với pháp không khởi

Đó chính là khởi.

Ý nên mềm mỏng

Tịnh không sở hữu

Sắc dục đồng hợp

Nhập vào vô tướng.

Nói là không hình

Không lìa có hình

Pháp do như mộng

Không có ngằn mé.

Là tịch lìa tịch

Không lìa chẳng tạo

Các pháp không chủ

Có thể như hóa,

Đều không chỗ thọ

Pháp không chỗ xả

Nhận thức sai lầm

Tất cả đều vậy.

Chẳng sắc lìa sắc

Không lìa sắc này

Pháp ấy như sắc

Xứ này như vậy.

Chẳng phải âm vang

Không nghe chẳng thấy

Không thính không quán

Sở hữu như vậy,

Với hóa không danh

Tự nói là vậy

Pháp không tính toán

Hóa độ như vậy.

Không có thấy huyễn

Thấy cái lìa thấy

Lìa các tham dục

Phi pháp sở nghi.

Với dục không nhơ

Chẳng trước không lìa

Thấy đúng như vậy

Không có người thấy.

Với tịnh lìa tịnh

Mười phương không tạo

Có thể như thật

Như hóa không chủ.

Biết Đức Phật đã nói xong, ở trong cung Bồ Tát Bảo Lai nói kệ tụng:

Nghi vốn không hiểu

Pháp đều là vậy

Vốn trụ vô thường

Nghi tuệ như vậy.

Với tưởng không nhọc

Thức niệm không khổ

Nếu danh trụ chữ

Chẳng phải cầu pháp.

Với gốc không thể

Không hoàn không vậy

Có thể không thể

Xa lìa không thể.

Thoát sinh không diệt

Đó chính là diệt

Với diệt không tưởng

Đó là chẳng diệt

Với pháp không sinh

Cũng không tưởng thành.

Tại sao như vậy?

Các pháp đều không

Cũng không cầu nói

Ta lìa Niết Bàn

Vì sao như vậy?

Gốc ngọn thanh tịnh

Không tận mười phương

Nêu lên làm chứng

Có nói là ngã

Đó chính là chứng.

Luôn trong chánh niệm

Niệm trong mười phương

Pháp không hai pháp

Liền được vô danh.

Pháp chẳng tư tưởng

Có thể đạt được

Khởi hành như vậy

Không thấy tôn pháp.

Cốt yếu hiểu tuệ

Không sợ vi diệu

Thâm hành không chủ

Gọi là diệt môn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần