Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba - Phẩm Không Buông Lung - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA

PHẨM KHÔNG BUÔNG LUNG  

TẬP BỐN  

Ngày xưa, có một vị trưởng giả đem hũ bơ để trên lầu cao, nhưng hũ đậy không kỹ nên bị chuột chui vào hũ bơ. Rồi suốt đêm ngày, nó mãi ham ăn bơ, không chịu ra khỏi hũ. Khi bơ hết dần thì thân thể con chuột càng lớn ra, chiếm trọn cả hũ, da lông có màu giống như màu bơ. Rồi có người đến nhà ông trưởng giả mua bơ.

Ông liền lên lầu đem hũ bơ đặt trên lò lửa. Con chuột nằm trong hũ bơ thì đầu lộn xuống, mình quay lên, nên nó đành chịu chết trong hũ và nó biến thành bơ trong bình. Ông bán cho người mua được vài đấu bơ. Xương chuột chìm xuống dưới, đầu lâu và chân thì rã rời.

Ông trưởng giả thấy vậy nghĩ rằng: Khi ta lấy bơ không đậy nắp bình, nên chuột chui vào ăn bơ, rồi nó ở luôn trong bình, không chịu nhảy ra. Bơ hết, chuột chết là lẽ tất nhiên.

Ông trưởng giả lại nghĩ: Sống buông lung gây ra nhiều lỗi lầm cũng lại như vậy, đạo và tục chẳng khác gì nhau.

Chẳng khác thế tục là như thế nào?

Ấy là bỏn sẻn tham lam, không bố thí, không giữ trai giới, không tu pháp bát quan trai. Ba tháng trong năm, sáu ngày trong tháng thường không giữ gìn. Tuy sống trên đời mà không ích lợi gì cho đạo pháp cả. Khi chết rồi, đời sau phải chịu nhiều tai họa, đọa vào tám chỗ không an ổn, chịu khổ não không thể kể hết. Đó là sự buông lung của kẻ tục mà phải chịu khổ như thế.

Còn sự buông lung của người tu đạo thì thế nào?

Là người học đạo, bên ngoài mặc pháp phục, mà bên trong thì gian trá, cũng không tu học Kinh Điển, không sống theo chánh pháp, không tu thiền định, suy nghĩ giới luật. Uổng phí công lao, không được kết quả gì. Đời hiện tại không chứng quả thì kiếp sau càng dồn chứa lầm lỗi.

Cho nên nói: Buông lung là nẻo chết.

Không tham thì không chết: Tuy đã chết nhưng không coi là chết.

Vì sao?

Vì người sống không buông lung, nên sau khi chết người ấy sẽ sinh lên Cõi Trời hưởng phước vô lượng, sống lâu không chết, tâm ý mạnh mẽ, không hề mê lầm, cũng không chết nửa chừng, không có nỗi lo về cái chết.

Cho nên nói: Không tham thì không chết.

Mất đạo là tự chôn: Quen thói sống buông lung, không hề lo nghĩ điều ác trước, sau và ở giữa, không sống theo người già thánh thiện, mà đi ngược lại cái thuật sống thọ của Bậc Thánh Hiền. Tự cho mình là phải, không nghe ai can ngăn, cho rằng mọi việc mà mình làm là đúng, những việc người khác làm là sai. Không nuôi sống thân mạng bằng trí tuệ.

Cho nên nói:

Mất đạo là tự chôn.

Trí giữ đạo là hơn

Trọn đời không buông lung

Không tham được vui mừng

Nhờ đó được vui đạo.

Trí giữ đạo là hơn: Đối với các công đức thì trí tuệ hơn hết, là trên hết. Người trí tự sửa mình, không để một điều lành nào thất thoát. Có khả năng phân biệt rành những hành động nào đưa đến các cõi, các đường. Người trí thông minh, không có mê lầm, nên thường được Trời và người khen ngợi, làm lợi ích cho Phật Pháp, chánh pháp không đoạn diệt.

Cho nên nói: Trí giữ đạo là hơn.

Trọn đời không buông lung: Đã lìa được buông lung thì không gây những lỗi cũ, tâm ý vui mừng, mến mộ pháp lành tâm không biết chán.

Cho nên nói: Trọn đời không buông lung.

Không tham được vui mừng, nhờ đó được vui đạo: Đạo Thánh Hiền là không buông lung, các thói quen và nhân duyên cũ đều dứt hết. Không còn ưa thích sinh trong ba cõi.

Cho nên nói:

Nhờ đó được vui đạo.

Thường phải nghĩ nhớ đạo

Tự gắng, giữ chánh hạnh

Kẻ mạnh được giải thoát

Tốt đẹp không gì hơn.

Thường phải nghĩ nhớ đạo: Ngồi thiền từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, buộc niệm trước mặt, tâm không loạn động, từ đầu đến cuối và từ cuối đến đầu, suy nghĩ quán xét những chất bất tịnh chảy ra từ trong thân người này.

Cho nên nói: Thường phải nghĩ nhớ đạo.

Tự gắng, giữ chánh hạnh: Ý thường hăng hái, tâm không hối hận giữa chừng, vượt khỏi sinh tử, những gì chưa đạt thì cố đạt được, pháp chưa chứng được thì mau chứng được.

Cho nên nói: Tự gắng, giữ chánh hạnh.

Kẻ mạnh được giải thoát: Đó là Chư Phật, Thế Tôn và đệ tử Phật, an trụ vững chắc trong chánh pháp, tâm khó có gì phá hoại được, dứt bỏ các pháp ác và hạnh bất tịnh, dần dần đến Niết Bàn, được an ổn mãi.

Cho nên nói: Kẻ mạnh được giải thoát.

Tốt đẹp không gì hơn: Những điều mà Như Lai làm đều tốt đẹp lợi ích, việc làm của Ngài đều tốt đẹp, có công năng hang phục ngoại đạo, dị học, tất cả sinh tử. Những thứ không tốt đẹp, lo buồn như vết lăn của bánh xe, từ xưa đến giờ không ngừng nghỉ.

Không gì hơn là không có pháp nào vượt hơn pháp này.

Cho nên nói: Tốt đẹp không gì hơn.

Nếu biết tự ngăn cấm buông lung thì liền trở thành Thánh Hiền, là đã bước lên ngôi nhà trí tuệ, bỏ hết nguy nạn thì liền được an ổn, dùng trí tuệ soi xét kẻ ngu thì như núi và đồng bằng. Thế nên cần phải bỏ thói kiêu căng ngạo mạn, người trí rèn mãi tuệ sáng cho nên dứt bỏ được kiêu mạn. Người có mắt quán xét thói buông lung, không chân thật, không thật có, không đáng nương cậy.

Cho nên nói: Phải suy nghĩ mà xả bỏ thói buông lung, đó mới gọi là người có hiểu biết.

Chẳng nhận học hỏi nơi ai khác mà ứng đối không ai hơn, không nhờ sắc tướng nào khác mà tự giác, ấy gọi là hiểu biết. Bản tính nhanh nhẹn, gặp việc là có thể ứng phó liền. Tuy học rộng hiểu nhiều, nhưng bên ngoài thì khiêm tốn học hỏi. Đó mới gọi là người hiểu biết. Rèn luyện trí tuệ sáng suốt.

Thuở ấy, Tôn Giả Mục Liên đích thân hóa độ hai đệ tử mới xuất gia học đạo. Một người là con nhà thợ giặt đi xuất gia, người kia là con nhà thợ sắt đi xuất gia.

Lúc ấy, Ngài Mục Liên dần dần dạy hai vị đệ tử rằng: Trước hết là anh thợ sắt nên rèn luyện pháp thiền, khéo suy nghĩ quán sát chất bất tịnh nhơ bẩn. Còn anh thợ giặt, thì nên tu tập pháp an ban thủ ý đếm hơi thở. Hai vị này ngày đêm tinh tấn tu tập nhưng không kết quả. Cứ hành trì như vậy, suốt mười hai năm nhưng chẳng được gì.

Bấy giờ Ngài Xá Lợi Phất thấy việc tu của hai người ấy không đạt kết quả, bèn bảo Ngài Mục Liên: Thầy dạy đệ tử không đúng pháp môn. Dạy thì nên dung pháp mà lại dạy buông lung, nay thầy chưa rõ pháp hành đúng thời cơ. Đối với người thợ giặt xuất gia thì nên dạy pháp quán bất tịnh.

Vì sao?

Vì người này có ý niệm thanh tịnh, sạch sẽ từ lâu cho nên khi nghe nói pháp quán bất tịnh thì sẽ hiểu ngay, không có gì trở ngại hết. Còn đối với người thợ sắt xuất gia làm Tỳ Kheo, thì nên dạy phép An ban thủ ý.

Vì sao?

Vì thầy này tay cầm ống thụt lửa lò rèn, biết rõ hơi nhiều hay ít, nên với việc kiểm soát hơi thở tâm sẽ được giác ngộ.

Khi ấy Ngài Mục Liên nghe theo lời Ngài Xá Lợi Phất mà dạy thì hai vị đệ tử kia liền được khai ngộ.

Cho nên nói: Nếu ngăn chạn được sự sống buông lung thì ngay đó thành Bậc Hiền. Đã bước chân lên ngôi nhà trí tuệ, nghĩa là các Bậc Hiền Thánh khi đã bước chân lên ngôi nhà trí tuệ thì nhìn thấy những người tu hành còn phàm phu như cỏ cây ngoài đồng hoang, các Ngài dùng tâm đại bi nhuần thấm họ, không còn sót ai.

Như ở trên đời này, nhà cửa cao sang của những dòng họ cao quý thì dân thường rất ưa thích, các Bậc Hiền Thánh cũng như vậy, khi đã bước chân lên ngôi nhà Hiền Thánh, thì các Ngài thấy chúng sinh sống quen những điều không chân chánh.

Lo nghĩ rằng chúng sinh chưa thoát được các nỗi khổ, lại còn quen thói mê đắm buông lung, hoặc đối với người trí tuệ buông lung thì tâm ở trong thiền, ý cũng ở trong thiền, luôn nghe theo lời răn dạy của thầy tổ, không bao giờ làm trái lời. Đó gọi là trí tuệ không buông lung.

Vì thế mà biết rằng: Nếu không tu tập thiền định thì không do đâu được giải thoát.

Cho nên nói: Bỏ hết nguy nạn thì liền được an ổn, người có trí tuệ sáng suốt quan sát kẻ ngu thì như núi cao nhìn xuống đồng bằng, là vì người đứng trên núi cao nhìn xuống đồng bằng khắp nơi chốn thì không nơi nào là không thấy.

Còn người đứng bên dưới đồng bằng nhìn lên thì không thấy được gì. Người ngu so với Thánh Hiền cũng như vậy. Vì tâm mê chấp chặt nên người ngu không hiểu biết được gì. Họ cần phải nhờ Thánh Hiền chỉ dạy mới được khai ngộ.

Phát hành không buông lung

Kiềm mình, điều khiển tâm

Tuệ là vàng sáng chói

Không rơi lại vực sâu.

Phát hành không buông lung: Khi mới bắt đầu tu hành phải dụng tâm siêng năng không mệt mỏi. Vì nếu mới phát hành mà ý chí yếu đuối thì không gọi là phát hành. Chỉ có những ai mạnh mẽ mới mong đạt kết quả.

Cho nên nói: Phát hành không buông lung.

Dù siêng năng tinh tấn nhưng vẫn còn buông lung thì không tựu đạo quả vô thượng.

Cho nên nói: Không buông lung là vậy.

Kiềm mình, điều khiển tâm: Kiềm chế mình là giữ giới cụ túc thanh tịnh. Điều tâm nghĩa là giữ ý không cho loạn động, không hề có tà niệm.

Cho nên nói: Kiềm mình, điều khiển tâm.

Tuệ là vàng sáng chói: Trong khoảng thời gian búng ngón tay đã làm xong bốn việc.

Bốn việc ấy là: Một dứt bỏ vô minh, hai đốt thân năm ấm, ba đốt cháy mỡ sống, bốn nhổ tận gốc ái. Giống như trí tuệ sáng suốt thì trong thời gian búng ngón tay đã làm xong bốn việc cũng như vậy.

Làm xong bốn việc là: Dứt bỏ vô minh, đốt than năm ấm, đốt cháy mỡ sống, nhổ tận gốc ái. Đạo của Thánh Hiền sáng rỡ cũng như vậy, trong khoảng thời gian búng ngón tay đã làm xong bốn việc là dứt bỏ vô minh, đốt cháy mở sống, nhổ tận gốc ái, đốt thân năm ấm.

Không bị kẻ ngu si khuất phục nên họ thành tựu được đạo Thánh Hiền sáng suốt. Nhờ ánh sáng của đạo soi đường nên tà ma ngoại đạo không thể làm lay động tâm họ.

Cho nên nói: 

Chẳng còn rơi vực sâu.

Thường sinh khởi chánh niệm

Làm thiện, ác dễ hết

Dùng pháp thọ tự ngăn

Không phạm, tiếng lành thêm.

Thường sinh khởi chánh niệm: Người tu hành sinh khởi những ý tưởng rối loạn thì việc làm của mình không thành công.

Tôn Giả Đồng Tử Biện nói rằng: Ý niệm trút vào công việc, nhưng tâm hối tiếc dụ dự thì không thành công. Ý thức mạnh mẽ, chuyên nhất tâm niệm thì không có việc gì không đạt kết quả.

Người tu hành cũng như vậy. Tâm nhớ tưởng điều lành nhưng không thực hành thì không thể đến bờ giải thoát được.

Cho nên nói: Thường sinh khởi chánh niệm.

Làm thiện, ác dễ hết: Thân làm việc thanh tịnh, miệng nói lời thanh tịnh, ý nghĩ những điều thanh tịnh.

Những gì là không thanh tịnh?

Đó là bốn thứ điên đảo: Vô thường mà cho là thường là điều điên đảo thứ nhất. Khổ mà cho là vui là điều điên đảo thứ hai. Bất tịnh mà cho là tịnh là điều điên đảo thứ ba và vô ngã mà cho là ngã là điều điên đảo thứ tư. Bốn pháp không tương ưng với bốn thứ điên đảo này nên được gọi là tịnh.

Cho nên nói: Làm thiện, ác dễ hết. Khi các kết sử đã hết thì thân thể mát mẻ, không còn nóng bức khổ não, cũng gọi đó là ác hết.

Dùng pháp thọ tự ngăn: Ngăn nghĩa là ngăn thân, miệng, ý. Nuôi lớn bằng chánh pháp, nên không làm việc không đúng pháp.

Dùng chánh pháp cầu sống lâu nên không làm việc không đúng pháp.

Cho nên nói: Dùng pháp thọ tự ngăn.

Không phạm, tiếng lành thêm: Tiếng khen đồn khắp tám biển, công đức trùm khắp mười phương. Hễ ai nghe đến đều kính tin, vâng theo lời dạy.

Cho nên nói:

Không phạm, tiếng lành thêm.

Chuyên tâm không buông lung

Ý tu giới Năng Nhân

Không có khổ, lo buồn

Tâm loạn được dừng nghỉ.

Chuyên tâm không buông lung: Nếu cứ quen thói dục thì ý hoạt động mãnh liệt trong giới cấm vẫn còn kẽ hở.

Ngày xưa, đệ tử Phật là Tỳ Kheo Nhị Thập Ức Nhĩ tự thầm răn mình rằng: Trong hàng đệ tử Phật, ta là người đứng đầu về tinh tấn mạnh mẽ.

Nhưng đối với pháp vô lậu thì tâm chưa giải thoát. Cơ ngơi gia nghiệp của ông bà cha mẹ ta nhiều không kể xiết, nếu nay ta học đạo không được gì thì tốt hơn là nên trở về nhà, bỏ ba pháp y, sinh hoạt như người đời, vui với năm dục, bố thí cho những người nghèo thiếu. Chứ tinh tấn giữ giới gian khổ biết bao mà không được như ý nguyện.

Đức Thế Tôn dùng thiên nhĩ nghe suốt, không chút tì vết, Ngài nghe thầy Tỳ Kheo Nhị Thập Ức Nhĩ muốn hoàn tục, sống đời tại gia, Ngài liền tự Tinh Xá Kỳ Hoàn biến mình đến ngay chỗ Tỳ Kheo Ức Nhĩ, hỏi Tỳ Kheo Ức Nhĩ rằng: Thế nào Nhị Thập Ức Nhĩ?

Thầy nghĩ như thế, lại tự cho rằng trong hàng đệ tử Phật, mình đứng đầu về tinh tấn mạnh mẽ. Nhưng đối với pháp vô lậu thì tâm thầy chưa giải thoát.

Cơ ngơi gia nghiệp của ông bà cha mẹ thầy nhiều không kể xiết, nếu nay thầy học đạo không đạt kết quả thì tốt hơn là nên trở về nhà, bỏ ba pháp y, sinh hoạt như người đời, vui với năm dục, bố thí cho những người nghèo thiếu, tinh tấn giữ giới chỉ tự làm khổ như thế này.

Thầy nhớ lại coi có nói những lời ấy chăng?

Đáp: Bạch Thế Tôn, con có nghĩ như vậy.

Đức Phật bảo Tỳ Kheo Nhị Thập Ức Nhĩ: Bây giờ ta hỏi thầy ý nghĩa của nội pháp, thầy hãy trả lời từng ý một.

Thế nào Nhị Thập Ức Nhĩ?

Xưa kia, khi còn tại gia, thầy đánh đàn cầm rất giỏi, đàn cầm hòa với tiếng ca, tiếng ca hòa với đàn cầm, âm hưởng hợp nhất tạo thành một ca khúc phải không?

Đáp: Bạch Ngài, đúng như vậy.

Đức Phật hỏi: Thế nào, nếu dây đàn căng quá hay chùng quá thì có tạo nên âm thanh hay chăng?

Đáp: Bạch Đức Thế Tôn, không.

Đức Phật hỏi tiếp: Thế nào?

Nếu dây đàn không căng không chùng thì có tạo nên âm thanh hay chăng?

Đáp: Bạch Thế Tôn, sẽ tạo nên âm thanh hay.

Đức Phật bảo: Tỳ Kheo tu hành với tinh tấn mạnh mẽ quá mức thì sẽ sinh biếng nhác. Nếu biếng nhác, không tinh tấn thì lại sinh trễ nãi. Cho nên, bây giờ, thầy không nên siêng năng quá mức mà cũng không nên biếng nhác, nên giữ mức vừa chừng thì đạt được kết quả, tâm hữu lậu sẽ được giải thoát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần