Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba - Phẩm Không Buông Lung - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA

PHẨM KHÔNG BUÔNG LUNG  

TẬP HAI  

Chuyên tâm không buông lung: Nếu cứ quen thói dục thì ý hoạt động mãnh liệt trong giới cấm vẫn còn kẽ hở.

Ngày xưa, đệ tử Phật là Tỳ Kheo Nhị Thập Ức Nhĩ tự thầm răn mình rằng: Trong hàng đệ tử Phật, ta là người đứng đầu về tinh tấn mạnh mẽ.

Nhưng đối với pháp vô lậu thì tâm chưa giải thoát. Cơ ngơi gia nghiệp của ông bà cha mẹ ta nhiều không kể xiết, nếu nay ta học đạo không được gì thì tốt hơn là nên trở về nhà, bỏ ba pháp y, sinh hoạt như người đời, vui với năm dục, bố thí cho những người nghèo thiếu.

Chứ tinh tấn giữ giới gian khổ biết bao mà không được như ý nguyện.

Đức Thế Tôn dùng thiên nhĩ nghe suốt, không chút tì vết, Ngài nghe thầy Tỳ Kheo Nhị Thập Ức Nhĩ muốn hoàn tục, sống đời tại gia, Ngài liền tự Tinh Xá Kỳ Hoàn biến mình đến ngay chỗ Tỳ Kheo Ức Nhĩ, hỏi Tỳ Kheo Ức Nhĩ rằng: Thế nào Nhị Thập Ức Nhĩ?

Thầy nghĩ như thế, lại tự cho rằng trong hàng đệ tử Phật, mình đứng đầu về tinh tấn mạnh mẽ.

Nhưng đối với pháp vô lậu thì tâm thầy chưa giải thoát. Cơ ngơi gia nghiệp của ông bà cha mẹ thầy nhiều không kể xiết, nếu nay thầy học đạo không đạt kết quả thì tốt hơn là nên trở về nhà, bỏ ba pháp y, sinh hoạt như người đời, vui với năm dục, bố thí cho những người nghèo thiếu, tinh tấn giữ giới chỉ tự làm khổ như thế này.

Thầy nhớ lại coi có nói những lời ấy chăng?

Đáp: Bạch Thế Tôn, con có nghĩ như vậy.

Đức Phật bảo Tỳ Kheo Nhị Thập Ức Nhĩ: Bây giờ Ta hỏi thầy ý nghĩa của nội pháp, thầy hãy trả lời từng ý một.

Thế nào Nhị Thập Ức Nhĩ?

Xưa kia, khi còn tại gia, thầy đánh đàn cầm rất giỏi, đàn cầm hòa với tiếng ca, tiếng ca hòa với đàn cầm, âm hưởng hợp nhất tạo thành một ca khúc phải không?

Đáp: Bạch Ngài, đúng như vậy.

Đức Phật hỏi: Thế nào, nếu dây đàn căng quá hay dùn quá thì có tạo nên âm thanh hay chăng?

Đáp: Bạch Đức Thế Tôn, không.

Đức Phật hỏi tiếp: Thế nào?

Nếu dây đàn không căng không dùn thì có tạo nên âm thanh hay chăng?

Đáp: Bạch Thế Tôn, sẽ tạo nên âm thanh hay.

Đức Phật bảo: Tỳ Kheo tu hành với tinh tấn mạnh mẽ quá mức thì sẽ sinh biếng nhác. Nếu biếng nhác, không tinh tấn thì lại sinh trễ nãi. Cho nên, bây giờ, thầy không nên siêng năng quá mức mà cũng không nên biếng nhác, nên giữ mức vừa chừng thì đạt được kết quả, tâm hữu lậu sẽ được giải thoát.

Dạy như thế xong, Đức Thế Tôn đứng dậy khỏi chỗ ngồi và trở về Tinh Xá. Tôn Giả Nhị Thập Ức Nhĩ đến nơi thanh vắng chuyên tâm suy nghĩ tự cảm thấy tha thiết. Cho nên người con nhà dòng dõi cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, tu pháp vô thượng kia dứt hết hữu lậu, thành vô lậu, đối với Niết Bàn vô dư, Ngài chứng quả A La Hán.

Cho nên nói: Chuyên tâm không buông lung.

Ý tu giới Năng Nhân: Năng Nhân chỉ cho Chư Phật, Thế Tôn. Giới chỉ cho hai trăm năm mươi giới oai nghi nội cấm, Chư Phật răn dạy từng câu từng nghĩa, đều là cấm luật, đều là giới. Phải rèn luyện điều này, bỏ điều này, phải xa lìa điều ấy, thành tựu điều ấy.

Cho nên nói: Ý tu giới Năng Nhân.

Không có khổ lo buồn: Hễ người xuất gia mà trong tâm lười biếng, không tu đạo pháp vô thượng, lại đắm nhiễm sâu vào cuộc đời phiền lụy, không xa lìa thế tục thì sinh ra lo buồn.

Lại nữa sống trái luật, phạm giới cấm cũng sinh lo buồn. Người tu hành nhận của tín thí, tham ăn uống không biết thỏa mãn, không Tụng Kinh, ngồi thiền, định ý, không nhớ nghĩ đến đạo đức, không giáo hóa ai, không làm các việc giúp chúng, hạng người sống như vậy, cũng sinh ra lo buồn.

Thế nào là sống không lo buồn?

Là năm căn tín, tấn, niệm, định, tuệ có sức mạnh đối với pháp thiền, không thiếu sót. Nhờ vậy mà vượt thứ bậc, đến cảnh giới vô vi vào ngôi nhà không lo buồn, vắng lặng vui sướng.

Cho nên nói: Không có khổ lo buồn.

Tâm loạn được dừng nghỉ: Dừng nghỉ là mất hẳn, không còn sinh khởi. Cũng không còn sinh khởi hay diệt trừ, tham đắm hay dứt bỏ đối với ba cõi nóng bức, bệnh ấm trì nhập không còn sinh khởi.

Nhờ khéo tu thiền định nên đến được nhà vô ưu, tâm ý chuyên nhất không còn loạn động. Thường có niệm lành và nhân duyên tốt.

Cho nên nói:

Tâm loạn được dừng nghỉ.

Không gần pháp thấp hèn

Không gần kẻ buông lung

Không trồng cây tà kiến

Không nuôi lớn việc ác.

Không gần pháp thấp hèn: Pháp thấp hèn là gì?

Là tất cả các kết sử, tất cả hành động xấu, tất cả tà kiến, tất cả điên đảo, nếu có chúng sinh gần gũi những pháp ấy thì sẽ gây ra các điều ác. Cho nên người hiểu biết thì không gần gũi, nó cũng không sống với nó, cũng không nói chuyện qua lại với nó, không nằm ngồi đi đứng với nó, mà nên xa lánh nó như xa lìa lửa đang cháy.

Cho nên nói: Không gần pháp thấp hèn.

Không gần kẻ buông lung: Người tu hành mà buông lung thì sự nghiệp loạn động, sinh ra các tai họa, làm bạn với những kẻ xấu, với sự giúp đỡ của mười điều ác, thật ra chẳng thân thiết mà giả như bạn bè, nước mắt giả vờ rơi lả chả mà bên trong tính chuyện tội ác, lời lẽ ngọt ngào mà bên trong chứa đầy gươm đao, những kẻ buông lung như thế thì đừng nên gần gũi mà phải xa lìa chúng. Trước ngọt mà sau đắng, thì Bậc Thánh Nhân không theo.

Cho nên nói: Không gần kẻ buông lung.

Không trồng gốc tà kiến: Bệnh về tà kiến có đến muôn thứ.

Như trong Kinh nói không kể đời này đời sau, không kể cha mẹ, La Hán, không kể kẻ tu hành đắc đạo, tất cả đều bỏ lời chân thật của Đức Phật mà chạy theo những lời đẹp đẽ thế gian, làm thơ phú để dối trá ca ngợi cảnh sống nhàn hạ trống rỗng, sống không hợp pháp, bỏ gốc theo ngọn, xa lìa chân thật, sống dối trá, quen điên đảo, bảo rằng Chư Phật, Thế Tôn, Bích Chi Phật, A La Hán, A Na Hàm, Tư Đà Hàm, Tu Đà Hoàn là không thật, không có, chê bai sáu độ mà ca ngợi hạnh tà. Những việc kể trên rất tà kiến.

Vì sao?

Vì họ cho thật là giả, cho giả là thật.

Khi còn tại thế, chính miệng vang của Đức Phật nói rằng: Đối với kẻ ngu si thì những điều không đáng nhận lãnh, lại nhận lãnh.

Họ thấy ngược lại và gièm chê rằng: Ai nói?

Như thế, chẳng những họ tự nhảy xuống vực sâu mà còn làm cho bao kẻ khác rơi xuống vực sâu nữa. Trời, người đều không cung kính những người ấy. Còn thêm thói bắt chước ngoại đạo dị học mà vẽ bùa đọc chú, trấn ếm ma quỷ, chọn lựa ngày giờ tốt, sai khiến quỷ thần, làm nhiều phương thuật lạ lùng. Những việc ấy đều là tà thuật. Người có mắt không nên tu tập.

Đức Phật nói thí dụ rằng: Có người nọ tham ăn thịt rắn, y tìm kiếm khắp nơi, dùng tay bắt rắn, nhưng lại nắm đuôi rắn, rắn quay đầu cắn vào tay, nọc độc chạy khắp cơ thể, người ấy chết liền.

Người ấy chết là bởi không biết cách bắt rắn. Đối với kẻ ngu cũng lại như vậy. Điều sai lầm thì cho là đúng, điều đúng thì bảo là sai.

Cho nên nói: Không trồng cây tà kiến.

Không nuôi lớn việc ác: Về đời thì có ba thứ là: Đời chúng sinh, đời thân xác, đời ba cõi. Về đời chúng sinh thì gồm có loài một chân, hai chân, ba chân, bốn chân và nhiều chân, có sắc hoặc không có sắc, có tưởng hoặc không có tưởng, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng. Đó là đời chúng sinh. Về đời thân xác thì gồm năm ấm ở Cõi Dục, Cõi Sắc và bốn ấm ở Cõi Vô Sắc.

Đó là đời thân xác. Đời ba cõi là Tam Thiên Đại Thiên cho đến vô biên cõi, từ một mà đến ba ngàn Đại Thiên Thế Giới. Đó là đời ba cõi. Nếu có chúng sinh theo thói tà kiến thì kéo dài ở thế gian, sinh ra các thứ nhơ xấu. Kéo dài đời địa ngục, đời ngạ quỷ, đời súc sanh. Không trồng cây tà kiến là không sống theo ba đời nói trên.

Cho nên nói:

Không nuôi lớn việc ác.

Đạo chánh kiến tăng thượng

Trí thế tục quán sát

Thì trong trăm ngàn đời

Không hề đọa đường ác.

Đạo chánh kiến tăng thượng: Những ai biết rõ cội gốc tà kiến thì họ từ bỏ hẳn, dù cho ai đó có hóa thành Phật, đứng trước mặt họ giảng nói điên đảo mà bảo rằng đó là chánh pháp thì người chánh kiến vẫn giữ tâm vững chắc không chấp nhận những luận điệu ấy.

Vì sao?

Vì chánh kiến khó ai làm phá hoại được. Dù cho ác Ma Ba Tuần hay các nhà ảo thuật có biến hóa ra bao nhiêu thứ để khủng bố, thì người Thiện Nam vẫn không thay đổi, vẫn không nao núng tâm hồn. Họ luôn tu sửa chánh kiến, ý không xao động. Đó là chánh kiến thế tục, không phải nghĩa bậc nhất.

Cho nên nói: Đạo chánh kiến tăng thượng, trí thế tục quán sát.

Thì trong trăm ngàn đời: Như lời Phật dạy: Ta không hề thấy ai thực hành chánh kiến mà lại đọa vào đường ác trong trăm ngàn kiếp, điều ấy ta chưa từng nghe. Họ sinh nơi nào là được gặp Thánh Hiền nơi đó. Họ không bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Cho nên nói:

Thì trong trăm ngàn đời,

Không hề đọa đường ác.

Người tu tập buông lung

Kẻ ngu quen đùa bỡn

Thiền định không buông lung

Như người giữ kho báu.

Người tu tập buông lung: Giữ chắc tâm mê của mình, không sống đúng theo chánh ý, cho việc mình làm là đúng, việc người làm là sai. Họ gần gũi kẻ tầm thường lòng vòng trong phạm vi ấy, như được cho đồ quý báu, không thể lìa bỏ.

Cho nên nói: Người tu tập buông lung.

Kẻ ngu quen đùa bỡn: Như đứa trẻ còn dại khờ chưa phân biệt được trắng đen, giả thật, những cái không được sờ mó vào thì chúng cứ sờ mó vào, như lửa hay rắn độc.

Thiền định không buông lung: Thiền định gom hết tư tưởng thông suốt từ trong đến ngoài suốt bảy đại thất, dùng thiền thụy, thiền cúc, pháp trượng để kiểm soát tâm người ngồi thiền. Tùy thời tiến lên mãi không để mất pháp thiền.

Thế nào là định?

Định là ý không lùi lại mà ngày càng tiến lên. Trong hai mươi mốt ngày tâm ý vắng lặng không nghĩ tưởng. Đại thất là bảy lần bảy bốn mươi chín ngày, suốt thời gian ấy tinh tấn tâm không rối loạn liền được thiền định, nếu ý loạn thì mất thứ lớp, lại phải bắt đầu từ một, đến bảy đại thất.

Thiền thụy ngủ thiền là dùng cục đá dằn lên đầu hay lấy dây cột vào mép tai, khi gục xuống thì liền thức dậy.

Thiền cúc là thiền sư tay cầm cây roi thiền hễ ai ngủ gục đi ngang dùng roi đánh, roi chuyền đánh vào người khác khiến họ tự thức dậy.

Pháp trượng là dùng gậy đánh thức người ngủ dục. Xoay vần giúp họ thức để ngồi thiền.

Cho nên nói: Thiền định không buông lung.

Như người giữ kho báu: Người giữ kho báu kia như thầy Tỳ Kheo giữ chắc thiền định, không lơi lỏng. Nếu bị loạn động thì phải gom ý lại ngay. Người giữ kho kia cũng vậy. Lúc nào y cũng coi ngó xem xét kho báu. Mọi vật quý, từ bảy báu cho đến trâu, dê, tiền của, đầy tớ vàng bạc, trân bảo, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách. Luôn luôn coi ngó, không để mất mát.

Cho nên nói: Như người giữ kho báu.

Người tu tập buông lung, kẻ ngu quen đùa bỡn, nhưng khi có thiền định thì không còn buông lung, liền đó dứt hết hữu lậu.

Dứt hết hữu lậu là người tu hành kia bên trong tự suy nghĩ rằng: Hữu lậu là chứng bệnh gây ra nhiều lầm lỗi, tạo ra các kết sử dính mắc vào Ba Cõi Dục, Sắc, Vô Sắc.

Ta bị dính mắc vào các kết sử ấy nên bị buộc ràng trong sinh tử, biết chắc những thứ ấy đều là giả dối, không đưa đến giải thoát rốt ráo. Việc cốt yếu của ta ngày nay là phải dứt bỏ chúng. Phải diệt sạch những thứ đang có, không để chúng phát sinh trong tương lai, cũng không tạo thêm nghiệp mới, không sống theo lối cũ.

Cho nên nói: Liền có khả năng dứt sạch hữu lậu.

Không tham, không ưa tranh

Cũng không đắm dục lạc

Nhớ nghĩ: Không buông lung

Mới an vui hoàn toàn.

Không tham, không ưa tranh: Không chạy theo thói quen buông lung, cũng không chung sống với nó. Thấy ai quen sống buông lung thì không vui theo họ, lại còn khuyến tấn họ từ bỏ buông lung, chính mình cũng không gần gũi hạng người sống buông lung ấy.

Cho nên nói: Không tham, không ưa tranh.

Cũng không đắm dục lạc: Ngoài đạo dị học khen ngợi dục lạc, dị học tự nói dục là tươi đẹp, là thanh tịnh, không chút tì vết. Cho nên, họ rủ nhau ăn chơi vui thú để làm thỏa mãn các giác quan, cho rằng sống theo dục lạc là không có tội lỗi, cho việc làm nhơ bẩn mà cho là trong sạch.

Vì sao?

Vì họ bảo, nếu không có dục thì đâu có thân này, không có dục thì làm sao có ta?

Trong khi đó, Đức Như Lai dạy rằng: Nghĩa ấy không đúng, dục cần phải dứt bỏ chứ sao lại còn khen ngợi?

Vì sao?

Vì dục là bà mẹ sinh ra mọi ham muốn.

Cho nên nói: Cũng không đắm dục lạc.

Nhớ nghĩ: Không buông lung, mới an vui hoàn toàn, nhờ dứt hẳn các kết sử nên thản nhiên an vui. Các bậc Vua chúa, quan lớn, trưởng giả, cư sĩ, chất chứa tài sản muôn ức, tha hồ vui chơi cho đó là được vui vô cùng. Nhưng thật ra, thói quen ấy không phải là pháp an vui, vì ngày nay thỏa dạ, nhưng ngày sau lại khổ não, muốn ra khỏi cũng không được và thật là nguy hiểm.

Chỉ khi nào tất cả các kết sử đều dứt hẳn, không còn sót chút nào, thì khi đó mới được an vui hoàn toàn. Không có gì làm lay động được, không còn lội qua bốn vũng khổ nạn là sinh, già, bệnh, chết. Dù đã được ba đạt, sáu thần thông đi nữa vẫn không có khả năng dời sự an vui ấy đến bên chỗ nguy hiểm được.

Cho nên nói:

Mới an vui hoàn toàn.

Không lúc nào buông lung

Chế ngự, hết các lậu

Buông lung ma được dịp

Như sư tử chụp nai.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần