Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba Mươi Hai - Phẩm Sa Môn - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA MƯƠI HAI

PHẨM SA MÔN  

TẬP HAI  

Như người tu hành giữ thân, miệng, ý, ít muốn biết đủ, không quá ân cần, dù được y phục, thức ăn, giường ghế, đồ nằm, thuốc men trị bệnh chỉ để nuôi thân, chứ không tham luyến vinh hiển ở đời, oai nghi lễ tiết không mất chừng mực. Giường ghế, đồ nằm thường biết dừng đủ thì không bị quả báo nước đồng sôi rót vào miệng ở đời sau.

Cho nên nói:

Thiền không buông lung,

Không bị dục loạn,

Không uống đồng sôi,

Tự não đốt mình.

Tự giữ thân, miệng mình

Giữ ý không làm ác

Lại giữ gìn giới cấm

Nên gọi là Tỳ Kheo.

Người tu hành thân không làm ác, miệng không mắng chửi, ý không ganh ghét, đầy đủ ba việc ấy mới gọi là Tỳ Kheo.

Cho nên nói:

Tự giữ thân, miệng mình,

Giữ ý không làm ác,

Lại giữ gìn giới cấm,

Nên gọi là Tỳ Kheo.

Nhiều người tu pháp lành

Bảy giác ý làm gốc

Đó gọi là pháp mầu

Gọi là định Tỳ Kheo.

Người tu hành khéo tu pháp lành, trước được vô lậu, dứt hết gốc khổ, lại được đóa hoa bảy giác ý. Dần dần đến được vô vi, gần kề Niết Bàn.

Cho nên nói:

Nhiều người tu pháp lành,

Bảy giác ý làm gốc.

Đó gọi là pháp mầu,

Gọi là định Tỳ Kheo.

Như những điều hiện nói

Tự biết hết nguồn khổ

Đó gọi là gốc lành

Là Tỳ Kheo vô lậu.

Trong pháp hiện tại này tự quán sát rõ ràng, tìm cầu phương cách khéo léo để dứt hết mé khổ, dứt hết mé khổ chỉ cho Niết Bàn dứt hết phiền não. Thế nên các giác quan đầy đủ, thành tựu hạnh vô lậu. Mọi việc làm như ý, không có sai trái lỗi lầm.

Cho nên nói: 

Như những điều hiện nói,

Tự biết hết nguồn khổ,

Đó gọi là gốc lành,

Là Tỳ Kheo vô lậu.

Không nhờ sức giữ giới

Và nhờ nghĩa học rộng

Dù cho được định tuệ

Không dính mắc lời văn

Tỳ Kheo có giữ gìn

Đều là hạnh vô lậu.

Người tu hành không phải chỉ tinh tấn nhẫn nhục là đủ, mà phải lấy nhất tâm, trí tuệ mong cầu giải thoát, cũng lại không nhờ học rộng hiểu nhiều mà được giải thoát, biết pháp nội ngoại đến được vô vi, phải được định thế tục rồi sau đó mới đến mé nhiệm mầu.

Lại phải đến nơi núi rừng thanh vắng, gặp gỡ các thiện tri thức, nói cho biết đường tắt chân chánh, khỏi lạc đường tà. Thầy Tỳ Kheo nên biết là người này tu tập pháp vô lậu. Nhờ vậy mà hết được mé khổ, đều là bậc lậu tận A La Hán, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, không còn trải qua các khổ não.

Cho nên nói: Không nhờ sức giữ giới và nhờ nghĩa học rộng, dù cho được định tuệ, không dính mắc lời văn, Tỳ Kheo có giữ gìn, đều là hạnh vô lậu.

Nên quán vui Chánh Giác

Chớ gần hạng phàm phu

Quán việc hiện đời này

Phân biệt thân năm ấm.

Người tu học quán vui Chánh Giác để tự an vui, không cần hạng phàm phu, vì sao?

Vì cảnh sống phàm phu làm sao có niềm vui ấy?

Quán sát việc đời này là biết có loài chúng sinh sinh ra như thế, diệt mất như thế, tới lui như thế, biết nguyên nhân của khổ này là do phân biệt năm ấm thành bại gây ra.

Cho nên nói:

Nên quán vui Chánh Giác,

Chớ gần hạng phàm phu,

Quán việc hiện đời này,

Phân biệt thân năm ấm.

Làm việc đáng làm

Phải tự ngăn mình

Bỏ nhà giải thoát,

Lòng còn đắm nhiễm.

Những ai biếng trễ

Nhọc ý chẳng trừ

Không phải phạm hạnh

Sao được báu lớn?

Người tu hành còn khởi các ý tưởng mê đắm nên sinh ra gốc kết sử, hoặc có phân biệt chấp trước, có hệ lụy đời này, đời sau nhưng vẫn không thoát khỏi khổ, Tỳ Kheo chớ dính mắc, tự cho đó là hạnh thanh tịnh. Các Sa Môn, Bà La Môn nào không biết pháp xuất ly thì ta không nói những người này đáng được độ thoát. Sở dĩ như thế là bởi họ chưa buông lìa được sự trói buộc gây ra.

Các Thầy Tỳ Kheo nên biết: Không có mà nói có thì đó là tà kiến, không phải pháp chân thật.

Vì sao?

Vì do gốc thân năm ấm mà sinh ra bệnh này, vì có bệnh này nên lại sinh ra nghiệp ác. Do những bệnh ấy mà không được hết mé khổ, Tỳ Kheo phải biết, xét tận cội nguồn, hiểu rõ vô thường là pháp thay đổi.

Người tu học quán sát pháp này là không bền chắc, là không thật có, biết được không có thân thì biết sinh tử. Không bị ma chết phá. Khi đã thắng nó rồi thì không tạo nghiệp nữa. Phải dứt cho hết các nghiệp. Đó gọi là mé khổ, không có gì hơn được.

Tâm được an nghỉ mãi

Tỳ Kheo nên nhiếp ý

Để hết già, bệnh, chết

Thoát khỏi ma trói buộc.

Người tu hành hết hẳn các kết sử đắm nhiễm thì không còn tạo nghiệp. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không còn trong lòng, tự biết tội hết, không còn thọ thai, lìa hẳn cảnh giới ma, cũng không tương ưng với dục trần nữa.

Cho nên nói:

Tâm được an nghỉ mãi,

Tỳ Kheo nên nhiếp ý,

Để hết già, bệnh, chết,

Thoát khỏi ma trói buộc.

Tâm được vắng lặng mãi

Tỳ Kheo nên nhiếp ý

Để hết già, bệnh, chết

Không còn thọ hữu nghiệp.

Nghiệp là sự hệ lụy của sinh tử. Sở dĩ trôi nổi xoay lăn mãi trong năm đường là bởi tâm ý mê lầm, không diệt được hết cội gốc nó.

Cho nên nói: Tâm được vắng lặng mãi, Tỳ Kheo nên nhiếp ý, để hết già, bệnh, chết, không còn thọ hữu nghiệp.

Người tu hành giữ ý thường được cứu giúp, phải biết tìm phương tiện để tự cứu mình.

Đã nhổ bỏ gốc ái

Tỳ Kheo nên nhiếp ý

Đã hết già, bệnh, chết

Không còn thọ hữu nghiệp.

Ái là thứ bệnh gây nhiều nguy hiểm nhất.

Ái ở Cõi Dục có hai thứ: Một là thực ái, hai là dục ái. Còn Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc thì thiền vị ái.

Cho nên nói:

Đã nhổ bỏ gốc ái.

Không có tâm kết sử

Tỳ Kheo hành nhiếp ý

Đã hết già, bệnh, chết

Không còn thọ hữu nghiệp.

Kết sử là gốc các hành pháp, tuôn chảy ra những chất nhơ bẩn.

Cho nên nói:

Không có tâm kết sử,

Tỳ Kheo nên nhiếp ý,

Đã hết già, bệnh, chết,

không còn thọ hữu nghiệp.

Không còn đoạn gốc hữu

Tỳ Kheo hành nhiếp ý

Đã hết già, bệnh, chết

Không còn thọ hữu nghiệp.

Đã vượt qua sinh tử

Thì không còn thọ thân hậu hữu nữa.

Tỳ Kheo hành nhiếp ý

Đã hết già, bệnh, chết

Không còn thọ hữu nghiệp

Đã ra khỏi cõi ma.

Lìa hẳn cõi ma,

không còn ở trong cõi dục,

Đã giải thoát hẳn

Không còn thọ thân hậu hữu.

Đã thắng rừng rậm gai

Xua tan lời mắng chửi

Giống như dựa núi Thái

Tỳ Kheo không chịu khổ.

Đã thắng rừng rậm gai: Ở đây sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không còn nữa.

Còn rừng gai là gì?

Là những bệnh dâm, nộ, si, chúng là cội gốc.

Chỉ có Chư Phật, Thế Tôn mới dứt bỏ được mà thôi, dù ai mắng nhiếc, ta hiểu đó chẳng có hình dáng chi, trong tâm suy nghĩ rằng: Thân này là vật gây bao khổ não, trong ngoài đều không có chủ, biết rõ thân như vậy thì đâu còn gì để tham đắm.

Một bệnh sinh ra thì là kéo theo bốn trăm lẻ bốn bệnh. Đó là tai nạn bên trong của thân, còn tai nạn bên ngoài thì gai góc rừng rậm là những hủy nhục, hoặc bị đánh đập. Những chuyện ấy là từ ngoài đến. Như rắn rít độc hại, trùng trăm chân, đều từ ngoài đến, làm cho thân khổ.

Còn như núi Thái thì không thể dùng huyễn chú, pháp thuật làm cho nó lay động. Thế nên, Tỳ Kheo muốn lìa cội gốc các khổ thì chỉ có bốn đế chân như. Thầy Tỳ Kheo không biết khổ vui. Cái gọi là không biết khổ vui là khi khổ đến thì không lấy đó làm cay đắng. Vui đến thì không lấy đó làm mừng.

Cho nên nói: 

Đã thắng rừng rậm gai,

Xua tan lời mắng chửi,

Giống như dựa núi Thái,

Tỳ Kheo không chịu khổ.

Không nghĩ đời này, sau

Xem đời như mộng ảo

Tỳ Kheo thắng kia, đây

Như rắn lột da cũ.

Như người tu hành sáng suốt biết rõ đời này, đời sau, đều thay đổi không ngừng.

Cho nên nói: Không nghĩ đời này, đời sau, xem đời như mộng ảo, Tỳ Kheo thắng kia, đây, như rắn lột da cũ.

Cắt đứt cội gốc ái

Khô cạn suối dục sâu

Tỳ Kheo thắng kia, đây

Như rắn lột da cũ.

Sở dĩ nói thí dụ này là vì muốn giúp người tu hành biết được sự sâu cạn mà liệu định chánh hạnh cho thuận với pháp. Khi ấy Đức Thế Tôn dạy về đạo đức là bởi e chúng sinh đời sau không rõ về gốc ái dục. Cho nên phải nói rõ nguyên nhân sinh ra ái dục.

Cho nên nói: Cắt đứt cội gốc ái, khô cạn suối dục sâu, Tỳ Kheo thắng kia, đây, như rắn lột da cũ.

Nói lựa chỗ cốt yếu thì dục, dâm, nộ, si, kiêu mạn cũng lại như vậy. Đức Thế Tôn đối với ai ham đắm hố dục thì nói về dục, đối với kẻ ưa giận thì nói về giận dữ, đối với kẻ si thì nói về si.

Cắt dứt được năm dục

Cắt đứt gốc rễ dục

Tỳ Kheo thắng kia, đây

Như rắn lột da cũ.

Như có người bị trói thì sầu khổ buồn rầu vô hạn. Sau đó, y được tha, khỏi khổ sở. Do đó, Như Lai lấy đó làm thí dụ để chúng sinh đời sau biết rõ.

Cho nên Ngài nói: Cắt đứt được năm dục, cắt đứt gốc rễ dục, Tỳ Kheo thắng kia, đây, như rắn lột da cũ.

Cắt đứt được năm kết

Nhổ gai nhọn ái dục

Tỳ Kheo thắng kia, đây

Như rắn lột da cũ.

Năm kết sử là kết tham dục, kết giận hờn, kết ngủ nghỉ, kết chơi giỡn và kết nghi ngờ. Năm kết sử này che lấp tâm người, nên không thấy được ánh sáng trí tuệ. Nó khiến người ta tối tăm, không thấy được ánh trí tuệ bị dập tắt thì xoay vần mãi trong các cõi, không đến được Niết Bàn.

Cho nên nói: Cắt đứt được năm kết, nhổ gai nhọn ái dục, Tỳ Kheo thắng kia, đây, như rắn lột da cũ.

Nhổ gai nhọn ái dục: Gai có ba thứ là gai dục, gai giận dữ và gai vô minh. Phải dứt cho hết sạch, không cho chúng phát sinh trở lại. Từ đó, không còn pháp sinh diệt, dứt bỏ năm cái.

Cho nên nói: 

Nhổ gai nhọn ái dục.

Nhiều người không gia sản

Dứt cội gốc bất thiện

Tỳ Kheo thắng kia, đây

Như rắn lột da cũ.

Người tu hành chịu khổ nhọc lâu ngày, tu đức Bồ Tát suốt ngày không buông bỏ. Bỏ nhà xuất gia học đạo, không ham mọi vinh hiển ở đời.

Cho nên nói:

Nhiều người không gia sản,

Dứt cội gốc bất thiện,

Tỳ Kheo thắng kia đây,

Như rắn lột da cũ.

Những người không nóng bức

Nhổ bỏ gốc bất thiện

Tỳ Kheo thắng kia, đây

Như rắn lột da cũ.

Nóng bức nghĩa là: Nóng bức về ham muốn, nóng bức về tức giận và nóng bức về ngu dốt. Trong ba thứ nóng bức ấy thì nong bức về tức giận là hơn hết. Lửa đốt cháy từ cõi dục lên đến Cõi Sơ Thiền. Ba độc thiêu đốt từ cõi dục cho đến cõi vô sắc. Ai dứt trừ được ba độc ấy thì đến được niềm vui vô vi bậc nhất.

Cho nên nói: Những người không nóng bức, nhổ bỏ gốc bất thiện, Tỳ Kheo thắng kia, đây, như rắn lột da cũ.

Dứt dục không còn sót

Như nhổ vật không chắc

Tỳ Kheo thắng kia, đây

Như rắn lột da cũ.

Người mê đắm ái dục đều phải bỏ mạng.

Vì sao?

Vì bởi tâm ý bị mê mờ gây ra cho nên Bậc Thánh Nhân trước cấm ngăn việc dâm dục.

Cho nên nói: Dứt dục không còn sót, như nhổ vật không chắc, Tỳ Kheo thắng kia, đây, như rắn lột da cũ. Nói lược điều cốt yếu đối với tham dục, giận dữ, ngu si, kiêu mạn cũng giống như vậy.

Ái dục chảy tràn lan

Như rắn ngậm chất độc

Tỳ Kheo thắng kia, đây

Như rắn lột da cũ.

Người chạy theo tâm ái dục không tự kiềm chế, dần dần từ cõi dục cho đến ba cõi, trôi lăn trong năm đường, không thoát khỏi bốn loài. Sở dĩ nói Tỳ Kheo thắng kia, đây thì kia chỉ cho sáu trần, đây chỉ cho sáu giác quan. Tỳ Kheo dứt được kia, đây thì như rắn lột bỏ da cũ.

Nhiều người dứt tưởng quán

Trong không tâm gây tạo

Tỳ Kheo thắng kia, đây

Như rắn lột da cũ.

Quán có ba thứ là quán dục, quán giận dữ, quán vô minh. Nếu ai dứt được các thứ ấy thì được gọi là Đạo Sĩ.

Cho nên nói: Nhiều người dứt tưởng quán, trong không tâm gây tạo, Tỳ Kheo thắng kia, đây, như rắn lột da cũ.

Giữ giới gọi Tỳ Kheo

Có, không là hành thiền

Người tu xét tận gốc

Vô vi là vui nhất.

Tỳ Kheo tu hành lấy oai nghi làm gốc. Giới để kiềm chế hành động của thân, đắp mặc ba pháp y. Thực hành đúng theo phép tắc, không trái với bậc Tiên Thánh. Định ý có, không mới gọi là thiền, không bỏ giả danh. Như người tu hành khi lãnh thọ thì tin hiểu, phân biệt ý nghĩa, tìm nói vui sướng vô vi. Không có các khổ đói lạnh khổ não.

Cho nên nói: Giữ giới gọi Tỳ Kheo, có, không là hành thiền, người tu xét tận gốc, vô vi là vui nhất.

Tỳ Kheo lo nhẫn lo

Biết rõ giường, đồ nằm

Giữ niệm không buông lung

Dứt hữu ái không sót.

Tỳ Kheo tu hành gặp chuyện vui không lấy làm mừng, gặp chuyện khốn khó không cho là khổ, tâm không thêm bớt bởi lợi dưỡng, suy hao, chê bai, khen ngợi. Ở nơi thanh vắng, ngồi thẳng nhất ý, tâm không rong ruổi. Dứt bỏ các kết sử, không có ý niệm dính mắc.

Cho nên nói: Tỳ Kheo lo nhẫn lo, biết rõ giường đồ nằm, giữ niệm không buông lung, dứt hữu ái không sót.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần