Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Phạm Chí - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA MƯƠI BA

PHẨM PHẠM CHÍ  

TẬP HAI  

Ta không nói Phạm Chí

Nhờ cha mẹ sinh ra

Kẻ ấy nhiều vết nhơ

Dứt hết là Phạm Chí.

Nói Phạm Chí do cha mẹ sinh có nhiều vết nhơ nghĩa là hoặc lại xuất gia, lìa các thế tục, tu hạnh thanh tịnh, không lựa chọn, bố thí bình đẳng không hai, không tạp tưởng thí, hoặc có người khi bố thí cầu mong làm vua, sinh lên Cõi Trời. Đó gọi là bố thí với tạp tưởng. Còn bố thí không có tạp tưởng là bố thí vì tất cả mọi người chứ không phải vì mình.

Cho nên nói:

Ta không nói Phạm Chí,

Nhờ cha mẹ sinh ra,

Kẻ ấy nhiều vết nhơ,

Diệt hết là Phạm Chí.

Thân, miệng và ý

Sạch không lỗi lầm

Nhiếp được ba hạnh

Đó là Phạm Chí.

Nói lời êm ái, không mắng nhiếc ai, phân biệt nghĩa thú như xem hạt châu trong bàn tay. Giọng nói dịu dàng trong suốt khiến ai cũng thích nghe, được nhiều thành tựu, thanh tịnh không lỗi lầm, không gây rắc rối cho ai.

Cho nên nói:

Thân, miệng và ý,

Sạch không lỗi lầm,

Nhiếp được ba hạnh,

Đó là Phạm Chí.

Bị mắng, bị đánh,

Im chịu, không giận

Có sức nhẫn nhục

Đó là Phạm Chí.

Hễ đánh người thì bị người đánh, lại mắng chửi người thì bị người mắng chửi lại, đó là do không có nhẫn mà ra, hễ ai nhẫn được thì đó là kẻ thắng trong cuộc chiến. Nhẫn là món thuốc hay trị lành các thứ bệnh. Nếu bị ai mắng nhiếc thì im lặng không trả lời.

Cho nên nói:

Bị mắng bị đánh,

Im chịu không giận,

Có sức nhẫn nhục,

Đó là Phạm Chí.

Nếu bị hiếp đáp

Chỉ nghĩ giữ giới

Tự điều phục thân

Đó là Phạm Chí.

Nếu có người bị kẻ khác hiếp đáp thì không khởi tâm ác, không sinh ý giận dữ mà lo giữ giới, học rộng, hàng phục ý thức.

Thân hình ngay thẳng, tâm bình đẳng thì đạo pháp thường còn.

Cho nên nói:

Nếu bị hiếp đáp,

Chỉ nghĩ giữ giới,

Tự điều phục thân,

Đó là Phạm Chí.

Lành, dữ ở đời

Dài ngắn lớn nhỏ

Không thủ, không xả

Đó là Phạm Chí.

Đời nhiều việc rắc rối, muốn biết tình ý người, trước nên xét lời họ nói. Họ nói lành, nói dữ đều không để tâm, cũng không thấy có dài ngắn rộng hẹp, cũng không thấy có thủ, có xả. Đầy đủ những hạnh như vậy mới gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Lành, dữ ở đời,

Dài ngắn lớn nhỏ,

Không thủ không xả,

Đó là Phạm Chí.

Thân là gốc hành

Miệng, ý không phạm

Giữ được ba nghiệp

Đó là Phạm Chí.

Thân không giết hại, miệng không mắng chửi, ý không ganh ghét. Trong cõi đời có năm thứ trược ác này mà đầy đủ ba hạnh đó, thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Thân là gốc hành,

Miệng, ý không phạm,

Giữ được ba nghiệp,

Đó là Phạm Chí.

Tới cũng không vui

Đi cũng không buồn

Trong chúng lìa chúng

Đó là Phạm Chí.

Người tu hành phải giữ cho tâm bền chắc, đối với khen chê tâm không hề lay động. Thấy có ai đến cũng không vui, thấy có người đi cũng không buồn, dù ở giữa đại chúng hay ở một mình. Tâm thường bình đẳng, không có cao thấp.

Cho nên nói:

Tới cũng không vui,

Đi cũng không buồn,

Trong chúng lìa chúng,

Đó là Phạm Chí.

Tới cũng không vui

Đi cũng không buồn

Không lo, thanh tịnh

Đó là Phạm Chí.

Nếu có niệm yêu mến hay không có niệm yêu mến cũng đều không vui.

Vì sao?

Vì sợ tâm bị đắm nhiễm, sinh khởi nhân duyên.

Nếu thấy ai ra đi thì tự nghĩ rằng: Ta đối với người ấy đều không trái phạm gì. Trong ngoài thanh tịnh, vọng tưởng không khởi, đó gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Tới cũng không vui,

Đi cũng không buồn,

Không lo, thanh tịnh,

Đó là Phạm Chí.

Dứt bỏ ân ái

Lìa nhà, vô dục

Nghiệp ái đã hết

Đó là Phạm Chí.

Như người tu tập đạo pháp là dứt hẳn ân ái, xa lìa gia đình, dứt bỏ ái dục, đi xa không trở ngại. Dứt hết nghiệp ái và lỗi lầm trong ba cõi. Nếu đầy đủ được như thế mới gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Dứt bỏ ân ái,

Lìa nhà vô dục,

Nghiệp ái đã hết,

Đó là Phạm Chí.

Mới đó, không đó

Các thứ đều không

Lìa bỏ tham dục

Đó là Phạm Chí.

Đó ở đây chỉ cho sáu nhập bên ngoài. Không đó ở đây chỉ cho sáu nhập bên trong. Người tu hành giữ tâm quán sát các căn trong ngoài đều vắng lặng, lìa bỏ tham lam, dâm dục, sáu căn không khởi mê đắm. Làm đầy đủ những hạnh căn bản ấy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Mới đó, không đó,

Các thứ đều không,

Lìa bỏ tham dục,

Đó là Phạm Chí.

Mới đó, không đó

Các thứ đều không

Không đắm ba cõi

Đó là Phạm Chí.

Người đã lìa bỏ gia đình thì chớ sống chung với thế tục. Nếu xuất gia mà không tu theo chánh pháp, phá giới không tinh tấn, không lo học rộng, không xông xáo làm việc, cũng không suy nghĩ đến lợi dưỡng ở tương lai. Ai làm đầy đủ những điều ấy gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Bỏ được sản nghiệp,

Nhổ gốc ái dục,

Không ham biết đủ,

Đó là Phạm Chí.

Như nay đã biết

Xét tận mé khổ

Không còn tham dục

Đó là Phạm Chí.

Đối với pháp hiện tại có khả năng phân biệt được pháp nhiệm mầu, không có các điều ác. Biết khổ đứng đầu các thứ bệnh, dứt bỏ được chúng tương ưng với pháp nhiệm mầu, đối với pháp hiện tại không tương ưng với ý dục. Dứt hẳn giận dữ, ngu dốt không còn sót, ra khỏi mọi trói buộc. Có đầy đủ những điều ấy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Như nay đã biết,

Xét tận mé khổ,

Không còn tham dục,

Đó là Phạm Chí.

Đối với tội, phước

Dứt hẳn hai thứ

Không lo, không phiền

Đó là Phạm Chí.

Nhờ phước hữu lậu thế tục, công đức lành mà được sinh làm người, bởi thế không ra khỏi sinh, già, bệnh, chết. Rồi lại gây tội và gieo trồng cội gốc ba độc nên phải sống trong sinh tử. Hai thứ tội, phước không đáng để ta tham đắm, dứt bỏ hai thứ ấy, không còn trần cấu. Ai có đủ những điều ấy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Đối với tội, phước,

Dứt hẳn hai thứ,

Không lo không phiền,

Đó là Phạm Chí.

Đối với tội, phước,

Dứt hẳn hai thứ

Không đắm ba cõi

Đó là Phạm Chí.

Đối với phước và tội, không ham muốn, không mê đắm, vui với thiền định trung gian và vui với thiền định vô sắc, người tu hành không còn mê đắm, không mê đắm cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc. Ai có đủ những điều ấy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Đối với tội phước,

Dứt hẳn hai thứ,

Không đắm ba cõi,

Đó là Phạm Chí.

Giống như lá bông sen

Lấy kim xâu hạt cải

Không bị dục làm nhiễm

Đó gọi là Phạm Chí.

Giống như lá bông sen không dính nước, người tu hành cũng giống như vậy, đã xa lìa ham muốn, không còn mê đắm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Cũng như dùng kim xâu các hạt đậu xanh cùng với những hạt cải với nhau, điều này khó được. Người tu hành không còn dâm dục. Tóm lại là không bị các điều ác làm nhiễm.

Cho nên nói:

Cũng như lá bông sen,

Dùng kim xâu hạt cải,

Không bị nhục làm nhiễm,

Đó gọi là Phạm Chí.

Tâm vui không bợn

Như trăng tròn đầy

Đã dứt chê bai

Đó gọi Phạm Chí.

Giống như mặt trăng tròn đầy trong suốt không vết nhơ, không bị che bởi năm thứ, các sao chung quanh, chiếu sáng cùng khắp. Tỳ Kheo tu hành thanh tịnh, dứt hẳn năm thứ che đậy, không còn năm kết sử. Tâm được giải thoát, các giác đạo phẩm. Các định khánh thọ luôn ở bên mình.

Trong đó, riêng mình tôn quý, không có các tì vết, xả bỏ tám pháp thế gian, khen chê đã dứt, ai có đủ những điều ấy gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Tâm vui không bợn,

Hư trăng tròn đầy,

Đã dứt chê bai,

Đó gọi là Phạm Chí.

Như trăng sáng tỏ

Lơ lửng giữa Trời

Không đắm tham dục

Đó là Phạm Chí.

Như trăng mùa thu, không bị năm thứ che tối, trong suốt không vết nhơ, chiếu sáng cùng khắp. Tỳ Kheo tu hành cũng giống hư vậy, không bị che lấp bởi năm kết dâm, nộ, si. Ai có đủ những điều ấy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Như trăng sang ỏ,

Lơ lửng giữa Trời,

Không đắm tham dục,

Đó là Phạm Chí.

Tranh cãi, không cãi

Chạm mà không giận

Ác đến khéo xử

Đó gọi Phạm Chí.

Người nhập định không hề tranh chấp, nhất tâm thiền định, an ui với niệm đãi, tự giữ gìn năm hạnh mới gọi là định. Nếu có kẻ cố ý đến hại mình thì hãy dùng điều tốt đối đãi tốt với họ.

Cho nên ói:

Tránh cãi, không cãi,

Chạm mà không giận,

Ác đến khéo xử,

Đó là Phạm Chí.

Hiểu tuệ nhiệm mầu

Nói đạo, không nói

Hiểu, hành nghĩa cao

Đó là Phạm Chí.

Có nhiều người nghe dự trù, tính toán về muôn vật, phân biệt nghĩa thú, mỗi mỗi đều rõ ràng, hiểu rõ chỗ đến của đạo, cái gì nên hành tựu thì thành tựu, cái gì đáng bỏ thì bỏ. Hiểu hành nghĩa cao, nghĩa cao ở đây chỉ cho Niết Bàn dứt hết phiền não. Người nào đầy đủ các pháp ấy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Hiểu tuệ nhiệm mầu,

Nói đạo, không nói,

Hiểu hành nghĩa cao,

Đó là Phạm Chí.

Sống giữa đời này

Khất thực nuôi sống

Không ngã, không đắm

Không mất phạm hạnh

Trí không bến bờ

Đó là Phạm Chí.

Có người con nhà cao sang, từ bốn giai cấp xuất gia học đạo, bỏ tâm kiêu mạn, bỏ ý cống cao thực hành khiêm hạ, không đắm nhiễm bả vinh hoa phú quý, tới lui khắp đó đây, để làm hưng thạnh việc Phật, tôn thờ Tam Bảo.

Nếu khi được cúng dường y phục, giường ghế, đồ nằm, thuốc men trị bệnh thì liền chú nguyện cho thí chủ đời đời hưởng phước, hoặc dùng thần túc bay lên hư không hiện mười tám pháp thần biến, thí chủ trông thấy không ai không vui mừng. Rồi họ thọ pháp đều được khai ngộ. Người nào đầy đủ những điều ấy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Sống giữa đời này,

Khất thực nuôi sống,

Không ngã, không đắm,

Không mất phạm hạnh,

Trí không bến bờ,

Đó là Phạm Chí.

Nếu dứt ái dục

Bỏ nhà, bỏ ái

Bởi dứt dục lậu

Nên gọi Phạm Chí.

Người tu hành dứt hết ái dục. Có người gần gũi cửa đạo nhưng chưa bỏ được ái dục, hoặc có Phạm Chí chưa được rốt ráo, ý dục chưa hết, tham đắm năm dục. Dù được gọi là Phạm Chí nhưng chưa dứt bỏ được dục ái. Có những người tu hành dứt hẳn được dục lậu, không quen theo ân ái. Nếu ai có đủ những điều ấy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Nếu dứt ái dục,

Bỏ nhà, bỏ ái,

Đoạn dứt dục lậu,

Nên gọi Phạm Chí.

Thương xót mọi người

Giúp họ trong sợ

Không hại, làm ích

Đó gọi Phạm Chí.

Cốt yếu các hạnh thì bốn tâm bình đẳng là gốc, thường phải sinh tâm từ bi thương xót che chở chúng sinh, thấy ai lo sợ buồn rầu thì đến giáo hóa an ủi, khiến họ được an ổn hoàn toàn, không làm hại ai mà còn sinh tâm cúng dường. Nếu ai có đủ những điều ấy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Thương xót mọi người,

Giúp họ không sợ,

Không hại làm ích,

Đó gọi Phạm Chí.

Tránh oán, không oán

Không gây thương tổn

Bỏ các tà vạy

Nên gọi Phạm Chí.

Người tu hành chí hướng hành động khác nhau, đều dụng tâm bình đẳng, coi kẻ thù như con đỏ, tâm từ bi xem mọi người bình đẳng không hai. Tâm nhẫn giống như đất, ngang bằng như cân.

Xem loài bò bay, máy cựa như chính thân mình, nghĩ chúng như cha mình, mẹ mình, con mình và chính mình không khác. Người nào có đủ những điều ấy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói: Tránh oán, không oán, không gây thương tổn, bỏ những tà vạy, nên gọi Phạm Chí.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần