Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba Mươi Hai - Phẩm Sa Môn - Tập Một
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM BA MƯƠI HAI
PHẨM SA MÔN
TẬP MỘT
Tỳ Kheo khất thực
Đủ ăn, không chứa
Được Trời, người khen
Sống sạch, không nhơ.
Tỳ Kheo khất thực, đủ ăn, không chứa: Thầy Tỳ Kheo tu hạnh khất thực thường nghĩ rằng: Nay ta chỉ xin đủ ăn mà thôi, không để dư, chấp làm của cải. Nếu có dư món gì thì bố thí cho người khác, không để lại lâu.
Như trong giới cấm của Phật có nói: Cha mẹ tuổi cao già bệnh nằm tại giường, hay các Tỳ Kheo đồng tu bị bệnh nặng, không thể đi tới lui thì cho phép khất thực về cho người già bệnh, bất luận nhiều hay ít.
Cho nên nói: Tỳ Kheo khất thực, đủ ăn, không chứa.
Được Trời, người khen, sống sạch, không nhơ: Tỳ Kheo tu hành ít muốn biết đủ, đến giờ khất thực, không cất chứa gì. Các vị Trời che chở người ấy, khen ngợi công đức.
Tiếng tốt đồn khắp bốn phương, ai cũng nghe biết, họ bảo rằng: Thầy Tỳ Kheo này sống trong sạch, không bợn nhơ cho nên được các vị Trời ca ngợi công đức.
Người giữ giới sau khi chết chắc chắn sinh lên Cõi Trời, dân chúng Cõi Trời tăng thêm, giảm bớt chúng A Tu Luân.
Cho nên nói:
Được Trời, người khen,
Sống sạch, không nhơ.
Tỳ Kheo hành từ
Yêu kính pháp Phật
Thâm nhập chỉ quán
Diệt hành được an.
Thầy Tỳ Kheo giữ gìn tâm ý, thực hành bốn tâm bình đẳng, dùng tâm từ bi thương xót che chở tất cả, yêu kính Tam Bảo, không mất lòng tin tưởng, đi sâu vào chỗ phân biệt chỉ quán hướng đến. Khất thực mọi nơi, giáo hóa khắp chốn.
Sở dĩ như vậy là nhằm dứt bỏ lòng tham, chế ngự tâm ý, không màng vinh hiển, không thiết lợi dưỡng. Hết hẳn sinh tử, dứt các nghiệp ác, từ đó vượt tới không, đó gọi là an vui hoàn toàn.
Cho nên nói:
Tỳ Kheo hành từ,
Yêu kính pháp Phật,
Thâm nhập chỉ quán,
Diệt hành được an.
Tỳ Kheo hết các ái
Dứt ái, bỏ cống cao
Vô ngã, dẹp tôi, ta
Nghĩa này, ai không quý?
Tỳ Kheo hết các ái, dứt ái, bỏ cống cao: Thầy Tỳ Kheo tu khổ hạnh dứt hết những ý tưởng mê đắm sắc Cõi Dục, sắc Cõi Sắc, sắc Cõi Vô Sắc và ái Cõi Dục, ái Cõi Sắc, ái Cõi Vô Sắc. Dứt sạch hết kiêu mạn, các tà kiến điên đảo trong ba cõi.
Cho nên nói:
Cho nên nói: Tỳ Kheo hết các ái, dứt ái, bỏ cống cao.
Vô ngã, dẹp tôi, ta, nghĩa này ai không quý?
Thầy Tỳ Kheo tu khổ hạnh không còn dính mắc trong ba cõi. Hiểu biết trong ngoài đều không có chủ tể. Kẻ chấp ngã lại đi cầu phước, tuy bây giờ được thỏa lòng nhưng sau này sẽ bị đọa lạc.
Còn ở phàm phu nên không thấy được tôi, ta của mình, hiểu rõ muôn vật trong ngoài đều vắng lặng, vậy cái gì tôi ta, tôi ta là cái gì. Khi bị người trói cột và bị mắng chửi thì đều vắng lặng, không hề có gì. Khi bị người mắng chửi thì tiếng vang có qua có lại, nhưng ở khoảng giữa, trong, ngoài đều không có.
Cho nên nói:
Vô ngã, dẹp tôi, ta,
Nghĩa này, ai không quý?
Nên biết pháp này
Xuất ly của thân
Như voi đánh trận
Tỳ Kheo tập hành.
Nên biết pháp này, xuất ly của thân: Tỳ Kheo tập hành được nhiều pháp xuất ly, chọn tu đức lành để bồi đắp vào những chỗ chưa đủ. Ai muốn đến nơi thì phải do con đường này mà tìm đạo, bởi nơi nào có lỗ hang ắt có đường đi, con đường xuất ly chính là Tứ Đế chân như.
Cho nên nói: Nên biết pháp này, xuất ly của thân.
Như voi đánh trận, Tỳ Kheo tập hành: Như con voi hung dữ được cho uống rượu say, thả nó chạy thẳng về phía kẻ thù, dù bị tên nhọn bắn đến chết nó vẫn không lùi bước, cần phải bắt lại để đưa về chuồng cũ, sở dĩ như thế là bởi voi chỉ sợ người nài trên lưng nó, chứ nó không sợ giặc ngoài. Thầy Tỳ Kheo tu hành cũng giống như thế, phải vâng theo lời dạy của bậc Đạo Sư, giấu kín trong lòng, suy đi xét lại, không để sai sót ý nghĩa.
Cho nên nói:
Như voi đánh trận,
Tỳ Kheo tập hành.
Không sống trọn kiếp
Trong giằng co tâm
Giữ mình, nghĩ đế
Tỳ Kheo an vui.
Người tu học đã được bốn thần túc, ngày đêm tu tập. Ý muốn sống một kiếp hay hơn một kiếp là tùy ý mình muốn, không có điều gì khó. Người này thoát hẳn các trói buộc, thường giằng co với tâm, không để nó rong ruổi. Dứt bỏ mọi mong muốn, tâm phải quấy, lìa hẳn ái dục. Cũng không còn thấy hầm hố ba cõi, sau đó mới tương ưng với hạnh vô hại.
Cho nên nói:
Không sống trọn kiếp,
Trong giằng co tâm,
Giữ mình nghĩ đế,
Tỳ Kheo an vui.
Nhớ người thân, bạn bè
Chánh mạng, không xen tạp
Bố thí nơi đáng thí
Cũng giữ đủ oai nghi
Tỳ Kheo đủ các hạnh
Mới dứt được mé khổ.
Người tu hành được thành tựu đều do bè bạn, công đức đầy đủ, tiếng thơm vang khắp bốn phương, người được lãnh thọ mỗi ngày mỗi mới. Việc làm chân chánh, không để dính mắc bên ngoài. Khi bố thí thì cúng dường Phật, Tỳ Kheo Tăng, Sư Trưởng, các bậc Tôn Túc.
Vì sao?
Vì những hạng người này đều có oai nghi, giữ gìn các lễ tiết, biết nguyên nhân của khổ.
Cho nên nói:
Nhớ người thân, bạn bè,
Chánh mạng không xen tạp,
Bố thí nơi đáng thí,
Cũng giữ đủ oai nghi,
Tỳ Kheo đủ các hạnh,
Mới dứt được mé khổ.
Tay chân chớ trái phạm
Bớt nói, cẩn thận làm
Trong tâm vui định ý
Giữ hạnh gọi Tỳ Kheo.
Ở đời có nhiều kẻ hung bạo dữ dằn chuyên làm ác, cung tay múa chân đánh đấm gây thương tích. Bên trong thả lỏng sáu giác quan, mê đắm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Hạng ấy dù được hành đạo vẫn không tương ưng với pháp hạnh, tiến lên thì không có pháp gì để tu, thụt lùi thì mất oai nghi Hiền Thánh. Như người vác thây ma không thể nào đứng thẳng được. Các Tỳ Kheo này cũng giống như vậy, có khả năng tự giữ tâm chuyên nhất, việc làm tùy thuận, ngồi thiền định ý, sáu thời hành đạo không mất bản hạnh.
Cho nên nói:
Tay chân chớ trái phạm,
Bớt nói, cẩn thận làm,
Trong tâm vui định ý,
Giữ hạnh gọi Tỳ Kheo.
Ưa pháp, muốn pháp
Suy nghĩ pháp an
Tỳ Kheo nương pháp
Chánh đáng, không phí.
Người học tu hành phân biệt các pháp, thấy pháp, được pháp đi sâu vào quán pháp. Hoặc nằm hoặc ngồi, các thần qua lại, suy nghĩ pháp an. Tỳ Kheo nương pháp mà được diệt độ, đối với các Thánh đạo được ích lợi, không phí tổn. Ngày càng thêm ích lợi, không hề bị tổn giảm, cũng giúp cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên cõi đời này.
Cho nên nói:
Ưa pháp, muốn pháp,
Suy nghĩ pháp an,
Tỳ Kheo nương pháp,
Chánh đáng không phí.
Phải học nhập không
Tỳ Kheo chốn vắng
Vui với không người
Quán pháp bình đẳng.
Người tu hành mà chấp thân năm ấm này là thường còn, bền chắc, không hư hoại nên không chịu lìa bỏ mà còn sinh khởi trần lao. Nhưng người tu hành biết phân biệt năm ấm trong ngoài đều không, nếu ở ngoài gò mả, đồng trống, dưới gốc cây suy nghĩ cội gốc các pháp, cầu được đạo quả thì trước hết nên tu tập về thể không, mới tương ưng với đạo chân.
Khi xưa, các Đạo Sĩ ở trong thất ngồi thiền về không, bên ngoài, Ngài Tu Bồ Đề yêu cầu mở cửa.
Người bên trong hỏi: Ai đó?
Tu Bồ Đề đáp: Người đời đặt tên giả là Tu Bồ Đề đây. Cái mà người ưa thích là đàn cầm, đàn sắt, ca hát nhảy múa. Đó là cái mà người ưa thích. Còn cái mà người không ưa thích là thiền định đếm hơi thở cột ý vào một chỗ, đó là những điều người đời không nghĩ tới.
Cho nên nói:
Phải học vào không,
Tỳ Kheo chốn vắng,
Vui với không người,
Quán pháp bình đẳng.
Phải ngăn năm ấm
Hàng ý như nước
Thanh tịnh hòa vui
Là vị cam lộ.
Người mới học quán sát thân năm ấm này đều là bại hoại, không có một thứ nào đáng ham thích, phân biệt các giác quan đều không bền chắc, ý luôn bình đẳng, sắc mặt hòa vui, trong sạch, không tì vết, dứt các mé khổ.
Cho nên nói:
Phải ngăn năm ấm,
Hàng ý như nước,
Thanh tịnh hòa vui,
Là vị cam lộ.
Như núi rất cao kia
Không lay động bởi gió
Tỳ Kheo dứt ngu si
An trụ không nghiêng động.
Giống như ngọn núi sáng rỡ không bị bốn thứ gió làm lay động, thầy Tỳ Kheo hết ngu si cũng giống như vậy. Không bị lung lạc bởi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Cho nên nói:
Như núi rất cao kia,
Không lay động bởi gió,
Tỳ Kheo dứt ngu si,
An trụ không lay động.
Tất cả danh, sắc
Không thật, chớ lầm
Không gần, không mến
Đó là Tỳ Kheo.
Danh sắc, lục nhập là những thứ mà người tu hành cần xả bỏ. Cái của ta, cái chẳng phải của ta đều không thật có. Không gần các pháp mong manh. Pháp có nhiều thứ, có thứ chân thật, có thứ mong manh. Pháp chân thật thì cứu vớt biết bao người, còn pháp mong manh thì là pháp thói thường của thế tục. Thầy Tỳ Kheo đầy đủ các pháp này được gọi là thích ứng với chân thật.
Cho nên nói:
Tất cả danh sắc, thật, chớ lầm,
Không gần, không mến,
Đó là Tỳ Kheo.
Tỳ Kheo không chỉ cạo tóc
Kiêu mạn, không giới
Bỏ tham, nghĩ đạo
Mới xứng Tỳ Kheo.
Dứt tâm không cạo tóc
Buông lung, không tin
Dứt được các khổ
Sa Môn bậc thượng.
Khi ấy, đến giờ khất thực, Đức Thế Tôn ôm bát chỉnh đốn y phục, đi đến nhà người Bà La Môn, dòng họ Ba La Đọa tu hạnh khất cầu.
Khi ấy Phạm Chí thấy Phật từ xa, bèn tự khen:
Tôi là khất sĩ
Thầy cũng khất sĩ
Giữa hai chúng ta
Ai là người hơn?
Lúc đó Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:
Tỳ Kheo không chỉ cạo tóc
Kiêu mạn, không giới
Bỏ tham, nghĩ đạo
Mới xứng Tỳ Kheo.
Dứt tâm không cạo
Buông lung, không tin
Dứt được các khổ
Sa Môn bậc Thượng.
Phạm Chí nghe kệ xong liền đem tiền của ra cúng dường Đức Thế Tôn.
Bấy giờ Như Lai không nhận và bảo Phạm Chí: Ta nói kệ ấy không nhằm ca tụng lời ông khen, vậy thì đâu có lý do gì ta nhận tài vật ông cho?
Vị Phạm Chí nói: Thưa Ngài, bây giờ tôi biết bố thí vật này cho ai đây?
Đức Thế Tôn nói: Ông nên đem những thứ ấy để nơi sạch sẽ, hoặc chỗ đất không có cỏ, hoặc bỏ vào nước sạch.
Vị Phạm Chí vâng lời Như Lai dạy bèn đem những thứ ấy bỏ xuống sông, thì nước sông bỗng sôi lên và phát ra những tiếng lạ, dần dần chỗ ấy phát ra ánh sáng rực rỡ. Phạm Chí thấy vậy hớn hở vui mừng không kiềm chế được. Như Lai liền nói pháp bốn đế chân như, ngay nơi chỗ ngồi, Phạm Chí dứt hết phiền não, được mắt pháp thanh tịnh.
Tỳ Kheo được định từ
Tin nhận lời Phật dạy
Được hoàn toàn vắng lặng
Không thân, chớ nên nhìn.
Tỳ Kheo có tâm từ thì ở có giải thoát, phân biệt muôn hạnh, không việc gì không thấu suốt. Nếu lại có người thấy các loài chúng sinh như binh bộ, binh voi, binh ngựa, binh xe chiến đấu với nhau, thì người nhập tâm từ thương xót tất cả, cứu vớt chúng sinh đến bờ vô vi. Giống như cái cân ngang bằng, bình đẳng không hai, nhờ Như Lai mà có được bốn tâm vững chắc, không thể nghiêng động.
Như Trưởng Giả Tối Thắng và các Tỳ Kheo chiêm ngưỡng Đức Phật không biết thỏa mãn, dù cho có hóa Phật ở trước mặt cũng không thể làm tâm nghiêng động. Người tu hành được vết tích của diệt tận thì không còn phiền não, biết nơi nào đáng gần thì gần, nơi nào đáng theo thì theo. Như vậy thì lấy hạnh nghiệp diệt tất cả dấu vết làm gốc.
Tóm tắt những điều cốt yếu là như vậy, các gốc kết sử bị lửa thiêu rụi là như vậy, dần dần theo thứ lớp dứt bỏ cội gốc các kết sử là như thế, có nhiều Phạm Chí đến được Niết Bàn.
Tâm hoan hỷ vui mừng
Như người nghĩ mến yêu
Tỳ Kheo thường vui sướng
Đều không, không gốc nguồn.
Người tu hành vui mừng hớn hở, không biếng nhác. Khi nghe chuyện mừng, vị ấy không lấy làm vui, khi nghe chuyện ác cũng không lấy làm buồn. Tỳ Kheo nhập định không có rối loạn, thường tự suy nghĩ từ vô số kiếp đến giờ tu hành các công đức, không để mất cội gốc căn lành, xét tận cùng cội nguồn của không thì không có bến bờ.
Cho nên nói:
Tâm hoan hỷ vui mừng,
Như người nghĩ mến yêu,
Tỳ Kheo thường vui sướng,
Đều không, không gốc nguồn.
Dứt thân và dứt ý
Giữ miệng, cũng rất tốt
Bỏ tục gọi Tỳ Kheo
Lên khỏi vực, không ngại.
Người tu hành gìn giữ oai nghi, không để mất phép tắc, giữ bốn lỗi của miệng không để gây lỗi lầm, không cho tâm ý rong ruổi. Lời dạy bảo ra không thô bỉ, trước cười sau nói, vừa long người. Người, rời bỏ cuộc sống thế tục gọi là Tỳ Kheo.
Thế nào là Tỳ Kheo?
Là người lìa bỏ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Dứt dâm, nộ, si.
Cho nên nói:
Dứt thân và dứt ý,
Giữ miệng cũng rất tốt,
Bỏ tục gọi Tỳ Kheo,
Lên khỏi vực, không ngại.
Không thiền, không trí
Không trí, không thiền
Đạo nhờ thiền, trí
Được gần Niết Bàn.
Người học vấn trước phải tụng bốn bộ A Hàm, ba tạng đầy đủ, sau mới gọi là thiền định. Đó là trí thế tục. Không trí không thiền là vô lậu tuệ quán thì chắc chắn có nơi đến, không hề trở ngại. Nếu người nào hoàn toàn đầy đủ hai việc này thì đã đến gần Niết Bàn.
Cho nên nói:
Không thiền không trí,
Không trí không thiền,
Đạo nhờ thiền, trí,
Được gần Niết Bàn.
Thiền không buông lung
Không bị dục loạn
Không uống đồng sôi
Tự não đốt mình.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba