Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai - Phẩm Dục - Tập Ba
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM HAI
PHẨM DỤC
TẬP BA
Cho nên mới có bài kệ rằng:
Không biết dục đáng chán
Thì làm sao tu thiền?
Ăn năn tìm gốc hạnh
Trí tuệ trị mới dứt.
Lúc bấy giờ, những người tham dục đến pháp hội đều lìa bỏ ái dục, không còn tâm tham đắm, đều phát tâm đạo vô thượng chánh chân.
Người trí biết chán, đủ
Không còn nghĩ ái dục
Người dùng trí nhàm chán
Không theo dấu ái dục.
Người trí biết chán, đủ: Vì sao người trí biết chán đủ?
Vì người này cùng ở chung trong ngôi nhà pháp với các Đức Thế Tôn, với chân nhân La Hán, nhìn thấy các hạnh bất tịnh mà khởi tâm nhàm chán. Các Ngài dứt hết các khổ, biết rõ cội gốc của khổ. Các Đức Phật, Thế Tôn suy nghĩ bằng trí tuệ.
Cho nên nói: Người trí biết chán, đủ, không còn nghĩ ái dục. Vì biết rõ thực thể của ái dục, nên không gần gũi ái dục. Những gì mà trước kia mình mê đắm nó thì nay đã lìa bỏ nó. Người trí luôn luôn cẩn thận, không đắm nhiễm ái dục.
Lúc bấy giờ, mọi người trong hội nghe nói về ái dục này đều sinh khởi ý tưởng về bất tịnh, ngay nơi chỗ mình ngồi liền đạt được tổng trì.
Người tham đắm ái dục
Quen làm việc phi pháp
Không nghĩ sự chết đến
Tưởng mình sống lâu dài.
Thuở ấy, Đức Phật đang ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc thành Xá Vệ. Lúc ấy, có một chàng trai nhà nghèo, túng thiếu tiền của nên phải làm mướn vất vả khắp bốn phương, bỗng tìm được báu vật. Báu vật tìm được nhiều vô kể, anh bèn từ phương xa trở về nhà, cùng cha mẹ bà con vui hưởng thỏa thích.
Anh khoe khoang với mọi người: Của báu tôi tìm được đáng giá bằng mấy ức, giờ đây ta sẽ cưới con gái nhà giàu sang. Nàng ấy là người trẻ tuổi khỏe mạnh, không mập, không ốm, không đen, không trắng, hội đủ nét dễ thương của người con gái, vốn đã xinh đẹp, sắc mặt như hoa đào, lại thêm trang điểm thân mình bằng phấn sáp, hương hoa.
Cả ngày vợ chồng quấn quýt vui chơi không rời nhau. Ăn uống toàn những thức ngon, mỗi ngày đều đổi món, giết hại sinh vật nhiều không thể tính kể. Mặc tình buông lung thỏa thích hơn các bạn cùng trang lứa.
Thế rồi, cô vợ ngã bệnh nặng liền qua đời, thấy vợ qua đời, tâm anh ta hoảng loạn, hóa ra điên dại chạy khắp hang cùng ngõ hẻm, vừa đi vừa oán trách rằng: Sao mà khổ đến thế?
Thần chết không có lòng nhân đạo đã giết chết vợ ta. Cả đến bà con cũng mang lòng ganh ghét ta, ai nấy đều có ý muốn chiếm đoạt vợ ta, nhưng sợ bể chuyện nên đã âm mưu hãm hại vợ ta. Anh ta cứ ngày ngày oán trách như thế không thôi.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dùng thiên nhãn trong sạch không chút tì vết, Ngài thấy chàng trai ấy oán than trách mắng, đi khắp hang cùng ngõ hẻm với tâm ý mê muội, không còn biết đâu là lẽ chân chính.
Khi ấy Đức Thế Tôn muốn hiển bày ý nghĩa ấy, tìm xét đến ngọn nguồn, thị hiện ngọn đèn sáng lớn cho chúng sinh đời sau, cũng khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, các Đức Như Lai đã nói chắc điều ấy, nên Đức Thế Tôn nói chắc lại điều ấy ở trước đại chúng bằng bài kệ như sau:
Người tham đắm ái dục
Quen làm việc phi pháp
Không nghĩ cái chết đến
Tưởng mình sống lâu dài.
Bấy giờ, mọi người trong chúng hội nghe kệ ấy xong, đều đạt được mắt pháp thanh tịnh, dứt sạch các bụi nhơ.
Người ngu bị tham trói
Không cầu đến bờ kia
Vì tham tiền, tham sắc
Vừa hại người, hại mình.
Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ.
Lúc ấy, có một vị Trưởng Giả tên Nan Đà, có nhiều tài sản vật báu như: Vàng bạc, châu báu, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, voi ngựa, xe cộ, kẻ ăn người ở, y phục, ruộng vườn nhiều không kể xiết.
Ông là người giàu có nhất nước, không còn ai hơn. Dù sống trong sự vinh hoa giàu sang thế ấy, nhưng ông không có lòng tin mà còn tham tiếc ganh tị. Bảy lớp cổng lớn cửa nhỏ đều cho người canh gác cẩn thận, có ai đến không thể bừa bãi cho vào trong sân. Phía trên thì ông cho trùm lưới sắt, không cho chim choc bay vào ăn lúa thóc.
Dưới bốn phía chân tường thì ông cho trát vữa, phòng ngừa chuột bọ đào hang vào cắn phá đồ đạc. Nhưng rồi cơn vô thường cũng đến với Trưởng Giả.
Ông chỉ có một người con trai duy nhất là Chiên Đàn Hương, liền gọi nó đến dạy rằng: Nay cha đau nặng chắc không qua khỏi. Sau khi ta chết, tất cả của cải bảy báu chớ tiêu xài hoang phí, đừng cúng dường Sa Môn, Bà La Môn. Nếu họ có đến khất thực thì chớ cho một đồng xu nào hết, tiền của báu vật này nuôi đến bảy đời cha mẹ.
Dạy bảo xong những lời ấy thì Trưởng Giả qua đời, thần thức liền thác sinh vào bụng người đàn bà mù dòng Chiên Đà La trong thành Xá Vệ. Tám, chín tháng sau bà sinh một đứa bé cũng mù bẩm sinh.
Người hàng xóm hỏi sinh trai hay sinh gái?
Bà đáp là con trai. Bà mẹ nghĩ rằng ta bị mù lòa, sinh con trai thì nó sẽ giúp đỡ, nuôi dưỡng ta sau này. Người hàng xóm bảo rằng dù con trai nhưng hai mắt nó lại mù.
Nghe vậy, bà mẹ đau khổ gấp bội, khóc than thảm thiết, nói: Ta mù con cũng mù, cả hai không có mắt, gặp đứa thua thiệt này, ta càng đau khổ thêm.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn đang cùng thị giả A Nan đang đi kinh hành ngoài cửa Tinh Xá Kỳ Hoàn.
Đức Thế Tôn đưa tay chỉ, nói rằng: Tai họa, tai họa!
Lúc ấy A Nan chắp tay, quỳ thẳng bạch Phật: Vừa rồi Đức Thế Tôn nói tai họa, là vì duyên cớ gì, con muốn được nghe.
Đức Phật bảo A Nan: Thầy có nghe trong thành Xá Vệ có vị Trưởng Giả Nan Đà không?
A Nan bạch Phật: Trong thành Xá Vệ có vị Trưởng Giả ấy, nhưng ông ta qua đời đã lâu rồi.
Đức Thế Tôn nói: Thần thức ông ấy đã trở về trong thành Xá Vệ, làm con của người dòng Chiên Đà La, khi sinh ra hai mắt đã mù. Gia nghiệp ngày trước giàu có vô kể, nay xem ra thì nó vẫn còn đấy, nào voi ngựa bảy báu không kể xiết, nhưng ông lại có tâm tham tiếc, ganh ghét, cho nên ta nói đó là tai họa.
Ngài A Nan bạch Phật bằng bài kệ:
Sinh tử thật đáng sợ
Huyễn hóa không chân thật
Có thành thì có bại
Người trí ai lại vui.
Lúc ấy, bà mẹ mù nuôi đứa nhỏ đến tám chín tuổi, nó đã đi xin ăn được, bà đưa cho nó một cây gậy, một đồ đựng thức ăn và bảo: Ta đã nuôi con khôn lớn, nay con đi đây đó được rồi thì nên tự đi kiếm sống, không nên ngồi ở đây, không nên ở đây. Mẹ cũng mù lòa, vì ta tuy mù mắt vẫn phải đi xin để nuôi sống.
Bấy giờ thằng bé đi xin ăn từng nhà, lần hồi đến nhà Trưởng Giả Chiên Đàn Hương.
Nó đứng ngoài cửa nói bài kệ:
Đã bị đói ép ngặt
Lại còn đui mù nữa
Các khổ không manh mối
Ai thương xin bố thí.
Người giữ cửa nghe lời than ấy nổi giận đùng đùng, liền bước đến nắm tay đứa bé quăng xuống hố sâu. Nó bị thương vai trái, lại bị đánh bể đầu. Những đồ ăn xin được văng tung tóe dưới đất.
Lúc ấy, có người đến cạnh hố thấy vậy rất thương xót, liền đến nhà bà mẹ mù của đứa bé nói: Con bà bị tên giữ cửa đánh rất khổ sở, rách vai, bể đầu, đau đớn không thể chịu nổi.
Nghe vậy, bà mẹ liền chống gậy quờ quạng đến chỗ đứa con mù ẵm nó đặt trên đùi, rồi nói bài kệ rằng:
Con có tội lỗi gì
Hãy mau nói ra đi
Ai đã đánh con tôi
Gây ra đau thương này?
Đứa bé đáp rằng:
Vừa rồi con đi xin
Đến nhà Chiên Đàn nọ
Mới vừa đứng ngoài cửa
Đã gặp tay hung bạo.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn thương xót chúng sinh như cha mẹ thương con, nên Ngài khởi tâm đại bi muốn cứu giúp kẻ khốn khổ. Thế nên sau khi ăn trưa xong, Ngài đắp y trang nghiêm, dẫn đầu các Tỳ Kheo đi vào thành Xá Vệ, đến ngoài cổng nhà Trưởng Giả Chiên Đàn.
Lúc ấy, các Trưởng Giả và dân chúng trong thành thấy Như Lai vào thành không đúng thời, họ nghĩ: Chắc có duyên cớ chi đây, hoặc là Ngài nói về việc quá khứ hiện tại tương lai, họ liền đi theo sau Như Lai, cùng đến trước cửa nhà Trưởng Giả Chiên Đàn, tới chỗ đứa bé mù. Trưởng Giả Chiên Đàn Hương nghe tin Như Lai đến liền ra ngoài cửa, trán lạy sát chân Phật, rồi đứng một bên.
Lúc ấy Đức Thế Tôn thấy đại chúng đã nhóm họp, lại thấy Trưởng Giả Chiên Đàn đứng ở ngoài cửa nên Đức Phật lại giảng nói về tham tiếc, ganh tị chịu vô lượng tội. Ngài lại nói về bố thí được phước báu vô lượng. Ngài muốn cho họ lìa khỏi nghiệp, không còn đắm mê ba cõi, chỉ nẻo Niết Bàn, hướng về đạo vô vi.
Bấy giờ, Đức Phật hỏi đứa bé: Ngươi có phải Nan Đà chăng?
Đứa bé đáp: Con thật là Nan Đà.
Đức Phật hỏi lại: Ngươi có phải Nan Đà chăng?
Nó liền nói: Con thật là Nan Đà.
Người trong thành nghe chuyện Đức Phật và đứa bé hỏi đáp như vậy, ai cũng ngạc nhiên, vì sao Trưởng Giả Nan Đà mà có than hình như vậy?
Lúc ấy Đức Thế Tôn muốn cứu khổ địa ngục cho Trưởng Giả Chiên Đàn, nên Ngài dạy phải dứt bỏ tâm tham tiếc mà tạo ruộng phước.
Đức Phật bảo Chiên Đàn Hương bằng bài kệ:
Xưa cha, nay Nan Đà
Tham tiếc tự trói mình
Vốn không làm việc lành
Gặp các nỗi khổ này.
Giá như giờ chết đi
Sẽ đọa ngục Vô Trạch
Là nhà giam kẻ ác
Bị duyên xưa trói buộc.
Khi ấy Trưởng Giả Chiên Đàn buồn khóc rơi lệ không kiềm chế được, trán lạy sát chân Phật mà bạch: Cúi mong Thế Tôn từ bi thương xót cứu vớt tội căn, mong được phước thừa của Như Lai. Con kính thỉnh cúng dường Phật và Tỳ Kheo Tăng. Cúi xin Thế Tôn nạp thọ.
Bấy giờ Đức Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu của Trưởng Giả.
Sáng hôm sau, Đức Thế Tôn đắp y, ôm cầm bát, dẫn đầu đoàn các Tỳ Kheo đến nhà vị Trưởng Giả kia, mỗi Tỳ Kheo đều ngồi theo thứ lớp. Chính tay Trưởng Giả lấy nước cho Đức Phật rửa tay rồi dâng cơm. Sau khi Đức Phật và đại chúng thọ thực xong, Trưởng Giả đem nước sạch đến để Đức Phật và đại chúng rửa tay, rồi ông đặt một cái ghế nhỏ và ngồi trước mặt Như Lai để nghe pháp.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng phương tiện quyền xảo, lần lượt nói các pháp mầu nhiệm cho Trưởng Giả nghe, hoặc luận giảng về tạng sâu kín của Như Lai như luận về bố thí, luận về giữ giới, luận về phước sinh Thiên, luận về dục, bất tịnh, hành dâm là nhơ bẩn.
Đức Phật cứ như thế mà giảng nói các pháp không thể suy nghĩ bàn luận.
Trưởng Giả ngay nơi chỗ ngồi các phiền não đều tan biến, được mắt pháp thanh tịnh pháp nhãn.
Trưởng Giả tự xét thấy mình đắc pháp, thấy pháp, phân biệt rõ các pháp, không còn sợ hãi, liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, bạch: Giờ đây con xin Như Lai cho con thọ tam tự quy, quy y Phật, Pháp, Tăng. Từ nay trở đi, con xin được phép làm Ưu Bà Tắc, suốt đời không còn sát sinh.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn quở trách Trưởng Giả Nan Đà, Ngài bèn nói bài kệ:
Kẻ ngu tan tiền của
Cũng không phải vì mình,
Kẻ ngu tham tiền của
Tự đắm chìm thành ngục.
Tham như vậy vô ích
Nên biết si sinh tham
Ngu vì thế hại hiền,
Như thủ lĩnh chiếm đất.
Kẻ ngu tan tiền của: Đã hết, đã diệt, không sót thứ gì. Cho nên nói tan tiền của. Kẻ ngu không có trí tuệ, không có sự giác biết, nên họ chứa nhóm của cải, không dám tiêu xài, cũng không bố thí cho ai. Người ngu trong những người ngu thì không ai ngu hơn kẻ ấy.
Người ta có tiền của thì bố thí kẻ khác hoặc tự mình ăn xài, nhưng ông trưởng giả này thì chính mình không dám ăn xài, cũng không cho ai bao giờ. Tự không vì mình chính là tham tiếc ganh tị. Nó trói chặt tâm, không tài nào gỡ nổi, cũng không thể tự mình hành động được. Kẻ ngu tham lam tài vật, tâm ái bị đắm nhiễm, không thể lìa bỏ.
Cho nên: Người trí bỏ dục để giữ sự vắng lặng.
Vì thế nên nói:
Tham như vậy vô ích
Nên biết si sinh tham.
Ngu vì thế hại hiền
Như thủ lĩnh chiếm đất.
Bấy giờ, mọi người trong hội nghe Đức Phật nói rồi, vui mừng mà lui.
Trời mưa bảy báu
Vẫn muốn chưa vừa
Vui ít khổ nhiều
Biết rõ là khôn.
Bài kệ này, ngày xưa Đức Phật nói cho Vua Đảnh Sinh nghe.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sa Môn Pháp Sa Môn Nghĩa - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Hợp Bộ - Phẩm Bốn - Phẩm Sám Hối
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Bốn - Phẩm đà la Ni - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Quá Khứ
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Một - Phẩm Một Kệ - Phẩm Mười Hai