Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai - Phẩm Dục - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI

PHẨM DỤC  

TẬP HAI  

Ngày xưa, có một kẻ phạm tội, bị bắt trói, gặp dịp Chúng Tăng đang nói pháp. Y xin lính tạm thời dừng lại cho y đến nghe pháp. Nửa đêm thanh vắng, y gặp một thầy Tỳ Kheo tụng Kinh, đến đoạn nói về bị già trói buộc, bị sinh trói buộc, bị bệnh trói buộc, bị chết trói buộc, đời này bị trói buộc, đời sau bị trói buộc.

Sau đó, y nhờ bà con cầu xin nhà vua tha tội nên y được thả. Bấy giờ, bà con, người quen, bạn bè cùng đến nhà y ăn mừng chia vui.

Họ bảo: Nghe anh khỏi tội nên vội vã đến chia vui.

Anh ta mới báo với mọi người: Sao các vị lầm lạc như thế?

Tối hôm rồi, nhờ nghe một thầy Tỳ Kheo tụng Kinh mà tôi biết rằng mình bị trói buộc còn hơn cả nhà vua.

Những vị này bèn nói: Anh vừa được thả ra, sao lại nói chuyện lầm lẫn như thế?

Anh ta bảo: Tôi không hề lầm lẫn. Chỉ các vị mới lầm lẫn đấy thôi. Cái trói cột mà tôi đang bị ràng buộc đây thì dù nhà vua cũng không mở được. Các vị bà con, nếu có thương tôi thì hãy cho tôi xuất gia, học đạo.

Bà con họ hàng khuyên can anh hết sức.

Họ nói: Cha mẹ, bà con, con trai, con gái đều giàu sang đủ cả, cớ sao anh lại từ bỏ, ham mê học đạo làm gì?

Người ấy đáp: Tôi đã có thệ nguyện xuất gia học đạo từ trước. Bà con họ hàng lại khuyên bảo hãy bỏ ý định ấy đi. Bảy ngày sau, anh hết mệt mỏi, sức khỏe bình phục.

Khi ra khỏi nhà thì anh chợt gặp thầy Tỳ Kheo tụng Kinh trong đêm thanh vắng nọ và Ngài đọc bài kệ rằng:

Ngục bằng sắt, đồng, thiếc

Nhưng cũng chưa chắc chắn

Mê đắm sắc đẹp kia

Ngục này mới chắc chắn.

Sau đó, anh lại trở về nhà nói với bà con: Chí hướng của tôi không thích sống đời tại gia, xin cho tôi được xuất gia tu học phạm hạnh vô thượng.

Lúc ấy bà con họ hàng liền cho anh xuất gia học đạo, tiến tu phạm hạnh đêm ngày không ngừng nghỉ, chứng được quả A La Hán, thoát hẳn mọi trói buộc, không còn trôi lăn trong vòng sinh tử nữa.

Bị nhốt ngục vững chắc

Ở mãi chẳng chịu ra

Cốt yếu cắt đứt nó

Không ngoài cắt ái dục.

Bị nhốt ngục vững chắc: Quyến luyến, đắm mê ân ái đều gọi là trói buộc. Chỉ có Chư Phật ra đời, giữ gìn tâm kim cương vững chắc khó phá hoại, trang nghiêm bằng mọi công đức, dứt bỏ hết mọi điều ác, tránh xa các điều kiện gây tội thì mới cắt đứt được các điều ác.

Cho nên nói: Bị nhốt ngục vững chắc mãi chẳng chịu ra, nghĩa là ở trong thế gian, trong ba cõi, trong bốn sinh, trong ba đường, ở đây sẽ nói thí dụ để rồi qua đó, người trí nhờ thí dụ mà tự hiểu.

Thuở xưa, có một vị Vua, thi ân bố đức khắp trong nước, người tội trói nhiều lớp trong ngục đều được thả hết… trong số những người tội ấy, có nhiều người chán ngán cảnh trói nhốt, không chịu đựng được cảnh sống lao tù, tâm ý họ cứ mong chóng được thoát ra, không bao giờ muốn ở lại trong đó, cũng có nhiều người khác lại thích sống trong lao tù, tâm ý họ ưa thích được nghe những tiếng kêu khổ não, cho nên họ quyết ở mãi trong đó, không chịu thoát ra.

Vì thế nói rằng: Ở mãi chẳng chịu ra. Ở mãi là được Vua phóng thích ban ân mà không chịu về.

Nhờ công đức lành chứa nhóm từ đời trước, nên đời này cắt đứt được. Cho nên nói cốt yếu cắt đứt nó, tức không để tâm quyến luyến anh em, tài sản, bà con, chuyên tâm dứt bỏ ái dục, ái dục đã dứt hẳn, không còn dư thừa, vượt qua tám việc thế gian bằng hai điều minh thệ.

Thế nào là hai điều minh thệ?

Thứ nhất là trí tuệ, thứ hai là tận thệ. Dùng hai thệ nguyện ấy mà độ chúng sinh.

Các sắc đẹp thế gian

Đó không gọi là dục

Dục tồn tại lâu dài

Chỉ người hiền biết rõ.

Thuở xưa khi còn ở đời, các Tỳ Kheo bảo nhau: Chúng ta nên tách khỏi Chúng Tăng mà đi khất thực riêng ở nhân gian.

Vì sao?

Vì các Tỳ Kheo tu hạnh khất thực đi khắp nhân gian sẽ nhờ đó mà nhìn thấy nhiều sắc đẹp lộng lẫy, tai được nghe những âm thanh hay lạ, mũi ngửi những mùi thơm quý, thân xúc chạm sự trơn láng mịn màng.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn dùng thiên nhĩ thanh tịnh không chút tì vết Ngài nghe được những lời các Tỳ Kheo bảo nhau như vậy, Ngài biết họ sinh tâm đắm nhiễm sự vinh hoa ở đời. Đức Thế Tôn liền nhóm họp đại chúng ở giảng đường Phổ Hội. Các Tỳ Kheo liền nhóm họp trong giảng đường.

Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Thế nào các thầy Tỳ Kheo?

Ta đã từng nói cho các thầy nghe về việc khất thực. Tỳ Kheo đi vào nhân gian thì mắt thấy những sắc đẹp lộng lẫy, tai nghe những âm thanh hay, mũi ngửi mùi lạ, thân xúc chạm những gì trơn láng mịn màng.

Vì sao tâm các thầy lại lao chao như thế?

Các thầy nghĩ đến sắc, thanh, hương, vị, xúc thì giống như ngọn lửa đang bốc cao dữ dội mà còn chế thêm dầu thì tất nhiên ngọn lửa lại càng bốc cao hơn. Đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, các thầy phải tự cấm ngăn. Ra ngoài khất thực thì tâm phải luôn dè chừng.

Nhận của người khác cho đâu phải là việc dễ dàng?

Người tín thí phải chạy vạy khắp nơi, cực long khổ công mới có được tiền của, rồi nhín ăn bớt mặc mà đem bố thí vì nghĩ rằng đời sau mình sẽ được hưởng phước. Thế nên, nay các thầy ít phước e rằng khó tiêu. Khi thấy người đàn việt đến bố thí thì phải có ý tưởng không muốn nhận lãnh hơn là nhận lãnh của bố thí ấy. Phải tự quán xét với ý tưởng rằng thân ta đang mang bệnh nặng, mà vật thí kia giống như thuốc.

Phải nghĩ nơi nhàn nhã giống như gặp xác chết, nên phải thường buộc niệm vào việc tu các gốc lành. Khi thấy các người nữ thì coi như đó là những mồ mả. Như vậy, so sánh với những người đi trong nhân gian khất thực, tâm tham đắm các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc, mà lại nương tựa vào đạo thì họ đáng gọi là bọn cướp nguy hiểm.

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi Ngài Ma Ha Câu Hi La rằng: Ngài nghĩ thế nào?

Mắt là tướng của sắc hay sắc là tướng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, xúc chạm, pháp cũng như vậy.

Pháp là tướng của ý hay ý là tướng của pháp?

Bấy giờ Ngài Ma Ha Câu Hi La bảo Ngài Xá Lợi Phất: Mắt không phải là tướng của sắc, sắc không phải là tướng của mắt. Cho đến tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng vậy. ý không phải là tướng của pháp, pháp không phải là tướng của ý. Cái gọi là tướng là bởi lòng chạy theo tham dục, đó gọi là tướng.

Lại dẫn thí dụ để tự hiểu: Như trâu trắng, trâu đen cùng bị cột ở một nơi, hoặc chúng cùng bị cột bởi một cái ách, tương đương với sự trói buộc.

Thưa Xá Lợi Phất, Ngài nghĩ sao?

Có nhiều người bảo trâu trắng trói buộc trâu đen hoặc trâu đen trói buộc trâu trắng.

Vậy, hai con có trói cho nhau không?

Đáp: Không trói cột nhau.

Thưa Ngài Xá Lợi Phất, chẳng phải trâu trắng trói cột trâu đen, cũng chẳng phải trâu đen trói cột trâu trắng, mà cái trói cột chính là sợi dây, hoặc cái dây dàm, hoặc là cái ách, đó mới thật là cái trói buộc.

Thưa Ngài Xá Lợi Phất, cũng thế đó, mắt không phải là tướng của sắc, sắc không phải tướng của mắt, cho đến tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng vậy. Ý chẳng phải là tướng của pháp, pháp không phải là tướng của ý. Trong đó, do chạy theo lòng tham dục, đó gọi là tướng.

Cho nên nói: Các sắc tốt đẹp thế gian, đó không gọi là dục.

Dục thế gian vô thường

Dục bên trong là thường

Nó diệt, không thọ sinh

Không thọ sinh đường khác.

Dục thế gian vô thường: Dục là vô thường vì nó là pháp suy hao, đổi thay không dừng, không nương cậy được. Cái ham muốn ở cõi đời không dừng lâu, hoặc chết hoặc mất, hay bị kẻ khác chiếm đoạt. Cho nên nó không thường còn, không thể giữ lâu được. Trong khi đó, cái dục bên trong rất vững chắc, vì nó nhiễm vào thần thức. Tâm là đầu nguồn của mọi tai họa, gây họa đến thân và miệng.

Cho nên nói: Dục bên trong là thường. Dục như kẻ cường hào rình rập giết hại mạng sống, cái dục ấy mới khó chế ngự. Không thể dùng sức mình mà giữ lại không cho nó đi vào ba cõi, cũng không thể tự ý muốn tạo đời này, đời sau.

Cho nên nói:

Dục tồn tại lâu dài,

Chỉ người hiền biết rõ.

Dục sinh hạnh vô lậu

Ý nguyện thường đầy đủ

Tâm không bị dục trói

Đó là bậc thượng lưu.

Dục sinh hạnh vô lậu: Dục vừa là thiện vừa là bất thiện. Nếu dục thiện thì hữu lậu hoặc vô lậu. Dục vô lậu thì dứt mọi tham ái, trong đó không kể đến hữu lậu.

Ý nguyện thường đầy đủ là: Tất cả các pháp thiện lúc nào cũng tràn ngập trong lòng.

Tâm không bị dục trói: Tâm vô dục không đắm nhiễm tâm dục, cũng không bị làm ô uế.

Cho nên nói: Tâm không bị dục trói.

Đó là bậc thượng lưu: Chính là quả A Na Hàm.

Tại sao?

Vì nói quả A Na Hàm, vì nói năm kết phần dưới, vì nói cắt đứt dục ái, nên cũng nói: Đó là bậc thượng lưu.

Người trí không vượt bậc

Dần dần nắm chút chút

Thợ khéo cắt bỏ thô

Trừ sạch mọi nhơ nhớp.

Người trí không vượt bậc: Biết sâu rộng chuyện xưa nay, phân biệt phải trái. Đối với trí tuệ không hề tổn giảm, bản tanh siêng năng không biếng nhác.

Cho nên nói: Người trí không vượt bậc.

Dần dần nắm chút chút: Dần dần ngày càng tiến tới, không dừng nghỉ giữa đường, giống như người thợ giỏi kia cứ đẽo gọt những chỗ dư thừa mỗi ngày một chút, lâu ngày thành món đồ đẹp.

Người ta loại bỏ phần cấu uế của tâm cũng giống như vậy, nên được các vị Trời, A Tu Luân, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc kính phục khen ngợi.

Xe cũ gặp thợ giỏi

Khéo sửa chữa trang hoàng

Sống trong dục, diệt dục

Sau được an ổn mãi.

Xe cũ gặp thợ giỏi: Hãy xem chiếc xe cũ được sửa sang lại, khiến xe lại chở nặng đường xa mà không trục trặc gì cả, từ đó thành hai ý nghĩa.

Thế nào là hai ý nghĩa?

Một là tiếng khen y được đồn xa, hai là, y thu về được nhiều tiền của. Thầy Tỳ Kheo giỏi cũng lại như thế, chỉ cần dứt bỏ tâm dục thì được hai tiếng khen, một là tiếng lành đồn xa, các Trời khen ngợi, hai là trong pháp hiện tại, được vô lượng an vui.

Cho nên nói:

Xe cũ gặp thợ giỏi

Khéo sửa chữa trang hoàng

Sống trong dục diệt dục

Sau được an ổn mãi.

Khi ấy, toàn thể hội chúng nghe lời Phật dạy, đều vui mừng mà lui.

Muốn được mọi điều vui

Nên dứt bỏ ái dục

Đã dứt bỏ ái dục

Được vui mãi vô cùng.

Nếu có chúng sinh muốn được mọi niềm vui thì phải nhớ nghĩ bốn chi, năm chi của thiền lạc hạnh, thần thông lạc, đạo xuất yếu lạc. Người ấy phải nhớ nghĩ dứt bỏ hết mọi thứ lạc, đã bỏ hết các dục, được nhiều công đức, hưởng vui vô cùng, được vui tự tại, được niềm vui phước nghiệp, hiện tại của cải thế tục không hề thiếu thốn.

Xưa kẻ ngoại đạo dị học, họ đều nói như vậy: Hai bên người và dục cùng gặp nhau thì người ấy liền thanh tịnh, liền được giải thoát, cũng được xuất ly. Lại có người nói là muốn có nhiệm mầu, muốn có thanh tịnh thì nên vui chơi với dục, đừng nên thỏa mãn, đừng nên thấy đủ. Dục còn dứt mọi nghi ngờ cho họ.

Cho nên nói: Sống trong dục, diệt dục, sau được an ổn mãi.

Không biết dục đáng chán

Thì làm sao tu thiền?

Ăn năn tìm gốc hạnh

Trí tuệ trị mới dứt.

Nếu có chúng sinh không xua đuổi được ham dục thì tâm bèn sinh nhơ bẩn, khác nào người đứng gần hố lửa lớn, càng gần càng bị nóng. Để tránh sự nóng bức ấy, thì phải tìm cách dập tắt ngọn lửa kia đi. Người ta cũng như vậy, hễ không nghĩ tới dục thì dục tự nhiên dập tắt.

Như thuốc độc có màu sắc tươi đẹp lại thơm ngọt, người mắc bệnh uống vào thì thông cổ dễ nuốt, nhưng vào bụng không bao lâu thì phải bỏ mạng. Tham dục cũng như vậy. Đương thời thì lòng dạ ham thích, hành dục không đúng pháp, nên sau khi chết phải đọa vào địa ngục.

Ở đây xin dẫn thí dụ, người trí nhờ thí dục mà tự hiểu: Ngày xưa, ở Cõi Diêm Phù Lợi này, có Vua Đảnh Sinh xuất hiện ở đời, sống đến mười bốn ức tuổi. Bấy giờ Vua Đảnh Sinh đi dạo chơi khắp nơi, lên đến tầng Trời Đao Lợi. Lúc ấy vừa có ba mươi sáu vị Trời qua đời, nên Vua Đảnh Sinh sống luôn ở tầng Trời ấy.

Trải qua một thời gian lâu, Vua Đảnh Sinh nghĩ rằng: Tuổi thọ của ta lâu hơn cả tuổi Trời. Chính mắt ta trông thấy ba mươi sáu vị Trời đều qua đời. Vì vậy, bây giờ ta phải giết Thích Đề Hoàn Nhân.

Như thế là ta trị vì hết mọi tầng Trời, làm Vua cả Trời, người, như vậy không vui sướng hay sao?

Vì ý tưởng bất chánh ấy mà Vua Đảnh Sinh mất thần thông, liền bị rớt trở xuống Cõi Diêm Phù Lợi này, than thể đau nhức, chịu khổ trăm bề.

Lúc bấy giờ, các quan hỏi thăm Vua: Nay Vua bệnh nặng, có thể qua đời.

Vậy, nếu có người dân nào đến hỏi là lúc sắp lìa đời, Vua Đảnh Sinh có để lại lời dạy gì, thì nói sao đây?

Lúc ấy, Vua Đảnh Sinh bảo các quan rằng: Nếu có người dân nào đến hỏi thì các khanh nên đáp như vậy:

Vua Đảnh Sinh ham mê năm dục, bảy báu không biết thỏa mãn. Vua Đảnh Sinh có cả ngàn đứa con nhưng không biết biết thỏa mãn. Vua Đảnh Sinh cai trị khắp cả dân chúng mà không biết đủ, nên nay đành phải chết.

Vua Đảnh Sinh ở trong cung mưa xuống bảy chất báu suốt bảy đêm bảy ngày mà không biết đủ, nên nay đành phải chịu chết. Vua Đảnh Sinh đi dạo chơi, lên đến tầng Trời Đao Lợi, rồi sinh ác ý muốn giết Vua Trời Thích Đề Hoàn Nhân, nên nay đành chịu chết.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần