Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Bảy - Phẩm Quán Suy Xét - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI BẢY

PHẨM QUÁN SUY XÉT  

TẬP HAI  

Phải quán bọt trên nước, và quán ngựa lóa nắng: Bọt nước kia không tồn tại lâu. Thuở xưa, có nàng công chúa được vua cha quý yêu, không bao giờ rời khỏi tầm mắt ông.

Khi ấy, trời mưa to, bong bóng nổi trên mặt nước. Thấy những bong bóng ấy công chúa thích lắm.

Nàng thưa cùng vua cha: Con muốn được những bong bóng trên nước ấy để kết thành tràng đội đầu.

Vua bảo công chúa: Bong bóng nước không thể giữ gìn, làm sao lấy được để xỏ thành tràng?

Công chúa thưa: Nếu không xỏ được thành tràng thì con sẽ tự sát.

Nghe công chúa nói vậy, nhà vua liền vời các tay thợ giỏi đến bảo: Các khanh là tay thợ giỏi, không chuyện gì không làm được.

Vậy thì hãy mau mau lấy bong bóng nước xỏ thành tràng cho con gái ta đeo. Nếu không làm được thì các ngươi sẽ bị chém đầu.

Người thợ liền thưa vua: Chúng tôi không thể lấy bong bóng để xỏ thành tràng được.

Nhưng trong số đó, có một người thợ già tự nói mình có khả năng làm chuyện ấy, ông liền bước đến thưa vua: Thần có thể lấy bong bóng nước để xỏ thành tràng cho bệ hạ.

Vua nghe vậy mừng rỡ, gọi công chúa đến bảo: Hiện giờ, có một người có khả năng xỏ xâu bong bóng nước cho con, con hãy tự đến xem. Công chúa nghe lời vua ra ngoài để xem.

Khi ấy, người thợ già bèn thưa với công chúa: Tôi vốn không phân biệt được bong bóng nào tốt, bong bong nào xấu. Cúi mong công chúa hãy tự mình chọn lấy rồi đưa tôi, tôi sẽ xỏ thành xâu cho.

Công chúa liền đưa tay vớt bong bóng, nhưng hễ vừa vớt là bong bóng bể ngay, không vớt được cái nào. Cứ vớt như vậy cả ngày vẫn không được cái nào.

Công chúa mỏi mệt, bỏ đi, đến thưa với vua cha: Bong bóng giả dối không tồn tại lâu, thôi cha hãy xỏ cho con xâu vàng ròng, suốt ngày đêm không bao giờ héo tàn.

Bong bóng nước làm mê lầm mắt người, dù có hình chất nhưng vừa sinh thì liền diệt, dương diệm, ngựa lóa nắng cũng giống như vậy. Con người khát vọng ái dục, mệt nhọc rồi bỏ mạng.

Thân người luống dối, vui ít, khổ nhiều, là pháp bị tiêu diệt, không tồn tại lâu dài, đổi đời biến động trên đời nào có bao lâu, rồi cũng bị thần chết dòm ngó?

Cho nên nói: Phải quán bọt trên nước và quán ngựa lóa nắng, như thế không quán thân thì không thấy thần chết.

Phải quán bọt trên nước

Và quán ngựa lóa nắng

Như thế, không quán đời

Thì không thấy thần chết.

Không quán đời: Thân năm ấm lẫy lừng, không tồn tại lâu mà sẽ bị hoại diệt. Nếu ai diệt được thân năm ấm này thì không gặp thần chết.

Như vậy, phải quán thân

Như xe vua nhiều màu

Kẻ ngu rất đắm nhiễm

Người lành muốn lánh xa.

Như vậy, phải quán thân, như xe vua nhiều màu: Như xe vua đi có tô vẽ nhiều màu, tuy có hình sắc nhưng không bền chắc, không thể chở nặng được.

Cho nên nói: Như vậy, phải quán thân, như xe vua nhiều màu.

Kẻ ngu rất đắm nhiễm, người lành muốn lánh xa: Kẻ ngu tham đắm thân này, còn người trí thì xả bỏ đi như bỏ phân dơ.

Cho nên nói:

Kẻ ngu rất đắm nhiễm,

Người lành muốn lánh xa.

Như vậy, nên quán thân

Như xe vua nhiều màu

Kẻ ngu rất đắm nhiễm

Người trí thì xa lìa.

Người trí biết có dao động nên tâm không ưa thích, ý thường muốn xa lìa như tránh xa hỏa tai.

Cho nên nói:

Người trí thì xa lìa.

Như vậy, nên quán thân

Biết nguyên nhân gây bệnh

Bệnh, ở chung kẻ ngu

Đâu đáng để nương cậy?

Người ta sinh ra từ bào thai là do nhân duyên đời trước, có người nhiều bệnh, có người ít bệnh, hình tướng tốt xấu khác nhau.

Cho nên nói:

Như vậy, nên quán thân,

Biết nguyên nhân gây bệnh,

Bệnh ở chung kẻ ngu,

Đâu đáng để nương cậy.

Nên quán hình tượng vẽ

Tóc xanh ngọc Ma ni

Kẻ ngu duyên theo đó

Không cầu đến bờ kia.

Nên quán hình tượng vẽ, tóc xanh như ngọc Ma ni: Dùng các chất thơm gội tóc. Mùi thơm gội tóc bay xa.

Cho nên nói: Nên quán hình tượng vẽ, tóc xanh như ngọc Ma ni.

Kẻ ngu mãi quyến luyến, không cầu đến bờ kia: Kẻ ngu bị trói buộc, không thể xa lìa được, không có phương tiện khéo léo nào để đến bờ bên kia. Bờ bên kia là Niết Bàn dứt hết phiền não.

Cho nên nói:

Kẻ ngu mãi quyến luyến,

Không cầu đến bờ kia.

Nên quán hình tượng vẽ

Tóc xanh ngọc Ma ni

Kẻ ngu duyên theo đó

Người trí lại nhàm chán.

Người có trí tuệ phân biệt

Quan sát tinh vi,

Suy nghĩ tính lường,

Không khởi tâm đắm nhiễm.

Cho nên nói:

Người trí lại nhàm chán.

Gượng dùng màu vẽ hình

Trang điểm thân dơ xấu

Kẻ ngu bám vào đó

Không chịu cầu tự độ.

Thuở xưa, có một người giàu có, nhiều tài sản vật báu.

Ông Trưởng Giả tự nghĩ: Các đạo nhân tuổi còn trẻ, tình dục chưa dứt, nay ta nên thỉnh các vị ấy đến nhà, sai các cô gái dâng đồ cúng dường. Nếu ai có dục tình là ta biết ngay. Ông liền tới Chùa thỉnh các đạo sĩ tuổi trẻ đến nhà trưởng giả.

Các cô gái trang điểm, mặc áo mới đều ra lễ bái, khởi tâm cung kính. Khi ấy, có vị La Hán đã chứng được sáu thứ thần thông biết sự việc ấy, Ngài liền hóa thành một người chết, xương cốt máu thịt tan biến hết, đầu lâu, tay chân mỗi nơi một món.

Khi ấy vị La Hán bảo các thầy Tỳ Kheo: Các thầy phải chuyên tâm cầu giải thoát. Chớ nhìn nữ sắc, chớ khởi tâm dơ bẩn.

Khi ấy, vị Trưởng Giả thấy điềm lạ kia, khen là việc chưa từng có, trong tâm tự trách, biết việc mình làm là sai quấy, ông bèn gieo năm vóc sát đất, xin sám hối: Hôm nay con mới biết pháp nhiệm mầu. Còn các cô gái thì hổ thẹn liền chạy về nhà.

Khi ấy vị La Hán bảo vị Trưởng Giả: Phật Pháp sâu rộng mênh mông không bờ bến, ngày nay ông đem trí lượng của phàm phu mà đo lường Bậc Thánh, đó là điều không đúng lý, khác gì lấy cục đất mà so sánh với núi Tu Di, lấy thăng mà muốn đong lường nước biển.

Lúc bấy giờ, vị Tỳ Kheo liền nói bài kệ này:

Gượng dùng màu vẽ hình

Trang điểm thân nhơ xấu

Kẻ ngu bám vào đó

Không tự cầu độ thoát.

Chải tóc rẽ tám phần

Mắt lành, tai đeo ngọc

Kẻ ngu bị đắm nhiễm

Không tự cầu độ thoát.

Nói hai bài kệ xong, thầy Tỳ Kheo đứng dậy ra đi. Lúc ấy vị Trưởng Giả và các cô gái kia tâm lành tự phát sinh, cung kính Tam Bảo, sau này mỗi vị đều thành tựu dấu đạo.

Đắm mê dục, nhiễm dục

Không rõ kết sử bám

Không cho khởi kết sử

Phải lội dòng dục hữu.

Đắm mê dục, nhiễm dục: Ở đời, mọi người đều có chí hướng khác nhau. Có người nhẹ về ái dục, có người nặng về ái dục. Ai nặng về ái dục thì không đạt được pháp của Bậc Thánh Hiền.

Cho nên nói: Đắm mê dục, nhiễm dục.

Không rõ kết sử bám: Các tâm lý tham ganh, bỏn sẻn, là bệnh nặng nhất trong các thứ bệnh. Nó vào sâu trong xương tủy, không thầy thuốc nào chữa được. Chất chứa tài sản ức muôn nhưng không chịu bố thí, khi chết không mang theo được một đồng tiền. Nếu ai tu hành mà còn tham lam, ganh tỵ thì thân không có oai thần, chịu cảnh nghèo nàn, bà con họ hàng không hòa thuận, bị mọi người khinh thường.

Cho nên nói: Không rõ kết sử bám.

Không cho khởi kết sử, phải lội dòng dục hữu: Dòng nước dục có bốn thứ, với mỗi việc khác nhau, bốn thứ ấy là gì?

Dòng nước ái dục dục lưu.

Dòng nước hữu lậu hữu lưu.

Dòng nước vô minh vô minh lưu.

Dòng nước kiến chấp kiến lưu.

Các loài chúng sinh chìm đắm trong sinh tử đều do bốn dòng nước này nhận chìm. Vì không thể lội qua bốn dòng nước kết sử này cho nên cứ mãi trôi lăn trong năm đường.

Cho nên nói:

Không cho khởi kết sử,

Phải lội dòng dục hữu.

Trên tất cả vô dục

Phải xét đại quán này

Như thế có giải thoát

Cho ai chưa được độ.

Trên tất cả vô dục: Trên là Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc. Dục là Cõi Dục. Đối với ba cõi này không còn ba độc, nên ở trong đó được giải thoát hẳn.

Cho nên nói: Trên tất cả vô dục.

Phải xét đại quán này: Người vô dục là đệ tử bậc nhất của Phật. Đức Phật có bốn hạng đệ tử mà A La Hán là hơn hết, đáng tôn, đáng quý, không có ai hơn.

Cho nên nói: Phải xét đại quán này.

Như thế có giải thoát: Bậc Thánh tu hành không phải vì mình, được tự tại đối với bốn kết sử, không dính mắc vào hành vi của thân, miệng.

Cho nên nói: Như thế có giải thoát.

Cho ai chưa được độ: Từ xưa đã trải qua tai nạn sinh tử chưa được độ thoát, nay phải tìm cách vượt ra ba cõi, không còn thọ than bốn đại nữa.

Cho nên nói:

Cho ai chưa được độ.

Không phải vườn, thoát vườn

Thoát khỏi lại vô vườn

Phải quán sát người này

Thoát buộc lại bị buộc.

Thuở xưa, Đức Phật ngự trong vườn Ni câu loại, thuộc nước Thích Xí Sưu Ca Duy La Kiệt. Khi ấy, đã đến giờ, Đức Thế Tôn đắp y ôm bát cùng thị giả A Nan đi vào thành Ca Duy La Kiệt khất thực.

Khi ấy chàng trai Nan Đà đang đứng trên lầu cao, từ xa trông thấy Đức Thế Tôn vào thành khất thực, chàng liền vội xuống lầu, đến chỗ Phật, lễ lạy sát chân Phật, bạch: Như Lai sinh từ giai cấp giàu sang ở vùng Kinh Thành, rồi sẽ lên ngôi Chuyển Luân Thánh Vương, vì sao tự làm nhục mình bằng cách ôm bát đi khất thực như vậy?

Khi ấy, Nan Đà lấy bình bát của Như Lai đem vào thành để những món ăn ngon.

Sau khi thấy Nan Đà vào nhà, Đức Phật liền bảo Tôn Giả A Nan: Nay ta đi về phía vườn Ni câu loại. Nan Đà trở ra thì chớ nhận lại bình bát.

Ông hãy nói với Nan Đà rằng: Chính Nan Đà phải đem bát đến tận chỗ Như Lai. Nan Đà nghe Tôn Giả nói lại như vậy nên phải đi theo sau mà giao bát.

Vợ Nan Đà chạy theo sau nói với: Hãy mau trở về sớm để ăn cơm, chớ đi lâu. Nan Đà đi không bao lâu, người vợ còn sai người đưa thư là xong thì về ngay chớ ở lâu. Sở dĩ trịnh trọng như vậy là cô sợ Nan Đà bỏ nhà đi xuất gia.

Nan Đà ôm bát đến chỗ Thế Tôn, hai tay dâng bình bát lên cho Thế Tôn: Cúi xin Ngài nhận lãnh, bây giờ con muốn trở về nhà.

Đức Phật bảo Nan Đà: Ngươi đã đến đây, thì bây giờ nên xa gia đình, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y.

Cớ sao lại từ chối mà muốn trở về nhà?

Khi ấy Như Lai dùng năng lực oai thần bắt buộc Nan Đà phải xuất gia học đạo, nhốt trong tĩnh thất, không trở về nhà. Như vậy, trải qua bao tháng ngày, theo thứ lớp đến phiên trực, bây giờ là đến phiên Nan Đà.

Nghe vậy, trong tâm Nan Đà vui mừng: Nay đến phiên ta trực, sự việc được thong dong. Nhân lúc rỗi việc này ta nên trốn về nhà. Rồi phiên trực đến, Nan Đà lo múc nước, quét đất, đâu đó đều xong hết. Khi ấy, Thiên Thần theo che chở Nan Đà làm cho nước múc đầy tự nhiên đổ tràn hết ra đất, cỏ rác lại mọc lan nhanh, các cửa đang đóng bỗng nhiên mở toang ra hết.

Nan Đà thầm nghĩ: Ta thuộc gia cấp vương giả, tài sản vật báu nhiều không thiếu chi. Nay ta cứ trốn về nhà, nếu có mất mát thứ gì thì ta sẽ đền sau, bây giờ ta nên lẻn theo đường tắt, vì cập theo đường lớn có thể gặp Như Lai.

Nghĩ rồi, Nan Đà cởi ba pháp y, mặc y phục thế tục vội vã đi nhanh. Đi chưa bao lâu thì gặp Như Lai đi lại ngược chiều. Vừa trông thấy, Nan Đà vội chạy núp sau cây to để giấu mình. Như Lai dùng năng lực thần thông khiến cây nọ đứng sau Nan Đà. Nan Đà chạy quanh kiếm nơi ẩn núp nhưng không có. Khi ấy Đức Thế Tôn lại dùng năng lực thần thông nhổ cây đại thọ treo lơ lửng trên hư không. Nan Đà núp vào rễ cây che mình.

Như Lai liền đến trước mặt Nan Đà hỏi: Có việc gì Nan Đà đến đây vậy?

Nan Đà xấu hổ không đáp.

Như Lai hỏi Nan Đà hai ba lần: Ông muốn đi đâu, sao im lặng không nói?

Bấy giờ Nan Đà mới nói: Muốn về nhà thăm vợ.

Đức Phật bảo Nan Đà: Người học đạo nhưng tâm không chuyên nhất, tâm ái dục tham đắm, không nghĩ đến họa bị thiêu thân ở đời sau.

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Không phải vườn, thoát vườn

Thoát khỏi lại vô vườn

Phải quán sát người này

Thoát buộc lại bị buộc.

Giờ đây, ta dẫn ông lên Cõi Trời dạo chơi, ông nên tự chuyên tâm, chớ có lo sợ. Khi ấy, Đức Thế Tôn dùng năng lực thần túc, nắm tay Nan Đà bay lên Cõi Trời.

Trông thấy một cung điện bằng bảy thứ báu vàng bạc trải đầy, ngọc nữ hầu hạ nhiều không tính kể, chỉ thuần là nữ, không có người nam, họ cũng không có chồng, khi ấy Nan Đà bạch Phật: Tại sao cung điện Cõi Trời này đầy vui sướng không đâu sánh bằng, điện đường bằng bảy chất báu, đàn trống kỹ nhạc reo vang, vui thú chưa hề thấy từ trước đến giờ, nhưng sao Thiên Nữ ở đây lại không có chồng?

Cúi mong Thế Tôn giải đáp cho thắc mắc của con.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần