Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Nê Hoàn - Tập Một
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM HAI MƯƠI SÁU
PHẨM NÊ HOÀN
TẬP MỘT
Như rùa giấu sáu phần
Tỳ Kheo giữ ý tưởng
Không cậy, không hại kia
Vắng lặng, không nói năng.
Như rùa giấu sáu phần, Tỳ Kheo giữ ý tưởng: Như rùa thần kia sợ chết, nên hễ thấy kẻ thù là giấu sáu bộ phận vào trong mai, nó nghĩ thầm: Nếu ta không giấu sáu bộ phận thì sẽ bị thợ săn bắt, hoặc bị chặt đầu, hoặc chặt hai chân trước, hoặc chặt hai chân sau, hoặc chặt đuôi của ta. Nếu ta không đề phòng thì chắc chắn là chết không còn nghi ngờ.
Thầy Tỳ Kheo tu hành cũng giống như vậy, vì sợ sinh tử mà nhiếp ý loạn tưởng, thường nghĩ: Nay ta được làm người sống tạm, không có bao lâu?
Nếu không tự thu nhiếp tâm ý thì bị ma Ba Tuần, ma tham dục, Tự tại thiên tử sẽ được dịp làm hại ta.
Cho nên nói: Như rùa giấu sáu bộ phận, Tỳ Kheo giữ tâm ý mình.
Không cậy, không hại ai, vắng lặng không nói năng: Không nương cậy vào các kết sử và các hành động tà kiến điên đảo. Nếu muốn nương thì chỉ được nương vào tứ Thánh đế mà thôi, bởi nó giúp ta mau đến nơi an ổn như ý muốn.
Như người bệnh lâu ngày, gầy ốm nằm trên giường, đại tiểu tiện ngay trên đó, hay như người già, quá gầy ốm, không thể đi lại, cần phải có người khỏe mạnh đến dìu đi thì cũng có thể đến mình muốn đến một cách an ổn. Các loài chúng sinh cũng giống như thí dụ vừa nói, các căn chậm lụt, không hết lòng thiết tha đối với các nghĩa sâu kín. Nếu như gặp được bạn lành nương cậy giúp đỡ thì dần dần thoát được vòng sinh tử.
Đó là lời Thế Tôn dạy bảo người sau: Chớ nương cậy vào sinh tử mà sinh tâm mưu hại. Không nương cậy, không mưu hại thì mới thành dấu đạo.
Cho nên nói: Không cậy, không hại kia.
Vắng lặng, không nói năng: Giống như lửa cháy ánh sáng đỏ rực, nó đốt cháy cả núi rừng, cây cỏ, cành lá, không còn sót thứ gì. Nhưng sau khi lửa rụi tàn thì không còn chút dấu vết của lửa. Kẻ phàm phu cũng giống như vậy. Họ bị lửa tham, lửa sân, lửa si đốt cháy gốc lành công đức không sót chút nào.
Công đức đã hết lại khiến kẻ kia không đến được chỗ rốt ráo. Nếu như chứng được quả A La Hán thì dứt sạch các phiền não, lửa dâm, nộ, si tắt ngấm vĩnh viễn, chính mình đã chứng đạo mới có khả năng độ người khác.
Cho nên nói:
Vắng lặng, không nói năng.
Nhẫn nhục là bậc nhất
Phật nói Niết Bàn trên
Không còn chút nóng bức
Diệt phiền não Sa Môn.
Thuở xưa, khi Đức Phật Thích Ca còn làm Bồ Tát, Ngài ở nơi núi sâu, không ai lui tới. Ngài khổ công tu hành nhẫn nhục, trong tâm buộc niệm, các vọng tưởng không sinh. Khi ấy, Vua Ca Lam Phù đi dạo chơi, dẫn theo cung nhân thế nữ vui chơi năm thứ dục lạc, đàn cầm đàn sắt, trổi các kỹ nhạc, tha hồ tự do. Vua nghe nhạc đến mệt mỏi nên ngủ say. Các cung nhân thể nữ đều túa ra đi hái hoa đẹp.
Họ trông thấy ở phía xa có vị Bồ Tát đang ngồi dưới gốc cây, khuôn mặt khôi ngô, sắc như hoa đào nở. Ai trông thấy trong lòng cũng hớn hở. Ngài ngồi sáng rực như mặt trời mới mọc chiếu sáng khắp nơi, như mặt trăng ở trên không, ngự trị giữa ngàn sao.
Các thể nữ thấy vậy đua nhau đều chạy đến quỳ lạy, rồi đứng qua một bên.
Lúc bấy giờ Bồ Tát từ từ mở mắt nhìn, oai nghi khoan thai, từ tốn dẫn dắt bằng cách nói pháp mầu cho nghe, Ngài dạy: Ái dục là việc bất tịnh, phiền não là họa lớn. Hễ người bị tham dục làm nhuộm dơ thân mình thì về sau bị đọa vào loài bồ câu, chim sẻ, hôi hám dơ bẩn, đọa vào đường ác. Đó không phải là điều mà Thánh Hiền chân nhân tu học. Các cô nên biết, người ưa dâm dục sẽ phải chịu quả báo xe lửa, lò than.
Bồ Tát dùng nhiều cách như vậy để giảng nói sự nhơ bẩn của ái dục. Khi đó, vua Ca Lam Phù thức dậy nhìn bốn phía không thấy các thể nữ, vua liền rút gươm bén, lên ngựa phóng nhanh đi tìm, một lát sau thì nhìn thấy Bồ Tát đằng xa với thần thái ung dung và các thể nữ đang ngồi vây quanh.
Trong tâm Vua tự nghĩ: Người này khôi ngô ít có trên đời, chắc chắn đã tư thông với các thể nữ của ta.
Vua rất tức giận, ghen tuông, lửa sân bốc cháy, không còn kể gì lý lẽ, Vua đến trước mặt Bồ Tát, hỏi: Ông là vị Tiên, ở đây tu đạo thuật, đã được Đệ nhất thiền chưa?
Bồ Tát trả lời: Thưa Đại Vương, chưa.
Vua lại hỏi: Vậy ông đã được Thiền thứ hai, thứ ba, thứ tư, không xứ, thức xứ, bất dụng xứ, hữu tưởng, vô tưởng xứ chưa?
Đáp: Thưa Đại Vương, chưa.
Vua nói: Ông ở đây tu đạo thuật mà các pháp ấy chưa được một thì ở đây làm cho cho uổng phí tháng ngày.
Bồ Tát đáp: Sở dĩ tôi bỏ gia đình, sự nghiệp ở đây để học đạo, là muốn tu định nhẫn nhục.
Vua lại nghĩ: Người này đã tu học lâu năm ở đây, vừa thấy sắc mặt ta, biết ta giận dữ. Cho nên bảo ta rằng mình tu hạnh nhẫn nhục. Vậy, giờ đây ta phải thử xem có đúng như vậy chăng. Hễ thử pháp nhẫn nhục thì không thể dùng món ăn ngon hay kỹ nhạc mà có thể biết được, mà phải dùng tới sự oai nộ đau đớn gây thương tích cho ông ta mới thấy rõ được.
Vua liền bảo vị Tiên: Nếu ông thực hành nhẫn nhục thì đưa tay phải ra, ta muốn thử xem.
Bồ Tát thản nhiên đưa tay mặt ra. Lúc ấy, vua rất tức giận, không màng đến quả báo đời sau, liền rút gươm chém đứt tay phải, kế là tay trái của Bồ Tát, rồi chặt chân phải, kế là chân trái của Bồ Tát, cắt tai, xẻo mũi Bồ Tát.
Vua hỏi: Giờ đây, chí ông mong cầu điều gì?
Vị Tiên đáp: Nay tôi thực hành nhẫn nhục, không buông rời giây phút, dù cho Vua có nghiền nát thân tôi như hạt cải thì tôi cũng không bao giờ lui sụt mà đánh mất tâm từ bi nhẫn nhục.
Người mà bị tâm tức giận làm ô nhiễm thì sau khi thân bị hủy hoại máu sẽ tuôn lênh láng, nay tôi đạt được pháp nhẫn nhục, dù thân bị hủy hoại thì mỗi nơi thương tích kia sẽ chảy ra chất sữa cả. Đó là sự chứng nghiệm cho hạnh nhẫn nhục của tôi.
Cách đó không xa, cũng có vị Tiên học đạo với mấy trăm đồ chúng, nghe Bồ Tát bị vua hủy hoại thân thể, ông và đồ chúng liền đến vây quanh hỏi han: Ngài có đau đớn lắm chăng?
Bồ Tát đáp: Thưa không!
Các vị Tiên lại hỏi: Thân thể Ngài bây giờ chia làm bảy phần, cớ sao Ngài nói là không đau nhức?
Bồ Tát đáp: Người nào tâm đau nhưng thân không đau, thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Còn người nào thân đau nhưng tâm không đau thì người đó sẽ thành Vô Thượng Tối Chánh Giác.
Khi ấy các vị Tiên đều khen: Hay lắm! Đức nhẫn của bậc Thần Tiên này là tuyệt diệu, không còn ai hơn. Người có căn tánh lanh lợi, nuôi lớn phước đức, chắc chắn sẽ đạt được ước nguyện trong thời gian không lâu.
Cho nên nói: Nhẫn nhục là bậc nhất.
Phật nói Niết Bàn trên: Pháp vi diệu trong các pháp không gì hơn Niết Bàn. Niết Bàn không có sinh, già, bệnh, chết, điềm nhiên vô vi, tất cả ý niệm sinh diệt không còn, là pháp cao thượng trong các pháp không có pháp nào hơn.
Cho nên nói: Phật nói Niết Bàn trên.
Không còn chút nóng bức: Đã bỏ gia đình, vợ con, bỏ năm thứ dục lạc, tám nghề nghiệp ở đời, không đoái hoài đến vinh hoa thế tục, xuất gia học đạo thì vì sao ở trong Phật Pháp lại làm một chúng sinh nóng bức?
Cho nên nói: Không còn chút nóng bức.
Diệt phiền não làm Sa Môn: Đã làm Sa Môn thì phải tương ưng với nghĩa bậc nhất, phải theo pháp Sa Môn, không vượt thứ lớp. Không còn tâm ganh ghét, lừa dối, che chở kẻ khác như chính thân mình. Ai không nghe lời khuyên dạy thì họ tinh tấn học đạo.
Cho nên nói:
Diệt phiền não làm Sa Môn.
Chớ nói lời thô lỗ
Nên nói lời lưu loát
Kẻ ít học vặn hỏi
Khuất phục bởi học rộng.
Chớ nói lời thô lỗ: Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài nói pháp cho Tôn Giả Mục Kiền Liên: Này Mục Liên, khi nói pháp cho người nghe thì nên nói đúng như pháp, không nói nhiều nghĩa lẫn lộn nhau. Khi nói chánh pháp thì tâm ý ngay thẳng, chớ ngó hai bên.
Không thể nói lan man, nói chuyện không gấp rút ra khỏi sinh tử?
Vì sao như vậy?
Vì những lời nói thô lỗ thì có nhiều sơ hở lỗi lầm, sau này mắc quả báo một thân trăm đầu như Tỳ Kheo Ca Tỳ La không khác.
Cho nên nói: Chớ nói lời thô lỗ.
Nên nói lời lưu loát: Thông thạo thiên văn địa lý, các sao đổi dời, điềm dữ xuất hiện, thông hết sáu nghề, hiểu rõ sách vở. Mọi hành động không suy tính chính đáng thì bị người trí chê bai, ngờ vực. Nếu quở trách thì càng thêm giận dữ, hạng người như thế không nên gần gũi.
Cho nên nói: Nên nói lời lưu loát.
Kẻ ít học vặn hỏi bị khuất phục bởi người học rộng: Con người ta tự cho mình phải, cho người khác là trái vốn đã có từ lâu đời.
Họ bảo: Lời ta nói là đúng, lời ông ấy nói là sai. Cho mình cao, cho người thấp, sinh ra tức giận. Như có hai kẻ gièm chê Phật, một người thì tin lời dạy mà không suy xét, người kia thì không tin bởi các căn chậm lụt. Hai người này đã trồng gốc rễ trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nếu sinh làm người thì sáu giác quan không đầy đủ, lời nói bị ngọng nghịu, cà lăm.
Cho nên nói:
Kẻ ít học vặn hỏi,
Bị khuất phục bởi học rộng.
Ai hay nổi phiền não
Như đồ đựng bị lủng
Trôi lăn trong sinh tử
Chìm đắm không ngày ra.
Ai hay nổi phiền não, như đồ đựng bị thủng: Như người cố chấp kiến thức ngu si của mình cho đến chết vẫn không sửa đổi, họ bị kết sử trói buộc, loạn tưởng điên đảo, đem những lời răn dạy đổi thành tà kiến để tự trói buộc mình. Họ như đồ đựng bị nứt thủng, mọi thứ chứa bên trong đều bị rỉ chảy, không còn gì, tự mình sống trong bụi nhơ bị nhuốm bẩn.
Cho nên nói: Ai hay nổi phiền não, như đồ đựng bị thủng.
Trôi lăn trong sinh tử, chìm đắm không ngày ra: Ai không biết lo nghĩ xa thì chắc chắn phải chịu tai ương. Như người thợ gốm cho bánh xe quay vòng không ngừng, chúng sinh trôi lăn mãi trong sinh tử muốn ra khỏi đó thì vô cùng khó khăn, không có gì để thí dụ được.
Cho nên nói:
Trôi lăn trong sinh tử,
Chìm đắm không ngày ra.
Nếu không nổi phiền não
Như đồ đựng lành lặn
Như thế đến Niết Bàn
Không bị bụi nhơ che.
Nếu không nổi phiền não, như đồ đựng lành lặn: Nếu mình chuyên tâm, không khởi tham đắm, cởi bỏ các trói buộc của kết sử thì đạt trí tuệ vô lậu, bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám phẩm đạo của Bậc Thánh Hiền. Như đồ đựng lành lặn chứa đựng được các thứ, ai thấy cũng ưa thích.
Cho nên nói: Nếu không nổi phiền não, như đồ đựng lành lặn.
Như thế đến Niết Bàn, không bị bụi nhơ che: Người không có các cặn bã phiền não như thế thì sẽ đến được chỗ Niết Bàn dứt hết các kết sử, hoàn toàn vắng lặng, hoàn toàn dứt bặt, không còn sinh diệt.
Cho nên nói:
Như thế đến Niết Bàn,
Không bao giờ bị bụi nhơ che mờ.
Không bệnh lợi bậc nhất
Biết đủ là giàu nhất
Biết gần, bạn bậc nhất
Niết Bàn là vui nhất.
Không bệnh lợi bậc nhất: Ở đời có nhiều người từ nhỏ đã thường bị bệnh, đó là do nhân quả báo ứng đời trước.
Thuở xưa, có hai người thương buôn mạo hiểm đến xứ khác làm ăn. Chưa mấy chốc đã được giàu to. Một người bị bệnh nặng, tất cả tiền của đều đem ra trị bệnh hết sạch. Khốn cùng mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Còn người kia thì không hề bệnh hoạn gì nên không bị hao tốn đồng nào.
Dù giàu to, nhưng anh ta vẫn than thở: Của cải ta có được không đáng kể.
Anh trở về quê nhà một cách an ổn, không hao tốn gì cả, thế mà ngày đêm vẫn kêu ca: Ta không có tài lợi.
Bà con họ hàng đến khuyên can anh: Nay ông không bị bệnh hoạn gì, được trở về nhà một cách yên ổn, sao còn kêu ca thán trách rằng chẳng có tài lợi. Mạng sống được yên ổn là vật báu quý nhất trong các vât báu.
Cho nên nói: Không bệnh lợi bậc nhất.
Biết đủ là giàu nhất: Như trong Luật tạng có nói: Ở đời, có hai hạng người không hề biết thỏa mãn bao giờ, hai hạng người ấy là:
Người có của mà tiêu xài hoang phí.
Người có của mà giấu kỹ.
Nếu trong Cõi Diêm phù này, Trời mưa bảy báu tràn ngập thế gian, thì hai hạng người ấy vẫn không biết đủ. Người không dứt bỏ tâm ham muốn thì tham đắm vào tiền của, dù có được vẫn cứ mong cầu bởi không bao giờ biết thỏa mãn.
Chỉ có người thực hành đạo lý, biết rõ vô thường, biết nó là không thật mới không màng đến của báu. Biết mọi thứ đều là huyền hóa, không tồn tại lâu dài, như lửa đá nháng xẹt qua mắt, đổi thay nhanh chóng như vậy không dừng bao giờ.
Cho nên nói: Biết đủ là giàu nhất.
Biết gần, bạn bậc nhất: Người cùng biết nhau, lấy chân tình làm gốc. Trước là tin, sau là nghĩa mà sống chung. Thuở xưa, có một người nọ thâm tình chí thiết, chỉ sống với bạn, không màng đến anh em ruột thịt. Quan sai lính cấm phòng đến mời người ấy. Anh này trong khi đang say rượu, giết chết người sứ kia.
Anh liền chạy đến nhà người bạn kể hết việc ấy cho bạn nghe: Nay tôi khốn đốn nguy ngập không nơi dung thân, chỉ mong được anh che chở để tránh khỏi tai nạn nguy khốn.
Nghe xong, người bạn này kinh ngạc: Ôi! Việc của anh nguy hiểm lắm, khó có thể giấu được.
Thôi, anh mau về đi, chớ ở đây lâu. Nếu chuyện này bị phát giác thì tội của tôi không phải nhỏ.
Anh có anh em, bà con hiển vinh, cớ sao lại nhắm vào tôi mà lại quên đi tình cốt nhục?
Nghe vậy, người ấy liền trở về nhà, đến nhà anh em, lạy xuống đất rồi tự trình bày lỗi lầm của mình đã gây ra cho người anh biết.
Bà con họ hàng nghe qua liền an ủi anh ta: Chớ có lo sợ, ta sẽ tìm cách giúp thoát khỏi nạn này.
Bà con họ hàng liền nhóm họp lại, sửa soạn xe cộ xong xuôi, mọi người cùng anh lên đường qua xứ khác. Họ cùng cất nhà, chung sống đối đãi nhau tốt đẹp hơn gấp nhiều lần hơn khi còn ở quê nhà, ngày càng giàu lên với vô số kẻ ăn người ở.
Cho nên nói: Biết gần là bạn bậc nhất.
Niết Bàn là vui nhất: Trong Niết Bàn không bao giờ có các khổ, kết sử trần lao không bao giờ còn, tất cả đều hoàn toàn dứt hết.
Cho nên nói:
Niết Bàn là vui nhất.
Đói là nạn lớn nhất
Hành là khổ bậc nhất
Biết như thật điều ấy
Niết Bàn là vui nhất.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh Nhu Thủ Bồ Tát Vô Thượng Thanh Tịnh Phân Vệ - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Lạc - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Ba - Quán Tướng - Tập Mười
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật Sao - Phẩm Ba - Công đức
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Chín - Phẩm Nhân - Kinh Tăng Thượng Tâm