Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm ác Hạnh - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI TÁM

PHẨM ÁC HẠNH  

TẬP BA  

Khi ác đã chín muồi, phải chịu mọi khổ não: Người chứa nhóm điều ác bị vào địa ngục chịu quả báo mười ba thứ lửa dữ bao quanh thân, chết rồi sống lại, muốn chết hẳn cũng không được, phải đền cho hết tội cũ không còn sót chút nào, rồi sau đó mới được ra khỏi địa ngục.

Còn loài súc sanh thì bị ngu si che lấp, không biết chân đạo. Cổ sưng, cụp lưng, xỏ mũi, xiềng đầu, trói cột tay chân. Còn sinh vào ngạ quỷ thì lúc nào cũng đói khát, bụng như núi Thái nhưng cổ thì nhỏ như lỗ kim, thân cao bốn mươi dặm, trong gang tấc mà cách xa muôn ngàn. Nếu sinh lên làm người thì nghèo nàn khốn khổ, áo không đủ che thân, cơm không no bụng.

Cho nên nói:

Khi ác đã chín muồi,

Phải chịu mọi khổ não.

Người hiền thấy điều ác

Không bị ác bức ngặt

Nếu ác không chín muồi

Người ác xét điều ác.

Người hiền thấy điều ác, không bị ác bức ngặt: Người tu hành thấy ai làm ác thì thường xuyên quở trách, can ngăn, đó là việc làm không tốt, sẽ bị xoay vần trong sinh tử không biết ngày ra khỏi.

Gây ra cội gốc tội lỗi trong ba đường ác.

Cho nên nói: Người hiền thấy điều ác, không bị ác bức ngặt.

Nếu ác không chín muồi, người ác xét điều ác: Như người làm ác, sau đó sám hối rằng: Ôi, việc ta làm là sai lầm, bị người ghét bỏ, nay việc ta làm là sai, chẳng lẽ ta cố chấp sai lầm của mình ư?

Vậy thì từ nay sửa đổi, coi điều ác là nhơ bẩn.

Cho nên nói:

Nếu ác không chín muồi,

Người ác xét điều ác.

Người hiền xét điều ác

Cho đến hiền chưa muồi

Nếu hiền đã chín muồi

Người hiền tự xét nhau.

Người hiền xét điều ác, cho đến hiền chưa muồi: Người hiền giữ giới, các công đức đầy đủ, học rộng, trí tuệ, nói năng không sơ hở. Lời nói ra mềm mỏng, thường thực hành chân thật. Thực hành bốn tâm vô lượng, thương xót tất cả mọi loài.

Thấy mình có chút lỗi nhỏ liền lo sợ, huống chi là gây ra tội lớn.

Cho nên nói: Người hiền xét điều ác, cho đến hiền chưa muồi.

Nếu hiền đã chín muồi, người hiền tự xét nhau: Người hiền tự xét, tự quán tánh hạnh mình: Nay ta được cúng dường như vậy là bởi nhân tu đời trước học nhiều mà nên. Nếu đời trước không gieo trồng phước đức, ra ân bố đức thì ngày nay đâu được hưởng phước như vậy.

Nếu ngày nay không cẩn thận thực hành lại những đức ấy thì thân đời sau không có phước nào để dựa nương. Rồi lại trôi lăn trong sinh tử, lại phải tìm cách chứa nhóm công hạnh, qua thời gian lâu mới thành tựu. Nỗi gian nan trong thế gian ấy không thể đo lường, không thể tính toán mà biết được. Chư Phật nhiều như số cát sông Hằng không thấy không nghe. Bởi việc làm của mình mà bị đọa, đến nay vẫn chưa thoát.

Cho nên nói:

Nếu hiền đã chín muồi,

Người hiền tự xét nhau.

Tuy người làm việc ác

Nhưng không phải thường làm

Ý không thích việc ác

Bởi biết ác là khổ.

Tuy người làm việc ác, nhưng không phải thường làm: Người làm việc ác thường biết sửa đổi.

Nếu chịu khổ trong ba đường tám nạn mà cầu ra khỏi cũng rất khó được. Thế nên, người trí chế ngự bằng giới cấm, phòng khi việc chưa xảy ra. Nếu bị quả báo thì cũng nhẹ.

Nếu đọa vào địa ngục nước sôi cũng nguội bớt, nước lạnh cũng bớt lạnh, chịu khổ không lâu. Đó là nhờ ăn năn, biết được gốc tội.

Nếu làm súc sanh thì mang vác không nặng, thường được ăn uống, không bị khổ đau. Nếu làm ngạ quỷ, ngạ quỷ có bốn loại, sinh làm ngạ quỷ cao quý, cơm áo tự nhiên.

Nếu được làm người thì giàu có sang trọng, không đói khát thiếu thốn.

Nếu sinh lên Cõi Trời thì hưởng phước ít, khi ăn thì che miệng, thẹn mình ít phước.

Cho nên nói: Tuy người làm việc ác, nhưng không phải thường làm.

Ý không thích việc ác, bởi biết ác là khổ: Người tu học thấy việc ác thì tâm không ưa thích. Tự giữ gìn tâm ý không để phân tán.

Tội dù nhỏ nhặt nhưng quả báo lớn như núi Thái, đóm lửa dù nhỏ nhưng có thể đốt cháy núi rừng.

Do vậy nên người trí thường lo liệu đề phòng, biết cội nguồn của tội ác là đầu mối của các khổ.

Cho nên nói:

Ý không thích việc ác,

Bởi biết ác là khổ.

Nếu người làm việc phước

Thì nên làm thường xuyên

Tâm ưa thích việc phước

Khéo được hưởng phước báo.

Nếu người làm việc phước thì nên làm thường xuyên: Suốt đời người sở dĩ nghèo nàn là bởi đời trước bị mê lầm trong bỏn sẻn.

Cho nên Bậc Thánh tùy từng loài mà dạy bảo: Trước lấy bố thí làm đầu. Dù đang nghèo khó nhưng cũng phải bố thí ít nhiều để đền bù tội lỗi đời trước. Dù không có tiền của cũng nên ra sức làm việc, tu bổ đền miếu, giúp đỡ mọi người, không lúc nào để thiếu vắng việc làm phước. Nghĩ đến điều lành chỉ trong khoảnh khắc còn được như thế, huống là chính mình thực hành công đức.

Cho nên nói: Nếu người làm việc phước thì nên làm thường xuyên.

Tâm ưa thích việc phước, khéo được hưởng phước báo: Người tu phước thường được thấm nhuần. Thấy ai làm lành thì thay họ mừng vui, liền xuất tiền của khuyên người làm phước. Chính mình được phước tốt tiếng đồn xa. Ai thấy cũng vui mừng, đều sinh tâm kính mến. Sinh ra liền gặp Thánh Hiền, không đọa vào tám chỗ không nhàn.

Cho nên nói:

Tâm ưa thích việc phước,

Khéo được hưởng phước báo.

Trước làm chủ tâm lành

Gìn giữ cội gốc ác

Do đó, tạo phước nghiệp

Tâm ưa thích việc ác.

Trước làm chủ tâm lành, gìn giữ cội gốc ác: Tâm lành đầy đủ, không để phân tán. Buộc niệm trước mặt như bưng chén dầu đầy. Phải luôn luôn chú tâm như tránh bọn cướp, lửa cháy.

Nên dùng lý vô thường, khổ, không, vô ngã để dứt bỏ tâm dơ, tắm gội cho sạch sẽ.

Cho nên nói: Trước làm chủ tâm lành, gìn giữ cội gốc ác.

Do đó tạo phước nghiệp, tâm ưa thích việc ác: Người không làm lành để làm tư lương cho đời sau, thì khi chết sẽ bị lửa đốt thân, lúc nào cũng làm ác không tự sửa đổi.

Cho nên nói:

Do đó tạo phước nghiệp,

Tâm ưa thích việc ác.

Làm ác dù rất ít

Đời sau chịu khổ nhiều

Chịu quả báo vô biên

Như chất độc trong bụng.

Làm ác dù rất ít, đời sau chịu khổ nhiều: Tâm ý con người không vững vàng nên việc làm không thiện không ác, nhưng ít nhiều là tội hoặc biết hoặc không biết, nhưng đều phải chịu quả báo, không tránh khỏi oan đối. Không biết hổ thẹn, không cầu xuất ly để ra khỏi thế đạo.

Cho nên nói: Làm ác dù rất ít, đời sau chịu khổ nhiều.

Chịu quả báo vô biên, như chất độc trong bụng: Có bao nhiêu bợn nhơ, bụi trần nhiễm tâm thì phải chịu tội vô biên. Hoặc xúc nhiễu người, khiến sinh ra việc làm ác, do đó tự vời lấy vô biên tội.

Hoặc chia lìa bà con, tranh chấp nhà cửa, có vô số các khổ não như vậy.

Cho nên nói:

Chịu quả báo vô biên,

Như chất độc trong bụng.

Làm phước dù ít

Sau hưởng phước to

Được quả báo lớn

Như trồng có trái.

Làm phước dù ít, sau hưởng phước to: Người làm phước quan trọng ở chỗ phát tâm chứ không phải tài vật nhiều hay ít.

Dù bố thí tài vật nhiều mà trong tâm tiếc rẻ thì sau này được phước không đáng kể. Bố thí tài vật dù ít nhưng tâm bình đẳng, vì khắp tất cả chứ không phải vì mình thì sau này hưởng phước không thể tính kể.

Cho nên nói: Làm phước dù ít, sau hưởng phước to.

Được quả báo lớn, như trồng có trái: Sau hưởng phước Trời tự nhiên, nhan sắc ung dung tự tại, thường sinh ở Kinh đô, không ở biên giới quê mùa. Nói năng không Phật lòng ai. Tiền của dồi dào, không tâm ghét ganh.

Nếu ở tại gia thì tu phước đức, họ hàng hòa thuận, còn nếu xuất gia dứt bỏ ân ái, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, học đạo gian khổ, dứt bỏ tâm mong cầu giàu sang danh vọng, tiếng tăm, diệt sạch hữu lậu, thành hạnh vô lậu, vượt thứ lớp chứng đạo, các công đức đầy đủ, phước tuệ tròn đầy, như nông phu gieo trồng được mùa thu hoạch.

Kho lẫm tràn đầy, lòng vui phơi phới, trong tâm hớn hở vì thấy công lao không luống uổng.

Cho nên nói: 

Được quả báo lớn,

Như trồng cây có trái.

Không lỗi mà cố hại

Không giận mà cố lấn

Đối với mười phẩm xứ

Bèn thú hướng về đó.

Không lỗi mà cố hại, không giận mà cố lấn: Như có người không có tâm giận dữ, ganh ghét kiêu mạn, nhưng kẻ ngu si lại khởi tâm mưu hại người ấy. Chư Phật, Thế Tôn từ bi thương xót tất cả, thấy ai khổ thì đến cứu nạn, khởi tâm nghĩ nhớ đến các loài chúng sinh, như mẹ thương con.

Cho nên nói: Không lỗi mà cố hại, không giận mà cố lấn.

Đối với mười phẩm xứ, bèn thú hướng về đó:

Mười phẩm xứ là:

1. Không cứu.

2. Ngọn lửa.

3. Ngọn lửa lớn.

4. Sợi dây.

5. Kêu khóc.

6. Kêu khóc dữ dội.

7. Đẳng hại.

8. Đẳng mạng.

9. Súc sanh.

10. Ngạ quỷ.

Nếu có chúng sinh tâm ác lẫy lừng sau khi chết, không rời khỏi mười nơi ấy.

Cho nên nói:

Đối với mười phẩm xứ,

Bèn thú hướng về đó.

Đau đớn nói lời thô

Thân này phải hư hoại

Các bệnh làm khốn đốn

Tâm loạn không yên định.

Bà con chia lìa nhau

Tài sản hao phí hết

Bị vua quan cướp lấy

Mong mỏi không mãn nguyện.

Lại còn vô số biến

Phải bị lửa thiêu đốt

Thân hoại, không trí tuệ

Cũng đến mười nơi kia.

Ba bài kệ trên đây, do chính Đức Như Lai nói ra. Ông Điều Đạt dại khờ bảo Vua A Xà Thế cho voi uống rượu say để nó giày đạp Ngài.

Khi ấy, Thế Tôn liền nói bài kệ cho voi nghe như sau:

Làm ác chớ nói không

Làm hoài, nói không tội

Nơi khuất, nói không tội

Ấy đều có chứng nghiệm.

Việc làm ác của người ta có nặng nhẹ. Ý tưởng đầy ắp điều ác, không thể lìa bỏ, không tìm cách thoát ly, cất chứa giấu giếm, cũng không bày tỏ cho ai biết.

Bởi vậy, Đức Thế Tôn dạy bảo người đời sau: Làm ác, chớ nói không, làm hoài, nói không tội, nơi vắng khuất, nói không tội, ấy đều có chứng nghiệm.

Người ta có ý tìm nơi khuất lấp để làm việc tội lỗi, thì đương thời có thể tránh khỏi mầm mống của sự phỉ báng, nhưng đời sau, chắc chắn không thoát khỏi quả báo, oan đối.

Cho nên nói:

Nơi vắng khuất, nói không tội,

Ấy đều có chứng nghiệm.

Làm ác nói có lo

Làm hoài, cũng nói lo

Nơi khuất, cũng nói lo

Báo kia cũng có lo.

Người làm ác ban đầu ý lẫy lừng không tự biết.

Lúc ấy tâm còn hăng hái bảo: Phải hành động như thế.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền dẫn một thí dụ, như lúc mặt trời mới lặn, núi sông cây cỏ mờ bóng dần dần, cho đến khi trời tối, ở đây những người mê chấp cũng giống như thế, thân và miệng gây ra các cội gốc bất thiện, đến ngày lâm chung thì tội ác kia càng tối tăm nặng nề, mỗi người đều tự mình dần dần đến chỗ tối tăm để chịu quả báo.

Cho nên nói:

Làm ác, nói có lo,

Làm hoài cũng nói lo,

Nơi khuất cũng nói lo,

Báo kia cũng có lo.

Đây lo, kia cũng lo

Làm ác cả hai lo

Kia lo, kia chịu báo

Thấy hành mới xét biết.

Đây lo, nghĩa là cái lo hiện tại. Lo kia là cái lo đời sau. Đây lo là chỉ cho không chết, không qua đời. Kia lo là đã chết, đã qua đời.

Cho nên nói:

Đây lo, kia cũng lo,

Làm ác cả hai lo,

Kia lo, kia chịu báo,

thấy hành mới xét biết.

Đây vui, kia cũng vui

Làm phước, cả hai vui

Kia vui, kia được báo

Thấy hành, tự thanh tịnh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần