Phật Thuyết Kinh Trung Bổn Khởi - Phẩm Mười Hai - Phẩm đại Ca Diếp
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH TRUNG BỔN KHỞI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán
PHẨM MƯỜI HAI
PHẨM ĐẠI CA DIẾP
LÚC MỚI ĐẾN HỌC ĐẠO
Bấy giờ Đức Thế Tôn ở tại vườn ông Cấp Cô Độc, rừng cây ông Kỳ Đà nước Xá Vệ, thuyết pháp cho mọi người. Thiên, Long, Quỷ, Thần, bốn chúng đệ tử nghiêm chỉnh đầy đủ. Khi ấy Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp xõa tóc, y rách, lần đầu tiên đi đến Đức Phật.
Đức Thế Tôn từ xa trông thấy cất tiếng khen rằng: Thiện lai! Ca Diếp! Ta định nhường nửa sàn tòa để chúng ta cùng ngồi.
Tôn Giả Ca Diếp tiến tới trước, đem đầu mặt đảnh lễ Đức Phật, lui lại, quỳ xuống, tự trình bày: Con là đệ tử đi sau Đức Như Lai. Ngài thương mà phân cho con nửa tòa, thật ra con không dám vâng lệnh.
Đại chúng đều nghĩ rằng: Vị đạo sĩ già này có đức gì lạ nên mới khiến cho Thế Tôn nhường nửa Tòa Bảo ngồi.
Người ấy có phải là bậc tuấn kiệt hay không, chỉ có Đức Phật mới biết mà thôi.
Bấy giờ Đức Như Lai quán sát tâm niệm mọi người, Ngài muốn giải tỏa nghi ngờ cho họ.
Ngài nói rộng Đại Hạnh của Tôn Giả Ca Diếp ngang bằng với bậc Thánh.
Đức Thế Tôn lại nói: Ta nhờ Tứ Thiền, thiền định dứt tâm, từ đầu đến cuối không có hao tổn. Tỳ Kheo Ca Diếp cũng có Tứ Thiền. Nhờ thiền mà định ý. Ta nhờ tâm đại từ, nhân ái với tất cả. Thể tánh của Tôn Giả Ca Diếp cũng có lòng từ như vậy.
Ta nhờ lòng đại bi mà tế độ chúng sanh. Tỳ Kheo Ca Diếp cũng có lòng đại bi như vậy. Ta nhờ bốn thần tam muội mà tự vui thích, chẳng kể ngày đêm.
Những gì là bốn?
1. Vô hình tam muội.
2. Vô lượng ý tam muội.
3. Thanh tịnh tích tam muội.
4. Bất thối chuyển tam muội.
Tỳ Kheo Ca Diếp cũng có tam muội ấy.
Ta vốn thích lục thông, nay đã đắc được lục thông.
Tỳ Kheo Ca Diếp cũng đắc được lục thông:
1. Tứ thần túc niệm.
2. Biết rõ ý người.
3. Tai nghe tất cả.
4. Thấy nguồn gốc của chúng sanh.
5. Biết chúng sanh do hạnh nghiệp mà đi về đâu.
6. Các lậu đã tận.
Nay đã được vô úy, độc tôn trong ba cõi. Ta nhờ bốn định mà nêu rõ cách thức truyền bá chánh pháp.
1. Giải định.
2. Trí định.
3. Huệ định.
4. Giới định.
Danh sắc đều diệt chỉ còn sự thanh tịnh, không có tưởng buồn hay vui, đoạn trừ căn bản sinh tử. Tỳ Kheo Ca Diếp cũng lại như vậy.
Đức Thế Tôn lại nói: Về thời quá khứ lâu xa có vị Thánh Vương tên là Văn Đà Kiệt, hạnh cao chói sáng cuộc đời, công huân rung động thế gian, Đế Thích ở Đao Lợi, khâm phục đức lạ của vị ấy, liền ra lệnh xe ngựa, đến cung để rước Vua.
Khi ấy Vua lên xe Trời, bỗng nhiên bay lên hư không, Trời Đế thích đi ra nghênh rước, cùng ngồi chung với Vua, vui chơi hết sức vui thích rồi đưa Vua trở về Cung.
Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Thiên Đế thích lúc đó là Đại Ca Diếp, còn Vua Văn Đà Kiệt là thân của ta vậy. Lúc đó Đế Thích dùng tòa sanh tử sợ hãi mời ta cùng ngồi. Nay ta dùng Tòa Pháp Ngự Vô Thượng Chánh Chân, báo đền lại công đức xưa.
Đức Phật nói về tích xưa để hiển lộ thêm Thánh Đức, Tỳ Kheo Ca Diếp và tất cả đều giải thoát, cùng phát đạo ý vô thượng chánh chân. Pháp giáo lan xa, không ai mà không lạc thọ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết đương Lai Biến Kinh
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Năm - Phẩm Súc Sinh - Tập Chín
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Sáu - Phẩm đại - Kinh ưu Ba Ly
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đoạn - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Bi Phân đà Lợi - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Bố Thí Thân Mạng
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Một - Phẩm Sa Môn - Tập Hai