Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Một - Phẩm Vô Thường - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MỘT

PHẨM VÔ THƯỜNG  

TẬP HAI  

1. Nhờ vui nên trong tâm hớn hở, nhờ mừng nên tâm ưa pháp lành phát sinh. Cho nên nói là nên vui mừng suy nghĩ mà nghe.

Như lời Đức Thế Tôn dạy thì thông đạt giảng nói, không bị vấp váp, nên gọi là Thế Tôn nói. Về thông suốt tất cả thì trí nhất thiết đạt được tất cả thị hiện, tất cả thông suốt, phân biệt tất cả các nghĩa. Tự tại trong sáu thứ thần thông, thành đạo quả Vô Thượng.

Sáu thứ thần thông của Như Lai, bâc La Hán không thể sánh kịp. Đức Phật là Bậc Tối Thắng Tối Thượng đã vượt qua tất cả, có khả năng phân biệt tất cả pháp tướng nên nói là thông suốt tất cả.

Bậc Tiên Nhân thương xót là người làm thỏa mãn tất cả hy vọng của chúng sinh còn trong sinh tử, tưởng như cha mẹ, là tâm thương xót, là tâm che chở mọi loài. Thế nên, Chư Phật Thế Tôn cũng được gọi là Tiên Nhân, tu đạo thần túc cũng gọi là Tiên Nhân, người có đầy đủ các công đức cũng gọi là Tiên Nhân, người tu tập pháp lành trong đêm dài sinh tử cũng gọi là Tiên Nhân.

Do vậy mới nói: Bậc Tiên Nhân thương xót.

Chỉ còn thân này, nghĩa là thân nương bốn đại, căn bản không còn gì khác, cũng không có bờ mé, cũng không sinh ra, như than Phật hiện tại đang nói pháp.

Này A Nan, thầy nên biết đây là cảnh giới cuối cùng, đây là lần cuối cùng ta không còn nhập bào thai, hình thể nhận chịu cuối cùng chính là bản thân ta ngày nay. Này A Nan, thầy không còn thấy ta thọ thân bất cứ ở nơi nào nữa, thọ thân này là biên giới của sự khổ.

Thế nên nói rằng:

Chỉ còn thân này.

Các hành vô thường,

Là pháp hưng suy,

Hễ sinh, có chết,

Diệt này là vui.

Thuở xưa, các Phạm Chí, mỗi vị đọc tụng pháp của thầy mình, chia làm hai bộ. Một bộ cho rằng muôn vật đều có, bộ khác cho rằng muôn vật đều không.

Bộ cho muôn vật là có đã được Như Lai phân biệt rõ và dứt trừ sự do dự và tâm hy vọng của họ, Ngài nói cho họ biết: Các hành vô thường.

Những người chấp có tự làm bài kệ rằng:

Dùng thanh kiếm bén

Sát hại chúng sinh

Không có thiện, ác

Chết thân không đổi,

Đối với thân thể

Kiếm bén vung lên

Không hại được mạng.

Mặt đất thường còn

Phong giới không đắm

Chịu nhiều khổ vui

Mạng căn cũng thế,

Dù cho kiếm bén

Múa loáng qua lại

Cũng không thấy có

Quả báo thiện ác.

Dù giết cha mẹ

Không báo thiện, ác

Huống là việc khác

Mà có quả sao?

Giống như nhốt đầy chim sẻ vào cái bình, có người đập bể bình, chim sẻ bay đi, giết hại chúng sinh, mạng chúng bay xa, chẳng làm tổn hại gì.

Muốn chúng sinh dứt bỏ tà kiến ấy nên Đức Như Lai nói rằng: Các hành vô thường, không thể nương cậy, thay đổi không dừng là pháp hoại diệt. Mạng sống như sương buổi sớm, tạm có rồi mất.

Cho nên nói: Các hành vô thường.

Nghe vậy, cho rằng muôn vật đều không, mừng rỡ bảo nhau rằng như vậy là giống như chủ trương của chúng ta.

Quán xét biết tâm bọn họ như vậy, nên Như Lai nói: Là pháp hưng suy. Hưng suy là có thịnh có suy, có sum họp thì có chia lìa. Không có than.

2. Hiệp hội hữu ly: Trong đoạn này chữ hội nghĩa là sẽ, phải.

Đương nhiên nghĩa là: Có sum họp thì phải có chia ly, chớ không nên hiểu hiệp hội là từ này thì thôi, nhưng đã thọ thân này rồi thì không thể tránh khỏi.

Các Phạm Chí ấy lại nghĩ rằng: Nếu pháp suy hao kia không còn sinh nữa thì đó là đúng với chủ trương của chúng ta rồi.

Do vậy, Đức Thế Tôn nói lại ý nghĩa ấy là: Hễ sinh, có chết xoay vần không ngừng. Năm ấm cùng nương tựa giúp nhau mà có ra đời sống, chỉ có mắt tuệ quán xét mới phân biệt được, giống như ánh sáng Mặt Trời chiếu qua khe, ta thấy vô số bụi nhỏ không thể nào đếm hết. Thân năm ấm lẫy lừng này bị các hành pháp ép ngặt, làm cho trôi lăn trong sinh tử, không lúc nào ngừng nghỉ.

Cho nên nói: Hễ sinh, có chết.

Diệt này là vui, nghĩa là hết hẳn lòng tham dục, không còn ý đắm trước thường được yên ổn, an vui bậc nhất, tâm không còn sinh diệt, thành tựu nghĩa bậc nhất. Đó là cái vui vô dục, cái vui vô vi, cái vui vô lậu.

Cái vui diệt hết cái vui cho nên nói:

Diệt này là vui.

Có gì cười vui

Niệm thường lẫy lừng

Chìm sâu tăm tối,

Sao không tìm đèn.

Thuở ấy Đức Phật ngự tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Sau khi ăn xong vào lúc xế trưa, có chúng Tỳ Kheo, Trời Đế Thích, nhân dân, bốn chúng đệ tử muốn nghe Như Lai nói pháp cam lộ thì từ phương khác có bảy vị Đạo Sĩ dị học Bà La Môn, tóc râu họ đều bạc trắng, chống gậy, rên rỉ mà đi đến chỗ Phật.

Họ cúi đầu đảnh lễ chắp tay bạch Phật: Chúng con từ phương xa đến đây mong được Thánh Nhân giáo hóa. Từ lâu, chúng con hiến mình cho đạo thuật cạn cợt. Hôm nay, chúng con đến đây thấy được Thánh Nhân, mong được làm đệ tử Ngài dứt được các khổ đau. Đôi có nghĩa là hội họp được.

Đức Phật liền xuất gia cho họ làm Sa Môn, dạy bảy vị cùng ở chung một phòng. Nhưng bảy vị này nghĩ rằng mình thấy được Thế Tôn là đã đắc đạo quả, nên họ không còn nhớ nghĩ đến sự vô thường biến đổi, bèn cùng ngồi trong phòng chỉ nghĩ đến việc đời.

Họ nhỏ to xầm xì, cười hô hố, không màng đến sự nên hư. Mạng sống thì ngày càng bị thu ngắn, chẳng hẹn với ai, thế mà bảy vị này chỉ lo cười cợt giỡn hớt, phóng ý buông lung, không nghĩ đến vô thường.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bước vào phòng họ quở trách: Các vị có lòng cầu đạo đến đây mong cầu đạo vô vi độ đời, sao lại mãi cười cợt to tiếng. Tất cả chúng sinh thường cậy vào năm việc.

Những gì là năm?

Một là cậy vào tuổi trẻ.

Hai là cậy vào sắc đẹp.

Ba là cậy vào thế lực.

Bốn là cậy vào tài năng.

Năm là cậy vào gia thế quý tộc.

Bảy vị nhỏ to xầm xì cười lớn như vậy là cậy vào cái gì?

Nhân đó, Đức Thế Tôn liền đọc bài kệ:

Có gì cười vui

Niệm thường lẫy lừng

Chìm sâu tăm tối

Sao không tìm đèn.

Có gì cười vui: Lúc ấy Đức Thế Tôn bảo bảy vị này: Bảy vị đến Đạo Tràng này, đạo Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, các vị chưa chứng đắc.

Phật lại bảo họ: Trước kia ta có dạy rằng ai chưa có khả năng dứt sạch hết phiền não thì không đáng kể nương cậy.

Các vị thọ thân, chưa khỏi sự trói buộc, luôn chung sống với năm ấm rắn rít thì tại sao các vị cứ lo nhỏ to xầm xì cười lớn như vậy?

Phải nghĩ rằng cái khổ ấy nhiều kiếp chưa dứt trừ, cứ hứng chí giỡn cợt là đã thành bụi nhơ. Khổ thay, các thầy thật khó tỉnh ngộ.

Cho nên nói: Có gì cười vui?

Đó là lời chỉ dạy của Đức Thế Tôn.

Niệm thường lẫy lừng: Thế nào là lẫy lừng?

Vì lửa vô thường cháy hừng hực. Lửa khổ cũng cháy hừng hực, sầu lo khổ não cũng là lửa cháy hừng hực.

Vì sao mà biết nó đang cháy hừng hực?

Ấy là do lòng ham muốn, giận dữ, ngu si, phách lối, ghen tị, nghi ngờ mà thấy lửa cháy hừng hực.

Cho nên nói: Niệm thường lẫy lừng.

Chìm sâu tăm tối: Giống như người đi trong đêm không thấy một vật nào cả, hay như người sinh ra đã mù không có mắt, không thấy màu đen, màu vàng. Sự tăm tối như vậy cũng chẳng đáng nói.

Cái gọi là tối tăm nhất chính là cái ngu tối bó chặt khắp toàn than không còn sót một chỗ nào, đó là sự tối tăm rộng lớn bao phủ chúng sinh, không còn phân biệt được cái gốc cốt yếu của thiện ác, không phân biệt được sự khác nhau giữa trắng và đen, ràng buộc và giải thoát, đạo pháp và thế tục, cũng không biết được đường ác, đường lành, xuất ly sinh tử, diệt hết phiền não.

Cho nên nói: Chìm sâu tăm tối.

Không chịu tìm đèn: Thế nào là đèn?

Đó là đèn trí tuệ.

Dùng đèn trí tuệ ấy để soi sáng cái gì?

Đáp: Biết kết sử nổi lên thì dung đạo pháp để dứt bỏ. Phân biệt rõ cội gốc đường ác, đường lành, ra khỏi sinh tử, phân biệt rõ sự khác nhau giữa trắng và đen, rang buộc và giải thoát, đạo pháp và thế tục, khéo phân biệt đường ác, đường lành, ra khỏi sinh tử, diệt hết phiền não. Trí tuệ ấy soi chiếu các pháp, không chỗ nào là không soi sáng. Thế mà lại nỡ bỏ đi trí tuệ ấy mà đi vào chỗ tăm tối mờ mịt.

Cho nên nói:

Sao không tìm đèn sáng.

Các loài hữu hình,

Tản lạc các phương

Xương màu bồ câu

Có gì vui đâu?

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Lúc ấy, có một thầy Tỳ Kheo lạ mỗi ngày đến con đường bên gò mả trên cánh đồng hoang ở ngoại thành, thầy lần theo ruộng của người khác mà đến nơi đó. Người chủ ruộng thấy vậy rất giận dữ, nghĩ rằng sao Đạo Sĩ này ở đâu mà hằng ngày cứ qua lại đây không lo tu tập gì cả.

Ông liền chặn hỏi Đạo Nhân: Ông là khất sĩ ở đâu mà lại tự do qua lại trong ruộng tôi đến đổi thành lối mòn như thế?

Đạo Nhân đáp: Tôi có vụ tranh tụng cần tìm người làm chứng. Lúc ấy, người chủ ruộng này có túc duyên liên quan đáng được độ. Thế nên ông lén theo sau chân Đạo Nhân. Đến nơi, ông thấy trong khoảng rộng của gò mả, hài cốt bừa bãi sình trương hôi thối rệu rã, chim thú tranh nhau rỉa ăn làm xương vương vãi khắp nơi. Có thây bị ăn nửa chừng, có thây bị ăn hết, có xác bị trùng dế bới móc giòi tửa rút rỉa, nồng nặc hôi thối, khó ai dám đến gần.

Diều, quạ, chồn, cáo, chó, cú vọ, kên kên, bồ cắt ăn tươi nuốt sống xác chết. Thầy Tỳ Kheo chỉ tay bảo người chủ ruộng: Đám chim thú ấy chính là người làm chứng của tôi đấy.

Vị ấy hỏi: Đám chim thú này là người làm chứng, nhưng thầy tranh tụng với ai chứ?

Thầy Tỳ Kheo đáp: Chính tâm tôi bị bệnh bởi nhiều phiền não tai hại. Nay tôi đến đây quán sát rõ các hài cốt phơi bày dơ bẩn đây, rồi tôi trở về phòng quán xét tự thân mình, thấy từ đầu cho đến chân thật không khác gì chúng.

Nhưng tâm ý này cứ luôn rong ruổi theo các pháp huyền ảo, hư ngụy: Sắc, thanh, hương, vị, sự xúc chạm trơn láng.

Nay tôi muốn ngăn chặn từ cái gốc của tâm ấy. Nay tôi là phàm phu chưa thoát khỏi mọi trói buộc, nhưng tên giặc tâm này nó không chịu tuân lệnh tôi. Do vậy mà hằng ngày tôi phải đến chốn gò mả hoang vắng này, dùng pháp bất tịnh thuyết phục tâm tôi để cuối cùng khiến cái tâm bất định bướng bỉnh rối loạn kia, nay phải sửa đổi, không gây các ác duyên.

3. Tâm kia phải biết mà phát khởi ý niệm ấy, đừng để dẫn ta vào chốn địa ngục, ngạ quỷ.

Sau khi nghe lời Đạo Nhân dạy, người chủ ruộng này lấy tay gạt nước mắt, nghẹn ngào than thở.

Về ông chủ ruộng, đời Phật Ca Diếp, ông đã tu pháp quán bất tịnh suốt mười ngàn năm, ngay lúc ấy, ông đã phân biệt được ba mươi sáu vật xấu xa nhơ nhớp. Lúc bấy giờ thầy Tỳ Kheo và ông chủ ruộng kia, ngay tại chỗ nghĩa địa hoang vắng đáng sợ ấy đều chứng được đạo Tu Đà Hoàn.

Lúc bấy giờ, với thiên nhãn trong sạch không vết bợn, Đức Thế Tôn nhìn thấy quả chứng của hai người là do nhân duyên đời trước. Muốn chỉ bày cho kẻ hậu học, để đời sau và hiện đời càng được sáng tỏ về lý ấy, cũng như chánh pháp tồn tại lâu dài, không dứt mất nửa chừng nên Đức Phật nói bài kệ trên.

Các loài hữu hình: Gồm có các phần như: Tay, chân, cánh tay, cùi chỏ, eo lưng, khoang bụng, đùi vế, bắp tay, mắt cá chân, gót chân, đầu lâu, mỗi thứ nằm mỗi nơi. Cho nên nói những phần hình các loài hữu hình, tản lạc các phương.

Hình hài thân này như gỗ đá vô tri giác, nhưng vốn được yêu thích, tâm lúc nào cũng lo trang sức, tô điểm cho đẹp với hương hoa, phấn sáp xông ướp, nay thì tản lạc, mỗi món một nơi.

Xương màu bồ câu: Vốn là cái mà trăm ngàn ức chúng sinh thương yêu, ngắm nhìn mãi không chán, nhưng nay thì cũng chính nó mà trăm ngàn ức chúng sinh đều cho là đồ thấp hèn, vừa thấy đã ghê khiếp đến nổi ốc.

Cho nên nói: Xương màu bồ câu.

Có gì vui đâu: Đời nói có vui, thì đó là phàm phu ngu mê lầm lạc. Cái mà người trí vất bỏ thì kẻ ngu lại ưa thích. Người trí cho là hổ thẹn xấu xa thì kẻ ngu lại nâng niu, thỏa mãn không chịu xả bỏ.

Nếu như đầu hôm

Thức vào thai mẹ

Hôm sau đời đổi

Đi mãi không về.

Như lời Đức Phật dạy thì có ba thứ hữu vi. Tướng các pháp hữu vi luôn hưng suy biến đổi.

Có người hỏi: Nếu muôn vật là thường còn thì tại sao thây ma hài cốt không tồn tại lâu dài?

Một trăm hai mươi thời là một ngày đêm, nếu như hình hài kia còn mãi trên thế gian thì thân thể người ta sẽ đầy tràn Thế Giới?

Đáp rằng: Vì chúng sinh kia cùng căn đồng sinh và cùng căn đồng diệt nên hình hài không thể tồn tại lâu dài được, trên cõi đời này, nếu như chúng sinh cùng căn đồng diệt cùng căn đồng sinh thì hài cốt sẽ còn lâu trên cõi đời này.

Lại nữa, cùng thức đồng sinh cùng thức đồng diệt thì lúc ấy hài cốt không tồn tại lâu dài trên thế gian. Nếu chúng sinh cùng thức đồng diệt cùng thức đồng sinh thì lúc bấy giờ hình hài sẽ tồn tại lâu dài trên thế gian này.

Lại hỏi: Nếu sự già nua tồn tại lâu trên thế gian này, thì tại sao trẻ mới sinh tóc lại không bạc?

Đáp rằng: Ấy là bởi đầu tóc có màu trắng thôi chứ không có nghĩa là già nua, suy yếu.

Nghĩa này hiểu thế nào?

Lúc nương vào các căn thức kia để thọ thân thì liền đó đã có sự biến đổi màu sắc của sự suy yếu già nua rồi. Cho nên mới có việc tóc trắng sinh ra, giống như rượu, bơ, dầu mè có cặn lóng bên dưới. Lúc thọ thân cũng lại như vậy, liền khi ấy đã có sắc suy yếu mà sinh ra tóc bạc vậy.

Cho nên nói: Nếu như đầu hôm, thức vào thai mẹ. Như thức của trai hay thức của gái vào thai mẹ là căn cứ vào thời điểm đó, hoặc sinh hoặc diệt, trải qua cả trăm ngàn sự biến đổi, sinh diệt, không dứt, giống như bánh xe quay, không thể tính đếm. Chỉ có thiên nhãn mới thấy được mà thôi.

Lúc đó thức đi chết hay đến sinh than mới, việc ấy không Thần Chú hay kỹ thuật nào ngăn chận được. Ra đi thì hun hút nhưng đến thì cũng chẳng có dấu vết gì.

Thức ở trong thai mẹ, sinh diệt không dừng cũng như vậy, như dòng nước chảy xuôi về Đông không bao giờ chảy ngược lại phía Tây. Thần thức trong bào thai hễ ra đi rồi thì không bao giờ trở lại. Chỉ có thiên nhãn mới thấy rõ được thần thức trong bào thai đến hay đi.

Sáng vừa mới thấy

Tối đã mất rồi.

Hôm qua mới đó

Giờ đã không còn

Ta đang tuổi trẻ

Không cậy vào đâu.

Tuổi trẻ cũng chết

Trai gái vô số.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Sáng hôm ấy, đến giờ Tôn Giả A Nan đắp y ôm bát vào thành Xá Vệ khất thực. Xa thấy ngoài cổng thành có các chàng trai trổi kỹ nhạc vui chơi. Tôn Giả A Nan khất thực xong định ra khỏi thành thì thấy chàng ca sĩ nọ đã chết. Đám đông vừa khiêng xác vừa kêu gào khóc than thảm thiết.

Lúc ấy Tôn Giả A Nan thầm nghĩ: Lạ thật, sự biến đổi vô thường đến nhanh như thế ư?

Vừa rồi vào lúc sáng sớm, ta vào thành khất thực, thấy chàng trai này vui chơi với năm thứ nhạc, giống như vị Vua Trời, thế mà giờ đây đã bị vô thường bắt đi?

Ra khỏi thành, Tôn Giả A Nan về đến Tinh Xá Kỳ Hoàn vén y rửa sạch tay chân, đến chỗ Thế Tôn, lễ sát chân Ngài rồi đứng sang một bên.

Rồi Tôn Giả A Nan quỳ thẳng, chắp tay, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, vừa rồi vào buổi sáng, khi vào thành khất thực, con trông thấy một chàng trai trổi kỹ nhạc, tự vui chơi năm dục. Khất thực xong trở về, con thấy chàng trai kia đã chết. Đám đông khiêng xác đi, gào khóc thảm thiết.

Bạch Thế Tôn, lúc ấy con nghĩ: Lạ thật, sự biến đổi vô thường sao đến nhanh như thế ư?

Vừa rồi vào lúc sáng sớm, ta vào thành khất thực, thấy chàng trai ấy còn vui chơi với năm thứ nhạc giống như vị Vua Trời, thế mà giờ đây đã bị vô thường bắt đi?

Điều mà hôm nay con trông thấy thật quá lạ lùng, chưa bao giờ thấy.

Đức Thế Tôn bảo: Này A Nan, việc ấy đâu có gì là lạ?

Việc mà ta thấy còn kỳ lạ hơn việc ngươi thấy bội phần. Lúc nọ, đến giờ, ta đắp y, ôm bát vào thành Xá Vệ khất thực thì lúc ấy, này A Nan, ta cũng thấy có một chàng hát ca năm thứ nhạc vui chơi trước cổng Tinh Xá Kỳ Hoàn.

Bấy giờ, ta vào thành khất thực, khất thực xong trở ra khỏi thành, ta thấy chàng trai nọ vẫn còn đang ca hát vui chơi ở đó, y như cũ. Đó là điều ta thấy, đặc biệt hơn ông bội phần.

Lúc ấy Tôn Giả A Nan liền bạch Phật: Đó là việc bình thường, đâu có gì là lạ?

Đức Phật bảo Ngài A Nan: Mạng sống con người qua nhanh như gió khó kiềm giữ lại được.

Thế thì lời ông vừa nói có gì là lạ?

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần