Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười - Phẩm Tín - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI

PHẨM TÍN  

TẬP BỐN  

Nghe lời ấy, bỗng nhiên tâm ý vua bừng mở sáng ra, bèn đình chỉ, không ghi chép.

Cho nên nói: Phước ấy khó đoạt.

Cấm ngăn được trộm: Xưa, trong thành Xá Vệ, có một vị trưởng giả, dốc lòng kính tin Tam Bảo, có tâm nhân từ, bố thí, che chở chúng sinh, cứu giúp kẻ nghèo thiếu.

Một hôm, trời đổ mưa to, sấm sét vang rền, bọn cướp đến nhà ông cướp trộm tài vật, nhưng trưởng giả hay kịp, bảo chúng: Ngươi chớ đem tài sản ta đi, vì ta muốn cúng dường Sa Môn.

Nghe lời ấy, tên cướp nháy mắt, ra ám hiệu cho đồng bọn đứng im, không được cử động cướp và tên đầu sỏ bảo nhau rồi rút lui.

Cho nên nói: Cấm ngăn được trộm, thầy Sa Môn sống an lạc nơi đồng vắng.

Sa Môn thường đến

Người trí an vui

Còn người dốc tin

Thì sinh hoan hỷ.

Sa Môn thường đến: Thấy bậc Sa Môn thì tâm ý bừng mở sáng ra, cung cấp những gì vị ấy cần, thường hỏi han, cúng dường bốn thứ như y phục, thức ăn, giường nệm, đồ nằm, thuốc men trị bệnh.

Cho nên nói: Sa Môn thường đến, người trí được an vui.

Còn người dốc tin: Làng xóm bên cạnh, thấy người này làm việc phước đức, đều vui mừng, cùng nhau tu tập điều lành.

Cho nên nói: Còn người dốc tin.

Thì sinh hoan hỷ: Hoặc có người từ xa mới tới, cùng phát tâm hoan hỷ, đích thân thờ phượng, cúng dường. Thầy Sa Môn luôn nhớ suy xét việc ra vào lui tới, với oai nghi lễ tiết.

Cho nên nói:

Thì sinh luôn hoan hỷ.

Nếu người lo nghĩ

Tham áo cơm người

Người ấy đêm ngày

Ý không yên định.

Nếu người lo nghĩ: Khi xưa, Đức Phật chưa ra đời, lúc ấy chín mươi chín thứ ngoại đạo phát triển mạnh mẽ khắp nơi. Khi Như Lai ra đời thì mọi thứ tà đạo đều tự mất. Thấy các đệ tử theo Ngài đều được cúng dường, bọn ngoại đạo dị học sinh tâm ganh ghét cạnh tranh. Chúng thấy ai được lợi dưỡng thì bực dọc khổ não, phỉ báng rồi bỏ đi. Đó gọi là ngoại đạo sinh tâm ganh ghét.

Thỉnh thoảng có người, dù đã xuất gia sống trong giáo pháp, nhưng lại không tinh tấn siêng năng, bên ngoài thì giữ giới giống như ngoại đạo, bên trong thì thực hành những việc không thuần khiết, thấy ai được lợi dưỡng thì sinh tâm ganh ghét, bảo rằng ông cũng xuất gia, tôi cũng xuất gia, sao chỉ mình ông được phước, còn tôi thì lại không được.

Như có hai vị La Hán nọ, công đức tu hành đầy đủ, không hơn kém nhau, nhưng một vị thì luôn được lợi dưỡng, còn vị kia thì đi khất thực từng nhà, nhưng vẫn không đủ ăn.

Rồi vị này sinh tâm ngờ vực: Vì sao chỉ mình ta, không được ai cúng dường?

Sao thầy ấy lại được lợi dưỡng như thế?

Tâm đạo trong sạch mà mà còn khởi ý nghĩ như vậy, huống là phàm phu thì làm sao không sinh tâm ganh ghét?

Chỉ khi nào thành Phật độc tôn trong ba cõi mới không bực tức vì bị hủy nhục. Người được cúng dường không lấy đó làm mừng mà giữ tâm như đất, không lúc nào thêm bớt.

Cho nên nói:

Nếu người lo nghĩ,

Tham áo cơm của kẻ khác,

Người ấy suốt đêm ngày,

Ý không được yên định.

Nếu người nhổ sạch

Cội rễ lo nghĩ

Người ấy đêm ngày

Tâm được yên định.

Nếu người nhổ sạch: Sợ tội tương lai, không cho phát sinh duyên khổ kiếp sau, nhổ hết cội gốc, không còn cho sinh mầm mống cũng lại như vậy. Nếu cắt đứt được cội gốc của sự lo nghĩ thì suốt đêm ngày họ sống trong an ổn. Khi ý đã định, hễ tâm muốn đến đâu thì tùy ý liền được đến.

Cho nên nói: Nếu người nhổ sạch cội gốc lo nghĩ thì người ấy đêm ngày tâm được yên định.

Không tin, không tu

Ưa bẻ lời ngay

Như múc nước dơ

Đào giếng nổi bùn.

Không tin, không tu: Vừa không gần gũi, vừa không vâng lời, không nói chuyện qua lại dù cùng làm chung một công việc nào đó. Pháp lành giảm bớt, pháp ác gia tăng, vụng về như kẻ múc nước mà lên tận núi cao, luống nhọc công sức mà không múc được nước. Hay như đào giếng lấy nước, nhưng chỉ đào được mớ đất bùn, không uống được.

Cho nên nói: Không có lòng tin, không tu tập, ưa bắt bẻ những lời ngay thẳng, như đi múc nước vụng về, như đào giếng chỉ được nước bùn.

Hiền trau dồi trí

Ưa nhìn nước trong

Như khéo múc nước

Để yên không quậy.

Hiền trau giồi trí: Bậc Hiền chỉ cho đệ tử Phật, thường gần gũi thờ phụng, cúng dường Tam Bảo, thường chiêm ngưỡng, không để thiếu khuyết thì được phước lớn. Người nào chưa đầy đủ giới thân thì có thể được đầy đủ giới thân, định thân, tuệ thân, giải thoát thân, giải thoát kiến tuệ thân.

Như người yêu mến giáo pháp thì đêm ngày họ suy nghĩ, môi miệng khô khan, vẫn đeo đuổi mãi không lìa bỏ. Như nước trong veo mát lạnh không gợn đục, người tu hành cũng lại như vậy, có đầy đủ công đức từ, bi, hỷ, xả, nghĩ đến tất cả chúng sinh, rộng khắp, không tự vì mình, dứt sạch mọi kết sử, nhơ đục, không sinh ấm giới nhập, không còn cội rễ. Cảm nhận thân mát mẻ, không còn hơi ấm.

Cho nên nói: Bậc Hiền lo trau dồi trí tuệ, ưa nhìn dòng nước trong, như người khéo múc nước, nhớ để lắng yên, không quậy đục.

Tin, không nhiễm khác

Chỉ hiền và nhân

Không tốt, tránh xa

Đúng tốt thì học.

Tin, không nhiễm khác: Nhiễm là chìm sâu trong kết sử, dâm, nộ, si đầy đủ ăn sâu trong xương tủy. Kẻ ô nhiễm ấy nên tránh xa.

Vì sao?

Vì lỗi lầm do họ gây ra quá nặng, không đáng học tập.

Cho nên nói: Có long tin, không nhiễm mọi thứ khác.

Chỉ hiền và nhân: Muốn được đạo tiên phải lìa xa tám nghiệp thế gian. Người tu hành thanh tịnh, đối với thân mình không nhiễm, cũng không nhiễm mọi thứ khác.

Vì sao?

Vì gốc nhiễm không nên gần gũi.

Cho nên nói: Chỉ hiền và nhân.

Không tốt, tránh xa: Nếu là bạn xấu thì nên tránh xa như tránh nhà xí, như tránh chó dữ, trâu điên chạy cuồng, như né tránh ngựa chứng, voi say cuồng, như tránh xa bọn gian manh, trộm cướp.

Cho nên nói: Thấy người không tốt liền tránh xa.

Đúng tốt thì học: Những người như thế đều là Bậc Hiền Thánh vang giữ giới luật, đáng kính đáng quý, Trời, người đều tôn trọng, như nước trong veo vừa mát vừa ngọt, như người khao khát muốn được gặp Tỳ Sa Môn, như được của quý báu, không còn lo lắng gì, như người hái bong phải đến vườn bông, người tìm trân báu phải ra biển cả.

Cho nên nói: Đúng là người tốt thì nên học theo.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần