Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Hai - Phẩm đạo - Tập Ba
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI HAI
PHẨM ĐẠO
TẬP BA
Cho nên nói:
Phật nói là được đạo.
Các nguồn chảy về biển
Nước chảy đâu cũng đầy,
Nên vì trí nói đạo
Thẳng đến uống cam lộ.
Các nguồn chảy về biển: Có con sông lớn tên Hằng Già từ suối lớn A Nậu, từ miệng con bò chảy ra. Có con sông lớn Tân Đầu, cũng bắt nguồn từ suối A Nậu, từ miệng con sư tử chảy ra. Có con sông lớn Bà Xoa cũng bắt nguồn từ suối A Nậu, từ miệng con ngựa chảy ra. Có con sông lớn Tư Đà, cũng bắt nguồn từ suối lớn A Nậu Đạt, từ miệng con voi chảy ra.
Sông Hằng Già được Phạm Chí tôn thờ, coi là khuôn phép.
Ngoại đạo dị học bàn với nhau rằng: Nếu có người tu học nào, đi cách xa ngoài sông Hằng Già một trăm do tuần, rồi từ xa.
Gọi tên sông Hằng Già ba lần: Hằng Già! Hằng Già! Hằng Già! Thì tất cả các tội lỗi đều tan biến hết, dù cách xa ngoài trăm do tuần, như rắn lột da, bỏ lớp da cũ. Nước sông Hằng Già đều chảy ra biển, lắng trong không có các thứ nhơ uế.
Cho nên nói: Các nguồn nước chảy về biển.
Nước chảy đâu cũng đầy: Các nguồn nước đều chảy ra biển đêm ngày không ngừng nghỉ, rồi từ biển nước lại đến núi non khô cằn, rồi từ núi non khô cằn nước lại chảy đến núi Tuyết là chỗ gốc xuất phát. Cứ như thế dần dần trở lại cội nguồn. Ngày đêm chảy mãi, giáp vòng rồi trở lại từ chỗ bắt đầu, biển cũng không thêm mà các nguồn nước thì cứ chảy mãi không ngừng.
Cho nên nói: Nước chảy đâu cũng đầy.
Nên vì trí nói đạo: Chư Phật, Thế Tôn đều được gọi là Thiện Thệ, đã đến chỗ Niết Bàn dứt hết mọi phiền não, đã đến bên kia bờ giác ngộ, không còn sinh, già, bệnh, chết, sầu lo, khổ não, cũng không có đói lạnh khổ nhọc, vì không còn các khổ này nên gọi là Thiện Thệ.
Cho nên nói: Nên vì trí nói đạo.
Thẳng đến uống cam lộ: Được tiến đến cảnh giới Niết Bàn, để tìm nước cam lồ. Như các nguồn nước chảy ra biển thì chỉ còn gọi là biển mà thôi, nó đã đầy đủ tính chất của biển. Pháp luật của Bậc Hiền Thánh này cũng lại như vậy, dần dần đi đến cảnh giới Niết Bàn.
Cho nên nói:
Thẳng đến Niết Bàn uống cam lộ.
Trước chưa nghe pháp luân
Nói pháp thương chúng sinh
Xin tôn thờ pháp ấy
Lạy đấng vượt ba cõi.
Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn nai, vùng đất của Tiên Nhân, thuộc nước Ba La Nại. Ở đó, có con sông tên Bà Lê, do đó đặt tên nước là Ba La Nại. Vườn nai của vị Tiên có các vị Thần tiên tu học đã đắc đạo, chứng được năm thứ thần thông, đều đến tu học ở nước ấy.
Đây là nơi mà người thuần thiện ở, không phải là chỗ ở của người thường. Lúc bấy giờ, vua nước ấy ra đồng trống đi săn bắn, gặp bầy nai ngàn con bị mắc trong lưới. vua ra lệnh cho bộ binh bao vây giáp vòng. Bầy nai sợ hãi tuôn chạy kêu la thất thanh.
Đột nhiên, có một con nằm bẹp xuống, giấu mình trong bụi rậm cạnh đó.
Khi ấy Đức Phật Thích Ca còn tu hạnh Bồ Tát, sinh trong bầy nai ấy và làm nai đầu đàn.
Lúc đó nai đầu đàn bảo bầy nai: Các ngươi hãy an tâm, đừng lo sợ gì hết, ta đã có cách là cầu xin vua thương tình. Chúng ta sẽ sống cả.
Con nào cũng tuân lệnh. Nai chúa liền đến trước vua quỳ gối xin thương tình. Thoáng thấy nai từ xa đi lại, vua ra lệnh cho các quan đứng hầu bên cạnh đều không được ra tay giết hại con nai này.
Con nai kêu gào, quỳ ngước nhìn vua thưa: Tôi thấy vua muốn giết hết ngàn con nai để ăn thịt trong một ngày. Nay, thịt nai nóng đã được cất chứa lâu ngày. Mong vua thương tình, mỗi ngày giết một con để nấu bếp thôi. Không phiền vua sai người đi bắt mà nai tự đến bếp nộp mình chịu chết. Thịt thì được cung cấp không gián đoạn bao giờ, mà nai lại được sinh sản thêm nhiều.
Vua hỏi nai: Có phải ngươi là nai đầu đàn, lớn nhất trong đàn chăng?
Đáp: Dạ phải. Tôi là nai lớn nhất.
Vua lại hỏi: Ngươi đã suy nghĩ kỹ chưa?
Đáp: Dạ, tôi đã suy nghĩ kỹ.
Vua liền bỏ bầy nai ở đó, dẫn đoàn đi săn về thành.
Lúc ấy Bồ Tát dẫn năm trăm con nai lên đường, Điều Đạt cũng dẫn năm trăm con nai lên đường. Mỗi ngày sai một con nai đến nộp mạng cho nhà bếp của vua. Theo thứ lớp, đến phiên Điều Đạt ra lệnh cho nai đến chỗ vua, nhưng gặp phải con nai đã có chửa mấy tháng, mà theo thứ lớp phải nộp mình cho nhà bếp của vua.
Nai mẹ đến trước nai đầu đàn trình bày một cách buồn khổ: Theo thứ lớp đến phiên tôi phải nộp mạng, thật không dám chối từ. Nay tôi sắp sinh, như vậy mẹ con chia lìa. Phiên của tôi đã đến nhưng phiên con tôi chưa đến. Xin Ngài cho thay đổi thứ tự, tôi được sắp vào phiên sau.
Điều đạt nổi giận nói: Sao ngươi không đi nộp mạng mau đi! Mà ai thay chết trước cho ngươi?
Nai mẹ kêu gào khóc lóc thê thảm, nó liền đến trước Bồ Tát mà trình bày: Ngày tôi mang thai sắp mãn, ngày sinh sắp đến. Xin Ngài cho con đến phiên sau, sau khi sinh nở sẽ nộp mạng.
Bồ Tát hỏi nai: Chúa của ngươi có nghe ngươi trình bày việc này chưa?
Đáp: Chúa của tôi không có bằng lòng.
Nghe xong, Bồ Tát thở than hồi lâu mới an ủi con nai kia: Ngươi hãy yên tâm, chớ lo sợ! Hôm nay, ta sẽ nộp mạng thay ngươi.
Nai đầu đàn Bồ Tát liền nhóm họp ngàn con nai, tha thiết dạy: Các ngươi chớ lười biếng, cũng chớ xâm phạm gạo thóc lúa má của vua.
Biết được điều ấy, Điều Đạt rất tức giận nai mẹ kia, bảo: Đã đến phiên ngươi nộp mạng, sao lại từ chối, không chịu chết?
Bấy giờ, nghe Điều Đạt nói, Bồ Tát liền nói: Hãy thôi, chớ nói lời ấy, đúng ra nai mẹ đã đến phiên nộp mạng, nhưng vì xót thương nai con còn trong thai, nên chưa muốn chết đó thôi. Nay ta sẽ chịu chết thế cho mạng sống nai con trong thai kia. Đó là điều mà Bồ Tát suy nghĩ.
Bầy nai liền đến trước Bồ Tát, đều thưa: Lũ chúng tôi xin chết thay Ngài, Ngài còn sống thì chúng tôi mới được ăn cỏ uống nước, tùy ý rong chơi, không lo sợ điều gì.
Nai đầu đàn theo ý mình, bỏ đàn nai đi nộp mạng. Bầy nai nối nhau đi theo sau nai đầu đàn đến cung vua. Nai đầu đàn vào nhà bếp xin nộp mạng.
Thấy nai đầu đàn có hiểu biết rõ ràng, người đầu bếp vội đến tâu với vua: Nai đầu đàn vào nhà bếp xin nộp mạng theo thứ lớp, chẳng hay đại vương có cho giết hay không?
Nghe lời ấy, vua té xuống giường. Các quan vội rảy nước cho vua tỉnh lại rồi đỡ vua ngồi dậy.
Vua ra lệnh cho các quan: Hãy mau dẫn con nai đầu đàn ấy đến đây, ta muốn gặp nó. Lập tức, nai đầu đàn được dẫn đến trước vua.
Vua hỏi nai đầu đàn: Bộ cả ngàn con nai đã chết hết rồi sao?
Mà ngươi phải đến đây?
Nai đầu đàn thưa: Ngàn con nai còn bú, sẽ thành bầy nai to. Mỗi ngày sinh sản thêm nhiều mà không giảm.
Nai đầu đàn lại kể cho vua nghe nguồn gốc của bầy nai này.
Vua hết lòng tự trách, giận mình đã sai lầm.
Vua bảo: Ta là vua loài người, không phân biệt được giả thật. Ta đã giết oan bao loài chúng sinh.
Nói đến đây vua bảo các quan rằng: Hãy truyền lệnh ta cho cả nước biết, hễ ai săn bắn giết hại nai thì sẽ bị tru lục.
Sau đó vua ra lệnh cho nai đầu đàn dẫn bầy nai trở về núi sống yên lành. Vua còn ra lệnh cho cả nước không được ăn thịt nai.
Kẻ nào ăn thịt nai sẽ bị chém đầu bêu giữa chợ. Vì lẽ ấy, vua đặt tên cho khu vực này là vườn Nai.
Lúc ấy Đức Thế Tôn đang quay bánh xe pháp ở vườn Nai.
Cho nên nói: Trước chưa nghe pháp luân.
Nói pháp chỉ vì lòng thương chúng sinh: Đầu tiên, Ngài nói pháp cho năm vị và tám muôn Trời, người nghe. Ngài giảng đi giảng lại pháp Tứ Đế chân như. Pháp này vốn chưa ai được nghe, chưa ai được thấy, là pháp mà Sa Môn, Bà La Môn, Thích, Phạm, Chư Thiên, ma hay thiên ma không thể nói được.
Cho nên nói: Nói pháp thương chúng sinh.
Xin tôn thờ pháp ấy: Pháp này được các Trời, người đời cung kính. Ngài đi giáo hóa, truyền trao cho cả xứ Diêm Phù Lợi này. Từ sáu tầng Trời Cõi Dục trở xuống đều nhờ ân cứu giúp.
Hỏi: Vì sao Đức Phật chỉ nói pháp cho Trời, người nghe, mà không nói pháp cho những chốn khác?
Đáp rằng: Vì Trời, người đều được thành đạo quả, vượt thứ bậc tu chứng, các sự hiểu biết được tự tại, ngoại trừ người tu pháp bát quan trai, hay quỷ thần đã quy y Tam Bảo, giống như thú nuôi là chim Khư Tần Xà La mà khuyên siêng tu phạm hạnh.
Xưa, có ba con thú cùng ở trong núi sâu là voi, khỉ và chim Khư Tần Xà La.
Một hôm, voi nói với hai con thú kia: Ba anh em ta không biết đối đãi nhau bằng sự kính trọng không có lễ tiết gì cả. Từ nay phải biết nhường nhịn nhau. Trong chúng ta, ai là người lớn tuổi nhất thì được nhường làm anh cả.
Lúc ấy, nơi đó có một cây to vừa cao vừa tỏa bóng rộng, che mát được năm trăm xe bên dưới.
Con khỉ tự nói: Xưa, tôi ăn cây này khi nó mới ương.
Con voi nói: Tôi ăn cây này khi nó mới trồng.
Con khỉ nói: Vậy các bạn hãy nhường tôi là người lớn tuổi hơn hết.
Con voi liền chở con khỉ trên lưng nó.
Chim Khư Tần Xà La lại tự nói: Xưa, tôi đến phía Bắc núi Tuyết và ăn quả ngon ngọt. Tôi đã đại tiện ở đây, sau đó mọc lên cây này. Vậy, tôi mới là người lớn tuổi nhất, vậy tôi phải được nhường làm anh cả mới đúng!
Thế là khỉ lại cõng con chim trên vai mình mà đi. Kể từ đó, dù ở nước này hay nước khác, thôn này làng nọ, chúng luôn giữ trai giới, đối đãi cung kính lẫn nhau. Nếu được thức ăn gì chúng đều nhường cho người lớn nhất ăn.
Người dân trong làng xóm, thành ấp thấy thế cho là lạ lùng, chưa từng có. Mọi người khắp nơi nhóm họp lại để hỏi cho rõ nguyên do. Ba con thú đều kể lại chuyện ngày xưa chúng đã sống. Dù thân hình to lớn, nhưng voi tuổi còn nhỏ nên nó kính nhường hai con thú kia như con thờ cha.
Mọi người cảm động về chuyện ba con thú, nên đều sinh tâm lành. Chim thú mà còn như vậy, huống gì là loài người. Thế rồi mọi người cùng bảo nhau hãy biết kính trên nhường dưới. Từ đó, trong cả nước, người biết hiếu kính nhau rất đông, họ tự thấy cần có ý nghĩa hiếu thuận này, nhưng không thể vượt qua thứ lớp mà chứng thành đạo quả. Chỉ có Trời, người là đáng kính thờ hơn hết.
Cho nên nói: Xin tôn thờ pháp ấy.
Lạy đấng vượt ba cõi: Phát khởi cho chúng sinh bất cứ ở đâu khi nào, hễ thấy hình tượng Như Lai thì nên thờ phụng kính lễ. Dù có đi đâu lâu ngày tâm vẫn hướng về Phật, không rời.
Ba cõi là: Cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.
Ai là người có khả năng vượt qua ba cõi này?
Chỉ có Đức Phật, Thế Tôn mới vượt qua được, kế là có đệ tử Thanh Văn của Ngài, nương nhờ oai thần của Ngài mà vượt ra ba cõi.
Cho nên nói:
Kính lạy Đấng đã vượt ra ba cõi.
Ba niệm hãy niệm lành
Ba niệm phải lìa ác
Từ niệm mà có hành
Dứt đó là dứt đúng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm đi đến Duy Da Ly
Phật Thuyết Kinh đại Minh độ Kinh đạo Hành Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Bảy - Phẩm Tùy Giáo
Phật Thuyết Kinh Uy Nghi Hình Sắc Của Pháp Hoa Mạn đà La - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bốn - Phẩm Niệm Xứ
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bốn - Kinh Phật Thuyết Như Vậy - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tàm Quý - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bảy Mươi Bốn - Phẩm Biến Học