Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Năm - Phẩm Duy Niệm - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI NĂM

PHẨM DUY NIỆM  

TẬP BA  

Những ai biết tự giác

Là đệ tử Cù Đàm

Đêm ngày nghĩ điều ấy

Một lòng quy mạng Phật.

Những ai biết tự giác: Ban đầu tự trở về nương tựa vào pháp, nghĩa ấy bất định. Giờ đây, nhớ nghĩ đến Phật, nghĩa ấy đã xác định. Hướng về Phật chắc chắn, không bao giờ thay đổi.

Cho nên nói: Những ai biết tự giác.

Là đệ tử Cù Đàm: Đức Như Lai xuất thân từ dòng họ Cù Đàm, Ngài quán sát những sự việc chưa xảy ra trong đời tương lai, nên Phật nói ý nghĩa này, đời tương lai sẽ có người dòng Bà Sai, không cha mẹ, bỗng nhiên được giàu có, tự cho mình là tôn quý khoe khoang với đời. Như Lai muốn ngăn dứt hạng người ấy phỉ báng kẻ khác nên Ngài nói đệ tử Cù Đàm.

Đêm ngày phải một lòng nghĩ nhớ đến Phật: Một lòng nghĩ nhớ Phật thì tà ma ác quỷ không dám đến gần xâm phạm.

Cho nên nói: Ngày đêm một lòng nghĩ nhớ đến Phật.

Người khéo giác, tự giác

Là đệ tử Cù Đàm

Ngày đêm nghĩ điều ấy

Một lòng nghĩ nhớ pháp.

Người khéo giác, tự giác: Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Nên tự quán xét các pháp, phải dứt bỏ loạn tưởng.

Cho nên nói: Người khéo giác, tự giác là đệ tử Cù Đàm, ngày đêm nghĩ điều ấy, một lòng nghĩ nhớ pháp.

Người khéo giác, tự giác

Là đệ tử Cù Đàm

Ngày đêm nghĩ điều ấy

Một lòng nghĩ Chúng Tăng.

Người khéo giác, tự giác: Đức Phật bảo đại chúng: Các thầy đều thấy tất cả đại chúng, thấy bằng trí, chứ không thấy bằng vô trí. Quán xét bằng quán xét, chứ không phải bằng không quán xét, cũng biết chúng của ta thanh tịnh hay không thanh tịnh.

Cho nên nói: Người khéo giác, tự giác là đệ tử của Cù Đàm, ngày đêm nghĩ điều ấy, một lòng nghĩ Chúng Tăng.

Nghĩ thân, nghĩ vô thường

Nghĩ giới, công đức thí

Nghĩ Trời, nghĩ sự chết

Ngày đêm nhớ điều ấy.

Người tu hành giữ giới cấm hoàn toàn thanh tịnh, không vết nhơ, giống như kim cương không bị phá hoại, cũng như núi Tu Di không ai có thể dời đổi. Cho nên nói nghĩ nhớ thân, nghĩ nhớ vô thường, nghĩ nhớ giới, nghĩ nhớ công đức bố thí, nghĩ nhớ đến Trời, nghĩ nhớ đến hơi thở và sự chết. Ngày đêm phải nhớ nghĩ điều ấy.

Nghĩ nhớ bố thí, bố thí có hai thứ: Tài thí và kết sử thí. Kết sử thí được gọi là cứu cánh thí, vì không biến đổi, không hối tiếc. Tài vật thí là thí chưa phải rốt ráo vì thí rồi còn trở lại hối tiếc.

Cho nên nói: Nghĩ nhớ đến bố thí.

Nghĩ nhớ Trời: Đệ tử Bậc Hiền Thánh thì ngày đêm nghĩ nhớ Trời, bởi ở cõi này ai giữ giới sẽ được sinh lên đó. Thực hành công đức, không để mất tín căn, đầy đủ các cội gốc công đức, giữ đủ giới ấm.

Cho nên nói: Ngày đêm nghĩ nhớ đến Trời.

Nghĩ nhớ thân: Thường quán xét thân này, chứa đầy các chất bất tịnh nhơ uế.

Cho nên nói: Thường nghĩ nhớ thân cho đến nghĩ sự chết cũng lại như vậy.

Người khéo giác, tự giác

Là đệ tử Cù Đàm

Ngày đêm nhớ điều ấy

Một lòng nhớ không hại.

Người khéo giác, tự giác, là đệ tử Cù Đàm: Tất cả chúng sinh đều nghĩ đến mạng sống của mình, quyến luyến vợ con, tham đắm gia nghiệp. Phải tu tập thân, miệng, ý, không hại ai nên mới được tôn là người minh trí.

Cho nên nói: Ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy, một lòng nhớ không hại ai.

Ngày đêm phải nhớ nghĩ điều không khởi tâm giận dữ: Người giận dữ thường khởi tâm loạn tưởng như gươm giáo khó kiềm, khó nắm. Người sinh giận dữ thì không thu được kết quả gì.

Cho nên nói: Ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy, không khởi tâm giận dữ.

Ngày đêm nhớ điều ấy: Mong muốn xuất gia, không thích ở tại gia, tham đắm năm thứ dục lạc. Người tu hành dù đang ở tại gia, nhưng quán sát, thấy tham dục như lửa, ý thường nhàm chán. Ngày đêm suy nghĩ, trong mộng cũng nghĩ đến xuất gia.

Cho nên nói ngày đêm nghĩ nhớ điều ấy là thường nghĩ đến ý muốn xuất gia. Ngày đêm nghĩ nhớ điều ấy là ngồi thiền chuyên ý vào định. Người mới học Tam Thiền thì lấy định làm đầu. Thiền là giữ ý, không khởi kết sử, các vọng tưởng vắng lặng, niệm không rong ruổi.

Cho nên nói: Ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy là ngồi thiền nhất ý. Ngày đêm phải nhớ nghĩ điều ấy là giữ ý, không dính mắc trần lao, thường ưa vắng lặng, không ở trong nhân gian, ăn mặc đạm bạc, không ưa trang sức, chỉ để giữ mạng sống, tự biết đủ, lo tu đạo.

Cho nên nói: Ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy là giữ ý, không để dính mắc trần lao.

Ngày đêm nhớ điều ấy: Không, vô tướng, vô nguyện, thường quán xét thân năm ấm này là luống dối không thật, nơi đáng nương cậy, bởi nó là pháp biến đổi, không tồn tại lâu dài.

Vô ngã mà chấp là ngã, huống gì là thật có thân?

Cho nên nói: Ngày đêm phải nhớ nghĩ điều ấy là không, vô nguyện, vô tướng.

Ngày đêm phải nhớ nghĩ điều ấy là bỏ ý mong cầu. Người tu hành, chí nguyện là cầu đạo đức, không tự vì mình, cũng không mong cầu tướng nam, tướng nữ, cũng không mong cầu sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Cho nên nói: Ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy là lìa bỏ ý mong cầu. Ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy là phải học tập tâm vô tướng. Người học chứng được định vô tướng, đầy đủ pháp luật của Thánh Hiền.

Hỏi: Người học, ở các giai vị, không thấy có ngã, vô ngã, vì sao không nói đầy đủ luật pháp của Thánh Hiền mà chỉ nói định vô tướng?

Đáp: Định vô tướng là ngôi nhà sâu kín của Bậc Hiền Thánh.

Bước vào ngôi nhà ấy thì không còn nghe các hạnh tu lặt vặt của phàm phu.

Cho nên nói: Ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy là học tập tâm vô tướng.

Ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy là vào thất mà tư duy: Khi người tu hành mới bước vào hạnh thì học hai thứ tư duy:

1. Dứt bỏ kết sử.

2. Lòng vui sướng trong pháp hiện tại.

Cho nên nói: Ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy là nhập định mà tư duy.

Người khéo giác, tự giác

Là đệ tử Cù Đàm

Ngày đêm nhớ điều ấy

Lòng vui thích Nê Hoàn.

Nê Hoàn là pháp không hề có lo buồn, cũng không thấy có cái gì để hết, lìa hẳn mọi tai họa, cũng không còn phiền não.

Không mong cầu, không tưởng nghĩ, cũng không còn tên gọi, hình sắc năm ấm. Không có ngã, hữu ngã, không thấy danh sắc. Tóm lại là trống không, không còn tưởng nghĩ, như bậc Trí đã dạy bảo.

Cho nên nói: Người khéo giác, tự giác là đệ tử Cù Đàm, ngày đêm phải nghĩ nhớ điều ấy là ý ham thích cái vui Nê Hoàn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần