Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Sáu - Phẩm Giới - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM SÁU

PHẨM GIỚI  

TẬP HAI  

Không quên chánh trí: Khi trí tuệ chiếu soi thì không có cái gì không sáng tỏ. Tâm nghĩ thì trí theo nhau như hai con trâu chung một cái ách, như lậu tận thông khiến thân năng nhẹ. Dùng thân giữ tâm, dùng tâm giữ thân.

Thân và tâm tương ưng nhau thì không gì ngăn ngại, dù vách dù đá cũng đi qua được. Đó là sự luyện tâm nhập vào chỗ vi diệu, rồi luyện chỗ vi diệu nhập vào thân. Tâm nghĩ thì thân làm theo không gì cản ngăn được.

Cho nên nói:

Không quên chánh trí.

Dứt bỏ các cấu

Diệt mạn, không sinh

Trọn đời cầu pháp

Chớ tạm lìa Thánh.

Dứt bỏ các cấu: Các trói buộc cấu nhiễm trong ý thức và các thọ ấm nhập đã hết, đã dứt hẳn, không còn sinh cành nhánh cọng lá.

Cho nên nói: Dứt bỏ các cấu.

Diệt mạn không sinh: Giữ gìn tâm ý, chế ngự và dứt bỏ kiêu mạn, tăng thượng mạn. Hạt giống ấm, hạt giống kiết, cả hai dấu vết này đều tiêu diệt.

Cho nên nói: Diệt mạn không sinh diệt hết kiêu mạn, không cho phát sinh.

Trọn đời cầu pháp: Nói về thân thì đều là hình thể được kết hợp bởi nhiều thứ, cũng gọi là thân ấm, thân tụ, thân dưỡng sinh.

Cũng gọi là thân, bốn sắc binh chủng là voi, ngựa, xa, bộ. Cũng gọi là thân, trong thân không có gì hơn kết thân. Ai có khả năng dứt bỏ kết sử trong thân này mà cầu chánh pháp thì gọi là thoát khỏi trói buộc. Những ai không còn sống theo hữu vi, không nghĩ đến bảy xứ, ba quán, họ là Phật tử chân chánh, tương ưng với kiên tín, kiên pháp thì có khả năng phá tan được kết tụ.

Cho nên nói: Trọn đời cầu pháp.

Chớ tạm lìa Thánh: Thường nghĩ rằng từ Bậc Thánh Hiền được nối tiếp cho tông đồ. Tâm hỷ lạc là chỗ ở của Thánh Hiền.

Sự kiện việc này có ba trí: Trí thứ nhất là các kết sử đều dứt hết. Trí thứ hai là chứng Niết Bàn hữu dư. Trí thứ ba là chứng Niết Bàn vô dư.

Cho nên nói:

Chớ tạm lìa Thánh.

Giới, định, tuệ mở

Nên khéo suy nghĩ

Đều đã lìa nhơ

Không họa, trừ cõi.

Giới, định, tuệ mở: Người tu hành dùng giới phẩm, định phẩm, tuệ phẩm, ba nghiệp đầy đủ làm chuỗi anh lạc để trang nghiêm thân, dứt bỏ nhóm kết sử thì không có cái gì không dứt bỏ được, giống như Vua là người giàu có tài vật, quân lính hùng mạnh, tài năng trí hơn người mới có khả năng an ủi vỗ về dân trong nước, giặc ngoại xâm không làm hại được.

Người tu hành ở đây cũng như thế. Ba nghiệp đầy đủ rồi thì phá tan giặc kết sử, không còn nghi nan gì nữa. Giới là lập chí vững chí, định cột chặt tâm tán loạn, trí tuệ cắt đứt kết sử.

Cho nên nói: Hiểu giới, định, tuệ.

Nên khéo suy nghĩ: Suy nghĩ ba phẩm đêm ngày thực hành, không hề lìa xa.

Cho nên nói: Nên khéo suy nghĩ.

Đều đã lìa nhơ: Điều mở rộng được rốt ráo, biết khổ sinh tử, ở trong đó cứu giúp rất thanh tịnh, không tì vết, không các thứ nhơ bẩn.

Cho nên nói: Đều đã lìa nhơ.

Không họa, trừ cõi: Đã lìa tai hoạn khổ não sôi trào, dứt bỏ nhân tái sinh trong ba cõi, không còn thọ thai, biết đúng như thật.

Cho nên nói:

Không họa, trừ cõi.

Dựa giải vượt qua

Không còn tái sinh

Vượt cảnh giới ma

Như Mặt Trời sáng.

Dựa giải vượt qua: Hành có sáu phẩm, cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc còn bị trói buộc bởi các kết, tự trói buộc bằng si mạn ngu hoặc sinh ra từ cõi dục.

Cho nên nói: Dựa giải vượt qua.

Không còn tái sinh: Người tu hành phải suy nghĩ quán xét, biết rõ một cách như thật, tức tìm phương tiện dứt hẳn kết sử, đã chấm dứt sinh tử thì không còn thọ thai, phạm hạnh đã lập, việc làm đã làm xong.

Cho nên nói: Không còn tái sinh.

Vượt cảnh giới ma: Từ tầng Trời thứ sáu trở xuống đều là cảnh giới ma. Ở cảnh giới này nhiều phiền não, nó làm bít lấp tâm đạo, làm cho con người không đến được chốn vô vi. Trong Cõi Diêm Phù Lợi này có nhiều loại chúng sinh khác nhau, gọi là Ma Khư, ban ngày ẩn núp, sống trong sinh tạng, thục tạng, rơi vào giới ma, đó là cõi dục bị ma làm hại, gây ra nhiều họa hoạn. Bậc Hiền Thánh đã vượt qua cảnh giới tà ma ấy.

Cho nên nói: Vượt cảnh giới ma.

Như mặt trời sáng: Như mặt trời chói sáng, không bị che khuất bởi năm thứ: Một là mây, hai là khói, ba là bụi, bốn sương mù, năm là tay của A Tu La. Nếu không có năm thứ này thì mặt trời, mặt trăng luôn luôn chói sáng. Các Tỳ Kheo tu hành cũng lại như vậy, phải thoát khỏi sự che đậy của năm ấm.

Thế nào là năm ấm?

Một là tham dục, hai là giận dữ, ba là ngủ nghỉ, bốn là vui chơi, năm là ngờ vực. Thầy Tỳ Kheo tu hành phải thoát ra khỏi năm sự che đậy ấy, tâm trí sáng suốt, trong ngoài đều thông đạt, như vàng tử ma.

Cho nên nói:

Như Mặt Trời sáng.

Mê hoặc, rong ruổi

Tỳ Kheo xa lánh

Hành giới, định, tuệ

Đầy đủ, không lìa.

Mê hoặc, rong ruổi: Việc làm của hàng phàm phu mê hoặc đều lộn xộn, như khỉ vượn buông vật này bắt vật kia, tâm như cơn gió mạnh, rong ruổi theo chiều mối.

Cho nên nói: Mê hoặc, rong ruổi.

Tỳ Kheo xa lánh: Giữ hạnh như nước, nhẫn nhục sự giận tức như đất, nghĩa là thầy Tỳ Kheo không nương vào dòng họ cao quý, có khả năng tự chế ngự tình cảm, đóng bít sáu giác quan mới gọi là Tỳ Kheo.

Cho nên nói: Tỳ Kheo tránh ngoài.

Hành giới, định, tuệ: Đêm ngày siêng tu giới, định, tuệ, không sinh tâm buông lung. Người muốn vượt qua biển cả phải nương thuyền to, người muốn đến Niết Bàn phải thực hành giới, định, tuệ. Dứt bỏ pháp bất thiện và thực hành thêm pháp thiện.

Nếu Tỳ Kheo nào đi ngược với chánh giáo này, không thuận theo luật pháp thì có hệ lụy đến Phật Pháp, Thánh Chúng.

Cho nên nói: 

Hành giới, định, tuệ,

Đầy đủ, không lìa.

Đã không buông lung

Còn không tưởng niệm

Cho nên bỏ mạn

Như vậy không sinh.

Đã không buông lung: Không rong ruổi theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Cho nên nói: Đã không buông lung.

Còn không tưởng niệm: Pháp mà tâm nhớ nghĩ thì trong ấy chỉ có duy nhất là tu thiền định, cũng không còn nghĩ nhớ đến sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Cho nên nói: Còn không tưởng niệm.

Cho nên bỏ mạn kiêu mạn: Bên trong tu chỉ và quán, khống chế tâm rối loạn, thường nhập thiền định, không cho rong ruổi, chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp và kiêu ngạo.

Vì thế nói rằng: Cho nên bỏ mạn.

Như vậy không sinh: Như người không còn dính mắc sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, pháp mà tâm nghĩ nhớ cũng như vậy, pháp mà tâm nghĩ nhớ như cơn mưa lớn, như xe đổ lúa. Điều ác mà tâm nhớ nghĩ lại nhiều hơn thế.

Cho nên nói:

Như vậy không sinh.

Người trí tu vững chắc

Đối với các giới cấm

Thẳng đường đến Niết Bàn

Mau tới cảnh diệt độ.

Người trí tu vững chắc: Vâng lời Phật khuyên răn, tuân lời thầy dạy dỗ, dứt bỏ tà vạy, trở về đường ngay. Thường giữ tâm vững chắc, không để tâm xấu phá hoại.

Cho nên nói: Người trí tu vững chắc.

Đối với các giới cấm: Lúc nào cũng hành đạo, giữ gìn giới cấm. Pháp mà người trí tu hành, người ngu không thực hành được.

Cho nên nói: Đối với các giới cấm.

Thẳng đường đến Niết Bàn: Dứt hẳn vô vi, cũng không có chỗ bắt đầu hay chấm dứt, vắng lặng vô sinh.

Cho nên nói: Thẳng đến đường Niết Bàn.

Mau tới cảnh diệt độ: Giữa đường không còn bị cản trở, như dòng nước chảy xiết đều dồn ra biển cả.

Cho nên nói:

Mau tới cảnh diệt độ.

Hoa thơm không ngược gió

Như phù dung, chiên đàn

Đức thơm bay ngược gió

Hương thơm người đức khắp.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca Lan Đà, thành La Duyệt Kỳ, lúc đó Ngài Đại Ca Diếp đang ở trong núi Kỳ Xà Quật.

Ngài Ca Diếp sinh ra và lớn lên từ dòng dõi cao sang, thân thể mềm mại, ăn thì toàn món ngon, chưa từng ăn món dở, ý Ngài muốn khai hóa những người nghèo khổ, thế nên Ngài hay đến nhà những người nghèo khất thực, xin được thức ăn dở, ăn vào liền phát bệnh. Hơi sình trong bụng làm cho hạ phong.

Lúc ấy, Đức Phật bảo Ngài Mục Kiền Liên: Nay, thầy hãy theo ta đi thăm người bệnh.

Ngài Mục Kiền Liên đáp: Thưa vâng.

Đức Thế Tôn liền cùng Ngài Mục Kiền Liên đến núi Kỳ Xà Quật.

Lúc đó Ngài Ca Diếp đang ngồi lặng yên trong phòng một mình, không có ai chăm sóc. Đức Như Lai liền vào trong hang Ngài Ca Diếp.

Thấy Phật, Ngài Ca Diếp định đứng dậy, Đức Thế Tôn liền bảo: Hôm nay thầy bị bệnh, hãy ngồi, chớ đứng dậy, vì ta có đem theo đồ ngồi.

Lúc ấy Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi Ngài Ca Diếp: Nay thầy ngồi một mình trong phòng trống trải, không có người săn sóc, vì sao thầy lại thích ở trong núi vắng vẻ như thế?

Lúc ấy, có Thích Đề Hoàn Nhân đang đứng sau lưng Ngài Ca Diếp.

Ngài Ca Diếp liền bạch Phật bằng bài kệ sau đây:

Bỏ ngôi Vua Trời

Làm phước không mỏi

Trong tâm vui mừng

Ngài gắng thăm con.

Lúc ấy Đức Thế Tôn nói với Thích Đề Hoàn Nhân bằng bài kệ:

Thân Trời tánh thanh tịnh

Hương thơm tự xoa mình

Vì sao giáng xuống trần

Săn sóc thân hôi nhơ?

Lúc ấy Thích Đề Hoàn Nhân chắp tay bạch Phật:

Con xin lập lại bài kệ sau đây:

Xin Tối Thắng biết cho

Giới hương không gì sánh

Nay con ngửi công đức

Không kể thân hôi nhơ.

Nhưng ngày nay Thế Tôn là đóa hương hoa Trời chói sáng hơn tất cả mà còn ở trong trần lao này làm ích lợi lâu dài cho chúng sinh, hương thơm giới pháp của Bậc Hiền Thánh là cắt đứt các kết sử, đóng kín cửa tai họa, không còn lọt ra các tham dục. Ngày nay, Đức Thế Tôn là Bậc ấy.

Còn hương thơm của phàm tình như thế thì trôi lăn trong sinh tử, trải qua biết bao số kiếp. Nó không thể làm cho con người được vĩnh viễn an lạc. Hương thơm giới pháp của Bậc Hiền Thánh thì ức ngàn trăm kiếp vẫn còn mãi với thời gian.

Lúc ấy, xét kỹ Thích Đề Hoàn Nhân, Đức Thế Tôn bèn nói kệ:

Hay lắm! Đế Thích Nhân

Ý ông thật ít có

Có thể trong buông lung

Nhiếp ý tu cội đức.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nhân bài pháp ấy, ở trước đại chúng, Ngài nói bài kệ rằng:

Hoa thơm không ngược gió

Như phù dung, chiên đàn

Đức thơm bay ngược gió

Hương thơm người đức khắp.

Mùi thơm của các loại hoa trên thế gian đều là mùi thơm bay thuận chiều gió, không bay ngược chiều gió. Còn mùi thơm của giới đức vừa bay chiều theo gió và cũng vừa bay ngược chiều gió.

Mùi thơm của hoa ở thế gian thì chỉ xông ở cõi dục, không xông lên đến cõi sắc, hoặc xông được một phía, không thể xông ba phía còn lại. Mùi thơm của người giữ giới lan tỏa khắp mười phương.

Mùi thơm của hoa phải đến gần mới biết được. Mùi thơm của người giữ giới xông lên thẳng đến tầng Trời Cứu Cánh.

Cho nên nói:

Hoa thơm không ngược gió,

Hương thơm người đức khắp.

Chiên đàn rất thơm

Như hoa sen xanh

Dù là thơm thật

Không bằng thơm giới.

Chiên đàn rất thơm: Theo người đời nói thì gỗ trầm thủy, khắc chiên đàn, đều là hương liệu tốt, đó là mùi thơm từ gốc. Mùi thơm của hoa như mùi thơm hoa sen, của Phù Dung, của Chiên Bồ Tu Càn Đề, Mạt Tu Càn Đề cho đến hoa giải thoát, hoa thuần nhật tinh, hoa Phân Đà Lợi.

Mùi thơm của cả hằng ngàn thứ bông như vậy, nhưng vẫn không sánh nổi với mùi thơm của sự giữ giới. Mùi thơm này hơn cả ngàn vạn lần, triệu triệu lần hơn, không thể thí dụ nổi. Không thể dùng sự suy nghĩ, không thể dùng sự đo lường.

Cả ngàn thứ mùi thơm đó, chỉ làm vui một đời người, không thể theo người đến đời sau. Trái lại, hương thơm của sự giữ giới thì bao trùm hiện tại mà còn thơm mãi đến trăm ngàn kiếp, không bao giờ luống mất.

Cho nên nói:

Dù là thơm thật,

Không bằng thơm giới.

Mùi thơm hoa yếu

Không phải thơm thật

Hương thơm giữ giới

Vượt đến Cõi Trời.

Mùi thơm hoa yếu: Gỗ chiên đàn mộc khắc ở Trung Quốc thì quý giá, ở miền biên giới không có. Hương thơm giới đức xông qua các tầng Trời, dưới thì xông đến mười phương, lan tỏa khắp Thế Giới, ở đâu cũng ngửi được mùi thơm.

Cho nên nói: Mùi thơm hoa yếu, không phải thơm thật.

Hương thơm giữ giới, vượt đến Cõi Trời: Các vị Trời ở tầng Trời Đao Lợi, tâm ý buông lung, suy nghĩ tự do mà còn được ngợi khen. Người giữ giới tu thiện được phước, làm ác mắc tội.

Các phẩm: Giới, định, tuệ, giải thoát kiến tuệ, độ tri kiến, thật đáng kính đáng quý, là đạo vô thượng.

Vì sao?

Vì người như thế là bậc thầy dẫn đường của loài người, dẫn dắt chỉ bày con đường chánh, vén màn tăm tối mê muội, giúp người thấy được trí tuệ sáng suốt.

Cho nên nói:

Hương thơm giữ giới,

Vượt đến Cõi Trời.

Giới đủ thành tựu

Định ý vượt qua

Ma mê mất đạo

Ma không biết đạo.

Giới đủ thành tựu: Bốn bộ chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di mà giới đức đầy đủ, thanh tịnh, không mảy may thiếu sót thì Ma Vương dù có thế lực mạnh mẽ thống lĩnh cả cõi dục, độc tôn trong cõi dục, nhưng chúng không thể biết được quả vị mà bốn bộ chúng này chứng được, chúng cũng không biết được từ đạo quả nào mà được sạch hết lậu kết.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần