Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Tám - Phẩm Phỉ Báng - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM TÁM

PHẨM PHỈ BÁNG  

TẬP HAI  

Xa ngu, tu tâm nhẫn: Thường có tâm lo sợ, nghe ai phạm giới thì khắp mình nổi ốc. Phải dứt bỏ sự ngu tối, chịu đựng những gì khó chịu đựng.

Cho nên nói: Xa ngu, tu tâm nhẫn.

Nhớ Đế thì không phạm: Trừ khử nhơ bẩn, chấm dứt lỗi lầm, không gì hay bằng Tứ Đế. Nếu chú tâm không tán loạn, suy nghĩ thân mình từ trong chí ngoài đều không có chủ tể, thì sẽ không bị những tiếng phỉ báng.

Cho nên nói:

Nhớ Đế thì không phạm.

Biết dựa nội tạng

Sống nương Hiền Thánh

Ngu đọa đường ác

Vẫn còn tà kiến.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc thành Xá Vệ. Lúc ấy Ngài đang nói pháp cho mấy ngàn muôn chúng đang ngồi vây quanh trước sau Ngài nghe.

Có một thầy Tỳ Kheo lạ, đứng dậy khỏi chỗ ngồi, hở áo vai phải, bước đến chắp tay bạch Phật: Như Lai đừng nói việc yên nghỉ Niết Bàn, Như Lai đừng xới pháp nhiệm mầu xuất ly của Hiền Thánh, trong pháp hiện tại. Như Lai hãy tự an vui trong sự vắng lặng vô vi.

Lúc ấy Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các thầy hãy xem kẻ ngu này, tự đọa vào đường ác mất hẳn cả cuộc đời. Không phải ngày nay Tỳ Kheo này mới quở trách, ngăn cản Như Lai, mà từ vô số kiếp lâu xa về trước vào thời Đức Như Lai Tỳ Bà Thi, thầy Tỳ Kheo này cũng đã quở trách, ngăn cản không cho Đức Phật này nói pháp.

Không phải chỉ quở trách, ngăn cản Đức Như Lai Tỳ Bà Thi mà còn quở trách can ngăn Đức Như Lai Thi khí không cho nói pháp. Kế là quở trách, can ngăn Đức Như Lai Tỳ Xá Tỳ, kế là quở trách can ngăn đối với Đức Câu Lâu Như Lai, đối với Đức Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, đối với Đức Ca Diếp Như Lai.

Nay ta là Đức Như Lai thứ bảy, là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, thầy Tỳ Kheo này cũng lại quở trách, ngăn cản không cho nói pháp. Nếu Tỳ Kheo này lóng lặng tâm ý, không quở trách, ngăn cản Như Lai thì ngay tại chỗ ngồi liền dứt sạch hết các bụi nhơ, được mắt pháp thanh tịnh.

Lúc ấy, ở trước đại chúng, Đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:

Mất dịp tốt hôm nay

Lại lập lời thề nguyện

Không thể thấy Thánh Đế

Huống gì được rốt ráo.

Các Tỳ Kheo nên biết, kẻ phàm phu ngu si này, đối với đạo Hiền Thánh đã tự đánh mất bản thân, xa lìa Phật Pháp, Thánh Chúng.

Biết dựa nội tạng: Kho tàng chánh pháp sâu xa của Như Lai không hề nhiễm.

Việc này có ba: Một là A La Hán, là bậc hoàn toàn dứt hẳn kết sử, trong ba cõi. Hai là không còn sinh diệt, không còn mầm mống để sinh vào nơi nào khác. Ba là đối với sự cúng dường của Trời, người đều có khả năng tiêu hóa, khiến cho thí chủ trước đây được phước vô cùng.

Cho nên nói: Biết dựa nội tạng.

Sống nương Hiền Thánh: Có hai Bậc Hiền Thánh: Một là đầy đủ các căn lành đã thì gọi là Hiền Thánh. Hai là đã đầy đủ pháp vô lậu thì gọi là Hiền Thánh. Các Bậc Hiền Thánh này không sống bằng tà kiến mà nương vào trí tuệ nhiệm mầu của Phật Pháp sâu xa mà sống.

Cho nên nói: Sống nương Hiền Thánh.

Ngu đọa đường ác: Giống như Tỳ Kheo kia quở trách, ngăn cản không cho Như Lai nói pháp, đừng nói đến việc yên nghỉ Niết Bàn, Như Lai đừng nói pháp nhiệm mầu xuất ly của Hiền Thánh trong pháp hiện tại, Như Lai hãy tự an vui trong sự vắng lặng vô vi.

Vì sao phải nói pháp cho đại chúng nghe?

Đại loại như thế, kẻ ngu không tự biết đâu là chân thật nên họ tự vời lấy tai họa, họ muốn dung nước sôi, lửa cháy để làm nhà ở. Hạng người ấy ta không nên sống chung, chuyện vãn với họ.

Cho nên nói: Ngu đọa đường ác.

Vẫn còn tà kiến: Tâm còn kiến chấp do dự, sống với điên đảo lâu ngày, ăn khớp với biên kiến.

Như trong Khế Kinh nói: Phật bảo Trưởng Giả: Người tà kiến tự họ phạm vào những hành vi của than như đã nói, phạm vào những lời nói của miệng như đã nói, phạm vào sự suy nghĩ của ý như đã nói. Ý niệm nổi lên rong ruổi theo muôn mối, hoàn toàn theo tà kiến, không nên gần gũi. Vì theo họ thì căn lành diệt mất, hạt giống ác thêm nhiều.

Vì sao?

Trưởng Giả nên biết, tà kiến là mê lầm chánh pháp, giống như hạt Y xoa hoàn, hạt Đế đa la và hạt Thi la lê, được rải dưới đất, theo thời gian, dần dần được sự thấm nhuần ướt của nước, hơi nóng của lửa, sự vận chuyển của gió, chúng phát triển lớn lên.

Đó là những loại cây ăn vào rất đắng, lá cứng nhám lại vừa tanh hôi, không ăn được. Người mắc phải tà kiến cũng giống như vậy, tự phạm vào các hành động của thân, lời nói của miệng, sự suy nghĩ của ý.

Cho nên nói:

Vẫn còn tà kiến.

Trúc tre ra lóng

Lại hại thân nó

Nói lời tốt lành

Không nói lời ác.

Trúc tre ra lóng: Trúc tre ra lóng vừa to vừa dài. Nếu gặp gió thổi mạnh, chúng nương tựa vào nhau bởi các đốt. Các đốt tự khô mục không còn sống và lớn lên được nữa, lời nói của thầy Tỳ Kheo kia cũng lại như vậy. Chính mình với lấy tội chớ không do ai khác.

Cho nên nói: Trúc tre ra lóng, lại hại thân nó.

Nói lời tốt lành: Phải nói những lời nhân từ, thương xót tất cả.

Cho nên nói: Nói lời tốt lành.

Không nói lời ác: Nếu nói những pháp bất thiện thì sẽ đưa đến đường ác. Thân mạng con người vẫn còn hành động được, thì lời lẽ phải thông suốt minh bạch.

Cho nên nói:

Không nói lời ác.

Theo thiện được giải thoát

Làm ác, không giải thoát

Khéo hiểu là Bậc Hiền

Đó là thoát ác não.

Bậc Thánh hiểu khác hẳn

Như cái hiểu kẻ ngu.

Theo thiện được giải thoát: Đến nơi giải thoát vô vi thì lời nói phải thiện. Ai nói năng khéo léo hiền lành thì sẽ được mọi người kính trọng, đến bất cứ nơi đâu cũng được nhiều lợi ích.

Cho nên nói: Theo thiện được giải thoát.

Làm ác, không giải thoát: Thường sầu lo, tâm ý phiền não, hay sợ sệt.

Cho nên nói: Làm ác không giải thoát.

Khéo hiểu là Bậc Hiền: Nói giải thoát, chưa hẳn là được giải thoát. Vì có thể bị Vua bắt nhốt. Còn giải thoát ở đây thì thân và tâm đều giải thoát.

Cho nên nói: Khéo hiểu là Bậc Hiền.

Đó là thoát ác não: Sự trói buộc có hai nhân duyên là than đời này, chuyển dời đến thân đời sau. Thân đời này thì bị đánh đập khảo tra, xiềng xích trói buộc và chịu khổ đau bởi năm độc. Lại bị kết sử trói buộc, trôi lăn trong năm đường. Trong đó, nếu tự cứu mình được mới gọi là khéo hiểu.

Cho nên nói: Đó là thoát ác não.

Bậc Thánh hiểu khác hẳn: Bậc Hiền Thánh có hai việc là: Một là đầy đủ cội gốc pháp lành, hai là đầy đủ các pháp vô lậu. Lời dạy bảo do Bậc Hiền Thánh nói ra, không tự làm tổn hại mình, đời sau không bị khổ não.

Cho nên nói: Bậc Thánh hiểu khác hẳn.

Như cái hiểu kẻ ngu: Kẻ ngu quen thói đắm mê theo tà đạo, không đi theo con đường chính, để rồi họ tự dấn thân vào ba đường dữ.

Cho nên nói:

Khác cái hiểu kẻ ngu.

Tỳ Kheo có ý tổn

Lời phải thật, không bừa

Nói nghĩa đúng như pháp

Là lời nói mềm mỏng.

Tỳ Kheo có ý tổn: Tỳ Kheo giữ gìn miệng, ý, tự mình có khả năng gom nhiếp nó lại. Lời lẽ không nặng nề. Dù đời hay đạo, cũng phải nói cho trúng, không làm phiền nhiễu ai.

Cho nên nói: Tỳ Kheo có ý tổn.

Lời phải thật, không bừa: Nói ít mà trúng nhiều, không trái lời Phật nói. Cuộc sống thế tục đầy phiền toái, náo động, tâm thường xa lìa.

Cho nên nói: Lời phải thật, không bừa.

Nói nghĩa đúng như pháp: Nói đầy đủ, cú thân, vị thân, không thiếu sót.

Cho nên nói: Nói nghĩa đúng như pháp.

Là lời nói mềm mỏng: Nói ra vô lượng nghĩa làm cho người nghe hiểu được vui mừng, những điều nói ra khiến người nghe không cảm thấy nhàm chán và thấy đủ, như trời mưa nước cam lộ, tâm lành không nóng nảy, cũng không phải nói với tâm chọn lựa kẻ sang người hèn, mà nói với tâm bình đẳng, không thêm bớt.

Cho nên nói:

Là lời nói mềm mỏng.

Khéo nói pháp Hiền Thánh

Pháp nói đúng pháp, hai

Niệm nói như niệm, ba

Nói đế như đế, bốn.

Khéo nói pháp Hiền Thánh: Bậc Hiền Thánh lập ra giáo pháp chắc chắn là có lý do. Vì muốn tiếp độ chúng sinh tất cả đều được cứu giúp.

Cho nên nói: Khéo nói pháp Hiền Thánh.

Pháp nói như pháp, hai: Trong giáo pháp của Bậc Hiền Thánh, có sự tồn tại của chánh pháp và phi pháp.

Vì sao?

Khi nói chánh pháp là làm cho đạo của Bậc Hiền Thánh, được truyền rộng, nuôi lớn căn lành. Khi nói phi pháp thì làm cội gốc bất thiện them lớn, pháp lành giảm đi. Khéo nói pháp Hiền Thánh thì nói đúng như chánh pháp.

Cho nên nói: Pháp nói đúng pháp, hai.

Niệm nói như niệm, ba: Nói ra lời nói mềm mỏng thì được người nghe ưa thích và nhớ mãi. Nếu nói ra lời thô bỉ thì làm cho người nghe ghét bỏ. Muốn người ta nhớ mãi lời mình nói thì mình phải nghĩ đến điều thiện.

Dù là loài súc sanh đi nữa, nhưng khi nghe lời mắng chửi, chúng cũng sinh tâm buồn bã. Xưa có hai người, mỗi người đều nuôi một con trâu rất khỏe. Một người tự khoe khoang, muốn đọ sức trâu mình với trâu anh kia. Nếu ai thua sẽ mất năm trăm đồng tiền vàng. Cuộc đọ sức trâu được diễn ra bằng cách cho chúng cày ruộng và một con trâu sức mạnh đã thắng cuộc.

Trâu của chủ thách đấu lại thua, người chủ mắng trâu rằng: Mày là con trâu dở, hãy gắng sức lên! Nghe mắng như vậy, trâu liền nằm mẹp ra đất. Anh này thua năm trăm đồng tiền vàng.

Qua hôm sau, ông chủ lại trách trâu rằng: Mày nổi tiếng là trâu giỏi, ai dè làm tao phải mất tiền, lại xấu hổ với bè bạn.

Trâu thưa với chủ rằng: Xin chủ hãy cho tôi đấu sức một lần nữa. Tôi sẽ cố gắng đem hết sức mình, trả lại gấp bội số vàng kia. Chủ trâu liền thách đố cày đua một lần nữa. Quả nhiên, như lời trâu nói, ông chủ thu về gấp bội số tiền kia.

Ta thấy súc sanh mà còn biết phân biệt lời nói thiện, ác, huống gì là con người mà không phân biệt được lời hay dở hay sao?

Cho nên nói: Niệm nói như niệm, ba.

Nói đế như đế, bốn: Người ưa thích học đạo rất sợ tai nạn sinh tử trong năm đường. Nó chẳng những gây hao tổn, mà còn không ích lợi cho người học đạo. Vì nếu như thế, sẽ lấp bít con đường đến Niết Bàn, mở ra cánh cửa địa ngục. Đức Như Lai muốn làm sáng tỏ nghĩa mầu chân như.

Cho nên ngài nói rằng:

Nói đế như đế, bốn.

Cho nên dùng lời nói

Sẽ giúp mình khỏi nạn

Cũng không mắng mọi người

Đó là lời tốt đẹp.

Cho nên dùng lời nói: Trước khi nói, phải tự suy nghĩ cho mình không bị hại và khiến đời này, đời sau chắc chắn cũng không bị nạn khổ. Nếu thân này trái phạm luật vua một cách nặng nề thì tài sản, ruộng vườn bị sung vào của quan.

Hoặc bị cướp mất tài sản, gia nghiệp ngày một hao mòn, mong ước không được toại nguyện, hoặc sau khi chết đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ở trong địa ngục, không thể chịu nổi năm thứ độc hại. Làm súc sanh phải mang vác nặng nhọc. Trong cảnh ngạ quỷ thì bị đói khát tiều tụy khổ sở.

Vì thế, muốn nói điều gì, phải suy nghĩ cẩn thận, giúp cho đời này, đời sau không bao giờ bị khổ nạn, được vô số chúng sinh hễ trông thấy thì họ liền sinh tâm thương mến.

Sau khi chết, sinh lên Cõi Trời hưởng phước tự nhiên, vì thế nói rằng: Cho nên dùng lời nói, sẽ giúp mình khỏi nạn.

Cũng không mắng mọi người: Hoặc có người khùng nói xấu người lương thiện, làm cho họ giận dữ đưa đến mất mạng. Lời nói phải chân thật, không chê Bồ Tát và chỗ dở của người khác thì không bao giờ bị người mắng.

Cho nên nói: Cũng không mắng mọi người.

Đó là lời tốt đẹp: Người tu hạnh lành, lời nói phải đi đôi với việc làm, nếu nói đường chánh đạo đưa đến Niết Bàn thì phải thuận theo lời Phật dạy, gieo giống phước Trời.

Cho nên nói:

Đó là lời tốt đẹp.

Nói cho hợp ý người

Và khiến họ vui mừng

Không để sinh tâm xấu

Nói ra ai cũng thích.

Nói cho hợp ý người: Người ta ở đời phải theo phong tục tập quán địa phương, hoặc gặp nhau mở lời nói chuyện, hoặc nghe người nói trước rồi sau mới trả lời. Làm cho người ta vừa lòng, đúng theo ý muốn. Hoặc tỏ oai bắt nạt làm người ta sợ, hoặc tỏ vẻ yếu hèn quỵ lụy người ta. Phải giữ gìn tâm mình để làm người khác vui lòng.

Cho nên nói: Nói cho hợp ý người.

Và khiến họ vui mừng: Nói với người lời gì thì phải khiến họ được lợi ích, họ nghe càng vui mừng hơn. Không bị ai mắng nhiếc hay ai đến làm nhục mình.

Cho nên nói: Và khiến họ vui mừng.

Không để sinh tâm xấu: Không gây thù oán với ai, không làm những việc bất thiện, cũng không gây những nghiệp ác để bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, phải chịu ba thứ quả báo.

Cho nên nói: Không để sinh tâm xấu.

Nói ra ai cũng thích: Cùng làm việc với ai thì luôn tỏ thái độ khiêm hạ, cung kính họ. Dù khi tranh luận mà có thắng đi nữa vẫn tự coi mình kém cỏi, không bằng người ta.

Cho nên nói:

Nói ra ai cũng thích.

Lời chí thành cam lộ

Nói pháp không ai hơn

Nói thật nghĩa như pháp

Đó là lập gốc đạo.

Lời chí thành cam lộ: Nói pháp cho mọi người nghe thì phải tu các công đức. Pháp của Như Lai sâu xa nhiệm mầu, phải an trụ yên ổn vì thấy được tất cả hành pháp vô thường, tất cả pháp vô ngã. Niết Bàn là vắng lặng tột cùng. Khéo chế ngự tâm tán loạn. Nói pháp cho người nghe chớ biếng nhác.

Cho nên nói: Lời chí thành cam lộ.

Nói pháp không ai hơn: Lời nói ra chân chánh thì đạt lợi ích. Chỗ cốt yếu đi đến đạo nhờ đó được thông đạt.

Cho nên nói: Nói pháp không ai hơn.

Nói thật nghĩa như pháp: Như nghĩ nhớ bản tế chân thật thanh tịnh cũng không điên đảo, không hề luống dối. Đúng pháp nghĩa là danh cú, thân cú, vị cú, chân như pháp tánh cũng không thay đổi.

Cho nên nói: Nói thật nghĩa như pháp.

Đó là lập gốc đạo: Pháp lành vô lậu lìa hẳn bụi nhơ, đến cửa giải thoát, được đạo vô ngại, đó là lập gốc đạo.

Nói đúng như lời Phật

Là sớm được diệt độ

Đoạn dứt được mé khổ,

Là lời nói bậc nhất.

Nói đúng như lời Phật: Nói bốn cách dừng ý, thấu suốt nguồn gốc sinh tử, buộc niệm chuyên ý. Hoặc nói ý đoạn, tinh tấn không biếng nhác. Hoặc nói thần túc được cả định. Hoặc nói nghĩa gốc mà trong đó đạt được tuệ căn. Hoặc nói ý nghĩa của sức mạnh và đầy đủ sức mạnh. Hoặc nói giác ý khiến đạt được pháp giác ngộ.

Hoặc nói tám đường thẳng phân biệt với tám đường. Cũng lại nói một số các pháp thần danh thân, cú thân, vị thân Như Lai. Hoặc nói tám mươi ngàn các độ, các loài chúng sinh nương vào các độ này mà đến bờ bên kia.

Cho nên nói: Nói đúng như lời Phật.

Là sớm được diệt độ: Nơi vắng lặng, an lành hoàn toàn, tất cả đều được lợi ích, dứt các khổ lụy, thoát khỏi mọi kết sử, cũng thoát khỏi họa hoạn lo buồn về sinh, già, bệnh, chết.

Cho nên nói: Là sớm được diệt độ.

Đoạn dứt được mé khổ: Khổ là bởi thân năm ấm lẫy lừng, nó dẫn đến nơi năm tối, không thấy được ánh sáng trí tuệ. Khổ có tám thứ là sinh, già, bệnh, chết, oán thù mà phải gặp nhau, yêu mến mà phải chia lìa, cầu mong không toại nguyện.

Tóm lại, là khổ của năm ấm lẫy lừng. A tăng kỳ chúng sinh đã trải qua con đường khổ đến nơi vắng lặng hoàn toàn. Nếu ngày nay chúng sinh lại thực hành diệu quán thì họ vượt khỏi cảnh khổ, đến bờ vô vi, đều do ân đức của Phật.

Cho nên nói: Đoạn dứt được mé khổ.

Là lời nói bậc nhất: Ngôn giáo được nói ra không có pháp nào hơn nữa. Hàng Nhị Thừa cũng không theo kịp, lời nói này cứu giúp rộng lớn, vô lượng, cũng phước đức vô biên.

Cho nên nói: Là lời nói bậc nhất.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần