Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Bảy - Vãng Cổ - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP HOA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BẢY

VÃNG CỔ  

PHẦN HAI   

Lúc bấy giờ Đức Đại Thông Chúng Tuệ Như Lai thấy vô lượng, vô số trăm ngàn muôn ức chúng sinh ở mười phương và mười sáu vị Vương Tử khuyến thỉnh Thuyết Pháp, tức thời ba lần chuyển đại pháp luân mười hai hành, khai hóa chỉ dạy Sa Môn, Phạm Chí, Chư Thiên, Long, Thần, các Ma, Phạm Thiên và tất cả nhân dân, vì họ mà nói về sự thật của khổ: Đây là Khổ Đế, cho đến Tập Đế và Đạo Đế, do theo Đạo Đế ấy mà chấm dứt khổ đau.

Sau đó Đức Phật giảng rõ, phân biệt đầy đủ pháp mười hai nhân duyên, từ si dẫn đến hành, từ hành dẫn đến thức, từ thức dẫn đến danh sắc, từ danh sắc dẫn đến lục nhập, từ lục nhập dẫn đến tập, từ tập dẫn đến thống, từ thống dẫn đến ái, từ ái dẫn đến thọ, từ thọ dẫn đến hữu, từ hữu dẫn đến sinh, từ sinh dẫn đến họa lớn già, bệnh, chết, ưu khổ…

Này các Tỳ Kheo! Đức Đại Thông Chúng Tuệ Như Lai nói Kinh Pháp đến lần thứ ba, trong khoảnh khắc phân biệt nghĩa ấy, khiến cho mười sáu ức trăm ngàn vị trong chúng được lậu tận, tâm ý giải thoát, đạt được trí tam minh và lục thông, vô số người đều được độ thoát.

Phật thuyết pháp như vậy cho đến lần thứ ba, lần thứ tư, hằng hà sa chúng sinh nghe Kinh, tất cả đều được lậu tận, tâm ý giải thoát.

Từ đó các chúng Thanh Văn nhiều không tính kể được.

Bấy giờ mười sáu vị Vương Tử vì lòng tin nên đều xuất gia học đạo và làm Sa Di, thông minh trí tuệ, có nhiều phương tiện vì đã từng cúng dường trăm ngàn muôn ức Đức Phật, tạo lập các hạnh mong cầu Tuệ Giác Vô Thượng, đều cùng nhau bạch Phật: Nay chúng Thanh Văn trong đại hội, có vô số trăm ngàn muôn ức người đã thành tựu viên mãn và có đại thần túc. Cúi xin Thế Tôn vì chúng con diễn giảng đạo nghĩa vô thượng chánh chân.

Mong Thế Tôn dùng đại trí tuệ quán kiến chỉ bày cho chúng con việc ấy. Chúng con sẽ theo học Đại Thánh Giáo của Như Lai và cùng nhau khuyến tấn, quán sát cội nguồn của nó.

Đức Thế Tôn rõ biết tâm niệm của các Vương Tử, liền giảng thuyết Kinh Pháp cho quốc vương và hàng quyến thuộc, có tám mươi ức trăm ngàn người đều làm Sa Môn.

Lúc ấy Đức Phật quán thấy nguồn tâm của các Sa Môn đó, trong hai vạn kiếp thuyết Kinh Phương Đẳng Chánh Pháp Hoa Bồ Tát Sở Hạnh Nhất Thiết Phật Hộ. Đức Phật giảng kinh đó xong, bốn bộ chúng đều tin nhận như nhau, mười sáu anh em Vương Tử là Sa Di nghe lời Phật dạy cùng nhau thọ trì, đọc tụng, giảng giải, được Phật thọ ký sẽ đạt đạo quả vô thượng chánh giác.

Phật thuyết Kinh ấy xong, các bậc Thanh Văn hoan hỷ, mười sáu vị Sa Di và trăm ngàn vô số các chúng Bồ Tát đều đạt được chí nguyện của mình.

Đức Phật Thuyết Pháp như vậy trong tám vạn kiếp chưa từng ngừng nghỉ. Đức Phật thuyết Kinh ấy xong, tiền vào tịnh thất nơi thanh vắng chuyên tinh thiền định bốn mươi vạn kiếp.

Bấy giờ mười sáu Vương Tử làm Sa Di hành đạo Bồ Tát vốn là con Phật, thấy Đức Thế Tôn độc cư nơi thanh vắng, mỗi vị đều lên Pháp Tòa giảng rộng pháp nghĩa kia, ở trong tám vạn bốn ngàn kiếp phân biệt thuyết Kinh.

Mỗi vị Bồ Tát hóa độ sáu mươi vạn hằng hà sa trăm ngàn muôn ức chúng sinh an trú trong đạo vô thượng chánh chân, đều lập hạnh Đại Thừa.

Đức Đại Thông Chúng Tuệ Như Lai qua tám mươi bốn vạn kiếp mới xuất thiền, đến Pháp Tòa, bảo tất cả chúng Tỳ Kheo: Mười sáu Vương Tử này đã thành tựu công đức vô lượng, rất là ít có, trí tuệ siêu việt hy hữu, đã từng cúng dường muôn ức Chư Phật, các hạnh đầy đủ, thừa hưởng trí tuệ của Phật, vào đạo giác ngộ để chỉ dạy chúng sinh cũng thâm nhập Phật trí.

Các chúng Tỳ Kheo đều phải cung kính cúi đầu, luôn luôn thân cận mười sáu vị Hiền Nhân ấy mà không nên giải đãi.

Vì chí nguyện mong cầu Thanh Văn, Duyên Giác thừa, họ đã được con đường Thanh Văn, Duyên Giác.

Nếu ai tu tập hạnh Bồ Tát đã được thành tựu như vậy. Những ai mới phát tâm sẽ được thọ ký cho.

Này các Tỳ Kheo! Những ai nghe Kinh Pháp này có thể kính tin đều sẽ đạt được đạo vô thượng chánh chân, thành tựu tuệ giác của Phật.

Náy các Tỳ Kheo! Những ai vâng theo lời giáo huấn của Thế Tôn, luôn luôn tin hiểu chánh pháp mà thuyết giáo cho tất cả chúng sinh. Mười sáu Vương Tử kia đầy đủ Bồ Tát thừa, mỗi một vị khai hóa sáu mươi hằng hà sa người.

Họ sống nơi nào cũng thường được những người kia thân cận, cũng lại theo nghe giáo nghĩa chánh pháp.

Nhờ vậy mà mỗi mỗi chúng sinh ấy được gặp bốn mươi ức trăm ngàn Chư Phật như ta nay đang tuyên thuyết cho bốn chúng.

Các Tỳ Kheo có biết mười sáu Vương Tử khi ấy là ai chăng?

Các Tỳ Kheo thưa: Thưa không, bạch Thế Tôn!

Đức Phật dạy: Mười sáu Vương Tử đó nay đều đã thành đạo vô thượng chánh chân, hiện đang nói pháp trong cõi nước mười phương, cứu giúp vô số trăm ngàn muôn ức hiệu chúng Thanh Văn, các vị Bồ Tát không thể kể hết.

Hiện tại ở phương Đông, Thế Giới Thậm lạc có hai vị Phật Hiệu Vô Nộ, Sơn Cương Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.

Hai vị Phật hiện ở phương Đông Nam hiệu Sư Tử Hưởng và Sư Tử Tràng Như Lai.

Hai vị Phật hiện ở phương Nam hiệu Nhất Trụ và Thường Diệt Độ Như Lai.

Hai vị Phật hiện ở phương Tây Nam hiệu Đế Tràng và Phạm Tràng Như Lai.

Hai vị Phật hiện ở phương Tây hiệu Vô Lượng Thọ và Siêu Độ Nhân Duyên Như Lai.

Hai vị Phật hiện ở phương Tây Bắc hiệu Chiên đàn Thần Thông và Sơn Tàng Niệm Như Lai.

Hai vị Phật hiện ở phương Bắc hiệu Nhạo Vũ và Vũ Âm Vương Như Lai.

Một vị Phật hiện ở phương Đông Bắc hiệu Trừ Thế Cụ.

Ta nay hiệu là Năng Nhân ở Thế Giới Kham nhẫn này thành Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, hợp lại là mười sáu Đức Thế Tôn.

Này các Tỳ Kheo! Lúc chúng ta còn làm mười sáu vị Sa Di ở trong đời Đức Phật kia, đã giảng thuyết Kinh Pháp cho chúng sinh nghe nhận. Mỗi Bồ Tát khai hóa cho vô lượng hằng hà sa trăm ngàn muôn ức chúng sinh phát tâm hướng về đạo vô thượng chánh chân.

Những chúng sinh đó nay được thành tựu đạo Bồ Tát hoặc có người trụ bậc Thanh Văn, dần dần được khuyên dạy sẽ tiến đến đạo lớn vô thượng và dần dần sẽ thành tối Chánh Giác.

Vì sao?

Trí tuệ của Như Lai không thể tính đếm và không có hạn lượng, chúng sinh không thể tin hiểu như thế này được.

Này các Tỳ Kheo! Vì sao như thế?

Lúc còn làm Bồ Tát, ta đã khai hóa cho vô lượng trăm ngàn muôn ức hằng hà sa số chúng sinh, những người có trí nghe hiểu, tin nhận. Trong đời vị lai hoặc có người phát tâm làm đệ tử, theo học thành tựu quả Thanh Văn, về sau lại không chịu nghe hiểu giáo nghĩa Bồ Tát, không biết trí tuệ Phật, không hành hạnh Bồ Tát.

Tất cả đều tưởng rằng tâm chí đã an trụ trong giải thoát, cho là đã được diệt độ. Họ cần phải đến nơi Thế Giới Phật khác, sinh vào cõi nước Phật khác, tu tập thuận theo các hạnh đặc thù, phải cầu đạo tuệ, nghe nhận tin hiểu, khi ấy mới hiểu rõ được pháp của Như Lai chỉ có một Phật thừa mà không có hai thừa.

Tất cả đều là Như Lai khéo dùng phương tiện thuyết Tam Thừa mà thôi.

Khi Đức Như Lai Chánh Giác diệt độ, nếu có người cúng dường dùng hạnh thanh tịnh, ưa thích, kính tin pháp vi diệu, đến với Kinh Điển này, nhất tâm thanh tịnh nơi đại thiền định.

Nên biết rằng lúc bấy giờ người đó ở nơi Đức Như Lai nhóm họp tất cả chúng Bồ Tát và tất cả chúng Thanh Văn tín thọ pháp này, khi ấy mới biết Phật đạo ở thế gian không có hai thừa đưa đến giải thoát hoàn toàn.

Đó chỉ là do Đức Như Lai Chánh Giác khéo léo dùng phương tiện để nói mà thôi.

Những chúng sinh ưa hạnh Tiểu Thừa hạ liệt thì đã tự đánh mất hạt giống Phật từ lâu, không hiểu rõ con người vốn bị dục vọng trói buộc. Khi Đức Như Lai diệt độ, nếu có chúng sinh nghe nói kinh, hoan hỷ kính tin, chúng sinh đó đã được ân đức Chư Phật hộ niệm.

Ví như con đường vắng vẻ dài năm trăm dặm, xa thăm thẳm tuyệt nhiên không một bóng người, cũng không có làng xóm.

Có một vị thầy dẫn đường thông minh sáng suốt liền tìm ngõ ngách và sự gần xa của con đường để chỉ cho đoàn người muốn vượt qua con đường xa xăm ấy, nhưng tất cả đều mỏi mệt không thể tiến bước nữa.

Họ luyến tiếc nghĩ rằng: Chúng ta ở yên nơi đất Thánh, đất nước thanh bình, có vua quan, thầy bạn, mẹ cha, nay phải lặn lội đến con đường xa xôi chẳng thể đi được nữa, thà rằng cùng nhau trở về để thoát khỏi nạn khổ này.

Vị thầy dẫn đường thương xót họ đã quyết tâm đi tìm châu báu, giữa đường lại hối tiếc muốn lui về nên phương tiện quyền biến ở nơi khoảng đất trống rộng lớn độ bốn ngàn hay tám ngàn dặm, dùng sức thần túc hóa làm một cái thành lớn mà bảo những người khách buôn: Các ngươi chớ ôm lòng lo sợ muốn lui về, đã đến đại quốc rồi, chúng ta có thể nghỉ ngơi ở đây, tùy ý các ngươi muốn tha hồ ăn uống, hoặc muốn tìm nhiều châu báu ở đây cũng được.

Này các Tỳ Kheo! Lúc đó những người khách buôn thấy trong thành nhân dân đông đúc, vô cùng vui vẻ, lấy làm lạ việc chưa từng có.

Họ hết đau khổ, được vui vẻ, an ổn, không còn lo sợ họa thiếu thốn, đói khát, tự cho rằng đã được tột đỉnh an lạc.

Lúc ấy vị hướng dẫn biết mọi người được nghỉ ngơi một ngày không còn mỏi mệt, liền diệt hóa thành không còn dấu vết và bảo với mọi người: Các người nên mau tiến bước đến vùng đất có nhiều châu báu. Vì thấy các ngươi đi đường mỏi mệt, tâm sợ sệt cho nên ta mới hóa ra thành ấy.

Này các Tỳ Kheo! Như Lai cũng như thế, vì các ông mà làm Đạo Sư nói Kinh Pháp. Vì thấy chúng sinh trôi lăn triền miên trong con đường sinh tử, tai họa gian nan, thiếu thốn nên hiện ba thừa, thiền định nhất tâm khiến được Niết Bàn.

Như Lai vốn chỉ dạy có một thừa, chúng sinh nghe Như Lời giảng pháp không nhận đạo tuệ, hoặc họ nhàm chán cho rằng phải lâu ngày chịu gian lao khổ nhọc mới được thành tựu. Như Lai biết tâm niệm của họ mỏi mệt, giải đãi nên vì họ mà hiện quả Thanh Văn, Duyên Giác để đạt đến, giống như một vị thầy hướng đạo kia hóa thành lớn, nhân dân đông đảo.

Khi đoàn người được nghỉ ngơi an ổn rồi thì thành lớn ấy tự biến mất. Vị thầy hướng đạo ấy vì các thương nhân mà nói thành huyễn hóa, vị Đạo Sư đó chính là Đức Như Lai. Đồng trống mênh mông ví cho năm đường sinh tử.

Những người khách buôn đó là chỉ cho các ông. Đi tìm châu báu là ý nói pháp hạnh, đạo tuệ của Bồ Tát. Giữa đường mỏi mệt muốn lui về nghĩa là Phật đạo khó được, phải trải qua nhiều kiếp tích lũy công Đức còn chưa có thể thành tựu được.

Đức Như Lai dụ dẫn để chúng Thanh Văn, Duyên Giác dễ tu tập nên hóa làm thành lớn gọi là Niết Bàn của bậc La Hán. Thành lớn biến mất, đó là dụ cho lúc sắp diệt độ.

Đức Phật ngay lúc đó khuyến khích cho họ phát tâm hướng về đạo vô thượng chánh chân, quả vị A La Hán đó vẫn còn bị ngăn ngại, chẳng phải đã thật đạt đến đạo lớn.

Nếu đến phương khác được thấy Chư Phật, được quả vị không thoái chuyển, hoàn toàn giải thoát, đó mới gọi là chỗ cứu cánh nơi kho tàng châu báu lớn.

Này các Tỳ Kheo! Như Lai thuyết pháp cho các ông nghe vậy, cho đó là hoàn toàn đầy đủ, các ông không biết rằng chỗ tu tập của các ông vẫn chưa xong. Lại nữa, trí tuệ Như Lai thấy khắp tất cả tâm của người trong thế gian mà thị hiện Niết Bàn.

Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác đã khéo dùng phương tiện mà nói có ba thừa.

Khi ấy Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên nên nói kệ:

Xưa có Đạo Sư

Đại Thông Chúng Tuệ

Ngồi nơi Đạo Tràng

Dưới cội cây Phật,

Thiền định nhất tâm

Đến mười trung kiếp

Vốn chưa thành tựu

Đạo nghĩa cứu cánh.

Chư Thiên, Long Thần

Chúng A Tu Luân

Phát lòng tinh tấn

Cúng Bậc Tối Thắng,

Hoa trời lớp lớp

Tuôn xuống như mưa

Rải trên Đức Phật

Bậc thầy cõi người,

Ở trong hư không

Trống trời vang dội

Để dâng hiến cúng

Đại Thánh thượng tôn.

Tối thắng nơi ấy

Tinh cần khổ hạnh

Công hạnh dài lâu

Thành đạo Vô Thượng

Thiền định tư duy

Trong suốt mười kiếp

Mới thành Phật Quả

Đại Thông Chúng Tuệ

Chư Thiên, nhân dân

Trăm ngàn muôn ức

Tất cả chúng sinh

Hoan hỷ phấn chấn.

Đức Phật vốn có

Mười sáu người con

Đều theo vâng thọ

Như Lai khai hóa,

Các loại chúng sinh

Trăm ngàn muôn ức

Quyến thuộc vây quanh

Đi đến chỗ Phật

Cúi đầu đảnh lễ

Sư trưởng thánh tôn

Ân cần khải thỉnh

Xin giảng pháp Kinh

Sư tử dũng mãnh

Pháp chưa từng nói

Chúng con đông nhiều

Và cả nhân dân

Khắp mười phương cõi

Cả Thế Giới này

Lâu vô lượng kiếp

Đại Thánh mới hiện.

Cung điện Phạm Thiên

Bỗng nhiên rực sáng

Hiện các điềm lành

Đều phân biệt nói.

Thế Giới phương Đông

Trăm ngàn muôn ức

Năm trăm cõi nước

Tự nhiên chấn động.

Các Phạm Thiên ấy

Ở cung điện mình

Oai thần công đức

Tối thượng cao vời

Khi đó thấy được

Tướng điềm lành kia

Liền tìm đến Phật

Đấng xót thương đời

Rồi đem hoa trời

Rải cúng Đại Nhân

Đều dùng cung điện

Dâng lên Thế Tôn.

Ca nhạc đàn sáo

Khen công đức Phật

Thỉnh Đấng Đạo Sư

Chuyển vận pháp luân.

Đấng Nhân Trung Tôn

Lặng yên nhận lời

Vì khắp chúng sinh

Giải nói Kinh Pháp

phương Tây, phương Nam

Thế Giới phương Bắc

Phương Trên, Phương Dưới

Cùng khắp các nơi

Ức ngàn muôn chúng

Phạm thiên đều đến

Dâng vật bảo trân

Cúng dường Đức Phật,

Lại có phương Dưới

Các cõi Phạm Thiên

Khắp nơi cũng vậy

Giống nhau không khác

Đều đem cung điện

Dâng Bậc Đại Thánh

Ca ngợi Như Lai

Cùng nhau khuyến thỉnh

Xin chuyển pháp luân.

Đấng đại trí tuệ

Vô số ức kiếp

Rất khó được gặp

Nguyện thương thị hiện,

Căn lực từ xưa

Xót thương rộng mở

Cửa pháp cam lộ

Mắt pháp khắp nơi

Phân biệt nghĩa tuệ

Tuyên dương Kinh pháp

Cho khắp mọi loài.

Khi ấy Thế Tôn

Chỉ bày Tứ Đế

Giải đủ tất cả

Mười hai nhân duyên,

Thông tuệ hiển bày

Khiến được mắt sáng.

Phật thuyết sinh tử

Là hoa khổ sầu

Tất cả thế gian

Đều từ sinh hữu

Nên biết nhân này

Đưa đến chìm đắm.

Như Lai tuyên thuyết

Pháp cứu cánh này

Bao nhiêu chủng loại

Vô số ức người

Tám mươi muôn ức

Tất cả chúng sinh

Nghe lời Phật dạy

Trụ Thanh Văn thừa

Huống gì phương khác

Lập đệ nhất địa

Khi ấy Thế Tôn

Thuyết giảng nghĩa kinh

Chúng sinh thanh tịnh

Như hằng hà sa

Tâm chí đều trụ

Hạnh của Thanh Văn

Thánh chúng của Phật

Số người như trên

Tất cả cùng tính

Không thể biết được,

Các loài chúng sinh

Mỗi mỗi như vậy

Đều cùng như đây

Lập tuệ vô thượng.

Bấy giờ mười sáu

Vương Tử của Phật

Cùng đến thọ học

Một lòng như nhau

Tất cả xuất gia

Đều làm Sa Di

Và đều hiểu rõ

Kinh Phương Đẳng Phật.

Họ sẽ thành quả

Từ phụ ở đời

Các ông như vậy

Đều được thắng trí

Những chúng sinh đây

Đều được như thế.

Lại như Thế Tôn

Là mắt của pháp

Tối thắng chí thành

Biết rõ nguồn tâm,

Các con thơ bé

Thường hành bình đẳng

Mà vì chúng sinh

Thuyết đạo vô thượng.

Trăm ngàn muôn ức

Vô số thí dụ

Thị hiện nhân duyên

Và các quả báo

Phân biệt các pháp

Các tuệ suốt thông

Công hạnh phải làm

Như chư Bồ Tát.

Lúc đó Đại Thánh

Vì hiện Chân Đế

Tuyên bố hiển dương

Chánh Pháp Hoa này

Thuyết giảng khắp nơi

Kinh Đại Phương Đẳng

Muôn ngàn câu kệ

Không thể nghĩ bàn

Như cát Sông Hằng

Không thể hạn lượng.

Khi ấy Phật thuyết

Kinh Pháp xong rồi

Liền vào tịnh thất

Tư duy thiền định

Tám muôn bốn vạn

Trong kiếp an nhiên

Thế hùng Đạo Sư

Thiền định như vậy

Thời các Sa Di

Trông thấy Đại Thánh

Ở nơi tịnh thất

Và không ra ngoài

Khai hóa nhân dân

Vô số ức ngàn

Giác liễu thiền định

Thanh tịnh vô lậu

Trí tuệ đệ nhất.

Nơi đại Pháp Tòa

Mỗi vị tuyên dương

Pháp Kinh Đại Thánh

An trụ thuyết giảng

Lưu bố giáo hóa

Như Phật không khác

Chúng sinh được độ

Như cát Sông Hằng

Không thể hạn lượng

Ức ngàn vô số

Đều nghe, tin nhận

Họ được an trú

Mỗi mỗi chúng sinh

Được Phật Giáo hóa

Số nhiều vô lượng.

Bậc Tối thắng ấy

Sau khi diệt độ

Chúng hữu học kia

Thân cận, gần gũi

Bốn mươi ức Phật

Được nghe danh hiệu

Liền đến cúng dường

Đấng Lưỡng Túc Tôn.

Có bốn hành sự

Ly cấu là quý

Đều được Phật Đạo

Hiện ở mười phương

Mười sáu đồng tử

Đều là con Phật

Ở khắp tám phương

Trải rộng nghĩa đạo

Với lời Phật nói

Người nghe tin nhận

Là các Thanh Văn

Đệ tử của Phật

Dần dần dạy bảo

Bao nhiêu sắc tượng

Nay sẽ gần gũi

Phát ý đại đạo.

Bấy giờ chính ta

Đã được giác ngộ

Khiến cho tất cả

Đều được nghe nhận,

Nay các hiền giả

Là bậc Thanh Văn

Ta dùng phương tiện

Chỉ dạy mọi người.

Đời trước của ta

Báo ứng như vậy

Đúng thời thuyết pháp

Nhân duyên như vậy.

Nếu không kham nhẫn

Tu tập Phật Đạo

 Tỳ Kheo nên biết

Do ma khuấy nhiễu

Tùy theo bản tánh

Hung hăng phóng túng

Chí chẳng phụng hành

Không thích không tuệ,

Vô số trăm đời

Khát không gặp nước

Lại phải ngu si

Thường luôn lo sợ

Vô sô trượng phu

Trăm ngàn muôn ức

Cất bước cao xa

Vượt qua đồng trống

Lại thấy mênh mông

Xa xăm gian khó

Dặm đường xa xôi

Năm trăm do tuần

Có một Đại Nhân

Bậc Hiền minh triết

Đạo Sư khai hóa

Tâm không sợ hãi

Vì đoàn khách buôn

Chỉ dẫn con đường

Hoang vắng xa xăm

Nhiều người ngại khó

Vô số ức kẻ

Mỏi mệt, nhọc nhằn.

Họ đến Đạo Sư

Mà thưa thế này:

Chúng tôi mỏi mệt

Không thể tiến bước

Hôm nay bọn tôi

Chỉ muốn quay về.

Đạo Sư thông minh

Bậc thầy phương tiện

Ân cần dẫn dụ

Dạy bảo vỗ về,

Xót thương đường tối

Muốn bỏ châu báu

Mệt mỏi vô cùng

Giữa đường thoái lui,

Ta nay cần phải

Hiện sức thần thông

Tạo lập hóa làm

Thành quách rộng lớn

Tốt đẹp trang nghiêm

Nhân dân vô số

Và lập phòng ốc

Vi diệu đẹp đẽ

Lại biến hóa ra

Sông ngòi rộng lớn

Ao tắm vườn cây

Sum suê hoa trái

Dinh thự cung điện

Cửa lớn tường cao

Nam nữ đông đủ

Nhiều trăm ngàn ức

Dụ dỗ khuyến khích

Khiến họ không sợ

Ai cũng hân hoan

Vui mừng không xiết

Hôm nay được đến

Nơi thành lớn này

Vào chợ vui chơi

Muốn gì cũng được

Tâm rất vui mừng

Như được diệt độ.

Chúng ấy và ta

Gian nan đã hết

Vì được an ồn

Cho nên vui mừng

Hôm nay mọi người

Tha hồ vui chơi

Đã được an lạc

Quán sát khắp nơi

Tâm ý mọi người

Rồi trịnh trọng bảo

Tất cả đến đây

Nghe lời ta nói:

Ta dùng Thần Túc

Hóa làm thành lớn

Ta nay quán sát

Gai gốc khô cằn

Mọi người sợ sệt

Muốn lui trở về

Ta dùng phương tiện

Hóa hiện các thứ

Hãy nên siêng năng

Theo đường tiến bước.

Này các Tỳ Kheo!

Ta cũng như vậy

Thấy vô số ức

Trăm ngàn chúng sinh

Chán họa khốn khổ

Mê hoặc luân hồi,

Ta dùng phương tiện

Khai đạo dạy bày

Vì Phật nghĩ thế

Nghĩa lợi như vậy

Nhàm chán Phật đạo

Không được Niết Bàn

Tất cả lời Phật

Học rõ suốt thông,

Các ông thành tựu

Nay đắc La Hán

Cho nên khuyến lập

Nhận báo đức này

Được gặp chư Hiền

Đạt quả La Hán.

Tất cả các ông

Được lìa các khổ

Tất cả chúng hội

Mới diễn pháp này.

Chư Phật Đại Thánh

Khéo dùng phương tiện

Giảng thuyết giáo pháp

Đại tiên cứu hộ

Có một Phật thừa

Chưa từng có hai

Vì các người nghỉ

Nên phân biệt nói.

Do đó giáo hóa

Các Tỳ Kheo đây

Nên phát tinh tấn

Đệ nhất nhiệm mầu,

Mọi người sẽ đạt

Tất cả mẫn tuệ

Giáo pháp Bồ Tát

Không có diệt độ.

Ta thường mong cầu

Thành các thông tuệ

Đạt đến mười phương

Pháp Kinh Tôi thắng,

Dung mạo xinh đẹp

Ba mươi hai tướng

Sẽ thành Phật đạo

Mới nên diệt độ

Chư Đại Đạo Sư

Thuyết pháp như thế

Chớ khiến ngừng nghỉ

Tự cho diệt độ.

Vì được ngừng nghỉ

Nói đạt vô vỉ

Vì do duyên này

Dẫn vào tuệ giác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần