Phật Thuyết Mười Giới Pháp Và Oai Nghi Của Sa Di - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT MƯỜI GIỚI PHÁP

VÀ OAI NGHI CỦA SA DI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống  

PHẦN BA  

Sa Di vào nhà tắm phải biết năm việc:

1. Không được vào trước thầy.

2. Không được ngồi trước mặt thầy.

3. Thầy chưa dùng nước xong không được đem đi.

4. Giả sử muốn kỳ lưng cho thầy phải thưa thầy trước.

5. Thầy tắm xong phải lấy áo đưa trước.

Phần oai nghi của Sa Di hầu thầy vào buổi xế trưa, thăm hỏi, lễ kính phải biết mười ba việc:

1. Phải dậy sớm súc miệng.

2. Chỉnh đốn lại y phục.

3. Vấn an sức khỏe của thầy.

4. Thầy ở trong phòng, nếu muốn vào trước phải lấy vật trên đầu xuống và mang dưới chân ra.

5. Không được bước theo dấu chân thầy.

6. Phải đứng bên ngoài gõ cửa ba tiếng mới được vào.

7. Đầu mặt cúi xuống làm lễ.

8. Nếu thầy dạy ngồi, phải từ chối ba lần mới được ngồi.

9. Ngồi phải ngay thẳng.

10. Thầy hỏi phải trả lời cho rõ ràng.

11. Nếu thầy không hỏi thì nên im lặng.

12. Xong việc phải cúi đầu lui ra giống như lúc đầu.

13. Khi muốn ra cửa, phải đi thụt lùi.

Sa Di cầm bình phải biết mười lăm việc:

1. Rửa sạch bình đựng nước.

2. Phải đặt chỗ cũ.

3. Bình phải đầy nước sạch.

4. Không được lấy nước cách đêm.

5. Phải chuẩn bị đầy đủ bàn chải răng.

6. Chặt bàn chải răng đúng cỡ.

7. Bình rửa để cách đất một tấc.

8. Cầm bình nước, tay trái cầm trên tay phải đỡ dưới.

9. Đổ nước phải lượng thầy dùng nhiều hay ít.

10. Không được làm phát ra tiếng.

11. Khăn tay phải đặt chỗ cũ.

12. Cầm khăn tay trái, phải trao qua tay phải của thầy.

13. Đổ nước dơ phải có chỗ.

14. Không đổ nước dơ lên đất sạch.

15. Khăn dùng xong phải đặt lại chỗ cũ.

Rưới nước quét dọn, chỗ nằm ngồi phải biết tám việc:

1. Thường hướng về bậc tôn trưởng.

2. Không được xoay lưng về phía thầy.

3. Rưới nước phải nhẹ tay, tùy lượng nước nhiều hay ít.

4. Dùng sọt rác phải hướng về mình.

5. Đổ rác phải đúng chỗ.

6. Lau giường chiếu.

7. Sắp xếp y phục mền gối.

8. Quét dọn chỗ nằm ngồi không gây ra tiếng động.

Dâng thức ăn cho thầy phải biết mười bốn việc:

1. Phải chuẩn bị đầy đủ khăn sạch.

2. Muốn dâng thức ăn phải bưng hai tay.

3. Bước thẳng.

4. Quỳ xuống dâng cho thầy.

5. Giữa đường không được cùng người nói cười.

6. Đặt thức ăn không được ra tiếng.

7. Dâng thức ăn nóng nguội phải hợp ý thầy.

8. Đũa muỗng phải sạch.

9. Chỗ nào nhiều phải chia ra cho đều.

10. Phải đứng chỗ cũ.

11. Phải đứng ngay thẳng.

12. Thầy dùng xong phải dọn từ từ.

13. Lấy phải thứ tự.

14. Quét dọn, rẩy nước, rửa bát tất cả như pháp quy định.

Nhận pháp y và giày dép phải biết mười việc:

1. Tay trái cầm trên tay phải đỡ dưới.

2. Phải quỳ xuống nhận ở thầy.

3. Nếu xếp y, không được dùng miệng ngậm.

4. Không được giũ có tiếng.

5. Đặt lại chỗ cũ.

6. Dùng khăn phủ lên trên.

7. Lấy giầy trước phải giũ bụi.

8. Không để có tiếng.

9. Đặt dưới đất phải ngay thẳng.

10. Để lại chỗ cũ.

Lấy bình bát và bình rửa, biết tám việc:

1. Trước phải lau cho sạch.

2. Hai tay đỡ dưới.

3. Quỳ xuống lấy bình bát của thầy.

4. Rửa bát phải dùng trái bồ kết hoặc tháo đậu.

5. Dùng tay rửa bên trong.

6. Có việc phải đi gấp nên đặt dưới ánh nắng mặt trời.

7. Hoặc hơ lửa cho khô.

8. Việc xong phải đặt lại chỗ cũ.

Lấy Tích Trượng phải biết bảy việc:

1. Phải lau cho sạch.

2. Không được để nằm dưới đất.

3. Không được dùng để ra dấu.

4. Không để làm ra tiếng.

5. Phải cầm hai tay.

6. Quỳ xuống dâng cho thầy.

7. Phải đặt lại chỗ cũ.

Hầu thầy tắm gội, cạo tóc, sáng tối mặc y phục phải biết mười hai việc:

1. Làm việc phải có tâm cung kính, phải biết những việc cần làm.

2. Phải tùy theo khí hậu nóng lạnh.

3. Quét dọn nhà tắm.

4. Chuẩn bị nước nóng sạch.

5. Đầy đủ bồ kết, bột rửa và dầu thoa.

6. Phải chuẩn bị khăn tay sạch.

7. Trời lạnh phải có lò lửa.

8. Đứng ngay thẳng bên ngoài không cho người vào.

9. Cạo tóc nên đúng chỗ quy định.

10. Phơi y phục phải đợi cho khô.

11. Nếu có việc phải đi gấp, phải nhờ người lấy, không được để quên.

12. Việc xong để lại chỗ cũ.

Cầm hương, dâng hoa phải biết bảy việc:

1. Phải lau sạch lò hương

2. Phải vứt bỏ hoa cũ.

3. Nên để lửa vừa phải.

4. Dâng hương hoa cho Thượng Tọa trước.

5. Hai tay dâng hương phải cách năm tấc:

6. Cầm lò hương không được xông cho mình.

7. Việc xong phải đặt lại chỗ cũ.

Thắp đèn phải biết tám việc:

1. Bỏ tim đèn cũ.

2. Lấy cây gạt họng đèn cho sạch.

3. Dầu trong đèn phải đầy.

4. Tìm tim đèn sạch.

5. Phải thường rót dầu cho đầy.

6. Sáng phải dậy sớm xem xét.

7. Dầu chưa hết phải rút tim đèn ra tập trung lại một chỗ để thắp cho hết dầu.

8. Việc xong từ từ đặt lại chỗ cũ.

Đi hái hoa và cành dương phải biết chín việc:

1. Nếu hoa có chủ phải hỏi chủ.

2. Nếu không có chủ phải chú nguyện cho thần núi, thần cây, thần ao hồ.

3. Hái hoa và nhành dương không được nhổ gốc rễ của nó.

4. Phải đi thẳng đến nơi và quay về.

5. Không được buông lung nói cười.

6. Nếu có người xâm phạm, cẩn thận không được gây gổ với họ.

7. Cúi đầu tự tỉnh giác, không nên có tâm thù hận.

8. Nếu dâng hoa phải dâng cho Thượng Tọa trước.

9. Phải vứt bỏ hoa héo.

Làm việc gì không được tự y, phải biết mười tám việc:

1. Ra vào, đi lại, trước phải bạch thầy.

2. Buổi tối muốn đi, ở lại đêm phải thưa thầy.

3. Muốn may y phục mới phải thưa thầy.

4. Mặc y phục mới phải bạch thầy.

5. Giặt pháp y phải thưa thầy.

6. Cạo tóc phải thưa thầy.

7. Nếu bệnh uống thuốc trước phải thưa thầy.

8. Làm việc chúng trước phải thưa thầy.

9. Mua các loại giấy bút, viết mực trước phải thưa thầy.

10. Muốn tụng kinh phải thưa thầy trước.

11. Nếu người Tăng vật trả ơn phải thưa thầy trước mới được nhận.

12. Mình dùng vật để đáp lễ cho người trước phải thưa thầy, thầy đồng ý mới cho.

13. Người mượn vật của mình trước phải thưa thầy, thầy đồng ý mới cho mượn.

14. Muốn mượn vật của người phải thưa thầy, thầy đồng ý mới được đi.

15. Muốn thưa thầy phải chỉnh đốn y phục cúi đầu làm lễ.

16. Thầy đồng ý hoặc không đồng ý, đều phải cung kính cúi đầu làm lễ.

17. Bày tỏ điều muốn biết.

18. Không được có ý giận, dù đúng cũng phải bỏ qua.

Đi theo thầy về trước hoặc sau phải biết mười sáu việc:

1. Phải chỉnh đốn y phục.

2. Phải biết những điều cần trả lời và cầm theo khăn, Tích Trượng, v.v…

3. Đi theo sau thầy.

4. Không được đạp lên bóng thầy.

5. Không cười giỡn trước Tích Trượng.

6. Giữa đường không được cùng người nói chuyện.

7. Không được ghét thầy khi có lỗi.

8. Nếu thầy có bỏ quên vật gì dạy quay lại lấy, phải tìm đường đến đó lấy.

9. Phải theo lời dạy mà đi.

10. Cẩn thận không ở lại lâu.

11. Nếu thầy dạy ở lại thuyết pháp, cho đàn việt phải cúi đầu kính nhận.

12. Trời tối phải trở về.

13. Cẩn thận không ở lại đêm.

14. Khi trở về đến thưa thầy trước tiên phải chỉnh đốn y phục.

15. Kính lễ năm vóc sát đất.

16. Lễ thầy đúng như pháp.

Nếu một mình đưa đám ma hoặc thăm bệnh, phải biết chín việc:

1. Đến nhà đàn việt phải biết nghi thức cần tiến hoặc lui, nếu có chỗ ngồi khác mới ngồi, nếu không có, không ngồi tùy tiện.

2. Nếu nhìn chỗ ngồi đó không có vấn đề gì, nên ngồi ngay thẳng.

3. Nếu người muốn hỏi Kinh phải tùy thời mà nói.

4. Cẩn thận không thuyết pháp phi thời.

5. Chủ nhân mời ăn, tuy không phải ăn trong pháp hội cũng không được mất oai nghi.

6. Cần phải trở về kịp trong ngày.

7. Không phạm lỗi đi đêm.

8. Nếu trời tối mưa gió đến bất ngờ, có thể ở lại.

9. Xong việc trở về như pháp.

Trên đường gặp thầy, phải biết có sáu việc:

1. Trước phải chỉnh đốn y phục.

2. Phải bỏ guốc dép ra.

3. Làm lễ thầy, phải cúi đầu xuống. Phải đi sau thầy.

4. Thầy dạy đi riêng phải cúi đầu vâng theo.

5. Tuy không cùng đi với thầy nhưng nghi thức phải làm đúng như pháp.

Khi ăn trong Chúng Tăng phải biết mười sáu việc:

1. Nghe tiếng kiền chùy phải chỉnh đốn y phục.

2. Cởi giầy ra và đến đứng dưới tháp.

3. Đứng phải ngay thẳng.

4. Nếu theo thầy đến sau liền vào chỗ cho kịp, cẩn thận không nói cười.

5. Nếu Thượng Tọa chú nguyện, đều phải cung kính, cẩn thận không mất oai nghi.

6. Trước khi ăn phải nhìn từ trên xuống dưới.

7. Không được ăn trước hoặc sau chúng.

8. Không được khen chê thức ăn ngon dở.

9. Không được ăn miếng lớn.

10. Không được nhai lớn tiếng.

11. Không được vét thức ăn trong bát có tiếng.

12. Không được gõ đũa trên bàn.

13. Không được đòi hỏi thức ăn ngon.

14. Không được lấy đồ ăn cất riêng hoặc lấy cho chó.

15. Thức ăn đem đến không được nói không dùng.

16. Nếu đã no thì dùng tay từ chối.

Chúng Tăng thuyết pháp, Sa Di phải biết mười ba việc:

Nếu pháp hội tại tịnh thất nóng, tịnh thất mát mẻ hoặc là nhà tắm.

1. Phải chỉnh đốn y phục.

2. Phải thẳng tiến phía trước.

3. Không được giữa đường cùng người nói chuyện.

4. Lễ các bậc tôn túc theo thứ tự.

5. Không được tự tiện vào chỗ ngồi.

6. Thượng Tọa nói kinh, phải ngồi vào chỗ.

7. Ngồi phải ngay thẳng.

8. Cẩn thận không ồn ào.

9. Không được ho lớn tiếng.

10. Không được khạc nhổ lên đất sạch, trái với quy luật.

11. Nếu đến lược mình thuyết pháp thì nên thuyết.

12. Khi ngồi trên pháp tòa phải để ý cử chỉ, cẩn thận không để mất oai nghi.

13. Nếu trong chúng có người mất oai nghi, phải che giấu điều xấu, hiển bày điều tốt, cẩn thận không cẩu thả nói lỗi lúc đó.

Chúng Tăng tụng kinh, phải biết mười ba việc, nếu tới phiên mình làm trực nhật về việc hành lễ.

1. Nghe tiếng kiền chùy phải chuẩn bị đầy đủ hương đèn.

2. Dâng hương như cũ.

3. Sắp xếp thứ tự cho thích hợp.

4. Giũ sạch chiếu ngồi.

5. Quét Chùa rưới nước như pháp.

6. Nếu trong pháp hội đưa ra những vật dùng của đàn việt thì phải trao lại rõ ràng.

7. Việc xong nhận lại như lúc đầu.

8. Trao chìa khóa cổng, sớm chiều đóng mở như thường lệ.

9. Nếu có khách khứa phải đứng một bên thầy nghe việc cần làm.

10. Nếu khách có ở lại lâu phải chỉnh đốn y phục đứng chỗ thường đứng.

11. Khách có hỏi điều gì phải trả lời rõ ràng.

12. Đứng phải ngay thẳng, không mất oai nghi.

13. Nếu có việc muốn đi phải nhờ người thay mình, không để chỗ trống, thầy phải kêu nhiều lần.

Nếu làm trị nhựt lãnh trách nhiệm cần phải biết mười ba việc.

Làm trị nhựt cần phải theo quy tắc, đó chính là tu tập.

1. Trông nom Tháp.

2. Trông nom giảng đường và các việc của Tăng.

3. Nếu làm tượng Phật, thường phải dậy sớm lo hết các việc.

4. Phải chọn lựa chỗ thích hợp, dùng búa dao cưa cho đúng chỗ.

5. Nếu sơn vẽ dùng các loại chu, màu dao… các thứ phải chuẩn bị đầy đủ, không để đến khi cần bị thiếu.

6. Việc xong phải dọn dẹp để lại chỗ cũ.

7. Nguyên bản thiếu phần.

8. Đếm vật đã nhận rồi giao lại phải rõ ràng không để mất mát.

9. Nếu muốn ra chợ phải thưa vị trị sự.

10. Lấy đồ ra dùng không để dư, sắp đặt phải gọn gàng.

Đi khất thực một mình, phải biết mười sáu việc: Nếu đi khất thực.

1. Đi với nhiều người.

2. Nếu đi một mình phải biết chỗ mình có thể đến.

3. Bình bát thường mang bên hông trái.

4. Khi đi phải đặt bình bát hướng ra ngoài.

5. Khi trở về phải quay bát vào trong.

6. Đến cửa nhà người cần phải cẩn thận cử chỉ.

7. Nhà không có người nam, cẩn thận không nên vào.

8. Nếu muốn ngồi phải xem xét chỗ ngồi.

9. Có binh khí không nên ngồi.

10. Có vật báu không nên ngồi.

11. Nếu có các loại y phục trang sức của phụ nữ, không nên ngồi. Không có những vật này mới được ngồi.

12. Chủ nhân mời ăn.

13. Khi ăn phải chú nguyện.

14. Không được hỏi thức ăn ngon dở.

15. Không được thuyết pháp trước khi ăn.

16. Muốn thuyết pháp phải biết điều nào nên nói và không nên nói.

Xin thức ăn ở chợ, phải biết chín việc:

1. Phải cúi đầu thẳng đến và quay về.

2. Nhìn đồ vật cẩn thận không nhìn chăm chú.

3. Không trả giá thức ăn mắc, rẻ.

4. Không ngồi chỗ người nữ không đàng hoàng.

5. Nếu bị xúc phạm phải tìm cách tránh đi, không được đi theo cầu xin.

6. Nếu mua sắm phải mua đúng giá trị của đồ vật, không được mua rồi đem trả lại.

7. Đã hứa mua vật của người đó, tuy không rẻ cũng không được bỏ vật này lấy vật khác khiến người bán nổi giận.

8. Nếu thấy bốn hạng người mua được giá rẻ, muốn xoay về mình liền nói: Làm như vậy là không đúng pháp. 

9. Cẩn thận không nên bảo lãnh cho người khác dẫn đến nợ nần.

Vào Chùa Ni, phải biết chín việc:

Nếu thầy sai đến Chùa Ni.

1. Nên đi hai người.

2. Nhiều tháp, đảnh lễ như pháp.

3. Nếu có chỗ riêng mới ngồi, không có, không được ngồi.

4. Người bệnh muốn hỏi Kinh phải biết điều nào là nên nói.

5. Không được nói phi thời.

6. Không được trở lại nói xấu lỗi của người.

7. Nếu người dùng vật quý hay y phục, khăn, dép để đáp lễ… đều không được nhận.

8. Quay về không được nói tốt xấu.

9. Đối với người khác không được nói chỉ nên cúng dường cho ta.

Tụng Kinh, thuyết pháp, phải biết tám việc:

1. Phải xét cho rõ những nhận thức khác nhau và thực hành khác nhau.

2. Không được bảo thủ, theo hiểu biết của mình nói người này đúng người kia sai.

3. Cùng học với nhau, nếu có xảy ra tranh cãi, phải hòa giải không được giành phần phải về mình.

4. Trong chúng làm việc mệt nhọc cẩn thận không được khoe công lao của mình.

5. Khi Đại Sa Môn thuyết giới không được cố ý lén nghe.

6. Biết mình có lỗi đối với mọi người phải xin lỗi cho hai bên hòa giải nhau.

7. Nếu thầy nói: Người kia nói con có lỗi, đúng như thầy dạy mà làm.

8. Không được che giấu khiến lỗi càng nặng.

Bàn luận, phải biết mười việc:

Ngày đêm ba thời thường tụng Kinh hành đạo.

1. Chỉnh đốn y phục.

2. Nếu đi kinh hành phải đi dúng chỗ.

3. Thường đi ở giữa.

4. Trong giảng đường.

5. Dưới Tháp.

6. Trong nhà ăn.

7. Không được mang giày da.

8. Không được mang guốc gỗ.

9. Không được cầm Tích Trượng.

10. Không được nằm tụng Kinh.

Đi tụng Kinh cho người, phải biết mười việc: Trong phòng thất, thường như pháp.

1. Ngủ nghỉ phải có chỗ riêng không được lẫn lộn.

2. Tụng Kinh.

3. Bàn luận nghĩa lý của Kinh.

4. Thăm hỏi người bệnh.

5. Chúc mau hết bệnh.

6. Không được nói những chuyện không cần thiết.

7. Không được nêu lỗi của người.

8. Không được cùng nhau bình luận.

9. Mượn, lấy, cho phải rõ ràng.

10. Không được sai lời hẹn, làm mất lòng tin.

Năm Đức Của Sa Di.

1. Phát tâm Xuất Gia vì cảm mến đạo pháp.

2. Hủy bỏ hình đẹp vì thích ứng với pháp y.

3. Cắt ái từ thân vì không còn thân sơ.

4. Xem thường thân mạng vì tôn sùng đạo pháp.

5. Chí cầu Đại Thừa vì hóa độ mọi người.

Mười Pháp Số Của Sa Di.

1. Tất cả chúng sanh nhờ ăn uống mà tồn tại.

2. Danh sắc.

3. Ba thọ.

4. Bốn đế.

5. Năm ấm.

6. Sáu nhập.

7. Bảy giác chi.

8. Tám chánh đạo.

9. Chín chỗ ở của chúng sanh. Chín địa.

10. Mười nhất thiết nhập.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần