Phật Thuyết Mười Giới Pháp Và Oai Nghi Của Sa Di - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống
PHẬT THUYẾT MƯỜI GIỚI PHÁP
VÀ OAI NGHI CỦA SA DI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi Hộ, Đời Tống
PHẦN MỘT
Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Ông hãy đến độ La Hầu La xuất gia.
Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Con nên độ như thế nào?
Đức Phật dạy: Đến bảo La Hầu La nói thế này.
Con là La Hầu La xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng: Nói như vậy ba lần. Con là La Hầu La đã quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi nói như vậy ba lần trọn đời không sát sanh, trọn đời không trộm cắp, trọn đời không tà dâm, trọn đời không nói dối, trọn đời không uống rượu.
Như Đức Thế Tôn đã xuất gia, con là La Hầu La nương Hòa Thượng là Tôn Giả Xá Lợi Phất, theo Phật xuất gia. Nói như vậy ba lần.
Như Đức Thế Tôn đã xuất gia, bỏ y phục thế tục mặc Ca Sa. Con là La Hầu La, nương Hòa Thượng Xá Lợi Phất, theo Phật xuất gia, bỏ y phục thế tục mặc Ca Sa, trọn đời giữ giới Sa Di không sát sanh.
Trọn đời giữ giới Sa Di không trộm cắp.
Trọn đời giữ giới Sa Di không dâm dục.
Trọn đời giữ giới Sa Di không nói dối.
Trọn đời giữ giới Sa Di không uống rượu.
Trọn đời giữ giới Sa Di không đeo vòng hoa và thoa dầu thơm.
Trọn đời giữ giới Sa Di không ca múa, hát xướng và đi xem nghe.
Trọn đời giữ giới Sa Di không ngồi chỗ sang trọng rộng lớn.
Trọn đời giữ giới Sa Di không ăn phi thời.
Trọn đời giữ giới Sa Di không cầm giữ vàng bạc vật quý và các vật tương tự.
Con đã thọ mười giới Sa Di rồi, trọn đời phải tôn trọng phụng trì, suốt đời không vi phạm. Nên cúng dường Tam Bảo, không được trái nghịch lại với tất cả lời dạy như pháp của Hòa Thượng, A Xà Lê.
Tâm thường cung kính đối với các bậc thượng, trung, hạ tọa. Siêng năng cầu phương tiện, ngồi thiền, tụng kinh, học tập, khuyến khích hỗ trợ làm việc phước, đóng cửa ba đường ác, mở cửa Niết bàn. Ở trong pháp Tỳ Kheo làm tăng trưởng chánh nghiệp để chứng đắc bốn đạo quả.
Giới của Sa Di trọn đời không giết hại người và vật, thường nhớ nghĩ đến ân sanh thành và thầy bạn, tinh tấn hành đạo để hóa độ cha mẹ, cẩn thận không hiềm khích, kiện tụng nhau, giành phần phải cho người, đem phần xấu về mình, không làm tổn thương các loài côn trùng, thi ân và giúp đỡ khiến cho chúng được an vui.
Tâm niệm vì người không nói lời giết hại, thấy giết không ăn, nghe giết không ăn, nghi giết không ăn, khi thấy giết nên khởi tâm từ bi, nguyện khi ta đắc đạo, trong nước không có người giết hại, cẩn thận không làm tổn thương đến cỏ cây. Nếu phạm giới này, không phải là Sa Di.
Giới của Sa Di trọn đời không trộm cắp, cân đo đong đếm hoàn toàn không lường gạt người, trong tâm luôn luôn giữ sự chân thật, miệng cũng không bảo người khác lấy.
Không được mua bán nô tỳ, tôi tớ, người làm mướn, làm thuê, nếu cho họ vật gì, không được lấy lại.
Không được trang sức vật báu, giường cao màn đẹp, y phục để che thân không được lòe loẹt, ăn để nuôi thân không phải để ngon miệng.
Không được tích trữ lương thực, cất giấu vật báu dơ bẩn, người khác cho không được nhận, nếu nhận, không được giữ, phải đem đi cứu giúp người nghèo khổ, thường vì người nói đức không tham, thà chịu chặt cánh tay chớ không lấy của phi pháp. Nếu phạm giới này chẳng phải là Sa Di.
Giới của Sa Di trọn đời không lấy vợ, nuôi con để nối dõi tông đường, tránh xa nữ sắc, hộ trì sáu căn, không nhìn ngắm nữ sắc, mắt không liếc nhìn, tâm không nghĩ đến dâm, miệng không nói lời lẳng lơ, thân không sử dụng hoa hương phấn sáp, tiếng hay, sắc tà, không được nghe nhìn. Thà phá nát xương, đập vỡ tim, đốt cháy thân thể, chứ không dâm dục.
Tuy dâm dật mà được sống trong dơ bẩn cũng không bằng trinh tiết mà chết. Nếu phạm giới này chẳng phải là Sa Di.
Giới của Sa Di trọn dời lấy thành tín làm gốc, không nói lời ly gián, không nói lời mắng nhiếc, không nói dối, không nói phù phiếm, trước khen sau chê, làm chứng để người bị tội, lời nói phải từ tốn giữ hành động đứng đắn, không rao lỗi của người, nói pháp phải suy nghĩ và bàn cho hợp nghĩa lý, thấy có người tranh cãi phải khéo nói để cho hai bên hòa hợp.
Ôi! Người đời có búa ở trong miệng, thế nên thân này bị chặt do lời nói ác. Không cẩn thận lời nói chẳng phải là Sa Di.
Giới của Sa Di trọn đời không uống rượu hoặc nếm, hoặc ngửi, hoặc bán hay mời rượu người khác, không được uống rượu thuốc và dừng trước quán rượu.
Rượu là nước độc, nguyên nhân của các lỗi lầm, hủy Hiền hại Thánh nhận lấy tai ương, phá hoại cả bốn giới trên, xa phước gần tội đều do rượu. Thà uống nước đồng sôi, cẩn thận không phạm giới uống rượu. Nếu phạm giới này chẳng phải là Sa Di.
Giới của Sa Di trọn đời không được tập múa binh khí, không cầm vật bén, không được nuôi dưỡng gia súc, đi xe cưỡi ngựa với tâm ý thích thú buông lung, không được chạy rượt săn bắn các loại cầm thú, không được đốt rừng làm tổn hại đến các loài chúng sanh, không được lấp ao hồ, làm bít ngòi rãnh, không được dùng cần câu giăng lưới làm hại các loài dưới nước. Nếu phạm giới này chẳng phải là Sa Di.
Giới của Sa Di trọn đời không được học tập theo bài bạc, đánh xu bồ, tranh cãi hơn thua, ca múa giỡn cười, ngâm vịnh hát xướng, chơi các nhạc cụ: Cầm, sắt, không hầu, đàn tranh, sáo, vu, sênh…làm tán loạn tâm đạo.
Không được đào núi lấp sông, cày bừa ruộng đất, sửa sang, vườn tược, gieo trồng năm thứ lúa thóc, mua bán thuyền xe ở chợ, cùng tranh lợi với trăm họ. Nếu phạm giới này chẳng phải là Sa Di.
Giới của Sa Di trọn đời không được học tập những việc kỳ lạ như đồng bóng, y thuật, xem ngày giờ, bói toán, xem điềm tốt xấu, xem tinh tú và vận mệnh, nhựt thực, nguyệt thực, sự thay đổi kỳ quái của các ngôi sao, núi lở, động đất, mưa gió, hạn hán, được mùa hay mất mùa, có bệnh dịch hay không bệnh dịch, tất cả những việc đó không được tìm hiểu. Quốc Gia chánh sự cũng không được bàn luận hơn thua, xuất trận hành quân đánh nhau thắng bại. Nếu phạm giới này chẳng phải là Sa Di.
Giới của Sa Di trọn đời nam nữ phải ở riêng, không được ở chung một chùa, không hẹn đi chung, không ngồi xe và thuyền chung, gặp nhau ngoài đường cũng không được đứng nói chuyện, ai cầm vật lạ cũng không được nhìn chăm chú, tránh xa sự hiềm nghi, không được thư từ qua lại, vay mượn nhờ cậy may vá giặt giũ y phục cho đến cầu xin.
Nếu người cho cũng không nên nhận, muốn đi đâu phải có người lớn, cẩn thận không đi một mình, không nghỉ lại đêm. Phạm giới này chẳng phải là Sa Di.
Giới của Sa Di trọn đời không làm bạn với người xấu ác, không tôn sùng người phàm phu, đối với kẻ bất hiếu, đồ tể, thợ săn, trộm cướp, uống rượu, ngầm làm việc ác, không được giao du qua lại làm nhiễm ô đạo hạnh.
Y bát luôn giữ bên mình, không ăn phi thời, không nói lời phi pháp, khi ăn thì không nói, khi nằm không bàn luận, siêng năng suy nghĩ việc đúng đắn, ôn điều cũ để biết điều mới, ngồi thì Thiền quán, thức dậy thì tụng niệm. Giới hạnh như vậy mới đúng là đệ tử của Phật.
Sau khi thọ mười giới Sa Di, làm bậc hiền giả, vị thầy phải tuần tự dạy cho họ những điều cần làm, bắt đầu từ những việc nhỏ, phải biết oai nghi và những điều cần làm, phải biết tuổi hạ của Hòa Thượng và danh hiệu ba vị thầy.
Vị thầy phải dạy cho biết bắt đầu khi họ thọ giới vào ngày tháng năm nào. Sa Di cũng cần phải biết cách hầu Hòa Thượng và A Xà Lê có bao nhiêu việc, khi dâng bàn chải răng, nước rửa, nhận y, xếp y cầm bát, cầm Tích Trượng, cầm giầy mỗi điều có bao nhiêu việc.
Khi cùng với Hòa Thượng, A Xà Lê thọ thỉnh, hoặc vào cung vua, đến nhà thế tục, nhà Bà La Môn, hoặc khi ngồi ăn chung, hoặc khi ăn riêng, hoặc cùng vào thành khất thực, hoặc cùng nhau quay về, khi về chỗ ở, hoặc khi chiều tối.
Hoặc khi nghỉ lại ăn bên bờ sông, hoặc ngồi bên đường, hoặc ăn bên gốc cây, hoặc mình đi trước đứng đợi, hoặc khi chia thức ăn cho nhau, hoặc khi đổi bát, hoặc ngồi ăn cùng một lúc, hoặc ăn trước hay sau, hoặc ăn xong súc miệng, hoặc khi rửa bát xong đi, hoặc phục vụ Chúng Tăng khi trị nhựt, mỗi điều đều có bao nhiêu việc.
Sa Di khi đủ hai mươi tuổi, muốn thọ giới cụ túc đều phải biết các việc làm trên. Nếu Tỳ Kheo hỏi không trả lời đầy đủ không nên cho họ giới cụ túc.
Vì sao?
Làm Sa Di mà không biết những việc làm của Sa Di huống gì việc của Sa Môn rất lớn, rất khó làm lại vi diệu.
Này Hiền giả Sa Di! Con hãy quay về học cho kỹ nghe biết đầy đủ mới nên thọ giới cụ túc, bởi vì con không biết pháp của Sa Di, chưa biết khổ của thân, không hộ trì được ý mình mà lại muốn thọ giới cụ túc.
Nếu trao cho con giới cụ túc, người ta bảo Phật Pháp dễ tu Sa Môn dễ làm, họ sẽ không biết Phật Pháp rất vi diệu, tội phước theo nhau, pháp luật hỗ tương. Thế nên trong vài ngày, ba thầy thay nhau hỏi, nếu có thể trả lời đúng như pháp, mới cho thọ giới cụ túc.
Thầy dạy Sa Di biết năm việc.
1. Cung kính bậc Đại Sa Môn.
2. Không được kêu tên của Đại Sa Môn.
3. Khi Đại Sa Môn thuyết giới không được lén nghe.
4. Không được tìm lỗi của Đại Sa Môn.
5. Khi Đại Sa Môn có lỗi không được truyền rao.
Đó là oai nghi của Sa Di.
Thầy dạy Sa Di biết có năm việc:
1. Không được ở chỗ khuất mắng Đại Sa Môn.
2. Không được xem thường, cười giỡn, giả giọng nói, hình dạng, điệu bộ trước mắt Đại Sa Môn.
3. Thấy Đại Sa Môn đi qua liền đứng dậy, trừ khi tụng Kinh, khi ăn, khi làm việc chúng thì không nên đứng dậy.
4. Khi đi gặp Đại Sa Môn phải dừng lai nép qua bên đường.
5. Khi cười giỡn, nếu thấy Đại Sa Môn nên ngưng lại, nói lời xin lỗi.
Đó là việc cần phải làm của Sa Di.
Sa Di hầu thầy phải biết mười việc.
1. Phải dậy sớm.
2. Muốn vào phòng thầy trước phải gõ cửa ba tiếng.
3. Phải chuẩn bị đầy đủ bàn chải răng và nước rửa.
4. Phải dâng Ca Sa sau đó trao giày.
5. Khi quét nên rảy nước.
6. Phải xếp mềm gối lau chùi chỗ nằm, ngồi.
7. Thầy đi chưa về không được bỏ phòng trống, thầy về phải lấy y áo xếp.
8. Nếu có lỗi Hòa Thượng, A Xà Lê chỉ dạy không được nói lại.
9. Nên cúi đầu nhận lời dạy, lui ra phải suy nghĩ và làm theo.
10. Ra khỏi phòng phải đóng cửa lại.
Dạy Sa Di phải có năm điều hầu A Xà Lê.
1. Luôn luôn kính A Xà Lê như kính Phật.
2. Không được cười giỡn với A Xà Lê.
3. Bị quở trách không được nói lại.
4. Nếu dạy đổ đồ bất tịnh không được nhờm gớm và tức giận.
5. Khi trời tối phải xoa bóp.
Các việc hầu A Xà Lê đúng như pháp, Sa Di hầu thầy phải dạy sớm, chuẩn bị đầy đủ bàn chải răng, nước rửa, gồm có sáu việc:
1. Nên cắt bàn chải răng theo đúng cỡ.
2. Phải đập giập đầu cây.
3. Phải rửa cho sạch.
4. Thay nước để cách đêm.
5. Rửa bình, lọc nước cho sạch.
6. Lấy nước vào bình cho đầy, đổ nước vào không để nước văng ra ngoài thành tiếng. Đó là cách lấy nước và bàn chải răng.
Dâng y cho thầy, có bốn việc:
1. Dâng y cho thầy phải đưa từ từ, một tay cầm trên một tay đỡ dưới.
2. Xem kỹ.
3. Nên đứng yên dâng y cho thầy.
4. Phải đặt y trên vai thầy. Đó là cách dâng y.
Xếp y, có bốn việc:
1. Phải xem kỹ.
2. Không được để y chạm đất.
3. Phải để lại chỗ cũ.
4. Lấy khăn phủ lên trên. Đó là cách xếp y.
Cầm bát có bốn việc:
1. Rửa sạch.
2. Lau khô.
3. Để cho vững.
4. Không gây tiếng động. Đó là cách cầm bát.
Cầm Tích Trượng có bốn việc:
1. Phải giữ cho sạch không để sanh cáu bẩn.
2. Không được để dưới đất gây ra tiếng động.
3. Khi thầy ra đến cửa mới trao Tích Trượng.
4. Thầy quay về phải nhận lấy, hoặc khi cùng thầy vào trong chúng hay lễ Phật phải cầm Tích Trượng cho thầy. Đó là cách cầm Tích Trượng.
Cầm giày có bốn việc:
1. Phải đập giũ.
2. Phải nhìn kỹ.
3. Phải rửa tay, chưa rửa tay không được cầm y.
4. Khi thầy ngồi phải để giày lại cho ngay thẳng. Đó là cách cầm giày.
Cùng thầy ngồi ăn một lúc, có bốn việc:
1. Nên ngồi cách thầy sáu tấc.
2. Phải nhìn thầy chú nguyện xong mới nên trao bát.
3. Không được ăn trước thầy.
4. Thầy dùng xong, mình phải đứng dậy đến gần để lấy bát. Đó là cách cùng thầy ngồi ăn một lúc.
Khi ăn riêng, có bốn việc:
1. Phải đứng một bên thầy
2. Khi thầy dạy đi ăn mới được đi.
3. Đầu và mặt phải cúi xuống đất làm lễ.
4. Khi ăn không được ngồi chồm hổm, thầy dùng xong gọi bèn đứng một bên thầy, thầy dạy ngồi mới ngồi. Đó là cách ăn riêng.
Vào thành khất thực, có bốn việc:
1. Phải cầm bát cho thầy.
2. Phải đi sau thầy, không được đạp lên bóng của thầy.
3. Ra ngoài thành phải lấy bát trao cho thầy.
4. Vào trong thành muốn đi riêng phải thưa thầy. Đó là cách đi khất thực.
Cùng thầy trở về chỗ ở, có bốn việc:
1. Trước phải mở cửa từ từ rồi trải tọa cụ cho thầy.
2. Thầy rửa tay xong mình mới rửa.
3. Phải trao y bát cho thầy, sau đó vòng tay đứng qua một bên.
4. Phải chuẩn bị đầy đủ bột rửa, khăn tay, v.v… đó là cách trở về chỗ ở.
Khi dừng lại để ăn bên bờ sông, có bốn việc:
1. Phải chọn chỗ đất sạch.
2. Phải tìm nơi có cỏ để ngồi.
3. Lấy nước cho thầy rửa tay xong sau đó mình rửa tay rồi lấy bát cho thầy.
4. Thầy bảo ăn thì nên làm lễ và ngồi xuống. Đó là cách dừng lại để ăn bên bờ sông.
Khi ăn dưới bóng cây có bốn việc:
1. Cầm bát treo lên cây, lấy lá cây làm chỗ ngồi.
2. Lấy nước cho thầy rửa tay, nếu không có nước lấy cỏ sạch trao cho thầy.
3. Trở lại lấy bát trao cho thầy.
4. Phải chuẩn bị đầy đủ cỏ sạch rửa bát sau đó dùng cỏ khô lau lại.
Đó là cách ăn dưới bóng cây.
Giữa đường đợi thầy có ba việc:
1. Đặt bát trên đất sạch làm lễ và thưa sự việc.
2. Nên nhìn trời tối hay sớm có thể trở về hay ở lai giữa đường.
3. Cầm bát và đi sau thầy. Đó là cách đợi thầy giữa đường.
Trao đổi thức ăn có hai việc:
1. Nếu trong bát của thầy không có nước váng sữa và sữa đặc, nên lấy thức ăn của mình trao cho thầy, thầy không nhận nên lui đứng một bên.
2. Phải từ từ lấy nửa thức ăn trong bát của thầy đổ ra lá cây trên đất sạch, sau đó lấy nửa thức ăn trong bát mình bỏ qua bát thầy. Đó là cách đổi thức ăn.
Khi trao đổi bát có ba việc:
1. Nếu trong bát của thầy được thức ăn ngon, bát của mình không được như vậy, liền phải trao bát của thầy cho thầy.
2. Nếu thầy muốn trao đổi bát phải từ chối không nhận.
3. Thầy kiên quyết bảo đổi bát phải nhận lấy, ăn xong lau bát trả cho thầy. Đó là cách trao đổi bát.
Ngồi ăn cùng lúc với thầy có ba việc:
1. Phải dâng bát cho thầy xong mới được ngồi xuống.
2. Phải để ý nếu thầy cần gì phải đi lấy cho thầy.
3. Không được ăn quá mau, khi ăn xong không được đứng dậy, phải thưa thầy có dùng nữa không, thầy bảo mang đi mới được thu dọn.
Đó là cách ăn cùng lúc với thầy.
Ăn trước hoặc sau phải biết ba việc:
1. Dâng bát xong phải đến chỗ khuất đứng lắng nghe thầy gọi liền đáp ngay.
2. Phải chuẩn bị nước rửa để một bên thầy.
3. Thầy dùng xong, rửa tay, thầy dạy đi ăn mới đảnh lễ lui ra. Đó là cách ăn trước hoặc sau.
Ăn xong rửa bát có ba việc:
1. Trước lấy bát thầy rửa sạch sau đó treo trên cành cây.
2. Rửa bát của mình treo trên cành cây. Dùng tay làm sạch bát của thầy, lau bên trong cho khô đặt vào túi bát rồi trao cho thầy.
3. Lau bên trong bát của mình cho khô, đặt vào trong túi bát, rồi mang vào, đứng một bên thầy. Đó là cách rửa bát.
Rửa bát xong rồi đi có ba việc:
1. Thầy nói: thầy phải đi con hãy về trước.
2. Đầu và mặt cúi xuống làm lễ rồi đi.
3. Khi quay về một mình không được đến thôn xóm cười giỡn, phải đi thẳng về chỗ ở để tụng Kinh. Đó là cách rửa bát xong rồi đi.
Sa Di vào chúng phải biết năm việc:
1. Phải học hành cho thông thuộc.
2. Tập làm việc.
3. Phải giúp đỡ đại chúng.
4. Phải trao vật cho Đại Sa Môn cất giữ.
5. Khi muốn thọ giới, ba vị thầy phải thay nhau chỉ dạy.
Lại có năm việc:
1. Lễ Phật.
2. Đảnh lễ các vị Tỳ Kheo Tăng.
3. Trả lời các câu hỏi của Thượng Tọa, Hạ Tọa.
4. Phải nhường chỗ ngồi cho các bậc Thượng Tọa.
5. Không được tranh giành chỗ ngồi.
Lại có năm việc:
1. Không được ở nơi chỗ ngồi từ xa kêu nhau, nói cười.
2. Không được đứng dậy đi nhiều lần.
3. Nếu ở trong chúng kêu Sa Di gì đó… phải liền đáp lại.
4. Phải vâng theo lời dạy của Chúng Tăng.
5. Vị tri sự dạy làm việc phải trở lại thưa thầy. Đó là cách vào chúng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Tám - Phẩm Na Già Thất Lợi
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Ba - đại Phẩm - Kinh Màgha
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Chánh Tri Kiến - Phần Mười Một - Xúc
Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Của Vua đảnh Sinh - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Nhất - Kinh Người Ngu ăn Muối
Phật Thuyết Kinh Diệu Tý Bồ Tát Sở Vấn - Phần Bảy - Biết Gần Tất địa
Phật Thuyết Kinh Ba Pháp Quán Bảy Xứ - Kinh Số Ba Mươi Bốn
Phật Thuyết Kinh Trưởng Giả đại Hoa Nghiêm Hỏi Phật Về Sức Na La Diên