Phật Thuyết Công đức Của Tu Lại - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tào Ngụy Bạch Diên
PHẬT THUYẾT
CÔNG ĐỨC CỦA TU LẠI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tào Ngụy Bạch Diên
PHẦN HAI
Tu Lại liền chấp tay, bày vai phải, quỳ gối sát đất, từ xa hướng về Phật nói kệ:
Phật biết tâm ý người
Chiếu soi lòng chí thành
Nguyện xin Ngài cảm ứng
Hiện đến trước chỗ con.
Lúc đó, mặt đất rúng động mạnh, Phật cùng với năm trăm vị Tỳ Kheo và hai trăm vị Bồ Tát từ trong lòng đất xuất hiện giữa Cung Vua. Thích, Phạm, Tứ Thiên Vương, vô số trăm ngàn Thiên Chúng đều theo Phật mà đến.
Vua và thần dân thấy Phật hiện thần thông đều kinh sợ, cúi đầu lễ chân Phật, còn bao nhiêu ngàn người từ chỗ cung kính phát tâm, nguyện làm Bồ Tát.
Lúc đó, Tu Lại người nghèo trong nước đến trước lễ chân Phật rồi đứng một bên, thưa: Bạch Thế Tôn! Con đi trong thành này lượm được hạt ngọc châu minh nguyệt, giá trị một cõi Diêm Phù Lợi. Con muốn cho người nghèo mà xét thấy trong nước này chỉ có Nhà Vua là nghèo nhất.
Vì sao?
Vì tham muốn không chán, thu thuế không ngừng, liên tục quấy nhiễu, dân trong nước rất cực khổ, bị bắt đi lao dịch đến gầy yếu, bị thương tổn rất nhiều. Kẻ dưới bị khổ nhọc, quấy nhiễu. Bề trên bị tham dục ràng buộc, không nghĩ đến vô thường, không thuận theo phép nước.
Vì thế con dâng châu minh nguyệt này cho Nhà Vua mà Nhà Vua không chịu nhận, trở lại cật vấn con lấy gì làm chứng cho việc nghèo giàu.
Do đó con muốn gặp Như Lai, không việc gì mà Ngài không chỉ rõ, không giúp đỡ, giải rõ mối nghi ngờ, diệt trừ vô minh. Nguyện xin Ngài giải rõ nghĩa này.
Phật dạy: Lành thay! Tu Lại! Lời nói của ông thật chí thành. Đại Vương chớ nghi ngờ.
Vua thưa: Bạch Thế Tôn! Với lời nói chân chánh, Ngài đã khai rõ chỗ mê muội của con.
Đức Phật dùng phương tiện thiện xảo, giúp cho Nhà Vua hiểu rõ nghĩa này: Nhà Vua hãy lắng nghe. Xét về mặt giàu có của Vua, Tu Lại không có. Xét về mặt giàu có của Tu Lại, Nhà Vua không bằng. Nhà Vua giàu có nghĩa là Vua có quốc thành, của cải, vàng, bạc, ngọc bích, thủy tinh, lưu ly, chân châu, san hô, xa cừ, mã não, voi, ngựa, cung điện, vật chất đầy đủ, giàu có nên được tự tại. Đó là sự giàu có của Nhà Vua, Tu Lại không có.
Còn xét về mặt Đạo Đức chân chánh của Tu Lại thì làm những việc thiện như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, trí tuệ, không phóng dật, từ bi, hỷ xả, yêu kính Tam Bảo, học rộng, tâm ý thanh tịnh, lòng tin chân chánh, có lòng hổ thẹn, đầy đủ thất Thánh tài.
Đó là sự giàu có của Tu Lại, Nhà Vua không thể sánh bằng. Giả sử nhân dân trong toàn cõi nước của Nhà Vua đều giàu có như Thích Ma Nam, đem tất cả của cải này so với sự giàu Đạo Đức của Tu Lại thì không bằng một phần trăm, phần ngàn, phần cự ức vạn, so lường không thể sánh kịp, không thể dùng thí dụ để so sánh.
Vua nói: Lành thay! Lành thay! Như lời Thế Tôn nói, con có phước nên trong cõi nước của con mới có người giàu hành trì giáo pháp tối thượng như vậy.
Phật dạy: Song cũng có nhiều người chân chánh ở trong nước Nhà Vua chứ?
Lúc đó, Vua Ba Tư Nặc ở trước Phật tán thán Tu Lại:
Con kính Ngài như Phật
Nhờ Ngài, con nhã nhặn
Nguyện đem dâng quốc thành
Từ nay Ngài làm thầy
Đã lâu tâm kiêu mạn
Làm Vua, xa chánh pháp
Nay nghe Tu Lại giảng
Nguyện hứa tu phạm hạnh
Do tham tài, lợi dưỡng
Oán kết năm trăm người
Nay tha, tham không ích
Nhớ ơn Ngài khó quên.
Lúc đó, năm trăm người bị bắt trói, nghe Vua tha tội cho mình đều nhớ ơn Tu Lại, chán khổ vô thường, được tâm không tham muốn, đều đứng dậy lễ Phật, rồi lễ Tu Lại.
Vua hoan hỷ, lại khen:
Ngài giàu, tôi thật nghèo
Lời nói Ngài chân thật
Nay hạ lệnh trong nước
Không được nói Ngài nghèo.
Sau khi lệnh Vua ban ra, người trong nước đều gọi Tu Lại là giàu, không còn tên nghèo nữa.
Tu Lại đứng dậy, sửa y phục, gối phải chấm đất, chấp tay bạch Phật: Hôm nay đại chúng nhóm họp.
Lành thay! Bạch Thế Tôn! Xin Ngài giảng chánh pháp, làm cho mọi người không uổng công gặp Phật.
Phật dạy: Lành thay! Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ lời ta nói.
Có bốn pháp người tộc tánh tử gọi là được gặp Phật: Lòng tin, ưa muốn, vui thích, kính mến. Đó là bốn pháp.
Lại có bốn pháp có thể được gặp Phật:
Khi thấy sắc tướng Phật, liền phát sanh tâm đạo.
Tự nguyện đời sau được sắc thân như vậy.
Do tâm ý thường chí thành nhớ nghĩ lời Phật dạy, thương xót người và vật.
Ý không lay động, ưa thích việc đã làm, không quên mất Tam Bảo.
Đó là bốn pháp.
Lại có bốn pháp làm cho hiểu biết: sắc, thọ, tưởng, hành, thức thấy biết rõ nó hoàn toàn là không.
Mọi ý tưởng phát sanh liền biết.
Đó là bốn pháp.
Lại có bốn pháp gặp Phật hướng đến thanh tịnh:
Không phân biệt ta và người.
Trừ bỏ bên trong, bên ngoài.
Không nghĩ là thường còn để trừ bỏ thọ mạng, không nghĩ đến đoạn diệt để trừ bỏ thói quen.
Dùng Phật nhãn thấy biết những gì mắt thường không thấy.
Đó là bốn pháp.
Lại có bốn pháp gặp Phật hướng đến thanh tịnh:
Không nắm giữ tất cả pháp, lấy chánh định làm tịnh hạnh đã học thành vô thượng trí, phương tiện quyền xảo được thanh tịnh giải thoát.
Đó là bốn pháp mà Tộc Tánh Tử, Tộc Tánh nữ đã gặp Như Lai được hướng đến thanh tịnh.
Khi Phật nói như vậy, bảy trăm Tỳ Kheo được tâm giải thoát vô lậu.
Bồ Tát trong hội đều được vô sanh pháp nhẫn, vô số ngàn người đều gieo trồng thiện căn.
Thuyết Pháp xong, Phật liền rời khỏi tòa cùng với các đệ tử và các Bồ Tát hiện thần thông bay đi như chim Phượng hoàng chúa, trở về lại vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ, Vua Ba Tư Nặc bảo Tu Lại: Khi nào Ngài muốn đến gặp Phật, xin Ngài báo cho tôi biết để tôi đi theo.
Tu Lại đáp: Tôi cũng muốn Đại Vương bảo các cung phi, thái tử, hoàng thân quyến thuộc, ai không đến gặp Phật thì sai quan hữu ti ghi tội.
Vì sao?
Vì Bồ Tát không chỉ lo cho mình mà còn lo cho người và phi nhân, thì ở trong đại chúng oai thần của Bồ Tát càng lớn.
Nhà Vua thưa: Xin nghe lời Bồ Tát, dẫn đại chúng đi theo. Việc này không sao cả.
Tu Lại đáp: Tất cả chúng sanh, Bồ Tát đều có thể hòa hợp để họ làm theo, nghĩa là:
Do bố thí mọi người vui theo, có thể làm cho người bỏn xẻn trở nên ưa bố thí.
Bồ Tát trì giới mọi người vui theo, giáo hóa những người không có lòng tin làm cho tin tội phước.
Bồ Tát nhẫn nhục, mọi người vui theo, giáo hóa những người sân giận làm cho họ không còn oán hận nữa.
Bồ Tát tinh tấn, mọi người vui theo, giáo hóa những người không nỗ lực làm cho họ dõng mãnh, tinh tấn.
Bồ Tát hành thiền, mọi người vui theo, giáo hóa những người tâm tán loạn, làm cho nhất tâm.
Bồ Tát có trí huệ, mọi người vui theo, giáo hóa những người ngu si, làm cho họ được chánh trí.
Bồ Tát thực hành hạnh từ, mọi người vui theo, giáo hóa những người hung ác trở nên có tâm từ.
Bồ Tát thực hành hạnh bi, mọi người vui theo, vào biển sanh tử, không chán chánh hạnh.
Bồ Tát thực hành hoan hỷ, mọi người vui theo, giáo hóa những người lo buồn, mê muội, làm cho họ vui theo pháp.
Bồ Tát thực hành hạnh cứu giúp, mọi người vui theo, làm yên ổn, khuyến khích giúp đỡ người thâm nhập giáo pháp.
Như vậy đức hạnh của Đại Vương rất nhiều.
Lại có bốn việc làm khéo nhiếp thọ người:
1. Giúp đỡ chúng sanh không trái bỏ.
2. Đức hạnh thanh tịnh.
3. Chọn lựa nguyện lành, làm cho Cõi Phật không có ba độc.
4. Hoàn toàn không nguyện, không nhớ nghĩ, ra khỏi sự ràng buộc của lưới ma.
Bồ Tát thường hành hạnh nhu nhuyến, giáo hóa những người cang cường, làm cho không quên Đại Thừa, ưa ở núi, đầm, không để đoạn mất phước đức đời trước, căn lành ngày càng tăng trưởng, tu khắp các hạnh, viên mãn ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
Do đó, Bồ Tát hòa hợp thâu nhiếp được mọi người.
Vua Ba Tư Nặc rất vui mừng hớn hở, phát sanh thiện tâm. Vua đem dâng áo ngũ sắc giá trị ngàn vạn đang mặc cho Tu Lại.
Tu Lại không nhận, nói: Đại Vương vui mừng khác gì tôi đã nhận đâu!
Vua không được vui, Tu Lại lại nói: Tôi mặc áo cỏ may rất vui.
Mặc áo như vậy đâu có lo gì!
Vua hỏi: Vì sao?
Tu Lại đáp: Vì có khi tôi cởi áo treo trên cây, bỏ đi một ngày, hoặc đến bảy ngày, không có người nào tham lấy, tôi cũng không tiếc, không nhìn lại áo này. Bồ Tát thường mặc loại áo như vậy, tự mình đã không tham đắm, lại làm cho người không tham.
Vua nói: Xin Ngài thương xót bước lên trên áo, làm cho tôi thường được vô lượng phước. Tu Lại làm theo ý Vua, bước lên trên áo.
Vua nói: Áo này đã thuộc về Tu Lại. Tôi sẽ để ở đây.
Tu Lại đáp: Tâu Đại Vương! Nên xem trong nước này, người nào không có áo che thân, có thể đem áo này cho họ. Vua liền bảo quan cận thần đem áo đó ban cho những người nghèo khổ.
Những người nghèo khổ cùng được áo ngũ sắc của Vua đều vui mừng nhớ đến Tu Lại và suy nghĩ: nên lấy gì để thật lòng báo ân Tu Lại.
Nhờ oai thần của Phật, trên hư không có tiếng nói kệ:
Không dùng hương hoa báu
Các thức ăn ngon ngọt
Muốn báo ân từ này
Chỉ nên phát tâm đạo
Những người không tham giàu
Không ưa điều kỳ lạ
Báo đáp nên cầu Phật
Đại thừa tứ đẳng tâm.
Vào lúc mặt Trời xế bóng, Tu Lại cùng với mọi người, Vua cùng với tất cả hoàng thân quyến thuộc, quần thần đều đi đến gặp Phật. Khi ấy, ở nước Xá Vệ, các thiện nam tín nữ cùng với mười ức chúng và những người dân nghèo được ban áo ngũ sắc, nghe Tu Lại đến gặp Phật đều đi theo.
Bấy giờ, Trời Đế Thích hạ xuống, từ nước Xá Vệ đi đến vườn Kỳ Thọ. Ở giữa đường, Trời Đế Thích hóa làm Cung Điện lớn như Cung Trời Đao Lợi, hóa làm bảy cây báu, ở dưới gốc cây làm Tòa Sư Tử cho Phật, vuông tròn cân xứng, dùng bao nhiêu loại lụa dày trải lên đó, bảo một vạn hai ngàn kỹ nữ đứng xung quanh trỗi lên trăm loại âm nhạc để cúng dường Phật.
Biết đại chúng đã đến đông đủ, Phật liền đứng dậy đến Cung Điện lớn, ngồi lên tòa Sư Tử của Trời. Thân Phật phóng ra ánh sáng chiếu khắp Trời đất, trên hư không rải hoa xuống như mưa.
Trời Đế Thích bảo Tử Ngôn Câu: Ta đã làm tòa cho Phật, ông có thể làm tòa cho các Bồ Tát chân nhân.
Thái tử liền hóa làm sáu vạn tòa khác đều rất tốt đẹp, trang nghiêm bằng dạ năm sắc của cõi Trời, rồi nói kệ:
Các Bồ Tát chân nhân
Xin đến ngồi tòa này
Tòa này Trời vui hóa
Nguyện thường đến hội Phật.
Sau khi các Bồ Tát đại đệ tử ngồi nhập định, Trời Bàn Giá Dực bảo Thiên Chúng đem theo năm trăm đàn cầm khác, trỗi lên âm điệu hay để ca ngợi Phật, Tu Lại, và nói:
Lát nữa, nếu có Chư Thiên tôn quý hơn chúng ta đến, chúng ta sẽ rút lui.
Liền cho trỗi nhạc ca tụng:
Trí hành qua trăm kiếp
Trí lớn thí vô lượng
Trí giới, nhiếp thân khẩu
Lễ bậc Thánh Vô Thượng
Người nhẫn không phạm lỗi
Tinh tấn có sức mạnh
Người mở cửa định tuệ
Hùng mạnh trong ba cõi
Đoạn trừ tham, sân, si
Diệt tận, không tỳ vết
Tự được, còn cho người
Lễ bậc thầy Trời người
Tuệ quán trừ ba ái
Không tham danh thế gian
Điềm đạm không lo sợ
Đảnh lễ Đấng Pháp Vương
Thiên Ma dâng nữ sắc
Tâm đạo không sụp đổ
Không đắm, không thể nhiễm
Đảnh lễ bậc thanh tịnh
Ba mươi hai tướng tốt
Vẻ đẹp trang nghiêm thân
Tám tiếng thảy đều nghe
Lễ bậc Trời trong Trời
Bước đi, dấu ấn hiện
Không sợ, oai vang xa
Răng bằng, vai tròn đầy
Lễ vị thần họ Thích
Khen ngợi Vua thập lực
Giúp người, khen thành tín
Quy y Phật được phước
Nguyện sau như Thế Tôn.
Bấy giờ, nhân dân và ngàn Thiên Chúng đều theo Tu Lại đến gặp Phật, lễ chân Phật rồi ngồi qua một bên. Vua Ba Tư Nặc cùng với tùy tùng đến trước lễ chân Phật rồi đứng qua một bên.
Khi đó, Vua tự tay nắm sàng tòa, thưa Tu Lại: Xin Ngài ngồi lên tòa này.
Các Thiên Chúng đây nhiều vị chưa gặp Tu Lại, nghĩ rằng: Người nghèo này có công đức gì mà được cung kính đến như vậy?
Biết rõ ý Chư Thiên, Vua nói: Các vị nương vào phước, không nên khinh người này.
Vì sao?
Vì tôi có thể làm chứng. Người này giữ giới, hộ trì pháp khó ai bì kịp. Các vị hãy đợi giây lát sẽ thấy phước đức ấy.
Tu Lại muốn làm cho Chư Thiên hiểu, liền bạch Phật: Nguyện xin Thế Tôn giải thích vì sao Bồ Tát được oai thần, được tôn kính cho đến khi đắc Vô Thượng Chánh Giác. Khi ấy, thân Phật phóng ánh sáng chiếu đến Tu Lại, làm cho vẻ đẹp Tu Lại vượt xa Thiên Đế trăm ngàn lần. Chư Thiên đều vui mừng, biết chắc chẳng phải là người thường, rải hoa Trời xuống.
Phật bảo Tu Lại: Bồ Tát lúc giàu sang không nên kiêu mạn mà hiện ra nghèo hèn, có thể làm cho mọi người không tham giàu sang, cũng không hận nghèo. Đó là đức thanh tịnh.
Lúc giàu sang, Bồ Tát có thể làm gương cho người khác thích bố thí. Lúc có trí tuệ, Bồ Tát hiện ra như người ngu, có thể làm cho người ngu mau được trí tuệ. Đó là đức thanh tịnh.
Tu Lại! Ông đã có thể điều phục tâm ý, thị hiện làm người cực khổ giữ giới như pháp, được các Phạm Chí, Cư Sĩ, mọi người tôn kính. Đó là khéo dùng phương tiện thiện xảo thanh tịnh.
Hiền Giả A Nan bạch Phật: Tu Lại học đến nay đã bao lâu?
Phật bảo A Nan: Ông ấy học rất lâu, đã học với nhiều ức trăm ngàn Đức Phật, hiện đắc ba nhẫn, đạt đến các trí, tùy thuận làm các việc thiện, tự hiện nghèo hèn, ý thanh tịnh như vậy.
A Nan thưa: Nay có bao nhiêu người nguyện cầu thành Phật?
Phật dạy: Cõi Trời Dục Giới có bảy ngàn vị, Trời Sắc Giới có một vạn hai ngàn vị, cõi người có vài ngàn vị, đều phát tâm Vô Thượng Chánh Giác.
A Nan lại hỏi: Tu Lại bao lâu sẽ thành Phật?
Phật Hiệu là gì?
Quốc Độ tên gì?
Phật nói kệ này cho A Nan:
A Nan nghe ta nói
Tu Lại mới phát tâm
Giúp người, không oán hận
Đức lớn, thường bố thí
Từ phát tâm đến nay
Số kiếp khó đếm được
Cúng dường Phật không chán
Hộ trì pháp không quên
Học Lục Độ vô tận
Hay siêng vui tu đạo
Phạm hạnh chưa từng rỉ
Giữ pháp tuệ không mất
Việc làm chí niệm đủ
Giác ngộ giữ vững đạo
Vượt qua các lưới tà
Khéo biết rõ tâm tánh
Xả bỏ việc thế gian
Được, mất cùng chê, khen
Thấy tất cả các pháp
Như không, không chướng ngại
Ưa pháp hạnh không chán
Thường thực hành từ nhẫn
Thương người như thương mình
Xả thân làm an chúng
Dạy bỏ các ác nhiễm
Nghĩ kỹ, nói nghĩa thật
Hiểu biết, không lìa pháp
Giải không, hai giải thoát
Đủ ba nhẫn, không niệm
Học pháp, biết hành động
Mở bày chỗ hướng đến
Tất cả chịu ân đó
Chỗ thành ấp hưng thịnh
Liền đi đến nơi ấy
Giảng thuyết như ý Phật
Giáo hóa khắp Trời, người
Sau khi ta Niết Bàn
Thời cuối Tu Lại tịch
Sanh nước Đông Khả Lạc
Ở tại núi A Súc
Hơn ba A tăng kỳ
Thành tựu hạnh nguyện lớn
Thành Phật trừ tà ác
An ổn độ mười phương
Tự nhiên được thần tướng
Hiệu là Thế Tôn Vương
Như Đức Phật A Súc
Độ vô lượng hữu tình
Hiệu là Đức Hóa Thành
Ác diệt, thiện hưng thịnh
Phật trụ ngàn vạn năm
Chúng Tăng vô số kể
Người mong La Hán ít
Người cầu Phật rất nhiều
Chứng đắc lực thần túc
Tinh tấn hành phước trí
Năm âm thanh thời đó
Phật thuyết pháp rộng khắp
Ma không hoại việc thiện
Chánh tín, thoát tà kiến
Sau khi Phật diệt độ
Tám vạn bốn ngàn người
Thuyết pháp soi thế gian
Làm cho không tranh cãi
Tu Lại giáo hóa người
Nguyện vào pháp đại thừa
Đều sanh vào đời này
Hóa độ người vô số.
Phật chào Tu Lại.
Khi ấy, trong hội, Trời, Người, Quỷ Thần, Long Vương, mỗi vị đều đem y tốt dâng lên Tu Lại, ba ngàn ức Thanh Văn vui mừng, trăm ngàn người đều đến lễ Tu Lại. Phật giảng thuyết chánh pháp, giải thích hạnh ba thừa.
Vua Ba Tư Nặc rời chỗ ngồi, chấp tay bạch Phật: Con vì tham lam, say đắm với của báu trong nước, kiêu mạn, buông lung, làm những việc nguy hại, được Tu Lại dạy bảo mới tự biết mình thật là nghèo.
Nay muốn xả bỏ ngôi báu, giao phó cho Thái Tử, thọ giới của Đức Thế Tôn, làm Tỳ Kheo Tăng của Phật, làm người giữ vườn coi ngó công việc.
Của báu hiện tại chia làm ba phần:
1. Cúng dường đệ tử Phật.
2. Bố thí cho nhân dân trong nước.
3. Để lại cho các quan.
Nhờ ân Phật nên bây giờ con chẳng còn tham muốn của báu nữa. Tất cả phước này đều hồi hướng cho chúng sanh, nguyện chứng đắc Vô Thượng Chánh Giác.
Khi ấy, trong hội, năm trăm Trưởng Giả, Cư Sĩ, năm trăm Phạm Chí, năm trăm Quần Thần nghe Vua thệ nguyện như tiếng Rống Sư Tử, đều phát tâm Vô Thượng Chánh Giác.
Do lòng tin sâu xa, tất cả đều xả bỏ tham dục, rời gia đình, học đạo, muốn làm Sa Môn. Trong đó, trừ ra ba trăm người, Phật đều cho làm Sa Môn.
Lúc đó, Tu Lại lui về chỗ ngồi, chấp tay bạch Phật: Con cũng nguyện xin bậc Thánh Sư Tử, mười phương Chư Phật hiện tại thương xót cho con được làm Sa Môn. Nhờ Như Lai mà Tu Lại thành tựu huệ lực, liền nhập tam muội. Tất cả Chư Phật hiện tại khắp mười phương đều cùng với Tỳ Kheo Tăng hiện ra.
Tu Lại đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ mười phương Phật, liền thành Sa Môn.
Lại cầu xin, thưa:
Nguyện chư Thế Tôn thương xót cho con được thành tựu ý nguyện.
Mười phương Chư Phật và Thích Ca Văn đều đưa cánh tay phải xoa đầu Tu Lại.
Các cánh tay Chư Như Lai đều hiện ra mà không chướng ngại nhau.
Lúc đó, ánh sáng chiếu khắp ba ngàn thế giới, Trời mưa xuống các loại hoa.
Hiền Giả Tu Lại tự nhiên thân đắp pháp y, y phục chỉnh tề, oai nghi đỉnh đạc.
Lúc Tu Lại lễ bái, năm trăm Tỳ Kheo được lậu tận, tâm giải thoát, không còn kiết sử, một ngàn vị Bồ Tát được tín nhẫn.
Phật bảo A Nan: Nên thọ trì, ghi chép, lễ bái Kinh này, lưu truyền, giảng nghĩa cho mọi người.
Vì sao?
Vì người đời sau phần nhiều bị mắc vào lưới tà kiến. Do đó, bấy giờ ta sẽ làm Phật, giáo hóa người có tâm ác, làm cho được chánh đạo, làm cho như Tu Lại từ lòng tin có trí tuệ.
Ở thế gian, ta thuyết pháp rộng khắp. Một người khó độ được, ta cũng không bỏ. Vì vậy, A Nan nên lưu truyền pháp này, làm cho người tin ưa, suốt ngày nghe, học, làm cho tâm ý hiểu biết, nhờ đó được giải thoát.
Phật thuyết Kinh này rồi, tất cả đều hoan hỷ, Tỳ Kheo Tu Lại, các Tỳ Kheo Tăng, Trời Đế Thích, Vua Ba Tư Nặc, Trời, Người, A Tu La, đều vui nghe.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Năm Mươi Chín - Phẩm Biển
Phật Thuyết Kinh Nhất Tự Kỳ đặc Phật đảnh - Phẩm Năm - Phẩm Thành Tựu Tỳ Na Dạ Ca
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Nhân Duyên - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Thiện Sanh Tử - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Sakuludayi - Phần Hai Mươi Bốn - Lậu Tận Thông