Phật Thuyết Kinh A Súc Phật Quốc - Phẩm Năm - Phẩm đức Phật Bát Nê Hoàn - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Lâu Ca Sấm, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH A SÚC PHẬT QUỐC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Lâu Ca Sấm, Đời Hậu Hán  

PHẨM NĂM

PHẨM ĐỨC PHẬT BÁT NÊ HOÀN  

TẬP MỘT  

Lúc bấy giờ Hiền Giả Xá Lợi Phất suy nghĩ. Đức Phật đã nói về đức hạnh của Phật A Súc thuở xưa khi còn hành đạo Bồ Tát. Đức Phật cũng đã nói về sự an lạc toàn thiện của Cõi Phật, cũng như nói về sở học và sự thành tựu hạnh nguyện của các đệ tử Thanh Văn, Bồ Tát.

Mong Đấng Thiên Trung Thiên nói về Đức Phật A Bệ lúc Đại Bát Nê Hoàn có cảm ứng thế nào?

Ngay lúc ấy Đức Phật biết tâm niệm của Hiền Giả Xá Lợi Phất, liền nói.

Này Xá Lợi Phất! Khi Đức Phật A Súc đại Bát Niết Bàn, ngày ấy tất cả các nước trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều biến hóa, hóa hiện ra người thuyết pháp. Họ có thể thuyết những gì mà trước đây Đức Phật đã thuyết. Khi ấy nhân dân thực hành đạo A La Hán, không còn tái sinh, khiến cho trụ nơi đạo A La Hán.

Lúc Đức Phật A Súc Bát Nê Hoàn có Đại Bồ Tát tên là Chúng Hương Thủ. Đức Phật A Súc thọ ký cho Bồ Tát Chúng Hương Thủ thanh Phật hiệu là Kim Sắc Liên Hoa Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Cõi Phật Kim Sắc Liên Hoa có sự an lạc toàn thiện, cùng với sự an ổn chắc thật vô cùng tốt đẹp như cõi nước của Đức Phật A Súc. Đức Phật Kim Sắc Liên Hoa có chúng đệ tử cũng như đệ tử của Đức Phật A Súc.

Xá Lợi Phất! Khi Đức Phật A Súc Đại Bát Nê Hoàn, khắp tam thiên đại thiên Thế Giới chấn động lớn, âm thanh vang đến Cõi Trời A Tam Hóa La, đến tận Cõi Trời A Ca Ni Tra còn nghe tiếng. Lúc Đức Phật A Súc Bát Nê Hoàn có những điềm lành như vậy.

Này Xá Lợi Phất! Các cây thuốc tốt ở Cõi Phật A Súc đều cong lại và hướng đến chỗ Đức Phật Bát Nê Hoàn đảnh lễ. Khi Phật A Súc Đại Bát Nê Hoàn, Chư Thiên và nhân dân đem tất cả các thứ hoa hương đến cúng dường và rải lên Đức Phật. Cúng dường xong, các hoa hương và vật báu khác của Chư Thiên, nhân dân tụ lại trên hư không cao bốn mươi dặm, làm thành lọng hoa tròn.

Khi Đức Phật A Súc Đại Bát Nê Hoàn, nơi tam thiên đại thiên Thế Giới ấy, Chư Thiên, Long, Quỷ Thần, Kiền Đà La, A Tu La, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc đều hướng về Đức Phật A Súc Đại Bát Nê Hoàn. Chư Thiên, nhân dân đó nhờ oai thần của Phật đều trông thấy lúc Phật A Súc Đại Bát Nê Hoàn.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Khi Đức Phật A Súc Đại Bát Nê Hoàn, các Thiên và nhân dân suốt ngày đêm âu sầu than thở.

Vì sao Đức Phật A Súc Bát Nê Hoàn mau chóng vậy?

Làm cho chúng con và nhân dân mất đi niềm vui, không có được niềm vui như ý.

Lòng họ ưu sầu mà nói.

Đức Phật A Súc Bát Nê Hoàn quá nhanh chóng. Nhân dân mất đi sự an ổn, thiên hạ mất đi đôi mắt sáng.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất.

Lúc đó nếu Đại Bồ Tát ở nơi Thế Giới này hoặc Thế Giới khác mạng chung, sinh vào cõi của Đức Phật A Súc, vừa mới sinh ra, vị ấy đã được thọ ký. Vị Bồ Tát đó đi từ nơi này đến nơi khác cùng mọi người du hành, hoặc có vô số trăm ngàn người du hành.

Các vị Bồ Tát đó sẽ thấy vô số trăm ngàn Đức Như Lai, sẽ thấy vô số Đức Phật, sẽ gặp vô số Bậc Nhất Thiết Chủng Trí. Nếu có Đại Bồ Tát ở ngay Thế Giới này hoặc Thế Giới khác mạng chung, sinh vào cõi của Đức Phật A Súc.

Khi vừa mới sinh ra, vị đó cũng cùng với mọi người đi du hành. Nhờ oai thần Phật đạt đến Nhất thiết chủng trí, cho nên gọi là trí A Duy Việt. Vị Đại Bồ Tát nghe Kinh Pháp và đức hiệu của Cõi Phật A Súc này đều lìa được lưới ma vây bủa.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Khi Đức Phật A Súc Như Lai Đại Bát Nê Hoàn cho đến ở nơi hành pháp, các Đại Bồ Tát sinh ở Cõi Phật A Súc cũng sẽ cùng với chúng sinh du hành, tìm cầu hạnh nguyện thuở xưa của Phật A Súc, sau đó sẽ sinh vào Cõi Phật A Súc. Đại Bồ Tát sẽ tụng trì tám trăm pháp môn, sau đó tụng trì các pháp, liền lên Cõi Phật A Súc vi diệu. Các Đại Bồ Tát tu tập đạt được tám trăm pháp môn, liền nhớ nghĩ.

Ta sẽ sinh ở Cõi Phật A Súc cũng sẽ trì tụng tám trăm pháp môn, sau đó đều tiếp tục tụng trì các pháp bằng những câu thượng diệu, lãnh thọ pháp Kinh chân chánh. Đại Bồ Tát hiện đang ở chỗ của Đức Phật A Súc khi sắp Bát Nê Hoàn thuyết pháp bình đẳng không sai khác. Cõi Phật bình đẳng, Như Lai đã thị hiện từ trí A Duy Việt đạt đến đạo giác ngộ tối thượng, vô thượng chánh chân.

Này Xá Lợi Phất! Trong thân Phật A Súc tự tuôn ra lửa, lửa ấy trở lại thiêu thân thành sắc vàng và nát như hạt cải, thân thể không còn trở lại nữa. Sau đó tự nhiên phục hồi lại. Ví như loại cây tên Đêdi la, nếu cây ấy bị chặt nhỏ như sợi tóc, không còn nguyên vẹn, sau đó tự nhiên sinh ra.

Như thế, này Xá Lợi Phất! Khi Đức Phật A Súc đại Bát nêhoàn, thân vụn nát, không thể lấy lại nữa, sau đó tự nhiên sinh lại.

Xá Lợi Phất! Khi Đức Phật A Súc Như Lai Đại Bát Nê Hoàn, chỗ mà sắc thân của Phật ngồi vẫn thấy tự nhiên như cũ. Ví như có ngọn núi vỡ vụn, không thấy lại ngọn núi ấy, nhưng mà chỗ đó vẫn còn tự nhiên.

Xá Lợi Phất! Khi Đức Phật A Súc Bát Nê Hoàn, xác thân ấy tự vỡ vụn, không thấy lại nữa, sau đó tự nhiên như cũ. Lúc đó tất cả nhân dân khắp tam thiên đại thiên Thế Giới đều đến cúng dường thân ấy và dùng bảy báu làm tháp. Cả Tam thiên đại thiên Thế Giới đều dùng bảy báu làm tháp và dùng hoa sen bằng vàng để trang nghiêm.

Xá Lợi Phất! Các Đại Bồ Tát ở Cõi Phật A Súc sẽ đến đảnh lễ, có điềm lành ứng hiện mới như vậy. Lúc ấy các châu báu ở cõi đó tự nhiên ra nước mắt. Các vị Bồ Tát nào vãng sinh vào Cõi Phật A Súc, khi vừa mới sinh sẽ thấy Đức Phật, tâm ý không rối loạn.

Lúc lâm chung sẽ có tất cả Trời, người đến cúng dường sắc thân ấy. Chư Thiên và nhân dân nguyện phát tâm cúng dường sắc thân ấy. Đại Bồ Tát đó tự dùng công đức đã tích lũy, chuyển vận nhanh ơ trong hư không mà không ai biết nơi nào.

Ví như, này Xá Lợi Phất! Đem cỏ cây đặt trong lửa xông khói bay đi, khói ấy bay lên hư không, ở trong hư không ấy bay đi, cũng ở trong hư không ấy mà biến mất, không ai biết nó bay đến phương nào. Pháp thân của chư Đại Bồ Tát nơi Cõi Phật A Súc cũng như vậy.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát ở Cõi Phật A Súc khi sắp hết thọ mạng sẽ thấy các Đại Bồ Tát ở các Thế Giới khác ngồi dưới gốc cây Bồ Đề. Đó là điềm lành của các Đại Bồ Tát khi lâm chung. Lại thấy các Đại Bồ Tát khác vào thai mẹ.

Lại thấy các Đại Bồ Tát khác từ bên hông phải của bà mẹ sinh ra liền đi bảy bước, có các thể nữ tại đó cùng nhau vui mừng.

Lại thấy các Đại Bồ Tát khác xuất gia học đạo. Lại thấy các Bồ Tát khác ngồi dưới cội Bồ Đề hàng phục ma quân, đắc thành Nhất thiết chủng trí. Lại thấy nơi Thế Giới phương khác Chư Phật, Thiên Trung Thien đang chuyển pháp luân.

Này Xá Lợi Phất! Khi Bồ Tát Cõi Phật A Súc lâm chung nên tự nhiên mới có điềm lành này.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Khi Đức Phật A Súc Đại Bát Nê Hoàn, các pháp mà Đức Phật thuyết pháp sẽ trụ đến vô số trăm ngàn kiếp?

Hiền giả Xá Lợi Phất bạch Phật.

Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Pháp mà Đức Phật đó đã thuyết trụ đến trăm ngàn kiếp, được tính như thế nào?

Đức Phật dạy.

Này Xá Lợi Phất! Lấy hai mươi tiểu kiếp làm một kiếp. Đó là tính số lần Đức Phật thuyết pháp trụ trong trăm ngàn kiếp.

Xá Lợi Phất! Khi pháp ấy chấm dứt, tất cả tam thiên đại thiên Thế Giới sẽ chiếu ánh sáng lớn. Trái đất lúc ấy chấn động mạnh. Pháp ấy không bị các ma và thiên ma ngăn che và hoại diệt, cũng không bị hoại diệt bởi đệ tử của Đấng Thiên Trung Thiên. Mà do vì các Tỳ Kheo ít thích tịch tĩnh và thường đi lại.

Đã ít thích tịch tĩnh và thường đi lại mà còn không nghe giáo pháp nhiều. Đã không nghe giáo pháp, cũng không thường thọ trì và không tinh tấn nhiều. Pháp sư Tỳ Kheo đối với giáo pháp cũng tiêu cực, ít muốn thuyết giảng. Vì vậy cho nên giáo pháp dần dần tiêu diệt, mất dần không còn hiện hữu nữa.

Khi ấy Hiền Giả Xá Lợi Phất bạch Phật.

Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Các Đại Bồ Tát tu đức hạnh nào để được sinh vào cõi của Đức Phật A Súc?

Này Xá Lợi Phất! Vị Đại Bồ Tát đó phải học hạnh của Đức Phật A Súc thuở xưa, khi còn cầu đạo Bồ Tát. Vị Bồ Tát đó phải phát nguyện như thế, mong được sinh vào cõi của Đức Phật A Súc. Nhờ hạnh nguyện đó mà Đại Bồ Tát được sinh vào cõi nước của Đức Phật A Súc.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Vị Bồ Tát thực hành Bố thí đạt đến vô cực, tích lũy cội đức, hành trì đạo vô thượng chánh chân, thì được ở bên Đức Phật A Súc.

Vị Đại Bồ Tát do thưc hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vào cõi của Đức Phật A Súc. Bồ Tát tu tập Trì giới đạt đến Ba la mật, hành trì đạo vô thượng chánh chân, được ở bên Đức Phật A Súc. Đại Bồ Tát do thực hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vào cõi của Đức Phật A Súc.

Đại Bồ Tát thực hành nhẫn nhục đạt đến Ba la mật, hành trì đạo vô thượng chánh chân, được ở bên Đức Phật A Súc.

Đại Bồ Tát do thực hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vao cõi của Đức Phật A Súc. Đại Bồ Tát thực hành hạnh tinh tấn đạt đến Ba la mật hành trì đạo vô thượng chánh chân, thì được ở bên Đức Phật A Súc.

Đại Bồ Tát do thực hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vào cõi của Đức Phật A Súc. Đại Bồ Tát thực hành hạnh Nhất tâm đạt đến Ba la mật, hành trì đạo vô thượng chánh chân, được ở bên Phật A Súc.

Đại Bồ Tát do thực hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vào cõi của Đức Phật Asúc. Đại Bồ Tát thực hành hạnh trí tuệ đạt đến Ba la mật, hành trì đạo vô thượng chánh chân, được ở bên Phật A Súc. Đại Bồ Tát do thực hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vào cõi của Đức Phật A Súc.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Ánh sáng của Phật A Súc chiếu rực rỡ khắp Thế Giới. Vị Đại Bồ Tát nghĩ. Ta phải nguyện được trông thấy ánh sáng ấy. Sau khi thấy rồi khiến cho ta thành tựu đạo giác ngộ cao tột vô thượng chánh chân. Ánh sáng ấy sẽ trở lại chiếu rực rỡ vào Cõi Phật kia.

Đại Bồ Tát do thực hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vào cõi của Phật A Súc. Ta sẽ thấy Cõi Phật A Súc và vô số không thể tính kể các vị đệ tử. Thấy như vậy rồi ta cũng thực hành những hạnh nguyện như thế.

Làm cho ta khi thành tựu đạo giác ngộ cao tột vô thượng chánh chân cũng có vô số chúng đệ tử. Đại Bồ Tát do thực hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vào cõi của Phật A Súc. Cõi Phật A Súc có vô số trăm, ngàn, vạn, ức Bồ Tát, ta sẽ gặp chư tôn Bồ Tát để quán hạnh tịch tĩnh. Ta sẽ học theo như thế, sẽ ở khắp nơi hiểu biết rõ những hạnh tu này.

Ta phải cùng những người đồng học như nhau không khác, phải cùng bình đẳng như nhau, đều cùng ở một nơi. Muốn đầy đủ đại từ, đại bi làm Phật nên theo nghĩa Sa Môn, chứ không theo nghĩa Bích chi phật, không có hạnh của Thanh Văn, không có ý của Thanh Văn, không có ý của Duyên Giác.

Vị ấy phải an trụ vững chắc nơi hư không, không có ác đạo, đồng danh xưng đối với Chư Phật, đồng danh xưng với Nhất thiết chủng trí, đồng danh xưng đối với các pháp, đồng danh xưng đối với chúng Tăng. Vì vậy, nên thường nghĩ đến các danh xưng như nhau, như các Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nếu có thiện nam, thiện nữ chỉ cần nghe tên đều được sinh vào Cõi Phật A Súc, huống chi hợp lại tất cả căn lành của các pháp Ba la mật, hành trì hạnh nguyện Cõi Phật A Súc.

Đã tích tập các cội lành liền thành tựu đạo giác ngộ cao tột vô thượng chánh chân, huống chi hợp lại tất cả căn lành của các pháp Ba la mật, liền được sinh vào Cõi Phật A Súc. Đại Bồ Tát do thực hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vào Cõi Phật A Súc.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn sinh vào Cõi Phật A Súc phải niệm hằng hà sa số Chư Phật, Thiên Trung Thiên ở phương Đông và nhân duyên của các phẩm Thiện pháp, pháp mà Chư Phật, Thiên Trung Thiên đã thuyết, niệm pháp ấy không có gì có thể sánh được. Vị ấy nghĩ.

Để thành tựu đạo Giác ngộ cao tột vô thượng chánh chân, con sẽ thuyết pháp như thế, như Chư Phật, Thiên Trung Thiên. Niệm các nhân duyên chúng đệ tử của các vị ấy, đến bao giờ con được thành tựu đạo giác ngộ cao tột vô thượng chanh chân, con cũng sẽ có vô số bất khả thuyết các hàng đệ tử như thế.

Xá Lợi Phất! Thiện nam và thiện nữ phải nhớ nghĩ về ba việc, nên hiểu rõ và nghĩ đến ba việc lớn này. Nếu người thiện nam, thiện nữ thường nhớ nghĩ về ba việc lớn này, hội họp với cội đức vì tất cả chúng sinh phát nguyện hành trì, tác thành đạo vô thượng chánh chân. Vì tất cả chúng sinh cho nên nguyện ba việc.

Người thiện nam, thiện nữ là Đại Bồ Tát phát nguyện đạo vô thượng chánh chân, không có hạn lượng với tất cả chúng sinh. Nếu có người nào muốn lấy đồ vật làm giới hạn hư không, người ấy đến nói rằng. Người thiện nam đem thiện căn cùng chia cho ta.

Này Xá Lợi Phất! Nếu căn lành ấy có hình sắc thì tất cả chúng sinh có thể dùng đồ vật chứa đầy khắp cả hư không. Nhưng không thể dùng đồ vật để chứa hết căn lành.

Như thế, này Xá Lợi Phất! Muốn đem căn lành này đối với đạo vô thượng chánh chân thì cũng không thể dùng đồ vật đựng cho hết được. Như thế có nghĩa căn lành là nhất thiết chủng trí. Nếu có người nghĩ đến căn lành về ba việc liền chuyển thành Tam Bảo.

Nếu có Đại Bồ Tát nghĩ nhớ, phát nguyện căn lành ba việc thì đều thấy thiện pháp. Bồ Tát thực hành ba việc căn bản thiện sẽ hàng phục các ma và quyến thuộc của chúng.

Ý muốn sinh về Cõi Phật A Súc, tức thời sinh vào Cõi Phật đó. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc, phương Trên, phương Dưới cũng vậy, bốn góc cũng như vậy. Nếu có Đại Bồ Tát nhớ nghĩ ba căn lành đã tích lũy và đem căn lành ấy khuyên giúp, sau đó nguyện xin hướng về Cõi Phật A Súc, người đó liền được sinh vào Cõi Phật A Súc.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần