Phật Thuyết Kinh ánh Sáng Hoàng Kim - Phẩm Chín - Phẩm Trùng Tuyên Về Không

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ÁNH SÁNG HOÀNG KIM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nghĩa Tịnh, Đời Đường  

PHẨM CHÍN

PHẨM TRÙNG TUYÊN VỀ KHÔNG  

Đức Thế Tôn nói về Minh Chú Kim thắng rồi, để lợi ích cho Bồ Tát Đại Sĩ, cho Đại hội nhân loại Chư Thiên, làm cho ai cũng nhận thức đạo lý bậc nhất, thậm thâm chân thật, nên Ngài nói lại về không, bằng những chỉnh cú sau đây.

Như Lai ở trong

Các Kinh sâu xa

Đã nói phong phú

Về diệu lý không.

Nay trong Bản Kinh

Vua các Kinh này

Lược nói về không

Siêu việt tư nghị.

Với diệu lý không

Quảng đại sâu xa,

Chúng sinh vô trí

Không thể ý thức,

Thế nên Như Lai

Trùng tuyên nơi đây

Về diệu lý ấy

Cho họ tỉnh ngộ.

Những bậc đại bi

Thương xót chúng sinh,

Đem thiện phương tiện

Làm thắng nhân duyên

Thế nên Như Lai

Trong Đại Hội này

Trùng tuyên cho họ

Thể nhận không lý.

Không thì thân này

Tựa như xóm vắng,

Lục tặc ở đó

Mà không biết nhau,

Nhóm giặc sáu cảnh

Dựa riêng sáu căn

Mà không biết nhau

Cũng y như vậy.

Nhãn căn thường nhìn

Vào nơi sắc cảnh,

Nhĩ căn liên tục

Nghe vào thanh cảnh,

Tỷ căn thường ngửi

Vào nơi hương cảnh,

Thiệt căn vị giác

Vào nơi mỹ vị,

Thân căn tiếp nhận

Xúc giác mềm dịu,

Ý căn biết pháp

Có chán bao giờ:

Như vậy sáu căn

Khởi theo yếu tố,

Cùng nơi cảnh riêng

Mà sinh phân biệt.

Thức như ảo hóa

Đâu phải chắc thật,

Nó dựa vào cảnh

Mà vọng tham cầu.

Như người bôn ba

Trong xóm trống vắng,

Sáu thức cũng vậy

Dựa vào sáu căn.

Thức dông khắp cả

Chuyển theo vị trí,

Dựa căn vin cảnh

Mà biết mọi sự:

Đắm sắc thanh hương

Say vị xúc pháp,

Và riêng với pháp

Tầm tư không ngừng.

Thức theo duyên tố

Đi khắp sáu căn,

Tựa như con chim

Bay trong không gian.

Nhưng phải nhờ căn

Làm chỗ y cứ

Thức mới nhận thức

Đối với các cảnh.

Không là tri giả,

Không là tác giả

Thân không bền chắc,

Có do yếu tố.

Tất cả là sinh

Từ vọng phân biệt,

Chỉ như bộ máy:

Chuyển động vì nghiệp.

Đất nước lửa gió

Chung thành thân thể,

Và tùy yếu tố

Kết quả khác nhau.

Nhưng ở một chỗ

Mà chúng hại nhau,

Như bốn rắn độc

Ở trong một hộp.

Bốn rắn tứ đại

Bản tính khác nhau,

Cùng trong một thân

Vẫn có thăng trầm,

Hoặc lên hoặc xuống

Khắp cả châu thân,

Thế nên chung cục

Qui về diệt vong.

Bốn con rắn độc

Tứ đại như vậy,

Đất nước hai loại

Đa số trầm xuống,

Gió lửa hai loại

Tính lại nhẹ bổng,

Do mâu thuẫn ấy

Bệnh hoạn phát sinh.

Tâm thức dựa vào

Cái thân như vậy,

Tạo nghiệp lành dữ

Đủ mọi dạng thức.

Rồi trong Trời người

Hay ba đường dữ

Tùy theo nghiệp lực

Mà nhận thân hình.

Thân hình ấy bệnh,

Rồi thân hình chết,

Bệnh thì đại tiểu

Từ thân thoát ra,

Chết thì thối rã

Giòi bọ ghê tởm,

Vất ở rừng thây

Như vất gỗ mục.

Đại hội hãy xét

Thân là như vậy,

Tại sao chấp là

Bản ngã, sinh thể?

Phải xét các pháp

Toàn là vô thường,

Toàn do năng lực

Vô minh khởi động.

Bốn thứ đại chủng

Toàn bộ hư vọng,

Bản chất không thật

Thật thể không sinh,

Nên Như Lai nói

Đại chủng toàn không,

Thì biết phù hư

Không phải thật có.

Và chính vô minh

Tự tánh vốn không,

Có ra chỉ vì

Yếu tố hóa hợp,

Làm cho lúc nào

Cũng mất Tuệ Giác,

Nên Như Lai nói

Đó là vô minh.

Do hành với thức

Mà có danh sắc,

Lục nhập và xúc

Cũng sinh từ đó,

Do ái thủ hữu

Có sinh già chết,

Lo buồn khổ não

Theo mãi chúng sinh.

Khổ não ác nghiệp

Ràng buộc bức bách,

Sinh tử luân hồi

Vì vậy không nghỉ.

Bản lai phi hữu,

Thể tánh là không,

Vì không như lý,

Phân biệt sinh ra.

Như Lai đã diệt

Mọi thứ phiền não,

Thường do chánh trí

Hiện hành mà sống:

Biết nhà ngũ uẩn

Toàn là trống rỗng,

Tiến chứng bồ đề

Nơi thật chân thật.

Như Lai mở cửa

Đại thành Cam Lộ,

Chỉ cho đồ chứa

Cam Lộ vi diệu.

Tự mình đã được

Chân Cam Lộ vị,

Lại đem cho người

Cam Lộ vị ấy.

Như Lai gióng lên

Trống pháp tối thắng,

Như Lai thổi lên

Loa pháp tối thắng,

Như Lai đốt lên

Đèn pháp tối thắng,

Như Lai mưa xuống

Nước pháp tối thắng.

Chiến thắng phiền não

Cùng bao oán kết,

Như Lai dựng lên

Cờ pháp tối thượng.

Từ biển sinh tử

Cứu vớt chúng sinh,

Như Lai đóng cửa

Ba nẻo đường dữ.

Phiền não lửa dữ

Thiêu đốt chúng sinh,

Không ai cứu cho

Không nơi nương tựa.

Cam Lộ mát ngọt

Làm cho sung mãn,

Thân tâm nóng bức

Đều loại trừ cả.

Do vậy Như Lai

Trong vô số kiếp

Tôn kính hiến cúng

Chư vị Như Lai,

Kiên trì giới pháp

Bước tới bồ đề,

Mong chứng pháp thân

Thể hiện an lạc.

Như Lai đem cho

Tai mắt chân tay,

Vợ con tôi tớ

Cũng không tiếc lẫn,

Tài sản vàng ngọc

Cả đồ trang sức,

Tùy ai cầu gì

Như Lai cho cả.

Tu hành khắp cả

Sáu Ba la mật,

Viên mãn Mười Địa

Mà thành Chánh Giác,

Thế nên được tôn

Bậc nhất thế trí,

Không một ai khác

Lường nổi Như Lai.

Giả sử đất đai

Đại thiên Thế Giới

Tất cả mọi nơi

Đều mọc cây cối,

Cây lùm cây rừng

Lúa mè tre lau

Cùng với bao nhiêu

Chủng loại cây khác.

Cây cối như vậy

Đều đốn chặt hết,

Và đem nghiền nhỏ

Thành vi trần cả

Tụ vi trần ấy

Thành khối thành đống,

Cho đến tụ lại

Đầy cả không gian.

Tất cả Quốc Độ

Khắp cả mười phương

Có được bao nhiêu

Đại Thiên Thế Giới,

Đất đai trong đó

Cũng nghiền thành bụi,

Số lượng bụi ấy

Hết cách tính toán.

Giả sử trí tuệ

Của cả chúng sinh

Gom lại thành ra

Trí tuệ một người,

Và người như vậy

Nhiều đến vô số,

Có thể biết được

Số bụi nói trên.

Nhưng chỉ một thoáng

Tuệ giác Như Lai,

Mà những người trên

Chung nhau suy lường

Trong những đời kiếp

Nhiều đến vô số,

Cũng không tính toán

Biết được phần ít.

Bấy giờ đại hội nghe Đức Thế Tôn trùng tuyên về cái không sâu xa, thì có vô lượng chúng sinh thấu triệt bốn đại năm uẩn thể tánh toàn không, sáu căn sáu cảnh chỉ ràng buộc một cách giả dối. Ai cũng nguyện bỏ luân hồi, chính xác tu tập giải thoát, thâm tâm vui mừng, phụng trì đúng lời Đức Thế Tôn chỉ dạy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần