Phật Thuyết Kinh Pháp Thiền Bí Yếu - Phần Bảy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT
KINH PHÁP THIỀN BÍ YẾU
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẦN BẢY
Bấy giờ, Đức Thế Tôn giống như từ phụ vỗ về con mình, bảo vị ấy: Lành thay, lành thay! Thiện nam, ông hành tâm từ cùng tương ưng với từ, nay đầy đủ đại bi, thành tựu căn vô lậu, lực, giác, đạo. Nay ông hỏi pháp trừ tội cho tất cả chúng sinh ở đời vị lai, hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ.
Khi ấy, Đức Thế Tôn phóng ánh sáng từ đỉnh đầu, sắc vàng của ánh sáng này có năm trăm hóa Phật, nhiễu quanh Phật bảy vòng, chiếu sáng vàng rực khắp rừng Kỳ Đà, hiện tướng này rồi nhập vào đảnh Phật.
Lúc này, Đức Thế Tôn dạy Thiền Nan Đề và A Nan: Ông phải dạy chúng sinh nhiều tội lỗi, nghiệp chướng ở đời vị lai để diệt trừ tội phải niệm Phật. Nhờ Niệm Phật sẽ trừ được nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng.
Người Niệm Phật trước hết phải ngồi ngay ngắn, xếp hai tay, nhắm mắt, cong đầu lưỡi lên vòm hầu, nhất tâm cột niệm, chuyên chú khiến không phân tán. Tâm đã định rồi trước phải quán tượng. Người quán tượng phải khởi tưởng niệm quán ở khoảng đất trước mặt hết sức trắng sạch, tưởng nó rộng khoảng hai trượng vuông, rồi khiến nó sáng sạch thêm giống như gương sáng.
Thấy khoảng đất trước mặt rồi, thấy đất bên trái cũng khiến cho sáng sạch, thấy đất bên phải cũng khiến cho sáng sạch, và thấy đất phía sau cũng khiến cho sáng sạch. Hành giả khiến cho đất ở bốn phương bằng phẳng như lòng bàn tay. Mỗi phương đều tưởng đất rộng hai trượng khiến cho hết sức sáng sạch.
Đất đã sáng rồi lại nhiếp tâm quán, tưởng một hoa sen ở khoảnh đất phía trước. Hoa ấy có ngàn cánh được trang trí bằng bảy báu. Lại phải tưởng tượng vàng cao một trượng sáu, khiến tượng này ngồi kiết già trên hoa sen.
Thấy tượng này rồi phải quán kỹ nhục kế trên đảnh, thấy nhục kế trên đảnh có tóc màu xanh biếc, mỗi sợi tóc kéo ra dài một trượng ba. Lúc buông trở lại tóc mềm mại xoay về bên phải. Có ánh sáng lưu ly trụ trên đảnh Phật, mỗi lỗ chân lông chỉ mọc một sợi lông. Hành giả quán tám vạn bốn ngàn lông đều hết sức rõ ràng.
Thấy việc ấy rồi, kế quán mặt của tượng, mặt tượng tròn đầy như mặt trăng rằm. Oai quang càng rõ rệt phân chia rõ ràng. Lại quán trán rộng bằng phẳng. Chính giữa chân may có tướng bạch hào trắng như ngọc kha, như tuyết, hoặc có hạt châu bằng pha lê, mềm mại xoay sang bên phải.
Lại quán lỗ mũi của tượng giống như cái thoi đúc bằng vàng hoặc như mỏ con chim ưng. Ngay trên mặt lại quán miệng của tượng, môi có màu đỏ rất đẹp như trái Tần bà la. Kế đó quán răng tượng có đủ bốn mươi cái răng vuông, trắng, bằng phẳng, trên răng có ánh sáng phát ra trắng như trân châu. Màu hồng ở giữa răng phát ra ánh sang hồng.
Kế đó quán cổ của tượng giống như ống lưu ly phát ra sắc vàng một cách rõ ràng. Kế đó quán chữ vạn đầy đủ công đức ở ngực tượng, các nét in trong đó hết sức rõ ràng, từng nét phát ra ánh sáng đầy đủ năm sắc.
Kế đó quán cánh tay của tượng như vòi con voi chúa, mềm mại đáng yêu. Rồi quán mười ngón tay so le theo đúng vị trí hai tay nắm nhau. Trên tay sinh màu sắc như ánh sáng lưu ly. Lông đều hướng lên trên, móng như đồng đỏ, trên móng màu vàng. Trong móng màu hồng như núi đồng đỏ hòa hợp với vàng ròng.
Tiếp theo là quán màng lưới trong lòng bàn tay giống như lưới bằng trân châu, nắm lại thì không hiện. Quán tay của tượng rồi, quán thân tượng đang ngồi ngay ngắn yên ổn giống như núi vàng ròng, không ngã ngã lui, ngồi ngay thẳng. Lại quán cẳng chân của tượng giống đùi con nai chúa, tròn đầy, thon, thẳng.
Kế đó quán mu bàn chân bằng phẳng, đầy đặn và êm mịn, dưới chân có hoa sen đầy đủ ngàn căm xe. Trên chân có lông màu xanh biếc như lưu ly, lông đều hướng lên trên. Ngón chân ngay ngắn từng ngón tiếp nhau, móng màu đồng đỏ. Ở đầu ngón chân cũng có hình bánh xe ngàn căm. Màng lưới giữa ngón chân giống như lụa mịn, giống như chân nhạn chúa.
Các việc như vậy cùng với ánh sáng của thân, ánh sáng chân thật, ánh sáng đảnh, ánh sáng có hóa Phật, Chư Thiên, Tỳ Kheo và cùng các hóa Bồ Tát. Những hóa thân này như bánh xe lửa xoay tròn chạy theo ánh sáng.
Như vậy, nghịch quán là quán từ chân quán ngược lên trên cho đến nhục kế nơi đỉnh đầu. Thuận quán là quán từ đinh xuống chân. Quán tượng như vậy khiến tâm rõ ràng, chuyên chú thấy một Tượng Phật.
Thấy một Tượng Phật rồi lại phải quán thấy hai tượng. Lúc thấy hai tượng khiến thân Tượng Phật thành lưu ly, phát ra ánh sáng khác màu, từng ngọn lửa lần lượt như thiêu núi vàng, hóa tượng nhiều vô số. Thấy hai tượng rồi lại thấy ba tượng.
Thấy ba tượng rồi lại thấy bốn tượng. Thấy bốn tượng rồi lại thấy năm tượng. Thấy năm tượng rồi lại thấy mười tượng. Thấy mười tượng rồi tâm trở nên bén nhạy. Thấy cõi Diêm Phù Đề và khắp trong bốn biển. Phàm phu tâm hẹp không được khiến cho rộng. Nếu người rộng lớn, thâu tâm khiến trở lại nội trong bốn biển, lấy núi Thiết Vi làm giới hạn.
Hành giả thấy trong bien này đầy Tượng Phật, ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp đều khiến rõ ràng. Mỗi một tướng tốt có vô số ánh sáng. Nếu ở các ánh sáng nhơ bẩn bất tịnh, từ tội báo mà có hành giả lại phải dùng hương thơm rải trên đất làm thơm sạch.
Hết sức khiêm nhường tu các pháp sám hối. Lại phải an tâm chánh niệm một chỗ, quán tượng như trước không duyên các việc khác, quán kỹ giữa lông mày của tượng. Quán giữa lông mày của tượng rồi kế đó lần lượt quán các tượng còn lại.
Mỗi một tướng tốt đều khiến cho rõ ràng. Nếu không rõ ràng phải sám hối, làm các việc khổ nhọc sau đó nhiếp tâm quán tượng như trước, thấy các Tượng Phật, sắc thân trang nghiêm, ba mươi hai tướng tốt đều được đầy đủ, đều ngồi trên hoa đầy khắp trong bốn biển.
Thấy tượng ngồi rồi lại phải tác niệm, Thế Tôn khi còn tại thế, mang bát cầm tích trượng, vào làng khất thực, giáo hóa nơi nơi, dùng phước độ chúng sinh. Nay ta vốn tội gì mà chỉ thấy tượng ngồi mà không thấy tượng đi.
Nghĩ như vậy rồi lại sám hối. Đã sám hối rồi lại thâu giữ tâm như trước, buộc niệm quán tượng. Lúc quán tượng thấy tượng ngồi đều đứng dậy, thân cao lớn một trượng sáu, ngay thẳng không nghiêng ngã, ánh sáng của thân đều đầy đủ.
Thấy tượng đứng rồi lại thấy tượng đi, ôm bát cầm gậy, oai nghi đĩnh đạt, Chư Thiên đại chúng cũng đều vây quanh. Lại có cac tượng bay trên hư không phóng ánh sáng màu vàng đầy trong hư không giống như đám mây vàng lại giống như núi vàng. Tướng hảo không gì sánh bằng.
Lại thấy các tượng ở trong hư không hiện mười tám pháp biến hóa, trên than ra nước, dưới thân ra lửa hoặc hiện thành thân lớn ở đầy khắp hư không, lớn lại hiện nhỏ như hạt cải, đi trên đất như đi trên nước, đi trên nước như đi trên đất, ở trong hư không vọt lên phía Đông lặn mất ở phía Tây.
Vọt lên phía Tây lặn mất phía Đông, vọt lên phía Nam lặn xuống phía Bắc, vọt lên phía Bắc lặn xuống phía Nam, vọt lên ở giữa lặn xuống xung quanh. Vọt ở xung quanh lặn xuống ở giữa, vọt lên ở trên lặn xuống ở dưới. Vọt lên ở dưới lặn xuống ở trên, đi đứng nằm ngồi tự tại theo ý muốn.
Thấy việc này rồi, hành giả lại phải nghĩ: Thế Tôn còn tại thế dạy các Tỳ Kheo, nằm nghiêng bên hông phải, ta nay cũng quán các tượng nằm, thấy các tượng xếp Tăng già lê, nằm gối vào khuỷu tay phải và nghiêng về hông phải. Dưới hông tự nhiên sinh ra cái giường màu vàng, chiên đàn màu vàng, các loại tạp sắc, các hoa sen vi diệu làm tấm trải giường.
Phía trên có cờ phướn báu phủ lên các anh lạc. Phật phóng ánh sáng lớn đầy trong tràng phan báu giống như hoa sen vàng, hoặc giống trăng sao. Vô lượng ánh sáng giống như đám mây tròn, sáng tỏ ở trên không, trong có hóa Phật đầy khap hư không.
Thấy các tượng nằm rồi lại phải nghĩ: Trong quá khứ có Phật Hiệu là Thích Ca Mâu Ni chỉ có một thân giáo hóa chúng sinh, trụ tại đời bốn mươi chín năm rồi nhập đại Niết Bàn giống như củi hết lửa tắt, vĩnh viễn nhập vào Vô dư Niết Bàn. Ta nay dùng tâm tưởng tượng, do tưởng nên thấy nhiều Phật. Nhiều Phật này không từ đâu đến không đi về đâu, từ tâm tưởng mà ta vọng thấy điều này.
Lúc tưởng điều ấy, các tượng dần dần tiêu diệt hết chỉ thấy một tượng ngồi một mình trong đài hoa, tượng này ngồi kiết già. Quán kỹ tượng này thấy ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp đều rõ ràng.
Thấy tượng này, gọi là pháp quán tượng. Phật bảo Tôn Giả Thiền Nan Đề và A Nan: Sau khi Phật diệt nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nào muốn sám hối, muốn diệt tội, tuy Phật không còn tại thế nhưng buộc niệm quán kỹ hình tượng thì các nghiệp ác, tội lỗi thì chóng được thanh tịnh.
Quán tượng ấy rồi, lại phải quán từ trong rốn tượng phóng ra một ánh sáng. Ánh sáng đó màu vàng chia làm năm luồng. Một luồng chiếu bên trái, một luồng chiếu bên phải, một luồng chiếu phía trước, một luồng chiếu sau lưng và một luồng chiếu bên trên.
Năm luồng ánh sáng như vậy, trên mỗi ánh sáng đều có hóa Phật. Tướng Phật theo thứ lớp đầy khắp trong hư không. Lúc thấy tướng này, hóa Phật hết sức rõ ràng.
Lại thấy hóa Phật lên đến Cõi Trời Phạm Thiên, đầy khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Ở Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới thấy ánh sáng sắc vàng như núi vàng ròng trong ngoài không ngăn ngại.
Thấy việc ấy rồi, tâm ý an lạc, thấy tượng ngồi phía trước như ảnh thật của Phật.
Thấy ảnh Phật rồi lại phải nghĩ: Đây chỉ là ảnh thôi, do oai lực của Thế Tôn, trí tuệ tự tại hiện ra việc này, ta nay nên quán kỹ Phật thật. Bấy giờ bỗng nhiên hành giả thấy thân Phật vi diệu như lưu ly trong sạch, bên trong có kim cương, ở trong kim cương có ánh sáng màu vàng rực, cùng nhau phản chiếu thành các tướng hảo, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp giống như dấu vẽ, sáng rõ phân minh, vi diệu thanh tịnh không thể nói hết.
Vị Phật ấy đứng trong không trung, tay cầm bình rưới nước. Trong bình đựng nước giống như cam lồ. Nước ấy có năm sắc, năm ánh sáng thanh tịnh giống như hạt châu lưu ly, mềm mại trơn láng rót vào đinh hành giả đầy khắp trong thân. Hành giả tự thấy trong thân chỗ mà có nước tiếp xúc tám mươi hộ trùng chết dần dần rơi xuống.
Trùng đã chết rồi thân thể mềm mại, tâm ý vui vẻ, hành giả lại phải tự nghĩ rằng: Như Lai là đấng cha lành, dùng nước pháp cam lồ thượng vị mà rót vào đảnh con, pháp quán đảnh này nhất định không hư dối.
Bấy giờ, lại phải khởi niệm tưởng: Cúi xin Thế Tôn thuyết pháp cho con. Người mà tội nghiệp đã trừ thì nghe được Phật thuyết pháp. Pháp mà Phật thuyết là bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi và tám chánh đạo.
Ba mươi bảy pháp ấy được phân biệt từng thứ giảng cho hành giả nghe. Thuyết pháp này rồi, Phật lại dạy quán khổ, không, vô thường, vô ngã. Dạy pháp này rồi, do thấy Phật được nghe diệu pháp, tâm ý được khai mở, hành giả như nước thuận dòng không lâu thì thành đạo quả A La Hán.
Người có nghiệp chướng nặng thì chỉ thấy Phật cử động miệng nhưng không nghe thuyết pháp giống như người điếc không biết gì. Bấy giờ hành giả lại phải thực hành sám hối. Đã sám hối rồi năm vóc sát đất khóc lóc với Phật trải qua nhiều ngày, tu các công đức sau đó mới nghe Phật thuyết pháp. Tuy nghe pháp nhưng không hiểu nghĩa.
Lại thấy Thế Tôn dùng bình tưới nước rót lên đảnh hành giả. Màu nước đổi thay thuần màu kim cương, vào từ trên đảnh mỗi sắc đều khác nhau xanh, vàng, đỏ, trắng. Các tướng dơ bẩn cũng hiện ở trong. Nước từ đảnh vào xuống thẳng trong thân ra theo gót chân chảy vào trong đất. Đất ấy lập tức biến thành ánh sáng rộng một trượng, nhập sâu dần vào trong đất, đến thẳng mé nước.
Đến mé nước rồi lại phải tác ý đi theo ánh sáng này. Lại quán nước này bên dưới toàn là hư không. Lại phải quán dưới khoảng khong có đất bằng lưu ly xanh biếc, dưới đất lưu ly có đất sắc vàng, dưới đất sắc vàng có đất kim cương, dưới đất kim cương lại thấy hư không, thông suốt, rỗng lặng, chẳng có thứ gì.
Thấy việc này rồi, hành giả nhiếp tâm trở lại quán một Tượng Phật như trước. Bấy giờ ánh sáng của Phật kia càng rõ ràng không thể nói hết. Vị Phật lại đem nước trong bình rót vào đảnh hành giả. Ánh sáng của nước ấy cũng như đã nói ở trên. Hành giả quán như vậy bảy lần.
Phật bảo Tôn Giả Thiền Nan Đề: Đây gọi là quan tượng tam muội, cũng gọi là Niệm Phật định, lại gọi là trừ tội nghiệp, kế đó gọi là cứu phá giới, khiến cho người hủy hoại giới cấm không mất thiền định.
Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ông phải khéo thọ trì pháp quán đảnh tam muội quán Phật này, phân biệt rộng rãi cho tất cả chúng sinh đời vị lai.
Lúc Phật nói lời này, Tôn Giả Thiền Nan Đề, các Thiên Chúng và một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ Kheo đều thưa: Hôm nay Đức Thế Tôn thuyết pháp trừ tội cho các chúng sinh nhiều loạn tâm. Cúi xin Đức Thế Tôn mở cửa cam lồ, khiến các chúng sinh sau khi Phật diệt độ được nhập Niết Bàn.
Nghe Phật nói Pháp tam muội quán Phật ấy, Tỳ Kheo ThiềnNan Đề thân tâm hoan hỷ, ngay lúc ấy đắc vô lượng môn tam muội, ý giải thông suốt, thành A La Hán, ba minh, sáu thông, đều đầy đủ.
Phật bảo Tôn Giả A Nan: Tưởng này thành tựu gọi là tam muội quán Phật thứ mười chín, cũng gọi là pháp quán đảnh. Ông khéo thọ trì cẩn thận đừng để quên mất và giảng rộng rãi rõ ràng cho tất cả chúng sinh đời vị lai.
Phật nói lời ấy, các Tỳ Kheo nghe Phật nói, hoan hỷ phụng hành.
Phật bảo Tôn Giả A Nan: Người nhiều tham dâm, tuy được quán Phật tam muội này nhưng cũng vô ích không thể đắc được đạo quả Hiền Thánh. Kế đó phải dạy hành giả tự quán thân mình, làm như pháp đã dạy ở trước, trở lại làm một bộ xương người khiến cho trong suốt và hết sức trắng giống như núi tuyết. Lại phải buộc niệm trụ ý tại rốn, hoặc ở giữa thắt lưng theo hơi thở ra vào.
Hít vào đếm một, thở ra đếm hai, hít vào đếm hai thở ra đếm ba, hít vào đếm ba thở ra đếm bốn, hít vào đếm bốn thở ra đếm năm, hít vào đếm năm thở ra đếm sáu, hít vào đếm sáu thở ra đếm bảy, hít vào đếm bảy thở ra đếm tám, hít vào đếm tám thở ra đếm chín, hít vào đếm chín thở ra đếm mười, rồi trở lại từ đầu theo hơi thở vào ra cho đến số mười thì xả và dừng lại.
Bấy giờ, tâm ý yên lặng không khởi niệm. Hành giả tự thấy da của thân giống cái túi bằng lụa. Thấy việc này rồi không thấy xương thân, không biết chỗ của tâm. Bấy giờ lại phải dạy khởi tưởng, trở lại khiến tâm chú ý trong thân, các chi tiết trong thân thể như người bằng ngọc trắng. Đã thấy điều này rồi, lại phải buộc niệm tại đốt xương lớn của xương sườn giữa hông khiến tâm không tán loạn.
Bấy giờ lại phải tự nhiên thấy trên thân có một tướng sáng lớn như đồng tiền, dần dần rộng lớn như cá lớn ma già tụ tập khắp nơi. Lại giống như mây trắng có ánh sáng trắng như gương pha lê. Anh sáng mạnh dần, toàn thân sáng tỏ. Lại có ánh sáng tròn đầy giống như bánh xe, trong ngoài đều sáng hơn cả mặt trời.
Thấy việc này rồi lại phải như trước, hít vào đếm một, thở ra đếm hai, hít vào đếm hai thở ra đếm ba, hít vào đếm ba thở ra đếm bốn, hít vào đếm bốn thở ra đếm năm, hít vào đếm năm thở ra đếm sáu, hít vào đếm sáu thở ra đếm bảy, hít vào đếm bảy thở ra đếm tám, hít vào đếm tám thở ra đếm chín, hít vào đếm chín thở ra đếm mười, hoặc đơn hoặc kép dài ngắn tùy ý. Buộc niệm như vậy ở chỗ kín khiến tâm không tán loạn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Ba - Phẩm Hành Không - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Ba Mươi Năm - Kinh Gương Trong Rương Báu
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Năm Mươi - Phẩm Lặc Na Xà Da
Phật Thuyết Kinh Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn - Phẩm Mười - Phẩm Chí Nguyện đại Thừa
Phật Thuyết Kinh Phương đẳng Bát Nê Hoàn - Phẩm Ba - Phẩm Bốn đồng Tử
Phật Thuyết Kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Lạc - Phần Hai