Phật Thuyết Kinh ánh Sáng Hoàng Kim - Phẩm Mười - Phẩm Mãn Nguyện Vì Không
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ÁNH SÁNG HOÀNG KIM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nghĩa Tịnh, Đời Đường
PHẨM MƯỜI
PHẨM MÃN NGUYỆN VÌ KHÔNG
Trong Đại hội có Thiên Nữ Như Ý Bảo Quang Diệu, nghe Đức Thế Tôn tuyên thuyết diệu pháp sâu xa, thì hoan hỷ, phấn chấn, từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính mà thưa: Bạch Đức Thế Tôn, xin Đức Thế Tôn dạy cho chúng con cách tu hành về diệu pháp sâu xa.
Thiên Nữ nói lời chỉnh cú sau đây:
Đấng Soi Thế Giới!
Đấng Lưỡng Túc Tôn!
Đấng Tối Thắng Nhất!
Con xin hỏi Ngài
Về cách Bồ Tát
Tu hành chính xác.
Xin Ngài từ bi
Cho phép con hỏi.
Đức Thế Tôn dạy, Thiện Nữ Thiên, có điều gì nghi hoặc thì tùy ý mà hỏi. Như Lai sẽ giảng giải cho.
Thiện Nữ Thiên liền thỉnh vấn Đức Thế Tôn, rằng:
Các vị Bồ Tát
Làm sao tu hành
Bồ Đề chánh hạnh,
Rời cả sinh tử
Cùng với Niết Bàn
Mà lợi mình người?
Đức Thế Tôn dạy, Thiện Nữ Thiên, hãy dựa pháp tánh mà hành bồ đề, tu bình đẳng hạnh.
Dựa pháp tánh mà hành bồ đề, tu bình đẳng hạnh là thế nào?
Là chính nơi ngũ uẩn mà phát hiện pháp tánh. pháp tánh là ngũ uẩn. Nhưng ngũ uẩn với pháp tánh không thể nói tức, cũng không thể nói rời.
Nếu nói pháp tánh tức ngũ uẩn thì thế là đoạn kiến, nếu nói pháp tánh rời ngũ uẩn thì thế là thường kiến. Phải rời cả hai khái niệm, không vướng hai cực đoan, không thể thấy, vượt trên sự thấy, không danh từ, không ấn tượng, như thế mới là nói về pháp tánh.
Thiện Nữ Thiên, chính nơi ngũ uẩn mà phát hiện pháp tánh là thế nào?
Là xét ngũ uẩn không do yếu tố tương quan mà phát sinh.
Nếu nói do yếu tố mà phát sinh, thì đã sinh mà sinh, hay chưa sinh mà sinh?
Nếu nói đã sinh mà sinh thì cần gì yếu tố?
Nếu nói chưa sinh mà sinh thì sự sinh ấy không thể có được. Chưa sinh là không có, không có danh từ, không có khái niệm, không phải tính toán hay ví dụ mà diễn tả được, vì đâu phải là cái do yếu tố tương quan mà sinh ra.
Thiện Nữ Thiên, hãy nói như tiếng trống: do gỗ, do da, do dùi, do tay, do đủ thứ mới có tiếng phát ra. Tiếng ấy quá khứ đã không có, vị lai sẽ không có, hiện tại cũng không có.
Tại sao, vì tiếng ấy không do gỗ mà có, không do da mà có, không do dùi do tay mà có, không có cả trong ba thì gian, thì thế là không sinh. Không sinh thì không diệt. Không diệt thì không đến từ đâu.
Không đến từ đâu thì không đi đến đâu. Không đi đến đâu thì phi thường phi đoạn. Phi thường phi đoạn thì phi nhất phi dị. Nếu là nhất thì không khác pháp tánh, mà nếu thế thì phàm phu đáng lẽ thấy được pháp tánh, được Niết Bàn tối thượng an lạc. Nhưng đã không phải như vậy thì biết phi nhất.
Nếu là dị thì Chư Vị Như Lai và Chư Vị Bồ Tát thi hành toàn là chấp trước, chưa được giải thoát, không chứng bồ đề. Nhưng đối với Thánh Giả thì cái ngũ uẩn chuyển biến với cái pháp tánh phi chuyển biến đồng là thật tánh, thế nên phi dị.
Do vậy mà biết ngũ uẩn phi hữu phi vô, phi do yếu tố phát sinh, phi không do yếu tố phát sinh, và là cái thánh trí biết đến, không phải lĩnh vực của người khác.
Lại là cái không phải ngôn ngữ diễn tả, không danh từ, không khái niệm, không nhân tố, không duyên tố, không thể ví dụ, đầu cuối vắng lặng, xưa nay tự không. Như thế đó gọi là chính nơi ngũ uẩn mà phát hiện pháp tánh.
Thiện Nữ Thiên, thiện nam hay thiện nữ nào muốn cầu vô thượng bồ đề thì phải phi chân phi tục, vượt quá suy lường, phàm cảnh thánh cảnh phi nhất phi dị, nói tóm, không bỏ tục, không rời chân, thì đó là dựa pháp tánh mà hành bồ đề.
Đức Thế Tôn dạy như vậy rồi, Thiện Nữ Thiên phấn chấn hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính, nhất tâm đảnh lễ, mà thưa: Bạch Đức Thế Tôn, đúng như lời Ngài đã huấn dụ về bồ đề hạnh, con nguyện xin tu học.
Bấy giờ đại Phạn Thiên Vương chủ của Thế Giới hệ Sách ha, ở trong đại hội, hỏi Thiện Nữ Thiên Như Ý Bảo Quang Diệu, rằng bồ đề hạnh như vậy thật khó tu tập, Thiện Nữ làm sao tự tại được với bồ đề hạnh ấy?
Thiện Nữ Thiên nói, Đại Phạn Vương, như lời Thế Tôn huấn dụ thì thật sâu xa, chúng sinh khó mà nhận thức, vì đó là lĩnh vực của Thánh Giả, nhiệm mầu, khó biết.
Nhưng, đối với diệu pháp ấy tôi sống được yên vui trong đó, nếu lời này mà thật thì ước nguyện toàn thể chúng sinh trong cái thời kỳ đầy cả năm thứ dơ bẩn này đều thành màu hoàng kim, đủ ba mươi hai tướng tốt, phi nam phi nữ, ngồi tòa sen ngọc, hưởng vô lượng yên vui, Thiên hoa tự mưa xuống, Thiên nhạc tự tấu lên, mọi cách hiến cúng đầy đủ tất cả.
Thiện Nữ Thiên nói rồi, tất cả chúng sinh trong thời kỳ đầy cả năm thứ vẩn đục này đều thành màu hoàng kim, đủ tướng đại trượng phu, phi nam phi nữ, ngồi tòa sen ngọc, hưởng vô lượng yên vui y như Tha Hóa Tự Tại Thiên Cung, không mọi đường dữ, cây ngọc có hàng có lối, hoa sen bảy chất liệu quí đầy cả Thế Giới, lại mưa xuống thiên hoa bảy chất liệu quý rất đẹp, thiên nhạc tấu lên.
Và Thiện Nữ Thiên Như Ý Bảo Quang Diệu thì biến thể nữ thân thành thân Đại Phạn Vương.
Bấy giờ Đại Phạn Vương hỏi Thiện Nữ Thiên Như Ý Bảo Quang Diệu, Ngài hành bồ đề hạnh như thế nào?
Thiện Nữ Thiên nói, Đại Phạn Vương, như trăng dưới nước hành bồ đề hạnh thì tôi cũng hành bồ đề hạnh, như chiêm bao hành bồ đề hạnh thì tôi cũng hành bồ đề hạnh, như sóng nắng hành bồ đề hạnh thì tôi cũng hành bồ đề hạnh, như tiếng vang hành bồ đề hạnh thì tôi cũng hành bồ đề hạnh.
Đại Phạn Vương nghe nói như vậy thì thưa rằng, kính bạch Bồ Tát, Ngài dựa vào ý nghĩa nào mà nói như vậy?
Thiện Nữ Thiên trả lời, Đại Phạn Vương, không một pháp nào là thực tại, toàn do yếu tố tương quan mà thành.
Đại Phạn Vương nói, nói như Ngài thì phàm phu lẽ đáng được vô thượng bồ đề cả! Thiện Nữ Thiên nói, Ngài nói như vậy là với ý gì?
Ngài nên biết, phàm phu thì cho người ngu khác, người trí khác, bồ đề khác, phi bồ đề khác, giải thoát khác, phi giải thoát khác. Nhưng, Đại Phạn Vương, Thánh Giả thì thấy các pháp như vậy bình đẳng không khác, biết pháp tánh chân như phi nhất phi dị, cũng không có cái trung tính để mà chấp trước, bất tăng bất giảm.
Đại Phạn Vương, như nhà ảo thuật và đồ đệ của mình, rất rành ảo thuật, đến chỗ ngã tư, dùng những vật liệu cát đất cỏ cây vân vân, gom lại một chỗ mà làm ảo thuật.
Làm cho người ta thấy những voi, những ngựa, những xe, vân vân, thấy đống bảy loại quí báu, thấy kho lẫm tràn đầy. Rồi kẻ khờ khạo không biết suy xét, không hiểu ảo thuật, nên thấy hay nghe gì cũng cho là thật, voi thật ngựa thật vân vân, và chỉ thế là thật, ngoài ra là dối cả, sau đó không còn suy xét gì nữa.
Còn người hiểu biết thì trái lại, biết cái gốc ảo thuật, nên thấy hay nghe gì cũng nghĩ, những thứ ta thấy, thấy voi thấy ngựa vân vân, toàn là giả cả, chỉ do ảo thuật mê hoặc mắt người, vọng cho là voi, là lẫm, nhưng chỉ có tên, không có thật, nên cái ta thấy nghe không nên chấp là thật, sau đó càng xét biết là dối trá.
Do vậy, trí giả thì biết các pháp không thật, chỉ do thế nhân thấy gì nghe gì thì nói ra như thế, chứ xét cho ký thì không phải như thế. Và như thế thì cũng do nói giả mà xét ra nghĩa thật.
Đại Phạn Vương, chúng sinh chưa có mắt tuệ của các vị Thánh Giả, chưa biết chân như của các pháp là không thể nói, nên thấy hay nghe cái pháp hữu vi chuyển biến với cái pháp vô vi phi chuyển biến thì tư duy y theo thấy nghe và chấp cho là thật. Trong Chân Đế, họ không thể thấu hiểu chân như các pháp là không thể nói.
Còn các vị Thánh Giả thấy hay nghe cái pháp hữu vi chuyển biến với cái pháp vô vi phi chuyển biến, thì tùy trí lực mà không chấp là thật có, thấu hiểu tất cả không có gì là hữu vi chuyển biến, không có gì là vô vi phi chuyển biến, chỉ vọng tưởng là chuyển biến phi chuyển biến, chỉ có tên không có thật. Thế rồi các vị Thánh Giả ấy tùy Tục Đế mà nói cho người khác biết sự thật là như vậy.
Đại Phạn Vương, các vị Thánh Giả sử dụng sự thấy biết của Bậc Thánh, thấu hiểu chân như là không thể nói, chuyển biến phi chuyển biến cũng như vậy, nhưng vì làm cho người khác cũng biết như vậy nên nói ra bao nhiêu dạng thức của danh ngôn Tục Đế.
Bấy giờ Đại Phạn Vương lại hỏi Bồ Tát Như Ý Bảo Quang Diệu, rằng có bao nhiêu chúng sinh hiểu được cái pháp sâu xa như thế này?
Bồ Tát nói, Đại Phạn Vương, có Tâm Vương và Tâm sở của những người được ảo thuật tạo ra biết được cái pháp sâu xa này.
Đại Phạn Vương nói, người ảo thuật thì không thật có, vậy tâm vương tâm sở có từ đâu?
Bồ Tát nói, lời tôi nói có nghĩa nếu biết pháp tánh phi hữu phi vô, thì người ấy biết được nghĩa lý sâu xa này.
Đại Phạn Vương thưa Đức Thế Tôn, bạch Ngài, vị Bồ Tát Như Ý Bảo Quang Diệu này thật bất khả tư nghị, thông suốt đến như vậy đối với nghĩa lý cực kỳ sâu xa.
Đức Thế Tôn dạy, đúng như vậy, Đại Phạn Vương, đúng như ông nói. Thiện Nữ Thiên Như Ý Bảo Quang Diệu đã từ lâu giáo huấn cho các người phát tâm tu học vô sinh pháp nhẫn.
Đại Phạn Vương cùng với phạn chúng, liền đứng dậy khỏi chỗ họ ngồi, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính, lạy ngang chân Bồ Tát Như Ý Bảo Quang Diệu mà nói như vậy, thật là hiếm có, ngày nay chúng tôi hạnh ngộ Đại Sĩ, được nghe pháp nghĩa Đại Sĩ nói.
Đức Thế Tôn bảo Đại Phạn Vương, vị Thiện Nữ Thiên Như Ý Bảo Quang Diệu, trong thì vị lai sẽ thành Phật Đà, Danh Hiệu là Bảo Diệm Cát Tường Tạng, bậc đến như Chư Phật, bậc thích ứng hiến cúng, bậc biết đúng và khắp, bậc hoàn hảo sự sáng, bậc khéo qua Niết Bàn, bậc lý giải vũ trụ, bậc không ai trên nữa, bậc thuần hóa mọi người, bậc thầy cả Trời người, bậc tuệ giác hoàn toàn, bậc tôn cao nhất đời.
Khi Đức Thế Tôn tuyên thuyết pháp thoại này thì có ba ngàn ức Bồ Tát không còn thoái chuyển vô thượng bồ đề, tám ngàn ức Thiên Tử và vô số Quốc Vương cùng thần dân đều xa bụi bặm, rời dơ bẩn, được sự trong sáng của mắt pháp.
Bấy giờ trong đại hội có năm mươi ức Bí Sô hành Bồ Tát hạnh mà muốn thoái chuyển bồ đề tâm, nhưng khi nghe Bồ Tát Như Ý Bảo Quang Diệu thuyết pháp như trên thì ai cũng được sự kiên định bất khả tư nghị, thỏa mãn ước nguyện tối thượng, phát lại bồ đề tâm, và cởi pháp y mà hiến lên Bồ Tát, phát lại cái chí thắng tiến tối thượng, và nguyện rằng bao nhiêu thiện căn của chúng tôi đều được không còn thoái chuyển, hồi hướng về vô thượng bồ đề.
Đức Thế Tôn nói với Đại Phạn Vương, các vị Bí Sô này do công đức này mà tu hành đúng như huấn dụ, qua chín mươi đại kiếp thì sẽ được chứng ngộ, thoát ly sinh tử.
Đức Thế Tôn liền thọ ký cho, rằng Chư Vị Bí Sô, qua ba mươi vô số kiếp, Chư Vị sẽ được thành Phật Đà, với thời kỳ tên Nan Thắng Quang Vương, Quốc Độ tên Vô Cấu Quang. Chư Vị đồng thời chứng đắc vô thượng bồ đề, đồng một Danh Hiệu Nguyện Trang Nghiêm Gián Sức Vương, đủ mười Đức Hiệu.
Đại Phạn Vương, bản Kinh nhiệm mầu Ánh Sáng Hoàng Kim này ai chính xác nghe nhớ thì có uy lực rất lớn. Giả sử có ai tu hành sáu Ba La Mật trong trăm ngàn đại kiếp mà không có sự nhận thức về không làm phương tiện, mặt khác, nếu có thiện nam hay thiện nữ nào sao chép Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim này.
Cứ mỗi nửa tháng đọc tụng chuyên chú, thì cái khối công đức này, công đức trước không bằng một phần trăm, đến nỗi toán số hay ví dụ cũng không đối chiếu được.
Đại Phạn Vương, do vậy mà Như Lai khuyến khích các người tu học, chánh niệm, thọ trì, tuyên thuyết phong phú. Tại sao, vì xưa kia, khi Như Lai đi trên đường đi Bồ Tát thì, như dũng sĩ xung trận, Như Lai không tiếc tính mạng mà lưu thông bản Kinh Vua chúa và nhiệm mầu này, tiếp nhận, ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc, giải thích cho người.
Đại Phạn Vương, Luân Vương còn thì thất bảo còn, Luân Vương mất thì thất bảo cũng tự nhiên mất theo. Cũng y như vậy, Đại Phạn Vương, Kinh Vua Ánh Sáng Hoàng Kim này nếu còn thì Pháp Bảo tối thượng còn cả, nếu không còn thì Pháp Bảo cũng ẩn mất hết.
Do vậy, đối với Kinh Vua này, các người phải chuyên tâm mà lắng nghe, mà ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc, giải thích phong phú cho bao người khác, khuyến khích họ cũng sao chép và tu hành bằng sự tinh tiến Ba la mật, không tiếc tính mạng, không nài mệt nhọc.
Đó là công đức siêu việt trong các công đức. Là đệ tử của Như Lai thì các người phải siêng năng tu học như vậy. Đại Phạn Vương với vô số phạn chúng, Đế Thích cùng bốn vị Thiên Vương với bộ chúng Dược Xoa, tất cả đều từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính mà thưa.
Bạch Đức Thế Tôn, chúng con cùng nhau nguyện giữ gìn và quảng bá Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim này, nguyện giữ gìn cho các vị Pháp Sư giảng nói Kinh này.
Có tai nạn gì chúng con cũng trừ khử, làm cho có đủ mọi sự Cát Tường, sắc tướng và sức lực sung túc, hùng biện vô ngại, cơ thể và tâm trí đều thư thái cả.
Và cả thính giả nữa cũng yên vui hết thảy. Quốc Gia họ ở nếu bị đói khát, giặc giã, kẻ thù, quỷ thần, quấy rối và tác hại thì Chư Thiên chúng con sẽ hộ trì cho. Dân chúng mà yên ổn, sung túc, không oan khuất, không tai họa, là do sức của Chư Thiên chúng con. Ai hiến cúng Kinh này thì chúng con tôn kính hiến cúng y như đối với Đức Thế Tôn, không khác gì cả.
Đức Thế Tôn bảo Đại Phạn Vương, Phạn Chúng, cho đến bốn vị Thiên Vương, cùng bộ chúng Dược Xoa, lành thay, các người đã được nghe diệu pháp sâu xa, đối với Kinh Vua của diệu pháp ấy lại phát tâm hộ trì, hộ trì những ai thọ trì Kinh ấy, thì các người đã đạt được cái phước thù thắng và vô biên, mau chóng thành tựu vô thượng bồ đề.
Đại Phạn Vương, và mọi người đồng đẳng, nghe những lời Đức Thế Tôn huấn dụ thì hoan hỷ, cung kính mà tiếp nhận.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba