Phật Thuyết Kinh Như Lai Hưng Hiển - Phần Mười Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH NHƯ LAI HƯNG HIỂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN MƯỜI BỐN  

Này Phật Tử! Nay ông khuyến dụ, hiển bày khiến người ấy nghe thấy Như Lai thì có thể tịnh trừ tội chướng ngăn che. Nếu nghe thấy thuyết pháp mà không hoan hỷ tin nhận thì Phật làm cho những người ấy gieo trồng và thành tựu gốc đức, không còn hư vọng, đạt đến diệt độ, đó là thấy được Như Lai. Nếu được nghe âm thanh của Như Lai tức được hội nhập vào các gốc đức. Nhờ đó mà được đoạn trừ các pháp bất thiện, tỏ rõ nguồn cơn của đạo không hề thiếu sót.

Như Lai hưng hiển, dùng sự liễu giải, dẫn các ví dụ đầy đủ tất cả, không thể lấy sự dẫn dụ làm giả dụ. Công đức của Chư Phật không thể nghĩ bàn, độ thoát các tâm, vì muốn khai hóa chí tánh chúng sinh làm cho họ có được pháp lạc, cho nên Như Lai vì Chư Bồ Tát dẫn các ví dụ để họ được thấu đạt, chứ đó chẳng phải là điều rốt ráo.

Như vậy, nguyên lý rộng lớn tức là tạng bí áo của Như Lai, gọi là chỗ không thể hiểu tới của tất cả thế gian, chỗ ấy là vào được diệu ấn của Như Lai, vào chủng tánh Thánh minh đại tuệ vô cực của Như Lai. Gọi là chỗ không thể đạt tới của tất cả Bồ Tát và thế gian. Cũng gọi là sự hội nhập nơi cõi bình đẳng của cảnh giới Như Lai.

Gọi là làm thanh tịnh chúng sinh giới không một ai còn sót. Gọi là tuyên thuyết khắp nguồn gốc của tất cả sự ngăn ngại. Lại nữa, Như Lai chí chân chỉ vì người chí cầu Đại Thừa, vì hành giả của Bất tư nghì thừa vô thượng thừa mà giảng đạo Bồ Tát chứ chẳng vì những hạng người khác mà thuyết Kinh Điển thâm diệu.

Lại nữa, những Kinh Điển ấy đều trở về đạo Bồ Tát, chứ không nhằm đến các nẻo khác. Này Phật Tử! Ví như Kim Luân, Bạch Tượng, Ngựa Tía, Minh Châu, Ngọc Nữ, Tạng Thần, Binh Thần của Chuyển Luân Thánh Vương tự nhiên hóa hiện ra, thất bảo ấy đến với Nhà Vua chứ không đến với một ai khác. Thất Bảo này cũng chỉ sẽ về với Thái Tử của Vua.

Vì sao?

Vì Thái Tử ấy do Thánh hậu mang thai mà sinh ra nên đầy đủ tướng Chuyển Luân Thánh Vương. Nếu Thái Tử ấy mạng chung thì thất bảo của Chuyển Luân Thánh Vương sau bảy ngày sẽ biến mất. Gốc của Kinh Điển cũng vậy, không đến với một ai khác mà chỉ đến với Trưởng Tử của đấng Chánh Giác là Tộc tánh của Như Lai sinh ra, đã gieo trồng gốc đức của Như Lai.

Nếu đạt đến Pháp Thân, vâng tu chánh sĩ, nhờ ân đức và năng lực ấy thì chẳng bao lâu cũng sẽ thành tựu như vậy. Chỗ then chốt của Kinh Điển là bí tạng của Như Lai không bao giờ đoạn mất Tam Bảo. Pháp bị diệt mất nghĩa là do không có người thấu giải được chánh pháp.

Vì sao?

Vì tất cả Thanh Văn và Duyên Giác không thể lãnh nhận và đạt đến chỗ cốt yếu của Kinh Điển, không thể nghe được huống là có thể đọc tụng, thọ trì. Kinh Điển cốt yếu chỉ có thể về tay của chư Đại Bồ Tát, kết tập Kinh Điển đặt trước hiên nhà.

Cho nên, này Phật Tử! Nếu có Bồ Tát nghe giảng Kinh ấy, chí tánh thuần nhất, hầu cận và cúng dường cho Pháp Sư thì sẽ thọ nhận được Kinh Điển ấy.

Vì sao?

Nếu có Bồ Tát thuần tín hành phỏng theo cảnh giới của Như Lai thì sẽ thành tựu đạo chánh chân vô thượng. Bồ Tát Đại Sĩ trải qua trăm ngàn ức na do tha số kiếp, phụng hành tích tập sáu độ vô cực sáu pháp Ba la mật mà còn mang lại pháp đạo, tuân tu đại bi mà không thể nhập cảnh giới bất tư nghì vô cực của Như Lai, không nghe biết, không tiến tới, ấy chẳng thể là Bồ Tát vậy. Đối với pháp Bồ Tát thì chẳng được nhiều lợi lạc, không thuận theo giềng mối của Như Lai.

Nếu có Bồ Tát giảng thuyết về trí tuệ vô ngại của Như Lai, thuần tín nhập đạo mà không hồ nghi, đó mới gọi là chân Bồ Tát. Nghĩa là không làm trái mất các thông tuệ, có thể hành rốt ráo tất cả thế pháp của bậc Đại Thánh.

Thuận theo lời dạy Như Lai ở trong các Phật giới mà không chấp trước thì được kiến lập pháp Bồ Tát, liền được thông đạt chánh điển Chư Phật mà không hề chìm đắm trong nhiều chỗ biến hiện của cảnh giới đạo phẩm. Do được tự tại nên lập thành các pháp, ở trong chúng Bồ Tát oai thần uy nghi và liền thể nhập cõi giới vô ngại của Như Lai.

Cho nên, nếu Bồ Tát nào nghe được pháp này thì đạo ấy vô hạn, an trú rộng khắp. Lại nữa, chí tánh ấy có năng lực chánh chân, xả bỏ các tưởng, vào Thánh minh ứng hợp mà cũng chẳng ứng hợp. Tất cả Như Lai đều ở trước mắt, tâm niệm đều rõ hư không giới, phụng hành Tam Muội, khai tâm phát ngộ.

Vị này có thể hành nhập trong vô lượng pháp giới, chí nguyện thệ lập đã thành tựu công đức nên được tự tại, thông tuệ thấu suốt, trừ sạch cấu bẩn của thế gian, phát tâm thuần nhất. Cõi nước của họ ở khắp tất cả mười phương thể nhập Bồ Tát đạo.

Quá khứ, hiện tại, vị lai Chư Phật cùng một đường đi về gốc đức, khuyến trợ Thánh Đạo, dẫn dắt chúng sinh, làm cho tất cả hưng khởi đạo tâm, khai hóa cho kẻ chưa được nghe hiểu, thể nhập pháp ấy, nhập mà không chỗ nhập, không chỗ sở đắc, khiến các pháp đều quy về chỗ không nhân duyên. Thường nghĩ như vậy, tùy thuận theo nhất thiết trí và tất cả các pháp không hề hạn cuộc.

Bồ Tát đã có thể hội nhập như thế thì chỗ tư niệm vắng lặng, còn chỗ nhập thì khó ai bì kịp, trí tuệ tự tại, oai thần vòi vọi. Lúc thuyết pháp, Bồ Tát Phổ Hiền nhờ Thánh chỉ Phật nên mười phương trăm ngàn ức na do tha vi trần số không thể tính đếm cõi nước Chư Phật chấn động sáu cách, mười tám bộ biến hóa.

Oai thần của Như Lai hiển bày pháp thí, trời rải mưa hoa, đàn sáo nhạc khí không tấu mà tự vang rền hòa nhã, tung rải cúng dường các loại y phục, các đồ trang sức, tràng phan, bảo cái, mưa ra các loại danh hương hơn cả hương Cõi Trời, các loại tạp hương, hương bột, hương đốt, hương xoa, anh lạc Cõi Trời.

Lại mưa xuống Đại bảo châu như ý, ánh sáng bảo châu ấy vượt hẳn ánh sáng các loại trân châu Cõi Trời và cất tiếng khen ngợi: Lành thay! Bồ Tát đạo siêu vượt các Cõi Trời, vĩnh viễn vô tướng tịch diệt và vô sở đắc.

Chư Bồ Tát nhờ công đức đời trước của mình nên mưa ra ngọc quý khắp cùng không thể nghĩ bàn, thanh tịnh trang nghiêm các cõi nước Phật, thành tựu Tối Chánh Giác làm cho tất cả mười phương đều vân tập. Mưa ra vô lượng pháp, âm thanh giảng tụng hòa nhã và cùng tán thán lời giảng thuyết của chư Như Lai.

Cũng như Chư Bồ Tát ở bốn đại vực mới thành Chánh Giác phát khởi kiến lập và thành tựu cho các Bồ Tát, làm cho họ được hoan hỷ. Tất cả Thế Giới Chư Phật như vậy khắp cả mười phương không một chỗ nào không có, tám mươi ức na do tha trăm ngàn nước Phật không thể tính đếm như số vi trần, trong mỗi một bụi trần đều có số Cõi Phật còn nhiều hơn thế.

Hiện tại Chư Phật thấy Bồ Tát Phổ Hiền và nghe chỗ giảng thuyết của Bồ Tát nên tán thán: Lành thay, lành thay! Này Tộc Tánh Tử! Đó là chỗ phân biệt giảng thuyết không thể nghĩ bàn của chư Như Lai.

Vì sao?

Vì đó là sự kiến lập chân đế, hội nhập pháp giới của Như Lai.

Lại có mười phương tám mươi trăm ngàn ức na do tha không thể nói Thế Giới Phật và tất cả Chư Phật nhiều như vi trần số đều tự nhiên cất tiếng mà giảng nói Kinh Pháp: Chúng ta ở đây thị hiện sự dạy bảo cũng như Chư Phật đồng hiệu Phổ Hiền hiện sự khai hóa, cũng như Chư Phật giảng thuyết không hề sai khác.

Lại như tất cả Chư Bồ Tát nhiều như vi trần số trong trăm ngàn cõi đều được thể nhập tam muội, vì thấy mười phương Chư Phật sẽ thọ ký cho tất cả đều được Nhất sinh bổ xứ và về với đạo Vô Thượng Chánh Giác.

Lại có chúng sinh nhiều như vi trần số đầy khắp trong ngàn Cõi Phật đều phát đạo ý vô thượng chánh chân, đều được thọ ký làm Bậc Thánh tôn, đến tận vị lai số kiếp nhiều như vi trần số đầy khắp trong vô số Cõi Phật sẽ được làm Phật có hiệu là Phật Giới Chi Thủ Như Lai Chánh Chân Đẳng Chánh Giác và thường giảng thuyết Kinh Pháp này, Bồ Tát vị lai sẽ được nghe điều chưa nghe, phụng hành chỗ tuyên thuyết và được Thế Giới chúng sinh trong tứ vực này đều biết đến.

Giống như chúng sinh trong các cõi giới này được nhờ Đạo Giáo khai hóa mà tuân hành theo luật đạo. Mười phương Cõi Phật cũng đều như vậy, trăm ngàn ức na do tha không có biên tế, không có hạn lượng, không thể tính đếm, không thể nghĩ bàn về sự hóa độ của đạo.

Cõi nước Chư Phật tận hư không giới đều khai hóa và dung nhiếp tất cả chúng sinh. Mười phương Chư Phật oai thần chiếu sáng. Như Lai đời trước đã từng kiến lập chỗ đạt đến sự rốt ráo của các pháp, tuân tu gốc đức nên Thánh tuệ Như Lai không thể ví dụ được.

Phật dạy tùy thời, dẫn dắt lợi lạc tất cả chúng Bồ Tát, tùy nghi đạt được, các căn thuần định, chỗ hành đời trước không hề quên mất. Bồ Tát Phổ Hiền oai thần rộng lớn, dung mạo hoan hỷ là nhờ các thông tuệ. Bồ Tát thấy Chư Bồ Tát nhiều như số vi trần, đầy khắp trong trăm ngàn ức na do tha Cõi Phật không thể tính đếm đều vân tập ở mười phương.

Cũng Bồ Tát này thị hiện trang nghiêm vô cực, diễn xuất đại ánh sáng, cảm động tất cả Thế Giới Chư Phật, làm kinh hãi Thiên Cung, hàng phục chúng ma, diệt trừ tất cả nẻo ác, tuyên dương vô lượng oai tôn và vô lượng pháp lạc của Như Lai không thể tính đếm. Tán thán công đức Như Lai, lưu xuất vô lượng phẩm vật, mưa xuống tất cả các báu kỳ diệu, vô vàn phẩm loại không có bờ mé. Mỗi một hóa thân đều hàm chứa tất cả pháp môn Như Lai.

Thân là pháp khí, hàm nhận vô lượng, thừa sự Thánh chỉ của Chư Phật và tất cả đều diễn xuất một âm thanh: Lành thay, lành thay! Này Phật Tử! Chỉ có Phật Tử mới có thể tuyên thuyết được pháp không gì sánh bằng của Như Lai.

Lại có thể huân tập theo Đức Phổ Hiền, đạt được vô lượng danh xưng, thể nhập pháp âm, thân gần Như Lai mà theo đến đây. Thế Giới Phật ấy gọi là Phổ Quang và pháp ấy cũng vậy. Nay ở đây đều thuyết pháp ấy không có sai khác và nhờ Thánh chỉ Phật mà thấu đạt Kinh Điển của Như Lai.

Này Phật Tử! Đó là sự làm rõ chỗ kiến lập hiện tại của Chư Phật đi đến chúng hội này. Lại như hôm nay mười phương pháp giới đi đến chúng hội này đều được giáo hóa vô hạn cũng như vậy. Cõi nước Chư Phật đều hiện bày khắp hư không, mỗi một cõi giới ở bốn phương đều thị hiện chỗ kiến lập của Như Lai và cõi nước Chư Phật không thể hạn lượng.

Chư Bồ Tát vân tập trong trăm ngàn Cõi Phật nhiều như số vi trần, tất cả đều là công đức oai thần, tu không gì sánh của Như Lai. Dùng chương cú này mà nghiêm tịnh, quán xét kỹ càng không hề tổn bỏ và không ai có thể vượt qua được.

Lúc ấy, Bồ Tát Phổ Hiền quán sát tất cả công đức của Chư Bồ Tát, quán sát pháp tế xong rồi tuyên dương Tộc tánh của Đại Thánh, lý giải đạo vô cực của Đại Thánh và pháp của Như Lai mà không ai sánh kịp. Bồ Tát liền nói rộng về chỗ thấu đạt rộng lớn vô biên, ấy là do gốc đức đời trước.

Ánh sáng tường tận, tất cả vô hình, diễn thuyết Phật điển, hiểu rõ chí tánh và chỗ hướng đến của chúng sinh, không một chỗ nào mà không thấy khắp, làm cho chúng sinh đều hướng đến, đúng thời không bỏ pháp cú, khiến cho Chư Bồ Tát nghĩ không thể thấu.

Tổng thâu đạo pháp ánh sáng vô cực của Như Lai, kiến lập vô ngã và hiện lời khen ngợi: Tất cả Như Lai đều là một thân hợp cùng pháp thể. Lại tuyên dương năng lực đại hạnh tinh tấn từ xưa không hề che giấu, năng lực an lành dứt trừ tất cả sở hữu. Nhờ oai thần của Phật và sự cảm ứng đạo giao mà không thể ví dụ, không ngôn ngữ nào thấu đạt được.

Lúc ấy, Bồ Tát Phổ Hiền bảo các Bồ Tát một lần nữa: Bồ Tát Đại Sĩ mà đạt đến pháp nhẫn thì có mười việc, để có thể đầy đủ nơi các pháp nhẫn không có sự chướng ngại, liền có thể đạt đến các pháp nhẫn địa, ở trong Phật Pháp không hề ngăn ngại.

Những gì là mười?

1. Nhẫn âm hưởng.

2. Nhẫn nhu thuận.

3. Nhẫn không khởi.

4. Nhẫn vô sinh.

5. Nhẫn như sóng nắng.

6. Nhẫn như mộng.

7. Nhẫn như tiếng vang.

8. Nhẫn như ảnh.

9. Nhẫn như hóa hiện.

10. Nhẫn như không.

Đó là mười pháp nhẫn mà Bồ Tát chứng đạt.

Sao gọi là Nhẫn âm hưởng?

Nghĩa là những chỗ nghe được không hề lo sợ, hoan hỷ tùy thuận, các chỗ tuân hành không hề trái mất. Đó là nhẫn âm hưởng.

Sao gọi là pháp Nhẫn nhu thuận?

Bồ Tát tùy thuận theo pháp sinh mà quán sát pháp, tạo lập các hạnh, không làm nghịch loạn. Giả sử cần tùy thuận các pháp để hóa độ thì tùy thuận mà độ. Chí tánh thanh tịnh, tuân tu bình đẳng, càng thêm tinh tấn, thuận nhập thành tựu. Đó là pháp nhẫn nhu thuận.

Sao gọi là pháp nhẫn không khởi vô sinh pháp nhẫn?

Giả sử Bồ Tát thấy các pháp có chỗ sinh ra thì thấy sự sinh ra ấy không có xứ sở, không hề diệt tận, cũng không chỗ thấy. Không có chỗ sinh thì không chỗ diệt, không diệt thì không chỗ tận, không tận thì không chỗ hoại, không hoại thì không bờ mé, không bờ mé thì hoàn toàn vắng lặng, vắng lặng tức là an nhiên, an nhiên tức là vô sở hành, vô sở hành tức là vô sở nguyện. Đó là pháp nhẫn không khởi của Bồ Tát.

Sao gọi là pháp nhẫn dụ huyễn của Bồ Tát?

Là hiểu rõ các pháp đều do nhân duyên như huyễn mà thành. Thuần tin một pháp thì tế độ vô lượng pháp, dùng vô số pháp bình đẳng nhập một pháp, nhập vào chỗ ta người, nhập vào chỗ không nhập, các chỗ kiến lập dẫn dắt chúng sinh không hề chấp trước. Giống như cỡi trên chiếc xe voi lớn như huyễn, nó không cùng tan hay hợp với người cỡi voi, xe voi, người đi bộ. Nó cũng chẳng cùng tan hợp với đàn ông, đàn bà, già trẻ.

Nó không cùng đi ở với cây cối, cành lá, hoa quả. Bồ Tát hiểu rõ các pháp không hợp không tan, không cùng đi ở với đất nước gió lửa, nó không cùng đi ở với ngày đêm, nửa tháng, một tháng, một năm. Nó cũng không cùng đi ở với trăm năm, ngàn năm, ngày tháng, số kiếp.

Nó cũng không cùng đi ở với bóng hình, tiếng vang, các kiến giải, nó không cùng chừng ấy mà cũng chẳng chừng ấy mà đi ở. Nó không đem chừng ấy nhập vào một việc mà cùng tan hợp. Không cùng với sự vi diệu và thấp kém hay dịu dàng và thô lỗ mà tan hợp.

Nó cũng chẳng cùng hữu hạn hay vô hạn mà tan hợp. Nó chẳng cùng chừng ấy chúng hội khác nhau về xứ sở và sắc tượng mà tan hợp. Sự huyễn biến ấy không cùng chúng hội mà tan hợp, không ở mà chẳng phải không ở, không một chỗ nào không ở mà đều tế độ bình đẳng. Tất cả các kiến và chừng ấy huyễn biến đều thấy khác nhau. Đối với các chỗ thấy ấy thật không chỗ thấy mới là thấy nguồn cội tất cả các nẻo.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần