Phật Thuyết Kinh Anh Võ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT KINH ANH VÕ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
Tôi nghe như vậy!
Một thời Bạt Già Bà ở tại rừng cây ông Kỳ Đà, vườn ông Cấp Cô Độc, thành Xá Vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn sáng sớm thức dậy, mặc y phục, mang bát vào thành Xá Vệ để khất thực. Trong khi đi khất thực ở thành Xá Vệ, đến nhà của Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử. Khi ấy Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử vì có chút việc nên mới đi ra ngoài không bao lâu.
Bấy giờ nhà của Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử có một con chó trắng tên là Cụ. Nó nằm trên nệm đẹp. Ăn canh, bắp, thịt ở trong bát vàng. Chó trắng từ xa trông thấy Đức Thế Tôn đi lại, thấy rồi nó liền sủa.
Đức Thế Tôn bèn nói như vậy: Thôi đi, này chó trắng, không nên phát ra âm thanh như vậy, ngươi vốn là kẻ ngâm nga âm thanh Phạm Chí khất thực. Khi ấy chó trắng rất tức giận, không hoan hỷ, xuống giường nệm, đến dưới bậc cửa, nằm dài im lặng.
Sau khi Ma Lao Đâu La Tử đã trở về nhà, thấy con chó trắng đã xuống giường nệm, nằm dưới bậc cửa im lặng, buồn rầu không vui.
Thấy rồi hỏi người bên cạnh rằng: Ai đã xúc nhiễu con chó trắng này khiến cho nó buồn rầu không vui, xuống giường nệm mà nằm im lặng ở bậc cửa vậy?
Này Ma Lao, không có ai xúc nhiễu con chó này làm cho nó buồn rầu không vui, xuống giường nệm rồi nằm im lặng dưới bậc cửa.
Này Ma Lao, hôm nay có Sa Môn Cù Đàm đến nhà mình khất thực thì con chó trắng liền sủa.
Sa Môn Cù Đàm mới nói như vậy: Thôi đi chó trắng, ngươi không nên phát ra âm thanh như vậy. Ngươi vốn là kẻ ngâm nga kia. Cho nên này Ma Lao, hôm nay con chó tức giận không vui, xuống giường nệm rồi nằm im ở bậc cửa.
Bấy giờ Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử liền tức giận đối với Thế Tôn, không vui, từ xa mắng nhiếc Thế Tôn, từ xa bài báng Thế Tôn, từ xa giận Đức Thế Tôn, rằng: Sa Môn Cù Đàm này nói những lời hư vọng như vậy. Anh Võ ra khỏi thành Xá Vệ rồi đi đến vườn ông Cấp Cô Độc, rừng cây ông Kỳ Đà.
Khi ấy Đức Thế Tôn có vô lượng đồ chúng ở phía trước đang đoanh quay vây nghe Ngài thuyết pháp.
Đức Thế Tôn từ xa trông thấy Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử đi đến, thấy rồi Đức Thế Tôn liền bào các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, các ngươi có thấy từ đằng xa Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử đi đến chăng?
Có thấy, thưa Thế Tôn. Nếu ngay bây giờ mà Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử mạng chung thì nhanh như co duỗi cánh tay liền sanh vào địa ngục nê lê.
Vì sao vậy?
Vì kẻ ấy đang rất sân hận đối với ta. Nhân vì sân hận nên khi thân hủy hoại mạng chung sanh vào trong Nê Lê ác thú vậy.
Bấy giờ Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử đi đến chỗ Đức Thế Tôn, đến rồi thưa Đức Thế Tôn rằng: Sa Môn Cù Đàm, có phải ngày hôm nay đi đến nhà tôi khất thực chăng?
Này Ma Lao, ngày hôm nay ta có đến khất thực ở nhà ngươi. Vâng, vậy thưa Sa Môn Cù Đàm, con chó trắng ấy có lỗi gì với Ngài mà Ngài làm cho con chó trắng của tôi tức giận không vui, xuống giường nệm, nằm im dưới bậc cửa.
Đáp rằng: Này Ma Lao, sáng sớm thức dậy, mặc y phục xong, mang bát đi vào thành Xá Vệ để khất thực. Khi đi khất thực ở thành Xá Vệ thì đến nhà ngươi, con chó trắng của ngươi từ xa trông thấy ta đi lại, thấy rồi liền sủa.
Ta liền nói như vậy: Thôi đi, này chó trắng, ngươi không nên phát ra âm thanh như vậy. Ngươi vốn là kẻ ngâm nga kia mà. Cho nên này Ma Lao, Con chó trắng liền tức giận không vui, xuống khỏi giường nệm, nằm im dưới bậc cửa.
Này Cù Đàm, con chó trắng này vốn có thân thuộc gì với tôi?
Thôi này Ma Lao, chớ có hỏi. Nếu ngươi nghe rồi sẽ buồn rầu không vui.
Nhưng Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử ba lần hỏi Đức Thế Tôn rằng: Này Cù Đàm, con chó trắng này vốn có thân thuộc gì với tôi?
Này Ma Lao, ngươi đã ba lần hỏi, vậy ta sẽ nói. Này Ma Lao, con chó trắng kiếp trước nó là cha của ngươi, tên là Đâu La.
Khi đó Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử càng thêm tức giận không vui đối với Đức Thế Tôn, mắng nhiếc Thế Tôn, sân hận Thế Tôn, bài báng Thế Tôn rằng: Sa Môn Cù Đàm nói lời hư vọng. Này Cù Đàm, cha tôi là Đâu La thường hay bố thí, thường có nhà bố thí, thường thờ lửa.
Cha tôi chết rồi được sanh lên Trời Diệu Phạm Thiên, vậy hà cớ gì mà sanh vào loài chó?
Này Ma Lao, do lòng tăng thượng mạn của ngươi, cha ngươi là Đâu La cũng lại như vậy, cho nên phải sanh vào trong loài chó tệ ác.
Ngài nói kệ:
Phạm Chí tăng thượng mạn,
Chết rồi sanh sáu nẻo:
Gà, heo, chó, dã hồ,
Lừa, ngao trong địa ngục.
Này Ma Lao, ta đã nói nếu ngươi không tin, này Ma Lao, ngươi hãy trở về nhà nói với con chó trắng như vậy: Này chó trắng, quả thật lúc sanh tiền ngươi là Đâu La, cha của ta thì hãy nhảy lên giường nệm, này Ma Lao, con chó trắng ấy sẽ nhảy lên giường nệm.
Này chó trắng, lúc sanh tiền ngươi quả thật là Đâu La, cha của ta thì hãy ăn canh, bắp, thịt đựng trong bát vàng, này Ma Lao, con chó trắng ấy sẽ ăn canh, bắp, thịt đựng trong bát vàng.
Này chó trắng, lúc sanh tiền ngươi quả thật là Đâu La, cha của ta thì hãy chỉ cho ta chỗ cất giấu tài vật mà ngươi đã cất giấu, ta nay vốn không biết chỗ ấy, này Ma Lao, con chó trắng ấy sẽ chỉ cho ngươi chỗ cất giấu tài vật của cha ngươi mà ngươi không biết.
Bấy giờ Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử nghe Đức Thế Tôn nói, khéo suy tư, nhớ nghĩ, tập trung rồi nhiễu quanh đức Thế Tô, giã từ Đức Thế Tôn trở về nhà.
Về đến nhà rồi, nói với con chó trắng như vậy: Này chó trắng, nếu đời trước ngươi là Đâu La, cha của ta thì hãy lên ngồi trên giường nệm trở lại!
Con chó trắng liền ngồi trên giường nệm trở lại. Này chó trắng, nếu đời trước ngươi là Đâu La, cha của ta thì hãy ăn canh, bắp, thịt đựng trong bát vàng. Con chó trắng liền ăn canh, bắp, thịt đựng trong bát vàng.
Này chó trắng, nếu đời trước ngươi là Đâu La, cha của ta thì chó trắng hãy chỉ cho ta tài vật để lại của cha ta mà người đã giấu, hiện nay ta không biết ở chỗ. Khi đó con chó nhảy xuống giường rồi đi đến chỗ cái giường mà nó đã nằm đời trước.
Đến rồi, ở dưới bốn chân giường, nó lấy miệng và chân bươi đất. Khi ấy Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử đào lên được rất nhiều tiền tài.
Khi đã được rất nhiều tiền tài, trong lòng rất vui sướng, sanh ra thiện tâm, dùng đầu gối chân phải quỳ xuống đất, chắp tay hướng về vườn ông Cấp Cô Độc, rừng cây ông Kỳ Đà, ba lần tự nói lên tên họ: Lời nói của Sa Môn Cù Đàm là chân thật. Quả thật Sa Môn Cù Đàm không nói dối.
Lành thay Sa Môn Cù Đàm. Ba lần tự xưng tên họ xong, ra khỏi thành Xá Vệ, đi đến vườn ông Cấp Cô Độc, rừng cây ông Kỳ Đà. Bấy giờ Đức Thế Tôn có vô lượng trăm ngàn đồ chúng đoanh vây ở phía trước để nghe Ngài thuyết pháp.
Đức Thế Tôn từ xa trông thấy Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử đến, thấy rồi Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, các ngươi có thấy Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử từ xa đi đến không?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Nếu ngay bây giờ mà Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử mạng chung thì nhanh như co duỗi cánh tay liền sanh nơi thiện xứ.
Vì sao vậy?
Vì kẻ ấy đang có thiện tâm đối với ta vậy. Chúng sanh nhân nơi thiện tâm, nên khi thân hoại mạng chung được sanh chỗ lành, trên Trời. Khi đó Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử đi đến chỗ Đức Thế Tôn, đến rồi ra mắt Đức Thế Tôn, cùng nhau ủy lạo. Khi đã ra mắt, ủy lạo xong, ngồi qua một bên.
Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử đã ngồi qua một bên rồi, Đức Thế Tôn bảo: Này Ma Lao, như ta đã nói, con chó trắng ấy có đúng như lời ta nói chăng?
Đúng như lời Sa Môn Cù Đàm đã nói, con chó trắng ấy đúng thật như vậy, không có gì khác cả. Thưa Sa Môn Cù Đàm, con có điều muốn hỏi, nếu Ngài nghe con mới dám hỏi. Này Ma Lao, hãy hỏi theo ý muốn của ngươi.
Thưa Cù Đàm, do nhân gì, duyên gì mà cùng thọ thân người lại có người cao, thấp, đẹp, xấu, sạch, dơ?
Thưa Cù Đàm, có người sống lâu, có người chết yểu, có người không bệnh tật, có người bệnh tật.
Có người đẹp, có người xấu, có người sang, có người hèn, có người có khả năng, người không có khả năng, người có nhiều tiền tài, người có ít tiền tài, người có ác trí, người có trí tuệ?
Này Ma Lao, chúng sanh do nhân duyên, nhân nơi hành động, duyên nơi hành động, do tác động tùy theo hành động của chúng sanh mà khiến cho mỗi mỗi có đẹp, có xấu, có cao, có thấp … vậy.
Thưa Sa Môn Cù Đàm, Ngài nói một cách tóm tắt chứ chưa phân biệt nên con không hiểu ý nghĩa này. Cúi mong Sa Môn Cù Đàm hãy vì con mà khéo nói, khiến cho con hiểu rõ. Sa Môn Cù Đàm đã thuyết pháp một cách tóm lược chứ chưa phân biệt rộng rãi để con biết được ý nghĩa ấy.
Này Ma Lao, hãy khéo lắng nghe và khéo suy nghĩ, tưởng nhớ, ta sẽ nói cho.
Thưa vâng, bạch Cù Đàm.
Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử thọ nhận lời dạy của Thế Tôn.
Đức Thế Tôn bảo: Này Ma Lao, do nhân gì, do duyên gì mà hoặc người đàn ông, hoặc đàn bà bị chết yểu?
Này Ma Lao, hoặc người đàn ông, người đàn bà làm cho máu huyết ô uế chảy đầy cả tay, gần gũi sự ác độc, không có lòng từ, giết hại sanh mạng của tất cả chúng sanh cho đến loài sâu kiến.
Do hành vi đó, nhân như vậy, hành như vậy, khi thân hoại mạng chung sanh vào trong Nê Lê ác thú, đời sau sanh ở nhân gian bị chết yểu.
Vì sao như vậy?
Này Ma Lao, vì nó là hành động giết hại cho nên khiến cho hoặc người đàn ông hay người đàn bà phải chết yểu. Này Ma Lao, đó là nên xem hành động mà biết quả báo vậy.
Này Ma Lao, lại do nhân gì, do duyên gì mà khiến cho hoặc đàn ông hay người đàn bà được trường thọ?
Này Ma Lao, hoặc người đàn ông hay người đàn bà xa lìa sát sanh, vứt bỏ dao gậy, thường ôm lòng hổ thẹn, đối với tất cả chúng sanh muôn khiến cho an ổn, đã diệt trừ ý sát sanh làm cho trong sạch.
Kẻ ấy nhân hành động như vậy, do nhân như vậy, hành như vậy nên khi thân hoại mạng chung được sanh đến cõi lành trên Trời, đời sau người đó sanh xuống nhân gian được trường thọ.
Vì sao như vậy?
Này Ma Lao, kẻ ấy hành động làm cho mạng mình được trường thọ vậy, nên khiến cho hoặc người nam, người nữ xa lìa sát sanh, vứt bỏ sát sanh, do đó, này Ma Lao, nên biết hành động như vậy sẽ đưa đến quả báo như vậy.
Này Ma Lao, lại do nhân gì, do duyên gì mà khiến cho người nam hay người nữ xúc nhiễu chúng sanh, họ xúc nhiễu chúng sanh hoặc dùng tay hay dùng đá, hoặc lấy gậy hay lấy dao gia hại, họ nhân hành động này, nhân như vậy, hành như vậy nên khi thân hoại mạng chung sanh trong Nê Lê ác thú, đời sau người ấy sanh trong nhân gian bị nhiều bệnh tật.
Vì sao như vậy?
Này Ma Lao, kẻ ấy đã hành động gây đau khổ vậy, hoặc người nam hoặc người nữ xúc nhiễu chúng sanh như vậy. Cho nên này Ma Lao, nên biết hành động như vậy đưa đến quả báo như vậy.
Này Ma Lao, lại do nhân gì, do duyên gì mà khiến cho hoặc là người nam hay người nữ không có bệnh hoạn?
Này Ma Lao, hoặc là người nam hay người nữ không có xúc nhiễu chúng sanh, do kẻ ấy không có xúc nhiễu chúng sanh, không dùng tay, không dùng đá, không dùng dao, không dùng gậy.
Kẻ ấy nhân hành động này, do hành động này, nhân do hành động này nên khi thân hoại mạng chung sanh đến chỗ lành, trên Trời, đời sau người ấy sanh trong nhân gian không có bệnh khổ.
Vì sao vậy?
Này Ma Lao, vì kẻ ấy đã tạo hành động không gây đau khổ vậy, nên khiến cho người nam hoặc người nữ không có xúc nhiễu chúng sanh. Cho nên này Ma Lao, nên biết hành động như vậy và bị quả báo như vậy.
Này Ma Lao, lại do nhân gì, do duyên gì mà người nam hoặc người nữ bị xấu xí?
Này Ma Lao, hoặc là người nam hay người nữ có nhiều sân giận, có nhiều ưu sầu. Kẻ ấy người ta nói vài lời nhưng lại sân hận, buồn rầu không vui, trụ nơi sân hận, sanh ra sân hận, bài báng tất cả, nhân hành động như vậy, nhân đó cho nên khi thân hoại mạng chung sanh trong Nê Lê ác thú, đời sau sanh ở nhân gian hình sắc xấu xí.
Vì sao vậy?
Này Ma Lao, vì kẻ ấy đã tạo hành động xấu ác, nên khiến cho người nam hoặc người nữ sân giận, ưu sầu, do đó này Ma Lao, nên biết vì hành động như vậy nên quả báo như vậy.
Này Ma Lao, lại do nhân gì, do duyên gì mà khiến cho người nam hoặc người nữ hình sắc tốt đẹp?
Này Ma Lao, hoặc là người nam hay người nữ ít có sân hận, không hay ưu sầu.
Hoặc có người dùng lời thô ác mắng nhiếc, kẻ ấy cũng sân, không hận, không buồn rầu, không an trụ nơi sân hận, không sanh sân hận, không xử dụng sân hận.
Kẻ ấy nhân hành động này, dùng hành động này, nhân hành động này cho nên khi thân hoại mạng chung sanh ở chỗ lành, Cõi Trời, đời sau người ấy sanh xuống nhân gian hình sắc tuyệt đẹp.
Vì sao vậy?
Này Ma Lao, kẻ ấy thực hành diệu hạnh vậy, nên khiến cho người nam hoặc người nữ không có sân giận, cũng không ưu sầu. Cho nên này Ma Lao, nên biết vì hành động như vậy nên quả báo như vậy.
Này Ma Lao, lại do nhân gì, do duyên gì mà khiến cho người nam hoặc người nữ ít có khả năng?
Này Ma Lao, hoặc là người nam hay người nữ có lòng tham lam, tật đố, phát ra tham lam tật đố, kẻ ấy thấy người khác được cung kính, bố thí tài vật, liền phát sanh lòng tham lam tật đố, rằng: Kẻ ấy được như vậy, hãy khiến cho ta cũng được như vậy. Kẻ ấy nhân hành động này, nhân hành, duyên hành động này cho nên khi thân hoại mạng chung sanh vào trong Nê Lê ác thú, đời sau sanh ở nhân gian thì ít có khả năng.
Vì sao vậy?
Này Ma Lao, vì kẻ ấy đã tạo ra hành động ít có khả năng, nên khiến cho người nam hoặc người nữ tham lam, tật đố, phát ra tham lam tật đố vậy. Này Ma Lao, nên biết hành động như vậy phải có quả báo như vậy.
Này Ma Lao, lại do nhân gì, do duyên gì mà người nam hoặc người nữ có khả năng?
Này Ma Lao, hoặc là người nam hay người nữ không có tham lam, tật đố, không phát ra tham lam tật đố, kẻ ấy thấy người khác được cung kính, được thí tài vật, nhưng không phát sanh lòng tham lam tật đố, thấy người khác có sở hữu, mong mình cũng được như vậy.
Kẻ ấy vì hành động như vậy, nhân hành động này, duyên hành động này cho nên khi thân hoại mạng chung được sanh đến thiện xứ, trên Trời, đời sau sanh xuống nhân gian thì rất có khả năng.
Vì sao vậy?
Này Ma Lao, kẻ ấy đã tạo ra việc làm rất có khả năng, nên khiến người nam hay người nữ không có lòng tham lam, tật đố, không phát ra lòng tham lam tật đố, cho nên, này Ma Lao, nên biết hành động như vậy sẽ có quả báo như vậy.
Này Ma Lao, lại do nhân gì, do duyên gì mà khiến cho người nam hoặc người nữ sanh vào nhà hạ tiện?
Này Ma Lao, hoặc người nam hay người nữ tự đại, kiêu mạn, người đáng cung kính thì không cung kính, người đáng tôn thờ thì không tôn thờ, đáng lễ bái thì không lễ bái, đáng cúng dường thì không cúng dường, đáng mời ngồi thì không mời ngồi, đáng hướng dẫn thì không hướng dẫn, đáng lễ bái, đứng dậy chắp tay hướng về thì không lễ bái, đứng dậy cung kính chắp tay hướng về.
Nhân hành động này, duyên hành động này, có hành động như vậy cho nên khi thân hoại mạng chung sanh vào trong Nê Lê ác thú, đời sau sanh xuống nhân gian vào nhà hạ tiện.
Vì sao vậy?
Này Ma Lao, vì kẻ ấy hành động hạ tiện vậy, nên khiến cho người nam hay người nữ tự đại, kiêu mạn, cho nên, này Ma Lao, nên biết hành động như vậy cho nên quả báo phải như vậy.
Này Ma Lao, lại do nhân gì, do duyên gì mà khiến cho người nam hoặc người nữ được sanh vào nhà hào quý?
Này Ma Lao, hoặc người nam hay người nữ không tự đại, không kiêu mạn, người đáng cung kính thì cung kính, người đáng tôn thờ thì tôn thờ, đáng mời ngồi thì mời ngồi, đáng hướng dẫn thì hướng dẫn, đáng lễ bái, đứng dậy chắp tay hướng về thì lễ bái, đứng dậy cung kính chắp tay hướng về.
Kẻ ấy nhân hành động như vậy, duyên hành động như vậy, do hành động như vậy cho nên khi thân hoại mạng chung sanh đến chỗ lành, trên Trời, đời sau sanh xuống nhân gian vào nhà hào quý.
Vì sao vậy?
Này Ma Lao, vì kẻ ấy đã tạo hành động hào quý vậy, nên khiến cho kẻ nam hay người nữ không có tự đại, không kiêu mạn.
Này Ma Lao, nên biết hành động như vậy nên quả báo như vậy.
Này Ma Lao, lại do nhân gì, do duyên gì mà khiến cho người nam hoặc người nữ có ít tiền tài?
Này Ma Lao, hoặc người nam hay người nữ không bố thí, cũng chẳng phải là thí chủ, không bố thí cho Sa Môn, Bà La Môn, kẻ bần cùng hạ tiện từ các nơi tới xin như đồ ăn uống, áo quần, vòng hoa, hương xoa vào người, giường nằm, nhà cửa, đèn sáng, các thứ …
Do hành động như vậy, duyên hành động như vậy, vì hành động như vậy nên khi thân hoại mạng chung sanh trong Nê Lê ác thú, đời sau sanh ở nhân gian ít có tiền bạc.
Vì sao vậy?
Này Ma Lao, kẻ ấy tạo hành động ít có tiền bạc vậy, nên khiến cho người nam hoặc người nữ ít có tiền bạc. Này Ma Lao, nên biết hành động như vậy nên quả báo như vậy.
Này Ma Lao, lại do nhân gì, do duyên gì mà khiến cho người nam hoặc người nữ có nhiều tiền tài?
Này Ma Lao, hoặc người nam hay người nữ là người bố thí, là thí chủ, kẻ ấy bố thí cho Sa Môn, Bà La Môn, kẻ bần cùng hạ tiện từ các nơi đến xin các thứ như đồ ăn uống, áo quần, vòng hoa, hương xoa vào người, giường nằm, nhà cửa, đèn sáng, các thứ …
Nhân làm việc ấy, duyên làm việc ấy, vì hành động như vậy nên khi thân hoại mạng chung sanh đến chỗ lành, trên Trời, đời sau sanh xuống nhân gian có nhiều tiền bạc.
Vì sao vậy?
Này Ma Lao, vì kẻ ấy đã tạo hành động có nhiều tiền bạc vậy, nên khiến cho người nam hoặc người nữ có nhiều tiền bạc.
Này Ma Lao, nên biết hành động như vậy nên quả báo như vậy.
Này Ma Lao, lại do nhân gì, do duyên gì mà khiến cho người nam hoặc người nữ có ác trí?
Này Ma Lao, hoặc người nam hay người nữ là chúng sanh không hay đi học hỏi, đó là những bậc có danh tiếng Sa Môn, Bà La Môn, cho dầu có đến cũng không tùy thời học hỏi ý nghĩa, cũng không luận nghị với các hiền giả:
Thế nào là thiện, thế nào là bất thiện?
Thế nào là tốt, thế nào là không tốt?
Thế nào là ác, xấu?
Thế nào là đen, là trắng?
Thế nào là quả báo đen, thế nào là quả báo trắng?
Thế nào là thấy nghĩa của pháp, thế nào là ý nghĩa răn cấm đối với đời sau?
Thế nào là thiện, chẳng phải ác?
Theo những vị ấy nghe rồi không làm giống như điều đã học. Kẻ ấy nhân việc làm như vậy, duyên việc làm như vậy, vì hành động như vậy cho nên khi thân hoại mạng chung sanh trong Nê Lê ác thú, đời sau sanh ở nhân gian có ác trí.
Vì sao vậy?
Này Ma Lao, kẻ ấy tạo hành động ác trí vậy, nên khiến cho người nam hay người nữ là chúng sanh không hay đi học hỏi.
Này Ma Lao, nên biết hành động như vậy nên quả báo như vậy.
Này Ma Lao, lại do nhân gì, do duyên gì mà khiến cho người nam hoặc người nữ có trí tuệ?
Này Ma Lao, hoặc người nam hay người nữ là chúng sanh hay đi học hỏi, đó là đến những vị Sa Môn, Bà La Môn có danh tiếng, đến rồi tùy lúc tùy thời hỏi ý nghĩa lý, có thể luận nghị rằng:
Này chư hiền, sao gọi là thiện, bất thiện?
Sao gọi là tốt, không tốt?
Sao gọi là xấu, là vi diệu?
Sao gọi là đen, sao là trắng?
Sao gọi là quả báo đen, quả báo trắng?
Sao gọi là thấy nghĩa của pháp?
Sao gọi là giới nghĩa của đời sau?
Sao gọi là thiện, chẳng phải ác?
Theo những vị ấy nghe rồi, như điều đã nghe mà học tập. Kẻ ấy nhân hành động như vậy, duyên hành động như vậy, vì hành động như vậy cho nên khi thân hoại mạng được chung sanh ở chỗ lành, trên Trời, đời sau sanh xuống nhân gian thì có trí tuệ.
Vì sao vậy?
Này Ma Lao, vì kẻ ấy tạo hành động trí tuệ vậy. Do đó nên khiến cho người nam hay người nữ là chúng sanh hay đi học hỏi, bởi vậy, này Ma Lao, nên biết hành động như vậy nên quả báo như vậy.
Này Ma Lao, nếu tạo hành động chết yểu thì bị chết yểu, nếu tạo hành động sống lâu thì được sống lâu, nếu tạo hành động nhiều bệnh thì bị nhiều bệnh.
Nếu tạo hành động không bệnh, thì được không bệnh, nếu tạo hành động xấu thì bị xấu.
Nếu tạo hành động thân hình đẹp thì được thân hình đẹp.
Nếu tạo hành động có ít khả năng thì bị ít khả năng.
Nếu tạo hành động hạ tiện thì bị hạ tiện, nếu tạo hành động hào quý, thì được hào quý.
Nếu tạo hành động ít tiền của thì có ít tiền của, nếu tạo hành động có nhiều tiền của thì được nhiều tiền của.
Nếu tạo hành động ác trí thì bị ác trí, nếu tạo hành động trí tuệ thì được trí tuệ. Vì vậy cho nên, này Ma Lao, ta mới nói như vậy.
Này Ma Lao, tùy theo chúng sanh đã tạo ra hành động nhân hành động ấy, duyên hành động ấy, vì hành động chúng sanh đã làm nên đối với tất cả liền có sự cao, thấp, đẹp, xấu.
Đã trọn vẹn rồi, thưa Cù Đàm! Đã trọn vẹn rồi, thưa Cù Đàm!
Kính bạch Thế Tôn, hôm nay con xin tự quy Pháp và Tỳ Kheo Tăng. Thưa Đức Thế Tôn, hôm nay con xin giữ giới Ưu Bà Tắc. Từ hôm nay cho đến lúc mạng chung, con xin xa lìa sự sát sanh… con xin quy y Đức Thế Tôn.
Từ hôm nay, mỗi sáng sớm vào thành Xá Vệ, Ngài vào nhà Ưu Bà Tắc khác thì cũng vào nhà Đâu La như vậy, khiến cho nhà của Đâu La được lợi nghĩa, được nhiều lợi ích, được an ổn.
Đức Phật nói như vậy, Anh Võ Ma Lao Đâu La Tử nghe Đức Thế Tôn nói hoan hỷ lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Sáu - Tu Tập Nghiệp Ba Mươi Hai Tướng
Phật Thuyết Kinh Quang Minh đồng Tử Nhân Duyên - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi - Pháp Hội Nhật Mật Bồ Tát - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Mười Ba
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Một