Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Huyền Trang, Đời Đường  

PHẨM HAI

PHẨM HAI PHÁP  

PHẦN NĂM  

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Hai pháp thiện trắng sạch

Hộ trì cho thế gian

Không mất nẻo Trời, Người

Đó là hổ và thẹn.

Không có hai pháp này

Không biết được tôn ty

Hỗn tạp giống trâu, dê

Cùng như gà, heo, chó.

Do đó hai pháp ấy

Phân biệt, biết tôn ty

Không phải như trâu, dê

Làm các việc uế tạp.

Những ngươi có trí tuệ

Thành tựu hai bạch pháp

Luôn giữ nẻo Trời, Người

Không đọa ba đường dữ.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Ta là Bậc Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, khi chưa thành Phật, còn ở quả vị Bồ Tát, phần nhiều an trụ nơi hai loại tầm, tư.

Hai loại đó là:

1. Như Lai khi còn ở quả vị Bồ Tát, thường sống trong suy nghĩ bất hại, hoan hỷ vui vẻ như vậy, gọi đó là thường suy nghĩ, vui vẻ thứ nhất. Do sống trong sự tu tập đúng như vậy nên đối với các loại hữu tình, hoàn toàn không làm tổn hại. Do suy nghĩ này chứng được vô lượng Phạm trụ một cách viên mãn.

2. Như Lai khi còn ở quả vị Bồ Tát, thường sống trong suy nghĩ, đoạn trừ, vĩnh viễn hoan hỷ, vui vẻ. Sống trong suy nghĩ đoạn trừ, vĩnh viễn, hoan hỷ vui vẻ như vậy, gọi đó là thường suy nghĩ, vui vẻ thứ hai.

Sống trong sự tu tập đúng như vậy, nên đối với pháp bất thiện có thể đoạn trừ hẳn. Do suy nghĩ này nên chứng được đạo thù thắng, thiện căn viên mãn.

Ta ngay khi ấy sống trong hai loại suy nghĩ này, nên tinh tấn dũng mãnh, cho đến tất cả máu thịt nơi thân đều khô diệt, thân thể chỉ còn gân da bọc xương, cũng không phóng dật. Cho đến phải thấy, phải biết, phải hiểu, phải đắc, phải chứng đối với pháp chưa biết, chưa thấy, chưa đắc, chưa hiểu, chưa chứng.

Trong khoảng giữa thời gian đó, sống không phóng dật, tinh tấn, dũng mãnh, chưa từng từ bỏ. Do không có phóng dật, tinh tấn dũng mãnh không lìa bỏ nên mau chứng Chánh Đẳng Bồ Đề Vô Thượng, mau chứng Niết Bàn vô thượng mát mẻ, mau chứng Nhất thiết tri kiến vô thượng.

Thế nên các ông nên học như vầy: Ta phải làm thế nào để thường sống trong suy nghĩ bất hại, hoan hỷ vui vẻ và làm thế nào để thường sống trong suy nghĩ đoạn trừ vĩnh viễn, hoan hỷ, vui vẻ.

Bí Sô các ông nên học như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Khi Phật làm Bồ Tát

Thường sống trong hai pháp

Là bất hại, vĩnh đoạn

Nghĩ hoan hỷ, vui vẻ.

Không hại các hữu tình

Tu từ, bi, hỷ, xả

Chứng vô lượng phạm trụ

Viên mãn và thông suốt.

Vĩnh đoạn pháp bất thiện

Và các dây phiền não

Chứng đắc các căn lành

Viên mãn đạo thù thắng.

Thường dũng mãnh, tinh tấn

An trụ không phóng dật

Chứng bồ đề vô thượng

Cùng Niết Bàn an lạc.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Các Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ, Sát Đế Lợi… phần nhiều làm các việc bố thí cho các ông y phục, ẩm thực, ngọa cụ, y dược, phòng xá, đồ dùng đúng như pháp.

Còn Bí Sô các ông có nhiều việc phải làm, đó là: Các ông giảng thuyết chánh pháp, đầu đuôi giữa đều thiện, văn nghĩa hoàn hảo, đầy đủ pháp phạm hạnh cho họ.

Do đó, được giải thoát khỏi pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ não, nóng bức. Bánh xe pháp của các ông và bánh xe tài của họ nương tựa nhau để vận chuyển, ở trong giáo pháp của Như Lai siêng tu phạm hạnh, mau đến thành Niết Bàn vô thượng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Xuất gia và tại gia

Nương tựa, hỗ trợ nhau

Hai bánh xe tài, pháp

Mau đến thành Niết Bàn.

Xuất gia nương tại gia

Được của cải như pháp

Tại gia nương xuất gia

Được chánh pháp vi diệu.

Hai chúng nương tựa nhau

Nhận an lạc Trời, Người

Vượt sinh, già, bệnh, chết

Đạt Niết Bàn thanh lương.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Nương vào giới luật, có thể tu hai pháp.

Hai pháp đó là: Thiền chỉ là thiền quán. Nghĩa là người tu hành nương vào giới luật để tu thiền chỉ. Đã tu thiền chỉ rồi, làm cho tâm tu tập được viên mãn.

Vì việc gì mà tu tập tâm ấy?

Tu tập tâm ấy là để đoạn tham. Những người tu hành nương vào giới luật, tinh tấn tu tập thiền quán rồi làm cho tu tuệ viên mãn.

Tu tập tu tuệ ấy để làm gì?

Người tu tập tuệ là để đoạn si. Tâm bị tham cấu nhiễm, khiến không được giải thoát. Tuệ bị si làm cấu nhiễm, khiến không được chiếu sáng. Ai xa lìa hẳn tham thì được tâm giải thoát hoàn toàn. Ai lìa hẳn si thì được tuệ giải thoát hoàn toàn. Ai đối với hai loại giải thoát này dùng chánh tri kiến để tự chứng đắc, ta nói người đó được tuệ giải thoát hoàn toàn, là bậc Trượng phu tối thượng, tự mình tu tập.

Các Thánh đệ tử, ngay khi chứng đắc tâm giải thoát như vậy, nếu bị người khác mắng nhiếc, quở trách, khinh lờn, hủy nhục… họ không vì duyên này phát sinh vô số tâm bất nhẫn, bất tín, hại, hận… vì sao?

Vì do họ có thể soi thấy rõ những việc mắng nhiếc của người khác là người đó có tội, nơi họ không tổn hại.

Các Thánh đệ tử ngay khi chứng đắc tâm giải thoát như vậy, nếu được người khác khen ngợi, tán thán, cung kính lễ bái, cúng dường…, họ không duyên nơi việc này phát sinh vô số tâm hoan hỷ, vui thích, hớn hở… vì sao?

Vì họ có thể soi thấy rõ được những sự khen ngợi tốt đẹp… của người kia là người kia được phước, họ không có lợi. Ai có thể làm được như vậy, gọi đó là người đối với pháp thế gian được tâm bình đẳng, không buồn, không vui, an ổn, tự tại.

Thế nên, các ông phải làm như vầy: Ta nên nương vào giới luật tu thiền chỉ, thiền quán như thế nào?

Bí Sô các ông nên học như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Nương vào giới thanh tịnh

Tu chỉ, quán, không tội

Giữ kín căn và ý

Chứng Niết Bàn cam lồ.

Tu chỉ điều phục tâm

Điều tâm lìa tham dục

Lìa dục chứng giải thoát

Chứng giải thoát, tâm bình.

Tu quán, trí tuệ sáng

Tuệ sáng diệt si ám

Diệt ám, chứng giải thoát

Chứng giải thoát, tâm bình.

Nên Bí Sô các ông

Tinh tấn, chớ buông lung

Luôn nương vào giới luật

Tu chỉ, quán không tội.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Người tu học thắng lợi, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hành phạm hạnh thì trí tuệ là đứng đầu, chắc chắn được giải thoát, đạt được tối thượng về niệm.

Người nào thành tựu việc tu học thắng lợi, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hành phạm hạnh thì tuệ là đứng đầu, chắc chắn được giải thoát, đạt được tối thượng về niệm. Người ấy hoàn toàn không bị tham do vị ngọt của sắc trói buộc, quấy nhiễu tâm mình. Người cũng lại không bị sự tham đắm về vị ngọt của thanh, hương, vị, xúc, pháp trói buộc, quấy nhiễu tâm mình.

Tâm người đó nhờ không bị tham trói buộc nên không chạy theo, tham đắm sự nhận thức đối với tướng mạo của sắc, không chạy theo vị ngọt do sự phân biệt tướng mạo của thanh, hương, vị, xúc, pháp, thì ngay trong hai sẽ chứng được một quả, nghĩa là ngay trong đời nay chứng được quả Niết Bàn hữu dư y hoặc quả Bất Hoàn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Người tu học thù thắng

Nương Phật tu phạm hạnh

Trí tuệ đứng hàng đầu

Chắc chắn được giải thoát.

Niệm tôn quý hơn hết

Chứng một trong hai quả

Pháp Niết Bàn hiện tại

Và vĩnh viễn Bất Hoàn.

Do tuệ đứng hàng đầu

Tham không quấy động tâm

Không duyên theo các sắc

Tướng mạo do thức sinh.

Viên mãn giới thù thắng

Sinh định tuệ, thắng thượng

Dứt cảnh sinh, lão, tử

Chứng Niết Bàn hữu dư.

Nên Bí Sô các ông

Siêng năng tu giới, định

Sinh thắng tuệ vi diệu

Dứt sinh, già, bệnh, chết.

Trong pháp luật của ta

Người không hề phóng dật

Định lực phá quân ma

Dứt hẳn cảnh giới khổ.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Tất cả các pháp ác, bất thiện ở thế gian đều do vô minh dẫn đầu nên sinh trưởng. Do không có hổ thẹn hỗ trợ ở sau nên không bị tổn giảm.

Vì sao?

Vì tất cả các nẻo sinh ra pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ não, nóng bức… đều lấy vô minh làm gốc để sinh trưởng. Sinh trưởng xong lại nương vào đó phát sinh ra tất cả pháp ác bất thiện. Pháp ác bất thiện sinh ra là do không có sự hổ thẹn, không hối tiếc. Không hối tiếc nên không giảm bớt. Tất cả pháp thiện thanh tịnh ở thế gian đều do trí tuệ dẫn đầu nên sinh trưởng. Do hổ và thẹn hỗ trợ ở sau nên không tổn giảm.

Vì sao?

Vì trí tuệ đứng trước và hổ thẹn đứng sau nên có thể đoạn hết các nẻo phát sinh ra pháp sinh, già, bệnh, chết, có thể vượt tất cả pháp ưu sầu khổ não thiêu đốt. Có thể đạt hiểu biết đứng đắn, được cam lồ, chứng đắc Niết Bàn.

Thế nên các ông nên học như vầy: Ta phải tu tập như thế nào để đoạn hẳn vô minh và phát sinh trí tuệ sáng suốt, đoạn hẳn tất cả các nẻo sinh ra pháp sinh, già, bệnh, chết, vượt khỏi tất cả pháp ưu sầu, khổ não… đạt hiểu biết đúng đắn, được cam lồ, chứng đắc Niết Bàn. Bí Sô các ông nên học như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Đời này và đời sau

Sinh, già cùng bệnh, chết

Tham ái, các phiền não

Do vô minh làm gốc.

Vô minh rất ưu tối

Khiến đọa mãi sinh tử

Đời này và đời sau

Luân hồi trong các nẻo.

Do vô minh đứng đầu

Không hổ thẹn ở sau

Sinh trưởng các pháp ác

Đọa nơi các nẻo ác.

Thế nên phải tinh tấn

Lìa tham ái, ngu si

Phát sinh trí tuệ sáng

Đoạn gốc khổ sinh tử.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Tất cả các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vì thương xót thế gian nên xuất hiện ở đời. Các Đức Như Lai muốn đoạn trừ, xả bỏ hẳn hai pháp nên chuyển pháp luân vô thượng của Thánh Hiền. Tất cả các Sa Môn, Bà La Môn, Thiên, Ma, Phạm trong thế gian, chưa ai có khả năng chuyển được pháp luân này.

Hai pháp đó là:

1. Vô minh.

2. Hữu ái.

Tất cả các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời là vì thương xót thế gian, vì muốn đoạn trừ, xả bỏ hẳn hai pháp này, nên chuyển pháp luân vô thượng của Hiền Thánh. Nói rộng ra cho đến chưa ai có thể chuyển pháp luân như vậy. Ai có thể đoạn trừ, xả bỏ hẳn tất cả vô minh và các hữu ái đã có thì khiến cho người đó dứt hẳn hết không còn sót.

Người đó có thể đoạn hẳn tất cả phiền não và các pháp tạp nhiễm, đó gọi là người ra khỏi các hầm hố, vượt các tường thành, phá sự đóng bít, bẻ gãy các pháp thuật của đám ngoại đạo, là Hiền Thánh đích thực, là ngọn cờ của chánh pháp, là đại Sa Môn, Bà La Môn, là thông tuệ chân chánh, là sự thanh tịnh viên mãn, là chân trí tuệ, là sự điều thuận đúng đắn. Người đó là ruộng phước ở thế gian.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần