Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Năm - Phẩm Vương Luận - Tập Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TÁT GIÀ NI

KIỀN TỬ SỞ THUYẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM NĂM

PHẨM VƯƠNG LUẬN  

TẬP NĂM  

Những người như thế, nên giúp họ trong thành phần chúng sinh nào?

Đáp: Đại Vương! Nên ghép họ vào hạng chúng sinh tà hạnh bậc trung để trị tội.

Vì sao?

Vì nhà cửa, của cải, nô tỳ cùng làm ra nên họ có nửa phần ở trong đó, nên phần thực ấy họ tự ý ăn mặc. Nhưng lại phần của nô tỳ thì tiếc giữ không cho, giả sử có cho đi nữa thì không đúng thời tiết, được nhiều thì cho ít, thường làm cho thiếu thốn. Đó là tà hạnh lớn nhất trong thế gian.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua thực hành pháp hạnh, trong nước có người đối với Phật, Pháp, Tăng làm việc không lợi ích, như là: Thiêu đốt, pha hoại chùa tháp, tượng Phật và các Kinh sách.

Dùng lời nói hủy nhục, nói xấu, nói rằng: Làm việc này không có lợi lộc gì. Những người cúng dường trong hiện tại bị hao tổn, trong tương lai cũng không có lợi ích. Hoặc ghét chùa tháp, và các hình tượng nên làm chướng ngại chỗ đó bằng cách phá hoại, trừ diệt hay đưa đi đặt ở chỗ khác. Hoặc đập phá phòng ốc, nhà cửa của những người Sa Môn tịnh hạnh.

Hoặc lấy của Phật, Pháp, Tăng như vườn ruộng, rừng, nhà, voi, ngựa, xe, bò, lừa, lạc đà, nô tỳ, tôi tớ, y phục, đồ ăn thức uống, vàng bạc, lưu ly, xà cừ, mã não và tất cả trân bảo. Hoặc bắt Sa Môn sai khiến làm việc, moi móc những lỗi lầm, cởi áo Ca Sa.

Hoặc khinh khi xem thường, đùa bỡn các Sa Môn, muốn làm trò cười nên không để họ chuẩn bị lúc đó hỏi cung. Hoặc dối gạt, mời thỉnh đến nhưng không cho ăn uống. Dẫu có cho ăn uống thì không đúng lúc, cho thức ăn phi pháp. Hoặc có khi xem thường hủy nhục, chửi mắng và dùng những lời thô tục để phỉ báng.

Hoặc dùng gậy, hòn đất, gạch đá, đến cả tự tay đánh các Sa Môn. Hoặc cầm dao, mác, cung tên, giáo, kích để chặt, bắn làm thương tổn. Hoặc xô xuống nước. Hoặc đẩy vào lửa, hoặc đẩy từ trên núi xuống hố, hầm nguy hiểm. Hoặc thả voi, ngựa, cọp, beo, Sư Tử, chó dữ, thú độc làm hại thương tích thân thể họ.

Những người ác như thế thì nên ghép họ vào loại chúng sinh nào?

Đáp: Đại Vương! Những người ác như thế phải ghép họ vào trong số những chúng sinh ác nghịch bậc cao để trị tội.

Vì sao?

Vì họ gây nên tội căn bản rất nặng.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư, những gì gọi là tội căn bản?

Đáp: Đại Vương! Tội căn bản có năm loại:

1. Phá hoại chùa tháp, thiêu đốt Kinh tượng. Hoặc lấy vật của Phật, Pháp và Tăng. Hoặc dạy người làm, hoặc thấy người làm thì hổ trợ vui mừng. Đó là tội nặng căn bản thứ nhất.

1. Hoặc phỉ báng pháp Thanh Văn, Bích Chi Phật và pháp đại thừa. Hủy nhục, nói xấu, gây sự khó khăn, ngăn cản, che giấu. Đó là tội nặng căn bản thứ hai.

2. Hoặc có Sa Môn với lòng tin xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc áo Ca Sa, hoặc có người trì giới, hoặc có người không trì giới đều bị họ trói nhốt vào lao ngục, gông cùm đánh đập, bắt sai khiến làm việc, moi móc những lỗi lầm, chửi mắng đủ điều rồi đuổi đi gấp. Hoặc cởi Ca Sa bức hiếp khiến cho họ hoàn tục, hoặc giết chết. Đó là tội nặng căn bản thứ ba.

3. Gây nên một tội trong năm tội Ngũ nghịch, đó là tội nặng căn bản thứ tư.

4. Phỉ báng, phủ nhận tất cả nghiệp thiện ác, thường làm mười điều bất thiện, không sợ đời sau. Đích thân làm, dạy người làm khiến họ giữ mãi không bỏ. Đó là tội nặng căn bản thứ năm.

Đại Vương! Nếu người phạm những tội nặng căn bản như thế nhưng lại không tự mình sám hối, nhất định sẽ thiêu đốt tất cả thiện căn, thẳng đến Địa Ngục lớn, chịu khổ vô cùng.

Đại Vương! Vì trong nước của nhà Vua thực hành nghiệp bất thiện rất nặng này, cho nên các vị La Hán phạm hạnh, các vị Tiên, Thánh Nhân đều bỏ nước ra đi.

Chư Thiên thương xót, khóc lóc. Tất cả quỷ thần thiện, các vị thần có sức mạnh lớn không bảo hộ nước ấy. Các đại thần giết hại lẫn nhau, các quan đứng đầu triều đình tranh nhau, nghịch tặc khắp nơi cùng nhau nổi dậy, Vua Trời không xuống, Vua rồng ẩn mất, nắng mưa bất thường, mưa gió trái mùa.

Các rồng đều bỏ đi hết nên suối, khe, ao, sông đều khô cạn, cỏ cây cháy rụi, ngũ cốc mất mùa, nhân dân đói khát, giặc cướp hoành hành, ăn thịt lẫn nhau, xương trắng phơi đầy đồng. Bệnh hủi, bệnh dịch, tử vong vô số.

Khi đó, những người dân không biết tự suy nghĩ là mình đã làm nên tội mà còn oán giận các Trời, trách mắng quỷ thần. Vì thế, Vua thực hành pháp hạnh, vì cứu những nỗi khổ này nên thực hành pháp trị tội.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua thực hành pháp hạnh, nếu người với tâm không nhiễm ô, tâm khong ác độc, vì sao với tâm từ lại không được tử hình hoặc hủy hoại thân thể.

Đáp: Đại Vương! Vì Vua thực hành pháp hạnh tâm không nhiễm ô, tâm không ác độc, không thể khởi lên những ý nghĩ như: Giết hại chúng sinh hoặc hủy hoại thân thể.

Vì sao?

Vì Vua thực hành pháp hạnh, thấy chúng sinh kia đến nỗi khi chết cũng nương theo kết quả hành động của chính mình, sinh tâm sân hận, chết rồi lại sinh vào đường ác, tâm ác cứ đi theo mãi, không bao giờ chấm dứt. Cho nên, Vua thực hành pháp hạnh không tử hình, không hủy hoại thân thể.

Vì sao?

Vì việc này thật nguy hiểm. Nếu giết hoặc hủy hoại thân thể, một khi đã làm rồi thì sau không thể cứu vãn được. Còn trói nhốt vào nhà lao, hoặc gông cùm, đánh đập, la mắng…, thì không phải từ bỏ vĩnh viễn.

Vì thế, Đức Phật dạy: Vua thực hành pháp hạnh là bảo hộ chúng sinh. Nếu giết họ, hoặc hủy hoại thân thể họ thì không gọi bảo hộ chúng sinh đầy đủ được.

Đại Vương! Giết hoặc hủy hoại thân thể thật là việc sợ hãi lớn nhất ở thế gian.

Đức Phật không cho phép vị Vua thực hành pháp hạnh làm những việc như thế!

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua thực hành pháp hạnh, những người trong nước phải nộp vật thuế khóa cho nhà Vua thì đó là vật của Vua hay của người khác?

Đáp: Đại Vương! Đó chẳng phải vật của Vua cũng chẳng phải vật của người khác.

Vì sao?

Vì vật đó do chính công sức của họ làm ra, cho nên chẳng phải vật của riêng nhà Vua. Chẳng phải vật của người khác là vì Vua bảo hộ những người này, cho nên chẳng phải vật thuộc về họ. Những chúng sinh kia lập pháp như thế vì thế nên nhà Vua cũng được phần, chẳng phải vật của người khác.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua thực hành pháp hạnh, nếu có người dân đóng nộp vật cho nhà Vua mà không nộp thì người đó là kẻ ăn cắp vật cua nhà Vua hay không ăn cắp vật của nhà Vua?

Đáp: Đại Vương! Chẳng phải ăn cắp vật của nhà Vua, nhưng người ấy tham tiếc của, coi thường nhà Vua không nộp thuế thì bị vô số tội.

Vì sao?

Vì đóng nộp thuế cho nhà Vua mà lai không nộp.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Tất cả mọi người ở trong nước đều nộp thuế cho nhà Vua nhưng không cần nộp. Như vậy, nhà Vua liền thi hành biện pháp dùng roi gậy đánh đập, chửi mắng, hoặc lấy vật của họ.

Hành động như vậy gọi là cướp đoạt hay không cướp đoạt?

Đáp: Đại Vương! Đó chẳng phải cướp đoạt.

Vì sao?

Vì Vua có khả năng bảo hộ những hoạn nạn, do đó đời sống của họ được yên ổn, thì phải nộp thuế cho nhà Vua. Đó chẳng phải cướp đoạt.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Nếu người nghèo khổ phải nộp vật cho nhà Vua, nhưng vì không có vật để nộp nên bị cưỡng ép đánh đập, buộc họ phải nộp thuế, đó là cướp đoạt hay chẳng phải cướp đoạt?

Đáp: Đại Vương! Có người bị coi là cướp đoạt, nhưng có người không phải cướp đoạt. Có người không phải là cướp đoạt, khi người ấy lười biếng, giải đãi, không chuyên cần làm ăn, sống phi pháp, tà dâm, cờ bạc.

Với những sư ăn chơi như thế nên cướp đoạt của cải người khác, đến nỗi làm cho họ nghèo khổ. Những người như thế, Vua thực hành pháp hạnh phải dùng roi trừng phạt họ, tịch thu hết tài sản, để họ đi vay mượn vật nộp cho nhà Vua. Đó gọi là Vua chẳng phải cướp đoạt.

Vì sao?

Vì nhà Vua nghĩ rằng, để cho người kia không dám làm việc phi pháp, làm tổn thất của cải. Như vậy, cả Vua lẫn dân đều được lợi ích, là đời sống được thành tựu và lại không có tội lỗi.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Với những hạng người nào, Vua là kẻ cướp đoạt?

Đáp: Đại Vương! Tất nhiên nhà Vua được quyền thu góp. Nhưng nếu biết rõ gia nghiệp của người kia bị giặc cướp đoạt, người thân dối gạt lấy, chủ phi pháp cướp đoạt. Hoặc bị lửa thiêu đốt, bị gió dữ, mưa hung, bảo cát, mưa đá làm hư hoại gia nghiệp.

Hoặc họ ở nơi không được an ổn, nhân dân bỏ đi mất hết gia nghiệp. Hoặc bị sâu bọ, chim sẻ, chuột, chim oanh vũ ăn hết ngũ cốc. Hoặc gặp thời buổi hạn hán, hoa màu không chín, nước ngập thu hoạch không được.

Có những nguyên nhân như thế, không xây dựng được cơ nghiệp, của cải hết sạch. Với những người này thì nên miễn, không nên bắt họ nộp tài sản. Nếu như nhà Vua lấy tài sản của họ thì gọi là cướp đoạt.

Vì sao?

Vì không có lòng thương yêu đối với những người nghèo khổ này, nên không gọi là bảo hộ chúng sinh đầy đủ được.

Đại Vương nên biết! Ta nêu ra một ví dụ để minh họa việc này, người trí thì ở ngay nơi ví dụ này sẽ hiểu được. Như có người muốn đem đồ ăn thức uống cúng dường những người Sa Môn tịnh hạnh. Khi đã chuẩn bị đầy đủ những đồ ăn thức uống ngon bổ, nhưng bỗng nhiên nhà ấy bị cháy, gió thổi ngã, nước cuốn trôi.

Hoặc bị giặc cướp lấy hết đồ ăn, thức uống. Hoặc bị đồ bất tịnh làm dơ, không thể ăn được. Đến giờ thọ trai, các vị Sa Môn đến nhà thí chủ, nhưng thấy gia đình họ bị tổn thất, nên trở lại giúp đỡ, chia xẻ khổ đau và khất thực về cho họ.

Lòng dạ nào lại dám lấy đồ ăn của thí chủ nữa?

Nhưng người thí chủ kia không cúng dường thức ăn cũng không có tội.

Đại Vương! Cũng vậy, Vua thực hành pháp hạnh tuy nhiên được quyền thu góp, những người ấy không nộp cũng không Phạm Vương pháp, không nên tịch thu, đánh đập. Vua thực hành pháp hạnh ở trong thế gian cai trị nhân dân là luôn luôn mong muốn họ được hạnh phúc.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Như thế, Vua thực hành pháp hạnh không buông lung, họ thành tựu được mấy pháp thì gọi là Vua thực hành pháp hạnh?

Đáp: Đại Vương! Thành tựu mười pháp mới được gọi là Vua thực hành pháp hạnh.

Mười pháp đó là:

1. Tự tánh thành tựu.

2. Quyến thuộc có lễ nghĩa.

3. Trí tuệ thành tựu.

4. Thường siêng năng tinh cần.

5. Tôn trọng pháp.

6. Mạnh mẽ lanh lợi.

7. Ân nghĩa sâu nặng.

8. Hiểu rõ mọi hoạt động của sự vật trong thế gian.

9. Có thể chấp nhận những sự đau khổ.

10. Không giữ pháp điên đảo.

Đại Vương! Vua thành tựu tự tánh sẽ được thành tựu hai công đức:

1. Thái Tử, Đại Thần, Trưởng Giả, Cư Sĩ và nhân dân trong thành ấp, tụ lạc đều yêu mến, và quý trọng nhà Vua.

2. Nhà Vua không có những thứ bệnh tật.

Vua có quyến thuộc biết lễ nghĩa cũng được thành tựu hai công đức:

1. Đối với những việc làm của nha Vua, các sự tranh luận, nhà Vua không cần phải lo âu.

2. Cẩn thận không Phạm Vương pháp.

Vua thành tựu trí tuệ cũng được thành tựu hai công đức:

1. Biết giỏi phương tiện, dựa theo pháp để bảo hộ chúng sinh.

2. Muốn làm việc gì thì với trí tuệ của mình Vua có thể biết được, không cần nhờ người khác.

Vua thường siêng năng chuyên cần cũng có thành tựu hai công đức:

1. Tất cả các kho lẫm đều đầy ắp.

2. Không có giặc cướp, sống an ổn hạnh phúc.

Vua tôn trọng pháp cũng có thành tựu hai công đức:

1. Luôn luôn thực hành theo pháp thiện không gián đoạn.

2. Có khả năng giáo hóa những chúng sinh làm việc ác.

Vua mạnh mẽ, lanh lợi cũng có thành tựu hai công đức:

3. Trong tâm mong cầu việc gì thì mau được đầy đủ.

4. Muốn phát tâm làm việc gì, suy nghĩ không lâu liền thành như pháp.

Ân nghĩa sâu nặng cũng có thành tựu hai công đức:

1. Quyến thuộc đều ưa thích nhà Vua.

2. Các đại thần và tất cả nhân dân đều kính tin và tôn trọng nhà Vua.

Hiểu rõ mọi hoạt động của sự vật trong thế gian cũng có thành tựu hai công đức:

1. Có khả năng biết những chúng sinh làm ác, chúng sinh làm thiện.

2. Vua giúp người dân ở xa được vật không để mất mát.

Vua có chịu đựng những đau khổ cũng có thành tựu hai công đức:

1. Nhà Vua muốn thực hiện điều gì thì có thể thành tựu đầy đủ.

2. Không sợ những sự đau khổ và buồn bực.

Vua không giữ pháp điên đảo cũng có thành tựu hai công đức:

1. Tự mình đạt đến đạo thù thắng.

2. Không bao giờ xa lìa các bậc thiện tri thức.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần