Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Ba Mươi Chín - Phẩm Nhập Pháp Giới - Phần Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI PHƯƠNG
QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẨM BA MƯƠI CHÍN
PHẨM NHẬP PHÁP GIỚI
PHẦN SÁU
Thiện Tài Đồng Tử được nghe pháp nơi Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, được nghe những công đức của Chư Phật như vậy, liền nhất tâm cần cầu vô thượng bồ đề, đi theo Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát mà nói kệ rằng:
Ba cõi làm thành quách
Kiêu mạn làm tường vách
Các loài làm cửa nẻo
Nước ái làm hào ao
Tối ngu si đậy che
Lửa tham sân cháy rực
Ma Vương làm quân chủ
Trẻ khờ ở trong đó.
Tham ái làm dây trói
Dua dối làm cương yên
Nghi hoặc che đôi mắt
Thẳng vào những đường tà.
Vì đầy tham ganh kiêu
Vào nơi ba đường ác
Hoặc đọa trong các loài
Khổ sanh già bệnh chết.
Mặt nhật trí thanh tịnh
Vầng tròn đầy đại bi
Hay cạn biển phiền não
Xin ban diệu quán sát.
Mặt nguyệt trí thanh tịnh
Vầng trong sạch đại từ
Ban an vui tất cả
Xin thương soi xét tôi.
Vua tất cả pháp giới
Pháp Bảo làm tiên đạo
Du không chẳng chướng ngại
Xin thương dạy bảo tôi.
Ðại Thương Chủ phước trí.
Dũng mãnh cầu bồ đề
Lợi khắp các quần sanh
Xin thương thủ hộ tôi.
Thân mặc giáp nhẫn nhục
Tay cầm gươm trí huệ
Tự tại hàng quân ma
Xin thương cứu vớt tôi.
Ở đảnh pháp Tu Di
Ðịnh nữ thường hầu hạ
Diệt hoặc A Tu La
Ðế thích xin xem tôi.
Nhà ba cõi phàm ngu
Hoặc nghiệp khổ luân chuyển
Ngài đã điều phục cả
Như đèn sáng soi đường.
Bỏ rời những ác thú
Thanh tịnh những đường lành
Bậc vượt hẳn thế gian
Dạy tôi môn giải thoát.
Thế gian chấp điên đảo
Thường thích tưởng ngã tịnh
Trí nhãn đều rời được
Dạy tôi môn giải thoát.
Khéo biết đường tà chánh
Biết rõ tâm không khiếp
Ðấng quyết rành tất cả
Dạy tôi đường bồ đề.
Trụ bậc Phật chánh kiến
Lớn cây Phật công đức
Rưới bông Phật Diệu Pháp
Dạy tôi đường bồ đề.
Khứ, lai, hiện tại Phật
Xứ xứ đếu cùng khắp
Như mặt nhật mọc lên
Vì tôi dạy đạo đó.
Khéo biết tất cả nghiệp
Thấu rõ hạnh các thừa
Người trí huệ quyết định
Dạy tôi pháp đại thừa.
Bánh nguyện, gọng đại bi,
Tín trục, vành kiên nhẫn
Báu công đức trang nghiêm
Cho tôi ngồi xe này.
Rương tổng trì quảng đại
Lọng từ mẫn trang nghiêm
Linh biện tài reo vang.
Khiến tôi ngồi xe này.
Phạm hạnh làm nệm êm
Tam muội làm thể nữ
Trống pháp rền tiếng mầu
Cho tôi ngồi xe này.
Tứ nhiếp tạng vô tận
Báu công đức trang nghiêm
Tàm quý làm yên cương
Ban cho tôi xe này.
Thường rong xe bố thí
Hằng xoa hương tịnh giới
Bò nhẫn nhục trang nghiêm
Cho tôi ngồi xe này.
Thùng thiền định tam muội
Ách trí huệ phương tiện
Ðiều phục chẳng thối chuyển
Cho tôi ngồi xe này.
Xe đại nguyện thanh tịnh
Sức tổng trì kiên cố
Trí huệ được thành tựu
Cho tôi ngồi xe này.
Phổ hạnh làm đi khắp
Bi tâm thong thả đi
Ðến đâu đều không khiếp
Cho tôi ngồi xe này.
Kiên cố như Kim Cang
Thiện xảo như huyễn hóa
Tất cả không chướng ngại.
Cho tôi ngồi xe này.
Quảng đại rất thanh tịnh
Khắp ban chúng sanh vui
Ðồng hư không pháp giới
Cho tôi ngồi xe này.
Sạch những vòng nghiệp hoặc
Dứt những khổ lưu chuyển
Dẹp ma và ngoại đạo
Cho tôi ngồi xe này,
Trí huệ khắp mười phương
Trang nghiêm khắp pháp giới
Thỏa nguyện của chúng sanh
Cho tôi ngồi xe này.
Thanh tịnh như hư không
Ái, kiến đều trừ diệt
Lợi ích tất cả chúng
Cho tôi ngồi xe này.
Nguyện lực đi mau chóng
Ðịnh tâm an ổn trụ
Chở khắp các hàm thức
Cho tôi ngồi xe này.
Như đại địa chẳng động
Như nước lợi ích cả
Chở chúng sanh như vậy
Cho tôi ngồi xe này.
Vầng từ nhiếp viên mãn.
Sáng tổng trì thanh tịnh
Mặt nhật huệ như vậy
Xin dạy cho tôi thấy.
Ðã vào ngôi Pháp Vương
Ðã đội mão Trí Vương
Ðã vấn lụa diệu pháp
Xin thương chiếu cố tôi.
Lúc đó Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, như tượng vương, xoay nhìn Thiện Tài Đồng Tử mà bảo rằng: Lành thay! Lành thay!
Này thiện nam tử! Ngươi đã phát tâm vô thượng bồ đề, lại muốn thân cận các bậc thiện tri thức để hỏi Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo.
Này thiện nam tử! Thân cận cúng dường các bậc thiện tri thức là nhân duyên trước nhất để được đầy đủ nhất thiết trí. Vì thế nên công việc này ngươi chớ có mỏi nhàm.
Thiện Tài Đồng Tử bạch rằng: Cúi xin Đức Thánh vì tôi mà dạy Bồ Tát phải học Bồ Tát hạnh thế nào?
Phải tu Bồ Tát hạnh thế nào?
Phải đến Bồ Tát hạnh thế nào?
Phật thật hành Bồ Tát hạnh thế nào?
Phải tịnh Bồ Tát hạnh thế nào?
Phải nhập Bồ Tát hạnh thế nào?
Phải thành tựu Bồ Tát hạnh thế nào?
Phải tùy thuận Bồ Tát hạnh thế nào?
Phải ghi nhớ Bồ Tát hạnh thế nào?
Phải thêm rộng Bồ Tát hạnh thế nào?
Phải làm thế nào cho Phổ Hiền hạnh mau được viên mãn.
Lúc đó Ngài Văn Thù Sư Lợ Bồ Tát vì Thiện Tài Đồng Tử mà nói kệ rằng:
Lành thay tạng công đức
Có thể đến gặp ta
Pháp khởi tâm đại bi
Siêng cầu vô thượng giác.
Ðã pháp nguyện rộng lớn
Diệt trừ khổ chúng sanh
Vì khắp các chúng sanh
Tu hành Bồ Tát hạnh.
Nếu có các Bồ Tát
Chẳng nhàm khổ sanh tử
Thời đủ đạo Phổ Hiền
Tất cả không hoại được.
Phước quang, phước oai lực
Phước xứ, phước tịnh hải
Ngươi vì khắp chúng sanh
Nguyện tu Phổ Hiền hạnh.
Ngươi thấy vô biên tế
Mười phương tất cả Phật
Khắp nghe Phật thuyết pháp
Thọ trì chẳng quên mất.
Ngươi ở mười phương cõi
Thầy khắp vô lượng Phật
Thành tựu những nguyện hải
Ðầy đủ Bồ Tát hạnh.
Nếu nhập phương tiện hải
An trụ Phật bồ đề
Hay theo Ðạo Sư học
Sẽ thành nhất thiết trí.
Khắp tất cả Quốc Độ
Số kiếp như vi trần
Ngươi tu hạnh Phổ Hiền
Thành tựu bồ đề Đạo.
Ở vô lượng cõi nước
Trong vô biên kiếp hải
Ngươi tu hạnh Phổ Hiền
Thành mãn những đại nguyện.
Vô lượng chúng sanh đây
Nghe ngươi nguyện đều mừng
Ðều phát tâm bồ đề
Nguyện học hạnh Phổ Hiền.
Nói kệ xong, Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bảo Thiện Tài Đồng Tử rằng: Lành thay! Lành thay!
Này thiện nam tử! Ngươi đã phát tâm vô thượng bồ đề, cầu hạnh Bồ Tát.
Này thiện nam tử! Nếu có chúng sanh phát tâm vô thượng bồ đề, đây là việc rất khó. Ðã có thể phát bồ đề tâm rồi lại cầu Bồ Tát hạnh, việc này càng khó gấp bội.
Này thiện nam tử! Nếu muốn thành tựu nhất thiết chủng trí thời phải quyết định cầu chân thiện tri thức.
Này thiện nam tử! Cầu thiện tri thức chớ có mỏi lười. Thấy thiện tri thức chớ có nhàm đủ. Thiện tri thức có dạy bảo điều chi phải đều tùy thuận. Nơi thiện xảo phương tiện của thiện tri thức chớ thấy lỗi lầm.
phương Nam này có một nước tên là Thắng Lạc. Trong nước Thắng Lạc có tòa núi tên là Diệu Phong. Trên núi đó có một Tỳ Kheo tên là Ðức Vân.
Ngươi nên đến hỏi Tỳ Kheo Ðức Vân: Bồ Tát phải học Bồ Tát hạnh thế nào?
Phải tu Bồ Tát hạnh thế nào?
Nhẫn đến phải như thế nào để được mau viên mãn hạnh Phổ Hiền?
Tỳ Kheo Ðức Vân sẽ chỉ bảo cho ngươi. Thiện Tài Đồng Tử nghe xong hớn hở vui mừng, đảnh lễ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, hữu nhiễu vô số vòng, ân cần chiêm ngưỡng, rơi lệ từ tạ mà đi qua hướng Nam, đến nước Thắng Lạc, lên núi Diệu Phong.
Ở trên núi đó xem ngó tìm kiếp khắp bốn phía, lòng khao khát muốn được gặp Tỳ Kheo Ðức Vân. Bảy ngày sau mới được thấy Tỳ Kheo Ðức Vân ở trên ngọn núi khác đi kinh hành chậm rãi.
Thấy xong, Thiện Tài Đồng Tử liền đến đảnh lễ chân Tỳ Kheo Ðức Vân, hữu nhiễu ba vòng cung kính đứng trước Ðức Vân mà bạch rằng: Bạch Ðức Thánh! Tôi đã phát tâm vô thượng bồ đề, mà chưa biết Bồ Tát phải học Bồ Tát hạnh thế nào?
Phải tu Bồ Tát hạnh thế nào?
Nhẫn đến phải thế nào để được mau viên mãn hạnh Phổ Hiền?
Tôi nghe Đức Thánh khéo có thể dạy bảo, mong Đức Thánh thương xót dạy cho tôi thế nào Bồ Tát được thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Ðức Vân Tỳ Kheo bảo Thiện Tài Đồng Tử rằng: Lành thay! Lành thay!
Này thiện nam tử! Ngươi đã phát tâm vô thượng bồ đề, lại có thể hỏi hạnh của Bồ Tát. Việc như vậy là sự khó trong những sự khó. Những là cầu Bồ Tát hạnh, cầu Bồ Tất cảnh giới, cầu đạo xuất ly của Bồ Tát, cầu đạo thanh tịnh của Bồ Tát, cầu tâm thanh tịnh quảng đại của Bồ Tát, cầu Bồ Tát thành tựu thần thông.
Cầu Bồ Tát thị hiện môn giải thoát, cầu Bồ Tát thị hiện việc làm tại thế gian, cầu Bồ Tát tùy thuận tâm của chúng sanh, cầu môn sanh tử Niết Bàn của Bồ Tát, cầu Bồ Tát quán sát hữu vi vô vi tâm không chấp trước.
Này thiện nam tử! Ta được sức thắng giải tự tại quyết định, tín nhãn thanh tịnh, trí quang chói sáng, thấy khắp các cảnh giới khỏi tất cả chướng ngại, quán sát khéo léo, phổ nhãn sáng suốt, đủ hạnh thanh tịnh. Qua đến tất cả cõi nước mười phương cung kính cúng dường tất cả Chư Phật. Thường nhớ tất cả Chư Phật Như Lai. Tổng trì tất cả chánh pháp của Chư Phật.
Thường thấy tất cả Chư Phật mười phương. Những là thấy phương Đông một Đức Phật, hai Đức Phật, mười Đức Phật, trăm Đức Phật, ngàn Đức Phật, ức Đức Phật, trăm ức Đức Phật, ngàn ức Đức Phật, trăm ngàn ức Đức Phật, na do tha ức Đức Phật, trăm na do tha ức Đức Phật, ngàn na do tha ức Đức Phật.
Trăm ngàn na do tha ức Đức Phật, nhẫn đến thấy vô số, vô lượng, vô biên vô đẳng, bất khả sổ, bất khả xưng, bất khả tư, bất khả lượng, bất khả thuyết, bất khả thuyết bất khả thuyết Đức Phật.
Nhẫn đến thấy Chư Phật bằng số vi trần trong Diêm Phù Ðề, bằng số vi trần trong bốn châu thiên hạ, bằng số vi trần trong tiểu thiên Thế Giới, bằng số vi trần trong nhị thiên Thế Giới bằng số vi trần trong đại thiên Thế Giới, bằng số Phật sát vi trần nhẫn đến thấy Chư Phật bằng số bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát vi trần.
Như phương đông, chín phương kia cũng đều thấy như vậy. Chư Phật trong mỗi phương, những sắc tướng, những hình mạo, những thần thông, những du hí, những chúng hội trang nghiêm Đạo Tràng, những quang minh chiếu sáng vô biên, những Quốc Độ, những thọ mạng.
Tùy những tâm sở nghi của chúng sanh mà Chư Phật thị hiện những môn thành Ðẳng Chánh Giác, làm sư tử hống trong đại chúng.
Này thiện nam tử! Ta chỉ được pháp môn ức niệm nhất thiết Chư Phật cảnh giới trí huệ quang minh phổ kiến này thôi. Ðâu biết hết được vô biên trí huệ thanh tịnh hạnh môn của Đại Bồ Tát.
Những là: Trí quang phổ chiếu niệm Phật Môn, vì thường thấy tất cả Chư Phật Quốc Độ những cung điện đều trang nghiêm thanh tịnh.
Môn làm cho tất cả chúng sanh niệm Phật, vì tùy sở nghi của tâm chúng sanh đều làm cho họ được thấy Phật, tâm họ được thanh tịnh.
Môn làm cho an trụ nơi lực niệm Phật, vì làm cho họ nhập vào thập lực của Như Lai.
Môn làm cho an trụ nơi pháp niệm Phật, vì thấy vô lượng Phật được nghe pháp.
Môn niệm Phật chói sáng các phương, vì đều thấy trong tất cả Thế Giới Chư Phật bình đẳng không sai biệt.
Môn niệm Phật vào chỗ bất khả kiến, vì đều thấy trong tất cả cảnh vi tế những sự thần thông tự tại của Chư Phật.
Môn niệm Phật an trụ trong các kiếp, vì trong tất cả kiếp thường thấy những việc làm không tạm bỏ của Chư Phật.
Môn niệm Phật an trụ trong tất cả thời gian, vì trong tất cả thời gian thường thấy Đức Như Lai gần gũi đồng ở chẳng rời bỏ.
Môn niệm Phật an trụ tất cả cõi, vì tất cả Quốc Độ đều thấy thân Phật vượt hơn tất cả không gì sánh bằng.
Môn niệm Phật an trụ tất cả đời, vì tùy tâm sở thìch thấy khắp Tam Thế Chư Phật.
Môn niệm Phật an trụ tất cả cảnh, vì ở khắp trong tất cả cảnh giới thấy Chư Như Lai thứ đệ xuất hiện.
Môn niệm Phật an trụ tịch diệt, vì trong một niệm thấy tất cả cõi, tất cả Chư Phật thị hiện Niết bàn.
Môn niệm Phật an trụ viễn ly, vì trong một niệm thấy tất cả Phật từ nơi chỗ ở mà ra đi.
Môn niệm Phật an trụ quảng đại, vì tâm thường quán sát mỗi thân Phật đầy khắp tất cả pháp giới.
Môn niệm Phật an trụ vi tế, vì trong một chân lông có bất khả thuyết Như Lai xuất hiện, đều đến chỗ Phật ma kính thờ.
Môn niệm Phật an trụ trang nghiêm, vì trong một niệm thấy tất cả cõi đều có Chư Phật thành Ðẳng Chánh Giác hiện thần biến.
Môn niệm Phật an trụ năng sự, vì thấy tất cả Phật xuất hiện thế gian, phóng trí huệ quang chuyển diệu pháp luân.
Môn niệm Phật trụ tâm tự tại, vì biết tùy theo sở thích của tự tâm, tất cả Chư Phật hiện hình tượng.
Môn niệm Phật an trụ nơi tự nghiệp, vì biết tùy nghiệp tích tập của chúng sanh mà hiện hình tượng làm cho họ được giác ngộ.
Môn niệm Phật an trụ thần biến, vì thấy Liên Hoa quảng đại của Phật ngự nở xòe khắp pháp giới.
Môn niệm Phật an trụ hư không vì quán sát những thân Như Lai trang nghiêm pháp giới hư không giới. Như vậy ta làm sao biết được nói được những công đức hạnh của Đại Bồ Tát.
Này thiện nam tử! Phương Nam có một nước tên là Hải Môn, nơi đó có Tỳ Kheo tên là Hải Vân.
Ngươi đến hỏi Hải Vân rằng Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo?
Hải Vân Tỳ Kheo có thể phân biệt nói nhân duyên phát khởi thiện căn quảng đại.
Này thiện nam tử! Hải Vân Tỳ Kheo sẽ làm cho ngươi nhập ngôi trợ đạo quảng đại, sẽ làm cho ngươi sanh sức thiện căn quảng đại, sẽ vì ngươi mà nói nhân duyên Phát Tâm bồ đề, sẽ làm cho ngươi sanh quang minh đại thừa quảng đại.
Sẽ làm cho ngươi tu Ba La Mật quảng đại, sẽ làm cho ngươi nhập những hạnh hải quảng đại, sẽ làm cho ngươi viên mãn thệ nguyện quảng đại, sẽ làm cho ngươi tịnh môn trang nghiêm quảng đại, sẽ làm cho ngươi sanh sức từ bi quảng đại. Lúc đó Thiện Tài Đồng Tử đảnh lễ chân Ðức Vân Tỳ Kheo, hữu nhiễu quán sát, từ tạ mà đi.
Thiện Tài Đồng Tử nhất tâm suy gẫm lời dạy của thiện tri thức. Chánh niệm quán sát trí huệ quang minh môn, Bồ Tát giải thoát môn, Bồ Tát tam muội môn, Bồ Tát đại hải môn, Chư Phật hiện tiền môn, Chư Phật phương sở môn, Chư Phật quỹ tắc môn, Chư Phật đẳng hư không giới môn, Chư Phật xuất hiện thứ đệ môn, Chư Phật sở nhập phương tiện môn.
Thiện Tài Đồng Tử đi lần qua phương Nam đến nước Hải Môn, đến chỗ Hải Vân Tỳ Kheo, đảnh lễ chân Hải Vân, hữu nhiễu xong, chắp tay bạch rằng: Bạch Đức Thánh! Tôi đã phát tâm vô thượng bồ đề, muốn nhập tất cả trí hải vô thượng, mà chưa biết Bồ Tát thế nào có thể bỏ nhà thế tục sanh vào nhà Như Lai?
Thế nào có thể qua khỏi biển sanh tử vào được biển Phật trí?
Thế nào lìa được hàng phàm phu vào được hàng Như Lai?
Thế nào dứt được dòng sanh tử vào được dòng Bồ Tát hạnh?
Thế nào phá được xe sanh tử thành xe Bồ Tát nguyện?
Thế nào diệt được cảnh giới ma hiển dược cảnh giới Phật?
Thế nào cạn được biển ái dục thêm lớn biển đại bi?
Thế nào đóng được cửa các nạn các ác đạo mở được cửa đại Niết bàn?
Thế nào ra khỏi thành Tam Giới vào được thành nhất thiết trí?
Thế nào vất bỏ được tất cả vật ngoạn hảo để đem lợi ích tất cả chúng sanh?
Hải Vân Tỳ Kheo bảo Thiện Tài Đồng Tử rằng: Thiện nam tử! Người đã phát tâm vô thượng bồ đề rồi ư?
Thiện Tài thưa: Vâng, tôi đã phát tâm vô thượng bồ đề.
Hải Vân Tỳ Kheo nói: Thiện Nam Tử! Nếu các chúng sanh chẳng gieo lành thời chẳng có thể phát tâm vô thượng bồ đề. Cần phải được Phổ Môn thiện căn quang minh, đủ chân thiệt đạo tam muội trí quang, xuất sanh những phước hải quảng đại.
Tăng trưởng pháp bạch tịnh không có lười nghỉ, thờ thiện trí thức chẳng mỏi nhàm, chẳng kể thân mạng, không thề cất chứa, tâm bình đẳng như mặt đất không có niệm cao hạ, tánh thường từ mẫn với tất cả chúng sanh, nơi các loài sanh tử chuyên niệm chẳng bỏ, hàng thích quán sát cảnh giới Như Lai.
Có như vậy mới phát được tâm vô thượng bồ đề. Phát bồ đề Tâm là phát tâm đại bi, vì cứu khắp tất cả chúng sanh. Là phát tâm đại từ, vì khắp giúp tất cả thế gian.
Là phát tâm an lạc, vì làm cho tất cả chúng sanh diệt tất cả khổ. Phát tâm lợi ích, vì làm cho tất cả chúng sanh lìa ác pháp. Phát tâm ai mẫn, vì có ai kinh sợ thời đều giữ gìn. Phát tâm vô ngại, vì rời bỏ tất cả chướng ngại.
Phát tâm quảng đại, vì tất cả pháp giới đều đầy khắp. Phát tâm vô biên, vì khắp cõi hư không đều qua đến. Phát tâm rộng rãi, vì đều thấy tất cả Như Lai. Phát tâm thanh tịnh, vì trí không trái với pháp Tam Thế. Phát tâm trí huệ, vì vào khắp biển nhất thiết trí huệ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện - Phẩm Mười Một - Phẩm địa Thần Hộ Pháp
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Hai - Phẩm Phạm Chí - Kinh Tượng Tích Dụ
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vấn Chư Tỳ Kheo
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Minh Triết - Thí Dụ Ba Mươi Ba
Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Ba - Quán Tướng - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Ba - Phẩm Hai Vị Phạm Chí Thọ Trai Giới
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Hai Mươi Mốt
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Một - Phẩm Duyên Khởi