Phật Thuyết Kinh Bảo Tinh đà La Ni - Phẩm Hai - Phẩm Bốn Sự - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Ba La Pha Mật Đa La, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH BẢO TINH ĐÀ LA NI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Ba La Pha Mật Đa La, Đời Đường  

PHẨM THỨ HAI

PHẨM BỐN SỰ  

PHẦN MỘT  

Kỳ nữ của ma và các con của Ma Vương cùng quyến thuộc của chúng Bạch Đức Phật rằng: Hy hữu! Thưa Đức Thế Tôn!

Chúng con hôm nay chí cầu tướng như vậy, tánh như vậy, thừa như vậy, trí tuệ biện tài như vậy, phương tiện đại bi thần thông như vậy! 

Hy hữu! Thưa Đức Thế Tôn! Đầy đủ pháp trí tuệ, phương tiện, thần thông… như vậy.

Thưa Đức Thế Tôn! Phải đầy đủ bao nhiêu pháp thì có thể khiến cho Đại Bồ Tát xa lìa bạn ác, mau chóng được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?

Đức Phật dạy rằng: Này thiện nam tử! Nếu Đại Bồ Tát có thể đủ bốn pháp thì xa lìa bạn ác, sẽ mau chóng được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Những gì là bốn?

Một là chẳng thủ.

Hai là chẳng nói.

Ba là chẳng thấy.

Bốn là trống rỗng không phân biệt.

Này thiện nam tử! Sao gọi là chẳng thủ?

Đó là chẳng thủ lấy tất cả pháp. Không một pháp có thể được, chẳng nhận, chẳng bỏ, chẳng thể, chẳng phải chẳng thể, chẳng kiến lập, chẳng niệm trước chấp trước, chẳng phân biệt, chẳng phải chẳng phân biệt.

Cái gọi là hành Đàn Ba la mật bố thí là chẳng thủ lấy kết quả Đàn Ba la mật, chẳng nhận, chẳng bỏ, chẳng thể, chẳng phải chẳng thể, chẳng kiến lập, chẳng niệm trước, chẳng phân biệt, chẳng phải chẳng phân biệt…cho đến hành bát nhã Ba la mật trí tuệ cũng lại như vậy… chẳng phân biệt, chẳng phải chẳng phân biệt.

Lại nữa, này thiện nam tử! Sao gọi là chẳng nói?

Đó là chẳng nói chúng sinh có thể được, chẳng nói mạng, chẳng nói thọ sống lâu, chẳng nói người. Chẳng nói chúng sinh giới có thể được, chẳng nói có ý, có sở thủ… cho đến chẳng phân biệt, chẳng phải chẳng phân biệt.

Lại nữa, này thiện nam tử! Sao gọi là chẳng thấy?

Đó là chẳng thấy sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, chẳng thủ lấy sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp… cho đến chẳng phân biệt, chẳng phải chẳng phân biệt.

Lại nữa, này thiện nam tử! Sao gọi là trống rỗng không phân biệt?

Đó là quả báo nhân duyên của ấm, giới, nhập… trong ba cõi cả ba đời mà pháp sở duyên không khởi, không nương, không có sinh tướng, chẳng lấy, chẳng bỏ…cho đến chẳng phân biệt, chẳng phải chẳng phân biệt.

Vì sao vậy?

Vì lìa bỏ tất cả hành, tất cả trì, tất cả thân và phân biệt, chẳng phân biệt vậy. Trí nhất thiết trí tương ứng chẳng thể được nên phải hành như vậy.

Sở dĩ vì sao?

Này thiện nam tử! Vì tất cả pháp và tất cả trí… cho đến không thanh tiếng, không tướng, không tự chữ, không nguyện, không sinh, không diệt, không thể hình, không trước chấp trước, không duyên, không ngã ta, chẳng thể thấy tịch tịnh, lìa tướng, lìa niệm, lìa diệt, không tối, không sáng, không xứ sở.

Không cảnh giới, không căn bản, không bạn giúp, chẳng thể nghĩ, chẳng thể lường, không tham, không xan keo kiệt, không hành, không nói, không sâu, không cạn, không thọ nhận, không nương, không thức biết, không thủ lấy, không hình ảnh, không một niệm khoảnh, không phân tề, không sở hữu, rốt ráo không sở hữu.

Vì sao vậy?

Vì nhất thiết trí bình đẳng giống như hư không, tương ứng chẳng thể được, chẳng lập tương ứng, chẳng thủ lấy tương ứng, chẳng hành tương ứng, hoặc tương ứng hoặc chẳng tương ứng, chẳng phân biệt, chẳng phải chẳng phân biệt… phải hành như vậy.

Này thiện nam tử! Đó gọi là đầy đủ bốn pháp có thể khiến cho Đại Bồ Tát xa lìa bạn ác sẽ mau chóng được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này thiện nam tử! Tất cả cảnh giới trong ngoài sở hữu, nếu dùng trí nhất thiết trí quan sát, tìm cầu, y trì nương giữ kiến lập, chấp trước hai tướng này dùng ý phân biệt, khởi lên hai sự chấp trước thì người đó liền xa lìa nhất thiết trí vậy.

Sao gọi là hai tướng?

Nếu quan sát vào bình đẳng mà thủ lấy, kiến lập hai tướng thì đó gọi là xa lìa nhất thiết trí vậy. Nếu thủ lấy kiến lập hành động kết quả thì đó là phân biệt hai. Đối với các chúng sinh có tướng thủ lấy, kiến lập thì đó là phân biệt hai.

Khai thị tạo ra đạo ngôn ngữ, kiến lập pháp tổng trì âm thanh, dùng trí quan sát đây là thường, đây là đoạn thì đó là phân biệt hai. Chúng sinh, thọ mạng, dưỡng dục người, trượng phu, tạo sự sai khiến, tạo tư tưởng, kiến lập y trì nương giữ thì đó là phân biệt hai.

Sở hữu đây đó, kiến lập trù lượng, chẳng kiến lập trù lượng liệu tính đo lường thì đó là phân biệt hai. Nếu dùng trí nhất thiết trí quan sát ba đời mà tìm việc làm của ta, tập họp nghiệp đã làm, thủ lấy, kiến lập đó đây thì đó là phân biệt hai. Nếu người đem phân biệt có hai tướng thì chẳng thể được nhất thiết trí vậy.

Này thiện nam tử! Như lạnh thì tìm lửa mà ngược lại thì lấy đất, như khát cầu uống mà ngược lại thủ lấy lửa, như đói cầu ăn mà ngược lại thủ lấy đá, như trang sức cầu hoa mà ngược lại chọn lấy áo, như xông tẩm cầu hương thơm mà ngược lại chọn lấy thây chết, như hành cầu áo mà ngược lại chọn lấy bẩn, như xoa cầu hương mà ngược lại chọn lấy rỗng không…

Đúng vậy! Đúng vậy! Này thiện nam tử! Nếu hành chấp trước quan sát thì đó là thân chọn lấy kiến lập hai tướng. Người cầu nhất thiết trí là kẻ ném bỏ tinh tấn, không đạo, không quả.

Lúc bấy giờ, trong chúng có một vị Bồ Tát tên là Trì Trí, đứng dậy, ở trước Đức Thế Tôn, cúi mình, chắp tay nói lên rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Nếu pháp chẳng nói thì đó chẳng thể được bồ đề!

Đức Phật dạy rằng: Nay ông phải biết rằng, không được bồ đề, cũng không bồ đề có thể nói!

Này thiện nam tử! Hãy lắng nghe cho kỹ! Ông hỏi như vậy là đúng như sự ưa thích của ông.

Theo ý ông nói thì hoặc vật sở hữu, hoặc nhất thiết trí có tỉnh, có tướng, có danh tự sao?

Bồ Tát Trì Trí bạch Đức Phật rằng: Chẳng phải vậy, thưa Đức Thế Tôn! Nếu có lời nói thì liền rơi vào thường kiến. Nếu không lời nói thì liền rơi vào đoạn kiến. Thậm chí trung đạo cũng chẳng thể được, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng thủ lấy, chẳng chấp trước, chẳng sinh, chẳng hoại, quá A tăng kỳ chẳng thể lường, chẳng thể tính, không tối, không sáng… nếu quan sát được như vậy thì mới được bồ đề.

Bồ Tát Điển Tuệ bạch rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Không lai, không khứ, giỏi biết như vậy, giỏi vào như vậy thì mới được bồ đề.

Bồ Tát Tỳ Lư Giá Na bạch rằng: Đúng vậy!

Thưa Đức Thế Tôn! Pháp là tướng chẳng đến, là tướng chẳng phải chẳng đến, chẳng phải được thời, chẳng phải chẳng được thời, chẳng phải làm chứng, chẳng phải chẳng làm chứng, chẳng phải diệt, chẳng phải bất diệt, chẳng phải ba đời.

Chẳng phải chẳng ba đời, chẳng phải Ba Thừa, chẳng phải chẳng Ba Thừa, cũng chẳng phải hành nguyện tập hợp xưng lường có thể được… người biết như vậy thì mới được bồ đề.

Bồ Tát Địa Tuệ bạch rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp chẳng phải ba cõi, chẳng phải ba kết, chẳng phải ba minh, chẳng phải ba thừa, chẳng phải ấm, giới, nhập, chẳng phải phân biệt, chẳng phải chẳng phân biệt, chẳng phải giảm, chẳng phải tăng, không có tập hợp… biết như vậy rồi mới được bồ đề.

Bồ Tát Kim Cương Tuệ bạch rằng: Pháp phàm phu, Pháp Thánh Nhân, Pháp học, Pháp vô học, Pháp Thanh Văn, Pháp Bích Chi Phật chẳng phải phân biệt, chẳng phải chẳng phân biệt, cũng chẳng phải việc có thể biết của sự tập hợp xưng lường… biết như vậy thì mới được bồ đề.

Bồ Tát Kiên Tuệ nói rằng: Như Như tịch tịnh, Như Như quán sát chẳng xả, chẳng trụ thì mới được bồ đề.

Bồ Tát Bảo Thủ tay nói rằng: Nếu tất cả pháp chẳng sinh, chẳng đến, chẳng lúc, không tướng phân biệt thì mới được bồ đề.

Bồ Tát Bất Tư Nghị Tuệ nói rằng: Nếu đem tâm quan sát ba cõi cho vào tại tâm thì đó gọi là nhị tâm. Hai tâm như vậy quan sát chẳng thể được. Do không sở đắc nên mới được bồ đề.

Bồ Tát Thoái Oán nói rằng: Nếu tất cả pháp không trước chấp không tham, không xả, không ngại, không nguyện, không si, không nắm, không buông thì mới được bồ đề.

Bồ Tát Liên Hoa Tạng nói rằng: Nếu tội tính phước bình đẳng vào pháp như vậy, thâm nhẫn, chẳng chấp trước ngã và sở tác của ngã, chẳng phải phân biệt, chẳng phải chẳng phân biệt. Người quan sát như vậy mới được bồ đề.

Bồ Tát Nguyệt Quang nói rằng: Nếu quan sát tất cả pháp tụ tan tùy duyên không có tự tính giống như Trăng đáy nước. Hiểu như vậy rồi mới được bồ đề.

Bồ Tát Hư Không Tuệ nói rằng: Nếu tất cả các pháp có tối, có sáng, có sinh, có diệt, có tăng, có giảm chẳng ở các pháp số của tâm mà khởi lên phân biệt. Người biết như vậy mới được bồ đề.

Bồ Tát Vô Tận Tuệ nói rằng: Nếu tu tập ba luân thanh tịnh Ba la mật tương ứng chẳng thể được, chẳng nhiễm, chẳng phải chẳng nhiễm thì người tu như vậy mới được bồ đề.

Bồ Tát Di Lặc nói rằng: Nếu chẳng duyên, chẳng thọ y chỉ ba cõi, y chỉ phạm trụ thì mới được bồ đề.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Nếu hiểu sâu một pháp môn thì đối với tất cả páp chẳng nhiễm, chẳng phải chẳng nhiễm. Một pháp đó là vô ngã. Rõ một pháp đó chẳng giác, chẳng quán, không có tương lai, cũng không quá khứ, cũng không có thể tụ, có thể tan, có thể sáng, có thể tối, có thể sinh, có thể diệt, có thể tăng, có thể giảm, có thể giải thoát thì chẳng nên nhiễm bẩn, không phân biệt. Dùng một pháp môn, trí nhất thiết trí mới được bồ đề.

Bồ Tát Hoại Ái Lạc nói rằng: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Như vậy một pháp môn trí nhất thiết trí đều vào chỗ trống rỗng của pháp thậm thâm thì vì sao ý có sở tác và phương tiện tu hành?

Ngài Văn Thù Sư Lợi nói rằng: Lìa bỏ ác kiến, tu hành chánh kiến, chẳng dối đặt để, bỏ lòng dua nịnh quanh co, tu hạnh chất trực, chẳng dối đặt để. Lìa bỏ mười ác, kính trọng Tam Bảo, chẳng dối đặt để.

Khéo nói, chẳng dối đặt để. Chánh mạng, chẳng dối đặt để. Bỏ tất cả kết, chẳng dối đặt để. Đại bi bình đẳng, chẳng bỏ tất cả chúng sinh, chẳng dối đặt để. Ba hộ chẳng dối đặt để.

Không lừa gạt pháp, chẳng dối đặt để. Chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng dối đặt để. Hộ trì chánh pháp chẳng dối đặt để. Bỏ tất cả sở hữu, chẳng dối đặt để. Chúng sinh thiếu lực thường làm kiến trợ, chẳng dối đặt để.

Người sợ sệt được nương về, chẳng dối đặt để. Người chẳng phải đạo thì chỉ vẽ chánh đạo, chẳng dối đặt để. Nhẫn nhục nhu hòa, chẳng dối đặt để.

Chẳng chắp trước tất cả tướng, chẳng dối đặt để. Lìa bỏ tất cả trần cấu, ấm tối, chẳng dối đặt để. Lìa bỏ tất cả quả báo hồi hướng, chẳng dối đặt để.

Thưa thiện nam tử! Hai mươi thứ phương tiện này có thể được trí nhất thiết trí. Văn tự, âm thanh, ngôn ngữ, cú nghĩa sở hữu sai khác, tất cả đều tên như vậy nhập vào phương tiện của trí nhất thiết trí.

Tất cả lời nói của Đức Như Lai và lời nói của các ngoại đạo khác, tất cả lấy, bỏ, sinh, diệt cho đến có thể biết tất cả ba giải thoát, y chỉ pháp nhân duyên nghiệp hành đều vào với Như.

Ngài phải biết, đó đều là phương tiện giác trí của nhất thiết trí vậy!

Hoại Ái Lạc Bồ Tát nói rằng: Đúng vậy! Đúng vậy!

Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Nếu hiểu được pháp môn thậm thâm thì không một pháp có thể thấy, cũng không pháp sở thuyết và cả người nói pháp… cho đến văn tự cú nghĩa đều nên bỏ hết. Hoặc tu hành, hoặc nhận biết không có tương ứng, tất cả nhập vào như vậy gọi là trí giác trí.

Đức Phật dạy rằng: Hay thay! Hay thay! 

Này thiện nam tử! Ông có thể giỏi nói một pháp môn này, do trí nhất thiết trí mới được pháp đó.

Sao gọi là tất cả pháp chẳng dối đặt để?

Đó là cõi chẳng sinh, chẳng hoại, chẳng dối đặt để. Cõi sinh tử, Niết Bàn chẳng dối đặt để. Cõi Hư Không Niết Bàn chẳng dối đặt để. Cõi không sinh, không nói… cho đến tất cả các pháp cũng lại như vậy. Chỉ vẽ tất cả chúng sinh, tất cả pháp không thật tế.

Chỉ vẽ tất cả vật chấp trước, tất cả ấm, giới, nhập… của ba cõi cả ba đời không thật tế sở hữu. Vào ba hạnh không tế. Vào pháp ấm, báo ấm, tụ tán ấm không thật tế. Vào không, vào chân tế. Đầy đủ tất cả không nói pháp nghĩa.

Đó gọi là Đại Bồ Tát vào trí nhất thiết trí. Bồ Tát lại do trí nhất thiết trí mà được thọ ký. Khi nói pháp đó, các kỹ nữ của Ma và con của Ma Vương cùng quyến thuộc gồm hai vạn, nghe lời nói của Đức Phật đều cùng lúc được pháp nhẫn vô sinh, đều bỏ nghiệp thô ác sở hữu của thân ý, được tự tính sanh thân.

Lại có hai vạn tám ngàn chúng sinh được pháp nhẫn vô sinh. Chín mươi hai vạn Trời, người được đủ thứ Tam Ma Đề, Đà La Ni, vô sinh pháp nhẫn của Bồ Tát.

Lúc bấy giờ, các Đại Bồ Tát được pháp nhẫn vô sinh… mưa xuống mọi thứ hoa Trời, tung lên trên Đức Phật, dập dìu mà rơi giống như Trời mưa xuống.

Các vị Bồ Tát ấy đầu mặt sát đất, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, nói lên như vậy: Thưa Đức Thế Tôn! Chúng con nếu gặp bạn ác chẳng lành, cùng với ác hòa hợp, tự tại làm ác thì đối với tất cả chúng sinh, tất cả sự gom tụ thiện căn công đức nhất định chẳng thể khởi một ý niệm thiện căn.

Đức Phật dạy rằng: Này thiện nam tử! Ông ở vô lượng ức kiếp trong quá khứ đã gần gũi cúng dường vô số các Đức Phật. Do nghiệp duyên này nên hôm nay ông sinh tâm yêu thích, trở lại được gặp Phật. Ta nay vì đoạn dứt sự nghi hoặc của chúng sinh nên sẽ vì ông nói về nhân duyên đời trước.

Này thiện nam tử! Trở về quá khứ, vô lượng vô số A tăng kỳ kiếp, có kiếp tên là Cụ Túc Đại Thế lực, cõi diêm phù đề này có vị Vua Chuyển Luân tên là Ưu Bát La Hoa, được lực tự tại, thống lĩnh bốn thiên hạ.

Vua và Thần dân đều sống lâu sáu muôn tám ngàn tuổi. Đời có Đức Phật Hiệu là Nguyệt Quang Minh Hương Thắng Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri Minh Hành Túc Thiện Thệ Thế Gian Giải Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu Thiên Nhân Sư Phật Thế Tôn. Chúng sinh nước đó tuy ở đời ngũ trược nhưng do tu thiện nên chẳng nhiễm pháp dục.

Bấy giờ, Đức Phật đó thường vì tứ chúng tuyên nói pháp tương ứng với ba thừa. Vua Ưu Bát La nghiêm chỉnh bốn binh chủng, cùng Phu Nhân của mình và quyến thuộc ở hậu cung đi đến chỗ Đức Phật Nguyệt Quang Minh đó.

Đến rồi, họ đảnh lễ dưới chân Đức Phật, tung lên đủ loại hoa, đốt lên đủ thứ hương thơm, tấu lên mọi thứ kỹ nhạc… cúng dường Đức Phật xong, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng.

Đồng thời họ lại đảnh lễ dưới chân Tỳ Kheo tăng, dùng hai bài kệ này khen hỏi Đức Phật đó rằng:

Trời Rồng ngưỡng vọng công đức lớn

Lỗi hoạn đoạn mãi, Vô Thượng Tôn

Dùng bảy của pháp lợi cõi thế

Nguyện nói những gì diệu tuệ thành?

Làm đèn Đại Từ diệt thế ám tối tăm

Hàng phục nỗi lo chết, già, sinh

Che chở người Trời ba đường ác

Nói pháp gì đương ma thoát nhanh?

Này thiện nam tử! Đức Phật Thích Ca nói Bấy giờ, Đức Như Lai Nguyệt Quang Minh Hương Thắng bảo Vua Ưu Bát La rằng: Này Đại Vương! Đầy đủ ba pháp có thể được trí tuệ vi diệu của Bồ Tát.

Những gì là ba?

Một là Đại Bi như mẹ có thể làm chỗ y chỉ cực cùng cho tất cả chúng sinh.

Hai là tinh cần chẳng dứt có thể diệt trừ khổ não của tất cả chúng sinh.

Ba là bình đẳng quan sát tất cả các pháp không mạng, không nuôi dưỡng, không người, không đủ thứ tướng.

Này Đại Vương! Đó gọi là đầy đủ ba pháp có thể được trí tuệ vi diệu của Bồ Tát.

Này Đại Vương! Lại có đầy đủ ba pháp có thể khiến cho chẳng bị ma quyến rũ.

Những gì là ba?

Một là đối với tất cả chúng sinh được sự chẳng nổi sân, chẳng tìm lỗi lầm.

Hai là bình đẳng quan sát tất cả chúng sinh, tạo tác tư tưởng phước điền.

Ba là có thể được tất cả pháp, tác khởi quán một pháp.

Đó là hư không bình đẳng tất cả pháp, không tác, không đủ thứ, không sinh, không khởi, không diệt, tất cả rỗng không như thật tướng, lìa pháp quán chẳng thể tương ưng.

Này Đại Vương! Đó gọi là ba pháp khiến cho thiện nam tử chẳng bị ma quyến rủ, mãi thoát được đường ma. Đệ nhất Phu Nhân của Vua Ưu Bát La tên là Thiên Tôn Đà Lợi cùng cung nhân thể nữ của bà gồm tám muôn bốn ngàn người vây quanh trước sau kéo đến chỗ Đức Như Lai Nguyệt Quang Minh Hương Thắng đó.

Đến rồi, họ đem đủ loại hoa tung lên trên Đức Phật đó, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, dùng kệ khen rằng:

Phiền não ngăn che đã hết mãi

Công đức không sánh giải thoát tôn

Làm sao dạy con chuyển thân nữ?

Khiến con đầy đủ tướng nam nhân.

Mau chóng xa lìa các đường ác

Với pháp tự tại điều nhu lòng

Thầy Trời người, Thiện Thệ tối thượng

Hay ban lợi đệ nhất thế gian

Như nhờ Thế Tôn bỏ thân nữ

Sẽ được tịch diệt lạc vui mừng

Trượng phu này, làm sao mau nói?

Tự điều, điều lợi ích tha nhân.

Con được ra khỏi hầm ân ái

Tối đệ nhất vô đẳng thế gian

Niệm trì rộng đại công đức tụ

Hay mau điều phục các quần sinh.

Nay con ở đây ắt thủ chuyển chọn lấy chuyển đổi.

Nguyện mở đường Cam Lộ cho nhanh!

Lúc bấy giờ, Đức Như Lai Thích Ca nói lời như vậy: Này thiện nam tử! Đức Như Lai Nguyệt Quang Minh Hương Thắng đó bảo đệ nhất Phu Nhân của Vua Ưu Bát La, Tôn Đà Lợi rằng: Phu Nhân có trí phương tiện phải nương theo tu tập để mau chuyển thân nữ đời trước cho đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, rốt ráo Niết Bàn, lại chẳng thọ thân nữ một lần nữa, trừ khi tự phát nguyện.

Này Phu Nhân! Nương vào phương tiện nào để sự gieo trồng nghiệp nữ của vô lượng đời trước mau diệt hết không còn?

Này Phu Nhân! Có Bảo Tinh Đà La Ni kiến lập việc lớn, đủ công đức lớn có thể ủng hộ lớn, giỏi diệt thân nữ, ba nghiệp, ác hạnh, tất cả khổ báo… khiến cho chúng không có còn.

Nếu có nữ nhân nghe Bảo Tinh Đà La Ni này mà chí tâm tụng niệm thì khi hết hình dáng nữ này, đời sau sẽ được làm đấng trượng phu đoan chánh, tất cả thân phận đều đủ đầy, đủ hạnh chất trực, có biện tài lớn, nghiệp thiện của thân, miệng, ý hòa thuận nhau, có thể khiến cho tất cả oán hiềm hiềm khích đều lui tan thoái tán.

Nếu có đủ thứ nghiệp ác của thân miệng mà hiện tại, tương lai ứng thọ khổ báo nhưng nhờ sức uy Thần nghe Bảo Tinh Đà La Ni nên ác nghiệp đã làm, ngay hiện thế bị tiêu diệt không còn sót lại.

Ngay cả người làm tội ngũ nghịch, bài báng hủy hoại chánh pháp, hủy báng Thánh Nhân nhờ sức uy đức nghe Kinh đó nên đến lúc thân ấy tận liền xả mạng, những tội như vậy cũng đều diệt theo, rốt ráo không còn.

Nếu có nữ nhân mà thân miệng đã tạo nghiệp ác, quả báo lường bằng núi Tu Di, đời sau nhất định chịu mọi nỗi khổ nhiều không lường. Đủ thứ khổ báo, đủ thứ nghiệp chướng, những hạt giống dư báo như vậy, nhờ sức nghe Kinh mà tận diệt không còn.

Sở dĩ vì sao?

Vì do tất cả các Đức Phật A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà nói Kinh Bảo Tinh Đà La Ni này mà nếu ai thọ trì đọc tụng, hiền tiền tán thán xưng dương thì khổ báo sở hữu của các chúng sinh đó nhờ lực của Kinh đều diệt hết, thiện căn sở tác của họ theo thời gian mà tăng trưởng.

Nếu các cõi trong mười phương, các Đức Phật A La Ha tam miệu tam Phật Đà hiện tại vì chúng sinh ở từng địa phương, nói Kinh Bảo Tinh Đà La Ni này mà chúng sinh nghe hoan hỷ yêu thích thì tội chướng của họ không gì chẳng tiêu diệt, thiện căn sở tác của họ đều khiến cho tăng trưởng.

Nếu các cõi trong mười phương vào đời đương lai, nơi tất cả các Đức Phật nói Kinh đó, có người thậm chí chỉ trong một niệm sinh lòng hoan hỷ, thì các chúng sinh đó đều được hết khổ và tăng trưởng thiện căn.

Ta hôm nay cũng nói Kinh này, nếu có người nghe đều sẽ tùy hỷ. Chỗ các Đức Phật Thế Tôn hiện tại trong mười phương nói Kinh đó cũng sẽ xưng dường, sẽ cùng hoan hỷ.

Này Phu Nhân! Nếu có Vua Sát lợi thọ dấu ấn màu đen mặc ấn đến đất nước khác mà được Kinh Bảo Tinh Đà La Ni này, chép ra, trì giữ, yêu thích thì nhờ lực của Kinh nên Vua Sát Lợi đó uy đức cao xa, có danh xưng lớn đầy khắp mười phương vô lượng đất nước, thậm chí tất cả Chư Thiên của Dục Giới và Sắc Giới cũng nghe tiếng đức của Vua ấy.

Tất cả Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà… vô lượng câu chỉ na do tha trăm ngàn vạn ức những Vua dòng Sát Lợi… thường theo Vua ấy cùng ủng hộ.

Tất cả cuộc chiến tranh, đói kém, oán địch, phương khác, gió, mưa, lạnh nóng, dịch bệnh, lỗi hoạn… sở hữu của đất nước vị Vua đó đều được trừ diệt.

Tất cả ác Quỉ, Dạ Xoa, La Sát, sư tử, voi, chó sói…đều phát sinh từ tâm, tuy ở tại nước ấy chẳng bị tổn hại. Đất nước của Vua ấy cũng không có tất cả sự thô nhám, vị đắng, ác xúc, đau đớn… không thứ gì chẳng bị tiêu diệt.

Tất cả của cải báu vật, ngũ cốc, quả trái, dược thảo, hoa lá… thèm nhiều vị ngon đều được tăng trưởng. Nếu Vua Sát Lợi thọ ấn muốn cùng Vua Sát Lợi khác của địch quốc chiến đấu thì nên treo Kinh này đặt trên đầu tràng.

Nhờ lực của Kinh nên binh chủng sở hữu của Vua oán địch kia tự nhiên lui tan. Nếu hai Vua Sát lợi thọ ấn Trời, khi giao chiến đều treo Kinh đó đặt trên hai đầu tràng phan thì nhờ uy lực của Kinh mà hai vị Vua đó liền kính yêu nhau, cùng chung hòa hảo với nhau.

Như vậy thành tựu vô lượng công đức, lợi ích an lạc tất cả Vua người chính là chỗ có Kinh Bảo Tinh Đà La Ni. Hoặc thành ấp, tụ lạc hoặc người chẳng phải người, loài bốn chân, loài nhiều chân, các loài trùng ác độc… không có thể khiến cho chúng nghe Kinh đó thì tật bệnh, chết yểu và não loạn.

Nếu ở chỗ sở tại của Kinh Điển đó thì nên phải hết lòng thiết lễ đại cúng dường, nên dùng đồ cúng dường phụng nghinh Kinh này, cũng đem quyển Kinh đặt trên Tòa Sư Tử.

Người đọc Kinh đó và người nghe Kinh nên phải chí tâm, tắm rửa thanh tịnh, dầu thơm xoa thân, mặc áo mới sạch, thọ trì phạm hạnh, tung hoa đủ sắc, đốt mọi thứ hương thơm danh tiếng, đủ thứ vị ngon, cung kính, vây quanh, cúng dường Kinh đó.

Người đó nếu có tất cả tai ách bệnh khổ, chết yểu và những tướng ác kinh sợ thì do lực của Kinh nên đều tiêu diệt biến mất.

Nếu có nữ nhân vì cầu con trai con gái đều nên tắm gội, mặc áo mới sạch, tu tập phạm hạnh, đốt hương, tung hoa, cung kính cúng dường Kinh Điển vi diệu đó thì liền sinh được con trai con gái phước đức trí tuệ.

Như vậy nữ nhân tuy chẳng vì mình mà nhờ uy của Kinh lập lại lực huân tu nên sau khi xả thân cho đến được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác và được Niết Bàn, rốt cùng chẳng thọ thân nữ nữa, ngoại trừ tự phát nguyện để thành thục chúng sinh.

Này Phu Nhân! Theo nghe một bài kệ, một câu, một tiếng Kinh của Kinh này… thậm chí chim bay, thú chạy nghe Kinh này cũng lại như vậy, đều được bỏ thân súc sinh kia, cũng khiến cho tất cả mau được chẳng thoái chuyển Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần