Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý đức Vương Bồ Tát - Phần Tám

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

PHẨM HAI MƯƠI HAI

PHẨM QUANG MINH BIẾN CHIẾU

CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG BỒ TÁT  

PHẦN TÁM  

Này thiện nam tử! Do Phật và Bồ Tát làm cho chúng sanh được tu hành đầy đủ những căn lành. Ví như núi Tuyết là nơi sản xuất những cội gốc thuốc hay vi diệu. Cũng vậy, Chư Phật và Bồ Tát là chỗ xuất sanh tất cả căn lành, do đây nên gọi là thiện tri thức.

Trong núi Tuyết có vị hương dược tên là Ta Ha, người nào thấy thuốc này thời được sống lâu, không có bệnh khổ, bốn thứ độc không làm hại được. Người nào rờ đụng thuốc này thời sống lâu đủ một trăm hai mươi tuổi. Người nào nhớ thuốc này thời được trí túc mạng.

Đó là do thế lực của vị thuốc này. Cũng vậy, Chư Phật và Bồ Tát, nếu ai được thấy thời tất cả phiền não đều trừ, bốn ma chẳng nhiễu loạn được.

Người nào gần gũi Chư Phật và Bồ Tát, vì được nghe pháp, nên được trường thọ chẳng bị sanh tử. Người nào tưởng niệm Chư Phật và Bồ Tát thời được vô thượng bồ đề. Do đây nên Chư Phật và Bồ Tát gọi là thiện tri thức.

Như trong Hương Sơn có ao A Na Bà Đạp Đa, từ ao này thành nguồn bốn con sông lớn: Sông Hằng, sông Vân Đầu, sông Tư Đà, sông Bác Xoa.

Người đời thường nói rằng: Nếu người có tội tắm nơi bốn con sông này thời tội đều tiêu diệt. Nên biết lời nói này là hư vọng chẳng thật. Chỉ có Chư Phật và Bồ Tát mới là chân thật. Vì người nào được gần gũi thời tất cả tội chướng đều tiêu trừ. Do đây nên Chư Phật và Bồ Tát gọi là thiện tri thức.

Ví như trên mặt đất có bao nhiêu cỏ thuốc, rừng cây, trăm giống lúa, mía nho, các thứ bông trái. Gặp Trời nắng hạn sắp khô chết, Nan Đà Long Vương vì xót thương chúng sanh nên ra khỏi biển lớn làm mưa xối xuống, nhờ đó tất cả cỏ cây bông trái đều được tươi tốt.

Cũng vậy, tất cả chúng sanh có bao nhiêu căn lành sắp tiêu diệt, Chư Phật và Bồ Tát sanh lòng đại bi từ biển trí huệ rưới pháp Cam Lồ, làm cho chúng sanh được mười hai pháp lành. Do đây nên Chư Phật và Bồ Tát gọi là thiện tri thức.

Ví như lương y thông thạo tám môn trị bệnh, thấy những người bệnh thời lo chữa trị, không ngó đến dòng họ, đẹp xấu cũng không nghĩ đến châu báu, do đây nên người đời xưng tặng là đại lương y.

Cũng vậy, Chư Phật và Bồ Tát thấy chúng sanh có bệnh phiền não, liền sanh lòng từ mẫn mà thuyết pháp, không ngó đến dòng họ đẹp xấu cùng của cải, chúng sanh được nghe pháp, phiền não liền trừ diệt. Do đây nên Chư Phật và Bồ Tát gọi là thiện tri thức. Do vì gần gũi thiện hữu nên được gần Đại Niết Bàn.

Thế nào là Bồ Tát nhờ nghe pháp mà đặng gần với Đại Niết Bàn?

Tất cả chúng sanh do nghe pháp mà có tín căn, vì có tín căn nên thích thật hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ, được quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến quả Phật. Do đây nên biết rằng được những pháp lành đều là thế lực của sự nghe pháp. Ví như trưởng giả chỉ có một con trai, ông sai con đến nước khác buôn bán đổi chác.

Ông chỉ rành đường sá, rồi lại dặn rằng: Nếu gặp dâm nữ thời con phải cẩn thận, chớ gần gũi, nếu thương yêu gần gũi thời mất tiền của và thân mạng cũng khó bảo toàn, cũng chớ giao du với người tệ ác. Người con kính thuận theo lời dạy của cha, thân tâm an ổn được nhiều của báu mang về.

Đại Bồ Tát giáo hóa chúng sanh cũng như vậy, chỉ rành đường đạo cùng những pháp chướng ác. Nhờ nghe pháp mà chúng sanh xa lìa những điều ác, đầy đủ những pháp lành đây là do sự thính pháp mà được gần với Đại Niết Bàn.

Ví như gương sáng soi rõ mặt người. Cũng vậy, người được nghe pháp thời thấy rõ pháp lành, pháp ác, do đây nên được gần Đại Niết Bàn.

Ví như nhà tìm châu bảo chẳng biết đường sá, có người hiểu biết chỉ đường, bèn đến được chỗ châu báu. Cũng vậy, tất cả chúng sanh muốn đến chỗ lành để lấy pháp bảo, chẳng biết phương pháp tu hành, nhờ Bồ Tát chỉ dạy, chúng sanh tuân theo mà được đến chỗ lành đặng pháp bảo vô thượng Đại Niết Bàn. Đây là do nghe pháp mà đặng gần với Đại Niết Bàn.

Ví như voi say hung dữ, có nhà điều tượng dùng móc sắt móc rách da đầu, voi say liền điều thuận hết tâm hung dữ. Cũng vậy, tất cả chúng sanh do tham, sân, si nên muốn gây tạo nhiều tội ác, Bồ Tát vì họ thuyết pháp, làm cho họ dứt hết tâm ác, do đây nên gần được Đại Niết Bàn.

Vì thế nên Như Lai ở trong các Kinh bảo hàng đệ tử phải nhiếp tâm lắng nghe và lãnh thọ mười hai Bộ Kinh, tu bảy giác chi, lìa năm thứ cái chướng. Do tu tập bảy giác chi thời được gần Đại Niết Bàn.

Do thính pháp mà Tu Đà Hoàn lìa những sự khủng bố: Trưởng giả Tu Đạt Đa trước kia mang bệnh nặng, ông rất lo rầu sợ sệt. Sau khi được nghe Xá Lợi Phất nói bậc Tu Đà Hoàn có bốn công đức, dùng mười thứ ví dụ để an ủi. Trưởng giả nghe rồi liền hết sợ sệt. Đây cũng là do thính pháp mà được gần Đại Niết Bàn, vì được mở thông pháp nhãn.

Trong đời có ba người: Một là không con mắt, hai là một con mắt, ba là đủ hai mắt. Người không con mắt dụ cho thường chẳng được nghe pháp. Người một con mắt dụ cho được tạm thời nghe pháp mà tâm không được an trụ. Người đủ hai con mắt dụ cho chuyên tâm nghe pháp lãnh thọ và thực hành, do đây được gần Đại Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Ngày trước lúc ta ở thành Câu Thi Na, Xá Lợi Phất đương bệnh khổ. Ta sai A Nan đến thuyết pháp. Lúc đó Xá Lợi Phất nghe A Nan thuyết pháp, bèn bảo bốn người đệ tử khiêng giường bệnh đến chỗ Phật để nghe pháp.

Do phước lực nghe Phật thuyết pháp nên Xá Lợi Phất được lành bệnh thân thể an ổn. Vì thế nên nghe chánh pháp thời được gần Đại Niết Bàn.

Thế nào là Bồ Tát do tư duy mà được gần Đại Niết Bàn?

Nhân sự tư duy này mà tâm được giải thoát. Vì tất cả chúng sanh thường bị ngũ dục ràng buộc, do tư duy nên đều được giải thoát. Đây là do tư duy mà được gần Đại Niết Bàn. Tất cả chúng sanh thường bị thường, lạc, ngã, tịnh làm điên đảo.

Do tư duy nên được thấy các pháp là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Nhờ sự thấy này mà hết điên đảo. Đây cũng là do tư duy mà được gần Đại Niết Bàn.

Tất cả pháp có bốn tướng: Sanh tướng, lão tướng, bệnh tướng, diệt tướng. Do bốn tướng này làm cho phàm phu đến Tu Đà Hoàn bị nhiều sự khổ não. Nếu người có thể nhiếp niệm khéo tư duy, dầu gặp bốn tướng này nhưng chẳng bị khổ não. Đây cũng là do tư duy mà được gần Đại Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Tất cả pháp lành đều do tư duy mà được. Vì có người dầu trải qua vô lượng vô biên vô số kiếp chuyên tâm thính pháp, nếu chẳn tư duy thời trọn không thể được vô thượng bồ đề. Đây cũng là do tư duy mà được gần Đại Niết Bàn.

Nếu có chúng sanh tin Phật, pháp, Tăng không biến đổi nên sanh lòng cung kính. Nên biết rằng đây là do năng lực của sự nhiếp niệm tư duy mới được dứt trừ tất cả phiền não. Đây cũng là do tư duy mà được gần Đại Niết Bàn.

Thế nào là Bồ Tát tu hành đúng chánh pháp?

Này thiện nam tử! Dứt những pháp ác tu các pháp lành thời gọi là Bồ Tát tu hành đúng pháp. Lại thấy tất cả pháp trống rỗng không chỗ có, không thường, không lạc, không ngã, không tịnh, do sự thấy biết này nên thà bỏ thân mạng chẳng phạm cấm giới. Đây gọi là Bồ Tát tu hành đúng pháp.

Tu có hai thứ: Chân thật và chẳng thật. Chẳng biết tướng của Niết Bàn, Phật Tánh, Như Lai, Pháp, Tăng, thật tướng, tướng hư không v.v… đây gọi là chẳng thật. Nếu biết thời gọi là chân thật.

Thế nào gọi là biết tướng của Niết Bàn?

Niết Bàn có tám điều: Một là sạch hết, hai là tánh lành, ba là thật, bốn là chân, năm là thường, sáu là lạc, bảy là ngã, tám là tịnh.

Niết Bàn lại có tám điều: Một là giải thoát, hai là tánh lành, ba là chẳng thật, bốn là chẳng chân, năm là vô thường, sáu là vô lạc, bảy là vô ngã, tám là vô tịnh.

Niết Bàn lại có sáu tướng: Một là giải thoát, hai là tánh lành, ba là chẳng thật, bốn là chẳng chân, năm là an lạc, sáu là thanh tịnh. Nếu chúng sanh y theo đạo thế tục mà dứt phiền não, thời Niết Bàn đó có tám điều giải thoát chẳng chân thật, vì là vô thường. Vì vô thường nên là không thật, vì không thật thời không chân.

Dầu dứt phiền não nhưng rồi sẽ khổ trở lại, do đây nên không có thường, lạc, ngã, tịnh, đây gọi là Niết Bàn có tám điều giải thoát không thật.

Thanh Văn, Duyên Giác vì dứt phiến não nên gọi là giải thoát nhưng chưa được vô thượng bồ đề, đây gọi là chẳng thật vì chẳng thật nên chẳng chân. Đời vị lai sẽ được vô thượng bồ đề nên là vô thường. Vì được tám Thánh Đạo vô lậu nên gọi là thanh tịnh an lạc, đây gọi là Niết Bàn có sáu tướng.

Này thiện nam tử! Nếu biết như vậy đó là biết Niết Bàn, chẳng gọi là biết Phật Tánh, Như Lai, Pháp, Tăng, thật tướng, hư không.

Phật Tánh có sáu điều: Một là thường, hai là tịnh, ba là thật, bốn là thiện, năm là sẽ thấy, sáu là chân.

Phật Tánh lại có bảy điều: Sáu điều như trên, bảy là có thể chứng, đây gọi là Bồ Tát biết Phật Tánh. Như Lai chính là tướng giác ngộ, tướng lành, là thường, lạc, ngã, tịnh, là giải thoát chân thật, dạy đạo có thể thấy được, đây gọi là Bồ Tát biết tướng Như Lai.

Pháp là hoặc lành chẳng lành, hoặc thường chẳng thường, hoặc lạc chẳng lạc, hoặc ngã chẳng ngã, hoặc tịnh chẳng tịnh, hoặc tri chẳng tri, hoặc giải chẳng giải, hoặc chân chẳng chân, hoặc tu chẳng tu, hoặc Sư chẳng phải Sư, hoặc thật chẳng thật, đây gọi là Bồ Tát biết pháp tướng.

Thế nào là Bồ Tát biết Tăng tướng?

Tăng là thường, lạc, ngã, tịnh, là tướng đệ tử, tướng có thể thấy, là thiện, là chân, chẳng thật, vì tất cả Thanh Văn sẽ được thành Phật, vì tỏ ngộ chân tánh nên gọi là chân. Đây gọi là Bồ Tát biết tướng của Tăng.

Thật tướng là: Hoặc thường, vô thường, hoặc lạc, vô lạc, hoặc ngã, vô ngã, hoặc tịnh, vô tịnh, hoặc thiện, bất thiện, hoặc có, hoặc không, hoặc Niết Bàn, hoặc chẳng phải Niết Bàn, hoặc giải thoát, hoặc chẳng phải giải thoát, hoặc tri, hoặc bất tri, hoặc đoạn, hoặc bất đoạn, hoặc chứng, hoặc chẳng chứng, hoặc tu, hoặc chẳng tu, hoặc thấy, hoặc chẳng thấy, đây gọi là thật tướng, chẳng phải là Niết Bàn Phật Tánh, Như Lai, Pháp, Tăng, hư không.

Đây gọi là Bồ Tát nhân tu Kinh Đại Niết Bàn này biết tướng sai khác của Niết Bàn, Phật Tánh, Như Lai, Pháp, Tăng, thật tướng, hư không.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu Kinh Đại Niết Bàn chẳng thấy hư không, vì Phật và Bồ Tát dầu có ngũ nhãn nhưng chẳng thấy, chỉ có huệ nhãn mới thấy được. Chỗ thấy của huệ nhãn là không có pháp thấy được nên gọi là thấy. Nếu là không có vật gọi là hư không, thời hư không ấy gọi là thật, do vì thật thời gọi là thường không, vì thường không nên không có lạc, ngã và tịnh.

Này thiện nam tử! Trống không gọi là không có pháp, không có pháp gọi là trống không. Như trong đời chỗ không có vật gọi là trống không, tánh hư không cũng như vậy, vì không chỗ có nên gọi là hư không.

Này thiện nam tử! Tánh chúng sanh cùng tánh hư không đều không có thiệt tánh.

Như có người nói rằng: Trừ dứt những vật có rồi sau mới là không. Nhưng hư không này thiệt chẳng thể làm ra, vì là không chỗ có, đã không chỗ có nên biết là không có hư không. Tánh hư không này nếu có thể làm ra thời gọi là vô thường, nếu là vô thường thời chẳng gọi là hư không.

Này thiện nam tử! Như người đời nói rằng hư không là không sắc chất, không cách ngại, là thường chẳng biến đổi, do đây nên trong đời gọi tánh hư không là đại chủng thứ năm.

Nhưng hư không này thiệt ra không có tánh, do ánh sáng nên gọi là hư không, thật ra không có hư không. Như thế đế thiệt ra không có tánh vì thuận theo chúng sanh mà nói là có thế đế.

Này thiện nam tử! Thể Niết Bàn cũng không có chỗ trụ, chính nơi Chư Phật dứt sạch phiền não mà gọi là Niết Bàn. Niết Bàn chính là thường, lạc, ngã, tịnh. Niết Bàn dầu là lạc, nhưng chẳng phải là thọ lạc, bèn là sự vui tịch diệt vi diệu vô thượng.

Chư Phật có hai thứ vui: Một là tịch diệt lạc, hai là giác tri lạc.

Thể thật tướng có ba thứ vui: Một là thọ lạc, hai là tịnh diệt lạc, ba là giác tri lạc. Phật Tánh có một thứ vui, vì sẽ được thấy, lúc chứng vô thượng bồ đề thời gọi là bồ đề lạc.

Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu chỗ phiền não dứt là Niết Bàn thời không phải.

Vì xưa kia lúc Đức Như Lai mới thành Phật, đi đến bờ sông Ni Liên Thiền, Ma Vương cùng quyến thuộc đến chỗ Phật thưa rằng: Thời kỳ Niết Bàn đã đến sao Thế Tôn chẳng nhập?

Phật bảo Ma Vương: Nay ta chưa có hàng đa văn đệ tử giới hạnh tinh nghiêm. Trí huệ thông minh, có thể giáo hoá chúng sanh, nên ta chẳng nhập Niết Bàn.

Nếu nói rằng chỗ phiền não dứt là Niết Bàn, Bồ Tát từ vô lượng kiếp đã dứt phiền não, cớ sao chẳng đặng gọi là Niết Bàn?

Đều đồng dứt, cớ sao gọi riêng Chư Phật có Niết Bàn, còn Bồ Tát thời không?

Nếu dứt phiền não chẳng phải là Niết Bàn cớ sao ngày trước Đức Như Lai bảo ông Sanh Danh: Chính thân của ta đây là Niết Bàn?

Lúc Như Lai ở nước Tỳ Xá Ly, Ma Vương lại đến thưa: Thế Tôn ngày trước nói rằng vì chưa có hàng đệ tử đa văn trì giới thông minh trí huệ có thể giáo hóa chúng sanh, nên Thế Tôn chẳng nhập Niết Bàn.

Nay đã đầy đủ cớ sao Thế Tôn chẳng nhập?

Như Lai bảo Ma Vương: Sau đây ba tháng ta sẽ nhập Niết Bàn.

Bạch Thế Tôn! Giả sử diệt độ chẳng phải nhập Niết Bàn, tại sao Đức Như Lai lại hẹn ba tháng sẽ nhập Niết Bàn?

Bạch Thế Tôn! Nếu dứt phiền não là Niết Bàn, ngày trước lúc Đức Như Lai ngồi nơi Đạo Tràng bồ đề dứt hết phiền não bèn là Niết Bàn, sao lại nói với Ma Vương sau ba tháng sẽ nhập Niết Bàn?

Bạch Thế Tôn! Nếu lúc đó là Niết Bàn, tại sao lại tuyên bố đến cuối đêm sẽ nhập Niết Bàn?

Đức Như Lai là đấng thành thiệt, cớ sao lại nói những lời hư vọng như vậy?

Phật bảo Cao Quý Đức Vương Bồ Tát: Này thiện nam tử! Như Lai đã đặng tướng lưỡi rộng dài, phải biết rằng Như Lai từ vô lượng kiếp đã lìa vọng ngữ. Tất cả Chư Phật và Bồ Tát phàm có nói ra đều là lời thành thật chắc chắn không hư dối.

Này thiện nam tử! Ngày trước Ma Ba Tuần thỉnh Phật nhập Niết Bàn, mà Ma Vương chẳng biết tướng Niết Bàn. Ý Ma Vương cho rằng chẳng giáo hoá chúng sanh yên lặng bất động đó là Niết Bàn. Ví như người đời thấy có ai chẳng nói chẳng làm, bèn cho rằng người này như chết. Ý Ma Vương cũng như vậy.

Này thiện nam tử! Như Lai chẳng nói Phật Pháp và Chúng Tăng không có tướng sai khác. Chỉ nói thường trụ và thanh tịnh hai pháp này không sai khác.

Phật cũng chẳng nói Phật cùng Phật Tánh và Niết Bàn không có tướng sai khác, chỉ nói thường hằng bất biến là không sai khác, Phật cũng chẳng nói Niết Bàn và thật tướng không có tướng sai khác, chỉ nói thường trụ và thật chẳng biến đổi không có sai khác.

Này thiện nam tử! Có lúc hàng Thanh Văn đệ tử của ta sanh sự tránh tụng, như các Tỳ Kheo ở nước Câu Diêm Vi trái lời dạy của Phật phạm nhiều cấm giới, chẳng kính trọng Phật, Pháp, Tăng, giới luật hòa thượng.

Những Tỳ Kheo ác này chẳng tin lời dạy của Phật. Vì những người này mà ta bảo Ma Ba Tuần ông chớ lo rằng chậm. Sau ba tháng ta sẽ nhập Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Nhân vì các Tỳ Kheo ác này, khiến hàng Thanh Văn chẳng thấy thân của ta, chẳng nghe ta thuyết pháp, bèn cho rằng Như Lai nhập Niết Bàn. Chỉ hàng Bồ Tát thấy được thân ta, thường nghe ta thuyết pháp, nên chẳng cho rằng Phật nhập Niết Bàn.

Dầu hàng Thanh Văn nói rằng Như Lai nhập Niết Bàn, nhưng thật ra ta chẳng nhập Niết Bàn.

Nếu Thanh Văn đệ tử của ta nói rằng Như Lai nhập Niết Bàn, phải biết người này chẳng phải đệ tử của Phật, là bè đảng của ma, là người tà kiến chẳng phải chánh kiến.

Nếu nói Như Lai chẳng nhập Niết Bàn, phải biết người này thiệt là đệ tử Phật, là người chánh kiến chẳng phải bè đảng của ma.

Này thiện nam tử! Ta chẳng thấy trong hàng đệ tử có người nào cho rằng Như Lai chẳng giáo hóa chúng sanh yên lặng bất động gọi là Niết Bàn.

Ví như trưởng giả có đông con cái, đi đến xứ khác chưa trở về. Những người con đều cho rằng cha mình đã chết. Như trưởng giả này thiệt chẳng chết, mà những người con điên đảo tưởng rằng chết.

Cũng vậy, hàng Thanh Văn đệ tử vì chẳng thấy Phật, bèn cho rằng Như Lai đã nhập Niết Bàn trong rừng Ta La nơi thành Câu Thi Na, nhưng thật ra ta chẳng nhập Niết Bàn, mà hàng Thanh Văn tưởng là nhập Niết Bàn.

Ví như ngọn đèn sáng, có người che kín đó, những kẻ không biết cho rằng đèn đã tắt, nhưng đèn sáng này thiệt chẳng tắt, vì không biết nên cho là tắt.

Cũng vậy, hàng Thanh Văn đệ tử dầu có huệ nhãn nhưng bị phiền não che đậy làm cho tâm điên đảo chẳng thấy được thân chân thật của Phật, bèn tưởng là Phật diệt độ, nhưng thiệt ra ta chẳng diệt độ.

Như người sanh manh chẳng thấy mặt trời, mặt trăng, chẳng biết ngày đêm sáng tối, vì chẳng biết bèn nói rằng không có mặt trời, mặt trăng thiệt, do vì không thấy nên sanh tưởng điên đảo.

Cũng vậy, hàng Thanh Văn đệ tử, vì chẳng thấy Như Lai bèn cho rằng Phật nhập Niết Bàn. Nhưng thật ra Như Lai chẳng nhập Niết Bàn. Ví như mây mù che khuất mặt trời, mặt trăng, kẻ ngu si cho rằng không có mặt trời, mặt trăng.

Cũng vậy, Vì các phiền não che đôi mắt trí huệ nên hàng Thanh Văn chẳng thấy Như Lai bèn cho rằng Như Lai nhập Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Đây là Đức Như Lai thị hiện Anh Nhi Hạnh chớ chẳng phải diệt độ.

Này thiện nam tử! Như lúc mặt trời lặn, vì Hắc Sơn che khuất mặt trời, nên chúng sanh Diêm Phù Đề chẳng thấy, nhưng thật ra mặt trời không có lặn, vì không thấy nên chúng sanh tưởng là lặn. Cũng vậy, hàng Thanh Văn đệ tử bị phiền não che ngăn chẳng thấy thân Phật, vì chẳng thấy nên cho rằng Như Lai nhập Niết Bàn, nhưng thiệt ra Phật chẳng nhập Niết Bàn.

Do đây nên Phật ở nước Tỳ Da Ly bảo Ma Ba Tuần: Sau ba tháng ta sẽ nhập Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Như Lai thấy trước rằng Ca Diếp Bồ Tát sau ba tháng căn lành sẽ thành thục, cũng thấy núi Hương Sơn ông Tu Bạt Đà La an cư xong sẽ đến chỗ ta, nên ta bảo Ma Ba Tuần sau ba tháng sẽ nhập Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Có năm trăm lực sĩ mãn ba tháng cũng sẽ phát tâm vô thượng bồ đề, vì họ nên ta bảo Ma Ba Tuần sau ba tháng Phật sẽ nhập Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Bọn ông Thuần Đà năm trăm Lê Xa tử, và Am La nữ. Sau ba tháng thời đạo tâm vô thượng sẽ thành thục, vì những người này nên ta bảo Ma Ba Tuần sau ba tháng Như Lai sẽ nhập Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Ông Tu Na Sát Đa theo hàng ngoại đạo Ni Kiền Tử, ta vì ông thuyết pháp trọn mười hai năm, ông chẳng tin chẳng thọ, chẳng bỏ tà kiến, ta biết ác tâm tà kiến của ông sau ba tháng quyết định có thể dứt trừ, nên ta bảo Ma Ba Tuần sau ba tháng Phật sẽ nhập Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Do nhân duyên gì mà ngày trước ở bên sông Ni Liên, ta bảo Ma Ba Tuần vì chưa có hàng đệ tử đa văn trí huệ nên Phật chẳng nhập Niết Bàn?

Lúc đó ta muốn chuyển pháp luân độ các ông Kiều Trần Như v.v…, cũng muốn độ các ông Da Xá, muốn độ bọn ông Úc Dà Trưởng Giả, muốn độ Vua Tần Bà Ta La nước Ma Dà Đà cùng vô lượng Nhân Thiên, muốn độ thầy trò Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp, Dà Da Ca Diếp, cũng muốn độ các ông Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v…

Vì thế nên ta bảo ma Ba Tuần: Như Lai chẳng nhập Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Có Niết Bàn chẳng phải là Đại Niết Bàn. Chẳng thấy Phật Tánh mà dứt phiền não thời gọi là Niết Bàn chẳng phải Đại Niết Bàn.

Bởi chẳng thấy Phật Tánh nên không có thường, ngã, chỉ có lạc và tịnh, do đây nên dầu dứt phiền não mà chẳng được gọi là Đại Niết Bàn. Nếu thấy Phật Tánh dứt phiền não thời gọi là Đại Niết Bàn, vì thấy Phật Tánh nên được gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Này thiện nam tử! Niết nghĩa là chẳng, bàn nghĩa là dệt, nghĩa chẳng dệt gọi là Niết Bàn.

Bàn lại có nghĩa là che, chẳng bị che bèn gọi là Niết Bàn.

Bàn lại có nghĩa là đi đến, chẳng đi chẳng đến gọi là Niết Bàn.

Bàn lại có nghĩa là bất định, không bất định gọi là Niết Bàn.

Bàn lại có nghĩa là mới cũ, không mới cũ gọi là Niết Bàn.

Bàn lại có nghĩa là chướng ngại, không chướng ngại gọi là Niêt Bàn.

Này thiện nam tử! Có hàng đệ tử của phái Ưu Lâu Khư, phái Ca Tỳ La nói Bàn là danh tướng, không danh tướng gọi là Niết Bàn. Bàn lại có nghĩa là có. Không có thời gọi là Niết Bàn. Bàn lại có nghĩa là hòa hiệp. Không hòa hiệp gọi là Niết Bàn. Bàn lại có nghĩa là khổ. Không khổ gọi là Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Người dứt phiền não chẳng gọi là tu Niết Bàn, chẳng sanh phiền não thời gọi là Niết Bàn. Chư Phật Như Lai vĩnh viễn chẳng khởi phiền não nên gọi là Niết Bàn. Có trí huệ ở nơi tất cả pháp không có chướng ngại thời gọi là Như Lai. Như Lai chẳng phải phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Đây gọi là Phật Tánh.

Thân tâm trí huệ của Như Lai khắp đầy vô lượng vô biên, vô số cõi, không bị chướng ngại, đây gọi là hư không. Như Lai thường trụ không có biến đổi, đây gọi là thật tướng. Do nghĩa này nên Như Lai thiệt chẳng rốt ráo nhập Niết Bàn. Đây gọi là Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ bảy.

Thế nào là Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ tám?

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn: Trừ dứt năm việc, xa lìa năm việc, thành tựu sáu việc, tu tập năm việc, giữ gìn một việc, gần gũi bốn việc, tin thuận nhất thật, tâm thiện giải thoát, huệ thiện giải thoát.

Trừ dứt năm việc, chính là trừ năm ấm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức: Năm thứ này hay làm chúng sanh sống chết nối mãi, chẳng rời gánh nặng chia lìa tụ họp, buộc ràng trong ba đời, không thể cầu tìm cho ra nghĩa lý. Do những lẽ này nên gọi là ấm.

Đại Bồ Tát dầu thấy sắc ấm, nhưng chẳng thấy tướng của nó, vì trong mười món sắc suy tìm tánh của nó trọn không thể được, vì thuận theo thế tục mà gọi là Ấm.

Có một trăm lẻ tám thứ thọ, Bồ Tát dầu thấy thọ ấm, nhưng vẫn không thấy tướng của thọ. Vì thọ dầu có một trăm lẻ tám, nhưng tất cả không có nghĩa lý quyết định thật.

Như sắc và thọ, tưởng, hành và thức cũng như vậy. Vì thấy rõ năm ấm là cội gốc sanh ra phiền não, nên Đại Bồ Tát dùng phương tiện làm cho dứt.

Đại Bồ Tát xa lìa năm việc, chính là xa lìa năm kiến chấp: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới thủ. Do năm kiến chấp này sanh ra sáu mươi hai thứ kiến chấp. Vì những thứ kiến chấp này mà sanh tử nối mãi chẳng dứt, nên Bồ Tát ngăn ngừa không gần gũi.

Đại Bồ Tát thành tựu sáu việc, chính là thành tựu sáu chánh niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niện Thiên, niệm Thí, niệm Giới.

Đại Bồ Tát tu tập năm việc, chính là tu tập năm định: Tri định, tịch định, thân tâm thọ khoái lạc định, vô lạc định, Thủ Lăng Nghiêm định. Tu tập năm thứ định tâm này thời gần với Đại Niết Bàn, vì thế nên Đại Bồ Tát chuyên cần tu tập. Bồ Tát giữ gìn một việc, chính là giữ gìn tâm bồ đề.

Đại Bồ Tát luôn siêng năng gìn giữ tâm bồ đề, như người đời săn sóc đứa con một, như người chột mắt giữ gìn một mắt còn lại, như đi giữa rừng hoang vắng giữ gìn người dẫn đường.

Do gìn giữ tâm bồ đề mà được vô thượng bồ đề, do được vô thượng bồ đề nên có đủ thường, lạc, ngã và tịnh, chính là Đại Niết Bàn do đây nên Bồ Tát gìn giữ một tâm bồ đề này.

Bồ Tát gần gũi bốn việc, chính là gần bốn tâm vô lượng: Đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả: Do bốn tâm này có thể làm cho vô lượng chúng sanh phát tâm bồ đề, nên Bồ Tát luôn gần gũi.

Bồ Tát tin thuận nhất thật, chính là rõ biết tất cả chúng sanh đều về nơi đạo duy nhất, đạo duy nhất này là đại thừa: Nơi đại thừa này, Chư Phật và Bồ Tát chia ra làm ba thừa để dụ dẫn chúng sanh. Bồ Tát tâm thiện giải thoát chính là đã dứt hẳn tham, sân, si.

Bồ Tát huệ thiện giải thoát, chính là Đại Bồ Tát rõ biết tất cả pháp không chướng ngại. Do huệ giải thoát nên những pháp từ xưa chưa nghe mà nay được nghe, từ xưa chưa thấy mà nay được thấy, từ xưa chưa đến mà nay được đến.

Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn! Như lời Phật nói: Tâm giải thoát, xét ra không đúng nghĩa. Vì tâm vốn không hệ phược. Bổn tánh của tâm không bị tham, sân, si, hệ phược.

Đã là vốn không hệ phược, sao lại nói là giải thoát?

Thế Tôn! Nếu bổn tánh của tâm chẳng bị tham kiết hệ phược, do nhân duyên gì mà có thể hệ phược được tâm?

Ví như vắt sừng, vì vốn không sữa nên dầu tốn nhiều công lực vẫn không do đâu có sữa chảy ra. Nếu vắt vú bò, tốn công ít mà được nhiều sữa. Cũng vậy, tâm vốn không tham, sao nay lại có. Nếu trước vốn không mà sau mới có, thời Chư Phật và Bồ Tát vốn không tham, nay đáng lẽ đều có.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần