Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Phương Tiện Thiện Xảo - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ BA  

PHẨM HAI MƯƠI SÁU

PHẨM PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO  

PHẦN HAI   

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh lự Ba la mật đa gồm cả bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa?

Phật dạy: Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh lự Ba la mật đa, thực hành tài thí, pháp thí cho hữu tình, nghĩa là lìa pháp dục, ác, bất thiện, có tầm, có tứ, ly sanh hỉ lạc nhập vào sơ tịnh lự, nói rộng cho đến nhập vào định Diệt tưởng thọ.

Đại Bồ Tát ấy đem tâm không tán loạn mà giảng nói chánh pháp về sự hành tài thí, pháp thí cho các hữu tình. Đại Bồ Tát ấy tự mình hành tài thí, pháp thí, cũng thường khuyến hóa người khác thực hành tài thí, pháp thí, thường khen ngợi pháp hành tài thí, pháp thí một cách đúng đắn, luôn luôn hoan hỉ, khen ngợi người thực hành tài thí, pháp thí.

Đại Bồ Tát ấy đem căn lành này không cầu địa vị Thanh Văn, Ðộc Giác, chỉ đem căn lành bố thí này bình đẳng cho các hữu tình cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, lấy vô sở đắc mà làm phương tiện.

Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?

Ðó là Đại Bồ Tát ấy an trụ vào tịnh lự Ba la mật đa gồm cả bố thí Ba la mật đa.

Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh lự Ba la mật đa, thọ trì tịnh giới không bao giờ có tâm tương ưng với hành động về tham, sân, si và hại. Cũng không có tâm tương với với hành động về xan tham, tật đố, phá giới, chỉ luôn phát sanh tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí.

Lại đem căn lành tịnh giới này không cầu địa vị Thanh Văn, Ðộc Giác, bình đẳng cho các hữu tình cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, lấy vô sở đắc mà làm phương tiện.

Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?

Ðó là Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh lự Ba la mật đa gồm cả tịnh giới Ba la mật đa.

Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh lự Ba la mật đa tu hành an nhẫn, quán sắc như đống bọt, quán thọ như bong bóng, quán tưởng như sóng nắng, quán hành như cây chuối, quán thức như việc huyễn hóa. Khi quán như vậy, đối với năm thủ uẩn luôn hiện quán về tưởng không bền chắc.

Lại nghĩ: Các pháp đều là không, nó lìa ngã và ngã sở, sắc là sắc của ai?

Thọ là thọ của ai?

Tưởng là tưởng của ai?

Hành là hành của ai?

Thức là thức của ai?

Khi quán như vậy, lại nghĩ: Các pháp đều không, không có ngã và ngã sở, thì ai cắt chặt?

Ai bị cắt chặt?

Ai hủy nhục?

Ai bị hủy nhục?

Ở trong đó ai nổi sân hận?

Bồ Tát nương vào tịnh lự như vậy, khi quán sát thật kỹ thì an nhẫn hoàn toàn. Lại đem căn lành an nhẫn này bình đẳng cho các hữu tình, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, lấy vô sở đắc mà làm phương tiện.

Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?

Ðó là Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh lự Ba la mật đa gồm cả an nhẫn Ba la mật đa.

Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh lự Ba la mật đa siêng năng tinh tấn, lìa pháp dục, ác, bất thiện, có tầm, có tứ, ly sanh hỉ lạc nhập vào sơ tịnh lự, nói rộng cho đến nhập vào thiền thứ tư.

Khi Bồ Tát tu tịnh lự như vậy đối với các tịnh lự và chi tịnh lự đều không chấp tướng. Phát sanh những thần cảnh trí thông, có thể làm vô biên việc biến hóa lớn.

Hoặc phát sanh thiên nhĩ trí thông, sáng suốt thanh tịnh siêu nhân, có thể như thật nghe tất cả âm thanh các loài hữu tình trong mười phương Thế Giới. Hoặc phát sanh tha tâm trí thông, có thể như thật biết tâm và tâm sở pháp các hữu tình trong mười phương Thế Giới.

Hoặc phát sanh túc trụ trí thông, như thật nhớ biết các việc đời trước của hữu tình trong mười phương Thế Giới. Hoặc phát sanh thiên nhãn trí thông, sáng suốt thanh tịnh siêu nhân, có thể như thật thấy biết sắc tượng cho đến nghiệp quả của hữu tình, vô tình trong mười phương Thế Giới.

Đại Bồ Tát ấy an trụ vào năm thần thông thanh tịnh này thì có thể từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, gần gũi cúng dường Chư Phật Thế Tôn, thưa hỏi pháp nghĩa sâu xa của Như Lai, gieo trồng vô lượng căn lành chơn chánh thanh tịnh, thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, siêng năng tu thắng hạnh của Bồ Tát.

Ðem căn lành này không cầu quả ba cõi và Nhị Thừa, bình đẳng cho các hữu tình cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, lấy vô sở đắc làm phương tiện.

Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?

Ðó là Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh lự Ba la mật đa gồm cả tinh tấn Ba la mật đa.

Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh lự Ba la mật đa quán sắc uẩn cho đến thức uẩn bất khả đắc. Nói rộng cho đến quán trí nhất thiết trí cũng bất khả đắc. Quán cảnh giới hữu vi bất khả đắc, quán cảnh giới vô vi cũng bất khả đắc.

Như vậy, Bồ Tát quán tất cả pháp bất khả đắc nên không tạo tác. Vì không tạo tác nên không sanh, không diệt. Vì không sanh, không diệt nên không thủ, không xả. Vì không thủ, không xả nên hoàn toàn thanh tịnh thường trụ không biến đổi.

Vì sao?

Vì tất cả pháp Chư Phật có ra đời hay không ra đời đều an trụ vào pháp tánh, pháp giới, pháp trụ, không sanh, không diệt, thường không biến đổi.

Đại Bồ Tát ấy tâm không bao giờ tán loạn, luôn luôn an trụ vào tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, như thật quán sát thấy tánh tất cả pháp hoàn toàn vô sở hữu. Lại đem căn lành diệu tuệ này bình đẳng cho các hữu tình, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, lấy vô sở đắc mà làm phương tiện.

Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?

Ðó là Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh lự Ba la mật đa gồm cả bát nhã Ba la mật đa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào mà Đại Bồ Tát an trụ vào bát nhã Ba la mật đa gồm cả bố thí cho đến tịnh lự Ba la mật đa?

Phật dạy: Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh lự Ba la mật đa quán tất cả pháp đều không, vô sở hữu.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Đại Bồ Tát an trụ vào bát nhã Ba la mật đa quán tất cả pháp đều không, vô sở hữu?

Phật dạy: Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát an trụ vào bát nhã Ba la mật đa quán pháp nội không không của các pháp nội tại, tánh của pháp nội không bất khả đắc.

Quán pháp ngoại không không của các pháp ngoại tại, tánh của pháp ngoại không bất khả đắc. Quán pháp nội ngoại không không của các pháp nội ngoại tại, tánh của pháp nội ngoại không bất khả đắc. Quán pháp đại không không lớn, tánh của pháp đại không bất khả đắc.

Quán pháp không không không của không, tánh của pháp không không bất khả đắc. Quán pháp thắng nghĩa không không của chân lý cứu cánh, tánh của pháp thắng nghĩa không bất khả đắc. Quán pháp hữu vi không không của các pháp hữu vi, tánh của pháp hữu vi không bất khả đắc.

Quán pháp vô vi không không của các pháp vô vi, tánh của pháp vô vi không bất khả đắc. Quán pháp tất cánh không không tối hậu rốt ráo, tánh của pháp tất cánh không bất khả đắc.

Quán pháp vô tế không không không biên tế, tánh của pháp vô tế không bất khả đắc. Quán pháp vô tán không không của sự không phân tán, tánh của pháp vô tán không bất khả đắc. Quán pháp bản tính không không của bản tính tự nhiên tính, tánh của pháp bản tính không bất khả đắc.

Quán pháp tướng không, tánh của pháp tướng không bất khả đắc. Quán pháp nhất thiết pháp không không của vạn hữu, tánh của pháp nhất thiết pháp không bất khả đắc. Đại Bồ Tát ấy an trụ trong mười bốn không như vậy không đắc sắc hoặc không, hoặc bất không.

không đắc Thọ, Tưởng, Hành, Thức hoặc không, hoặc bất không. Nói rộng cho đến không đắc trí nhất thiết trí hoặc không, hoặc bất không. Không đắc cảnh giới hữu vi hoặc không, hoặc bất không. Không đắc cảnh giới vô vi hoặc không, hoặc bất không.

Đại Bồ Tát ấy an trụ vào bát nhã Ba la mật đa, bố thí cho tất cả các hữu tình thức ăn, thức uống và các đồ đạc khác, quán tất cả là không. Tất cả người bố thí, được bố thí, phước bố thí, quả bố thí quán cũng là không. Khi ấy, Bồ Tát nhờ an trụ vào không mà quán ái nhiễm, xan lận đều không cho khởi.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát ấy tu hành bát nhã Ba la mật đa từ khi mới phát tâm cho đến lúc ngồi tòa Bồ Đề, như vậy tất cả phân biệt không cho sanh khởi. Như chư Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác không bao giờ khởi tâm ái, tâm xan tham. Đại Bồ Tát này cũng vậy, tu hành bát nhã Ba la mật đa vĩnh viễn không bao giờ sanh tâm ái nhiễm, tâm xan tham.

Thiện Hiện nên biết! Bát Nhã Ba la mật đa này là thầy của Đại Bồ Tát, có thể khiến cho chúng Đại Bồ Tát không sanh khởi tất cả vọng tưởng phân biệt, không nhiễm trước vào việc bố thí. Đại Bồ Tát ấy đem căn lành này, lấy vô sở đắc làm phương tiện bình đẳng cho các hữu tình, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?

Ðó là Đại Bồ Tát an trụ bát nhã Ba la mật đa gồm cả bố thí Ba la mật đa.

Nếu Đại Bồ Tát an trụ bát nhã Ba la mật đa, thọ trì tịnh giới thì không để sanh tâm của tất cả Thanh Văn, Ðộc Giác.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát ấy quán các địa vị Thanh Văn, Ðộc Giác đều bất khả đắc, tâm hồi hướng kia cũng bất khả đắc, hồi hướng Bậc kia luật nghi thân ngữ cũng bất khả đắc. Đại Bồ Tát ấy an trụ vào bát nhã Ba la mật đa từ khi mới phát tâm cho đến lúc ngồi tòa Bồ Đề.

Trong thời gian ấy tự lìa sát sanh cho đến tà kiến, cũng khuyến khích người khác lìa bỏ sát sanh cho đến tà kiến, không có tâm trái ngược với pháp, luôn xiển dương việc lìa bỏ sát sanh cho đến tà kiến, hoan hỉ khen ngợi người lìa bỏ sát sanh cho đến tà kiến.

Đại Bồ Tát ấy đem căn lành do tịnh giới này phát sanh không cầu quả Nhị Thừa và ba cõi mà bình đẳng cho hữu tình, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, lấy vô sở đắc mà làm phương tiện.

Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?

Ðó là Đại Bồ Tát an trụ bát nhã Ba la mật đa gồm cả tịnh giới Ba la mật đa. Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào bát nhã Ba la mật đa sanh nhẫn tùy thuận.

Đã đắc được nhẫn này rồi luôn nghĩ như vậy: Trong tất cả pháp không có một pháp nào là khởi hay diệt. Hoặc sanh, lão, bệnh, tử, hoặc người mắng, người bị mắng, người phỉ báng, người bị phỉ báng, người cắt, xẻ đâm, đánh, trói, xúc não gia hại, hoặc bị cắt xẻ, đâm, đánh, trói. Tất cả tánh tướng này đều là không, trong đó không nên vọng tưởng phân biệt.

Đại Bồ Tát ấy đắc nhẫn này nên từ khi mới phát tâm cho đến lúc ngồi tòa Bồ Đề, trong thời gian này giả sử tất cả loài hữu tình đều đến mắng chửi hủy báng, mạ nhục, lấy đao trượng, gạch ngói đá làm tổn hại đánh đập cắt xẻo, cho đến phân chẻ thân ra từng khúc, nhưng tâm Bồ Tát lúc ấy không biến đổi, chỉ nghĩ:

Thật kỳ lạ thay! Trong tánh của các pháp hoàn toàn không có những việc hủy báng chửi mắng, mạ nhục, làm hại nhưng do hữu tình vọng tưởng phân biệt cho là thật có, nên tạo ra nghiệp ác phiền não, đời hiện tại, đương lai chịu các khổ não. Đại Bồ Tát ấy đem căn lành này bình đẳng cho các hữu tình, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?

Ðó là Đại Bồ Tát an trụ bát nhã Ba la mật đa gồm cả an nhẫn Ba la mật đa.

Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào bát nhã Ba la mật đa dõng mãnh tinh tấn giảng nói chánh pháp cho các hữu tình, để họ trụ vào bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa. Hoặc khiến họ trụ vào bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Hoặc khiến an trụ vào các công đức khác.

Đại Bồ Tát ấy thành tựu những phương tiện thiện xảo, thân tâm tinh tấn dùng sức thần thông đi đến chỗ các hữu tình ở một Thế Giới, hoặc mười, một trăm cho đến vô lượng, vô biên Thế Giới, để giảng nói chánh pháp, dùng phương tiện giáo hóa khiến họ trụ vào quả Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán. Hoặc khiến họ an trụ vào Ðộc Giác Bồ Đề, hoặc khiến họ chứng đắc trí nhất thiết trí.

Đại Bồ Tát ấy mặc dù làm việc này nhưng không trụ vào cảnh giới hữu vi, cũng không trụ vào cảnh giới vô vi. Lại đem căn lành tinh tấn này bình đẳng cho các hữu tình, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, lấy vô sở đắc làm phương tiện.

Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?

Ðó là Đại Bồ Tát an trụ bát nhã Ba la mật đa gồm cả tinh tấn Ba la mật đa.

Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào bát nhã Ba la mật đa, ngoài định của Chư Phật ra, đối với thắng định của tất cả Thanh Văn, Ðộc Giác, Bồ Tát đều tự do xuất nhập tùy ý.

Đại Bồ Tát ấy an trụ vào thắng định tự tại của Bồ Tát, đối với tám giải thoát đều có thể tự tại mà xuất nhập thuận nghịch. Nghĩa là có sắc quán các sắc giải thoát cho đến Diệt tưởng thọ giải thoát.

Đại Bồ Tát ấy lại đối với chín định thứ đệ hoặc nghịch hoặc thuận đều vào ra tự tại, đó là bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định Vô Sắc, định Diệt tưởng thọ. Đối với tám giải thoát, chín định thứ đệ, Đại Bồ Tát ấy thuận nghịch xuất nhập đã thành thục hoàn toàn rồi có thể vào Sư tử tần thân Tam Ma Địa của Đại Bồ Tát.

Thế nào gọi là Sư tử tần thân Tam Ma Địa của Đại Bồ Tát?

Nghĩa là Đại Bồ Tát lìa pháp dục, ác, bất thiện, có tầm, có tứ, ly sanh hỉ lạc nhập vào sơ tịnh lự, tuần tự cho đến vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập vào định Diệt tưởng thọ.

Lại ra khỏi định Diệt tưởng thọ vào lại định Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tuần tự cho đến nhập vào sơ tịnh lự. Ðó là Sư tử tần thân Tam Ma Địa của Đại Bồ Tát. Đại Bồ Tát ấy đối với Sư tử tần thân Tam Ma Địa đã thành thục hoàn hảo rồi, lại nhập vào tập tán Tam Ma Địa của Đại Bồ Tát.

Thế nào gọi là Tập tán Tam Ma Địa của Đại Bồ Tát?

Nghĩa là Đại Bồ Tát lìa pháp dục, ác, bất thiện, có tầm, có tứ, ly sanh hỷ lạc nhập vào sơ tịnh lự.

Ra khỏi sơ tịnh lự tuần tự cho đến nhập vào định Diệt tưởng thọ.

Ra khỏi định Diệt tưởng thọ nhập vào sơ tịnh lự.

Ra khỏi sơ tịnh lự nhập vào định Diệt tưởng thọ.

Ra khỏi định Diệt tưởng thọ nhập vào tịnh lự thứ hai.

Ra khỏi tịnh lự thứ hai nhập vào định Diệt tưởng thọ.

Ra khỏi định Diệt tưởng thọ nhập vào tịnh lự thứ ba.

Ra khỏi tịnh lự thứ ba nhập vào định Diệt tưởng thọ.

Ra khỏi định Diệt tưởng thọ nhập vào tịnh lự thứ tư.

Ra khỏi tịnh lự thứ tư nhập vào định Diệt tưởng thọ.

Ra khỏi định Diệt tưởng thọ nhập vào Định không Vô Biên Xứ.

Ra khỏi Định không Vô Biên Xứ nhập vào định Diệt tưởng thọ.

Ra khỏi định Diệt tưởng thọ nhập vào Định thức vô biên xứ.

Ra khỏi Định thức vô biên xứ nhập vào định Diệt tưởng thọ.

Ra khỏi định Diệt tưởng thọ nhập vào định Vô sở hữu xứ.

Ra khỏi định Vô sở hữu xứ nhập vào định Diệt tưởng thọ.

Ra khỏi định Diệt tưởng thọ nhập vào định Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Ra khỏi định Phi tưởng phi phi tưởng xứ nhập vào định Diệt tưởng thọ.

Ra khỏi định Diệt tưởng thọ lại nhập vào định Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Ra khỏi định Phi tưởng phi phi tưởng xứ trụ vào tâm bất định.

Từ tâm bất định trở lại nhập vào định Diệt tưởng thọ.

Ra khỏi định Diệt tưởng thọ trụ vào tâm bất định.

Từ tâm bất định nhập vào định Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Ra khỏi định Phi tưởng phi phi tưởng xứ trụ vào tâm bất định.

Từ tâm bất định nhập vào định Vô sở hữu xứ.

Ra khỏi định vô sở hữu trụ vào tâm bất định.

Từ tâm bất định nhập vào Định thức vô biên xứ.

Ra khỏi Định thức vô biên xứ trụ vào tâm bất định.

Từ tâm bất định nhập vào Định không vô biên xứ.

Ra khỏi Định không vô biên xứ trụ vào tâm bất định.

Từ tâm bất định nhập vào tịnh lự thứ tư.

Ra khỏi tịnh lự thứ tư trụ vào tâm bất định.

Từ tâm bất định nhập vào tịnh lự tứ ba.

Ra khỏi tịnh lự thứ ba trụ vào tâm bất định.

Từ tâm bất định nhập vào tịnh lự thứ hai.

Ra khỏi tịnh lự thứ hai trụ vào tâm bất định.

Từ tâm bất định nhập vào sơ tịnh lự.

Ra khỏi sơ tịnh lự trụ vào tâm bất định.

Ðó là Tập tán Tam Ma Địa của Đại Bồ Tát. Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào tập tán Tam Ma Địa như vậy thì đắc thật tánh bình đẳng của tất cả pháp. Đại Bồ Tát ấy lại đem căn lành tịnh lự này bình đẳng cho các hữu tình, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, lấy vô sở đắc mà làm phương tiện.

Khi hồi hướng đại bồ đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?

Ðó là Đại Bồ Tát an trụ bát nhã Ba la mật đa gồm cả tịnh lự Ba la mật đa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần