Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Hai Mươi Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường
PHẦN HAI MƯƠI BỐN
Thiện nam! Giả sử tất cả hữu tình cho đến tất cả loài hữu tình đồng thời hỏi Phật: Về danh cú, văn, thân mỗi mỗi khác nhau, Như Lai trong một sát na, hoặc một lạp phược, một mâu hô lật đa đều có khả năng trả lời, giải thích mà chẳng cùng tận.
Thiện nam! Như Lai thành tựu cảnh giới sở hành tĩnh lự mà không hề chướng ngại.
Thiện nam! Giả sử làm cho tất cả hữu tình đều trụ vào quả vị mười địa của Chư Bồ Tát, Bồ Tát như vậy trong cùng một lúc đều nhập vào vô lượng trăm ngàn các Tam ma địa. Khi nhập như vậy trải qua vô lượng trăm ngàn các kiếp, nơi nhập tĩnh lự của Bồ Tát mỗi mỗi chẳng động, cũng không thể biết được Tam ma địa và bờ mé cảnh giới sở hành của Phật đạt được.
Thiện nam! Như Lai thành tựu vô lượng sắc thân, nếu các hữu tình cần dùng sắc thân Như Lai để giáo hóa, thì Như Lai có thể ngay trong một sát na hoặc một lạp phược, một mâu hô lật đa, ở trước mỗi loài hữu tình kia thị hiện tướng sắc thân Như Lai.
Nếu các hữu tình cần thấy tướng sắc thân của những loài hữu tình khác thì Như Lai có thể ngay trong một sát na hoặc một lạp phược, một mâu hô lật đa, mỗi mỗi ở trước hữu tình ấy thị hiện tướng sắc thân của những loài hữu tình khác nhau.
Thiện nam! Cảnh giới mà mắt Như Lai nhận thấy có vô lượng thứ. Chỗ thấy của Thiên nhãn thì nhục nhãn của các hữu tình không thể thấy, những loài hữu tình như vậy đầy khắp Thế Giới, vượt ngoài sự tính toán suy lường. Đức Thế Tôn như thật quán thấy tất cả hữu tình đó giống như thấy trái Am ma la trong lòng bàn tay.
Này thiện nam! Cảnh giới mà tai Như Lai nghe thấy có vô lượng thứ, như trước đã nói trong vô lượng, vô biên các Thế Giới hữu tình tràn đầy khắp.
Tất cả hữu tình ở những Thế Giới ấy trong một sátna, một lạp phược, một mâu hô lật đa đồng thời phát ra âm thanh, nhưng các âm thanh ấy âm vận trầm bổng, ngôn từ lớn nhỏ, nói năng khác nhau. Như Lai nghe mỗi mỗi âm thanh sai biệt ấy đều có thể biết rõ.
Này thiện nam! Như Lai thành tựu Thánh trí vô tận vô lượng giống như hư không.
Thiện nam! Tất cả chúng sinh tận cõi hữu tình, mỗi mỗi vẽ ra từng tư duy riêng khác, gây từng loại nghiệp khác nhau, Như Lai trong một sát na, một lạp phược, một mâu hô lật đa, có thể biết rõ tất cả hữu tình này vẽ ra như vậy, suy nghĩ như vậy, tạo nghiệp như vậy, được quả như vậy. Như Lai dùng trí vô ngại có thể biết rõ tất cả nghiệp quả ba đời của các hữu tình kia.
Vì sao?
Vì Như Lai thường ở trong Tam Ma Rị Đa.
Vì sao?
Vì Như Lai không thất niệm, các căn không tán loạn, tâm không giong ruổi.
Vì sao?
Này thiện nam! Vì Như Lai trụ vắng lặng, rất vắng lặng, hết sức vắng lặng nên có khả năng đoạn trừ tất cả các phiền não.
Này thiện nam! Nếu chúng sinh kia có các phiền não, tâm giong ruổi thì không thể đắc các Tam ma địa. Như Lai không có phiền não bụi dơ, khởi trí vô lậu, chứng được tất cả lý tánh bình đẳng tự tại của các pháp, thông đạt tất cả cảnh giới sở hành các Tam ma địa, Tam ma bát để.
Này thiện nam! Bốn loại oai nghi của Như Lai mỗi mỗi đều trụ vào Tam ma địa, cho đến Như Lai nhập vào Niết Bàn trải qua thời gian như vậy luôn trụ vào Tam ma địa, huống gì là thời gian ngắn mà không ở trong định sao!
Này thiện nam! Như Lai ở trong vô lượng kiếp tích tập tư lương, do vậy Như Lai thường trụ Tam ma địa.
Này thiện nam! Có thể trắc lường, có thể tư duy, có thể đo tính về Như Lai chăng?
Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thưa không! Vì Đức Như Lai ở trong ba atăng kỳ kiếp tích tập tư lương mà chứng được như vậy.
Phật nói: Này thiện nam! Ta ở trong vô lượng kiếp tích tập tư lương, chứng được cảnh không thể nghĩ bàn của Như Lai, không chỉ ở trong ba tăng kỳ kiếp mà chứng được. Nhưng vì Bồ Tát ngộ giải tánh các pháp bình đẳng rồi mới được nhập vào số ba tăng kỳ ấy, chứ chẳng phải mới phát tâm.
Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các hữu tình được nghe oai đức lớn của Như Lai có thể khởi tịnh tín hoan hỷ vui mừng, thì các hữu tình ấy đã có phước đức, làm các điều thiện, dứt trừ nghiệp chướng, nếu khởi tin hiểu thì thân cận bồ đề, huống gì là nghe rồi thọ trì, đọc tụng, hiểu biết rốt ráo nói rộng cho người khác.
Bạch Thế Tôn! Hữu tình như vậy chẳng bao lâu có thể thành tựu oai đức của Như Lai.
Phật nói: Đúng vậy! Đúng vậy! Này thiện nam! Các hữu tình này sẽ được vô lượng Chư Phật thâu nhận, sẽ được thừa sự vô lượng Chư Phật, trồng các căn lành.
Nếu thiện nam, thiện Nữ nào được nghe oai đức rộng lớn của Như Lai mà hoàn toàn không khởi tâm do dự, nghi hoặc về oai đức của Như Lai thì có thể ý thích tư duy, tâm tịnh thắng giải, mặc áo mới sạch, như pháp cúng dường, có thể trong vòng bảy ngày bảy đêm chuyên niệm tư duy tâm không tán loạn, mãn bảy ngày bảy đêm liền vào đêm ấy được thấy Như Lai.
Nếu pháp đã làm không được đầy đủ thì người này khi mạng chung tâm không tán loạn, sẽ được ở ngay trước Như Lai.
Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có các hữu tình nào khi nghe nói oai đức lớn của Như Lai mà sinh bất tín không?
Phật nói: Có! Này thiện nam! Như các hữu tình khi nghe nói oai đức rộng lớn của Như Lai, thì liền có ý thích dữ tợn thô ác khổ độc, khởi tâm tổn hại, đối với thầy thuyết pháp khởi tưởng về tri thức ác, do nhân duyên này sau khi thân hoại sinh vào địa ngục.
Này thiện nam! Nếu các hữu tình nào nghe nói oai đức rộng lớn của Như Lai mà tâm sinh tịnh tín, đối với thầy thuyết pháp khởi tưởng về tri thức thiện và xem là thầy dẫn dắt, thì nên biết các hữu tình này chắc chắn nhiều đời sinh ở nơi từng nghe oai đức rộng lớn của Như Lai.
Hoặc các hữu tình này suy nghĩ như vậy: Thuở xưa ta sinh ở trong pháp hội Chư Phật từng nghe pháp này, do đó chúng ta nghe về oai đức rộng lớn của Như Lai, tâm sinh tịnh tín như Đức Thế Tôn dạy. Nay nghe oai đức rộng lớn của Như Lai tâm sinh tịnh tín ấy, vì thuở xưa đã từng nghe như vậy.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn liền hiện tướng lưỡi che trùm cả mặt, lại che cả thân kể cả Tòa Sư Tử và các Bồ Tát, chúng Thanh Văn, Đế Thích, Phạm Vương, Hộ thế cho đến che tất cả đại hội.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn thâu tướng lưỡi lại, bảo đại chúng: Này thiện nam! Tướng lưỡi như vậy là do Như Lai không vọng ngữ, các ông nên hết lòng sinh tịnh tín, có thể ở trong nhiều đời được lợi ích an lạc.
Khi nói pháp này có tám vạn bốn ngàn Bồ Tát được pháp Nhẫn vô sinh, vô lượng trăm ngàn hữu tình xa lìa bụi nhơ được pháp nhãn thanh tịnh, ngoài ra còn có vô lượng hữu tình chưa từng có khả năng phát tâm bồ đề thì đều phát tâm.
Bấy giờ, Đức Bạc Già Phạm bảo Bồ Tát Chỉ Cái: Này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì đối với thế tục được thiện xảo.
Những gì là mười?
1. Ở trong thế tục đế hiện bày có sắc, còn ở trong thắng nghĩa đế thì sắc không thể thủ đắc cũng chẳng chấp trước. Ở trong thế tục đế hiện bày thọ, tưởng, hành, thức, còn ở trong thắng nghĩa đế thì thọ, tưởng, hành, thức đều không thể thủ đắc cũng chẳng chấp trước.
2. Ở trong thế tục đế hiện bày địa giới, còn trong thắng nghĩa đế thì địa giới không thể thủ đắc cũng không chấp trước. Ở trong thế tục đế hiện bày thủy, hỏa, phong, không và thức giới, còn trong thắng nghĩa đế thì thủy cho đến thức giới đều không thể thủ đắc cũng không chấp trước.
3. Ở trong thế tục đế hiện bày nhãn xứ, còn trong thắng nghĩa đế nhãn xứ không thể thủ đắc cũng chẳng chấp trước. Ở trong thế tục đế hiện bày nhĩ xứ cho đến ý xứ, còn trong thắng nghĩa đế thì từ nhĩ xứ cho đến ý xứ đều không thể thủ đắc cũng chẳng chấp trước.
4. Ở trong thế tục đế hiện bày có ngã, còn trong thắng nghĩa đế ngã không thể thủ đắc cũng chẳng chấp trước.
5. Ở trong thế tục đế hiện bày có hữu tình, còn trong thắng nghĩa đế hữu tình không thể thủ đắc cũng chẳng chấp trước.
6. Ở trong thế tục đế hiện bày có sinh mạng, dưỡng dục, ý sinh, Bổ Đặc Ca La, Ma Nạp Phược Ca. Còn trong thắng nghĩa đế đều không thể thủ đắc cũng chẳng chấp trước.
7. Ở trong thế tục đế hiện bày có thế gian, còn trong thắng nghĩa đế thế gian không thể thủ đắc cũng chẳng chấp trước.
8. Ở trong thế tục đế hiện bày có pháp thế gian, còn trong thắng nghĩa đế pháp thế gian không thể thủ đắc cũng chẳng chấp trước.
9. Ở trong thế tục đế hiện bày có pháp Phật, còn trong thắng nghĩa đế pháp Phật không thể thủ đắc cũng chẳng chấp trước.
10. Ở trong thế tục đế hiện bày có bồ đề, còn trong thắng nghĩa đế sở chứng bồ đề và người năng giác đều không thể thủ đắc cũng chẳng chấp trước.
Này thiện nam! Nhân nơi tưởng mà thiết bày tất cả ngôn thuyết, đó gọi là thế tục đế, còn ở trong thắng nghĩa đế, thế tục đế không thể thủ đắc nhưng lìa thế tục thì chẳng có thắng nghĩa đế.
Này thiện nam! Nếu Bồ Tát ở trong thế tục đế có khả năng được thiện xảo, chẳng phải thắng nghĩa đế, vì thế gọi là thế tục điên đảo.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được thế tục thiện xảo.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được thắng nghĩa thiện xảo.
Những gì là mười?
1. Chứng được pháp tánh vô sinh.
2. Chứng được pháp tánh bất diệt.
3. Chứng được pháp tánh bất hoại.
4. Chứng được pháp tánh chẳng ra chẳng vào.
5. Chứng được pháp tánh siêu vượt ngôn ngữ sở hành.
6. Chứng được pháp tánh vô ngôn.
7. Chứng được pháp tánh lìa hý luận.
8. Chứng được pháp tánh không thể nói.
9. Chứng được pháp tánh vắng lặng.
10. Chứng được pháp tánh Bậc Thánh.
Vì sao?
Này thiện nam! Vì thắng nghĩa đế không sinh, không diệt, không hoại, chẳng ra chẳng vào, siêu vượt ngôn ngữ, chẳng phải văn tự mà được, chẳng phải hý luận mà được, không thể ngôn thuyết, yên tĩnh vắng lặng, là sở chứng từ nội tâm của những Bậc Thánh.
Này thiện nam! Vì các Đức Như Lai nếu có xuất hiện hay không xuất hiện thì lý thắng nghĩa này vẫn thường trụ bất hoại. Vì thắng nghĩa đó nên Bồ Tát cạo bỏ râu tóc, thân mặc ca sa, tâm sinh chánh tín, xa lìa gia đình, đến nơi không gia đình, đó là xuất gia.
Được xuất gia rồi chuyên cần tu tập, như trên đầu quấn tơ lụa bị lửa thiêu đốt, chuyên cầu thắng nghĩa như cứu hỏa chẳng ngừng. Nếu không có thắng nghĩa thì phạm hạnh cũng là luống uổng, dù Chư Phật ra đời cũng không có ích gì.
Này thiện nam! Do có thắng nghĩa nên các Bồ Tát ở trong pháp này có khả năng được thiện xảo.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được thắng nghĩa thiện xảo.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được duyên khởi thiện xảo.
Những gì là mười?
1. Có khả năng biết tánh không.
2. Có khả năng biết tánh không sở hữu.
3. Có khả năng biết tánh không vững chắc.
4. Có khả năng biết tánh như hình bóng.
5. Có khả năng biết tánh như bóng dáng.
6. Có khả năng biết tánh như tiếng vang.
7. Có khả năng biết tánh như huyễn.
8. Có khả năng biết tánh chẳng trụ.
9. Có khả năng biết tánh dao động.
10. Có khả năng biết tánh duyên khởi.
Bồ Tát suy nghĩ như vậy: Các pháp không như vậy, không sở hữu như vậy, không vững chắc như vậy, giống hình bóng như vậy, giống bóng dáng như vậy, giống tiếng vang như vậy, giống huyễn như vậy, vô trụ như vậy, dao động như vậy, duyên khởi như vậy.
Lại còn tư duy: Ta có khả năng biết rõ sự sinh, có khả năng biết rõ sự diệt của các pháp này.
Bồ Tát lại suy nghĩ: Tất cả các pháp do nhân gì sinh?
Do nhân gì diệt?
Nghĩa là do vô minh làm duyên hay sinh ra các pháp, vô minh là đứng đầu, vô minh làm chỗ nương.
Nương vào vô minh mà các hành sinh khởi, nương vào các hành mà các thức sinh khởi, nương vào thức mà danh sắc sinh khởi, nương vào danh sắc mà lục xứ sinh khởi, nương vào lục xứ mà các xúc sinh khởi, các xúc sinh khởi rồi thì sẽ hiện bày về thọ, do có thọ nên sinh ra ái. Người ngu bị ái thúc giục nên sinh ra thủ, thủ đó là thọ thủ.
Vì thủ sinh nên hữu tiếp nối sinh khởi, nương vào hữu mà có sinh, nương vào sinh mà có già, vì có già nên chúng sinh đều chết, vì có chết nên lập tức sinh ưu bi khổ não, các pháp chứa nhóm thành khối khổ lớn. Vì thế người trí nên phải chuyên cần tiêu diệt vô minh, nhổ gốc rễ của nó, nếu vô minh diệt thì các pháp diệt.
Này thiện nam! Ví như mạng căn diệt rồi thì các căn khác đều diệt. Vô minh như vậy diệt thì liền không còn chỗ nương, vì không còn chỗ nương nên phiền não không khởi lên, vì nhân sinh tử diệt nên quả các nẻo diệt. Do vậy, Bồ Tát có thể chứng Niết Bàn.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được duyên khởi thiện xảo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba