Phật Thuyết Kinh đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình đẳng Giác - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Suối Ao Công đức

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hội tập: Ngài Hạ Liên Cư

PHẬT THUYẾT KINH ĐẠI THỪA

VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC

Hội tập: Ngài Hạ Liên Cư   

PHẨM MƯỜI BẢY

PHẨM SUỐI AO CÔNG ĐỨC  

Hai bên giảng đường có ao suối chảy quanh, ngang dọc sâu cạn bằng nhau, hoặc mười hai mươi hoặc trăm ngàn do tuần, phẳng lặng thơm sạch, nước đủ tám công đức.

Trên bờ có vô số cây Chiên Đàn Hương, cây trái cát tường, hoa quả thơm tho, chiếu sáng rực rỡ. Lá dày che khắp trên ao, tỏa ra các mùi thơm, hương thơm thoảng trong gió theo nước bay xa, thế gian không ví được.

Các ao bằng bảy báu, đáy bằng cát vàng, các hoa sen Ưu Bát La, Bát Đàm Ma, Câu Vật Đầu, Phân Đà Lợi, nhiều màu rực rỡ khắp trên mặt nước.

Chúng sanh muốn tắm, nếu muốn nước đến chân, đến gối, đến lưng, đến cổ hoặc muốn rưới khắp thân, muốn lạnh, muốn ấm, chảy mạnh hay từ từ, nhất nhất theo ý muốn, giúp phát giác tánh, phá mê khai ngộ, sạch sẽ yên tịnh.

Cát báu dưới đáy phản chiếu khắp nơi, sóng gợn lăn tăn phát ra vô lượng âm thanh vi diệu, nào tiếng Tam Bảo, tiếng Ba La Mật, tiếng chỉ tức tịch tịnh, tiếng vô sanh vô diệt, tiếng thập lực vô úy, tiếng vô tánh vô tác vô ngã, tiếng đại từ bi hỷ xả, tiếng cam lộ quán đảnh thọ vị.

Khi nghe các âm thanh như vậy tâm liền thanh tịnh không còn phân biệt, chánh trực bình đẳng, thành thục căn lành.

Ý muốn nghe pháp nào chỉ có pháp đó phát ra, nếu không muốn nghe nữa liền im lặng, vĩnh viễn không thối tâm Bồ Đề.

Những người trong mười phương Thế Giới được vãng sanh đều hóa sanh từ trong hoa sen ở ao Thất Bảo, được thân pháp tánh, thể chất bất sanh bất diệt, không còn nghe tên khổ não khổ nạn của tam đồ.

Giả dụ còn không có, huống là có khổ. Chỉ có tiếng vui thích tự nhiên, do vậy nước đó gọi là Cực Lạc.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần