Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Mười Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường  

PHẦN MƯỜI SÁU  

Này thiện nam! Đại Bồ Tát ở trong chúng hội không còn sợ sệt, nên được biện tài không ngập ngừng. An trú vào trí tuệ nên được biện tài không tạp loạn. Bồ Tát ở trong chúng hội không sợ sệt như Sư Tử chúa không khiếp không sợ nên được biện tài không thấp kém. Không phiền não nên được biện tài không kiêu ngạo.

Này thiện nam! Có phiền não tức là có kiêu ngạo, còn phiền não thì còn kiêu ngạo. Bồ Tát chứng được pháp tánh nên được biện tài nghĩa lý không thoái thất.

Này thiện nam! Người chưa chứng được pháp tánh thì đối với nghĩa lý còn thoái thất, người không chứng được thì cũng còn thoái thất. Bồ Tát đối với tất cả ngôn luận không còn run sợ, nên được biện tài văn tự không thấp kém.

Thiện nam! Người biết được chút ít ngôn luận nên đối với văn tự còn thoái thất, không biết tất cả ngôn luận thì gọi là thấp kém. Bồ Tát tích tập các phương tiện nên được biện tài phương tiện không thấp kém. Người không thiện xảo thì đối với phương tiện còn bị thoái thất, người có thiện xảo thì không còn thấp kém.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát biết lúc tăng trưởng, biết đúng lúc, biết lúc đầu, giữa, cuối, Bồ Tát chẳng đem trước nói sau, chẳng đem sau nói trước, nói đúng lúc, cho nên được biện tài đúng lúc không thấp kém. Do lìa hẳn những lời nói hý luận nên được biện tài không còn thô lỗ.

Này thiện nam! Do có hý luận nên có thô bạo, không có hý luận nên không thô bạo.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát nào các căn nhạy bén thì được biện tài biết sáng rõ. Người nào có các căn chậm lụt thì không biết sáng rõ, người nào có các căn không nhạy bén thì không sáng rõ.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được biện tài thanh tịnh.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì làm cho tất cả chúng sinh được niềm vui tràn đầy:

1. Lời nói khả ái.

2. Miệng luôn mỉm cười không nhăn nhó.

3. Hay diễn thuyết nghĩa lý.

4. Hay diễn thuyết pháp.

5. Hay nói bình đẳng.

6. Không có cao ngạo.

7. Không khinh rẻ.

8. Không nhiễm đắm.

9. Không sân giận.

10. Được những loại biện tài.

Này thiện nam! Thế nào là lời nói khả ái?

Là Bồ Tát nói những lời luôn khiến cho hữu tình tâm được vui mừng.

Thế nào là miệng luôn mỉm cười?

Là nhan sắc Bồ Tát luôn từ hòa hay an ủi khiến cho hữu tình được yên ổn.

Thế nào là hay diễn thuyết nghĩa lý?

Là Bồ Tát hay nói những lời hợp với trình độ.

Thế nào là hay diễn thuyết pháp?

Là Bồ Tát hễ khi diễn thuyết đều nhằm lợi ích cho hữu tình.

Thế nào là nói bình đẳng?

Là Bồ Tát thường dùng tâm bình đẳng trao pháp cho các hữu tình.

Thế nào là không cao ngạo?

Là Bồ Tát không còn ngã mạn đối với đồng loại.

Thế nào là Bồ Tát không khinh rẻ?

Là Bồ Tát thuyết pháp luôn tôn trọng pháp.

Thế nào là Bồ Tát không nhiễm?

Là Bồ Tát đối với giới vô cùng thanh tịnh.

Thế nào là không sân giận?

Là Bồ Tát tánh luôn thực hành nhẫn nhục.

Thế nào là được những loại biện tài?

Là Bồ Tát nói những lời tốt đẹp làm cho chúng sinh vui mừng.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì làm cho các hữu tình hoan hỷ tràn đầy.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể khiến cho các hữu tình lãnh thọ những lời dạy của Bồ Tát ấy.

Những gì là mười?

1. Không thuyết pháp cho người không có khả năng nhận pháp.

2. Không thuyết pháp cho người sân hận.

3. Không thuyết pháp cho người tăng thượng mạn.

4. Không thuyết pháp cho ngoại đạo.

5. Không thuyết pháp cho người chẳng có lòng kính trọng.

6. Không thuyết pháp cho người chẳng có tịnh tín.

7. Không thuyết pháp cho người dối nịnh.

8. Không thuyết pháp cho người mê đắm mạng sống.

9. Không thuyết pháp cho người bị ràng buộc theo thói cầu lợi dưỡng, được người khác tôn trọng, ganh tỵ keo kiệt.

10. Không thuyết pháp cho người đần độn, câm điếc.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát chẳng vì tiếc pháp mà không nói, cũng chẳng vì làm thầy giữ bí mật mà không nói, cũng chẳng vì hữu tình khinh mình, chẳng vì họ vứt bỏ pháp mà chỉ vì họ không có khả năng nhận pháp nên không thuyết pháp cho họ.

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những hữu tình nào mà Chư Phật, Bồ Tát thuyết pháp cho họ?

Đức Phật bảo: Này thiện nam! Các hữu tình nào đầy đủ tín căn, thành thục pháp khí, hầu hạ thờ kính Chư Phật, tâm không dua nịnh cũng chẳng hư dối, oai nghi không dối trá, không tham lợi dưỡng, ý lạc tròn đủ, là người đức hạnh tốt, nghe pháp giác ngộ, khéo được bừng tỏ, lợi căn thông tuệ, tùy theo nghĩa lý tuyên thuyết mà liền hiểu rõ.

Vì chứng được pháp nên chuyên cần tinh tấn tu tập, nương theo giáo pháp của Như Lai mà tu hành.

Này thiện nam! Những hàng hữu tình như vậy, Phật và Bồ Tát thuyết pháp cho họ.

Thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì khiến cho hữu tình lãnh thọ lời dạy của Bồ Tát ấy.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể làm thầy thuyết pháp.

Những gì là mười?

1. Vì chứa nhóm pháp Phật nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng pháp Phật không thể thủ đắc, chứa nhóm cũng không thể thủ đắc.

2. Vì chứa nhóm các Ba la mật đa nên có thể thuyết pháp, nhưng Ba la mật đa không thể thủ đắc, chứa nhóm cũng không thể thủ đắc.

3. Vì chứa nhóm bồ đề nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng Bồ Đề không thể thủ đắc, chứa nhóm cũng không thể thủ đắc.

4. Vì đoạn trừ phiền não nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng phiền não không thể thủ đắc, đoạn trừ cũng không thể thủ đắc.

5. Nhàm chán tham, lìa tham, diệt tham nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng chán lìa trừ diệt tham đều không thể thủ đắc.

6. Vì được Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn Hướng, quả nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn Hướng, quả đều không thể thủ đắc.

7. Vì được A La Hán hướng, quả nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng A La Hán hướng, quả đều không thể thủ đắc.

8. Vì được Duyên Giác hướng, Duyên Giác quả nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng Duyên Giác hướng, quả đều không thể thủ đắc.

9. Vì đoạn hẳn chấp trước về ngã nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng ngã và chấp trước đều không thể thủ đắc.

10. Vì hiện ra nghiệp và dị thục nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng nghiệp và dị thục đều không thể thủ đắc.

Vì sao?

Vì các Bồ Tát ấy suy nghĩ thế này: Do danh tự nên nói có pháp, sự thuyết pháp ấy vốn không thể thủ đắc.

Vì sao?

Vì pháp chẳng phải văn tự, văn tự chẳng phải pháp, nhưng vì trong pháp tục đế thuận theo thế tục, nên từ trong pháp không danh tự mà đặt ra danh tự, đối với thắng nghĩa đế không có danh tự, danh tự ấy là hư vọng, chỉ mượn bày để dẫn dụ, dìu dắt kẻ ngu nên nói ra lời ấy.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này nên có thể làm thầy thuyết pháp.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được tùy pháp tánh hành.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát tùy pháp tánh hành nhưng không lìa sắc cũng không lìa thọ, tưởng, hành, thức.

2. Tùy pháp tánh hành nhưng không lìa Dục Giới.

3. Tùy pháp tánh hành nhưng không lìa Sắc Giới.

4. Tùy pháp tánh hành nhưng không lìa Vô Sắc Giới.

5. Tùy pháp tánh hành nhưng không xả bỏ pháp.

6. Tùy pháp tánh hành nhưng không chấp trước pháp.

7. Tùy pháp tánh hành nhưng không xả bỏ hữu tình.

8. Tùy pháp tánh hành nhưng không đoạn kiến.

9. Tùy pháp tánh hành nhưng không thực hành thường kiến.

10. Tùy pháp tánh hành nhưng không xả bỏ chánh đạo.

Vì sao?

Vì Bồ Tát thành tựu bát nhã phương tiện thiện xảo, tuy tùy thuận pháp tánh nhưng đối với sắc… không xả bỏ, không tham đắm, cũng không làm theo.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được tùy pháp tánh hành.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được pháp giới thiện xảo.

Những gì là mười?

1. Có trí tuệ.

2. Gặp tri thức thiện.

3. Tu chuyên cần tinh tấn.

4. Lìa tất cả chướng ngại.

5. Thanh tịnh vô cùng.

6. Tôn trọng lời răn dạy.

7. Tu nhiều tánh không.

8. Lìa các mạn kiến.

9. Hướng đến đạo.

10. Thấy nghĩa chân thật.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có trí tuệ là cầu tri thức thiện, gặp tri thức thiện nên được hoan hỷ vui mừng.

Đối với tri thức thiện nghĩ tướng như Phật, nương tựa nơi tri thức thiện, nhờ nương tựa tri thức thiện nên tu hành chuyên cần tinh tấn đoạn hẳn tất cả các pháp bất thiện, viên mãn tất cả pháp lành. Vì tu hành chuyên cần tinh tấn nên diệt trừ tất cả chướng ngại, không còn chướng ngại, chánh đạo mở bày xa lìa lỗi lầm của thân, khẩu, ý.

Do lìa chướng ngại nên được thanh tịnh vô cùng, đã thanh tịnh rồi thì tôn trọng lời răn dạy, được răn dạy rồi hay tu hành nhiều tánh không, tu hành nhiều tánh không rồi liền xa lìa ngạo mạn, kiến. Xa lìa ngạo mạn, kiến rồi liền được hướng đến chánh đạo. Bồ Tát tụ chánh đạo rồi thì thấy được nghĩa chân thật.

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là nghĩa chân thật?

Đức Phật bảo: Này thiện nam! Nghĩa chân thật tức là tăng thêm lời thật nghĩa.

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Sao gọi là thật nghĩa?

Phật nói: Này thiện nam! Điều không hư vọng là thật nghĩa.

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là không hư vọng?

Phật nói: Này thiện nam! Chân như là không hư vọng, không sai khác.

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là chân như?

Phật nói: Này thiện nam! Pháp này là từ nội tâm chứng được, không thể dùng văn tự mà diễn tả được.

Vì sao?

Vì pháp này siêu vượt tất cả văn tự, ngôn thuyết và hý luận, lìa mọi sự ra vào, không còn tính toán và sự tính toán, không tướng, lìa tướng, chẳng phải việc làm của người ngu, xa lìa tất cả các cảnh giới của ma và tất cả cảnh giới phiền não, chẳng phải sở hành của thức, trụ chỗ không trụ, tự tánh vắng lặng, siêu vượt chỗ đi vào của Bậc Thánh trí.

Do nhân duyên đó nên từ nội tâm chứng được, không bẩn không nhiễm, thanh tịnh vi diệu, trên hết không gì bì kịp, thường hằng bất động, tánh không hoại diệt. Nếu các Đức Như Lai xuất hiện ở đời hoặc không ra đời thì tự tánh pháp giới vẫn thường trụ như vậy.

Này thiện nam! Vì lợi ích, nên các Bồ Tát dũng mãnh tu hành vô lượng khổ hạnh, để chứng pháp tánh này, được pháp tánh rồi an trí cho các hữu tình trụ vào pháp ấy.

Thiện nam! Đó gọi là chân như cũng gọi là thật tế, gọi là nhất thiết trí, nhất thiết chủng trí, gọi là cảnh giới không thể bàn, còn gọi là cảnh giới không hai.

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào chứng được pháp này?

Làm thế nào để từ nội tâm chứng được pháp này?

Phật nói: Này thiện nam! Nên dùng bát nhã xuất thế gian để tự chứng pháp này.

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như vậy thì bát nhã hiện chứng chính là từ nội tâm chứng chăng?

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần