Phật Thuyết Kinh Bát đại Linh Tháp Danh Hiệu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Hiền, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
BÁT ĐẠI LINH THÁP DANH HIỆU
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Hiền, Đời Tống
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ta nay ngợi khen danh hiệu tám Linh Tháp lớn, các ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì các ông mà nói.
Tám linh tháp đó là gì?
Đó là:
Thứ nhất vườn Long di nhĩ trong thành Ca Tỳ La là sanh xứ của Phật.
Thứ hai, dưới cây Bồ Đề, bên bờ sông Ni Liên thuộc nước Ma Già Đà, chỗ Phật chứng đạo quả.
Thứ ba là thành Ba La Nại thuộc nước Ca Thi, là chỗ Phật chuyển Đại Pháp luân.
Thứ tư là vườn Kỳ Đà thuộc nước Xá Vệ, chỗ hiện đại thần thông.
Thứ năm là thành Khúc Nữ, chỗ từ cung Trời Đao Lợi giáng hạ.
Thứ sáu là thành Vương xá, chỗ các Thanh Văn phân biệt, Phật vì họ hoá độ.
Thứ bảy là thành Quảng Nghiêm, Linh Tháp, chỗ nghĩ nhớ thọ lượng.
Thứ tám là thành Câu Thi Na trong rừng Ta La, ở giữa hai cây to, chỗ nhập Niết Bàn. Như thế là tám tháp linh lớn.
Nói lại bằng kệ:
Thành Ca Tỳ Vương Đô Tịnh Phạn
Vườn Long Di Ni chỗ Phật sanh
Nước Ma Già Đà, bờ Ni Liên
Dưới cội Bồ Đề thành Chánh Giác
Thành Ba La Nại nước Ca Thi
Chuyển đại pháp luân mười hai hành
Vườn Kỳ Đà trong thành Xá Vệ
Hiện thần thông biến khắp Tam Giới
Nước Tang Ca Thi, thành Khúc Nữ
Giáng xuống từ cung Trời Đao Lợi
Đại thành Vương Xá, Tăng phân biệt
Như Lai khéo hoá hành từ bi
Linh tháp trong đại thành Quảng Nghiêm
Chỗ Như Lai tư niệm thọ lượng
Chốn Đại lực thành Câu Thi Na
Ta la song thọ nhập Niết Bàn.
Tám linh tháp lớn như thế, nếu có các Bà La Môn, thiện nam tử và thiện nữ nhân v.v… phát lòng tin lớn tu sửa, kiến tạo Tháp Miếu phụng thờ cúng dường, thì người này được lợi ích lớn, được quả báo lớn, đầy đủ tiếng khen lớn, danh tiếng biến khắp, sâu xa, rộng lớn. Cho đến các Tỳ Kheo cũng phải nên học.
Lại nữa, các Tỳ Kheo! Nếu có Thiện Nam, thiện nữ tịnh tín, có thể đối với tám tháp linh lớn này, trong đời sống này hướng về chí thành cúng dường, người này khi mạng chung mau chóng sanh về Cõi Trời.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ Kheo: Các ông hãy lắng nghe! Ta nay sẽ nói về thành, nước nơi du hành, dừng nghỉ, và năm trụ thế.
Rồi Ngài nói kệ:
Hai mươi chín năm ở Vương Cung
Sáu năm núi tuyết, tu khổ hạnh
Năm năm hóa độ thành Vương Xá
Bốn năm ở tại rừng Tỳ Sa
Hai năm an cư Nhạ Lý Nham
Hai mươi ba năm dừng Xá Vệ
Thành Quảng Nghiêm và vườn Lộc Dã
Ma câu lê cùng Trời Đạo Lợi
Thi thâu na và Kiều Đàm Di
Tháp báu, đỉnh núi cùng đồng trống
Tụ lạc Vĩ Nộ, Vua Phệ Lan
Thành Ca Tỳ, Vương Đô Tịnh Phạn
Những Thánh cảnh này mỗi một năm
Thích Ca Như Lai đều đến ở
Như vậy tám mươi năm trụ thế
Sau đó Mâu Ni nhập Niết Bàn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Niên Thiếu - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Năm - Phẩm Tập Tương ưng - Kinh Cung Kính
Phật Thuyết Kinh Hoằng đạo Quảng Hiển Tam Muội - Phẩm Một - Phẩm ðược Tâm Phổ Trí