Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Một - Phẩm Giới - Chuyện Con Nai Cây ða Tiền Thân Nigrodhamiga

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MỘT  

PHẨM GIỚI  

CHUYỆN CON NAI CÂY ÐA

TIỀN THÂN NIGRODHAMIGA  

Sống với Nigrodha. Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, Bậc Ðạo Sư đã kể về mẹ của Trưởng Lão Cumarakassapa Cưu Ma La Ca Diếp.

Tục truyền rằng thuở còn là con gái một triệu phú giàu có ở thành Vương Xá, nàng đầy thiện căn để chấm dứt các hành, sống đời cuối cùng như cây đèn trong ghè, nội tâm nàng sáng chói niềm hy vọng chứng quả A La Hán. Từ khi hiểu biết về mình, nàng không vui trong đời sống gia đình, và muốn xuất gia.

Nàng thưa với cha mẹ: Thưa cha mẹ thân, tâm con không vui với đời sống gia đình, con muốn xuất gia trong giáo pháp giải thoát của Đức Phật. Hãy cho phép con xuất gia.

Này con, con nói gì vậy?

Gia đình này rất giàu có. Con là con gái độc nhất của chúng ta.

Con không được xuất gia!

Nàng tiếp tục xin, không được cha mẹ cho xuất gia, nàng nghĩ: Thôi, hãy chấp nhận là vậy.

Khi nào về nhà chồng, được chồng bằng lòng, ta sẽ xuất gia!

Nàng lớn lên, đi về nhà chồng, trở thành người vợ trung thành, sống trong gia đình có giới hạnh và theo thiện pháp. Khi nàng sống trong gia đình, nàng thụ thai, nhưng không biết mình đã thụ thai. Một ngày hội lớn được tuyên bố trong thành ấy và mọi người trong thành phố vui chơi hội lớn. thành phố được trang hoàng như thành phố Chư Thiên.

Nhưng trong khi lễ hội lớn đạt đến cao độ, nàng vẫn không thoa phấn son, không đeo đồ trang sức, ăn mặc như ngày thường.

Chồng nàng nói với nàng: Này hiền thê, toàn thành phố vui chơi hội lớn.

Còn em thì không săn sóc gì cho thân mình.

Thưa hiền phu, thân này của em đầy ba mươi hai bộ phận của thân xác, trang điểm thân này làm gì?

Thân này không do Chư Thiên hóa sanh, không do Phạm Thiên hóa sanh, không làm bằng vàng, không làm bằng châu báu, không làm bằng gỗ chiên đàn vàng, không sanh từ đài sen trắng, sen hồng hay sen xanh, không đựng đầy thuốc trường sanh.

Thân này uế nhiễm do cha mẹ sanh, bị vô thường hủy diệt, băng hoại tan nát, làm nghĩa trang tăng trưởng, bị ai chấp thủ, là nhân của sầu ưu, là căn cứ của than khóc, là kho tàng của mọi bệnh tật, là chỗ dung nạp của nghiệp lực, nội bộ ô uế, ngoại bộ thường bài tiết. Thật vậy, như toàn Thế Giới có thể thấy cứu cánh của nó là chết, đi đến nghĩa địa, là chỗ tự hội các côn trùng.

Và nàng nói lên lời cảm thán:

Ràng buộc bởi gân xương,

Dính lại với da thịt,

Thân bị da bao trùm,

Không thấy được như thật.

Kính thưa hiền phu, em trang điểm thân này làm gì?

Có phải chăng trang điểm thân này chẳng khác gì trang điểm bề ngoài một cái bình đựng đầy phân?

Người triệu phú nghe nàng nói như vậy bèn hỏi: Nếu hiền thê thấy thân này tội lỗi như vậy, sao hiền thê không xuất gia?

Thưa hiền phu, nếu em được phép xuất gia, em sẽ xuất gia ngay hôm nay!

Nói xong, sau khi tổ chức bố thí lớn và tỏ lòng hết sức kính trọng giáo hội, người triệu phú cùng với một số tùy tùng lớn đưa nàng xuất gia, và nàng được xuất gia với chúng Tỳ Kheo Ni thuộc phái Đề Bà Đạt Đa. Sau khi xuất gia, nàng sống hoan hỷ với tâm tư viên mãn.

Khi cái thai của nàng đã thuần thục, các Tỳ Kheo Ni nhận thấy các căn của nàng đổi khác, tay chân và lưng lớn lên, màn da bụng to lên, hỏi nàng: Này hiền muội, hình như hiền muội có thai.

Sự việc này thế nào?

Thưa các hiền tỷ, tôi không biết sự việc này.

Giới hạnh tôi đầy đủ!

Rồi các Tỳ Kheo Ni đưa nàng đến Đề Bà Đạt Đa và hỏi Đề Bà Đạt Đa: Thưa Tôn Giả, thiện nữ nhân này, với sự chấp nhận khó khăn của người chồng, đã được xuất gia. Nay nàng có thai, chúng tôi không biết nàng thọ thai nhi khi còn là cư sĩ, hay khi đã xuất gia.

Nay chúng tôi phải làm gì?

Đề Bà Đạt Đa tự mình chưa phải là Bậc Giác ngộ, nên không có lòng kham nhẫn, từ bi, từ mẫn và suy nghĩ: Một Tỳ Kheo Ni thuộc phái Đề Bà Đạt Đa nay đã có thai, và Đề Bà Đạt Đa lại hỷ xả. Ta sẽ bị chỉ trích như vậy. Ta phải đuổi người này.

Rồi không điều tra, như xô đẩy một tảng đá, Đề Bà Đạt Đa lập tức khẳng định và nói: Hãy đi ngay và tẩn xuất người này! Chúng Tỳ Kheo Ni ấy nghe nói vậy, đứng dậy đảnh lễ rồi đi về trú xứ.

Nàng thiếu phụ thưa với các Tỳ Kheo Ni ấy: Thưa các Nữ Tôn Giả, Trưởng Lão Đề Bà Đạt Đa không phải Đức Phật! Con xuất gia không phải với Đề Bà Đạt Đa, nhưng con xuất gia với Bậc Chánh Ðẳng Giác, Bậc tối thượng ở đời.

Chớ làm mất nơi con điều con đã được một cách khó khăn! Hãy đưa con đi đến Kỳ Viên, gặp Bậc Ðạo Sư! Chúng Tỳ Kheo Ni ấy đưa nàng đi, vừa qua con đường dài bốn mươi lăm dặm, từ Vương Xá dần dần đến Kỳ Viên, đảnh lễ Bậc Ðạo Sư và tường trình sự việc.

Bậc Ðạo Sư suy nghĩ: Dầu thai của nàng ấy được tượng hình khi còn là gia chủ, đây cũng là một dịp để ngoại đạo nói rằng Sa Môn Gotama đã nhận lấy một Tỳ Kheo Ni bị Đề Bà Đạt Đa loại bỏ. Ðể chấm dứt câu chuyện, vấn đề này còn được giải quyết trước mặt Vua và tùy tùng của Vua.

Ngày hôm sau, Thế Tôn cho mời Vua Pasenadi, Ba Tư Nặc nước Kosala, ông Cấp Cô Ðộc lớn, Cấp Cô Độc nhỏ, nữ cư sĩ Visàkhà, và các nhân vật có tiếng khác. Rồi vào buổi chiều, giữa bốn chúng đã đều tụ họp, Thế Tôn bảo Trưởng Lão Upàli.

Hãy đi làm cho sáng tỏ sự việc của Tỳ Kheo Ni trẻ này giữa bốn chúng!

Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Vị Trưởng Lão đi đến giữa hội chúng, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn cho mình, cho gọi nữ cư sĩ Visàkhà trước mặt nhà Vua, và giao việc điều tra này: Hãy đi, này Visàkhà, trước hết, hãy xác định ngày xuất gia, tháng xuất gia của người thiếu phụ này. Sau khi biết rõ rồi, hãy tìm hiểu nàng thụ thai trước đây hay sau thời gian ấy.

Nữ cư sĩ chấp nhận lời dạy, cho treo một cái màn. Sau cái màn ấy, nữ cư sĩ quan sát tay, chân, lỗ rún, bụng, các phần thân khác của Tỳ Kheo Ni trẻ. Sau khi tính ngày tháng, biết được nàng thụ thai trong thời kỳ còn là gia chủ, nữ cư sĩ đi đến vị Trưởng Lão và báo cáo kết quả.

Vị Trưởng Lão, giữa bốn chúng, tuyên bố Tỳ Kheo Ni ấy là thanh tịnh. Bấy giờ nàng được xác nhận là thanh tịnh, liền đến đảnh lễ chúng Tỳ Kheo và Bậc Ðạo Sư, rồi đi về trú xứ với các Tỳ Kheo Ni.

Khi bào thai đã thuần phục, nàng sanh được một bé trai có uy lực lớn, do nàng cầu nguyện dưới chân Ðức Phật Padumuttara cách đây nhiều kiếp. Nhà Vua, một hôm đi đến gần trú xứ của Tỳ Kheo Ni, nghe tiếng của đứa trẻ, và hỏi các đình thần.

Các đình thần biết câu chuyện, thưa lại với Vua: Tâu Ðại Vương, vị Tỳ Kheo Ni trẻ ấy sanh được một đứa con trai. Ðây là tiếng khóc của đứa trẻ. Này các Khanh, nuôi con là một chướng ngại cho các Tỳ Kheo Ni. Chúng ta sẽ nuôi dưỡng nó.

Vua giao đứa trẻ cho các thiếu phụ bà con và bảo nuôi dưỡng nó lớn như một Hoàng Tử. Ðến ngày đặt tên, nó được tên là Kassapa, nhưng được biệt danh là Hoàng Tử Kassapa, vì được nuôi dưỡng như một Hoàng Tử.

Khi lên bảy tuổi, Kassapa xuất gia với Bậc Ðạo Sư, và khi đầy đủ tuổi, được thọ Ðại Giới. Thời gian đi qua, vị ấy trở thành một nhà thuyết pháp tài giỏi giữa các nhà thuyết pháp.

Rồi Bậc Ðạo Sư ấn chứng cho vị ấy: Này các Tỳ Kheo, vị này là đệ nhất trong các đệ tử thuyết pháp của Ta, tức là Hoàng Tử Kassapa. Hoàng Tử Kassapa, nhờ Kinh Vammika Kinh Trung Bộ, chứng quả A La Hán.

Tỳ Kheo Ni, mẹ vị ấy, nhờ phát triển Thiền quán, chứng quả cao nhất. Trưởng Lão Cumarakassapa, giữa giáo pháp Đức Phật, sáng chói như Mặt Trăng rằm giữa hư không.

Một hôm, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, Đức Như Lai khuyến giáo các Tỳ Kheo xong, đi vào Hương Phòng. Sau khi được lời khuyến giáo, Tăng Chúng sinh hoạt trong các gian phòng ban ngày, hay gian phòng ban đêm của họ.

Vào buổi chiều, họ hội họp tại pháp đường, và tán thán đức hạnh của Đức Phật: Này các Hiền Giả, Đề Bà Đạt Đa tự mình không phải là Phật, lại không có kham nhẫn, lòng từ bi, lòng từ mẫn, đã khiến cho Trưởng Lão Cumarakassapa và Trưởng Lão ni gần bị hại. Nhưng Bậc Chánh Ðẳng Giác tự mình là Bậc Pháp Vương, lại thành tựu kham nhẫn, lòng từ bi, lòng từ mẫn, đã trở thành chỗ nương tựa cho hai vị ấy.

Bậc Ðạo sư, với uy nghi của Ðức Phật, đi vào pháp đường, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn, và hỏi: Này các Tỳ Kheo, các ông đang ngồi luận bàn chuyện gì?

Các Tỳ Kheo thưa: Bạch Thế Tôn, chúng con bàn đến công đức của Thế Tôn. Này các Tỳ Kheo, không phải chỉ nay Như Lai mới trở thành chỗ nương tựa cho hai người ấy, nhưng trong quá khứ cũng vậy.

Các Tỳ Kheo yêu cầu Thế Tôn làm sáng tỏ vấn đề này. Thế Tôn trình bày rõ câu chuyện quá khứ. Thuở xưa, khi Vua Brahamadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát sanh làm một con nai.

Khi từ bụng mẹ sanh ra, con nai có màu sắc vàng, mắt của nó giống như hòn châu báu, sừng màu trắng bạc, miệng đỏ như tấm màn nhung, móng chân láng trơn như màu sơn mài, đuôi giống như đuôi con trâu rừng Yak, thân to lớn bằng con nghé.

Nó sống trong rừng, được vây quanh với năm trăm con nai và được gọi là nai chúa Nigrodla Cây Ða. Không xa bao nhiêu, có một con nai khác, với năm trăm con nai tùy tùng và được gọi là nai Sakha Nhành, nai này cũng màu sắc vàng.

Lúc bấy giờ Vua Ba La Nại thường hay săn bắn nai, không có thịt nai thì không ăn cơm. Hằng ngày Vua triệu tập dân thành dân tỉnh lại, đình chỉ công việc của mọi người và Vua thích đi săn bắn.

Mọi người suy nghĩ: Vua này đình chỉ công việc của chúng ta. Chúng ta hãy gieo bẫy mồi và đặt nước uống cho các con nai trong vườn, đuổi nhiều nai vào trong ấy, đóng cửa lại và bắt dẫn chúng đến Vua.

Như vậy, họ gieo cỏ làm bẫy mồi, đặt nước uống khắp vườn, cho sắp đặt cửa, đem theo những người trong thành, tay cầm côn, gậy và các loại binh khí khác đi vào rừng tìm nai, họ bao một vòng vây khoảng độ một dặm để bắt đàn nai bị vây ở giữa, và như vậy họ vây quanh chỗ ở của đàn nai Nigrodha và đàn nai Sakha.

Khi thấy đàn nai, họ bắt đầu lấy gậy đập cây, đập bụi, đập đất, đuổi đàn nai ra khỏi chỗ ở của chúng, khua động các loại vũ khí như gươm, giáo, cung, la hét và đuổi đàn nai vào rừng.

Rồi họ đóng cửa lại, đi đến gặp Vua và thưa: Thưa Ðại Vương, vì luôn luôn đi săn nai, Ðại Vương phá hoại công việc của chúng con. Nay chúng con đã dẫn đàn nai rừng vào đầy cả vườn của Ðại Vương. Từ nay trở đi, Ðại Vương có thể ăn thịt chúng.

Sau khi thưa như vậy, dân chúng bỏ đi. Nhà Vua nghe họ nói, đi đến khu vườn, nhìn các con nai, thấy hai con nai vàng, liền tha chết cho chúng.

Từ đấy về sau, có khi nhà Vua tự đi bắn một con nai rồi đem về. Có khi người đầu bếp đi đến, bắn nai rồi đem về. Các con nai, thấy cây cung, liền run rẩy vì sợ chết nên bỏ chạy. Nhưng khi bị hai hay ba vết thương, chúng mệt mỏi, bị bệnh, và bị giết. Ðàn nai báo cáo sự việc như vậy lên Bồ Tát.

Bồ Tát cho gọi Sakha và nói: Này bạn, nhiều con nai bị hại, dầu thế nào chúng cũng phải chết. Nhưng bắt đầu từ nay trở đi, chớ để các con nai bị tên bắn một cách vô ích. Hãy để các con nai thay phiên nhau đi đến chỗ phải chết.

Một ngày là phiên đàn nai của tôi, một ngày là phiên nai của bạn. Con nai nào đến phiên của mình cứ đi đến, nằm xuống đặt đầu vào chỗ phải chết. Làm vậy, các con nai khác khỏi bị thương.

Con nai Sakha chấp thuận. Từ đấy trở đi, theo phiên mình, một con nai đi đến, nằm xuống, đặt cổ vào chỗ bị giết. Người đầu bếp đến, bắt con nai nằm đấy rồi đem đi. Một hôm đến phiên một con nai cái có mang ở trong đàn nai Sakha.

Con nai cái đến gặp Sakha và thưa: Thưa chúa tể, tôi có thai, sắp sanh con, như vậy đàn có hai mạng sống đến phiên. Hãy cho qua phiên của tôi.

Nai Sakha nói: Không thể bảo những con nai khác thế phiên cho ngươi được. Ngươi hãy chịu những gì sẽ đến với ngươi, hãy đi đi. Con nai cái ấy không được nai Sakha chấp thuận, liền đi đến Bồ Tát và trình bày sự việc.

Bồ Tát nghe xong liền nói: Ðược, hãy đi đi! Ta sẽ bỏ qua phiên của người! Rồi nai chúa tự mình đi đến, đặt đầu vào chỗ chết nằm chờ.

Người đầu bếp thấy vậy liền nói: Con nai chúa đã được tha khỏi chết, nay lại nằm ở chỗ chết này.

Sự việc này là cớ sao?

Rồi kẻ ấy đi báo cáo cho Vua hay.

Nhà Vua lập tức ngự lên xe, đi đến với đoàn tùy tùng đông đảo, thấy Bồ Tát, liền nói: Này bạn nai chúa, ta đã tha khỏi chết cho người.

Sao nay ngươi nằm ở đây?

Thưa Ðại Vương, một con nai cái đến gặp tôi, yêu cầu một con khác thay phiên cho nó. Tôi không có thể bắt một con nào khác chịu đau đớn vì bị chết được. Tôi quyết định cho con nai cái ấy mạng sống của tôi, nhận lấy cái chết thay cho con nai cái, nên nằm ở đây, Ðại Vương chớ có nghi ngờ gì khác.

Vua nói: Hỡi nai chúa sắc vàng, từ trước, ta chưa bao giờ thấy giữa loài người, có ai đầy đủ khảm nhẫn, hòa ái, từ bi như ngươi. Do vậy, ta thật bằng lòng với ngươi.

Hãy đứng dậy, ta sẽ cho ngươi và con nai cái ấy thoát khỏi sợ hãi!

Thưa Bậc nhân chủ, có hai con nai được thoát khỏi sợ hãi, đàn nai còn lại thì thế nào?

Này nai chúa, ta sẽ cho đàn nai còn lại thoát khỏi sợ hãi.

Thưa Ðại vương, các con nai được thoát khỏi sự sợ hãi, nhưng các con sinh vật bốn chân khác thì sao?

Này nai chúa, ta cũng cho chúng thoát khỏi sợ hãi!

Thưa Ðại Vương, các loài bốn chân được thoát khỏi sợ hãi, nhưng các đàn chim thì thế nào?

Này nai chúa, ta cũng sẽ cho chúng thoát khỏi sợ hãi!

Thưa Ðại Vương, các loại chim như vậy được thoát khỏi sợ hãi, nhưng còn đàn cá sống ở trong nước thì thế nào?

Này nai chúa, ta cũng sẽ cho chúng thoát khỏi sợ hãi!

Như vậy con nai chúa đã xin Vua được thoát khỏi sợ hãi cho tất cả chúng sanh, đứng dậy, khuyên nhà Vua thọ năm giới, và nói: Thưa Ðại Vương, hãy sống theo chánh pháp!

Hãy xử sự đúng chánh pháp đối với cha mẹ, đối với con trai, con gái, đối với Bà La Môn, gia chủ, đối với dân ở thành phố, dân ở các tỉnh. Hãy tự mình sống đúng chánh pháp, khi nhân loại mạng chung, sẽ được sanh lên thiện thú, Thiên Giới, cõi đời này.

Sau khi thuyết pháp cho Vua với uy lực kỳ diệu của Ðức Phật, Bồ Tát sống tại khu vườn trong một vài ngày để khuyến giáo Vua, rồi cùng với đàn nai vây quanh, lên núi đi theo chúng vào rừng. Con nai cái đẻ ra một con nai đực đẹp như một nụ hoa. Nai con này đi chơi với đàn nai Sakha.

Thấy nai mình đi chơi với đàn nai Sakha, nai mẹ khuyên con mình, bắt đầu từ nay chớ đi tới Sakha, nên đi tới Nigrodha và nói lên bài kệ:

Sống với Ni gro dha,

Chớ sống với Sa kha!

Chết với Ni gro dha,

Hơn sống với Sa kha.

Từ đấy trở đi, các con nai thoát khỏi sợ hãi khi ăn lúa của dân chúng. Và dân chúng nhớ rằng các con nai được thoát khỏi sợ hãi, nên không dám đánh đập hay đuổi chúng đi. Họ tụ họp tại sân Vua và báo cáo lên Vua biết.

Vua nói: Do ta bằng lòng, ta đã cho nai Nigrodha một đặc ân. Ta thà mất nước chớ không bỏ lời đã hứa.

Hãy đi đi, trong Quốc Độ của ta, không con nai nào bị đánh cả!

Nai Nigrodha, nghe tin này, liền hợp đàn nai lại và bảo: Bắt đầu từ nay, chớ ăn lúa của người khác!

Sau khi bảo chúng hứa như vậy, nai Nigrodha báo tin cho dân chúng biết: Bắt đầu từ nay, những người trồng lúa chớ rào ruộng lại để bảo vệ lúa, chỉ làm dấu bằng cách cột lá lúa lại. Bắt đầu từ đấy, theo tin đồn, khởi lên tục lệ cột lá lúa lại giữa các đồng ruộng. Bắt đầu từ đấy, các con nai không vượt qua đồng ruộng có lá lúa cột lại. Ðây là nhờ Bồ Tát khuyến giáo chúng như vậy.

Sau khi khuyến giáo đàn nai, Bồ Tát sống ở đấy cho hết tuổi thọ, rồi cùng với đàn nai đi theo nghiệp của mình. Còn nhà Vua nghe lời khuyến giáo của Bồ Tát, suốt đời làm các công đức rồi sau đó đi theo nghiệp của mình.

Bậc Ðạo Sư nói sau khi kể pháp thoại: Này các Tỳ Kheo, không phải chỉ nay ta mới bảo vệ Trưởng Lão ni và Kumarkassapa, mà thuở trước ta cũng bảo vệ như vậy.

Rồi Ngài thuyết giảng bốn sự thật, nêu sự liên hệ giữa hai câu chuyện, kết hợp chúng với nhau, và kết luận bằng cách nhận diện tiền thân: Thời ấy, con nai Sakha là Đề Bà Đạt Đa, đàn nai là tùy tùng của Đề Bà Đạt Đa, nai cái là Trưởng Lão ni, nai con là Kumarakassapa, Vua là Ànanda, con nai chúa Nigrodha là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần