Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tùng đâu Thuật Thiên Giáng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ Kinh Bồ Tát Xử Thai - Phẩm Ba Mươi Bốn - Hành
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH BỒ TÁT TÙNG
ĐÂU THUẬT THIÊN GIÁNG THẦN
MẪU THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ
KINH BỒ TÁT XỬ THAI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM BA MƯƠI BỐN
HÀNH
Khi ấy, trong chúng hội có Bồ Tát tên Tạo Hạnh từ tòa ngồi đứng dậy, trịch bày vai phải, chấp tay thưa Phật: Lành thay! Bạch Thế Tôn! Thế Tôn nói về loài người rất hay. Chẳng phải trước, chẳng phải sau, chẳng phải hai bên, chặng giữa.
Vậy làm sao biết được quả báo của hành nghiệp?
Thân quá khứ chẳng phải hiện tại.
Thân hiện tại chẳng phải vị lai.
Thân vị lai chẳng phải quá khứ.
Hoặc bên trong tạo tác mà bên ngoài thọ quả báo.
Hoặc bên ngoài tạo tác mà bên trong thọ quả báo.
Thân phàm phu tạo tác mà thân Tu Đà Hoàn thọ quả báo.
Thân Tu Đà Hoàn tạo tác mà thân Tư Đà Hàm thọ quả báo.
Thân Tư Đà Hàm tạo tác mà thân A Na Hàm thọ quả báo.
Thân A Na Hàm tạo tác mà thân A La Hán thọ quả báo.
Hoặc có chúng sinh đắc tam muội từ mà không có bi, hỷ, xả.
Có chúng sinh đắc bi mà không có từ, hỷ, xả.
Có chúng sinh đắc hỷ mà không có từ, bi, xả. Có chúng sinh đắc xả mà không có từ, bi, hỷ.
Có chúng sinh từ địa phàm phu, không hướng đến Địa Tín, Địa Pháp mà lại thủ Tu Đà Hoàn.
Có chúng sinh không hướng đến Địa Tín, Địa Pháp, Tu Đà Hoàn mà lại thủ Tư Đà Hàm.
Có chúng sinh không hướng đến Địa Tín, Địa Pháp, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm mà lại thủ A Na Hàm.
Có chúng sinh không hướng đến Địa Tín, Địa Pháp, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm mà lại thủ A La Hán.
Có chúng sinh không hướng đến Địa Tín, Địa Pháp, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán mà lại thủ A La Hán bỉ thử A La Hán.
Có chúng sinh hướng đến Phật Bích Chi, rơi trở lại vào địa phàm phu.
Có chúng sinh hướng đến A La Hán, rơi trở lại vào địa phàm phu.
Có chúng sinh hướng đến A Na Hàm, rơi trở lại vào địa phàm phu.
Có chúng sinh hướng đến Tư Đà Hàm, rơi trở lại vào địa phàm phu.
Có chúng sinh hướng đến Tu Đà Hoàn, rơi trở lại vào địa phàm phu.
Có chúng sinh từ Địa Pháp rơi trở lại vào địa phàm phu.
Có chúng sinh từ Địa Tín rơi trở lại vào địa phàm phu.
Những chúng sinh này đều có nghi ngờ với Như Lai. Cúi xin Thế Tôn hãy phân biệt rõ ràng để các chúng hội hoát nhiên đại ngộ.
Khi ấy, Đức Thế Tôn dạy Bồ Tát Tạo Hạnh: Lành thay! Lành thay! Những vấn đề ông hỏi đều là vị lai, hiện tại, quá khứ, cũng là quả báo hành nghiệp của Chư Phật. Nay ta sẽ phân biệt rõ ràng. Ông hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ.
Thế nào, này Bồ Tát Tạo Hạnh! Ông muốn Như Lai nói về quả báo hành nghiệp trong vô lượng A tăng kỳ kiếp quá khứ hay muốn Như Lai nói về quả báo hành nghiệp trong vô lượng A tăng kỳ kiếp vị lai, hay muốn Như Lai nói về quả báo hành nghiệp trong vô lượng a tăng kỳ kiếp trong hiện tại?
Bồ Tát Tạo Hạnh bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xin tạm gác quả báo hành nghiệp thuộc quá khứ, vị lai sang một bên. Con muốn nghe quả báo hành nghiệp hiện tại của thân Như Lai.
Phật bảo Bồ Tát Tạo Hạnh: Quả báo hành nghiệp của vô lượng A tăng kỳ kiếp quá khứ cũng ở hiện tại.
Quả báo hành nghiệp của vô lượng A tăng kỳ kiếp vị lai cũng ở hiện tại.
Quả báo hành nghiệp hiện tại tạo tác cũng là nhân duyên của quá khứ và vị lai thọ quả báo.
Nay ta sẽ giảng nói cho ông về điều này.
Xưa kia ta từng tu vô số khổ hạnh, tu hạnh thanh tịnh hoặc hạnh bất tịnh. Tu hạnh Trời, tu hạnh người. Ban đầu cầu Phật Đạo, các lậu đã đoạn tận, có thần thông biến hóa rồi bỗng nhiên đại ngộ. Ba cõi đều khổ, chỉ có ta là vui.
Tu khổ hạnh bên bờ sông Ni liên sáu năm, mỗi ngày ăn một hạt mè, một hạt gạo. Đây là do lúc xưa ta phạm bốn lỗi về miệng với một vị Duyên Giác, đoạn tuyệt sự bố thí, nên nay thọ quả báo này.
Khi ta thành Phật, có năm trăm đồng tử rêu rao, phỉ báng, mắng chửi và đến ngã tư ngõ hẻm nói: Đạo Phật không chân thật. Lúc đó, dân chúng trong nước có người tin, có người không tin. Người tin là hàng Địa Tín, Địa Pháp. Người không tin là hàng ngoại đạo phàm phu. Những người này căn lực đã thành tựu, không còn bị chướng ngại.
Phật ra đời chiếu sáng khắp nơi. Địa ngục được chấm dứt, ngạ quỷ được no đủ, súc sinh không còn mang vác, chở nặng. Ví như ta bị Đề bà đạt đa lấy đá ném làm ngón chân Phật chảy máu.
Lúc ấy, ta tránh né đi về phương Đông: Đến cõi Phất vu đãi.
Phương Bắc: Đến cõi Uất Đan Việt.
Phương Tây: Đến cõi Câu Da Ni. ta lại lánh từ Cõi Trời Đao Lợi lên đến Trời Tam Thập Tam. Vậy mà viên đá ấy cứ vẫn theo ta. ta lại né trở về chỗ cũ và bị đá làm tổn thương.
Ta ở nước Ma Kiệt Đà, trong vườn Họa Ám thanh vắng mà kinh hành. Khi ấy có một trưởng giả tên Thi Lợi Quật thỉnh mời ta để cúng dường. Ta liền nhận lời mời và dẫn Tôn Giả A Nan đi theo.
Nhà trưởng giả có bảy lớp cửa, mỗi cửa đều có người canh giữ. Theo thường pháp của Chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai là im lặng thọ thỉnh chứ không nhận lời thỉnh bằng cách khác.
Đệ tử xuất gia của ta đạo hạnh cũng như vậy. Khi ta đến cửa thì nghe bên trong nhà trưởng giả Thi Lợi Quật trỗi âm nhạc để vui chơi nên quên hẳn là ta đã đến đứng bên ngoài một ngày một đêm rồi.
Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ông hãy đi khất thực! Còn ta đứng ở đây.
Lúc đó có Mã tướng đi ngang qua chỗ Phật, Phật theo xin thức ăn.
Mã tướng nói: Tôi không có thức ăn, chỉ có lúa mạch chín, tôi sẽ đem đến cho ông.
Thế rồi mã tướng lấy lúa mạch chín cúng dường Phật, Phật liền thọ thực. Thấy vậy, mã tướng cho là Phật ăn.
Có vị Trời tên Tinh Luyện đem thức ăn đi, mọi người cho là Phật ăn. Thật là Phật không ăn, chỉ vì độ người kia nên Phật hiện thọ thực và Phật đứng nơi cửa chín mươi ngày như vậy.
Tôn Giả A Nan cũng đi khất thực chín mươi ngày.
Như Lai dùng oai thần không cho Quốc Vương và quần thần biết Phật đang đứng nơi ấy.
Vì sao?
Vì sợ họ sinh ngã mạn, phỉ báng. Nếu Phật không dùng oai thần thì người khác làm sao trông thấy được.
Khi ấy, trưởng giả Thi Lợi Quật có chút việc đi ra ngoài thành dạo chơi.
Thấy Phật đứng ngoài cửa, ông ta thưa: Phật đến đây khi nào?
Phật nói với trưởng giả: Trước đây ông đã thỉnh ta, nên ta mới đến. Ông ở trong vui chơi thích thú. Ta đến đây đã chín mươi ngày rồi. Ta định quay về lại vườn Họa Ám nhưng được Mã tướng cúng dường lúa chín của ngựa ăn.
Trưởng Giả Thi Lợi Quật rất xấu hổ, năm vóc gieo xuống đất, thưa: Cúi xin Thế Tôn hãy rủ lòng tha thứ và đừng giận con. Hãy cho phép con sám hối lỗi lầm.
Phật bảo trưởng giả: Duyên này đã có từ lâu, chứ chẳng phải mới đây đâu.
Khi ấy, trưởng giả thỉnh Phật vào trong nhà cúng dường tứ sự. Phật giảng pháp làm cho ông đoạn sạch các trần cấu và đắc pháp nhãn thanh tịnh.
Phật dạy: Vào thuở xưa, có một thời ta ở tại thành Tỳ Xá Ly. Khi mới thành Phật chưa được bao lâu thì Lục sư ngoại đạo hưng thịnh. ta có một ngàn hai trăm năm mươi người đệ tử. Một ngàn một trăm người đều đắc A La Hán với sáu thông thấu triệt.
Lúc đó, có cô gái Chiên Già Ma Na Thị, là đệ tử của A Xà La Sí Xá Khâm Bà La, thọ minh giáo của thầy. Mỗi buổi sáng cô ta đến chỗ Phật, bên ngoài hiện pháp thanh tín nữ nhưng bên trong học giáo của tà sư.
Thường xuyên qua lại, cố muốn cho mọi người thấy và lấy cỏ nhét vào bụng, càng ngày càng làm cho lớn dần. Sau đó, cô ta lấy bồn gỗ cột vào bụng, giống như người phụ nữ sắp sinh con.
Khi ấy, tà sư hỏi cô ta: Người của thai này là ai?
Cô ta thưa: Hàng ngày con đến chỗ Sa Môn Cù Đàm cho nên con có thai này.
Tà sư liền tức giận, nói: Dám lừa gạt đệ tử của ta à. Đệ tử này sắp sinh lên Cõi Trời Phạm Thiên, vậy mà làm hủy nhục đệ tử ta đến nỗi như thế này.
Nói rồi, tà sư dẫn các đệ tử và cô gái ấy đến chỗ Phật.
Trong lúc Như Lai đang giảng pháp cho vô số Chúng Tăng thì Phạm chí lớn tiếng nói: Sa Môn Cù Đàm này đã phạm dâm dục, thật không phải là người đắc đạo mà tự xưng là đã đắc đạo. Những sự biến hóa đều là huyễn thuật, chẳng phải đạo chân thật.
Rồi chỉ vào cô gái, Phạm chí nói tiếp: Mọi người có thấy không?
Vì ông ta yêu thương cô gái này của tôi nên cô ta phải mang thai.
Nói xong, ngay lúc đó Đế Thích hóa làm một con chuột vàng, chui vào nơi người cô ta, cắn đứt dây làm bồn gỗ rơi xuống đất.
Thấy vậy, mọi người quở mắng: Đám đồ đệ của ông dám đến hủy báng Thánh Nhân à. Hãy rút ra khỏi nước ngay.
Xưa có một thời ở nước Cẩm Tỳ Lê, ta ngồi thiền định, hành đạo bên một gốc cây, trải qua chín mươi ngày nhưng vẫn không dời đổi chỗ. Khi đó, có Lục sư tên Kim Na Kim Ly, có đệ tử nữ tên Tuân Đà Nan Đề nổi tâm ganh ghét và muốn làm chướng ngại công đức của Phật rồi tự khen ngợi đạo của thầy mình.
Cô ta nói: Tôi có thể làm cho mọi người không ai đến cúng dường Phật, để danh tiếng của thầy tôi lan tràn ra bên ngoài.
Cô ta nghĩ ra mưu kế: Hàng ngày đến chỗ Phật. Vào một ngày nọ, cô ta nhờ kẻ khác giết mình, đem chôn sau vườn của tinh xá.
Sau đó tà sư đem tử thi ra nói: Phật giết người, làm cho tai tiếng hiềm chê lan ra ngoài, ai ai đều biết.
Thuở xưa, hông trái của ta bị trúng gió độc nên sai Kỳ Vực đến trị.
Kỳ Vực nói: Cần phải có sữa bò, phân voi, Xá Lợi Sa tất bát thilợi sa, hồ thục, nấu làm thuốc trị khỏi ngay.
Thuở xưa, ta ở trong một thôn nọ, du hành giáo hóa. Ta bị cọc ngựa đâm vào chân, từ trên thủng xuống làm cho đau đớn vô cùng và sai Kỳ Vực đến trị.
Một thuở nọ ta bị đau đầu giống như bị hai núi Tu Di ép lại làm cho đầu nhức, đau đớn không thể tả nổi. Nay mặc dầu ta đã thành Phật, chấm dứt các lậu, các điều thiện đã được chứa nhóm, nhưng bản hạnh vốn không mất.
Từ vô số kiếp, ta đã tu hành thanh tịnh, quả báo của hành nghiệp khó có thể lìa. Thân Phật còn như vậy, huống chi là La Hán, Phật Bích Chi, làm sao tránh khỏi quả báo của hành nghiệp.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ với Bồ Tát Tạo Hạnh:
Bốn thành tựu tối thắng
Sống lâu vô số kiếp
Trời đất đều hủy hoại
Tu Di như tro bụi.
Hành nghiệp đi bên thân
Không chỗ nào trốn khỏi
Ta thành Tối Chánh Giác
Ba Cõi không ai bằng.
Phải thọ chín quả báo
Nghiệp trước liên kết nhau
Ta có lực tam muội
Kim Cang không ngăn được.
Không thể tránh nghiệp báo
Xả mà không thọ báo
Đời này ta chấm dứt
Không có phân biệt nữa.
Vĩnh lìa đường tử sinh
Không tạo nghiệp ấy nữa
Người quá tham năm dục
Buông lung không cẩn thận.
Đời này và đời sau
Thường đọa chỗ hữu ái
Niết Bàn không chấp trước
Thị hiện pháp hữu vi.
Nếu không hiện giáo hóa
Chúng sinh khó độ được
Bát đẳng đạo vô vi
Đường đi của Hiền Thánh.
Xa lìa các trói buộc
Không có pháp sinh diệt
Đạo là quán vô thường
Tư duy pháp bất tịnh.
Nhất tâm không lay động
Thành tựu các tướng tốt
La hán, Phật Bích Chi
Đền trả nào do ta.
Bị hành nghiệp đeo đuổi
Đi đâu để tránh khỏi
Xá Lợi Phật trí tuệ
Luôn hành công đức Phật.
Bị bệnh phải diệt độ
Đây chứng minh rõ ràng
Mục Liên có thần túc
Từng bước vượt Tu Di.
Phạm chí cầm cây đánh
Xương nát như hạt cải
A La Hán Bà Kiệt
Chiến thắng Rồng Nan Đà.
Khi sắp vào diệt độ
Tròng mắt rơi vô số
Tỳ Kheo ni Kim Hoa
Thần đức khó thể lường.
Hóa làm Vua chuyển luân
Thống lãnh bốn thiên hạ
Qua đời nhập vô vi
Bị kiếm xẻ toàn thân.
Bích Chi tên Quang Minh
Đời không có pháp
Phật theo đời, tuổi thọ hết
Vào vạc dầu diệt độ.
Hiện tại ta đang nói
Nghiệp báo những người ấy
Nếu nói về quá khứ
A tăng kỳ hạnh Phật.
Kiếp này đến kiếp khác
Nghiệp báo không thể hết
Vị lai lại có Phật
Ở ngay trên tòa này.
Cũng sẽ nói nghiệp báo
Giống như nay không khác
Bồ Tát Ma Ha Tát
Tinh tấn không biếng trễ
Nên mau lìa nghiệp báo
Không cho chúng đi theo.
Nghe Phật nói kệ này, Bồ Tát Tạo Hạnh hết mực kinh sợ, nhàm sinh tử luân hồi trong năm đường và tất cả đều phát tâm vô thượng, trụ vào địa bất thoái chuyển.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Mười Sáu - Trừ ác
Phật Thuyết Kinh Tượng Pháp Quyết Nghi
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Một - Phẩm đại - Kinh Thỉnh Thỉnh
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Năm - Phẩm Tán Thán Ba La Mật
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ðại Bát Niết Bàn - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Năm Mươi Bốn - Phẩm đại Như
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Hỏi Về Bồ Tát