Phật Thuyết Kinh Bát Nê Hoàn - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống

PHẬT THUYẾT 

KINH BÁT NÊ HOÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống  

PHẦN BA  

Bấy giờ, Đức Phật bảo Hiền Giả A Nan đồng đi đến ấp Câu Di. Sau khi đã yên ổn trong thành Ba Tuần Lịch, đang đi nửa đường thì Đức Phật bị bệnh, toàn thân đau đớn.

Ngài ngồi bên gốc cây, bảo Hiền Giả A Nan: Hãy cầm bát đến sông Câu Di múc một ít nước. Hiền Giả vâng lời ra đi. Lúc này có năm trăm cỗ xe đang chạy ầm ầm qua phía trên dòng sông làm cho nước bị đục.

Tôn Giả A Nan lấy nước xong trở về bạch Đức Phật: Vừa rồi có rất nhiều xe chạy qua làm cho nước sông bị đục, chưa được trong, vậy Thế Tôn có thể dùng nước này để rửa ráy. Có con sông Hy Liên cách đây không xa, con sẽ đến đó lấy nước về để Thế Tôn uống.

Đức Phật dùng nước trong bát rửa mặt và rửa chân. Bấy giờ cơn đau của Đức Phật dịu bớt. Sau đấy, có vị Đại Thần người Hoa Thị tên là Phước Kế đang đi qua vùng này. Từ xa trông thấy Đức Phật các căn vắng lặng, được định tịch tĩnh, an nhiên, thần sắc quang minh rạng rỡ, trong lòng hoan hỷ, nên đến trước đảnh lễ Đức Phật, rồi đứng qua một bên.

Đức Phật hỏi Phước kế: Nhờ đâu mà ông có được pháp hỷ.

Thưa: Nhờ Tỳ Kheo Lực Lam. Ngày trước, con đang đi trên đường trông thấy Lực Lam đang an tọa ở bên một gốc cây.

Khi ấy ở trên đường có năm trăm cỗ xe chạy qua, có người đến sau, xuống xe hỏi Tỳ Kheo: Ngài có thấy đoàn xe chạy ở trước chăng?

Không thấy.

Vậy Ngài không nghe tiếng xe à?

Không nghe.

Khi đó Ngài đang ngủ sao?

Không ngủ, do vì ta đang suy nghĩ về đạo.

Người ấy khen: Tiếng xe chạy ầm ầm, thức nhưng vẫn không nghe, giữ tâm sao mà chuyên nhất như vậy, thật khó có người làm được.

Tiếng của năm trăm cỗ xe chạy qua mà còn không nghe, há lại còn nghe tiếng gì khác sao?

Ông liền cúng dường vị Tỳ Kheo kia một tấm y bằng vải nhuộm. Lúc ấy, con nghe sự việc như thế, trong lòng hết sức sung sướng, liền được pháp hỷ cho đến ngày hôm nay.

Đức Phật hỏi Phước kế: Ông xem tiếng sấm sét ầm ầm dữ dội so với tiếng động của năm trăm cỗ xe chạy qua thì thế nào?

Cho dù có một ngàn cỗ xe cùng lúc chạy thật nhanh thì tiếng động ấy cũng không thể so với tiếng sấm sét được.

Đức Phật nói: Ngày trước, có một thời ta du hóa ở A Trầm. Hôm đó vào lúc nửa trưa, Trời đổ mưa to, sấm sét dữ dội, làm chết hết bốn con trâu và hai anh em người đi cày. Dân chúng xúm tới chật ních để xem. Lúc ấy ta vừa ra khỏi pháp định, đang thong thả đi kinh hành. Có một người đến, cúi đầu đảnh lễ, rồi đi theo ta.

Ta hỏi: Người ta làm gì đông vậy?

Vừa rồi Trời sấm sét, đánh chết bốn con trâu và hai anh em người đi cày, vậy Thế Tôn không nghe sao?

Không nghe.

Lúc đó Ngài đang ngủ chăng?

Không ngủ. Ta đang ở trong tam muội.

Người ấy khen ngợi nói: Ít nghe có người định như Đức Phật. Tiếng sấm sét vang rền Trời Đất, nhưng Ngài đã được định tĩnh lặng, nên không còn nghe biết. Người đó trong lòng vui mừng, cũng đạt được pháp hỷ.

Phước kế tán thán bằng kệ:

Gặp Phật, xem thấy Phật,

Ai mà không hoan hỷ.

Phước nguyện cùng gặp thời,

Khiến con được pháp lợi.

Đức Phật đáp lại bài tụng:

Người mến pháp ngủ yên,

Hoan hỷ, tâm thanh tịnh.

Chân nhân đã thuyết pháp,

Bậc Hiền thường làm theo.

Pháp che chở người tu,

Như mưa làm cây tốt.

Khi ấy Đại Thần Phước kế liền sai người hầu trở về lấy tấm giạ bằng sợi vàng mới dệt dâng lên Đức Phật, bạch rằng: Con biết Đức Phật không dùng thứ này, nhưng mong Ngài thương xót nhận cho. Đức Phật nhận tấm giạ rồi thuyết pháp, chỉ dạy nhiều điều pháp yếu.

Phước kế tránh qua một bên cung kính bạch: Kể từ ngày hôm nay, con xin tự quy y Phật, tự quy y Đạo Pháp, tự quy y Thánh Chúng, thọ giới của hàng thanh tín, thân không sát sanh, không trộm lấy của người, không dâm dật, không lừa dối sai quấy, không uống rượu, không ăn thịt, không vi phạm những giới ấy. Vì việc nước bận rộn vậy con xin cáo từ.

Ông liền lạy sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi đi ra. Đức Phật bảo Hiền Giả A Nan lấy tấm giạ dệt bằng sợi vàng của phước kế đem đến. Hiền Giả vâng lời dâng lên, Đức Phật mặc vào người.

Hiền Giả A Nan thấy Đức Phật thần sắc rạng ngời, tươi vui chói lọi, khác nào màu sắc vàng ròng nên quỳ gối, thưa: Từ khi con được làm thị giả đến nay hơn hai mươi năm, nhưng chưa lúc nào thấy thần sắc của Đức Phật Quang minh rực rỡ như hôm nay.

Con không rõ đó là ý gì?

Đức Phật dạy: Này A Nan! Có hai nguyên nhân làm cho thần sắc của Đức Phật tươi sáng. Đó là đêm đầu tiên khi ta thành tựu đạo chân chánh Vô Thượng, Chánh Giác vi diệu và đến đêm sau cùng khi ta xả bỏ tuổi thọ còn lại, tâm vô vi để diệt độ. Vào lúc nửa đêm này ta sẽ Bát Nê Hoàn, cho nên thần sắc tỏa ra ánh sáng như vậy.

Hiền Giả A Nan than khóc và thưa: Đức Phật nhập Niết Bàn sao mà vội quá! Con mắt của thế gian sẽ tắt mất, sao mà nhanh thế!

Bấy giờ, Đức Phật bảo Hiền Giả A Nan cùng đi tới sông Hi Liên. 

Đức Phật đến bên bờ sông, cởi bỏ y phục, lội vào nước, tay nâng y, tự tắm rửa thân thể, rồi qua đứng ở bờ bên kia, sửa lại y phục, bảo Hiền Giả A Nan: Buổi sáng ta thọ thực ở nhà đệ tử Thuần, đến đêm sẽ diệt độ. Hiền Giả hãy giải thích cho Thuần rõ là ta thọ cơm ở nhà ông ấy, tối nay ta sẽ diệt độ.

Thiên hạ có hai điều khó gặp, nếu được gặp mà lại đích thân cúng dường liền được dứt trừ hết mọi điều nghi, sợ, lại có phước báo chân chánh.

Những gì là hai?

Nếu cúng dường trai phạn cho Đức Phật, nhờ bữa cơm đó Ngài được khí lực, thành tựu đạo quả vô thượng chánh chân, thành bậc giác ngộ hoàn toàn.

Hoặc cúng dường trai phạn cho Đức Phật, sau bữa cơm đó Ngài xả bỏ tuổi thọ, tâm vô vi mà diệt độ. Nay Thuần đã cúng dường trai phạn cho Đức Phật như vậy thì ông ấy sẽ được sống lâu, được vô dục, được phước lớn, được mọi người hết sức tôn quý, được dự vào hàng quan viên, sau khi mạng chung được sanh lên Cõi Trời.

Được năm thứ phước đó, nên bảo Thuần chớ buồn, phải vui mừng. Ông ta cúng dường trai phạn cho Đức Phật một lần, đạt được nhiều phước báo như vậy.

Cho nên biết rằng đối với Phật không thể không cung kính, đối với Kinh Pháp không thể không học, đối với Thánh Chúng không thể không tôn thờ.

Hiền Giả A Nan bạch Đức Phật: Tỳ Kheo Như Diên tánh tình hung dữ, nóng nảy, thích mắng chửi, nói nhiều, sau khi Phật Nê Hoàn rồi thì phải đối trị hạng người ấy như thế nào?

Đức Phật bảo Hiền Giả A Nan: Sau khi ta nhập Nê Hoàn rồi, đối với những Tỳ Kheo hung dữ phải phạt bằng pháp phạm đàn, bảo đại chúng hãy im lặng lánh đi, đừng nói chuyện với kẻ ấy, kẻ ấy sẽ thấy xấu hổ mà tự cải hối.

Bấy giờ Đức Phật bảo Hiền Giả A Nan: Hãy trải giường gối, lưng ta đau nhức. Hiền Giả liền trải giường gối. Đức Phật nằm nghiêng theo phía hông bên hữu, hai chân chồng lên nhau, tư duy về đạo trí tuệ chân chánh. Khi ấy Đức Phật gọi Hiền Giả A Nan, bảo nói về bảy giác ý.

Hiền Giả A Nan thưa: Dạ vâng, ngày xưa con theo Phật được nghe:

1. Giác là chí niệm. Đức Phật vì mục đích tự giác, thành vô tỷ, có khinh an của Bậc Thánh, vô vi, an tĩnh, không dâm, trừ bỏ tâm ý tán loạn.

2. Giác là pháp giải. Đức Phật vì mục đích tự giác, thành vô tỷ, có khinh an của Bậc Thánh, vô vi, an tĩnh, không dâm, trừ bỏ tâm ý tán loạn.

3. Giác là tinh tấn. Đức Phật vì mục đích tự giác, thành vô tỷ, có khinh an của Bậc Thánh, vô vi, an tĩnh, không dâm, trừ bỏ tâm ý tán loạn.

4. Giác là ái hỷ. Đức Phật vì mục đích tự giác, thành vô tỷ, có khinh an của Bậc Thánh, vô vi, an tĩnh, không dâm, trừ bỏ tâm ý tán loạn.

5. Giác là nhất hướng. Đức Phật vì mục đích tự giác, thành vô tỷ, có khinh an của Bậc Thánh, vô vi, an tĩnh, không dâm, trừ bỏ tâm ý tán loạn.

6. Giác là duy định. Đức Phật vì mục đích tự giác, thành vô tỷ, có khinh an của Bậc Thánh, vô vi, an tĩnh, không dâm, trừ bỏ tâm ý tán loạn.

7. Giác là hành hộ. Đức Phật vì mục đích tự giác, thành vô tỷ, có khinh an của Bậc Thánh, vô vi, an tĩnh, không dâm, trừ bỏ tâm ý tán loạn.

Đức Phật nói: A Nan đã có thể nói được như thế, vậy phải nên tinh tấn.

Bạch: Xin vâng, con đã nói được, vậy con sẽ tinh tấn.

Như vậy, này A Nan! Người nỗ lực tu hành sẽ mau đắc đạo. Đức Phật đứng dậy khỏi chỗ ngồi, tư duy về ý nghĩa của giáo pháp.

Có Tỳ Kheo nói bài tụng:

Pháp cam lộ xuất từ Phật.

Khi Ngài bệnh, đệ tử thuyết.

Dạy điều này khuyên hậu học:

Thất giác ý hỏi Thánh Hiền.

Phật ra đời con mới hiểu,

Hạnh thanh bạch, không tỳ vết.

Học phải biết, niệm chánh chí,

Ái hỷ pháp, nhập tinh tấn.

Chuyên nhất hướng, hộ, định ý,

Như pháp giải là tịnh trí.

Người có bệnh nên nghe đây,

Tu giác ý, trừ tà niệm.

Vị đang bệnh là Pháp Vương,

Đạo báu xuất từ nguồn này.

Bậc như vậy còn nghe pháp,

Huống phàm phu mà không nghe?

Đệ tử giỏi, thông minh nhất,

Đến thăm bệnh để hỏi đạo

Nơi Thánh triết, còn không chán,

Huống người khác, lại không nghe.

Nếu quá khứ, đã nghe đạo,

Dấy niệm khác, tâm sai trái.

Ai làm thế, không ái hỷ,

Lời Phật dạy, không tạp niệm.

Do ái hỷ mà nhất hướng,

Sống vô vi, tâm vắng lặng.

Đã an tĩnh, không nghe tưởng,

Đó gọi là pháp giải giác.

Diệt các hành, trí thuần thục,

Tự quy y, tam Thế Tôn

Cầu tất cả Trời, Người, Thần,

Học tâm từ, theo đại đạo.

Nay Thánh Sư đã diệt độ,

Các Hiền Giả tiếp tục dạy.

Tùy thời giảng tụng pháp âm,

Mong Thần cốt giúp giáo hóa.

Bấy giờ Đức Phật bảo Hiền Giả A Nan: Ngươi hãy đi mắc giường dây giữa hai cây song thọ ở Tô Liên, đầu quay về hướng Bắc, vào lúc nửa đêm hôm nay ta sẽ diệt độ. Hiền Giả thọ giáo liền làm như lời Phật dạy, rồi trở về bạch Phật là đã làm xong. Đức Phật đến song thọ, nằm lên giường dây, hông nghiêng về phía hữu.

Hiền Giả A Nan đứng ở sau giường, gục đầu khóc, tức tối thở dài, thưa: Đức Phật nhập Niết Bàn sao mà vội quá! Con mắt của thế gian sao mà tắt nhanh thế?

Các bạn đồng tu học của con từ bốn phương về, là muốn được thấy Phật, không còn trông mong gì nữa! Khó mà được thấy lại Phật. 

Khó mà được hầu hạ lại Phật! Đến mà không thấy Đức Thế Tôn, họ sẽ buồn tủi.

Sao lòng con buồn quá!

Đức Phật hỏi Tỳ Kheo: Hiền Giả A Nan đang làm gì?

Thưa: Hiền Giả đang đứng phía sau buồn khóc.

Đức Phật bảo Hiền Giả A Nan: Ngươi chớ khóc lóc.

Vì sao?

Từ lúc ngươi hầu Phật cho tới nay, thân hành luôn từ bi, khẩu hành cũng từ bi, ý hành cũng từ bi, mong sao đem lại mọi sự an lạc, ý nghĩ suy xét rõ ràng, hết lòng đối với Đức Phật.

Tuy các thị giả của Phật ở quá khứ, có dốc lòng phụng sự cũng không hơn ngươi. Các thị giả của Phật ở thời vị lai và hiện tại dù có dốc lòng phụng sự cũng không thể hơn ngươi.

Vì sao?

Vì ngươi đã hiểu rõ ý của Phật nên biết lúc nào là thích hợp. Nếu có chúng Tỳ Kheo mỗi khi đến yết kiến Đức Phật, Ngươi đều cho vào yết kiến luôn đúng lúc.

Nếu có các chúng Tỳ Kheo Ni và Thanh Tín Sĩ, Thanh Tín Nữ, mỗi khi đến xin gặp Đức Phật, ngươi cũng cho vào đúng lúc. Mỗi khi các chúng dị học, các Phạm Chí, Cư Sĩ, đến để thưa hỏi, ngươi cho họ vào gặp luôn đúng thời.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Bậc tôn quý nhất trong thiên hạ là Chuyển Luân Thánh Vương. Vua có bốn đức tự nhiên khó ai bì kịp.

Những gì là bốn?

Nếu lúc các Vua thuộc Dòng Sát Lợi  của các nước Chư Hầu đến để được gần gũi chầu Vua, Thánh Vương hoan hỷ thuyết pháp cho họ nghe, khiến cho tất cả đều thích lãnh hội, vâng lời phụng hành. Đó là đức thứ nhất.

Nếu có các vị Phạm Chí thờ đạo, thân hành đến chầu Vua, nhà Vua luôn hoan hỷ xuất hiện, thuyết pháp cho họ nghe, khiến họ đều ưa thích lãnh hội, vâng lời phụng hành. Đó là đức thứ hai.

Nếu có các hàng Lý Gia, Cư Sĩ cùng nhau đến để chầu Vua, Thánh Vương liền hoan hỷ xuất hiện, thuyết pháp cho họ nghe, khiến họ đều ưa thích lãnh hội, vâng lời phụng hành. Đó là đức thứ ba.

Nếu có những học giả thuộc các phái dị học đến để chầu Vua, Thánh Vương liền xuất hiện, thuyết pháp cho họ nghe, khiến họ đều ưa thích lắng nghe, vâng lời phụng hành. Đó là đức thứ tư.

Lại nữa, Tỳ Kheo Hiền Giả A Nan này cũng có bốn đức tốt đẹp khó ai bì kịp.

Những gì là bốn?

Nếu các Tỳ Kheo đến chỗ A Nan, liền hoan hỷ cùng họ gặp gỡ chào hỏi, Thuyết Kinh Pháp cho họ nghe, không ai là không được thêm phần hiểu biết, ưa thích thọ giáo, phụng hành.

Các Tỳ Kheo Ni, các Thanh Tín Sĩ đến chỗ Hiền Giả A Nan, Hiền Giả liền hoan hỷ cùng họ gặp gỡ chào hỏi, thuyết Kinh Pháp cho họ nghe, khiến không ai là không được thêm phần hiểu biết, ưa thích thọ trì, phụng hành. Đó là bốn đức thứ nhất.

Lại có bốn đức khác. Hiền Giả A Nan vì các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thanh Tín Sĩ, Thanh Tín Nữ, lúc thuyết Kinh Pháp, tâm và lời đều đứng đắn, không có hai ý, khiến cho người nghe cung kính, im lặng nghe. Chính nhờ sự tĩnh lặng cho nên Hiền Giả A Nan nhớ rộng, không quên mất một cách thình lình. Đó là bốn đức thứ hai.

Lại có bốn đức khác. Hoặc có các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thanh Tín Sĩ, Thanh Tín Nữ, không hiểu nghĩa của Kinh và giới luật, đều đến hỏi Hiền Giả A Nan.

Hiền Giả A Nan liền phân biệt thuyết giảng, giúp họ đều được hiểu rõ. Sau khi ra về, không ai là không khen ngợi Hiền Giả A Nan. Đó là bốn đức thứ ba.

Lại có bốn đức khác. Phật đã nói mười hai Bộ Kinh, Hiền Giả A Nan đều đọc tụng nhớ biết, nên nói lại cho bốn chúng đệ tử như Hiền Giả đã được nghe, không có thêm bớt, cũng chưa từng chán mỏi. Đó là bốn đức thứ tư của Hiền Giả A Nan, khó ai bì kịp, thế gian ít có. Bấy giờ, có vị Hóa Tỳ Kheo đang đứng trước Đức Phật.

Đức Phật bảo: Này Tỳ Kheo! Nên tránh đi, đừng đứng ở trước ta.

Hiền Giả A Nan bạch Phật: Con được hầu hạ Đức Thế Tôn hai mươi lăm năm, nhưng chưa thấy có Tỳ Kheo nào như vậy, không hỏi ý con mà lại đi thẳng đến trước Phật.

Đức Phật bảo: Này A Nan! Đó là vị Hóa Tỳ Kheo. Vả lại, trong nhiều kiếp vị ấy là bậc Đại Tuân Thiên, rất thần diệu, có oai đức, đã trừ sạch mọi sự buồn lo, sợ hãi, biết Đức Phật vào nửa đêm hôm nay sẽ nhập Niết Bàn, cho nên mới đến đây. Vì từ nay về sau sẽ vĩnh viễn không còn thấy Đức Phật nữa.

A Nan thưa: Chỉ có một vị Trời này biết Đức Phật sắp diệt độ sao?

Đức Phật đáp: Từ Đông, Tây, Nam, Bắc, trong chu vi bốn trăm tám mươi dặm của thành Câu Di, Chư Thiên hiện ra đầy cả hư không, đều buồn than, bối rối không an, tâm họ đều nghĩ: Đức Phật diệt độ sao mà vội quá!

A Nan thưa: Gần hai bên vùng này có các nước lớn như: Văn Vật, Vương Xá, Mãn La, Duy Da, sao Đức Phật không chọn những chỗ ấy mà nhập Niết Bàn mà lại ở nơi thành nhỏ bé, hẻo lánh này?

Đức Phật bảo: Này A Nan! Đừng gọi thành này là nhỏ bé, hẻo lánh.

Vì sao?

Ngày xưa nước này tên là Câu Na Việt, là Kinh Đô của Đại Vương, thành dài bốn trăm tám mươi dặm, rộng hai trăm tám mươi dặm, trang nghiêm đẹp như tranh vẽ, có bảy lớp tường thành, nền thành có bốn bậc.

Cao tám tầm, bên trên rộng ba tầm, đều làm bằng hoàng kim, bạch ngân, thủy tinh, lưu ly, dùng bốn thứ báu làm ngói, trên tường có xếp nhiều tường ngắn điêu khắc, chạm trổ tinh vi, dưới đất thì lát gạch nung, và phòng ốc của dân chúng đều do bốn báu tạo thành. Dọc theo đường đi, tự nhiên sanh trưởng nhiều cây đứng san sát nhau.

Cây cũng bằng bốn báu. Cây bằng vàng thì lá, hoa, quả bằng bạc. Cây bằng bạc thì lá hoa, quả bằng vàng. Cây bằng Lưu Ly, thủy tinh cũng giống như vậy. Gió hiu hiu thổi làm cây lay động thường phát ra năm thứ âm thanh.

Âm thanh ấy hiền hòa, dịu dàng, như năm dây đàn cầm rung lên. Ở giữa hàng cây có ao tắm, bên bờ ao có lát ngói, các bờ để đi bộ nối tiếp nhau, bên trong có bốn đài báu, bậc thềm của đài có hàng lan can.

Vách tường, giường, ghế trong nhà, tất cả đều làm bằng bốn báu. Trong ao thường có các thứ hoa sen đủ màu, sen xanh âu bát, sen tía câu điềm, sen vàng văn na, sen đỏ phù dung, nhìn bốn bên đều thẳng hàng.

Hai bên đường đi lại có bảy thứ hoa lạ, mùi hương thơm ngát, thường sanh trong mùa đông, mùa hạ, có năm màu rực rỡ.

Ở trong đất nước ấy thường nghe mười ba loại tiếng: Tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng bò, tiếng xe, tiếng loa, tiếng chuông, tiếng linh, tiếng trống, tiếng múa, tiếng ca, tiếng đàn tiếng nhạc, tiếng ca tụng nhân nghĩa, tiếng tán thán những hạnh cao quý của Đức Phật.

Bấy giờ có vị Chuyển Luân Thánh Vương tên là Đại Khoái Kiến, làm Vua bốn châu thiên hạ, lấy chánh pháp để trị dân, có bảy báu tự nhiên:

1. Xe vàng báu.

2. Voi trắng báu.

3. Ngựa biếc báu.

4. Thần giữ kho châu báu.

5. Ngọc nữ báu.

6. Lý gia báu.

7. Thánh đạo báu.

Vua có bốn thần đức: Lúc còn nhỏ thời gian là tám vạn bốn ngàn năm. Khi làm Thái Tử là tám vạn bốn ngàn năm. Lúc làm bậc Chuyển Luân Vương là tám vạn bốn ngàn năm.

Lúc bỏ ngôi vị ở thế gian mặc pháp y là tám vạn bốn ngàn năm, tuổi thọ của Vua là ba mươi ba vạn sáu ngàn năm. Đó là thần đức thứ nhất của Vua.

Ngài có thể phi hành, chu du bốn châu thiên hạ, bảy báu đều đi theo, cùng các quan tùy tùng. Đó là thần đức thứ hai của Vua.

Ngài có thân tướng đẹp đẽ đoan nghiêm, khỏe mạnh ít bệnh, thân nhiệt điều hòa, không lạnh, không nóng. Đó là thần đức thứ ba của Vua.

Ngài có oai thần thù thắng, tâm luôn hiền hòa, vui vẻ, thấy rõ chánh đạo, lấy chánh pháp để giáo hóa muôn dân. Đó là thần đức thứ ba của Vua.

Mỗi lần nhà Vua đi dạo, Ngài luôn bố thí để tạo thêm phước, đáp ứng những mong muốn của mọi người, ai xin nước uống thì cho uống, ai cầu thức ăn thì cho ăn, ai cầu áo quần xe ngựa, hương hoa tiền bạc châu báu, Ngài đều cho tất cả.

Ngài thương yêu người, vật như cha mẹ thương yêu con. Sĩ dân kính mến Vua như con kính mến cha. Mỗi khi Vua đi dạo, bảo người đánh xe đi từ từ để cho sĩ dân ở trong nước được nhìn Vua lâu hơn. Bản tánh của Vua thì thuần hậu nhân từ, bốn phương thì thái bình. Đó chính là cái đức cùng tột của Vua. Nhà Vua thống lãnh Tiểu Vương gồm đến tám vạn bốn ngàn nước.

Các vị Tiểu Vương ấy mỗi lần vào chầu, khi ấy Vua Đại Khoái Kiến đều mời lên điện, vui vẻ an ủi, giảng nói chánh pháp cho họ nghe, hỏi họ trong nước có thiếu thốn gì không?

Các Tiểu Vương đều thưa: Nhờ thọ ân nặng của Thiên Vương, nên đất nước chúng thần tự thấy đầy đủ mọi điều vui sướng.

Nhà Vua lại ra lệnh: Các vị hãy sửa sang lại Cung Điện của mình như Cung Điện của ta vậy, lấy chánh pháp giáo hóa dân chúng, chớ làm khổ muôn dân của Trời. Ngài lại ban cho các Tiểu Vương áo mão, giày dép, xe cộ, vật báu. Các Tiểu Vương thọ nhận lời dạy bảo của nhà Vua rồi cáo từ lui ra, ai nấy đều hoan hỷ.

Bấy giờ Đại Vương sửa lại pháp điện, dài bốn mươi dặm, có bốn tầng cấp bậc, tất cả đều làm bằng hoàng kim, bạch ngân, thủy tinh, lưu ly.

Nhà, tường, lan can, cây trụ, xà ngang gác trên cao, trụ trên cây vuông, xà ngắn, đòn dông dưới mái hiên che, từ trên xuống dưới, giường tòa, ghế, chiếu đều làm bằng bốn báu.

Lại ở trên pháp điện có tám vạn bốn ngàn thứ xen lẫn phô bày đẹp đẽ, nào xe cộ, nhà gác đều hiện ra như sao Bắc Đẩu, có giát vàng nơi các khoảng trống giao nhau, phía trước bày ra cái bệ bằng bạc.

Hễ nhà gác bằng bạc thì bệ bằng vàng, nhà gác thủy tinh, lưu ly thì cấp bậc cũng lại như vậy. Ở khoảng giữa của vùng châu báu tô điểm thì treo hoa kết trái, bốn báu xen lẫn che trên trướng, do vàng bạc dệt thành, hoặc nhung đỏ dệt bằng lông thú màu sắc rực rỡ, bốn góc thì làm bằng san hô, riêng ở trên điện, bốn mặt điện đều có ao tắm, tất cả vuông vức rộng một do tuần.

Chung quanh ao tắm sanh ra nhiều cây Đa Lân, có tám vạn bốn ngàn gốc, cao một do tuần, mọc dọc theo các giao lộ.

Mỗi lần Đại Vương đi dạo thì dùng xe voi. Khi đó, Vua Khoái Kiến đem những vật sở hữu của mình để làm phước đối với dân chúng. Buổi sáng Ngài mời các Sa Môn, Phạm Chí lên trên điện để thọ thực.

Nhà Vua tự suy nghĩ: Ngày tháng trôi mau mà ta sắp già rồi, ta đang dùng năm thứ dục này, cùng tạo ra các thứ như nhà báu… ta hãy kiềm chế lòng dục, tự thân tu hạnh thanh tịnh.

Nhà Vua chỉ đi với một người hầu, lên pháp điện, đi vào vùng châu báu trang sức bằng vàng, ngồi trên ngự sàng bằng bạc, suy nghĩ: Thiên hạ tham dâm vô độ, đã có sanh thì phải có tử, hình hài rồi trở về với đất bụi. Tất cả vạn vật thảy đều vô thường.

Nhà Vua đứng dậy, đi vào vùng trang sức bằng bạc, ngồi trên giường bằng vàng, suy nghĩ: Hễ có gặp gỡ thì phải có biệt ly, mọi luyến mộ đều không ích gì. Hãy xả bỏ ân ái, dốc tu phạm hạnh.

Suy nghĩ xong, nhà Vua đứng dậy đi vào vùng trang hoàng bằng thủy tinh, ngồi trên giường lưu ly, tự nghĩ: Ta chống chọi với cái già, bệnh, chết, sửa tâm, đổi thay hành động để trừ bỏ dâm, nộ, si, suy nghĩ về đạo vô vi. Rồi nhà Vua lại đứng dậy đi vào vùng trang hoàng bằng lưu ly, ngồi trên giường thủy tinh, chuyên tâm tư duy, để trừ bỏ pháp ác, tham dục của thế gian, suy nghĩ về đạo vô vi, giữ tâm thanh tịnh, thành hạnh Nhất thiền, kéo dài như vậy thật lâu, bao trùm tất cả.

Bấy giờ, tám vạn bốn ngàn Ngọc Nữ cùng thưa với Ngọc nữ báu đệ nhất rằng: Thiên Hậu biết cho, chúng tôi nghe tiếng, nhưng chưa được thân cận đứng hầu, tỏ tình cung kính Đức Vua. Chúng tôi muốn được bái kiến.

Đáp: Các em hãy trở về tự trang điểm, chúng ta sẽ cùng đến bái kiến.

Bà liền bảo chủ binh báu rằng: Chị em phụ nữ chúng tôi đã từ lâu chưa được thân cận hầu hạ để tỏ lòng kính ngưỡng Thánh Vương, nay chị em chúng tôi thảy đều muốn bái kiến Đức Vua.

Quan chủ binh báu liền sửa soạn tám vạn bốn ngàn thớt voi, trang sức bằng chiến giáp da tê ngưu lát vàng, dây cương bằng châu báu là con bạch tượng Vương có lông đuôi dài màu đỏ là thứ nhất.

Tám vạn bốn ngàn con ngựa, trang sức bằng chiến giáp, da tê ngưu lát vàng, dây cương bằng ngọc báu, chỉ có con Lực Mã Vương thân nó màu xanh biếc, đuôi dài màu đỏ tía là thứ nhất.

Tám vạn bốn ngàn cỗ xe, dùng chiến giáp da tê ngưu bao phủ, trang sức bằng bốn báu, nhưng quan chủ binh báu là thứ nhất.

Có tám vạn bốn ngàn người nữ, mỗi người nữ ngồi một xe, nhưng Ngọc Nữ báu là thứ nhất. Các Ngọc Nữ đi theo sau, đến pháp điện thì xuống xe.

Quân hầu thưa với Đức Vua: Các voi, ngựa, xe cộ, Phu Nhân và Tiểu Vương đều muốn đến bái yết nhà Vua. Nhà Vua ra lệnh quân hầu hãy trải tòa ngồi ở dưới điện. Vua đi xuống pháp điện, trông thấy tám vạn bốn ngàn người nữ, trang sức đẹp đẽ.

Khi ấy mọi người đều trầm trồ khen rằng: Thật không có bút mực nào diễn tả hết vẻ đẹp của các người nữ thuộc hàng Vua chúa, chỉ có họ mới tuyệt đẹp như vậy.

Ngọc Nữ thưa: Chúng tôi xa cách Vua đã lâu, không được thân cận để hầu hạ, cho nên mới trang điểm và cùng đến đây, mong được bái kiến Đức Vua. Lúc này, Đức Vua đang ngồi. Các người nữ đều đến phía trước, cúi lạy xong rồi ngồi qua một bên.

Ngọc nữ báu đến trước Đức Vua thưa: Nay đây tất cả voi, ngựa, xe, Ngọc Nữ, Tiểu Vương đều là sở hữu của Vua, mong Thiên Vương lưu tâm chiếu cố để cùng vui thích. Lại trong tám vạn bốn ngàn nước thì Thiên Vương đứng đầu, tám vạn bốn ngàn chiếu giường đơn thì giường đại chánh là bậc nhất, mong Thiên Vương lưu tâm để nuôi dưỡng tánh mạng.

Đức Vua đáp: Này các muội! Sở dĩ ta ngày đêm tự chế ngự nơi bản thân, chánh tâm, hành từ là chỉ muốn xa lìa cái tham dục này thôi.

Vì sao?

Vì tánh ganh ghét của người nữ làm hại đến thân ta. Cho nên ta bỏ dục để xa lìa lỗi lầm ấy.

Ngọc nữ báu rơi lệ thưa: Này Thiên Vương! Vì sao Đức Vua lại riêng chọn việc cắt bỏ ái dục?

Gọi chúng tôi là các em?

Lìa bỏ ân tình, khiến cho các cung nữ hầu như tuyệt vọng?

Chúng tôi muốn biết Thiên Vương giữ giới, chánh tâm, hành từ là để làm gì?

Chúng tôi cũng nguyện cùng nhau dốc lòng tu theo Đức Vua.

Vua đáp: Tâm từ, hạnh chánh thì không rơi vào các lậu, vứt bỏ dục lạc, tu đức để giữ sự thanh tịnh, vì nghĩ rằng sự sống ngày càng rút ngắn mà mạng người thì qua mau, người và vật đều là vô thường, chỉ có đạo mới là chân thật.

Do đó, ta đối với các thứ voi, ngựa, xe, Cung Điện, Quốc Độ, Tiểu Vương, nữ nhân, ái dục đều xa lìa tất cả, không còn trói buộc tâm ý ta nữa.

Nếu ai muốn lo cho thân mình hãy xem trong khoảng đất Trời này hễ có sanh thì không tránh khỏi tử. Vậy các muội hãy nên giữ tâm chân chánh, hành từ bi, đừng nên buông lung tâm ý mà bị đọa lạc vào nẻo phiền não sinh tử.

Ngọc nữ báu rơi nước mắt tâu: Nay Thiên Vương đã tự kiềm chế thân tâm, không muốn rơi vào nẻo phiền não khổ lụy, vì nghĩ rằng sự sống ngày càng rút ngắn, mà mạng người thì qua mau, nên ẩn cư để lo cho thân, giữ tâm, tu hạnh thanh tịnh.

Do suy biết, con người và vạn vật, hễ có sanh thì không tránh khỏi tử, nên xa lìa mọi thứ sở hữu, để tâm ý không bị cấu uế. Chúng em nguyện phụng thờ giới sáng suốt ấy, không bao giờ dám quên. Đức Vua dùng tâm từ đáp tạ các người nữ, rồi bảo họ lui ra.

Ngài lên pháp điện, vào chỗ trang hoàng bằng vàng, ngồi suy nghĩ về tâm từ, quên hết tất cả những oán hận, không còn tâm ganh tỵ xấu ác, tiến lên suy tư về đại đạo, vô lượng đức hạnh, lòng từ rải khắp thế gian, để tự mình thức tỉnh, chế ngự.

Ngài lại đứng dậy đi vào chỗ trang hoàng bằng bạc ngồi suy nghĩ về tâm bi, quên hết sự oán hận, không còn tâm ganh ghét xấu xa, tiến lên suy tư về đại đạo, vô lượng đức hạnh, lòng bi rải khắp thế gian, để tự kiềm chế, thức tỉnh.

Ngài lại đứng dậy đi vào chỗ trang hoàng bằng thủy tinh, ngồi suy nghĩ về tâm hỷ, quên hết tất cả những oán hận, không còn sự ganh ghét xấu ác, tiến lên suy tư về đại đạo, dùng vô lượng đức hạnh, lòng từ rải khắp thế gian, để tự kiềm chế và thức tỉnh.

Ngài lại đứng lên đi vào chỗ trang hoàng bằng lưu ly, ngồi suy nghĩ về sự phòng hộ tâm, quên hết những oán hận, không còn tâm ganh tỵ xấu xa, tiến lên suy tư về đại đạo, dùng vô lượng đức hạnh muốn che chở cho tất cả, để tự chế ngự, thức tỉnh.

Nhờ dốc thực hành bốn đại phạm hạnh này nên bỏ được tâm ái dục, tu nhiều hạnh thanh tịnh. Nhà Vua thực hành như vậy, nên liền được tự tại, lúc chết được an ổn, thân không đau khổ, giống như lực sĩ, trong khoảng thời gian một bữa ăn ngon, thần thức đã sanh lên Cõi Trời thứ bảy là Phạm Thiên. Vua Chuyển luân Đại Khoái Kiến lúc ấy chính là thân ta ngày trước.

Như vậy, này A Nan!

Ai có thể biết được điều này, kiếp trước của ta là Chuyển Luân Vương, có bảy báu tự nhiên thực hành chánh pháp, có bốn đức, thường không tham đắm.

Bấy giờ, từ thành Câu Di, trải rộng ra bốn trăm tám mươi dặm đều ở trong phạm vi thành của Thiên Vương. Thời trước của ta lại làm Vua Sát Lợi, đã sáu lần bỏ thân trong đất này và nay nữa là lần thứ bảy.

Nay ta thành Phật, đã đoạn trừ sanh tử, từ đây về sau, không còn tạo thân nữa. Ta cũng đối với tất cả mọi sự việc đều đã hoàn tất. Ta hiện ở phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, tùy phương mà giáo hóa. Sau ba tháng nữa, ta cũng để xương cốt ở nơi đây.

Hiền Giả A Nan thưa Đức Phật: Sau khi Phật diệt độ, phải làm phép an táng như thế nào?

Đức Phật dạy: Ngươi hãy im lặng. Các Phạm Chí, Cư Sĩ sẽ tự vui thích lo liệu việc ấy.

Lại hỏi: Các Phạm Chí, Cư Sĩ sẽ an táng bằng cách nào?

Đức Phật dạy: Nên làm theo phương pháp an táng của Chuyển Luân Vương. Hãy dùng lụa kiếp ba mới quấn quanh thân thể, rồi lấy năm trăm xấp giạ tiếp tục quấn lên trên, đặt vào Kim Quan, rưới dầu mè, làm chất dầu thấm đều xong nâng Kim Quan lên đặt vào trong cái quách lớn bằng sắt.

Lấy các thứ gỗ thơm chất lên trên mà xà duy, xong thì thâu Xá Lợi, đặt ở ngã tư đường, lập Tháp, dựng đền, lập Đàn Tràng, treo phan, dâng cúng hương hoa, bái yết, lễ lạy. Đó là phương pháp an táng của Chuyển Luân Vương.

Đức Phật bảo Hiền Giả A Nan: Nên vào thành bảo cho các Hoa Thị biết: Nửa đêm hôm nay, Đức Phật sẽ diệt độ, ai muốn cúng dường cái gì thì hãy cố gắng đến đúng lúc, đừng để sau này phải hối hận. Ai muốn gặp Đức Phật để mong được khai mở, hãy nên kịp thời. Hiền Giả liền vâng lời vào thành Câu Di, thấy năm trăm Hoa Thị đang cùng họp nhau bàn luận.

Hiền Giả A Nan bèn báo cho các vị ấy biết: Nửa đêm hôm nay, Đức Phật sẽ diệt độ. Ai muốn cúng dường hãy cố gắng cho kịp thời, đừng để sau này phải hối hận. Ai muốn gặp Đức Phật để được khai mở thì hãy nên đến cho đúng lúc.

Mọi người đều kinh ngạc, buồn bã than: Sao mà nhanh quá, Đức Phật nhập Niết Bàn?

Con mắt của thế gian mất đi, sao mà nhanh thế?

Tiếng kêu bi ai đã lan đến cung Vua.

Vua bảo Thái Tử và các Hoa Thị hãy đem cả quyến thuộc của mình, cùng đến Song thọ, bạch với Hiền Giả A Nan: Chúng con muốn đến trước để đảnh lễ và thăm hỏi.

Hiền Giả A Nan vào bạch với Đức Phật: Thái Tử A Thần cùng các vị bà con hào tộc đồng đến để xin thọ tam Tự Quy, vì không còn bao lâu nữa, Đức Phật sẽ diệt độ. Đức Phật cho vào.

Tất cả đều đến trước cúi lạy xong ngồi qua một bên, Thái Tử thưa: Đức Phật diệt độ, sao mà nhanh quá?!

Đức Phật đáp: Ta vốn đã nói: Thế gian là không chân thật, chẳng có gì là vui, hễ ai ham sống lâu, tham luyến năm dục thì sẽ bị mê lầm mà chẳng còn lợi, chỉ tăng thêm sự sanh tử, thọ khổ vô lượng.

Nay ta là Phật, đã được an nhiên, vô dục đối với các thứ ấy, mà lại còn phải tự mình siêng năng. Những bậc trí giả trong thiên hạ, thường muốn gặp Phật, ưa nghe Kinh Pháp.

Ông đã có ý như vậy cốt phải an lập trên sự tin tưởng, an lập trên giới, bố thí, nghe nhiều, học rộng phát huy trí tuệ. Xây dựng năm chí này để xa lìa tham đắm cấu uế.

Như vậy đời đời sẽ được phú quý, tiếng lành đồn xa, mạng chung sanh lên Cõi Trời, được an lạc, có thể đạt được Nê Hoàn. Đức Phật giảng nói như vậy, Thái Tử và các Hoa Thị đều đảnh lễ Phật rồi cáo lui.

Bấy giờ, Vua và mười bốn vạn người nam nữ lớn nhỏ trong nước, theo giờ đã định, liền đi đến Song Lâm, thưa với Hiền Giả A Nan: Cho phép chúng tôi đến bái yết Đức Phật để nghe lời Ngài dạy. Hiền Giả xin Đức Phật cho phép họ được vào. Nhà Vua liền dẫn các Bậc Hiền Giả trong nước tiến lên đảnh lễ Đức Phật, xong rồi ngồi qua một bên.

Lúc này, nơi phía trước không có đèn đuốc gì cả. Đức Phật bèn phóng một luồng hào quang từ trên đỉnh đầu chiếu sáng đến hai ngàn dặm.

Đức Phật dạy: Thật là cực nhọc cho Đại Vương và các quần thần đã đến đây.

Vua thưa: Đức Phật sắp diệt độ, vậy Ngài có dạy bảo gì không?

Đức Phật bảo nhà Vua: Từ khi ta thành Phật đến nay là bốn mươi chín năm. Những Kinh, giới ta giảng nói, tất cả đã đầy đủ. Các Bậc Hiền tài ở trong nước của Vua đều đã lãnh hội. Nhà Vua cùng quần thần đều tỏ ra thương cảm, buồn bã.

Đức Phật bảo nhà Vua: Từ xưa đến nay, Trời, Thần, người, vật, hễ đã sanh thì không tránh khỏi chết. Chết mà không diệt, duy chỉ Nê Hoàn là an vui.

Vua không nên buồn bã làm gì, chỉ nên nghĩ đến điều lành, cải đổi những lỗi lầm ở quá khứ, tu tỉnh ở tương lai, để sửa trị việc nước, đừng vô cớ tăng thêm bạo ác, phải hậu đãi kẻ hiền lương, hãy ân xá, khoan thứ kẻ bị mắc các lỗi nhỏ, thi hành bốn ân để an ủi vỗ về lòng người.

Những gì là bốn?

1. Thường bố thí cứu giúp, không lúc nào thấy là đủ.

2. Nên lấy lòng nhân ái xem dân như con của mình.

3. Vì lợi người nên giáo hóa họ theo đường lành.

4. Nên chia lợi cho kẻ dưới để cùng vui hưởng.

Nếu nhà Vua làm được như vậy thì thường được phước đức lớn. Kiếp trước của ta, nhờ thực hành bốn ân này, tích lũy qua nhiều đời cho nên mới được thành Phật.

Đức Phật nói kệ:

Đã ngộ, Phật Chí Tôn,

Bỏ dâm, sạch, vô lậu.

Bậc trí, thầy Trời, người,

Theo Ngài được an vui.

Phước báo được diệu lạc,

Nguyện lớn dốc thành tựu.

Dõng mãnh đạt giải thoát,

Ta sắp nhập Nê Hoàn.

Vua cùng mọi người đồng đứng dậy lạy Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.

Bấy giờ, ở trong thành có một dị học già, tuổi đã một trăm hai mươi, tên là Tu Bạt, nghe Đức Phật vào nửa đêm nay sẽ diệt độ, ông tự nghĩ: Ta có sự nghi ngờ về pháp, thường mong được đức Cù Đàm một lần khai mở, ý của ta đã đúng lúc.

Khi ấy, ông liền đứng dậy, tự gắng sức đi đến Song Thọ, thưa với Hiền Giả A Nan: Tôi nghe đức Cù Đàm, vào nửa đêm hôm nay sẽ diệt độ, vậy tôi muốn được gặp Ngài để xin giải quyết sự nghi ngờ.

Hiền Giả A Nan đáp: Thôi đi, thôi đi!

Này Tu Bạt! Đừng có gây phiền hà cho Đức Phật.

Tu Bạt năn nỉ đến hai, ba lần: Tôi nghe Đức Phật là bậc Như Lai, Chí Chân Chánh Đế Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu Phật, Chúng Hựu, rất khó được gặp, như hoa âu đàm, trăm ngàn vạn năm mới nở một lần.

Xin được gặp Ngài một lần để gỡ mối nghi. Hiền Giả A Nan vì sợ làm phiền đến đức Như Lai cho nên không muốn thưa lại Đức Thế Tôn.

Trí huệ của Phật luôn thông tỏ, thanh tịnh hơn người thường, do đó Ngài biết được, liền bảo Hiền Giả A Nan: Đừng ngăn chận, hãy cho ông ấy vào. Đây là lúc cuối cùng ta sẽ hóa độ cho ông cụ ngoại đạo Tu Bạt.

Tu Bạt được vào, trong lòng vui mừng, phát sanh thiện tâm, thấy Phật hoan hỷ, cung kính, thăm hỏi đúng lễ rồi, đứng qua một bên, bạch Đức Phật: Tôi có điều muốn hỏi, vậy Ngài có vui lòng giải đáp điều nghi cho tôi được không?

Đức Phật nói: Cứ hỏi, tùy theo ý ông muốn, nghe rồi sẽ giải thích.

Tu Bạt thưa: Kẻ học thức đời nay ai cũng tự xưng là thầy. Đó là Cổ Quy Thị, Vô Thất Thị, Chí Hành Thị, Bạch Lộ Tử Thị, Diên Thọ Thị, Kế Kim Phàn Thị, Đa Tích Nguyên Thị và Ni Kiền Tự.

Tám người ấy là do người khác truyền lại, hay do tự biết được?

Đức Phật bảo Tu Bạt: Họ khác với Phật. Những người ấy tự tạo ra con đường tà vạy, tham sanh, mê tưởng.

1. Gọi là tà kiến tức không biết đời này đời sau, việc làm tự cho là đúng, ưa thích bói toán để cầu phước sống lâu.

2. Tà tư, nhớ nghĩ ái dục, dấy tâm tranh cãi, sân hận.

3. Tà ngôn, nói lời dèm pha một cách hư dối, dua nịnh, bêu xấu, nói lời thêu dệt.

4. Tà hạnh, có ý sát sanh, trộm cắp, dâm dật.

5. Tà mạng tức cầu lợi lộc, cơm áo không đúng chánh đạo.

6. Tà trị tức không thể ngăn chận điều ác, không thể thực hành điều thiện.

7. Tà chí, tâm tham chuyện dục lạc, thân đau khổ mà cho là thanh tịnh.

8. Tà định, chú tâm mong cầu, không thấy được con đường giải thoát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần