Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Ba đường, Ba Thừa - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM BA MƯƠI
PHẨM BA ĐƯỜNG, BA THỪA
PHẦN BA
Đức Thế Tôn đã vì Tôn Giả Xá Lợi Phất nói xong bài kệ ấy, bấy giờ nơi tòa ngồi có tới bảy ngàn vị Cư Sĩ thảy lìa bỏ tâm ý kiêu mãn, cao ngạo, không còn tham đắm cảnh vinh hoa, tự nghiêm khắc thống trách mình: Chúng ta vì si mê lầm lạc nên mãi tham đắm nơi cõi thế tục quá lâu, nay mới được nghe chánh pháp sâu xa, cốt yếu của Đức Như Lai.
Thế rồi các vị Cư Sĩ liền rời chỗ ngồi đứng dậy đến trước Đức Phật cung kính đảnh lễ ngang chân Phật, xong thì thảy cùng phát tâm với thệ nguyện lớn rằng: Chúng con nguyện mong muốn được sinh về Quốc Độ ấy.
Kính bạch Thế Tôn! Với thần lực sẵn có sẽ tiếp độ cho chúng con, không khiến cho người cùng thệ nguyện nửa chừng bị trở ngại.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các vị cư sĩ: Các vị đã phát đạo tâm thật là khó có được! Ta sẽ ấn chứng cho các vị thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Các vị Cư Sĩ nghe Đức Phật đã thọ ký cho mình, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đi vòng quanh chỗ Đức Phật ba vòng, rồi cung kính đảnh lễ Phật và trở lại chỗ ngồi cũ.
Lúc này Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nay được nghe Đức Như Lai Vô Thượng, Chánh Giác đã thuyết giảng về các vị Đại Bồ Tát với các hành của ba đường, ba thừa. Đức Như Lai cũng lại giảng về các hành nơi ba đường ba thừa của hàng Bồ Tát Bích Chi Phật.
Các vị nơi chúng hội này được nghe Chánh Pháp ấy thảy đều phát nguyện tu tập đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thuận theo nhất tướng để hành hóa không hề đánh mất cõi gốc, thực hiện các Phật Sự với các pháp chẳng thể nghĩ bàn.
Nhưng chưa được nghe Đức Như Lai giảng về hàng Bồ Tát Thanh Văn với các hành của ba đường, Ba Thừa.
Kính bạch Thế Tôn! Lúc này là rất thích hợp sẽ vì chúng hội mà diễn giảng rộng về các pháp quan trọng khiến cho những ai còn hồ nghi sẽ hoàn toàn dứt hết do dự.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Tôn Giả hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, ghi nhớ! Ta sẽ vì Tôn Giả mà mỗi mỗi nêu bày rõ.
Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con xin lắng nghe!
Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Về phương Tây Bắc cách cõi này hơn trăm ngàn ức hằng sa Quốc Độ, có Cõi Phật tên là Sư tử khẩu, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Pháp Thành Tựu Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, hiện tại đang thuyết pháp.
Nẻo hành hóa của bậc Đại Thánh ấy không chốn nào là không đến khắp, các pháp của các vị Bồ Tát thảy đều đầy đủ. Quốc Độ đó luôn thanh tịnh, mọi uy nghi phép tắc đều hoàn bị, thọ mạng hết sức lâu dài, không có ba nẻo luân hồi xấu ác, luôn dùng hương thơm của giới đức để tự đem lại an lạc, lại dùng năm phần Pháp Thân làm giới luật.
Cõi ấy cũng có ao tắm rộng lớn trong lành thù thắng, hương thơm luôn xông tỏa ngào ngạt khắp chốn. Cõi Sư tử khẩu đó luôn tịch tĩnh vắng lặng không có sỏi cát nhơ nhớp, cũng chẳng có núi sông vách đá, hình thể rộng rãi bằng phẳng.
Ao tắm rộng lớn nơi cõi ấy đã sâu thẳm mà nước rất trong lành hết thảy các vị Thánh Hiền đều tập hợp đông đủ nơi ao tắm đó để tận hưởng sự an lạc thuần khiết. Trong ao có loài rồng, có đến ba mươi hai đầu, thần đức vô lượng theo thời mà tuôn mưa thấm nhuần khắp mọi Thế Giới.
Nơi chính giữa ao rộng có một tòa cao làm bằng bảy thứ châu báu cao rộng tới một ức do tuần. Các vị đạt quả Thanh Văn Bồ Tát thừa đều đi đến tòa ngồi vô úy bảy báu để diễn nói về ba mươi hai nẻo hành hóa thù thắng đặc biệt của hàng Bồ Tát cùng các pháp sáu độ, bốn tâm vô lượng là những pháp không sinh diệt, thảy đều do sở nguyện từ đời trước nên được sinh nơi Thế Giới ấy.
Bấy giờ Đức Thế Tôn, vì Tôn Giả Xá Lợi Phất mà nói bài tụng:
Thanh Văn Bồ Tát thừa
Công sức chẳng nghĩ bàn
Ánh sáng chiếu khắp chốn
Lại chẳng thấy tưởng danh
Quốc Độ rất thanh tịnh
Tuệ đạo tự an lạc
Trọn lìa mọi ái dục
Chánh pháp luôn tỏa sáng
Đêm ngày siêng tu tập
Hành thanh tịnh dứt nhiễm
Chẳng thấy gốc tướng pháp
Cùng nơi chốn chứa giấu
Pháp tạng Phật thâm diệu
Đạo quả nhằm giúp đời
Nguyện từ trước nên đạt
Được sinh nơi cõi ấy
Hiền Thánh Quốc Độ đó
Diễn giảng pháp cam lộ
Xua trừ mọi xấu ác
Dứt sinh, lão, bệnh, tử
Tuyên giảng chánh pháp khắp
Hóa độ người vô lượng
Đưa về biển giải thoát
Cõi diệt độ tịch nhiên.
Đại thánh thuyết giảng về các hành của hàng Thanh Văn Bồ Tát Đại Thừa, nên thảy đều rời chỗ ngồi đứng dậy đến trước Đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật và thưa: Kính bạch Thế Tôn! Chúng con nguyện được sinh về Quốc Độ Sư tử khẩu của Đức Như Lai Pháp Thành Tựu, quyết tu tập các hành thanh tịnh, chỉ mong đạt đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Đức Phật nói: Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc Tánh Tử! Các vị với tâm ý rộng mở lớn lao vô bờ như thế nên mới có thể phát tâm Thanh Văn Đại Bồ Tát ấy. Đạo quả đó tất nhiên sẽ thành tựu đúng theo sở nguyện không hề hư dối.
Lúc này, các vị được nghe Đức Thế Tôn thọ ký cho mình nên hết sức vui mừng liền đi nhiễu quanh chỗ Phật ba vòng, rồi cung kính đảnh lễ và trở lại chỗ ngồi.
Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn!
Hôm nay được nghe Đức Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, đã thuyết giảng về ba đường ba thừa của hàng Đại Bồ Tát, cũng đã thuyết giảng về ba đường ba thừa của hàng Bích Chi Phật Bồ Tát, lại thuyết giảng về Thanh Văn Bồ Tát thừa, nhưng chưa được nghe Đức Thế Tôn nói về Thanh Văn, Bồ Tát, Bích Chi Phật thừa, kính mong Đức Thế Tôn diễn giảng rộng đúng lúc khiến cho các vị nơi chúng hoàn toàn dứt sạch hồ nghi.
Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Tôn Giả muốn được nghe nói về Thanh Văn, Bồ Tát, Bích Chiphật thừa thì hãy cố gắng lắng nghe, ta sẽ nêu giảng rõ.
Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con xin lắng nghe!
Đức Phật nói: Này Tôn Giả Xá Lợi Phất! Về phương Tây bắc cách xa cõi này một trăm ức hằng sa Quốc Độ, có Cõi Phật tên là Trú độ, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Thanh Tịnh Quán Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ.
Cõi Phật đó luôn thanh tịnh, không hề quên các pháp Tổng trì, nẻo hành hóa của chư Bồ Tát với các pháp chẳng thể nghĩ bàn để hóa độ mọi chúng sinh cùng hướng về việc tu học đạo giải thoát. Các pháp luôn được phát huy làm sáng tỏ đúng theo con đường hành hóa của bậc Đại giác ngộ với những thần túc biến hóa không hề bị trở ngại.
Quốc Độ ấy cũng có ao tắm rộng lớn thanh tịnh tinh khiết, cây cảnh hoa trái um tùm, hương thơm xông tỏa ngào ngạt, trong ao lại có nhiều thứ hoa như hoa Ưu Bát Liên, hoa Câu Mâu Đầu, hoa Ba Đầu Mâu, hoa Phân Đà Lợi.
Còn có những loài chim kỳ lạ với hàng chục hàng trăm loài, thảy cùng nhảy nhót hót vang đem lại sự an vui cho cảnh ao tắm rộng lớn. Các vị đạt đạo quả Thanh Văn, Bồ Tát, Bích Chi Phật thừa thảy đều được sinh nơi Quốc Độ này.
Nơi chính giữa ao rộng kia có tòa cao làm bằng bảy thứ châu báu, cao rộng như cả một ức Quốc Độ, nhô lên trùm cả cõi chúng sinh. Cả những người phát tâm mong đạt quả Thanh Văn, Bồ Tát, Bích Chi Phật thừa cũng được sinh về Quốc Độ đó.
Bấy giờ Đức Thế Tôn, vì Tôn Giả Xá Lợi Phất mà đọc bài tụng:
Cõi Trú độ thanh tịnh
Chư Thánh thảy vân tập
Cùng thuyết giảng chánh pháp
Biến hóa thật chẳng cùng.
Như Lai thanh tịnh quán
Do nguyện gốc đạt được
Niệm niệm dứt tưởng khác
Dốc tu đạo vô thượng.
Dứt trừ gốc tối tăm
Hào quang trí Phật hiện
Trong ngoài đều thanh tịnh
Lại dứt lo ba độc
Hết thảy mọi chúng sinh
Nghe pháp liền tỏ ngộ
Bồ Tát ba đường, thừa
Không duyên sinh cõi ấy.
Bích Chi ba đường thừa
Lại cũng chẳng được sinh
Thanh Văn Bích Chi thừa
Mới được sinh chốn đó.
Tôn Giả Xá Lợi Phất
Xem cõi thanh tịnh này
Nẻo hóa độ vô lượng
Ta chẳng thể nêu hết.
Đức Thế Tôn nói xong bài kệ ấy, bấy giờ lại có vô số trăm ngàn chúng sinh tự suy niệm rằng: Chúng ta do si mê lầm lạc nên bị đắm chìm trong cõi sinh tử chẳng được nghe pháp lớn Vô úy của Đức Như Lai. Nay mới được nghe Đức Thế Tôn nêu giảng về Quốc Độ hết mực thanh tịnh, căn lành gồm đủ. Chúng ta nguyện sinh được về Thế Giới ấy.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nhận biết tâm niệm hiện có của số đông chúng sinh này, liền nói với Chư Thiên và chúng nhân rằng: Các vị về đời sau này sẽ được sinh về Quốc Độ thanh tịnh ấy, cùng trong một ngày, cùng một danh hiệu thảy đều thành tựu đạo quả vô thượng bồ đề.
Lúc này, số chúng sinh nghe Đức Phật đã thọ ký cho mình, nên hết mực hoan hỷ chẳng thể tự kềm chế, liền rời chỗ ngồi đứng dậy cung kính đảnh lễ ngang chân Phật, đi nhiễu quanh chỗ Phật ba vòng rồi trở lại chỗ ngồi.
Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Con đã được nghe Đức Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thuyết giảng về ba đường, ba thừa của hàng Đại Bồ Tát, lại thuyết giảng về ba đường ba thừa của hàng Bích Chi Phật Bồ Tát, cũng lại được nghe nói về hàng Thanh Văn Bồ Tát thừa, Thanh Văn Bích Chi Phật thừa, hết thảy các vị nơi chúng hội thảy đều vui mừng tin tưởng.
Nay kính xin Đức Thế Tôn nêu giảng về hàng Thanh Văn, Bồ Tát, Thanh Văn thừa khiến cho đại chúng ở đây thảy được khai mở thông tỏ.
Lúc này Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Tôn Giả muốn được lãnh hội về hàng Thanh Văn, Bồ Tát, Thanh Văn thừa, thì hãy cố gắng lắng nghe và khéo suy nghĩ, ghi nhớ! Ta sẽ vì Tôn Giả mà mỗi mỗi phân biệt rõ.
Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con xin hết sức lắng nghe!
Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Về phương Tây bắc cách đây đến những tám mươi bốn hằng sa Quốc Độ, có một Cõi Phật tên là Vô Tận, Đức Phật ở Thế Giới ấy hiệu là Triệt Thính Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ.
Quốc Độ ấy luôn thanh tịnh, chúng sinh nhu hòa, Đức Như Lai Triệt Thính đã dựa theo trí tuệ ba đời để dẫn dắt giáo hóa muôn loài. Các pháp hành hóa của Bồ Tát không hề làm mất các pháp Tổng trì, hết thảy chúng sinh thảy cùng một ý phụng trì chánh pháp, cùng đem lại sự an lạc.
Vô thượng các pháp tam muội luôn được thực hành trong hiện tại, cũng như thực hiện các pháp quán của Chư Phật luôn giữ đúng các điểm gốc quan trọng.
Quốc Độ đó cũng có ao tắm rộng lớn vi diệu không gì sánh kịp, là chốn được các Bậc Thánh Hiền với lòng từ bi lớn lao cùng vân tập đến để vui thích tự tại, chuyển pháp luân với các hành không hề thoái chuyển, khiến cho các vị Bồ Tát thảy đều thành tựu được đạo quả, cũng như những người phát tâm không thoái chuyển nửa chừng. Tất cả thảy được sinh về nơi Quốc Độ Vô tận ấy.
Bấy giờ Đức Thế Tôn, vì Tôn Giả Xá Lợi Phất mà nói bài tụng:
Cõi Vô tận thanh tịnh
Nghe cõi nước Như Lai
Do nguyện gốc đạt được
Mọi tướng đều thành tựu
Hết thảy chư Thánh Hiền
Cùng hợp Quốc Độ ấy
Các đức tự trang nghiêm
Diễn nói pháp vô thượng.
Khai hóa cho muôn loài
Vị giải thoát cùng đạt
Nhập các pháp Tam Muội
Mọi hành luôn gồm đủ.
Gốc từ vô số kiếp
Phương tiện chẳng rời nguyện
Mười lực, vô sở úy
Nên sinh Cõi Phật đó.
Thế Tôn mây từ phủ
Thương xót khắp muôn người
Niệm tưởng không lìa nguyện
Chánh Giác tự nhiên đạt.
Cũng như ánh mặt trời
Thảy chiếu đến vạn loại
Nẻo hành từ Bồ Tát
Đều cùng đội ân ích.
Đức Thế Tôn nói xong bài kệ này, bấy giờ có đến mười ba ức chúng sinh thảy đều phát tâm vô thượng, mong muốn được sinh về Quốc Độ vô tận để tu tập đạo quả Thanh Văn. Thanh Văn thừa dốc lòng tu phạm hạnh vô thượng.
Lúc này Đức Thế Tôn nhận biết tâm niệm của chúng sinh nơi chúng hội, liền mỉm cười, từ miệng phát ra luồng hào quang năm sắc, bay vòng quanh chỗ Phật ba lượt, rồi trở lại nhập vào nơi đã xuất phát.
Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục cho chỉnh tề, rồi đến trước Đức Phật quỳ mọp chắp tay cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Đức Thế Tôn không khi nào cười suông, con mong muốn được lãnh hội diệu ý ấy.
Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Tôn Giả có trông thấy mười ba ức na thuật chúng nhân ấy chăng?
Tất cả các vị ấy, về đời vị lai sau này, qua khỏi hiền kiếp này, thảy cùng chung một nguyện, sẽ được sinh về Quốc Độ Vô tận đó, tu tập các hạnh thanh tịnh và thành tựu đạo quả Chánh Đẳng, Chánh Giác.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Tám - Phẩm Lời Nói
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thập Luân - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Thiền định
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Hai Mươi Hai - Pháp Hội đại Thần Biến - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chủng Trí
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười - Phẩm Bát Nhã Hành Tướng - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Quảng Tụ đà La Ni - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Chú Sư Tháo Dục