Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Thiên Tử Cõi Trời Tịnh Cư Hỏi Pháp - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA MƯƠI TÁM

PHẨM THIÊN TỬ CÕI TRỜI

 TỊNH CƯ HỎI PHÁP  

PHẦN BA  

Lại nữa, này vị Thiên Tử! Giống như núi chúa Tu Di là nơi hợp thành của bốn thứ châu báu, núi chúa Tu Di ấy cũng không dấy niệm cho rằng mình là nơi hợp thành của bốn thứ châu báu, chân đứng vững vàng nơi khoảng chính giữa bốn biển lớn. Bồ Tát đạt được bốn pháp Biện tài cũng như thế, không hề nghĩ về chỗ nêu giảng để ứng hợp của biện tài ấy.

Vì sao?

Vì gốc luôn dứt mọi tưởng niệm. Cũng như đại địa là chốn nâng chở cho muôn vật cây cối hoa quả cùng bao thứ dược liệu rau cỏ thảy đều được sinh trưởng, đại địa cũng không dấy niệm cho rằng mình đã có thể làm cho mọi vật thành tựu phát triển. Đại Bồ Tát cũng như thế, không hề dấy niệm là mình đã hóa độ chúng sinh, thực hiện lòng từ bi lớn lao, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác giúp đỡ dẫn dắt tất cả những người còn bị mê lầm.

Thiên Tử nên biết rằng! Cũng như nước nơi bốn biển lớn đã tạo ra vô số các thứ châu báu, những chúng sinh đã đi đến nơi ấy tìm chọn vật báu, tùy theo ý mình mà chọn lấy đem về, nước biển cũng không sinh niệm cho rằng mình đã sinh ra các vật báu cung cấp cho chúng sinh.

Đại Bồ Tát cũng như thế, cứu độ những kẻ khổ nạn, cấp cho họ bảy thứ châu báu, tức là bảy giác ý, Bồ Tát cũng không khởi niệm rằng mình đã cung cấp pháp bảo bảy giác ý. Nhờ đấy các căn lành đầy đủ làm trang nghiêm cây Bồ Đề với mọi vẻ đẹp để tự tô điểm.

Vì sao?

Vì gốc luôn dứt sạch mọi tưởng niệm.

Thiên Tử nên biết! Cũng như pháp giới làm phát sinh ra các pháp đại từ, đại bi, sáu pháp Ba la mật, pháp giới cũng không khởi niệm cho rằng mình đã làm phát sinh các pháp kể trên. Đại Bồ Tát cũng như vậy, làm phát sinh các pháp giáo hóa chúng sinh nhưng cũng không suy niệm rằng mình đã tạo được nhiều nơi chốn hóa độ.

Thiên Tử nên rõ! Cũng như vị Tỳ Kheo nhập định đoạn trừ mọi tưởng, tâm không chút chuyển động, vị Tỳ Kheo nhập định ấy cũng không dấy niệm cho rằng thần lực nhập định của mình hiện nay đã hoàn toàn tự tại. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, tùy theo chỗ nhớ nghĩ các pháp thảy đều được thành tựu, mọi ngôn thuyết đều chân thực, không hề trái với gốc chính yếu.

Thiên Tử nên biết! Cũng giống như kim cương không gì có thể hủy hoại được.

Vì sao?

Vì bản tánh của nó là như vậy. Đại Bồ Tát cũng không khác, luôn cùng với bản tánh các pháp tương hợp, không hề làm mất cõi tu tập gốc của mình.

Giống như ngọc báu Minh nguyệt ánh sáng tỏa chiếu rộng khắp, ngọc báu Minh nguyệt ấy cũng không dấy niệm cho rằng mình đã tỏa chiếu rộng khắp khiến cho mọi người đều trông thấy ánh sáng của mình. Đại Bồ Tát cũng lại như thế.

Cũng như người đắc đạo Tiên, mọi sở nguyện của tâm ý đều có thể thành tựu đầy đủ, người đạt được năm thần thông đó cũng không khởi niệm cho rằng mình hiện nay mọi sở nguyện của tâm ý đều được thực hiện. Đại Bồ Tát cũng như vậy.

Giống như người có những tài nghệ khéo léo, thông thạo cả lục nghệ, hoặc cùng đao kiếm, hoặc dùng mâu giáo đánh thắng đám đông, người nhiều tài nghệ kia cũng không dấy niệm cho rằng, ta nay đã là người tài giỏi hơn hết trong mọi người, đã hàng phục được đám đông, không kẻ nào sánh ngang ta.

Đại Bồ Tát cũng lại như thế, nhập các pháp tam muội định ý chánh thọ, tạo được sự cảm ứng khắp Cõi tam thiên đại thiên Thế Giới, cũng không tự nêu bày xưng tụng mình, cho rằng ta đã có được thần lực ấy tạo được sự cảm ứng tới các Thế Giới không đâu là không đi đến khắp.

Cũng như vị Chuyển luân thánh vương vốn đã tu tập năm giới mười điều thiện, thống lãnh khắp cả Cõi tam thiên đại thiên Thế Giới, ngàn người con dũng mãnh, bảy thứ châu báu dồi dào, các hàng tiểu vương ở những nơi xa xôi cũng đều đến triều cống.

Bấy giờ vị Chuyển luân thánh vương cũng không dấy niệm cho rằng: Ta nay các đức đầy đủ, tướng tốt trang nghiêm thân thống lãnh bốn cõi thiên hạ.

Vì sao?

Vì hướng của phước báo, tánh là như thế, không hề chống đối mâu thuẫn. Đại Bồ Tát cũng như vậy, tu tập con đường Bồ Tát kính vâng theo lời dạy của Phật, luôn thực hiện việc giáo hóa, cả trời, người đều đội ơn, nẻo hóa độ chúng sinh thật không thể nêu bày, lường tính hết được.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát cũng không dấy niệm: Ta sẽ vì tế độ vô lượng chúng sinh và ở nơi cõi Niết Bàn vô dư mà nhập Niết Bàn. Tánh không là tự như thế, không có chúng sinh nào có thể khiến cho khác đi. Cũng như người nông phu tùy thời mà gieo trồng canh tác không trái với thời tiết.

Hạt giống trước chẳng phải là hạt giống sau, hạt giống sau cũng khác hạt giống trước, mỗi mỗi đều thêm lớn và cùng thọ nhận hội nhập lẫn nhau. Nhưng hạt lúa giống ấy không sinh niệm cho rằng, ta tạo được sự sinh khởi, còn hạt kia thì bị hao tổn.

Vì sao?

Vì bản tánh là tự như thế, không có người nào có thể khiến cho khác đi. Đại Bồ Tát cũng như thế, học tập khắp các pháp, hành hóa con đường Bồ Tát, lại đem gốc công đức của mười điều thiện làm thanh tịnh các căn của chúng sinh, khiến họ đều hướng về đạo giải thoát. Lúc này Bồ Tát không hề dấy niệm, cho rằng mình nay đã tạo được sự tế độ rộng khắp từ đây đến kia.

Vì sao?

Vì bản tánh là tự như thế, không có người nào có thể khiến cho khác đi được.

Cũng như những trận mưa thích hợp theo thời mà tuôn xuống, trăm thứ lúa, cỏ cây theo thời mà tươi tốt, sinh sôi, nhưng những đám mây mưa kia cũng không sinh niệm cho rằng: Ta đã tạo nên sự thấm nhuần kia thì mới có được sự sinh trưởng phát triển.

Vì sao?

Vì gốc là vô tâm. Đại Bồ Tát cũng như thế, tạo nên những đám mây chánh pháp để tuôn xuống những trận mưa làm thấm nhuần khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, khiến cho mọi loài chúng sinh thảy đều được lãnh hội sung mãn đạo pháp, không hề rời bản nguyện hành hóa con đường Bồ Tát.

Bồ Tát cũng không dấy niệm: Ta nay có thể làm tuôn xuống trận mưa pháp thấm đượm khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, khiến cho mọi chúng sinh cùng đều được khai tỏ.

Vì sao?

Vì gốc không tâm ý, tâm với thệ nguyện lớn lao, tánh là tự nhiên như vậy. Đại Bồ Tát như thế là đã nhập pháp tam muội định ý ấy, nên có thể khiến cho chúng sinh đạt được thanh tịnh trọn vẹn rốt ráo, không còn sự thanh tịnh nào hơn. Do đó, có thể khiến cho chúng sinh đạt được sự an lành viên mãn không phải là những thứ an lành tạm bợ khác.

Có thể khiến cho chúng sinh đạt tới bờ bến giải thoát, chẳng phải đến một nơi nào khác. Cũng khiến cho chúng sinh đạt được các pháp tu Ba la mật, không một thế lực nào khác có thể độ được. Cũng lại khiến cho chúng sinh có được sự hoan hỷ trọn vẹn không một sự vui mừng nào khác sánh được. Cũng còn khiến cho chúng sinh đoạn trừ mọi thứ phiền não trói buộc sai khiến, không gì khác có thể dứt trừ được.

Cũng lại khiến cho chúng sinh có được nơi chốn an định với những phước điền tốt đẹp thần diệu, không gì có thể đem lại được. Cũng còn khiến cho chúng sinh thọ nhận tín thí của người với phước đức vượt hơn tất cả, không gì khác có thể đem đến được như vậy. Cũng lại khiến cho chúng sinh hội nhập vào giới luật của hàng Thánh Hiền, không gì khác có thể hội nhập được vào Thế Giới đó.

Cũng lại khiến cho chúng sinh đứng vững vàng không còn thoái chuyển ấy. Cũng còn khiến cho chúng sinh đạt được nhất thiết trí, đi đến khắp các Quốc Độ trong tam thiên đại thiên, không gì khác có thể làm được việc đó. Cũng có thể khiến cho chúng sinh vì mọi người mà làm kẻ dẫn dắt giúp đỡ, không ai khác có thể tạo được sự dẫn đường ấy.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát đã tu tập pháp định ý ấy là đã thực hiện được vô lượng pháp khiến cho khắp thảy mọi loài đều được đội ơn cứu độ, là đã khai mở bản tánh các pháp dẫn tới pháp môn với thệ nguyện rộng lớn vô biên vô hạn chẳng thể nghĩ bàn, không chỉ vì một người để làm thanh tịnh con đường tu Bồ Tát mà là nhằm phổ cặp đến tất cả chúng sinh khó hóa độ.

Đại Bồ Tát ở trong sự giáo hóa ấy khiến lập thích hợp các pháp Ba la mật. Hoặc lúc Bồ Tát do nhằm cứu độ một người mà phải chịu thay bao nỗi khổ não đến cả việc từ bỏ thân mạng.

Hoặc có Bồ Tát vì nhằm hóa độ một người mà trải qua kiếp này đến kiếp khác, ngay từ đầu đã không lìa bỏ thệ nguyện chính, khiến người ấy được hóa độ rồi sao đó mình mới đi vào cõi Diệt độ. Hoặc có Bồ Tát, nhằm làm thanh tịnh cõi của mình nên dốc dứt trừ mọi thứ phiền não trói buộc, trừ diệt mọi cội rễ khổ đau của chúng sinh, đem lại nơi chốn an lạc thanh tịnh, chánh pháp được quy sùng.

Hoặc có Bồ Tát vững tu con đường khổ hạnh, không hề tham đắm phước báo ở Cõi Trời luôn gắn bó với năm nẻo luân hồi để giáo hóa chúng sinh khắp lượt. Hoặc có Bồ Tát bốn vô úy, giáo hóa chúng sinh không hề khiếp nhược sợ hãi.

Hoặc có Bồ Tát đạt bốn biện tài, đối với mọi người đến chất vấn thảy đều giải bày thông suốt. Hoặc có Bồ Tát đảm nhận công việc giảng thuyết hoằng dương chánh pháp, không hề tham vướng vinh hoa mong cầu lợi dưỡng.

Hoặc có Bồ Tát đạt được các pháp tổng trì, nhận rõ cùng thực hiện pháp quán bất tịnh để dốc tu tập. Lại có Bồ Tát đạt được pháp định ý của Phật, tạo được nhất thiết trí chuyển hóa các nẻo vọng, vọng tưởng. Hoặc có Bồ Tát đạt đúng con đường giác ngộ của Phật nên khiến cho hết thảy mọi người cùng xuất gia học đạo.

Hoặc có Bồ Tát đạt được thần thông giác ngộ thực hiện các phương tiện quyền xảo, tùy theo hình loại mà hội nhập giáo hóa. Hoặc có Bồ Tát đạt pháp tam muội Vô hình quán, hội nhập vào cảnh giới hư không hành hóa vượt mọi nghĩ bàn.

Hoặc có Bồ Tát đạt pháp định diệt tận, thể hiện rõ cảnh giới diệt độ nhưng không nhập Bát Nê Hoàn. Hoặc có Bồ Tát đạt bảy nẻo quán tưởng, bên ngoài hiện đủ uy nghi, bên trong đức độ sung mãn. Hoặc có Bồ Tát đạt thiên nhãn thông, quan sát khắp vô lượng Chư Phật trong mười phương tham vấn thọ nhận các pháp chưa từng được nghe để tu tập đem lại an lạc.

Hoặc có Bồ Tát chứng thiên nhĩ thông nghe được khắp mọi thứ âm thanh nhận rõ thiện ác, liền đến nơi để có thể hóa độ không khiến bị đọa lạc vào các nẻo dữ. Hoặc có Bồ Tát đạt được tâm ý thông, dùng mọi diệu lực của thần túc đi đến khắp chốn để giáo hóa muôn loài.

Hoặc có Bồ Tát đạt túc mạng thông, tự biết về thân mạng đời trước của mình cùng của người khác với mọi nơi chốn từng trải qua, tùy theo loại mà hàng phục khỏi bị rơi lạc vào chốn tận cùng. Hoặc có Bồ Tát đạt Lậu tận thông, nên có thể đoạn trừ được hết thảy mọi thứ trói buộc sai khiến chúng sinh.

Hoặc có Bồ Tát an tọa nơi gốc cây Bồ Đề, đạt được mọi thần đức uy nghi phép tắc của Phật, từ đấy mà có được những thành tựu về uy nghi, về tộc họ, về cha mẹ, gia đình… hoặc có Bồ Tát đạt được ánh sáng giác ngộ của Phật, an trụ nơi chốn trụ của Phật, tâm tiến tu như mặt trăng mới xuất hiện. Hoặc có Bồ Tát an trụ nơi Phật tuệ địa, có thể dùng kiếm trí tuệ để chặt dứt mọi thứ phiền não cấu uế.

Như vậy là các vị Đại Bồ Tát đã thực hiện bảy mươi lăm pháp thuộc kho tàng thâm diệu chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, để từ đó thành tựu được đạo quả Phật Đà tối thượng trọn không thoái chuyển, cũng không phải là cõi đạt được của hàng A La Hán, Bích Chi Phật.

Này vị Thiên Tử! Đại Bồ Tát thực hiện trọn vẹn các hành của pháp định ý ấy, nên có thể khiến cho khắp Cõi tam thiên đại thiên Thế Giới thảy trở thành màu sắc vàng ròng, khuyến dụ tất cả muôn loài chúng sinh thảy đều hướng về đạo vô thượng bồ đề.

Này vị Thiên Tử! Như thế là phải nên đem pháp ấy giáo hóa chúng sinh mới thích hợp với giới luật Bồ Tát.

Lại có Bồ Tát tu tập mười hai pháp, nẻo hành hóa không bị trở ngại nên mọi sự lui tiến qua lại luôn thuận hợp cho con đường tu tập của Bồ Tát.

Những gì là mười hai pháp?

1. Hàng phục các thứ ma, thể hiện rõ mười lực.

2. Thực hành các công đức theo tưởng không sinh diệt.

3. Năng dùng thần lực để làm sung mãn tất cả các nguyện.

4. Nương tựa vào diệu lực của tinh thần phá chấp để thấy mọi sự biến hóa của Phật.

5. Như chốn vun trồng căn lành công đức của chính mình, có thể bố thí cho tất cả không chút hối tiếc.

6. Dốc tu tập các pháp bậc nhất, vượt cả hạng lượng mà Phật đã nêu dạy.

7. Biết rõ cuộc sống là khổ nên không tham nhiễm ba cõi.

8. Đạt được gốc vô tận của đạo pháp để tự tạo an lạc.

9. Nhận rõ về nẻo hành hóa của hàng Thanh Văn nên không tham chấp.

10. Biết rõ pháp Duyên Giác nên xa lìa không theo.

11. Thực hành đúng theo chín thứ bậc của đạo pháp vô ngại.

12. Dốc hóa độ thành tựu các bậc cha mẹ cùng hàng quyến thuộc.

Này vị Thiên Tử! Đó gọi là mười hai nẻo gốc của con đường thanh tịnh vô ngại. Các vị Bồ Tát luôn nhớ nghĩ để tu tập thành tựu đạo quả của mình.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần