Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Thiên Tử Cõi Trời Tịnh Cư Hỏi Pháp - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA MƯƠI TÁM

PHẨM THIÊN TỬ CÕI TRỜI

 TỊNH CƯ HỎI PHÁP  

PHẦN HAI  

Thiên Tử thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Sinh diệt diễn biến dần dần nên gọi là quá khứ. Hình sắc hôm qua chẳng phải là hình sắc hôm nay nên gọi là quá khứ. Thân tướng ngày trước chẳng phải là thân tướng hiện nay nên gọi là quá khứ. Sức lực hôm qua chẳng phải là sức lực hôm nay nên gọi là quá khứ.

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại hỏi vị Thiên Tử: Này vị Tộc Tánh Tử! Sự nhận biết về tưởng của thân là khác chăng?

Vị Thiên Tử thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Không khác.

Đức Phật lại hỏi: Danh sắc, cánh lạc là khác chăng?

Thiên Tử thưa: Kính bạch Thế Tôn! Không khác.

Đức Phật lại hỏi: Con đường quan trọng dẫn đến đạo là có khác chăng?

Thiên Tử thưa: Kính bạch Thế Tôn! Không có.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Này vị Tộc Tánh Tử! Hãy nên thận trọng! Kho tàng của Phật rộng lớn chẳng phải như cảnh giới theo ông nghĩ. Các trí nhận biết về quá khứ, hiện tại và vị lai đều là hữu hạn.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp là tương tục, pháp pháp cùng sinh, pháp pháp cùng diệt. Gốc là không pháp, không quá khứ, hiện tại, vị lai, cũng không đời nay đời sao hành thiện hành ác, cũng không Hiền Thánh và các đạo quả chứng đắc.

Này vị Tộc Tánh Tử! Như thế thì làm sao nói là có pháp của ba đời?

Bấy giờ vị Thiên Tử lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Danh hiệu ba đời do đâu mà sinh, do đâu mà diệt?

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Gốc của sinh là không sinh, gốc của diệt là không diệt. Hết thảy các pháp đều như thế, gốc của sinh là không sinh, gốc của diệt là không diệt.

Vì sao?

Vì tánh tự nhiên của các pháp là không.

Vị Thiên Tử lại hỏi Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Đức Như Lai hiện nay, là ở nơi sinh hay là ở nơi chẳng sinh?

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Thân của Như Lai, đối với quá khứ, hiện tại, vị lai cũng không ở nơi sinh, cũng chẳng ở nơi vô sinh, vì thế mà không quá khứ, hiện tại, vị lai.

Vị Thiên Tử thưa: Kính bạch Thế Tôn! Chỉ duy có Bậc Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, là đối với quá khứ, hiện tại và vị lai là vô sinh, hay là tất cả các pháp thảy đều là vô sinh?

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Tất cả các pháp thảy đều là vô sinh, không thấy có sinh cũng không thấy có diệt.

Vị Thiên Tử thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Về ta, người, thọ mạng, chúng sinh, gốc rễ cho đến tu sáu pháp Ba la mật là hữu sinh hay là vô sinh?

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Dấy khởi không có thấy dấy khởi, cũng không thấy không dấy khởi. Các pháp là chẳng thể đạt được mà tự thành tựu, nên gọi là vô sinh. Chư Phật ba đời là không dục, không cấu nhiễm, không thấy có sinh cũng không vô sinh, nên gọi là không chốn dấy khởi. Pháp Tam Muội Chánh thọ cũng lại như thế. Thuyết giảng về chốn thuyết giảng nên gọi là vô ngôn giáo.

Vị Thiên Tử thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Về bốn nơi để nương tựa, bốn con đường tu tập là hữu sinh hay là vô sinh?

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Về bốn nơi nương tựa và bốn con đường tu tập thì gốc là không chốn sinh, huống chi hiện tại lại có sinh, vị lai cũng không sinh.

Vị Thiên Tử thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Về các địa như tịnh địa, tánh địa, bạc địa, bản vô địa, vô dâm nộ si địa là hữu sinh hay là vô sinh?

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Từ pháp có thọ nhận có giữ lấy cho đến tất cả các pháp, từ năm ấm sắc thống tưởng hành thức, si ái, cánh lạc cho đến sinh, lão, bệnh, tử. Từ đạo quả Tu Đà Hoàn cho đến đạo quả giác ngộ vô thượng, cũng thảy đều là chẳng hữu sinh cũng chẳng vô sinh.

Vị Thiên Tử thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là hữu sinh?

Thế nào là vô sinh?

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Đạt được pháp Như ý Ba la mật, như thế là không còn thấy hữu sinh, vô sinh.

Thiên Tử thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là pháp Như ý Ba la mật, cũng chẳng hữu sinh cũng chẳng vô sinh?

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Từ bờ bên này sang bờ bên kia, không còn thấy chúng sinh có sinh có diệt, cũng không còn thấy có nơi chốn, chỗ tích chứa tụ tập, do vậy mà không còn thấy có sinh, cũng không thấy vô sinh.

Thiên Tử thưa: Kính bạch Thế Tôn! Tất cả các pháp cùng với thân tướng Như Lai là ở nơi hữu sinh hay ở nơi vô sinh?

Đức Phật nói: Cũng ở nơi hữu sinh, cũng ở nơi vô sinh. Cũng chẳng thấy hữu sinh, cũng chẳng thấy vô sinh. Vì thế mà bậc Tam Da Tam Phật là chẳng ở nơi hữu sinh cũng chẳng ở nơi vô sinh.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Như các hàng thiện nam, thiện nữ đạt được pháp định ý thông tuệ ấy, quán tỏ các pháp chẳng ở nơi hữu sinh cũng chẳng ở nơi vô sinh. Kính pháp của Như Lai cũng như thế, chẳng ở nơi hữu sinh cũng chẳng ở nơi vô sinh.

Vì sao?

Vì các pháp là không gắn không buộc cũng không giải thoát, vì thế mà hàng phục được bốn thứ ma.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Như các hàng thiện nam, thiện nữ thành tựu được trí tuệ giác ngộ, thì có thể lãnh hội đầy đủ tất cả các pháp, lại nên tu tập mười pháp.

Những gì là mười?

1. Gần gũi với bậc Thiện tri thức mong làm bạn bè.

2. Thực hiện lòng từ bi rộng lớn đến khắp mọi đối tượng.

3. Cố gắng hoàn thành đầy đủ theo ý niệm của các bậc đi trước.

4. Đoạn trừ mọi nẻo trói buộc sai khiến, làm thanh tịnh hết thảy mọi cõi.

5. Tu tập con đường thanh tịnh, vì mọi người mà đảm nhận các việc quan trọng.

6. Gánh vác lấy mọi nỗi khổ, không hề trách cứ về sự thọ nhận của người khác.

7. Giáo hóa những kẻ ngu si, hướng dẫn họ đi theo nẻo chánh pháp.

8. Giáo dục dẫn dạy kẻ si mê lầm lạc, khiến họ tin tưởng chánh đạo.

9. Luôn tương hợp với pháp, không chê trách các đối tượng khác.

10. Dốc tâm phụng trì đạo chánh, không cùng với hàng tà kiến hợp tác hay tham dự vào việc họ.

Này vị Tộc Tánh Tử! Đó gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ tu tập phụng trì chánh pháp, đạt được pháp định ý ấy nên có thể lãnh hội trọn vẹn hết thảy các pháp.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo vị Thiên Tử: Như có các hàng thiện nam, thiện nữ luôn cung kính đối với các bậc Sư Trưởng, lại luôn tu tập mười pháp vô ngại.

Những gì là mười pháp vô ngại ấy?

1. Đi đến khắp mười phương để kính lễ Chư Phật.

2. Đối với các trí tuệ không buộc không cởi, dứt mọi nhớ nghĩ về pháp đoạn diệt.

3. Đối với mọi khổ vui tâm luôn tịch diệt.

4. Ở nơi chốn vắng vẻ tịch tĩnh luôn thực hiện các pháp thiền định tư duy tâm ý không chút rối loạn.

5. Đối với bảy con đường xuất yếu là gốc của các pháp Bồ Tát là không có tăng giảm.

6. Nhận thức về tất cả sắc tướng gốc của chúng là không thực có, không hề thấy có chốn đi tới.

7. Nhận rõ về gốc không hình tướng không thấy có sinh diệt, thông tỏ về lẽ vô thường.

8. Luôn nhất tâm nhập định, lãnh hội được gốc của đạo là như nhiên, không còn vướng chấp các pháp.

9. Luôn tạo được một ý một hành thuận hợp với pháp không hề chống đối, mâu thuẫn.

10. Đối với các pháp không ở trong hay ở ngoài mà là sinh diệt tự nhiên.

Đó là mười pháp vô ngại.

Này vị Tộc Tánh Tử! Như thế là các hàng thiện nam, thiện nữ tư duy nhận rõ về mười pháp vô ngại ấy, thì liền có thể lãnh hội trọn vẹn hết thảy các pháp.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, chỉ trong khoảnh khắc một ý nghĩ đã có thể lãnh hội đầy đủ tất cả các pháp thì phải dốc tu tập mười pháp biện tài đệ nhất nghĩa.

Những gì là mười pháp?

1. Lãnh hội về các nẻo phát sinh và tận diệt của trí tuệ để đạt được trí vô sinh diệt.

2. Bốn bậc luôn bình đẳng, dứt mọi tưởng chấp về tôi ta.

3. Luôn vui vẻ an định, tự giữ mình không hề mất bốn sự tin tưởng.

4. Nẻo tin tưởng luôn hợp ý không trái với bản nguyện.

5. Đạo tâm luôn bền chắc, pháp pháp đều thành tựu viên mãn, chốn hành hóa luôn đúng chánh kiến không trái với gốc các tướng.

6. Dốc tu tập sáu pháp quan trọng, quán các gốc là vô tướng.

7. Đối với mọi oán thù đều xem như nhau, không còn phân biệt thị phi.

8. Tâm tin tưởng hướng về một nẻo, thông tỏ gốc của mọi chốn phát sinh.

9. Giảng dạy trao truyền các pháp không hề dấy tưởng chấp về các pháp.

10. Ý an định như Kim Cang, không làm hủy hoại tánh như.

Này vị Tộc Tánh Tử! Đó gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ đã đạt đủ mười pháp ấy thì liền có thể lãnh hội trọn vẹn hết thảy các pháp.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Như các hàng thiện nam, thiện nữ tu tập mười pháp thể hiện, cũng không dấy tưởng chấp về sự thể hiện đó thì liền lãnh hội đầy đủ tất cả các pháp.

Những gì là mười pháp?

1. An tọa nơi gốc cây Bồ Đề tâm không chút dời động.

2. Luôn vui thích ở nơi chốn vắng vẻ tịch tĩnh, không ưa nơi ồn ào rối rắm.

3. Dốc tu tập ba pháp hướng định nhằm đạt tới cửa Nê Hoàn.

4. Thực hành các pháp định ý thiền tịch để tự dứt trừ các tưởng vọng loạn.

5. Luôn thu giữ kiềm chế tâm ý tu tập đúng nẻo, hoàn toàn lìa bỏ tham đắm vướng chấp.

6. Đối với sự bố thí cả tài thí pháp thí đều không dấy tưởng niệm.

7. Tướng hảo luôn tự trang nghiêm, toả chiếu sáng rực khắp Thế Giới.

8. Sử dụng các phương tiện khiến không ai hay biết.

9. Làm cho chánh pháp được hiển lộ rõ ràng thông qua ánh sáng của trí tuệ giác ngộ.

10. Luôn thọ nhận sự khổ thay cho mọi người không cầu báo đáp lại.

Này vị Thiên Tử! Đó gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ tu tập mười pháp thể hiện không dấy tưởng thế tục thì liền có thể đạt được đầy đủ tất cả các pháp.

Vì sao?

Vì những thiện nam, thiện nữ đó tâm bền chắc như kim cương không gì có thể hủy hoại được. Bồ Tát, với con đường hành hóa các pháp cũng như thế, chẳng phải là hàng A La Hán, Bích Chi Phật có thể đạt được.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Như các hàng thiện nam, thiện nữ dốc tu tập mười pháp thanh tịnh thì lại có thể lãnh hội trọn vẹn tất cả các pháp.

Những gì là mười pháp thanh tịnh?

1. Luôn được thanh tịnh, uế dục chẳng phải là đạo.

2. Đạo luôn dốc một tâm ý, nhiều tưởng không phải là đạo.

3. Đạo luôn biết đủ, nhiều tham dục không phải là đạo.

4. Đạo luôn thể hiện sự tôn kính, kiêu mạn chẳng phải là đạo.

5. Đạo nên thu giữ kiềm chế tâm ý, phóng túng buông lung không phải là đạo.

6. Đạo luôn thể hiện mối tương quan hỗ trợ, không hành hóa chẳng phải là đạo. Pháp thứ sáu trùng lập, cả ba bản đều như vậy.

7. Đạo nên tinh tấn dốc sức, biếng nhác lười trễ chẳng phải là đạo.

8. Đạo luôn thể hiện sự giác ngộ, ngu si mê lầm không phải là đạo.

9. Đạo luôn nỗ lực giáo hóa, kiêu căng khinh thường chẳng phải là đạo.

10. Đạo luôn gần gũi bạn lành, đi theo nẻo ác chẳng phải là đạo.

Này vị Thiên Tử! Đó gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ đã tu tập mười pháp ấy nên đã có thể đạt được đầy đủ hết thảy các pháp. Giống như ánh sáng mặt trời vĩnh viễn xua trừ mọi tăm tối, chiếu tỏa khiến cho mọi người trong thế gian đều được nhìn thấy rõ đối tượng. Đại Bồ Tát cũng như vậy, tu tập hoàn thành mười pháp ấy thì liền có thể lãnh hội đầy đủ tất cả các pháp.

Thiên Tử nên biết rằng! Cũng giống như khối vàng ròng trong ngoài đều sáng tươi không chút cấu bẩn, mọi việc sử dụng để tạo ra đồ dùng đều thuận lợi thích hợp.

Đại Bồ Tát cũng lại như thế, trong thì dứt sạch phiền não bụi bặm cấu nhiễm, ngoài thì ánh sáng trí tuệ tỏa chiếu. Cũng như hư không che trùm khắp hết thảy. Bồ Tát cũng vậy, tu tập hoàn thành mười pháp ấy nhưng cũng không dấy tưởng cho rằng mình đã được thành tựu, từ đấy giáo hóa chúng sinh đoạn trừ mọi thứ phiền não trói buộc.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần