Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Thiên Tử Cõi Trời Tịnh Cư Hỏi Pháp - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM BA MƯƠI TÁM
PHẨM THIÊN TỬ CÕI TRỜI
TỊNH CƯ HỎI PHÁP
PHẦN MỘT
Bấy giờ, Đức Thế Tôn cùng với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nêu giảng về việc nghe pháp, chuyển và không chuyển.
Lúc này có vị Thiên Tử ở Cõi Trời Tịnh Cư, đã từng theo vô lượng Chư Phật quá khứ vun trồng các công đức, kính lễ phụng sự cúng dường Chư Phật Thế Tôn, từ một Cõi Phật này đến một Cõi Phật khác, thông tỏ Pháp tạng, biện tài thông suốt, thực hiện lòng Từ bi rộng lớn đạt đến tánh không của các pháp, dùng phương tiện sinh nơi Cõi Trời để nhằm hóa độ Chư Thiên.
Vị Thiên Tử này liền rời chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục cho ngay ngắn, cùng với cả đám tùy tùng uy nghiêm hết mực đều đứng yên, vị Thiên Tử bước đến trước Đức Phật.
Cung kính đảnh lễ ngang chân Phật và thưa: Kính bạch Thế Tôn! Hàng Chư Thiên chúng con vốn đã vun trồng căn đức từ trước nên nay được sinh ở Cõi Trời hưởng đủ năm thứ dục lạc, với đủ kẻ theo hầu hạ, gọi bảo đều có kẻ thưa hầu, vui chơi nơi ao tắm thỏa thích vô cùng.
Do tu tập phước gì mà được sinh lên Cõi Trời?
Nơi chốn con ngự, cung điện rộng đến bốn mươi chín do diên, cung điện đền đài đều bằng bảy thứ châu báu, so với thế gian thì thật là kỳ diệu. Còn có ao tắm với các hàng cây bảy báu bảy lớp vây quanh.
Vậy thì do tu tập phước gì mà có được những công đức ấy?
Đức Thế Tôn bảo vị Thiên Tử Cõi Trời Tịnh Cư: Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc Tánh Tử! Đã có thể ở nơi trước Như Lai mà nêu hỏi những ý nghĩa ấy.
Ta nay sẽ vì Thiên Tử mà mỗi mỗi nêu bày rõ, hãy khéo suy nghĩ và ghi nhớ!
Hằng sa Chư Phật Thế Tôn thời quá khứ cũng đã thuyết giảng về ý nghĩa đó. Hết thảy Chư Phật hiện tại và vị lai cũng sẽ thuyết giảng về pháp vi diệu ấy.
Này vị Thiên Tử! Ta nay hỏi ông, ông sẽ mỗi mỗi đáp lại ta.
Cõi Trời hiện ông đang ngự ấy, về thời quá khứ trước xa, ông có thể ghi nhớ được hết chăng?
Thiên Tử thưa: Kính bạch Thế Tôn! Không thể được! Chư Thiên quá khứ với những danh hiệu tên họ là không thể ghi nhớ nêu bày hết được.
Đức Phật nói: Này vị Thiên Tử! Thân tướng của ông hiện nay là hữu thường hay vô thường?
Thiên Tử thưa: Như thân con hiện nay, đó là pháp hữu thường, không phải là pháp vô thường.
Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Như cho rằng thân ông hiện nay là pháp hữu thường, thế thì Chư Thiên thời quá khứ hiện nay ở nơi nào?
Thiên Tử thưa: Thảy đều bị hao mòn, hủy diệt.
Đức Phật nói: Này vị Thiên Tử! Chư Thiên quá khứ thảy đều bị hao mòn hoại diệt, thế thì thân ông hiện nay sẽ được tồn tại mãi chăng?
Thiên Tử thưa: Chư Phật thời quá khứ đều chọn lấy cảnh giới diệt độ.
Hiện nay Đức Thế Tôn do đâu mà sinh?
Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Chư Phật thời quá khứ cùng với thân tướng hiện nay của ta là đồng chăng?
Thiên Tử thưa: Không đồng! Vì sao?
Vì Chư Phật quá khứ là ở trong quá khứ, là hiện có trong quá khứ.
Làm sao cho rằng Chư Phật quá khứ thảy đều diệt độ?
Thiên Tử lại hỏi: Là có ba đời hay là không có ba đời?
Đức Phật nói: Có tên gọi ba đời, nhưng nẻo hành của ba đời thì khác.
Thiên Tử lại hỏi: Đức Như Lai nay thuyết giảng là có Chư Phật quá khứ, con thì không còn hồ nghi gì. Lại thuyết giảng về Chư Phật hiện tại trong mười phương, con cũng không hồ nghi.
Làm sao Đức Thế Tôn nói là có Chư Phật đời vị lai?
Đức Thế Tôn nói: Ông nay hỏi ta, là hỏi về ba đời quá khứ hay hỏi về ba đời hiện tại hoặc ba đời vị lai?
Thiên Tử thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con không hỏi về ba đời quá khứ, hiện tại hay vị lai, con chỉ muốn hỏi về Chư Phật ba đời.
Thế nào là Phật ngôn thuyết ở đời vị lai?
Đức Phật bảo Thiên Tử: Về Đức Phật vị lai ấy, có hai nhân duyên.
Những gì là hai nhân duyên?
Hoặc có Chư Phật Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thời quá khứ thể hiện lòng từ bi rộng lớn các tướng đầy đủ, sử dụng các phương tiện quyền xảo, ở trong năm nẻo luân hồi giáo hóa chúng sinh, không hủy hoại pháp giới. Lại hiện nơi thế tục, hoặc làm Phạm Thiên, hoặc hiện thân Đế Thích ẩn chứa hình tượng Đức Phật. Đó gọi là Đại Bồ Tát thành Phật vị lai.
Hoặc có vị Bồ Tát thọ nhận ánh sáng giác ngộ nơi Như Lai, thực hành các Phật Sự, đi đến khắp Cõi Phật trong Tam Thiên Đại Thiên cúng dường phụng sự Chư Phật Thế Tôn. Vì chưa thành Phật nên các tướng chưa đầy đủ, hoặc làm thân Chư Thiên, hoặc làm thân quỷ thần giữ gìn pháp giới.
Này vị Thiên Tử! Đó gọi là thành Phật ở đời vị lai, có nhân duyên ấy.
Lại nữa, này vị Tộc Tánh Tử! Chư Phật Thế Tôn thời quá khứ lại có hai nhân duyên.
Những gì là hai nhân duyên ấy?
Đạt được pháp tam muội Sư tử phấn tấn, ở tại nơi chốn vắng vẻ tịch tĩnh tâm không còn chút vướng chấp, tự tư duy về đầy đủ mười pháp công đức vô lượng và làm thế nào để thực hiện vun trồng những pháp đó. Bồ Tát ấy tu tập pháp nhớ nghĩ theo nẻo nhớ nghĩ của Chư Phật Thế Tôn. Đó gọi là hành vô tận.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Đại Bồ Tát phân biệt rõ tất cả các pháp của Như Lai. Đó gọi là hành vô tận.
Này vị Thiên Tử! Bồ Tát giáo hóa chúng sinh, thảy đều quy ngưỡng về đạo vô thượng Bồ Đề. Đó gọi là hành vô tận.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Bồ Tát nhận rõ về vô lượng Thế Giới của Chư Phật, giáo hóa chúng sinh làm thanh tịnh Cõi Phật, không hề hủy hoại trí tuệ, như chốn nhớ nghĩ đến các pháp mà được thành tựu. Đó gọi là hành vô tận.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Bồ Tát, cũng như Chư Phật Thế Tôn, thực hiện việc giữ gìn giới luật tu pháp giải thoát, nhân việc giữ giới luật ấy mà giáo hóa vô lượng chúng sinh khiến họ thảy đều phát tâm cầu đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Đó gọi là hành vô tận.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Bồ Tát quán Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai thể hiện dũng lực của mình nơi gốc cây Bồ Đề nhằm hàng phục chúng ma, giữ vững tâm như đại địa không gì có thể làm cho lay động. Bấy giờ, ác ma Ba tuần tạo ra vô vàn sự biến hóa đến để uy hiếp lung lạc Đức Phật.
Như hóa làm đầu người thân thú vật, hoặc đầu thú vật thân người. Hoặc người có bốn mắt tám mắt cho tới hàng trăm ngàn mắt. Hoặc hóa làm vượn khỉ cọp beo đến để hù dọa Đức Phật, nhưng Phật dẫn giữ tâm vững chắc như đại địa không hề chao đảo. Đó gọi là hành vô tận.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Bồ Tát ở trong trăm ngàn ức kiếp, luôn ghi nhớ sâu sắc các pháp Tổng trì như luôn có mặt nơi hiện tại. Hoặc nơi một đời cho đến trăm ngàn đời, hoặc nhớ nghĩ một kiếp tới trăm ngàn kiếp, trong ấy với mọi nẻo hành tác hoặc thiện hoặc ác, mỗi mỗi đều phân biệt nhận rõ không hề quên mất. Đó gọi là hành vô tận.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Bồ Tát có thể nhận rõ các hành trong ba đời, chỉ trong khoảnh khắc nháy mắt mọi công đức tốt đẹp đều hiện rõ nơi trước mặt, có thể khiến cho muôn loài trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, kể cả các loài côn trùng có cánh, thân mềm…, thảy đều thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề, hoặc đạt đạo quả A La Hán, Duyên Giác, Bích Chi Phật. Đó gọi là hành vô tận.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Đại Bồ Tát lại nhớ tưởng đến vô lượng Chư Phật quá khứ với con đường hóa độ chúng sinh, thể hiện nơi ba nghiệp thân, khẩu, ý, không hủy hoại các pháp trong khi đem ánh sáng của trí tuệ giác ngộ rộng lớn tỏa chiếu đến khắp mọi nơi chốn. Đó gọi là hành vô tận.
Này vị Thiên Tử! Như thế là các vị Đại Bồ Tát đạt được pháp định ý sư tử phấn tấn ấy thì có thể đạt đầy đủ các pháp trong ba đời.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Hoặc có lúc Bồ Tát phân biệt về mười pháp vô tướng.
Thế nào gọi là phân biệt mười pháp vô tướng?
Như các hàng thiện nam, thiện nữ, tự quán về nội thân nhận rõ các hành các căn đã thuần thục, hoặc có hành thiện, hoặc hành chẳng thiện, hoặc lúc thanh tịnh hoặc lúc không thanh tịnh.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Như các hàng thiện nam, thiện nữ, quán về thân của người khác mỗi mỗi phân biệt nhận rõ về các căn thuần thục, các căn không thuần thục, hoặc lúc thanh tịnh, hoặc lúc không thanh tịnh.
Này vị Thiên Tử! Đó gọi là pháp vô tướng thứ nhất.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Như vị hành giả ấy tự tư duy thâu phục tâm ý dứt mọi vọng loạn, nẻo hành hóa của ta không trái với Thánh Điển, lúc này chư Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác ra vào hay kinh hành cùng với thân, khẩu, ý luôn tương hợp, đem lại pháp bảo để chuyển pháp luân lớn lao, đem tâm vô sinh diệt giáo hóa ba đời chúng sinh chưa được hóa độ. Ở trong ấy tự nhiên đạt được pháp luân, thảy đều hội nhập với vô hạn lượng giới luật của chánh pháp. Đó gọi là pháp vô tướng thứ hai.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Như các hàng thiện nam, thiện nữ, phát tâm với thệ nguyện rộng lớn bao trùm khắp Cõi Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, trí tuệ tư duy cũng không thể cùng tận, âm hưởng vang động thuận lợi không hề bị ngăn ngại, nhận rõ tất cả mọi âm hưởng của chúng sinh.
Hoặc dùng một âm thanh để đáp lại hàng trăm ngàn vạn âm thanh nhân đấy mà nêu giảng đạo pháp, giáo hóa thấm nhuần khắp hết thảy muôn loài chúng sinh. Đó gọi là pháp vô tướng thứ ba.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Như các hàng thiện nam, thiện nữ, chuyển pháp luân vô thượng giáo hóa rộng khắp chúng sinh, đều chọn lấy cõi Diệt độ không bị cấu nhiễm nơi ba đời. Chư Thiên, chúng nhân, các loài ma, ở những chốn chưa từng được nghe thấy Chánh Pháp thì Phật riêng một mình chuyển hóa. Đó là pháp vô tướng thứ tư.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Như các hàng thiện nam, thiện nữ, ở trong một đời xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc thọ trì giới luật, thân đã được thanh tịnh, cũng khiến cho mọi người vui với sự an lạc của mình. Đó gọi là pháp vô tướng thứ năm.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Như các hàng thiện nam, thiện nữ, hành theo tánh hợp không, từ không mà đi đến vô hạn vô lượng, trọn không ngoài tự mình làm công việc giáo hóa chúng sinh, siêu tuyệt vượt hơn Hư Không, chẳng hề bị trở ngại. Đó là pháp vô tướng thứ sáu.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Như các hàng thiện nam, thiện nữ, ở nơi tất cả chúng sinh riêng một mình bước đi không chút hạn chế, ở nơi các pháp trí tuệ nêu bày thông suốt diệu nghĩa, an tọa phóng ánh sáng đến khắp vô lượng Thế Giới trong mười phương.
Hoặc chọn lấy cõi diệt độ thể hiện diệu nghĩa vô thường, hoặc còn hoặc mất, hoặc nêu rõ tướng tốt hoặc ẩn giấu tướng tốt, ở trong ấy giáo hóa vô lượng chúng sinh làm thanh tịnh Cõi Phật. Đó gọi là pháp vô tướng thứ bảy.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Như các hàng thiện nam, thiện nữ, lại có pháp tuệ thông đạt gọi là hàng ma, đạt được pháp định ý này thì sẽ hàng phục được bốn thứ ma, ma ái dục, ma tử, ma Thiên, khiến cho Bồ Tát nương tựa vào pháp ấy mà được thành tựu đạo quả.
Muốn làm vị Pháp Vương tối thượng ở nơi trước mọi người, thì trước nên tu tập pháp định ý hàng ma ấy, đó gọi là pháp vô tướng thứ tám.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Như các hàng thiện nam, thiện nữ, tu học đầy đủ các pháp hội nhập vào chốn thâm yếu có được trọn vẹn gốc các pháp lành, cũng khiến cho vô lượng chúng sinh được hội nhập vào cõi thâm yếu đó. Thể hiện diệu lực của Bồ Tát, tăng trưởng chỉ quán về pháp tận, vô tận, vô sinh diệt, tuy thấy rõ tướng mạo nhưng gốc là không tướng mạo, ngồi nằm luôn tư duy về các hành của Bồ Tát. Đó gọi là pháp vô tướng thứ chín.
Lại nữa, này vị Thiên Tử! Như các hàng thiện nam, thiện nữ, thực hiện đầy đủ gốc của mười pháp lành.
Những gì là mười pháp hành?
Đó là thân có ba pháp, miệng có bốn pháp và ý có ba pháp. Các pháp đều tự tại không tham vướng cấu nhiễm, luôn đạt được vô lượng an lạc giải thoát. Lại có thể đạt được an lạc với trăm ngàn vô lượng các pháp định ý, nơi mỗi mỗi pháp định ý hóa độ vô lượng chúng sinh. Đó gọi là pháp vô tướng thứ mười.
Này vị Thiên Tử! Phàm người tu học phải nên tu tập không pháp, không hành là hành. Không quán là quán. Đó gọi là pháp diệu tối thượng trong các hành, luôn được tất cả Chư Phật khen ngợi đề cao, là nẻo thực hiện các Phật Sự không gì có thể sánh kịp.
Bấy giờ vị Thiên Tử lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Chư Phật ba đời là không ba đời?
Như Thế Tôn đã nêu dạy, Chư Phật quá khứ trở lại tới hiện tại, Chư Phật hiện tại lại đến vị lai, pháp giới là chẳng định, làm sao Thế Tôn nói là có ba đời?
Nghĩa ấy là chẳng thể được! Vì sao?
Vì quá khứ đã dứt thì tạm trở lại nơi hiện tại, hiện tại chưa động thì đã nói tới vị lai?
Vì các pháp là cùng hòa hợp cùng cách lìa, làm sao cho rằng Chư Phật thời quá khứ số lượng như hằng sa?
Chư Phật thời hiện tại và vị lai số lượng cũng như vậy?
Đức Thế Tôn bảo vị Thiên Tử: Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc Tánh Tử! Những điều ông nêu hỏi hiện nay đều là sự nương theo uy thần của Chư Phật đã khiến ông nêu bày được những ý nghĩa ấy.
Hãy cố gắng lắng nghe và khéo suy nghĩ ghi nhớ! Ta sẽ vì ông mà mỗi mỗi phân biệt.
Vị Thiên Tử thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con xin lắng nghe!
Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Quá khứ, do đâu gọi là quá khứ?
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Phẩm Chín
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Hai - Hai Pháp - Phẩm Một - Phẩm Hình Phạt
Phật Thuyết Kinh Thuận Quyền Phương Tiện - Phẩm Một - Phẩm Pháp Sa Môn
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Một - Phẩm Tựa
Phật Thuyết Muôn Pháp Hội Trổ Một Hoa Vô Tướng - Phẩm Mười Năm - Phẩm Như Lai Thọ Lượng