Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Chín - Phẩm âm Hưởng - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM CHÍN

PHẨM ÂM HƯỞNG  

PHẦN BA  

Này các vị Tộc Tánh Tử! Thế nào gọi có chúng sinh đã đạt được thiên nhãn, quan sát khắp hết thảy mọi sắc tướng hữu hình đều có thể nhận rõ đầy đủ không hề có sự nghi hoặc?

Nhớ lại về các hình sắc quá khứ hốt nhiên như hiện ra trước mắt và đều thấu đạt trọn vẹn các đối tượng đó, không bị trở ngai. Thần thông nhĩ thức lại cũng như vậy. Sự nhớ nghĩ cũng được tái hiện nơi trước mắt và tai không hề bị ngăn ngại, tất đều lãnh hội được thông suốt.

Bồ Tát Giải Thích lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như những điều con vừa được nghe thì càng thêm hồ nghi.

Vì sao nhãn thông, nhĩ thông lại thấy được sự việc quá khứ, nghe được âm thanh quá khứ?

Như con hiện tại tự nhận biết về thân mạng đời trước của mình thì liền chỉ có thể tự biết rõ về mọi việc của thân mạng đời trước.

Như nhĩ thức của con nơi hiện tại nhận biết các việc hiện tại, làm sao biết được các việc về quá khứ, vị lai?

Đức Phật bảo Bồ Tát Giải Thích: Hoặc có nhãn thông nhãn định thức, hoặc có nhãn thông phi nhãn định thức. Hoặc có nhĩ thông nhĩ định thức, hoặc có nhĩ thông phi nhĩ định thức.

Nếu các vị Đại Bồ Tát đạt được pháp nhãn thức định thông và nhĩ thức định thông thì liền có thể nhận thấy mọi đối tượng ấy từ lúc mới thọ nhận hình tướng cho tới thân hiện nay và sau này, hoặc lớn hoặc nhỏ trong khoảng ấy đều phân biệt rõ, không làm mất pháp định ý thông.

Đại Bồ Tát cũng lại như thế, nhập pháp định ý ấy, quán tưởng về một cảnh giới Phật, lại lìa cảnh giới đó để quán tưởng về vô số Quốc Độ, trong ấy biến hóa hiện rõ thành tựu năm ấm hay không thành tựu năm ấm.

Hoặc hiện năm ấm nhỏ, hoặc hiện năm ấm địa, hoặc hiện năm ấm thủy, hoặc hiện năm ấm tứ thiên hạ, hoặc hiện năm ấm núi báu, hoặc hiện năm ấm núi Tu Di, hoặc hiện năm ấm núi Thiết Vi, hoặc hiện năm ấm núi Đại thiết vi, hoặc hiện năm ấm là thôn xóm, thành quách đời người, năm ấm với sự vui đùa nơi các ao tắm cùng nơi chốn sinh hoạt.

Hoặc hiện năm ấm với cung điện nơi chốn ở của Chư Thiên, hoặc hiện năm ấm là cung điện Long Vương, hoặc hiện năm ấm là tám bộ quỷ thần, hoặc hiện hình tướng chúng sinh ở Cõi Dục, hoặc hiện Cõi Sắc, và tạo nơi hình tướng chúng sinh ở Cõi Sắc.

Hoặc hiện cõi Vô Sắc tạo ra hình tướng Vô Sắc, hoặc hiện tiểu Thế Giới và tạo ra hình tướng tiểu Thế Giới. Hoặc hiện ngàn Thế Giới, hai ngàn Thế Giới, cho đến Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới.

Hoặc hiện chúng sinh thọ nhận quả báo hay không thọ nhận quả báo, một lúc, một ngày, một tháng, một năm, kiếp thành, kiếp hoại với đủ thứ trong, đục, tốt, xấu, nẻo thiện, nẻo ác, Chư Phật xuất hiện ở đời có các vị Bồ Tát tháp tùng, đều có thể nhận rõ tường tận. Đó gọi là định nhãn thức thông và định nhĩ thức thông.

Đạt được các thần thức của Như Lai tạo cảm ứng đến mười phương Cõi Phật, nhân đấy lễ bái cúng dường Chư Phật Thế Tôn. Lại thấy các vị Bồ Tát dốc sức thực hiện việc cúng dường các loại y phục, thức ăn, giường đệm, đồ nằm, thuốc men chữa bệnh. Lại thấy nơi Cõi Phật với những hiện tượng thanh tịnh, không thanh tịnh.

Lại thấy chúng sinh có người tu tập phạm hạnh, có người chẳng tu tập phạm hạnh. Lại thấy chúng sinh nơi năm nẻo nhận lấy hành không đồng và chỗ tu tập mọi nẻo một khác. Đó gọi là Đại Bồ Tát đạt được định nhãn thức thông và định nhĩ thức thông, quan sát tường tận mọi việc về quá khứ, hiện tại, vị lai mà không có nơi chốn nào bị mất.

Lại nữa, Đại Bồ Tát đạt được nhãn thức thông thì sẽ quyền biến hiện ra vô số cảnh giới chúng sinh chẳng thể nghĩ bàn, bèn có thể biến hóa đủ thứ, đủ loại châu báu, những chúng sinh tìm đến để xin lấy những thứ châu báu đó thì thảy đều bố thí hết, khiến cho họ được sung túc.

Hoặc lại thị hiện Quốc Độ của Chư Phật với bản hạnh thanh tịnh, thảy đều hoàn tất nên không tạo thêm những gì mới nữa. Đó gọi là Đại Bồ Tát đạt được định thức nhãn thông và định thức nhĩ thông, có thể thực hiện đầy đủ tận cùng tất cả các hành.

Bấy giờ Bồ Tát Giải Thích thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Đạt được định nhãn thức thông và định nhĩ thức thông, các hàng thiện nam, thiện nữ ấy ở nơi đạo quả nào để thực hiện việc cúng dường Chư Phật và cúng dường vào những lúc nào?

Đức Phật nói: Những hàng thiện nam, thiện nữ ấy phụng trì tu tập định nhãn thức thông và định nhĩ thức thông đã từng cúng dường hằng sa Chư Phật thời quá khứ, đã đạt được các pháp tổng trì với hành không thoái chuyển, các căn đều gồm đủ và mọi hướng tốt đều thành tựu, cha mẹ đoan chánh, tộc họ đông đảo.

Lại có các vị Bồ Tát tuy được cúng dường, lễ bái Chư Phật Thế Tôn, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, phụng sự kính lễ Chư Phật Thế Tôn nhưng chưa đạt được nhãn thức thông và nhĩ thức thông.

Hoặc có các vị Đại Bồ Tát tuy đạt được nhãn thông nhưng chưa có được đầy đủ gốc của các hành để dùng diệu lực thần túc du hóa đến vô lượng Thế Giới trong mười phương phụng sự cúng dường Chư Phật Thế Tôn.

Hoặc có các vị Đại Bồ Tát tuy đạt được nhãn thông và nhĩ thông nhưng chưa có được định thức nên chẳng có thể biết rõ về mọi nẻo tâm niệm của chúng sinh, chưa có thể giáo hóa chúng sinh và làm thanh tịnh Cõi Phật.

Lại có các vị Đại Bồ Tát sáu pháp thần thông đều thấu triệt, đối với trong ngoài đều không còn bị ngăn ngại, nhưng lại chưa có được đầy đủ bốn pháp môn hành. Hoặc có các vị Đại Bồ Tát ở nơi một Cõi Phật đã đi giáo hóa khắp mọi nơi chốn mà không hề bị cấu nhiễm, tham đắm, nhưng lại chưa có được sự hiểu biết hoàn bị về cội nguồn của chúng sinh.

Hoặc có vị Đại Bồ Tát tự làm thanh tịnh nơi Quốc Độ mình, chúng sinh sinh vào nơi Quốc Độ ấy đều không còn tham dâm, giận dữ, si mê. Tuy được sinh vào Thế Giới ấy nhưng vẫn chưa dứt sạch hết gốc của sự khổ.

Hoặc có vị Đại Bồ Tát phát thệ nguyện lớn lao: Nếu tôi sinh ra sao này, đã sinh vào Quốc Độ nào thì sẽ khiến cho người dân ở Quốc Độ ấy không hề nghe đến tên gọi của ba thừa. Nhưng các vị Bồ Tát đó không đạt được định nhãn thức thông và định nhĩ thức thông.

Lại có các vị Đại Bồ Tát tâm phát thệ nguyện lớn lao: Gốc thệ nguyện của tôi là cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, sẽ khiến cho người dân trong Quốc Độ của tôi thảy cùng một hành, cõi nước luôn thanh tịnh cùng một hình tượng, đúng như sở nguyện nên đã đạt được, không còn hồ nghi. Các vị Bồ Tát như vậy hãy còn chưa đạt được định nhãn thức thông và định nhĩ thức thông.

Lại có các vị Đại Bồ Tát tâm phát thệ nguyện rộng lớn: Như tôi sau này vào lúc thành Phật, đối với mọi chúng sinh có nơi Quốc Độ của tôi, trong một ngày thành đạo thảy đều chọn lấy hết sự diệt độ. Các vị Đại Bồ Tát ấy cũng đều chưa đạt được định nhãn thức thông và định nhĩ thức thông.

Lại có các vị Đại Bồ Tát tâm phát thệ nguyện lớn lao: Nếu tôi sau này vào lúc thành Phật thì sẽ khiến cho hết thảy chúng sinh trong Quốc Độ của tôi, cùng trong một ngày đều thành tựu đạo quả Phật đà. Các vị Đại Bồ Tát ấy là đã đạt được định nhãn thức thông và định nhĩ thức thông.

Bấy giờ, Bồ Tát Giải Thích thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn!

Vẫn có các vị Đại Bồ Tát phát thệ nguyện lớn lao: Như tôi vào lúc thành Phật thì sẽ khiến cho hết thảy chúng sinh trong cùng một lúc đều được thành Phật chăng?

Đức Phật nói: Có chứ, về quá khứ xa xưa trải qua A tăng kỳ kiếp có Đức Phật hiệu là Trụ Vô Trụ Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, Quốc Độ tên là Pháp Diệu, thọ mạng của con người ở cõi ấy là ba vạn năm.

Thời đó, Đức Như Lai Trụ Vô Trụ thọ mạng là mười vạn năm, đã phát tâm với thệ nguyện lớn lao là: Khiến cho chúng sinh nơi Quốc Độ của tôi trong cùng một ngày, một lúc thảy đều thành tựu đạo quả Phật Đà, tức thì ở nơi ngày ấy đều chọn lấy cảnh giới diệt độ.

Bồ Tát Giải Thích lại hỏi Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Vẫn có Chư Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác phát tâm với thệ nguyện lớn lao: Nếu ta sau này vào lúc thành Phật thì sẽ khiến cho mười phương Thế Giới thần thức hư không thảy đều đạt đạo quả Phật Đà chăng?

Đức Phật nói: Chẳng có!

Vì sao?

Vì cảnh giới của chúng sinh thật chẳng thể nghĩ bàn, cõi tận cùng của hư không là không có bờ bến, quá khứ diệt tận chẳng có thể lường tính được, tương lai được sinh ra cũng không có giới hạn.

Đức Phật bảo các vị Tộc Tánh Tử: Trước hiền kiếp này, về vô số A tăng kỳ kiếp thời quá khứ, vượt qua số lượng ấy, lại trải qua vô số A tăng kỳ liếp có Đức Phật hiệu là Bình Đẳng Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, xuất hiện ở đời.

Bấy giờ thọ mạng của con người là một ngàn năm, Quốc Độ luôn được thanh tịnh. Chỉ trong một ngày hiện đủ các loài hữu hình nơi vô số cõi hư không ở mười phương, thảy cùng một ngày đều thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Giác, liền ở trong ngày ấy đều giữ lấy cảnh giới Bát Niết Bàn.

Bồ Tát Giải Thích lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Đức Như Lai Bình Đẳng là Bậc Vô Thượng, Chánh Giác đã thành Phật, lại khiến cho tất cả chúng sinh với vô lượng Thế Giới khắp mười phương cũng như chúng sinh nơi cõi hư không chẳng có bờ bến, thảy cùng trong một ngày đều thành Phật Đạo.

Thế thì sao hôm nay lại còn có Như Lai và chúng con cùng với tất cả chúng sinh?

Làm sao lại còn có các nẻo chúng sinh ở Cõi Trời, Người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục?

Đức Phật bảo Bồ Tát Giải Thích: Thôi, thôi! Tộc Tánh Tử! Hãy nên thận trọng. Ta trước thuyết giảng về việc có được thân người chứ không nói về các nẻo chúng sinh khác.

Bồ Tát Giải Thích lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn!

Vẫn có các vị Đại Bồ Tát phát tâm với thệ nguyện lớn: Chỉ trong một ngày có thể khiến cho mọi chúng sinh trong năm nẻo cùng trong ngày ấy thảy đều thành Phật chăng?

Đức Phật bảo Bồ Tát Giải Thích: Không có.

Vì sao?

Vì tánh hạnh cùng chí hướng của chúng sinh vốn không đồng, lẽ nào có thể cho rằng hình tướng chúng sinh ở các cõi súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục thành Phật được?

Điều ấy là không thể có.

Vì sao?

Vì rốt cuộc thì không thể dùng một thân tướng không phải thân người để trở thành bậc được xem là tôn quý nhất trong loài người được. Theo phương tiện biến hóa thị hiện thì có thể mượn tạm để tế độ khắp các loài.

Đức Phật bảo Bồ Tát Giải Thích: Vô số Chư Phật thời quá khứ.

Từ gốc đã phát tâm với thệ nguyện lớn lao: Khiến cho hết thảy các loài chúng sinh hữu hình cùng với cả cõi hư không thảy đều thành Phật và đều nhập Bát Niết Bàn. Nhưng Đức Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác ấy liền ở trong ngày đó, hóa độ trước chúng sinh trong ba cõi, nhổ sạch gốc của mọi sự khổ và thảy được lại làm thân người.

Đạt được cõi người rồi thì các căn phải đầy đủ, sáu tình cũng không hề thiếu, sau đấy thì mới trong một ngày cùng thành tựu Phật Đạo. Về các tướng đầy đủ thì như ta hiện nay là Bậc Như Lai Vô Thượng, Chánh Giác, Thần trí tự tại, biện tài vô ngại, tất nhiên là sẽ giữ lấy cảnh giới diệt độ.

Bồ Tát Giải Thích thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Bồ Tát với thệ nguyện lớn lao nhằm giáo hóa chúng sinh, trong ấy phải trải qua sự khổ hạnh với vô lượng kiếp.

Vì sao?

Có phải là vì đã không thực hiện ngay đối với chúng sinh trong ba nẻo đều khiến họ đều thành tựu Phật Đạo chăng?

Đức Phật nói: Chẳng thể thành tựu được.

Này các vị Tộc Tánh Tử! Vì sao?

Vì ba nẻo đường ấy chẳng phải là ba nẻo đường thiện.

Như vậy thì làm sao mong muốn ở trong ba đường đó thành tựu được Phật Đạo?

Việc này là chẳng thể được.

Cũng như có người mong muốn có được bảy thứ châu báu lại lìa bỏ chốn có bảy thứ châu báu để đi tìm nơi cõi không, thế người đó có thể tìm được bảy thứ châu báu chăng?

Bồ Tát Giải Thích thưa: Kính bạch Thế Tôn! Không thể tìm được.

Đức Phật nói: Đúng vậy! Đúng vậy! Này các vị Tộc Tánh Tử! Muốn khiến cho chúng sinh nơi ba nẻo ác kia thành tựu được Phật Đạo, điều ấy không thể được.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần