Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Mười Tám - Phẩm đạt đến Vô Lượng - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI TÁM

PHẨM ĐẠT ĐẾN VÔ LƯỢNG  

PHẦN BỐN  

Đức Thế Tôn nói xong bài kệ trên, liền bảo Bồ Tát Tịnh: Này vị Tộc Tánh Tử! Ý ông nghĩ sao?

Đã lãnh hội thấu đáo về ý nghĩa của hữu tình, vô tình chăng?

Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Đúng như vậy! Thật chẳng gì có thể sánh được. Nếu có các vị thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng pháp hữu tình nơi vô tình, vô tình nơi hữu tình thì liền có thể đạt được đầy đủ các pháp.

Vì sao?

Vì hết thảy Chư Phật Thế Tôn cùng các vị Hiền Thánh đều từ việc tu tập chứng đạt diệu nghĩa ấy mà được thành Phật. Từ hôm nay trở về sau này, chúng con, các hàng thiện nam, thiện nữ đều nên dốc lòng ủng hộ các vị thiện nam, thiện nữ ấy đã thọ trì đọc tụng pháp hữu tình nơi vô tình, vô tình nơi hữu tình.

Vì sao?

Vì như con đã lãnh hội nơi Đức Như Lai nêu giảng thì hết thảy Chư Phật trong quá khứ, hiện tại, và vị lai đều do từ việc tu tập chứng đắc diệu nghĩa đó mà thành tựu đạo quả Phật đà. Chúng con cũng dốc tu tập để đạt được diệu nghĩa của pháp ấy.

Bấy giờ có vị Bồ Tát tên là Vô Quán, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai bên hữu, đến trước Đức Phật, quỳ mọp chắp tay cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Chúng con tám người ở trong hiền kiếp này sẽ xin dốc lòng ủng hộ các hàng thiện nam, thiện nữ kia đã thọ trì đọc tụng cú nghĩa thâm diệu ấy, nên sẽ đạt được mười thứ công đức phước báo.

Những gì là mười?

1. Đạt được pháp vô hình tướng.

2. Hội nhập vào pháp tạng sâu xa.

3. Đạt được biện tài bậc nhất.

4. Được vô lượng pháp.

5. Đạt được trí tuệ mẫn tiệp, nhanh nhạy.

6. Không hề rời tâm với thệ nguyện lớn lao.

7. Đạt được các pháp định ý tự tại.

8. Biết được những điều ngược với tâm niệm của chúng sinh.

9. Tâm vô sinh luôn được đứng vững.

10. Hành luôn hợp với gốc tự nhiên.

Nếu các vị thiện nam, thiện nữ dốc tâm thọ trì đọc tụng cú nghĩa thâm diệu ấy thì liền có thể được mười thứ công đức như trên. Như khiến cho các vị thiện nam, thiện nữ khắp nơi các Quốc Độ trong tam thiên đại thiên Thế Giới, thảy đều thành tựu được đạo quả Bồ Tát, thì công đức ấy không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ kia đã thọ trì đọc tụng một cú nghĩa đó.

Vì sao?

Vì các thứ công đức thiện đều từ cú nghĩa thâm diệu kia sinh ra.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Tịnh: Này vị Tộc Tánh Tử! Ý ông nghĩ sao?

Như khiến cho chúng sinh nơi các Quốc Độ trong tam thiên đại thiên Thế Giới thảy đều là Thích Đề Hoàn Nhân, thế thì phước đức ấy nên xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Công đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không như các hàng thiện nam, thiện nữ đứng vững trong niềm tin dốc tu tập gốc ba pháp thiền, công đức phước báo ấy càng hết sức nhiều hơn nữa.

Đức Phật nói: Này vị Tộc Tánh Tử! Như có thể khiến cho mọi chúng sinh nơi các Quốc Độ trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều là bậc Phạm Thiên, mỗi mỗi vị Phạm Thiên đều có thần đức vô lượng.

Vậy thì công đức phước báo ấy nên xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo ấy là hết sức nhiều!

Đức Phật nói: Nhưng không như hàng Đại Bồ Tát trụ địa thứ nhất dốc tu tập ba pháp thiền hành thì công đức phước báo này là không thể lường tính, không thể dùng ví dụ để so sánh, diễn tả.

Đức Phật lại bảo Bồ Tát Tịnh: Này vị Tộc Tánh Tử! Như có thể khiến cho các hàng thiện nam, thiện nữ đã ở nơi địa thứ nhất thảy đều đạt được quả vị Bồ Tát đầy khắp trong tam thiên đại thiên Thế Giới, thế thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo ấy là hết sức nhiều!

Đức Phật nói: Nhưng không như hàng Đại Bồ Tát trụ địa thứ hai dốc sức tu tập ba pháp thiền hành thì công đức phước báo này là chẳng thể lường tính được.

Vì sao?

Vì sự thực hiện ba pháp thiền hành của hàng Bồ Tát trụ địa thứ hai chẳng phải là chỗ của hàng trụ địa thứ nhất có thể đạt được.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh: Này vị Tộc Tánh Tử! Như có thể khiến cho hàng Bồ Tát trụ địa thứ hai thảy đều thành tựu đạo quả, số lượng ấy đầy khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới, thế thì công đức phước báo đó có thể xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phước báo công đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không như hàng Đại Bồ Tát ở địa thứ ba dốc tu tập ba pháp thiền hành thì phước báo công đức ấy thật chẳng thể lường tính.

Vì sao?

Vì hàng Bồ Tát trụ địa thứ ba chẳng phải là hàng trụ địa thứ hai có thể đạt được.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh: Này vị Tộc Tánh Tử! Như có thể khiến cho hàng Đại Bồ Tát trụ địa thứ ba có được đầy đủ ba pháp thiền và số lượng ấy đầy khắp trong tam thiên đại thiên Thế Giới, thế thì công đức phước báo đó có thể xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo đó là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không như hàng Đại Bồ Tát ở địa thứ tư dốc sức tu tập ba pháp thiền hành, công đức phước báo này là chẳng thể lường tính, nêu bày hết được.

Vì sao?

Vì hàng Bồ Tát trụ địa thứ tư thực hiện ba pháp thiền chẳng phải là hàng Bồ Tát trụ địa thứ ba thực hiện ba pháp thiền có thể sánh được.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh: Này vị Tộc Tánh Tử! Như có thể làm cho các hàng Bồ Tát trụ địa thứ tư có được đầy đủ ba pháp thiền, số lượng ấy đầy khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, thế thì công đức phước báo đó xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật lại nói: Nhưng không như hàng Đại Bồ Tát đạt địa thứ năm dốc sức tu tập ba pháp thiền hành, công đức phước báo này là chẳng thể lường tính, nêu bày.

Vì sao?

Vì hàng Bồ Tát trụ địa thứ năm thực hiện ba pháp thiền vượt hơn hẳn đối với Bồ Tát trụ địa thứ tư thực hành pháp ấy.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh: Này vị Tộc Tánh Tử! Như có thể khiến cho hàng Đại Bồ Tát trụ địa thứ năm có được đầy đủ ba pháp thiền, số lượng ấy đầy khắp trong tam thiên đại thiên Thế Giới, thế thì công đức phước báo đó được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo ấy là vô cùng nhiều!

Đức Phật nói: Nhưng không bằng hàng Đại Bồ Tát ở địa thứ sáu dốc tu tập ba pháp thiền hành. Công đức phước báo này là chẳng thể nêu bày, lường tính được.

Vì sao?

Vì hàng Bồ Tát trụ địa thứ sáu thực hiện ba pháp thiền chẳng phải là hàng trụ địa thứ năm có thể đạt được.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh: Này vị Tộc Tánh Tử! Như có thể khiến cho hàng Bồ Tát trụ địa thứ sáu có được đầy đủ ba pháp thiền, số lượng ấy đầy khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới, vậy thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo đó là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng hàng Bồ Tát ở địa thứ bảy dốc tu tập ba pháp thiền hành. Công đức phước báo này là không thể nêu bày, lường tính được.

Vì sao?

Vì hàng Bồ Tát trụ địa thứ bảy thực hiện ba pháp thiền chẳng phải là hàng trụ địa thứ sáu thực hiện ba pháp ấy có thể đạt được.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh: Này vị Tộc Tánh Tử! Như có thể khiến cho hàng Bồ Tát trụ địa thứ bảy có được đầy đủ ba pháp thiền, số lượng ấy đầy khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới, thế thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng hàng Bồ Tát đạt địa thứ tám dốc sức tu tập ba pháp thiền hành thì công đức phước báo này thật không thể nêu bày lường tính được.

Vì sao?

Vì hàng Bồ Tát trụ địa thứ tám thực hành ba pháp thiền chẳng phải là hàng trụ địa thứ bảy thực hành ba pháp ấy có thể đạt được.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh: Này vị Tộc Tánh Tử! Bồ Tát đạt địa thứ chín có được đầy đủ ba pháp thiền có thể khiến cho số lượng ấy đầy khắp cả trong tam thiên đại thiên Thế Giới, thế thì phước đức ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo ấy là vô cùng nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng hàng Bồ Tát đạt địa thứ mười dốc sức tu tập ba pháp thiền hành, công đức phước báo này thật không thể nêu bày, tính kể được!

Vì sao?

Vì hàng Bồ Tát đạt địa thứ mười thực hiện ba pháp thiền chẳng phải là hàng trụ địa thứ chín thực hành pháp ấy có thể đạt được.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh: Này vị Tộc Tánh Tử! Đại Bồ Tát đạt địa thứ mười thực hiện đầy đủ ba pháp thiền có thể khiến cho số lượng ấy đầy đủ khắp cả trong tam thiên đại thiên Thế Giới.

Thế thì công đức phước báo đó được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng hàng Đại Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ dốc sức tu tập ba pháp thiền.

Vì sao?

Vì hàng Đại Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ thực hiện ba pháp thiền chẳng phải là hàng Bồ Tát trụ địa thứ mười thực hiện ba pháp ấy có thể đạt được.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh: Này vị Tộc Tánh Tử! Như các bậc Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ dốc tu tập ba pháp thiền hành, có thể khiến cho số lượng ấy đầy khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới, thế thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói: Nhưng không bằng Đức Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, chỉ trong khoảng chốc lát nhớ nghĩ tu tập ba pháp thiền đạt được công đức, phải nói là không thể nào nêu bày lường tính được. Tất cả Chư Phật Thế Tôn đều từ sự tu tập ba pháp thiền ấy mà có được đầy đủ hết thảy các pháp.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Ba thiền, mẹ các pháp

Sinh ra tất cả pháp

Cứu độ khổ chúng sinh

Nên gọi Nhân Trung Tôn.

Bồ Tát với mười địa

Nẻo thiền đạt chẳng đồng

Tuệ gốc không phân chia

Tâm dừng là bậc nhất

Hiện tại mười sáu pháp

Trong ấy tự an vui

Chẳng dựa gốc ba độc

Nên hợp mười cú nghĩa

Vượt hơn vô lượng cõi

Chẳng mất hành quán gốc

Độ thoát cho muôn loài

Đó là ba thiền hành.

Các pháp như mộng huyễn

Chẳng có cũng chẳng không

Hóa tận tất cả loài

Đó là ba thiền hành.

Tuy chưa đạt Thập Địa

Thực hiện mọi Phật sự

Cùng hiện biến đủ loại

Đó là ba thiền hành.

Mười hai pháp hơn hết

Diễn rõ gốc hành không

Nhận nhập mọi cội rễ

Đó là ba thiền hành.

Sinh tử thật khó lường

Ba đường ấy chẳng ngừng

Thần thức chuyên tự nhiên

Đó là ba thiền hành.

Người đã rõ vô thường

Chẳng đắm vinh thế tục

Bậc chân dứt bỉ thử

Đó là ba thiền hành.

Hữu tình chẳng hữu tình

Vô tình cũng lại thế

Nẻo đạo vượt ba cõi

Đó là ba thiền hành.

Sinh tử gốc không mối

Nhân duyên có các pháp

Lớp lớp chẳng cùng biết

Đó là ba thiền hành.

Từ bi nuôi dưỡng khắp

Chẳng tưởng chấp gốc thân

Pháp tánh không cao thấp

Đó là ba thiền hành.

Nẻo hành gốc Bồ Tát

Chỉ không, vô tướng nguyện

Đạt đến cửa Nê Hoàn

Đó là ba thiền hành.

Đạo từ bốn tâm lớn

Thệ nguyện rộng chẳng lay

Mười tuệ vượt mọi đường

Đó là ba thiền hành.

Đủ thí Ba la mật

Cứu vớt kẻ thấp hèn

Niệm ấy theo chốn đủ

Đó là ba thiền hành.

Giữ giới không chút phạm

Như giữ bình an lành

Niệm niệm chẳng tưởng tạp

Đó là ba thiền hành.

Nhẫn nhục gốc mọi hạnh

Gặp nghịch tâm không thay

Tưởng lặng như hư không

Đó là ba thiền hành.

Vô số kiếp tinh tấn

Trọn chẳng hề biếng trễ

Dạy dỗ muôn chúng sinh

Đó là ba thiền hành.

Chánh thọ ba pháp thiền

Dốc một niệm không chuyển

Cảm ứng khắp mười phương

Đó là ba thiền hành.

Trí tuệ như biển rộng

Bình đẳng không hai nẻo

Xua trừ mọi vọng tưởng

Đó là ba thiền hành.

Phương tiện với pháp không

Biến hiện thật khó lượng

Chẳng chấp nẻo sang hèn

Đó là ba thiền hành.

Đức Thế Tôn nói xong bài kệ này thì liền có hàng trăm ngàn ức chúng sinh thảy đều phát tâm bồ đề vô thượng, mong tu tập đạt ba pháp thiền hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần